Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

HOAN HÔ CHÚA, TẠI SAO LẠI KHÔNG ?

 

 

 

HOAN HÔ CHÚA, TẠI SAO LẠI KHÔNG ?

 

Bùi Ngọc Hiển

 

Nhân đọc một bài viết trên mạng truyền thông điện toán của linh mục Giuse Vũ Thái Hòa, giáo sư Phụng vụ, có tựa đề là : TẠI SAO LẠI “HOAN HÔ” CHÚA TRÊN CÁC TẦNG TRỜI ?, cùng với mấy “câu hỏi và kiến nghị”, nên xin trình bày ở đây vài ý kiến nông cạn, tuy hơi dài.

 

I. Từ ngữ “hosanna”.

 

Cha Giuse viết :

 

Hosanna là tiếng Do Thái, được ghép bởi động từ hoshi’ah, ở mệnh lệnh cách, (có nghĩa là cứu), và từ na’ (xin). Hoshi’ah na’ hiểu sát nghĩa là xin cứu. [1]

 

Catholic Encyclopedia (Từ điển bách khoa Công giáo) tại trang mạng truyền thông New Advent, mục từ Hosanna giải nghĩa về chữ “Hosanna” như sau :

 

“Và dân chúng kẻ trước người sau reo hò rằng : “Hosanna” cho con Đavit. Chúc phúc cho Đấng đến nhân danh Chúa. “Hosanna” trên nơi cao thẳm.” (Matthêu 21:9 ; tham chiếu : Matthêu 21:15, Marcô 11:9-10, Gioan 12:13) ... Thánh Giêrônimô nói từ ngữ (“hosanna”) này có gốc là hai từ ngữ Hipri trong Thánh Vịnh 117 (118), câu 25. Suốt tuần lễ Lều, một tư tế tụng đọc Thánh Vịnh này hằng ngày khi đi chung quanh tế đàn, trong lúc dân chúng được mời gọi “hãy hân hoan trước nhan Thiên Chúa” (Lêvi 23:40). Khi vị tư tế đọc tới các câu 25, 26 của Thánh Vịnh 117 này, kèn thổi lên, và toàn dân, kể cả các bé trai, vẫy các cành lá cọ, đào hương, liễu..., cùng hò reo với các tư tế các lời này : “Ôi lạy Chúa, xin hãy cứu ; Ôi lạy Chúa, xin cho thành sự. Xin chúc phúc cho Đấng đến nhân danh Chúa”. Những từ ngữ Hipri tương ứng với salvum fac hoặc da prosperitatemhoshi'a na. Từ ngữ [hoshi'a na] này được lặp lại quá thường đến nỗi nó bị rút ngắn thành hosanna ; ngày thứ bảy của tuần lễ lều được gọi là Hoshana Rabbah ( הוֹשַׁעְנָא רַבָּא ) trong tiếng Aram (không phải trong tiếng Hipri), nghĩa là “ngày Hosanna Cả”.

 

Lễ Lều là dịp lễ vui mừng lớn, và có thể nói rằng trong dân Do-thái, ai chưa từng dự lễ thì không thể cảm nghiệm được niềm hân hoan đó như thế nào. Do đó, “hosanna” thành ra gắn bó với niềm vui. “Và họ tiến vào ... với lời cảm tạ, với những cành cọ, với thụ cầm, não bạt, huyền cầm, và ca vãn, hát xướng, vì quân thù lớn đã bị tiêu diệt khỏi Israel ; và ông quyết định hằng năm sẽ hân hoan mừng ngày ấy...” (I Macab. xiii:51-52) ; “Và họ hân hoan mừng lễ trong tám ngày, theo cách thức mừng lễ Lều” (II Macab. x:6, 7). Vào những ngày ấy, rõ ràng tiếng “hosanna” đã được vang lên với niềm vui khải hoàn. Giống như mọi tiếng reo hò, thường mất đi ý nghĩa ban đầu, và trở thành lời ca hân hoan mừng rỡ, rõ ràng các đoạn Phúc Âm cho thấy “hosanna” đã được dân chúng reo lên với cùng một cách thức như vậy vào Chúa Nhật lễ Lá. Phúc Âm Luca đã thay “hosanna” bằng : “Bình an trên trời và vinh quang trên nơi cao thẳm”.

...

Từ ngữ “hosanna”, ngay từ những ngày đầu, đã có vị trí trong phụng tự của Hội thánh từ đông sang tây. Có thể gặp thấy “hosanna” trong “Didache”, “Constitutiones Apostolorum” (Định chế của các Tông đồ). Eusebius trong “Lịch sử Hội thánh” (II.23), dẫn lời Hegesippus nói về cái chết của thánh Giacôbê : “Các chứng từ xác nhận và tôn vinh thánh Giacôbê, cũng nhiều như những lời ca ngợi “Hosanna” cho Con vua Đavit”. Thánh Clement thành Alexandria nói điều đó có nghĩa là “sự sáng, vinh dự, ngợi khen”. Thánh Augustinô nói (tạm dịch) : Theo một số câu thơ bằng tiếng Hipri, “hosanna” – tức là “hoshi'a-na” – mang ý nghĩa là lời cầu xin, được dùng làm lời tán thán trong tiếng Latin để diễn tả cảm xúc hơn là nói cụ thể đến một đối tượng nào đó. Trong mỗi thánh lễ, từ ngữ “hosanna” được đọc hai lần trong bài ca “Sanctus” cuối kinh Tiền tụng. Từ ngữ này được hát nhiều lần đang khi phân phát lá khi cử hành nghi thức trọng thể vào Chúa Nhật lễ Lá. Các tín hữu ở nhiều nơi cũng quen reo hò “hosanna” trong nghi thức chào đón giám mục hay các thánh nhân...[2]

 

Sau này, James Strong cũng đồng ý với ý kiến của thánh Giêrônimô. Ông viết trong A Concise Dictionary of the Words in the Greek Testament (Từ điển giản yếu các từ ngữ trong [Tân] Ước tiếng Hi-lạp, thường gọi tắt là Strong’s Greek Dictionary, đây viết tắt là SGD), xuất bản năm 1890, từ ngữ được đánh số G5614, như sau :

 

ὡσαννά hōsanna [ho-san-nah'] có gốc từ hai từ ngữ Hipri là : יָשַׁע  yasha` [H3467] và נָא na' [H4994] ; cả hai từ này đi với nhau có nghĩa là “xin cứu” [3] ; còn “hosanna (tức là “hoshi'a-na”) mang nghĩa là lời reo hò tôn dương.

 

Tóm lại : khi còn ở dạng gốc Hipri là “hoshi'a-na”, thì từ ngữ (kép) này có nghĩa là một lời cầu xin ; nhưng khi được Aram-hóa (tạm gọi thế) thành hosanna, thì từ ngữ mới này mang ý nghĩa (mới) là một lời reo mừng tôn dương.

 

II. Các từ ngữ “hoan hô”, “vạn tuế”, “tung hô”.

 

Cha Giuse đã phát hiện ra một chuyện như sau :

 

... Ngày xưa, trước mặt vua hay hoàng đế, nếu quan thần nào hét to “hoan hô vua”, thế nào cũng bị trừng phạt vì tội khi quân !...

 

Hét to trước mặt vua thì bị tội là đúng rồi. Chẳng riêng gì đời xưa, mà nay thì cũng thế thôi. Ngay trước mặt giám mục, linh mục, thử đã có ai dám hét to không. Nhưng mà bị trừng phạt vì tội khi quân thì không đúng.

 

Trước hết, “hoan hô vua” chỉ có nghĩa là “reo hò mừng vua”. Vua nào thời xưa (hãy nói đến các vua bên Á đông này) mà lại chẳng hiểu ý nghĩa của câu đó. Còn tội gọi là “khi quân”, mặt chữ Nho viết là 欺君 , là tội “lừa dối vua”, tội đó được Nguyễn Đình Chiểu nói đến trong Lục Vân Tiên (các câu 1913 –  1916, bản Duy Minh thị, 1874) :

 

                                                Thái sư trước bệ quỳ tâu :

                        “Ô Qua dấy động qua mâu cũng vì

                                                Trá hôn oán ấy nên gây,

                        Nguyệt Nga nàng thiệt tội thì khi quân”.

 

Nguyệt Nga đã dám lừa dối vua (= khi quân), vì đã đánh tráo “con tì tất tên là Kim Liên” thay mình sang làm “hoàng hậu nước Ô Qua”. Còn “reo hò mừng vua” thì có gì mà ghép vào tội khi quân ! Đây có lẽ chỉ là sự tưởng tượng mà thôi.

 

Cha viết tiếp :

 

... Vậy tại sao, đối với Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta tôn thờ, Chúa của các chúa, Vua của các vua, chúng ta lại “hoan hô” Ngài ? Dưới góc nhìn văn hóa Việt Nam, chúng ta có bất kính, vô lễ với Chúa không ? Sách lễ Rôma tiếng Việt có dịch đúng nguyên bản của Giáo Hội không ?

 

Cái sự gọi là “bất kính, vô lễ với Chúa” chẳng qua là một suy diễn từ sự tưởng tượng “khi quân” trên kia. Cần khẳng định chắc chắn rằng không có gì là “bất kính, vô lễ” ở đây cả.

 

Ngày xưa người ta không “hoan hô vua”, không phải vì đó là câu nói dẫn đến “tội khi quân”, mà vì thần dân trong nước muốn chúc tụng vua thì đã có sẵn những công thức khác nào đó, thường là chúc cho vua được sống lâu [4]. Vì làm vua ở cõi thế này thì “sướng” lắm. Chả biết “tiên” sướng thế nào, chứ vua có lẽ còn “sướng hơn tiên”, cho nên vua nào cũng khoái sống lâu để hưởng những cái sướng đó cho lâu dài. Tần Thủy hoàng đế vì ham sống lâu, nên không nề tiền hao của tốn, sai người đi ra mãi biển đông để tìm thuốc “trường sinh bất lão”. Thuốc chưa tìm thấy thì chính vua đã chết thối dọc đường (chứ không phải kẻ đi tìm thuốc).

 

Sau đấy không bao lâu, đời Hán Vũ đế, năm Nguyên Phong thứ nhất, mùa xuân, nhà vua lên chơi núi Tung, chữ Nho gọi là 嵩山 Tung sơn. Cận thần cho người nấp bên miếu trên núi, khi vua đến thì hô lên ba lần : vạn tuế [= muôn tuổi, muôn năm ; ba lần tức là 30000 năm]. Khi việc xảy ra, vua hỏi, cận thần thưa : đó là núi Tung reo [chữ Nho là 嵩呼 tung hô] để chúc tụng vua. Vua hẳn cũng biết là trò “khi quân”, nhưng vì khoái nịnh cũng như khoái sống lâu, nên chẳng những không “phạt” kẻ bày mưu, mà lúc trở về còn hí hửng ban chiếu kể chuyện ấy “cứ y như thật”.

 

Ba muôn còn ít, nên về sau các “thiên tử” (= con trời ; vua Nhật còn hách hơn, tự xưng là “thiên hoàng” = vua trời !) quy định lời thần dân chúc tụng vua thành ra : “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”. Cộng lại là [chúc vua được sống lâu đến] 100.020.000 năm ! Nhưng có lẽ từ đông sang tây, tự cổ chí kim, chưa có ông vua bà chúa nào sống được quá 100 tuổi (trừ ra vua chúa trong truyền thuyết ; dân đen còn thọ hơn các vua rất nhiều).

 

Đến đây xin phép “đá” qua một tí về vị gọi là “Ngọc hoàng thượng đế”.

 

Thượng đế, chữ Nho là 上帝 , đã xuất hiện trong sách vở Nho học (như kinh Thư chẳng hạn) từ rất lâu, nhưng về sau bị các đạo sĩ của Đạo giáo làm cho “biến tướng”. Họ tưởng tượng ra một vị, đặt cho vị này những cái tên dài thoòng loòng như : 昊天金闕無上至尊自然妙有彌羅至真玉皇上帝 Hạo thiên kim khuyết vô thượng chí tôn tự nhiên diệu hữu di la chí chân ngọc hoàng thượng đế (!), hoặc : 高天上聖大慈仁者玉皇大天尊玄穹高上帝 Cao thiên thượng thánh đại từ nhân giả ngọc hoàng đại thiên tôn huyền khung cao thượng đế (!!). Ngô Thừa Ân đặt vào miệng Như Lai phật tổ nói với Tôn Ngộ Không về tuổi của vị “Ngọc hoàng” này như sau : ... 曆過一千七百五十劫。每劫該十二萬九千六百年 ... [lịch quá nhất thiên thất bách ngũ thập kiếp, mỗi kiếp cai thập nhị vạn cửu thiên lục bách niên = trải qua 1750 kiếp, mỗi kiếp 129600 năm ; tức là đến khoảng đầu thế kỉ II, 500 năm trước khi gặp Đường tăng đi lấy kinh, khoảng thế kỉ VII, vị “Ngọc hoàng” này đã “thọ” được 226.800.000 tuổi !]. Như thế vị này đã hưởng “thành quả ứng nghiệm” của hơn hai lần chúc tụng “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” !

 

Theo các dữ liệu khoa học, có thể kết luận vị này xuất hiện lần đầu trên cõi đời này (nếu sinh ra ở Trái Đất) cùng thời với các loài khủng long (bọn này chỉ tuyệt chủng cách đây khoảng 2 trăm triệu năm). Đây là một trong những lí do để không nên dùng từ ngữ “thượng đế” mà chỉ Thiên Chúa theo đức tin Công giáo.

 

Xin trở lại với cha Giuse. Cha viết tiếp :

 

Thay vì : “Hoan hô Chúa trên các tầng trời”, chúng ta có nên nói : “Vạn tuế Chúa trên các tầng trời” ? hoặc : “Tung hô Chúa trên các tầng trời” ?

 

Cả hai câu chúc tụng (“Vạn tuế Chúa...” và “Tung hô Chúa...”) mà cha đề nghị rõ ràng đều không thỏa mãn yêu cầu do chính cha đặt ra, rằng :

 

“Đối với Thiên Chúa, có từ nào cao trọng và xứng đáng hơn không ?”

 

Chúa là Đấng vô thủy vô chung, tại sao lại trói buộc Chúa vào cái giới hạn thời gian chỉ có “vạn tuế” ?

 

Còn “tung hô”, nguyên là tiếng chúc tụng phát xuất từ câu chuyện được sách Hán thư chép, đã thuật bên trên. Lẽ ra phải nói cho đủ là “ 嵩呼 : 萬歲 Tung hô : vạn tuế” (= núi Tung reo lên : muôn tuổi). Nhưng dù nói tắt là “tung hô”, thì người ta cũng phải hiểu ngầm sau đó là “vạn tuế”, nếu không thì thật vô nghĩa. Tuy vậy, nếu hỏi người Việt xem họ hiểu “tung hô” nghĩa là gì, chắc sẽ có không ít người hiểu “tung hô” giống như tay nào đó đã chú thích cho bức hình sau đây : “Niềm vui của U23 Việt Nam khi tung hô HLV Đinh Thế Nam”.

 



Nếu mà hiểu như thế (và cho rằng hiểu như thế là hiểu đúng), thì chẳng hóa ra “tung hô Chúa” có nghĩa là “tung Chúa lên mà hô”, “tung hô Nữ Vương” có nghĩa là “tung Nữ Vương lên mà hô”... ? Chưa kể trong Sách lễ Rô-ma ấn bản hiện dụng còn có “Tung hô Tin Mừng” (nghĩa là : tung [sách] Tin Mừng lên mà hô ?), “Tung hô sau Truyền Phép” (nghĩa là : tung Mình Máu Thánh Chúa lên mà hô ?).

 

Ngay cả khi hiểu đúng “Tung hô” là “núi Tung reo lên” (có hiểu ngầm “muôn tuổi” theo sau), thì chẳng hóa ra “Tung hô Chúa” có nghĩa là : núi Tung reo lên [chúc cho] Chúa “thọ” được 30000 năm (vì “núi Tung hô đến 3 lần vạn tuế”), “Tung hô Tin Mừng” có nghĩa là : núi Tung reo lên : [chúc cho] Tin Mừng được ba vạn tuổi ?

 

Như vậy, “vạn tuế Chúa...” với “tung hô Chúa...” là những cách nói không những sai trầm trọng, mà còn hết sức bất kính, hết sức vô lễ, vì tán tụng Chúa bằng những từ ngữ phát sinh từ câu chuyện gian dối, đáng bị coi là khi Thiên chứ không còn chỉ là khi quân, thì những kiểu nói đó thay thế cho “hoan hô Chúa...” làm sao được ? Còn nói gì đến “cao trọng và xứng đáng hơn” ?

 

Trong 天主教英漢袖珍辭典 [Thiên Chúa giáo Anh – Hán tụ trân từ điển = Từ điển Công giáo Anh – Hán bỏ túi] do 主徒會恒毅月刊社 [Chúa đồ hội Hằng Nghị nguyệt san xã = nguyệt san Hằng Nghị của hội dòng Congregatio Discipulorum Domini – CDD – còn gọi là hội dòng Môn đồ Chúa] [5], xuất bản ngày đầu năm 2001, có :

 

Hosanna (Heb.) : 賀三納 ; 歡呼之聲 : 為希伯來語呼求讚美天主的歡呼 ; 在彌撒頌謝詞之後歌唱或誦念 [Hạ-tam-nạp (âm quan thoại : hè-sān-nà) ; hoan hô chi thanh : vi Hi-bá-lai (âm quan thoại : xī-bó-lái) ngữ hô cầu tán mĩ Thiên Chúa đích hoan hô ; tại Mi-tát (mí-sa) Tụng tạ từ chi hậu ca xướng hoặc tụng niệm = “Hosanna” : tiếng hoan hô, là tiếng Hipri reo hò để hoan hô tán dương sự tốt lành của Thiên Chúa ; được hát hoặc đọc trong thánh lễ Misa, sau kinh Tiền tụng).

 

Tham khảo nghĩa của “hoan” trong Khang Hi tự điển : có nhiều nghĩa : 1). vui mừng ; 2). tên điện đời Hán, hoặc tên loài cây (đều là 合歡 hợp hoan) ; 3). tên một thứ rượu làm cho quên lo mà lại vui mừng ( 歡伯 hoan bá). Trong những nghĩa này thì hoan trong hai chữ 歡呼 hoan hô ắt phải mang nghĩa 1 : vui mừng. Do đó hoan hô 歡呼 có nghĩa là : hò reo cách vui mừng, vui mừng hò reo.

 

Còn trong 漢語大辭典 Hán ngữ đại từ điển, quyển 6, trang 1476, giải nghĩa hai chữ “hoan hô” như sau : 歡呼 : 快樂的呼叫 . , 元稹 辯日旁瑞氣狀 ” : “ 萬姓歡呼 , 四方來賀 .” [hoan hô : khoái lạc đích khiếu thanh. Đường, Nguyên Trinh : Biện nhật bàng thụy khí trạng : “vạn tính hoan hô, tứ phương lai hạ” = hoan hô là tiếng reo vui mừng hớn hở. Trong bài trạng biện về nhật bàng thụy khí (= khí lành bên mặt trời) của Nguyên Trinh đời Đường có câu : muôn họ reo vui, bốn phương mừng rỡ].

 

Trong bài thơ 往在 [Vãng tại = từng ở] của 杜甫 Đỗ Phủ có câu : 君臣節儉足 , 朝野歡呼同 [quân thần tiết kiệm túc, triều dã hoan hô đồng = vua tôi tiết kiệm đủ, trong triều ngoài nội cùng reo vui].

 

Qua đó thấy được rằng “Hoan hô Chúa trên các tầng trời” có nghĩa là : “Reo vui mừng Chúa trên các tầng trời”. Nghĩa này dù không dịch chính xác 100% nghĩa của hosanna trong bài ca Sanctus, nhưng vẫn còn phù hợp hơn rất nhiều so với những “vạn tuế”, “tung hô” !

 

III. Có nên để nguyên dạng “hosanna” không ?

 

Cha viết tiếp :

 

... Trong Sách lễ Rôma, bản mẫu, cũng như trong nhiều ngôn ngữ quốc tế, ba từ Do Thái được sử dụng trong phụng vụ Thánh Lễ : Amen, Halêluia và Hôsanna. Sách lễ Rôma tiếng Việt chỉ dùng Amen và Halêluia ... có lẽ ta phải dịch như sau : “Hôsanna trên các tầng trời” (theo bản văn phụng vụ), hoặc : “Hôsanna trên chốn cao vời” (theo bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn), để dịch đúng theo bản gốc của sách lễ Rôma : Hosanna in excelsis ! Đa số các nước khác họ cũng dịch như thế !

 

Xin thưa với cha : cha là linh mục, lại là giáo sư Phụng vụ, nên cha dễ dàng đọc đúng và hiểu đúng nghĩa các từ ngữ Amen, Alleluia, Hosanna. Nhưng đối với giáo dân Việt Nam thì chưa chắc.

 

Trừ ra từ ngữ “Amen” hết sức quen thuộc và được viết bằng các mẫu tự không gây lầm lẫn, được đọc đúng. Từ ngữ “Alleluia” không như thế : nơi thì đọc “a-lê-lu-za”, nơi đọc “a-lê-lu-ja”, có nơi còn đọc thành “a-nê-nu-za” (xin lỗi vì đã dùng đến hai mẫu tự không có trong bảng chữ cái tiếng Việt, vì trong tiếng Việt gọi là “hiện đại”, thì thật chẳng còn biết phân biệt làm sao giữa d- với gi- ; và có khi là cả với r- nữa, như đã từng có người đọc “điệu” Giêrusalem thành “Zê-zu-za-lem”). Nhóm phiên dịch CGKPV cho thêm một cách đọc khác : “ha-lê-lui-a”. Các cách đọc trên, dĩ nhiên cả ...-lui-a, làm sai lạc hoàn toàn ý nghĩa của từ ngữ gốc. Cha Nguyễn Thế Thuấn có đề nghị một cách viết là “Hal-lê-lu-ya” (như trong Khải huyền 19:1, thấy trong ấn bản Tân Ước 1965 ; bản Cựu Tân Ước 1976 còn giữ dạng Hallêluya [không gạch nối] trong các chỗ thuộc Tân Ước, nhưng in là Alleluia trong các chỗ thuộc Cựu Ước, thí dụ trong các Thánh Vịnh 111 – 114...). Khoảng cuối năm 1965, ngài có đăng trên nguyệt san ĐMHCG lúc bấy giờ một bài viết nói về bản dịch Tân Ước của ngài, trong đó có hướng dẫn cách đọc những chữ viết theo lối của ngài (như các tên riêng : Ya-cô-bê, Yê-su, Yo-an, Yu-se) : chỉ cần đọc luyến từ y sang nguyên âm tiếp theo. Việc làm này của ngài cũng được ít nhiều người hưởng ứng. Nhưng sau năm 1975 thì dường như người ta hầu hết trở lại với những cách viết cũ.

 

Ấy là mới nói về việc “đọc”. Việc hiểu ý nghĩa của những từ ngữ đó còn gian nan hơn. Có lẽ không ít giáo dân Việt Nam đến tận năm 2022 này vẫn còn hiểu rất mù mờ về ý nghĩa của “Amen”. Linh mục nào mà không hướng dẫn cho giáo dân thì bị chê là không “làm tròn trách nhiệm”. Linh mục nào cố gắng giảng giải cho giáo dân hiểu thì lại bị chê là “dài dòng văn tự”. Nay thêm từ ngữ mới nữa, cụ thể là “hosanna”, thì tình hình sẽ không biết thế nào mà nói.

 

Về cách đọc, từ ngữ “hosanna” này có lẽ còn “phong phú” hơn cả “alleluia”. Sẽ nảy sinh chuyện không biết phải đọc sao cho “đúng” : hô-san-na (s kêu bằng sờ nặng) ? ô-san-na ? hô-zan-na ? ô-zan-na ? hô-xan-na (x kêu bằng xờ nhẹ) ? ho-san-na ? v.v..., chưa kể chắc chắn sẽ có người đọc thành “hô-xan-la”...

 

Còn về ý nghĩa, để giáo dân hiểu được cho hết ý nghĩa thì...

 

Thôi, hãy cứ yên tâm mà “hoan hô Chúa”, chẳng có gì sai quấy, bất xứng cả. Những cái coi là sai quấy, bất xứng... đều do tưởng tượng ra. Người ta thường hiểu “hoan hô” đối lập với “đả đảo”, chẳng hạn thế, nên đã hiểu sai ý nghĩa đúng của “hoan hô”. “Hoan hô” đâu có phải là “vỗ tay tán đồng”, “vỗ tay khen ngợi”, cũng như “tung hô” đâu có nghĩa là “tung lên mà hô” !

 

 

Lễ Mình Máu Thánh Chúa 2022

Bùi Ngọc Hiển

 

 

Một vài chú thích

 

[1] Hosanna là tiếng Do-thái : chính xác thì tiếng nói của người Do-thái thời Chúa Giêsu là tiếng Aram, vốn là ngôn ngữ của người Aramean. Người Do-thái từ thời lưu đày Babylon đã dần quên đi tiếng nói nguyên thủy của cha ông là tiếng Hipri mà dùng tiếng Aram. Về chữ viết, bộ mẫu tự tiếng Aram cũng vừa đúng có 22 chữ cái, tương ứng hoàn toàn một-đối-một với 22 chữ cái của bộ mẫu tự Hipri, nên dùng mẫu tự Hipri vẫn viết được tiếng Aram. Đối với người Do-thái, Thánh Kinh truyền thống vẫn là các bản văn viết bằng tiếng Hipri, nên nhiều người Do-thái không hiểu được, cần phải có các vị kêu bằng kí lục hoặc thông luật (kinh sư) cắt nghĩa vào các ngày Thứ Bảy trong các hội đường Do-thái. Thánh Kinh truyền thống Do-thái cũng được dịch ra tiếng Aram (bản Targum) nhưng vẫn viết bằng bộ mẫu tự Hipri mà không dùng mẫu tự Aram. Có nhiều từ ngữ gốc Hipri đã du nhập vào tiếng Aram được người Do-thái nói, tự dạng và ý nghĩa của những từ ngữ đó có thể thay đổi ít nhiều so với dạng gốc Hipri. Từ ngữ hosanna ở trong số này, phải xác định cho rõ : đó không phải là tiếng Hipri mà chỉ là tiếng Aram, hoặc cẩn thận hơn thì có thể tạm coi đó là tiếng Hipri được Aram-hóa.

 

[2] Tham khảo nguyên văn tại :

http://www.newadvent.org/cathen/07472b.htm

 

[3] Như trong Thánh Vịnh 117 (118), câu 25, nguyên văn trong tiếng Hipri :

 

אָנָּ֣א יְ֭הוָה הֹושִׁ֘יעָ֥ה נָּ֑א אָֽנָּ֥א יְ֝הוָ֗ה הַצְלִ֘יחָ֥ה נָּֽא׃

 

’ān-nā Yah-weh hō-wō-šî-‘āh nā ; ’ān-nā Yah-weh haṣ-lî-ḥāh nā.

 

Câu này trong bản Latin Nova Vulgata : O Domine, salvum me fac ; o Domine, da prosperitatem ; còn bản Hi-lạp Bảy mươi dịch là : ὦ Κύριε, σῶσον δή, ὦ Κύριε, εὐόδωσον δή [ho Kyrie, soson de, ho Kyrie, euodoson de], cho thấy hōwōšî‘āh nā của bản Hipri không được dịch sang tiếng Hi-lạp là ὡσαννά hosanna. Nói cách khác, "hosanna” (tiếng Aram) không mang nghĩa gốc của hōwōšî‘āh nā (tiếng Hipri).

 

Cũng xem SGD, mục từ G5614, và A Consise Dictionary of the Words in the Hebrew Bible (Từ điển giản yếu các từ ngữ trong Thánh Kinh tiếng Hipri, gọi tắt là Strong’s Hebrew Dictionary), các mục từ số H3467, H4994.

 

[4] Tuy vậy vẫn có thể đọc được đâu đó trên mạng truyền thông những câu tương tự câu 一片歡呼聲歡迎女王蒞臨 [nhất phiến hoan hô thanh hoan nghênh nữ vương lị lâm = một hồi tiếng reo vui mừng hớn hở đón nữ vương đến]

 

[5] Congregatio Discipulorum Domini (Hội dòng Học trò Chúa = Môn đồ Chúa) là viện giáo sĩ Trung Hoa đầu tiên được hồng y Celso Constantini (1876-1958 ; tên tiếng Hoa là 剛恆毅 Cương-hằng-nghị) sáng lập.

 

Về đức hồng y Constantini : ngài sinh tại Í, ngày 3 tháng Tư năm 1876 ; đậu tiến sĩ Thần học năm 1899, sau đó thụ phong linh mục, rồi giám mục (năm 1920). Ngài đến Trung Hoa năm 1922, làm rất nhiều công việc tại đây : khai mở Hội nghị giáo vụ toàn quốc (Trung Hoa) tại Thượng hải, tiến dẫn 6 linh mục đi Rôma triều yết đức Giáo hoàng và cả 6 vị này đều được thụ phong giám mục, thành lập đại học Công giáo Phụ Nhân 輔仁 tại Bắc Kinh, sáng lập 主徒會 Chúa đồ hội (hội dòng Học trò Chúa = môn đồ Chúa, năm 1927)... Năm 1933, ngài trở về Í để chữa bệnh. Năm 1935 ngài làm tổng thư ký bộ Truyền giảng đức tin, bây giờ là bộ Phúc âm hóa các dân tộc. Năm 1953 ngài được thăng hồng y. Ngài được Chúa gọi về ngày 17 tháng Mười, năm 1958.

 

Không có nhận xét nào: