Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ - 4

KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ

Bùi Ngọc Hiển

Bài 4





lại chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ).

Lời giáo dân xưng hô trong NTTL luôn là “tôi” và “chúng tôi”. Trong khi đó, ở phần còn lại, bản dịch dùng “tôi” / “chúng tôi” phân biệt với “con” / “chúng con” đối với từng trường hợp cụ thể. Thí dụ :

Ca Dâng lễ ngày Thứ Sáu Bốn mùa – mùa Xuân trích từ Ps 102:2, 5 (SLHT 1965 dùng chữ “Ca vịnh” và viết tắt là “Cv”) : “Hồn tôi hỡi, hãy chúc tụng Chúa ... và tuổi thanh niên tôi được mới lại...”

Nhưng trước đó, đầu lễ, bài Ca Nhập lễ (Ps 24:17, 18, 1-2) được dịch là : “Lạy Chúa, xin Chúa cứu con ..., ... con nâng hồn con lên cùng Chúa ...” ;

kinh Cầu nguyện tiếp theo : “... Chúa đã cho chúng con ...”

Ngày 3-4-1969, cùng với tông hiến Missale Romanum, đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành Sách Lễ Rôma được canh tân theo tinh thần của CĐV2. Tại Việt Nam, Ủy ban Giám mục về Phụng Vụ (UBGMPV) đã lần lượt cho ra đời các sách sau :

- Sách Lễ phần BĐ các Lễ trong mùa Vọng và mùa Giáng Sinh ;

- Sách Lễ phần BĐ các Lễ trong mùa Chay và mùa Phục Sinh ;

- Sách Lễ phần BĐ các Lễ trong mùa Quanh Năm I, từ tuần I đến tuần XVII ;

- Sách Lễ phần BĐ các Lễ trong mùa Quanh Năm II, từ tuần XVIII đến tuần XXXIV ;



- Nghi thức An táng và Thánh Lễ Cầu hồn ;

- Sách Lễ Rôma (1971), đồng thời cuối năm 1971 cũng in xong Sách Lễ Giáo dân (nhưng chỉ các TL Chúa Nhật mới in đủ các BĐ, Đáp ca, và Phúc Âm, những ngày khác trong tuần chỉ in các Đáp ca, câu xướng trước PÂ, còn các BĐ, PÂ thì in kí hiệu chỉ tên sách KT cùng số đoạn, số câu được dùng trong TL).

- Sách Lễ phần BĐ các Lễ ngoại lịch.

Đây là một nỗ lực rất lớn của UBGMPV, vì chưa đầy hai năm, UBGMPV đã dịch một lượng đồ sộ các văn bản Latin sang tiếng Việt, tuy trong các văn bản đó, có những văn bản được dùng lại hơn một lần (như bảng thống kê ở phần sau), nhưng không phải là nhiều. Vì thế nếu không có cố gắng đáng kể, trong một thời gian quá eo hẹp như vậy, không thể có một bản dịch, theo UBGMPV, ban đầu chỉ xin Tòa Thánh cho phép “tạm dùng”, mà mãi đến nay đã gần nửa thế kỷ, bản dịch này vẫn còn giá trị, dù trong một đôi chỗ cũng có những sai sót như sẽ được trình bày dưới đây, nhưng về toàn thể, bản dịch đã làm đúng như yêu cầu UBGMPV đề ra ban đầu : “Theo Huấn Thị của Hội đồng thực thi Hiến chế Phụng Vụ đề ngày 25-1-1969, Ủy ban đã dịch sách này theo bản Vulgata, và tham chiếu nguyên bản”.

Trong bảng thống kê dưới đây có ghi phần tham khảo ba bản dịch KT tiếng Việt tạm có thể coi như phổ biến hơn cả tại Việt Nam để đối chiếu (tất nhiên cũng còn những bản dịch khác như của cha Gérard Gagnon, của đức Hồng y Trịnh Văn Căn..., nhưng có lẽ mức độ phổ biến không bằng). Xin được trình bày một số ý nông cạn đối với các bản dịch đó.



 I. Kinh Thánh Cựu Tân Ước, bản dịch của
   cha Đa-minh Trần Đức Huân

Phần TƯ của bản dịch này đã được hoàn thành từ năm 1963, cho xuất bản riêng với nhan đề Tân Ước Đức Giê-su Ki-tô. Phần CƯ hoàn thành năm 1968, sau đó gộp chung lại, được Tủ sách Ra Khơi cho xuất bản năm 1971.

Khi gộp lại như vậy, bản dịch này đánh số trang liên tục từ đầu (trang số 1) đến cuối sách (trang 2119) cho phần chính văn, 34 trang dẫn (đánh số từ I đến XXXIV) đặt ở đầu sách và một số trang Phụ lục đặt ở cuối sách. Phần TƯ, bên cạnh số trang liên tục theo toàn bản dịch (được in ở góc trên mỗi trang), còn có số trang riêng cho phần này (ở giữa, cuối mỗi trang, từ 1 đến 503). Ngoài ra trang Mục lục của bản dịch này không để ở đầu sách, cũng chẳng để ở cuối sách, mà lại để lơ lửng nơi trang XXIX ! Trong phần thống kê sau đây chỉ ghi các số trang được đánh liên tục cho toàn bộ bản dịch này.

Mặc dù dịch giả ghi rõ bản dịch này dịch theo Bản Phổ thông (tức là bản Vulgata) năm 1959, nhưng có lẽ vì quá chú trọng đến tiêu chuẩn giản dị, trôi chảy, lại dùng các thể văn vần trong tiếng Việt dịch nhiều đoạn trong KT, nên bản dịch này “thoáng” quá, khó có thể nói là bản dịch sát với nguyên bản sử dụng (là bản Vulgata 1959). Thí dụ :

Ca vịnh Ngợi Khen, Lc 1:46-55, trang 1718 :

46b Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa,
47 Cất tiếng ca vui thỏa tâm thần,
    Vui trong Chúa Cứu chuộc muôn dân,
48 Đà thương đoái tấm thân tôi tá ;
    Rầy về sau khắp trong thiên hạ :
    Sẽ khen tôi hiếm họa lạ lùng.



49 Đấng chí tôn phép tắc vô cùng,
    Ban cho tôi ân hồng phúc cả,
    Vả, danh Chúa thánh linh nhiệm lạ,
50 Lòng khoan nhân vượt quá muôn đời,
    Biệt đãi cùng kẻ kính sợ Người.
51 Dùng quyền bính như roi mạnh mẽ ;
    Trừ diệt bọn kiêu căng vô lễ...

Đọc lên thì xuôi, trôi chảy thật, nhưng lại xa với nguyên bản Vulgata : Những chữ in nghiêng trên đây cũng chính là chữ in nghiêng trong bản dịch. Chúng được thêm vào mà vốn trong Vulgata không có chữ nào tương ứng, ngay cả “vô lễ” không được dịch giả in nghiêng.

Nếu mở đến phần dịch các Thánh Vịnh (TV) chẳng hạn (và rất nhiều chỗ khác), sẽ gặp thấy tình hình hoàn toàn tương tự như bản dịch bài Magnificat trên đây !

Hãy xem thử một trong các Thánh Vịnh trong bản dịch KT của TĐH.

Thí dụ Thánh Vịnh 8 (Ps 8), bản TĐH đã dịch như sau (đối chiếu với NV) :

1 Magistro chori. Ad modum cantici Torcularia.... Psalmus. David.

(1) Nhạc trưởng. Âm điệu Giê-thê, Thánh vịnh Đa-vít.

2 Domine, Dominus noster,
quam admirabile est nomen tuum in universa terra,
quoniam elevata est magnificentia tua super caelos.

2 Chúa ôi, lạy Chúa chúng tôi,



danh Ngài vang dội khắp nơi địa cầu,
oai nghiêm giãi tận trời cao,

3 Ex ore infantium et lactantium perfecisti laudem
propter inimicos tuos,
ut destruas inimicum et ultorem.

3 Ngài dùng miệng trẻ ấu thơ chúc mừng,
chống hẳn lại bọn đối phương,
địch thù đều phải hãi hùng lặng thinh.

4 Quando video caelos tuos, opera digitorum tuorum,
lunam et stellas, quae tu fundasti,

4 Tôi nhìn lên chốn cao thanh,
thấy muôn sự nghiệp tay tiên Chúa làm :
trăng sao Ngài đã tạo thành.

5 quid est homo, quod memor es eius,
aut filius hominis, quoniam visitas eum ?

5 Thá chi nhân loại Chúa đành nhớ nhung ?
con người, sao Chúa bận lòng ?

6 Minuisti eum paulo minus ab angelis,
gloria et honore coronasti eum

6 Tạo thành thua kém thiên thần khác xa,
vinh danh tôn trọng đề đa ;

7 et constituisti eum super opera manuum tuarum.
Omnia subiecisti sub pedibus eius :

7 Quyền hành Chúa tặng vượt qua muôn loài ;
chỉ huy quản trị gầm trời :




8 oves et boves universas,
insuper et pecora campi,

8 Chiên bò động vật mọi loài súc sinh.

9 volucres caeli et pisces maris,
quaecumque perambulant semitas maris.

9 Chim trời cá nước đủ hình,
nhởn nhơ đường biển mặc tình lội bơi.

10 Domine, Dominus noster,
quam admirabile est nomen tuum in universa terra !

10 Chúa ôi, lạy Chúa chúng tôi,
danh Ngài vang dội khắp nơi địa cầu.

Ở bài dẫn trên, những chữ in đậm của NV là những chữ bị bỏ rơi hoàn toàn trong bản dịch, còn những chữ in nghiêng của bản dịch là những chữ không tìm đâu trong nguyên bản có chữ nào tương đương nghĩa với chúng.

Những chỗ dịch không hoàn toàn sát nghĩa với nguyên bản, nhưng thôi thì coi là tạm được, có thể kể như :

* Câu 2 : admirabilis (đáng kinh ngạc, đáng khâm phục) mà dịch là vang dội, elevatus (đưa cao lên, nổi lên, trổi vượt) mà dịch là giãi ;

* Câu 3 : infans (con nít, trẻ thơ) và lactans (trẻ còn bú, trẻ măng sữa) đem dịch gộp thành trẻ ấu thơ ;

* Câu 5 : động từ memoro, memorare (nhớ đến, nhớ lại) mà dịch là nhớ nhung thì không thể cho là đúng được.




Nhưng có những chỗ dịch giả bỏ hẳn lời (và ý) của nguyên bản, thay hoàn toàn bằng ý riêng mình thì không thể chấp nhận. Thí dụ :

* Câu 3 : ut destruas inimicum et ultorem (để tiêu diệt quân địch và kẻ thù) thì dịch giả bỏ đi, thay bằng địch thù đều phải hãi hùng lặng thinh (đọc câu dịch này thì đúng là phải hãi hùng lặng thinh thật) ;

* Câu 6 : paulo minus (kém chút ít) mà dịch là khác xa thì quả thật từ ngữ khác xa này có nghĩa hoàn toàn khác xa với nghĩa của paulo minus ;

* Câu 7a : et constituisti eum super opera manuum tuarum ([Ngài] cho thống trị trên các công trình bởi tay Ngài) mà dịch : quyền hành Chúa tặng vượt qua muôn loài ;

* Câu 7b : Omnia subiecisti sub pedibus eius (Mọi sự [Ngài] đặt cả dưới chân họ) mà dịch là chỉ huy quản trị gầm trời,

thì những chỗ này rõ ràng không hề có trong nguyên bản.

Ngoài ra, để cho được vần vè, dịch giả thêm vào những là đủ hình, nhởn nhơ, mặc tình, mà trong nguyên bản chả thấy có từ ngữ nào tương đương với những từ ngữ này. Nhất là ở câu 6b : trong NV là gloria et honore coronasti eum ([Ngài] đội cho họ mũ miện vinh quang và danh dự), thì dịch giả vất bỏ hoàn toàn mà thay bằng vinh danh tôn trọng đề đa (!), trong đó đề đa là một từ ngữ có lẽ chỉ có trong ngữ vựng của TĐH (với nghĩa là nhiều ; đấy là phỏng đoán, chả hiểu có đúng ý của dịch giả không, mà nếu không phải nghĩa đó, thì cũng không biết đề đa dịch giả dùng ở đây thì có nghĩa là gì).

Trong tiếng Việt, đề mà đi kép với đa đều là tên hai thứ cây không những cùng họ (họ Moraceae) mà còn cùng chi (chi



Focus ; trong chi này còn có cả cây si, cây sung, cây vả nữa) : cây đa và cây đề, thường dùng với nghĩa là những thứ cây xum xuê, rậm rạp, sống lâu, không hề có ở đâu cái nghĩa là nhiều (cho dù có chữ Nho đa là nhiều thật, nhưng khi dùng làm chữ Nôm cho cây đa, thì đa với đề ấy cũng không bao giờ mang nghĩa là nhiều !)

Rồi lại còn tay tiên (câu 4) nữa chứ, chả biết trong nguyên bản lại có chữ nào dịch được là tiên !

Tóm lại, Thánh Vịnh 8 của TĐH như dẫn ra đây chỉ là một bản phóng tác, không thể coi được là một bản dịch với nghĩa thông thường của bản dịch.

Không những thế, có khi trong nguyên bản vốn không phải thuộc “thể thơ”, nhưng trong bản TĐH sẽ gặp rất nhiều chỗ dịch giả “chuyển thể” từ những câu văn xuôi sang dạng văn vần. Việc này kể cũng được, miễn đừng làm sai lạc ý nghĩa của nguyên bản.

Thí dụ đoạn Abd (1:)17-18 trong NV là :

17 Et in monte Sion erit salvatio, et erit sanctum ; et possidebit domus Iacob eos, qui se possederant. 18 Et erit domus Iacob ignis, et domus Ioseph flamma, et domus Esau stipula ; et succendentur in eis, et devorabunt eos, et non erunt reliquiae domus Esau, quia Dominus locutus est”

đã được dịch là :

17 Rồi trên núi Si-on
sẽ có ơn cứu chuộc,
có một vị thánh nhân ;
Gia-cóp lại chiếm được




sản nghiệp mình mất xưa.
18 Gia-cóp là hỏa lực,
Gio-sép ngọn lửa, kìa,
Ê-sau rơm rạ thực ;

bị cả hai thiêu hủy
đốt cháy sạch lầu lầu
trong gia đình Ê-sau
đúng như Chúa đã nói

không sót một mống nào !

Để cho người đọc đọc theo từng khổ thơ, dịch giả đã ngắt đoạn từng bốn câu như trích lại nguyên văn ở trên, hoặc đoạn trích khác trình bày dưới đây (Zac 8:4-5).

Bốn chữ domus trong NV (= nhà, dùng với nghĩa rộng) bị bỏ mất ba chữ, chữ thứ tư lại dịch là gia đình. Rồi để cho được “vần vè”, lại phải thêm kìa với thực. Rồi “et succendentur in eis, et devorabunt eos (bản CGKPV : chúng sẽ bén vào và thiêu rụi nó, hoặc bản NTT : “chúng sẽ tràn vào mà thiêu hủy nó”) mà dịch là “bị cả hai thiêu hủy đốt cháy sạch lầu lầu” thì vừa thừa (thiêu, đốt, cháy, lầu lầu [?]), lại vừa thiếu (không diễn được ý của succendentur). Còn “possidebit domus Iacob eos, qui se possederant” (= nhà Giacop sẽ chiếm hữu những thứ mà người ta đã chiếm hữu [từ] nó) mà dịch “Gia-cóp lại chiếm được sản nghiệp mình mất xưa cũng là dịch quá gọn.


Đoạn Zac 8:4-5 trong NV là : “4 ... Adhuc sedebunt senes et anus in plateis Ierusalem et unusquisque cum baculo suo in manu sua prae multitudine dierum ; 5 et plateae civitatis complebuntur pueris et puellis ludentibus in plateis eius” được dịch là :




4... Định cư tại Sa-lem
“ có bà già, lão ông
“ nhan nhản ngoài phố xá,
“ tay cầm gậy ung dung

“ ra vẻ mình cao tuổi ;
5 trong thành khắp đường lối
“ nhiều con nít nữ nhi
“ chơi ngoài đường tấp tới.”

Những chữ như nhan nhản, ra vẻ, tấp tới là những chữ thừa, không có trong nguyên bản. Riêng tấp tới thì lại là một từ ngữ tự TĐH đặt ra, không biết nghĩa là gì. Hơn nữa, sedebunt mà  dịch được là định cư thì đây cũng là một ý mới của dịch giả (!).

Không những rút gọn trong phiên âm các tên riêng (như đã trình bày ở trên), nhiều chỗ trong bản này cũng dịch rút gọn luôn. Chẳng hạn câu 1Mac 4:54 trong NV là : “in ipsa renovatum est in canticis et citharis et cinyris et cymbalis” mà bản UBGMPV cẩn thận dịch là : “(bàn thờ) đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đờn lục huyền cầm, phong cầm, cùng tiếng não bạt”, trong khi bản TĐH chỉ dịch vắn tắt là : “(bàn thờ) được khánh thành giữa những tiếng đờn sáo chiêng trống cầm ca”, có lẽ ngại chọn từ ngữ để dịch canticum, cithara, cinyra, cymbalum chăng.

Có chỗ dịch sai lạc hẳn nghĩa của nguyên bản. Thí dụ trong câu Lc 22:37 có dẫn lời : “Cum iniustis deputatus est”, đã được dịch là : “Ngài đã bị liệt vào hàng thú dữ” (!).

Ngoài ra, từ ngữ dùng đôi khi khá dễ dãi, nhiều chỗ, như nhận xét sau đây của cha Augustinô Đông Anh (nguyên văn) : “... dùng những từ ngữ văn chương rẻ tiền, không thích nghi để phiên dịch Thánh Kinh. Điển hình nhất trong nố này là bản dịch sách Nhã ca của Trần-đức-Huân với nhan đề «Diễm tình



ca»” (Cựu Ước nhập môn, ĐCV Saigon, 1971). Theo cha Đông Anh (nguyên văn) : “... Đệ nhất ca (tức là Nhã ca, ở đây ngài dịch sát nghĩa tên sách này trong LatinCanticum canticorum) đã được sáng tác với tinh thần tôn giáo. Và muốn được lợi ích người ta cũng phải đọc sách đó với tinh thần tôn giáo. Những ai cảm thấy mình chưa được huấn luyện, chưa có một tâm hồn đạo đức cứng rắn để khỏi đi lạc hướng của tình yêu trong sạch và cao quý, những người đó không nên đọc Đệ nhất ca ! Chính vì lý do đó mà xưa kia người Do-thái không bao giờ để Đệ nhất ca rơi vào tay những người chưa tới tuổi đứng đắn.” Vậy mà bản dịch lại dùng “một lối văn tiểu thuyết rất mùi mẫn” (vẫn chữ dùng của cha Đông Anh) để dịch sách.

Tóm lại, bản dịch này không thể dùng trong PV. Xin không đề cập thêm.





(Còn tiếp) 



Bài trước : Bài 3


Bài tiếp theo : Bài 5a



Không có nhận xét nào: