Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ - 1b

KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ


Bùi Ngọc Hiển

Bài 1 (tiếp theo)







Viết tắt một từ ngữ cũng có một số quy ước, những quy ước đó đều có nguyên do lịch sử, nhưng không tiện đề cập đến ở đây (2). Hơn nữa, những quy ước đó dù thế nào đi nữa cũng đều không có tính ràng buộc. Mỗi người có quyền đặt ra cách viết tắt riêng. Có điều là viết tắt thế nào để nhìn vào chữ tắt có thể nhận ra nguyên dạng chữ viết. Viết tắt là Ga chẳng hạn, mà yêu cầu đọc ra là Gioan (dù là Gio an hay Gio-an đi nữa), thì chẳng khác nào đánh đố người đọc. Nhất là thí dụ như vừa đọc chữ tắt đó trong các bản dịch khác..., thì rất dễ lẫn với thư Galata !

Các dạng viết tắt tên các sách KT dùng trong sách này đều theo cách viết tắt của MRL.





B. Các kí hiệu :


1. Kí hiệu về câu KT :

- số chương (còn gọi là số đoạn) và số câu trong từng chương đều dùng số Arap. Truyền thống trước kia dùng số Rôma để ghi số chương, số Arap ghi số câu, do đó giữa số chương và số câu dùng dấu phẩy để phân biệt sẽ không thể lầm ; nhưng vì số Rôma quá cồng kềnh, nay hầu hết các nơi đều dùng số Arap cho cả số chương và số câu, nên nếu cứ dùng dấu phẩy (giữa số chương và số câu) như cũ, có rất nhiều trường hợp sẽ gây lẫn lộn.

Trong quyển sách này sẽ dùng dấu hai chấm “ : ” mà không dùng dấu phẩy (,) giữa hai loại chỉ số để khỏi lầm lẫn (3), như :

Bài đọc trích các câu từ 1 đến 5 và câu 11 của chương 4 trong thư Do-thái nếu ghi theo lối truyền thống là Heb 4, 1-5.11. Hai dấu phẩy và chấm nếu sơ ý có thể nhìn thành Heb 4, 1 – 5, 11, và sẽ bị đọc thành : Thư Do-thái, từ chương 4 câu 1 đến chương 5 câu 11 ! Nhưng nếu ghi Heb 4:1-5, 11 thì sự nhầm lẫn đó khó xảy ra hơn, vì dấu hai chấm ( : ) rất khác với dấu chấm cũng như với dấu phẩy. Hiện nay, các bản dịch KT Công giáo tại nhiều nơi trên thế giới (như bản tiếng Anh, tiếng Hoa...) cũng ghi theo cách ghi Heb 4:1-5, 11 mà không ghi theo cách Heb 4, 1-5.11.

- nếu trong cùng một chương có nhiều câu trích liên tục, thì ghi số câu đầu tiên, kế tiếp là dấu gạch nối ngắn (-), sau hết là số câu cuối ; nếu các câu không liên tục, thì ghi tất cả các số của từng câu, cách nhau bằng dấu phẩy (,) ;

- nếu các câu trích liên tục nhưng lại thuộc hai chương liền nhau, thì ghi số chương trích trước, dấu hai chấm (:), số câu trích đầu tiên của chương đó, dấu gạch nối dài ( ), số chương trích liền sau, dấu hai chấm (:), số câu trích cuối cùng của chương sau ;

___________
(1) Bản UBGMPV dịch sách này là Đức huấn ca, bắt đầu bài đọc ở các chỗ khác thì dùng công thức “Bài trích sách Đức huấn ca”, thí dụ trong BĐ I ngày Thứ Ba tuần 7 QN, năm lẻ, tuy nhiên trong BĐ I ngay hôm trước là ngày Thứ Hai, công thức đó đổi là “Khởi đầu sách của Giêsu con ông Sirach”. Câu này trong bản Missale Romanum cum Lectionibus 1977 là “Initium libri Siracidæ”, nhưng trong OLM 1981 là : “Initium libri Iesu filii Sirach” (giống như sách BĐ của UBGMPV).
 (2) Thí dụ có thể xem các kiểu viết tắt sau :                                                                                                                       

      * kiểu chỉ dùng những chữ phụ âm trong từ được viết tắt : kiểu này có lẽ bắt chước kiểu viết chữ Hipri với các tử âm, như IHVH chính là IaHVeH, vì chữ Hipri không có chữ nguyên âm. Theo đó, Judith có thể viết tắt thành Jdt (la Bible de Jérusalem, Desclée de Brouwer, 1973 ; bản dịch KT tiếng Pháp của Émile Osty, Le Seuil, 1973) ;

* kiểu viết chữ cái đầu và cuối của từ được viết tắt : kiểu này từng gặp thấy trong các cách viết tắt Hi-lạp : Μήτηρ (του) Θεοῦ được viết thành ΜΡ [= Mẹ] ΘΥ [= Thiên Chúa], Ιησούς Χριστός viết tắt thành ΙΣ [Giêsu] ΧΣ [Kristô] (có khi các bộ đôi chữ cái này có dấu gạch ngang đặt trên, như GodMother.bmp , Theou.bmp ,Iesous.bmp , Kristos.bmp ). Theo đó, Jean có thể viết tắt thành Jn (các sách vừa dẫn trên) ;

* kiểu viết vài ba chữ cái đầu tiên của từ được viết tắt, thí dụ : Joël Jo, Michée Mic, Sophonie Sop (Osty). Cũng thuộc kiểu này, khi viết tắt đồng thời nhiều từ thuộc một nhóm liên quan với nhau người ta thường chỉ viết các chữ cái đầu tiên của từng từ riêng lẻ (chứ không phải chữ cái đầu tiên của từng âm tiết). Thí dụ gặp phổ biến nhất chính là những chữ viết tắt “bản án” Philatô cho đóng vào thập giá Chúa Giêsu bằng Latin : Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum (Giêsu Nazaret, vua Do-thái) được viết thành INRI. Trong ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp, các chữ Hi-lạp Ο Αρχάγγελος Μιχαήλ (Tổng lãnh thiên thần Micael) được viết tắt thành Micael.bmp, và Ο Αρχάγγελος Γαβριήλ (Tổng lãnh thiên thần Gabriel) được viết tắt thành Gabriel.bmp. Trong cả hai trường hợp này các chữ Αρχάγγελος được viết tắt với hai chữ cái đầu là A (alpha) và P (ro) ghép chung thành một chữ (gọi là monogram, Tàu dịch là 花押字 [hoa áp tự] ; cũng với kiểu này có khi còn gặp dạng viết tắt của chữ Χριστός [Khristos] thành Xristogram1.bmp hoặc Xristogram2.bmp , từ hai mẫu tự đầu là X (khi) và P (ro) gọi là christogram, [mà có người đã cắt nghĩa đó là chữ PAX của Latin nghĩa là hòa bình !])                                                                                                                    

      Có thể tham khảo cách viết tắt trong kí hiệu nguyên tố hóa học : chỉ dùng tối đa hai chữ cái, chữ thứ nhất luôn là chữ cái đầu tiên (viết hoa), chữ thứ hai (nếu các nguyên tố có chữ cái thứ nhất trùng nhau) là một trong các chữ cái khác (viết nhỏ) của tên nguyên tố đó theo tên quốc tế (cũng chính là tên Latin), nhưng việc chọn lựa sao cho khi nhìn chữ viết tắt đó (tức là kí hiệu hóa học) có thể nhận ra tên gốc. Thí dụ : Carbonium C, Cuprum Cu, Chlorum Cl, Chromium Cr, Cobaltum Co, Calcium Ca, Cadmium Cd, Cerium Ce, Caesium Cs, Curium Cm, Copernicum Cn... Trong những nguyên tố có chữ cái đầu tiên trùng nhau như vậy, chỉ nguyên tố nào được phát hiện (được biết đến) sớm nhất mới có kí hiệu bằng một chữ (ở đây là nguyên tố Carbon, thán tố).

(3) Nếu đúng truyền thống thì sẽ phải theo một trong hai cách ghi sau :

      Cách thứ nhất : số chương phải ghi bằng chữ số Rôma, số câu mới ghi bằng chữ số Arap. Thí dụ : Heb IV, 1-5, 11 hoặc Heb iv, 1-5, 11 hoặc Heb IV, 1-5. 11 hoặc Heb iv, 1-5. 11. Cách này dần dần không được dùng nữa, vì chữ số Rôma cồng kềnh, như Mt xxviii, 16-20 (tức là Mt 28:16-20) hay Ps xxxvii, 22-23 (tức là Ps 37:22-23) hay Ps lxxxvii, 3a (tức là Ps 87:3a)... khá vất vả cho cả người ghi lẫn người đọc ;

Cách thứ hai : nếu số chương và số câu đều dùng chữ số Arap, phải có cách nào đó để phân biệt hai chỉ số, như số chương hoặc in đậm, hoặc dùng kiểu chữ khác, hoặc vừa in đậm vừa dùng kiểu chữ khác. Đó cũng là cách ghi trong OLM và trong NTT. Thí dụ đoạn KT trên có thể ghi thành : Heb 4, 1-5, 11.












(Còn tiếp)

Bài trước : Bài 1a
Bài kế tiếp : Bài 2a

Không có nhận xét nào: