Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ - 5a

KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ

Bùi Ngọc Hiển

Bài 5a

II. Kinh Thánh, bản dịch của
       cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn

Bản này “được thực hiện trên các nguyên bản bằng tiếng Hipri, Aram và Hilạp, có đối chiếu với các bản dịch cổ xưa bằng tiếng Hilạp, Syri và Latinh” (sic.). Phần TƯ của bản dịch này cũng được xuất bản trước, vào năm 1965, khổ nhỏ. Sau đó dịch giả tiếp tục dịch CƯ, nhưng việc còn dang dở thì ngài đột ngột lìa trần, chưa dịch xong các sách Yob, Cách ngôn, Baruk. Năm 1976, “ban Xuất bản” bổ túc các phần còn dang dở và cho xuất bản toàn bộ KT Cựu – Tân Ước (CTƯ), khổ lớn.

Việc đánh số trang của bản dịch toàn bộ KT CTƯ này lại không nhất quán : phần CƯ đánh số 1 từ đầu sách Khởi nguyên (tức là sách Sáng thế theo bản dịch của UBGMPV) đến trang 2318, hết sách Malaki, sau đó đánh số bắt đầu lại cho phần TƯ, từ 1, đầu sách TM Matthêô, đến trang cuối cùng là trang 616 hết sách Khải huyền, chưa kể các phần dẫn cũng được đánh số riêng : phần CƯ có 48 trang đánh số từ I đến XLVIII, đặt trước trang số 1 ; phần TƯ cũng có 40 trang đánh số từ I đến XL và cũng đặt trước trang số 1 của phần này. Trong thống kê dưới đây, trang các sách TƯ của bản dịch này được in nghiêng để dễ theo dõi.

Bản dịch TƯ của cha Nguyễn Thế Thuấn in năm 1965, về hình thức, phải nói là rất đẹp, rõ ràng, sáng sủa, vượt xa mọi bản in KT tiếng Việt có trước đó : phần chính văn in với cỡ chữ vừa phải, sắc nét, rất dễ đọc ; ngoài phần cước chú in chữ nhỏ hơn cuối mỗi trang, còn có phần phụ chú (cũng in chữ nhỏ) ở lề ngoài sách (outside margin), cho biết những câu KT tương tự hoặc song song với câu KT ở chính văn (như kiểu ấn loát các sách KT bên Tây phương, chứ không đưa cả xuống cuối trang như bản dịch TĐH). Ký hiệu các câu KT theo quy tắc nhất quán trong toàn sách : số chỉ đoạn (hay còn gọi là chương) được in đậm, số chỉ câu in thường ; giữa hai loại chỉ số này không có thêm dấu nào nữa (dù là dấu phẩy, dấu chấm, dấu hai chấm...) nhờ đó rất dễ phân biệt (7).





Các trang 418, 419 của bản dịch
Tân Ước 1965 của cha Nguyễn Thế Thuấn


Về nội dung, phải nói là bản dịch làm nhiều người đọc lần đầu cảm thấy choáng váng.

                        1. Dùng mẫu tự Y đầu vần (đầu âm tiết) :

Dịch giả dùng phụ âm đầu y- thay cho gi- / j- (là dạng quen gặp trong các bản dịch khác), như viết Yêsu, Yuse, Yoan, Yêrusalem, hallêluya... (thay vì viết Giêsu, Giuse, Gioan, Giêrusalem, alleluia...). Việc làm này dĩ nhiên phải có lý do. Khi nghe đọc / hát từ ngữ alleluia tại nhiều nhà thờ Công giáo hiện nay, thấy rất nhiều nơi phát âm thành a lê lu da với da là một âm gió như kiểu phát âm /za/ theo ký hiệu phiên âm quốc tế. Vì vậy có người đề nghị nên viết thành a-lê-lu-gia (cách viết trong bản TĐH) hoặc a-lê-lu-ja. Nhưng hai cách viết này cũng không bảo đảm đọc đúng, vì hiện nay người Việt đọc chúng không khác gì người... Tây (khi người Tây đọc tên Chúa Giêsu – Jesus – cả trong tiếng Anh /'dʒiːzəs/ cũng như trong tiếng Pháp /ʒezy/).

Cách viết của cha NTT có thể là mới mẻ đối với nhiều người, nhưng đó không phải sáng kiến của ngài. Trong các bản dịch ra Việt ngữ, các trường hợp tương tự như vậy đã từng gặp thấy trong bản dịch của cha Gérard Gagnon. Thí dụ :

Bản dịch NTT                     Bản dịch GG                         Bản NV
Yôseph                               Yoseph                                   Ioseph
Yơđutun                            Yedutum                                 Idithun
Yôshbơqashah                   Yoshbeqasha                          Iesbacasa
Yaqim                                Yakim                                     Iacim
Yêkhđơyahu                       Yehdeyahu                              Iehedeia
Yơhesqel                            Yehezqel                                 Hezechiel
Yishshiyah                         Yishshiyya                              Iesias
...

Cách viết đó là cách Latin hóa của một chữ cái trong mẫu tự Hipri : chữ  י [yod].

Tất cả 22 chữ cái của bộ mẫu tự Hipri đều là các phụ âm (còn gọi là các tử âm), không một mẫu tự nào biểu thị nguyên âm, kể cả những chữ mà tên của chúng “có vẻ như” tên của một nguyên âm khi so sánh với chữ tương ứng trong các bộ mẫu tự khác, thí dụ א [alef] khi so sánh với α [alpha] của mẫu tự Hi-lạp, hay chữ a [a] của mẫu tự Latin.

Còn bộ mẫu tự Latin vốn thành hình khoảng thế kỉ thứ VII trước Công nguyên, trên cơ sở của bộ mẫu tự Etruscan, đến khoảng thế kỉ I TCN được coi như đã định hình với 23 chữ cái như trong bảng sau :


A
B
C
D
E
F
G
H
ā
bē
cē
dē
ē
ef
hā
[aː]
[beː]
[keː]
[deː]
[eː]
[εf]
[ɡeː]
[haː]








I
K
L
M
N
O
P
Q
ī
kā
el
em
en
ō
[iː]
[kaː]
[εl]
[εm]
[εn]
[oː]
[peː]
[kwuː]








R
S
T
V
X
Y
Z

er
es
ū
ex
ī Graeca
zēta

[εr]
[εs]
[teː]
[uː]
[εks]
[iː ꞌɡraɪka]
[ꞌzeːta]


Bảng mẫu tự Latin và tên của mỗi mẫu tự
(theo Phiên âm Quốc tế)
khoảng đầu Công nguyên



Trong bộ mẫu tự đó, hai chữ cái IV vừa là nguyên âm vừa là bán nguyên âm theo quy tắc :

* là nguyên âm nếu I / V đi sau một chữ phụ âm hoặc một bán nguyên âm khác ;

* là bán nguyên âm nếu I / V đi trước một nguyên âm khác.

Mẫu tự Y / y là chữ mượn từ mẫu tự Y / υ [upsilon] Hi-lạp, chỉ dùng trong Latin để phiên âm các chữ Hi-lạp viết với Y / υ đó mà thôi. Thí dụ : calyx từ tiếng Hi-lạp κάλυξ [kalyks] (nghĩa là đài hoa, hoa ngạc – 花萼 ) ; abyssus từ ἄβσσος (hố không đáy, vực thẳm) ; mysterium từ μστήρῐον (mầu nhiệm, điều lạ lùng) ; tyrannus từ τύραννος (kẻ cai trị tuyệt đối, nhà độc tài) ; gyrus từ γρος (cái vòng) ; ortygometra từ ὀρτυγομήτρα (chim cun cút)...

Như “bản án” trên thập tự giá của Chúa Giêsu (thường viết tắt là INRI) có dạng Latin đầy đủ là : IESVS NAZARENVS REX IVDÆORVM. Trong câu này, cả hai chữ I đều là hai bán nguyên âm (đi trước E / V), cả bốn chữ V đều là nguyên âm (đi sau các phụ âm S / N / R và bán nguyên âm I).

Mãi đến thời Trung Cổ, mỗi chữ I / V mới đều được tách ra làm hai : I vẫn viết I nếu là nguyên âm, viết J nếu là bán nguyên âm ; V thì ngược lại, viết V nếu là bán nguyên âm, và viết thành U nếu là nguyên âm. Kế đó, do có thêm kiểu viết chữ nhỏ I i, J j (8), V v, U u, nên chữ Y [upsilon] của Hi-lạp khi viết thành chữ nhỏ không được viết với dạng gốc của nó là υ , vì nó sẽ giống với u khiến không dễ phân biệt, nên đã chuyển dạng thành y như hiện nay.


Khi thánh Hieronimus (thánh Giêrôm, sinh khoảng năm 340 / 342 tại Stridon, qua đời tại Bethlehem ngày 30-9-420) sang Iêrusalem để học tiếng Hipri, Hi-lạp... và dịch KT từ các bản văn Hipri, Hi-lạp sang Latin, chắc chắn ngài đã được học các ngôn ngữ một cách hết sức cẩn thận để thông thạo các tiếng (Hipri, Hi-lạp, Aram, Syri... cổ) với những bậc thầy (Do-thái...) uyên bác, cũng như đã dùng các bản văn KT chính xác trong việc phiên dịch của mình. Vì vậy, ngài chuyển tự dạng  י [yod] của Hipri và I / ι [iota] của Hi-lạp thành i của Latin là hoàn toàn đúng, như trong  ישוע [ISVA] trong các câu : Esdr 2:2 → Iosve (nay có viết Josua) ; hoặc trong các câu 2Chr 24:11, Neh 8:17, 12:1 ... → Iesva (Jeua) ; hoặc ΙΗΣΟΥΣ [IESOUS] của các câu Sir 50:27 (CƯ), Mt 4:17, Mc 1:9, Lc 2:21, Io 1:29 ... Iesvs (Jesus).

Khi Chúa Giêsu nói : “Donec transeat caelum et terra, iota unum aut unus apex non praeteribit a Lege” (NV, Mt 5:18, nghĩa là : Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết cũng sẽ không qua khỏi Lề luật ; dạng khác ở Lc 16:17 : “Facilius est autem caelum et terram praeterire, quam de Lege unum apicem cadere”, NV, nghĩa là : Trời đất qua đi còn dễ hơn một phết của Lề luật bị rơi mất) không những được hiểu theo nghĩa rộng, mà còn cần hiểu theo cả nghĩa hẹp. Quả thế, đối với người Do-thái, KT được tôn trọng cách tuyệt đối. Không phải bất cứ ai cũng được phép sao chép KT. Những người sao chép phải được đào tạo rất kĩ lưỡng, tuân thủ nghiêm nhặt các quy tắc trong việc sao chép KT. Dù không hề có máy điện toán, máy in... như hiện nay, nhưng những người sao chép KT Do-thái đã cung cấp những bản sao giống nhau có thể nói hầu như 100%. Điều này được minh chứng nhờ khảo cổ học. Người ta đã tìm thấy những bản KT (cụ thể như một số đoạn KT của sách Isaia) có thời điểm được viết ra (không phải thời điểm được tìm thấy) cách nhau hơn 1000 năm, mà mức độ giống nhau đến 95%. Nhưng 5% sai khác nọ chẳng qua do sự vấp ngòi bút khi viết hoặc sai chính tả (việc sai chính tả xảy ra vì như đã trình bày, mẫu tự Hipri không có nguyên âm, người ta có thể sai do viết hai chữ cái liền nhau – tức là viết thành một từ – trong khi lẽ ra phải viết cách nhau – thuộc hai từ liên tiếp nhau – hoặc ngược lại) mà thôi. Những sai khác này sẽ dễ dàng được các kinh sư, các thầy thông luật... hiệu chỉnh ngay (tức là đọc ngắt ra hoặc đọc nối vào) khi họ đọc KT cho dân chúng tại các hội đường Do-thái, nên phải nói rằng những sai khác đó hoàn toàn chẳng ảnh hưởng gì đến ý nghĩa văn bản.

Qua đó có đủ căn cứ để kết luận các văn bản thánh Hieronimus sử dụng để dịch là những văn bản tuyệt đối đáng tin cậy, và cũng chắc chắn rằng ngài đã đem hết khả năng Chúa ban để thực hiện công việc hết sức quan trọng đó. Lẽ dĩ nhiên cách phát âm, ngữ vựng, văn phạm... cho đến văn phong của ngài phải chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Latin thời đại ngài. Tất cả những điều đó nếu làm cho bản dịch không gần với thời đại hiện nay chẳng hạn, thì cũng có thể khắc phục, và đã được khắc phục qua bản Nova Vulgata. Nhưng không phải vì thế mà bản dịch của ngài mất đi giá trị, ít nữa là trong việc dùng các chữ cái Latin để phiên âm các tên riêng trong Hipri, Hi-lạp.

Các học giả sau này, cũng chịu ảnh hưởng thời đại mình, có lẽ cho rằng việc dùng I / i của Latin để phiên âm י [yod] của Hipri là không thích hợp. Đó là vì hiện nay mẫu tự Latin không chỉ là chữ viết của tiếng Latin, mà còn được dùng làm chữ viết của rất nhiều ngôn ngữ khác. Trong những ngôn ngữ đó, I / i luôn được coi là nguyên âm. Ngoài ra trong giáo triều Rôma, các Giáo hoàng trong suốt một thời gian dài đều là người Í, nên cách đọc Latin theo âm cổ điển dần bị thay bằng âm theo giọng Í. Vả chăng về mặt nào đó, có thể coi người Í là hậu duệ của người Rôma, và tiếng Í có tiền thân là tiếng Latin. Với cách đọc bị biến dạng, âm của bán nguyên âm I ban đầu và của J sau này cũng bị thay đổi : J không đọc như bán nguyên âm nữa, mà trở thành phụ âm với giọng đọc nặng hơn nhiều trong những ngôn ngữ khác, sai hẳn với âm đọc của י trong tiếng Hipri.

Ngược lại, mẫu tự Y / y trở thành bán nguyên âm trong một vài ngôn ngữ như tiếng Anh (young, yes...), chứ khi mới du nhập từ tiếng Hi-lạp vào Latin, chữ cái này luôn là nguyên âm như trong các thí dụ đã dẫn trên (calyx, abyssus, mysterium, tyrannus, gyrus, ortygometra...), mà chưa hề là bán nguyên âm bao giờ. Rồi vì không muốn nhìn nhận giá trị của bản Vulgata, nên người ta cũng phủ nhận các dạng phiên âm của thánh Hieronimus, mà dùng mẫu tự Y / y thay cho mẫu tự I / i khi I / i là bán nguyên âm. Nhưng phải khách quan nhận xét để thấy rằng cách phiên âm của thánh Hieronimus là hoàn toàn đúng. Nếu xem lại cách phiên âm cũ (cách nay cũng chưa bao lâu), người ta thấy י [yod] của Hipri vẫn được phiên âm là i hoặc j như dòng số 10 trong hình ở trang sau đây (trong Kabbala Denudata : The Kabbalah Unveiled, S.L. MacGregor Mathers, New York, 1912).

Hiện nay bản NV vẫn giữ dạng phiên âm như của thánh Hieronimus các chữ Iesus, Ierusalem, Iosua... (tuy nhiên chữ v nguyên âm viết thành u), thiết tưởng đó là việc hoàn toàn chính xác, có căn cứ khoa học, không cần dùng các dạng khác như Jesus / Giesu (Í : Gesù), Jerusalem / Gierusalem (Í : Gerusalemme), Josua / Giosue (Í : Giosuè)... hay đổi ra Yêsu, Yêrusalem, Yôsua...



Bảng đối chiếu giá trị chuyển đổi chữ cái
giữa bảng mẫu tự Hipri và mẫu tự Latin


                        2. Viết trống các tên riêng (tên người) :

Đối với tất cả các tên người, nếu trong các nguyên bản không có xưng hiệu (title, titre) ở trước (mà thường là không có), thì bản dịch NTT cũng không có. Vì vậy trong rất nhiều câu KT, ngay cả tên Chúa Giêsu bản dịch vẫn dịch trống là “Yêsu”, dù trong tiêu đề mỗi đoạn vẫn dùng “Chúa Yêsu”. Thí dụ :

“Chúa Yêsu cùng Phêrô nộp thuế Đền thờ [tiêu đề]

... Khi ông về đến nhà thì Yêsu đón trước mà rằng ...” (Mt 17:25) [câu KT]

Kiểu dùng như thế, tức là nói trống tên người, không cần phải thêm những tiếng xưng hô như “ông / bà / cô...” vào đằng trước, là rất bình thường, không riêng gì bên Tây phương, mà ở Đông phương cũng đã dùng từ rất xa xưa, mở sách vở nào ra cũng gặp, chẳng có gì là “chướng” hay “xấc” hay “vô lễ” cả.

Thí dụ hai đoạn 18, 19 trong Sử Kí của Tư Mã Thiên (viết vào khoảng đầu thế kỷ I TCN), Bản kỉ, Ngũ đế bản kỉ, mà đoạn 18 là một gia phả ngắn của vua Thuấn, nhưng không hề dùng các xưng hiệu (trừ ở chỗ xác định Chuyên Húc là một vua, sau đó Thuấn cũng là một vua khác ở đời thượng cổ Trung Hoa), mà cứ gọi thẳng tuột là Ngu Thuấn, Trùng Hoa, Cổ Tẩu... (9)


Những sách vở đó được truyền lại các đời sau, nên những ai theo Nho học cũng thấy việc gọi trống tên người (dù đó là tên vua chúa – trên đây là vua Thuấn, được xem là bậc “thánh đế”) là chuyện hết sức bình thường. Mãi về sau, chuyện “tị húy” mới sinh ra. Dù vậy, khi không đụng phải chuyện tị húy đó, thì mọi tên riêng đều được các tác giả – Trung Hoa cũng thế mà Việt Nam cũng vậy – viết cách trống không, nếu như văn cảnh không đòi buộc phải cho biết các nhân vật được nói đến làm công việc, chức phận... gì đặc biệt. Có thể xem các thí dụ như thế trong các tác phẩm văn học Việt Nam trích dẫn dưới đây.

Trong Truyền Kì Mạn Lục của Nguyễn Dữ (khoảng thế kỉ XVI), truyện : Phạm Tử Hư du thiên tào truyện [= chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào] cũng có viết : “... thờ xử sĩ Dương Trạm làm thầy, Trạm thường răn (Tử Hư) về tính hay kiêu căng, (Tử Hư) tự kiềm chế, cuối cùng nên người. Đến khi Trạm chết ...” (10)

Trong Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ (1768 1839) cũng không thiếu kiểu viết như thế. Thí dụ bài “Địa mạch nhân vật” : “... học vấn như Chu Văn Trinh, văn chương như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi, kinh tế như Nguyễn Trãi, Nguyễn Duy , lí học như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, huân nghiệp như Lí Ông Trọng, Khương Công Phụ...” (11)

Đầu thế kỉ XX, trong Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện của Phan Kế Bính (1875 – 1921), một tác phẩm bằng chữ Quốc Ngữ, đề cập đến rất nhiều nhân vật, cũng thấy nhan nhản việc hài cả tên lẫn họ các nhân vật cách trống không ở bất cứ trang nào. Như truyện số 3. Đinh Tiên hoàng, có danh sách 12 sứ quân, tên các sứ quân đó đều không có bất cứ xưng hiệu nào ở trước : Ngô Xương Xí, Kiểu Công Hãn, Nguyễn Khoan, Ngô Nhật Khánh... Truyện 11. Nguyễn Trãi : “Nguyễn Trãi hỏi thì học trò nói rằng ...”, hoặc “Khi Nguyễn Trãi đã hiển đạt...” Truyện 19. Nguyễn Bỉnh Khiêm : “Học trò ngài rất nhiều, nhưng chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử là làm nên to mà có danh hơn cả”.


Trên đây là các tác phẩm viết theo thể văn xuôi, tiếc rằng ở những thế kỉ trước các tác giả thường viết thể văn này bằng chữ Nho, nên nhiều khi làm ta tưởng rằng những tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Quốc Ngữ sau này (như Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện trích dẫn ở trên chẳng hạn) là do chịu ảnh hưởng Tây học mà viết tên người trống không như thế. Nay thử xem các tác phẩm chữ Nôm. Các tác phẩm này còn truyền lại đến nay chủ yếu thuộc thể văn vần.

Thí dụ Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766 – 1820, cùng thời với Phạm Đình Hổ được nói đến trên kia) có những chỗ như :

“Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu” (câu 2572). Hồ tức là Hồ Tôn Hiến, lúc ấy là “quan tổng đốc trọng thần”.

Hoặc : “Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa” (c. 2706), “Giác Duyên nhận thật mặt nàng” (c. 2709), với Tam Hợp là một vị đạo cô, Giác Duyên là một bà vãi.

Hoặc : “Được tin Kim mới rủ Vương” (c. 2955), với KimVương là hai tên họ của Kim TrọngVương Quan, lúc ấy đều đã làm quan...

Hoặc trong Nhị Độ Mai, tác phẩm ra đời trong khoảng thời gian khá gần gũi với Truyện Kiều, cũng viết theo lối văn vần lục bát, cũng không thiếu các tên riêng được gọi trống không. Tên các nhân vật gọi là “phản diện” gọi trống đã đành, như : “Hoàng Tung đỏ mặt sốt gan” (c. 395), hay : “Bên màn Lư Kỉ kề ngồi nỉ non” (c. 400) ; mà tên các nhân vật “chính diện” cũng nói trống, như : “Trần Đông Sơ với Lạc Thiên” (c. 463), hay : “Cùng Mai Bạch mới lo toan” (c. 467)...

Không chỉ hai tác phẩm này, việc viết tên riêng trống không có thể gặp thấy ở nhiều tác phẩm khác như Chinh Phụ Ngâm Khúc, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, truyện Song Tinh, truyện Lý công... Ở đây xin không nêu thêm các thí dụ e nhàm.

Như vậy cách dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn đối với các tên riêng gặp trong KT lẽ ra cũng là chuyện bình thường, mở bất cứ bản dịch KT nào trong những ngôn ngữ khác đều gặp. Đương nhiên tên của Chúa Giêsu (trong các ngoại ngữ) cũng không phải ngoại lệ (kể cả trong bản dịch tiếng Hoa). Nhưng đối với tiếng Việt thì lại bị xem là không bình thường, ít nữa là đối với các giáo dân Công giáo, dù họ có thể chấp nhận kiểu nói trống với các tên riêng khác, thí dụ trong bài Phúc Âm đọc trong TL ngày Thứ Tư tuần 3 mùa Vọng (bản dịch của UBGMPV) : “Khi ấy, Gioan gọi hai người trong số môn đệ của mình ...”, nhưng tiếp theo : “... sai họ đến thưa Chúa Giêsu rằng ...” (12)

Bị phản ứng (có lẽ khá... dữ dội), nên các lần tái bản sau, bản dịch đã phải thêm “Đức” vào trước “Yêsu”.


Chú thích : 


(7) Kĩ thuật ấn loát khi đó là in typo, người thợ phải xếp từng con chữ rời bằng chì (các chữ đều ngược để khi in ra được chữ xuôi) theo bản thảo cho mỗi trang gọi là các bát chữ, cố định các bát chữ lại từng khung trang, sau đó thợ chuyên môn lên khuôn, là xếp các bát chữ của mỗi trang đó ngược hay xuôi, liền nhau hay cách nhau sao cho khi in xong một tờ (bốn hoặc tám trang mỗi mặt giấy), khi gấp lại, các trang sẽ thành liên tục với nhau thành từng tay sách, thợ đóng sách sẽ khâu các tay sách đó lại, đem đi xén cho bằng, rồi đóng bìa... Tóm lại là hoàn toàn thủ công, chứ không phải ngồi gõ chữ trên bàn phím như hiện nay. Vì thế việc sửa chữa trên khuôn chữ rất vất vả, không như bây giờ chỉ việc mở máy tính, tìm chỗ cần thiết, rồi sửa thế nào sẽ được ngay như thế ấy ; việc dàn trang cũng bằng điện tử, chế bản cũng bằng điện tử, dễ dàng gấp nhiều nhiều lần so với trước. Do đó, bản in KT TƯ của cha NTT lúc bấy giờ có thể xem như một kì công trong ấn loát.


(8) Chữ j này còn dùng trong chữ số Rôma thay cho i khi đi sau một chữ (= kí hiệu) khác. Thí dụ số 2 thay vì viết là ii người ta sẽ viết là ij, tương tự như thế còn có : 3 = iii iij, 4 = iv = iiii iiij, 6 = vi vj, 7 = vii vij, 8 = viii viij, 11 = xi xj...


(9) Nguyên văn :
...
[18] 虞舜者 , 名曰重華 . 重華父曰瞽叟 , 瞽叟父曰橋牛 , 橋牛父曰句望 , 句望父曰敬康 , 敬康父曰窮蟬 , 窮蟬父曰帝顓頊 , 顓頊父曰昌意 : 以至舜七世矣 . 自從窮蟬以至帝舜 , 皆微為庶人 .

[19] 舜父瞽叟盲 , 而舜母死 , 瞽叟更娶妻而生象 , 象傲 . 瞽叟愛後妻子 , 常欲殺舜 , 舜避逃 ; 及有小過 , 則受罪 . 順事父及後母與弟 , 日以篤謹 , 匪有解 .
...
[18] Ngu Thuấn giả, danh vi Trùng Hoa. Trùng Hoa phụ viết Cổ Tẩu, Cổ Tẩu phụ viết Kiều Ngưu, Kiều Ngưu phụ viết Câu Vọng, Câu Vọng phụ viết Kính Khang, Kính Khang phụ viết Cùng Thiền, Cùng Thiền phụ viết đế Chuyên Húc, Chuyên Húc phụ viết Xương Ý : dĩ chí Thuấn thất thế hĩ. Tự tùng Cùng Thiền dĩ chí đế Thuấn, giai vi vi thứ nhân.

[19] Thuấn phụ Cổ Tẩu manh, nhi Thuấn mẫu tử, Cổ Tẩu cánh thú thê sinh Tượng, Tượng ngạo. Cổ Tẩu ái hậu thê tử, thường dục sát Thuấn, Thuấn tị đào ; cập hữu tiểu quá, tắc thụ tội. Thuận sự phụ cập mẫu dữ đệ, nhật dĩ đốc cẩn, phỉ hữu giải.

Tạm dịch :
...
[18] Ngu Thuấn tên là Trùng Hoa. Cha Trùng HoaCổ Tẩu, cha Cổ TẩuKiều Ngưu, cha Kiều NgưuCâu Vọng, cha Câu VọngKính Khang, cha Kính KhangCùng Thiền, cha Cùng Thiềnvua Chuyên Húc, cha Chuyên HúcXương Ý : [như vậy kể] đến Thuấn là bảy đời. Từ Cùng Thiền cho tới vua Thuấn, đều là dân thường.

[19] Cổ Tẩu cha Thuấn xằng quáng, mà [khi] mẹ Thuấn chết, Cổ Tẩu lấy vợ nữa sinh ra Tượng, Tượng hỗn láo. Cổ Tẩu yêu con của vợ sau, thường muốn giết Thuấn, Thuấn phải trốn lánh ; gặp khi có lỗi nhỏ, ắt cũng phải chịu tội. [Thuấn] vâng hầu hạ cha cùng mẹ [thứ] và em, hằng ngày đều hết lòng cẩn thận, chẳng có lơ là...”.


(10) Nguyên văn : 師事處士楊湛 , 湛常以驕爲戒 , 深自克抑終爲成人 . 及湛死 ... Sư sự xử sĩ Dương Trạm, Trạm thường dĩ kiêu vi giới, thâm tự khắc ức, chung vi thành nhân. Cập Trạm tử ...


(11) Nguyên văn : “... Chu Văn Trinh chi học vấn, Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi chi văn chương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Duy Ỷ chi kinh tế ; Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan chi lí học ; Lí Ông Trọng, Khương Công Phụ chi huân nghiệp ... 朱文貞之學問 ; 阮忠彦 , 莫挺之之文章 ; 阮廌 , 阮維之經濟 ; 阮秉謙 , 馮克寬之理學 ; 李翁仲 , 姜公輔之勳業 ...”


(12) Thực ra những chuyện này đều do định kiến ; trong những người không chấp nhận cách viết Yêsu của cha Nguyễn Thế Thuấn, vẫn có không ít người say sưa hát mà không cần thắc mắc gì sất, thí dụ :

“Giu-se trong xóm nhỏ...” (Cầu xin Thánh Gia) ;

hoặc : “... Ma-ri-a đầy phúc, Ma-ri-a đầy ơn ...” (Ave Maria, con dâng lời) ;

thậm chí còn : “... Hỡi Ma-ri-a, xin Mẹ nhận lấy ...” (Tận hiến cho Đức Mẹ) ;

hoặc : “Trong hang đá Bê-lem, Giê-su rất dịu hiền ...” (Trong hang đá) ;

hoặc : “Hãy lên đường thương khó với Giê-su ... Mở tấm lòng chia sớt với Ki-tô ... cùng Giê-su trên đường thương khó ...” (Bước đường thương khó).

Nhất là khi đọc công thức kêu Tên cực trọng giúp kẻ liệt phó linh hồn, người ta luôn miệng đọc : “Giêsu, Maria, Giuse, con xin phó linh hồn con trong tay Ba Đấng”, chứ có thấy ai đọc là (thí dụ) : “Lạy Chúa Giêsu, lạy Mẹ Maria, lạy thánh Giuse...” đâu !
  



(Còn tiếp)



Bài trước : Bài 4


Bài tiếp theo : Bài 5b

Không có nhận xét nào: