KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ
Bùi Ngọc Hiển
Bài 2 (tiếp theo)
in Chinese do Joshia Goddard
(1813 – 1854) in năm 1853 vẫn còn mang tựa chữ Nho là 聖經新遺詔全書 [Thánh
Kinh Tân Di Chiếu toàn thư]). Trong khi đó, các tên gọi Cựu / Tân Ước xuất hiện
muộn hơn, như năm 1854 có bản 新約全書 [Tân Ước toàn thư] do Hương Cảng Anh
Hoa thư viện ấn loát. Không rõ trước đó có bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Hoa
nào đã mang tên là Cựu / Tân Ước không. Các sách vở Tàu có đề cập đến địa danh New
York rất có thể cũng do các giáo sĩ Tây phương soạn hoặc dịch, có thể còn
muộn hơn việc dịch Kinh Thánh, nên không muốn phiên dịch New York thành Tân
Ước kiểu như Tân Tây-lan để khỏi trùng lẫn với tên sách.
Về sau một số danh xưng có thay đổi
trong cách phiên âm (dĩ nhiên là đối với người Tàu), như :
Singapore được phiên âm lại là 新加坡 xīnjiāpō ...
Hoặc tên các châu được rút gọn :
阿美利伽 thành 美 měi : châu Mĩ
;
阿非利伽 thành 非 fēi : châu Phi
;
亞細亞 thành 亞 yà :
châu Á ;
歐羅波 thành
歐 ōu : châu Âu.
Đó là những danh từ về “phần đời”. Còn
những danh từ “nhà đạo” thì tình hình cũng tương tự. Ở đây chỉ nêu ít nhiều tên
các vị thánh trong Kinh cầu các Thánh trích ra từ Thánh giáo Nhật
khóa, in năm 1715 (năm Ất Vị, Khang Hi thứ 54) tại nhà in Toàn Năng đường,
Quảng Châu.
Tên Latin Chữ
Nho giọng Tàu giọng Ta
Christus 契利斯督 qìlìsīdū khế
lị tư đốc
Jesus 耶蘇 yēsū da tô
Maria 瑪利亞 mǎlìyā mã lị á
Michaël 彌額爾 míyáěr mi
ngạch nhĩ
...
Ioannes 若翰 ruòhàn
nhược hàn
Ioannes 若望 ruòwàng nhược vọng
Petrus 伯多祿 bóduōlù bá đa lộc
Paulus 保祿 baǒlù bảo lộc
...
Vincentius 味增德 weìzēngdé vị tăng đức
Benedictus 本多 běnduō bản đa
Dominicus 多敏我 duōmǐnwǒ đa
mẫn ngã
...
Về sau, có khá nhiều thay đổi trong
cách phiên âm, thí dụ :
契利斯督 (Christus) đổi thành 基利斯督 jīlìsīdū
[cơ lị tư đốc], rồi nói gọn thành 基督 jīdū [cơ đốc] ;
本多
(Benedictus) đổi thành 本篤 běndǔ [bản đốc] ;
多敏我
(Dominicus) đổi thành 多明我 duōmíngwǒ [đa minh ngã] ...
Phiên âm Dominicus sang tiếng Ta
mà thành đa minh (ngã) như vậy được gọi là kiểu phiên âm qua các tiếng /
chữ trung gian, mà ở đây là tiếng Tàu. Trước kia đã từng có nhiều người (như Phạm
Quỳnh, Dương Quảng Hàm...) lên tiếng chỉ trích cách phiên âm như thế. Thôi thì
dù sao vào thời điểm kiểu phiên âm đó bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam thì có thể tạm
chấp nhận, vì các cụ ta, vừa giã từ thứ văn học đã gắn bó lâu đời là Nho học, mới
chập chững làm quen với Tây học, thì trình độ Pháp ngữ, nói thí dụ thế, không đủ
để đọc trực tiếp các sách vở viết bằng các ngôn ngữ Tây phương, đành phải qua
trung gian là các bản dịch tiếng Hoa của các dịch giả Tàu. Việc phiên âm đó bị
phàn nàn, vì muốn tìm về nguồn gốc từ ngữ từ những dạng được phiên âm kiểu đó
thì không biết đâu mà lần.
Điều căn bản trong việc người Tàu phiên
âm các từ ngữ không thể dịch như trình bày trên, là người ta chỉ cốt tìm một chữ
(Nho) nào đó có âm gần giống với từng âm tiết của từ ngữ đem phiên âm, không
quan tâm chữ (Nho) đo có nghĩa gì. Thí dụ 多明我 được dùng để phiên âm Domingo trong tiếng Tbn, vì
những chữ đó có âm Tàu là duōmíngwǒ, coi là gần giống âm gốc. Vì thế từng
thành tố trong “tên” theo mặt chữ Nho không còn mang nghĩa riêng của nó, đồng
thời, mỗi một chữ Nho trong “tên” chỉ có giá trị tương đương một vần (một âm tiết)
trong tiếng gốc. Do đó, người ta không buộc phải dùng đúng những chữ như vậy,
mà có thể chọn những chữ khác. Thí dụ tên các sách KT Trung Hoa giữa anh em
Công giáo và anh em Tin Lành rất khác nhau. Điều đó chứng tỏ việc phiên âm bằng
chữ Nho đọc theo giọng Tàu khác hẳn cách gọi tên truyền thống của người Tàu
cũng như người Việt : mỗi thành tố của một cái “tên truyền thống” đều có nghĩa
nhất định, nên tên người Việt và tên người Tàu viết theo âm Hán – Việt bằng chữ
Quốc ngữ phải viết hoa tất cả các thành tố, đôi khi thêm gạch nối, nếu đó là những
tên họ kép hoặc tên gọi kép. Thí dụ, tên của một vị giám mục Trung Hoa : 陳日君 , là một
danh xưng được viết bằng ba chữ Nho, nhưng mỗi chữ đều có giá trị riêng với
nghĩa riêng của nó. Vậy khi ba chữ này viết theo âm Hán – Việt bằng chữ Quốc ngữ
(theo quy ước viết tên riêng hiện nay), thì phải viết Hoa cả ba là Trần Nhật
Quân, mà nếu xác định được tên gọi của ngài là một tên kép, như khi Latin-hóa
âm Tàu là Zen Ze-kiun, thì có thể viết thành Trần Nhật-quân hoặc Trần
Nhật-Quân. Cách viết hiện nay bỏ tất
cả các dấu gạch nối là một sai lầm nghiêm trọng, chẳng qua vì không biết làm sao
xác định đâu là họ kép, đâu là tên gọi kép, đâu là chữ đệm.
Nhưng đối với các từ ngữ được người Tàu
phiên âm bằng mặt chữ Nho, nay viết theo âm Hán – Việt bằng chữ Quốc ngữ, thì
phải căn cứ vào dạng gốc của các từ ngữ đó mà viết hoa hay không, có dấu gạch nối
hay không. Thí dụ mỗi một chữ Nho 伯多祿 đều có nghĩa riêng : 伯 [bá] là anh của cha mình, người bác, 多 [đa] là nhiều, 祿 [lộc] là những sự lành được hưởng,
nhưng khi người Tàu dùng cả ba chữ này để phiên âm cùng một tên riêng Pedro
của tiếng Tbn, thì những nghĩa riêng đó không tồn tại nữa : không ai lại đi hiểu
伯多祿 là
“người bác nhiều lộc” cả ; đồng thời mỗi chữ biểu thị một âm nào đó của từ gốc Pedro
(coi như pe-d-ro), mà từ gốc này là từ duy nhất. Nếu coi từ Pedro
dạng trong tiếng Tbn tương đương với Petrus trong Latin, thì xét
về nghĩa, từ duy nhất Petrus sẽ có tương đương cũng bằng từ duy nhất
trong chữ Nho là 石 , đọc theo giọng Tàu là shí [thạch = đá]. Do đó,
ba chữ 伯多祿 nếu
viết theo âm Hán – Việt bằng chữ Quốc ngữ, thì chỉ chữ đầu tiên (biểu thị âm tiết
Pe-) mới phải viết hoa, hai chữ sau (biểu thị các âm tiết -d- và
-ro) rõ ràng không những không được viết hoa, mà giữa ba chữ đó phải viết
với dấu gạch nối là : Bá-đa-lộc. Những cách viết như Bá Đa Lộc, thậm chí
Bá-Đa-Lộc, đều sai. Cũng sai như vậy khi viết dạng phiên âm Hán – Việt của
Abraham 亞巴郎 là
Á Ba Lang, của Adam 亞當 là Á Đang, của Jesus là Da Tô, của Israel 以色列 là Dĩ Sắt
Liệt (sic. ; âm Hán – Việt của 色 là sắc)..., như cách viết trong Từ điển Công
giáo 500 mục từ của Tiểu ban Từ vựng, UB Giáo lý Đức tin, HĐGMVN, tái bản lần
I, 2011. Ấy là chưa kể có cả những dạng phiên âm của CGKPV cũng bị một số người
viết Hoa như thế : Khác Gai, Kha Ba Cúc, Gio An... (không có dấu
gạch nối giữa các vần).
Khi người Tàu dùng, thí dụ, ba chữ Nho 亞巴郎 để phiên
âm chữ Abraham, chẳng qua là đã chọn lấy trong các chữ Nho có âm (theo giọng
Tàu) tương đối gần với âm của “từ gốc” của các tiếng Tây phương, nhằm giúp đọc
những từ ngữ đó cho sát với “âm gốc”. Tuy nhiên âm của các chữ Nho trong tiếng
Tàu không biểu thị được mọi âm trong các tiếng Tây phương, nên có thể nói với
cách phiên âm như thế trong phần lớn các trường hợp, chỉ giúp cho người Tàu đọc
các từ ngữ Tây phương (không thể dịch) một cách gần đúng mà thôi. Thậm chí cách
phiên âm giọng Tàu dùng các chữ cái Latin cũng vậy (5). Điều này khác hẳn với giọng người Việt,
có khả năng đọc rất tốt nhiều tiếng Tây phương, nhất là khi những từ ngữ Tây
phương cũng viết bằng các chữ cái Latin như cách viết chữ Quốc ngữ. Người
Việt nói chung có thể đọc hoàn toàn chính xác những từ ngữ như Abraham,
Pedro, Petrus... khi nhìn thấy những chữ này trong bản văn chữ Quốc ngữ. Mà
nếu không đọc được “như Tây”, thì người Việt cũng có thể đọc khá sát theo cách
như “A-bờ-ra-ham, Pê-đờ-rô, Pê-tờ-rút-xờ”...
Nhưng có những suy nghĩ cho rằng viết
Abraham, Pedro, Petrus... trong bản văn chữ Quốc ngữ thì e rằng làm khó cho người
đọc, mà viết A-bờ-ra-ham, Pê-đờ-rô, Pê-tờ-rút-xờ... thì “nhà quê”, cho nên lại
quay lại kiểu dùng những tiếng mang âm Hán – Việt cho nó vừa “nho nhã”, “thanh
tao”, lại vừa “dễ đọc”. Ấy chính là kiểu phiên âm qua một thứ chữ làm trung
gian, cho nên mới tồn tại những dạng như “Vinh Sơn”, “Biển Đức”, “Âu Tinh”,
“Cát Minh”... Kiểu này đã xuất hiện chính thức trong sách vở Công giáo, mà quan
trọng và điển hình hơn cả lại chính là bản dịch SLR 1992 của nhóm phiên dịch
CGKPV, là những dịch giả có khuynh hướng triệt để từ chối gần như 100% các
phiên âm qua trung gian Latin, nhất định phiên âm trực tiếp từ tiếng
Hipri khi dịch CƯ, và từ tiếng Hi-lạp khi dịch TƯ.
Gần đây có người còn “sáng tác” ra một
phiên âm rõ hay là i-nhã. Có lẽ người này dùng phần mềm gõ tiếng Việt
trên máy tính kiểu telex, thế rồi khi mới gõ được i-nha, kế đó định
gõ tiếp -xi-ô, nhưng giữa nha và x lại quên gõ dấu gạch nối,
thế là tự động nhận được ngay một cái “tên mới”, đọc lên nghe cũng hay thật (!)
; thế là thôi, từ bấy giờ mà đi xin từ bỏ luôn i-nha-xi-ô mà gắn bó với i-nhã
(cho đến trọn đời. Amen) !
Việc phiên âm Ierusalem thành gia liêm có liên quan tới chuyện
phát âm các tên riêng viết trong Latin. Cách phát âm tiếng Latin
hiện nay trong Hội Thánh là cách phát âm theo giọng Í (được trình bày chi tiết ở
phần sau). Hồi đầu Công nguyên, mẫu tự c trong Latin chỉ được
phát âm là /k/ dù theo sau c là bất cứ mẫu tự nào. Tương tự thế, mẫu tự s
chỉ biểu thị cho âm duy nhất là /s/ (xin mượn kí hiệu phiên âm quốc tế để thể
hiện các âm đọc), mẫu tự g có âm /ɡ/, mẫu tự t có âm /t/. Thí dụ conclave đọc là /konklāvĕ/, cardinalis /kardĭnālis/, celebratio
/kĕlĕbrātio/, gaudium /ɡaudĭum/, genaratio
/ɡĕnĕrātĭo/, gignentia
/ɡiɡnentĭa/, prosentio /prōsentĭo/,
proscriptio /proskriptĭo/... Về sau, do phát âm theo giọng Í, các mẫu tự c, g và t
chia ra âm cứng (đọc lần lượt là /k/, /g/, /t/ khi đi trước phụ âm hoặc trước a,
o, u) và êm mềm (đọc là /tʃ/, /ʒ/, /s/ khi đi trước e, i). Mẫu tự s cũng
chia ra hai âm : đọc /z/ khi đi giữa hai nguyên âm, đọc /s/ trong các trường hợp
khác. Ngoài ra gn đọc là /ɲ/ (na ná [nh] của tiếng Việt). Do đó những từ dẫn trên lần lượt được đọc là
/konklāvĕ/ (không thay đổi), /kardĭnālis/ (không đổi), /tʃĕlĕbrāsio/, /ɡaudĭum/ (không đổi), /ʒĕnĕrāsĭo/, /ʒiɲensĭa/,
/prōzensĭo/, /proskripsĭo/...
Vì thế, các đấng các bậc ở ta, có thể do quen đọc Latin (theo giọng
Í), nhưng cũng có thể muốn ra vẻ tây, nên đã đọc, thí dụ Jerusalem
thành giê-ru-za-lem, Isaac thành i-za-ac, Isaia
thành i-za-i-a... Từ đó mà Jerusalem được phiên thành Gia-liêm.
Chỉ có điều muốn cho được nhất quán (như tây), thì cũng phải đọc Giêsu
thành Giêzu (tiếng Í : Gesù /dʒe'zu/), Giuse thành Giuze (tiếng Í : Giuseppe /ʒu'zeppe/)... mới đúng ! Các tên Ierusalem,
Isaac, Isaia trong tiếng Hipri lần lượt là ירושלם , יצחק , ישעיהו . Trong Hipri, mẫu tự ש [s(h)in] chỉ
có âm /s/ (viết שׂ
) hoặc /ʃ/ (viết
שׁ ), צ [tsade] có âm /ts/, ז [zayin] có âm /z/ (như trong זכריהו
Zacaria, זבולן Zebulon, עזריהו Azaria...), không lẫn với nhau. Nếu Isaia chẳng hạn mà đọc là i-za-i-a
thì có lẽ trong Hipri phải thay ש bằng ז ! Cách phiên âm của CGKPV hơi “cực đoan” (chỉ dùng
các mẫu tự của Chữ Quốc ngữ), nhưng các vị đó đã phiên âm đúng các danh
từ riêng gốc Do-thái, như : I-xa-ác, I-sai-a, Dơ-vu-lun...
Trong văn thơ, để gọi là “thi vị hóa”, mà thỉnh thoảng dùng đến những dạng
phiên âm qua chữ Nho đọc theo âm Hán – Việt, thôi thì cũng được. Nhưng áp dụng
cách làm đó cho các bản văn PV thì có lẽ không nên, vì còn phải xét đến ý nghĩa của những cái “tên” được nói đến.
Có thể kể một ít về ý nghĩa
của vài tên riêng (Latin) :
Christus : nghĩa là
người được xức dầu, gốc ở chrisma nghĩa là dầu (thánh) ; cả hai từ ngữ
này đều có từ tương ứng trong tiếng Hi-lạp là χριστός và χρῖσμα với nghĩa tương đương ;
Carmelus : tên núi ở
Palestina, tiếng Hipri là הַכַּרְמֶ֑ל ( הַ֣ר ) [(har)
hakarmel], nghĩa là (núi) vườn nho của Đức Chúa, có gốc từ כֶּרֶם [kerem], có nghĩa là vườn, vườn nho ;
Augustinus : có gốc từ augustus,
nghĩa là uy nghi, tôn kính ; chữ augustus được Gaius Octavius Thurinus chọn làm tôn hiệu năm 31
TCN khi ông đánh bại cả Marcus Antonius và Cleopatra để làm hoàng đế đế quốc
Roma, (tôn hiệu đầy đủ của ông là Imperator Caesar Divi filius Augustus, Hoàng
đế Đại thống lĩnh Tôn kính, Con của Thần) ;
Benedictus : có nghĩa
là người được chúc phúc, được chúc tụng, do động từ benedico, benedicere
nghĩa là chúc phúc, tán tụng ;
Dominicus : có nghĩa
là thuộc về Chúa, gốc từ dominus, nghĩa là người chủ, chúa ;
Franciscus (và cả Francus)
: tiếng Latin thời Trung cổ, có nghĩa là thuộc dân tộc Franks ; từ
ngữ franks này lại có gốc từ tiếng Germanic, có nghĩa là cái giáo, cái
lao ; lại cũng có nghĩa là dân tự do, trung tín ;
Ignatius : có nghĩa
là nóng, cháy, nồng nàn, cũng có nghĩa là người mang lửa, do ignis có nghĩa
là ngọn lửa ;
Paulus : nguyên có
nghĩa là nhỏ, yếu, hèn mọn ;
Vincentius : có nghĩa
là người chiến thắng, người chinh phục, từ động từ vinco, vincere...
Nay những cái tên đó, thí dụ Christus
thay bằng Ki-tô, thì không biết tự điển, từ điển nào cho biết ki-tô là “Đấng được
xức dầu”, Carmelus thay bằng Cát Minh (tốt lành sáng sủa ?), Augustinus
bằng Âu Tinh (ngôi sao bên [trời] Âu ?), Benedictus bằng Biển Đức (một
biển đầy phúc đức ?), Dominicus bằng Đa Minh (nhiều sự sáng ?), Franciscus
bằng Phan Sinh (người trẻ họ Phan ?), Ignatius bằng I Nhã (i phục nhã nhặn
?), Paulus bằng Bảo Lộc (giữ gìn các lợi lộc ?), Vincentius bằng
Vinh Sơn (núi rạng ngời ?), v.v..., thì tìm đâu ra ý nghĩa gốc ? Đó là mới kể những cái “tên” tạm coi là có chút ý nghĩa. Còn như Gia Liêm chẳng hạn, thì không biết
nó có nghĩa gì ? Chả lẽ lại là “gia tăng thêm sự liêm chính” ? hay là “cái rèm
treo trong nhà” ?
Thôi thì những “tên” nào kể là đã quá quen (như
Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Anh, Pháp, Í, La-mã, Hi-lạp, Do-thái...), bỏ đi ngay tức
khắc có lẽ cũng gây khó chịu (chứ hoàn toàn chẳng có gì khó khăn), đành sẽ nên
thay dần, nhưng xin đừng “sáng chế” ra những tên mới kiểu đó nữa, thật không ổn
tí nào.
c. Cách phiên âm của bản CGKPV
(đối chiếu với bản NTT và bản
NV) :
Vì các dịch
giả của bản CGKPV dứt khoát không chấp nhận những âm những vần không có trong
tiếng Việt, rồi lại cũng dứt khoát không chấp nhận phiên qua trung gian Latin,
nên quả thật có những phiên âm có khi không còn nhận được mặt chữ gốc, có khi
sai lạc hẳn. Thí dụ tên các thánh được phiên âm trong SLR 1992. Tạm kể một ít :
Cô-lát-ti-ca (lễ ngày 10 tháng 2), Ca-xi-mia (4-3), Pát-rích
(17-3), Ta-nít-lao (8-4), Dích-ma-rinh-gân (24-4), Sa-nen
(28-4), Păng-ra-xi-ô (12-5), Âu-tinh Can-tơ-bơ-ri (27-5), Ép-rem
(9-6), Rô-moan-đô (19-6), Mô (22-6), A-lê-xan-ri (27-6), Bi-ghít-ta
(23-7)... Thật may (?!) là nhiều vị có tên ở trên lại không có tên trong lịch
PV của một số giáo phận tại Việt Nam. Ấy là chưa kể việc phiên âm cũng thiếu nhất
quán : vần -ar lúc thì phiên là -ác như Mác-ti-nô
(13-4), Mác-cô (25-4), khi thì phiên là -a như Ba-na-ba
(11-6) (6). Qua đó thấy rằng các dịch giả đã loại bỏ hẳn các
phụ âm kép như sc- , st- , br- , gr- , cr- ,
dr- , fr- (phr-), cl- , gl- , pl- ...
Nhưng ở Act 6:5 : Πρόχορος [Prokhoros ; dạng Latin là Proc(h)orus] lại
được CGKPV phiên âm là Pơ-rô-khô-rô ;
ở Act
18:2 : Πρίσκιλλα, Κλαύδιος [Latin
: Priscilla, Claudius] phiên là Pơ-rít-ki-la, Cơ-lau-đi-ô ;
ở Act
18:8 : Κρίσπος [Crispus]
là Cơ-rít-pô ;
ở Rom
16:1 : Κεγχρεαί [Cenchrea]
là Ken-khơ-rê ;
ở 1Cor
1:11 : Χλόη [Chloe] là Khơ-lô-e
;
ở Col
1:7 : Ἐπαφράς [Epaphras] là Ê-páp-ra
!
ở Act
2:10 : Φρυγία [Phrygia]
là Phy-gi-a ;
ở Rom
16:8 : Ἀμπλίας [Amplias ;
dạng khác : Ἀμπλίατος, Latin
: Ampliatus] phiên thành Am-li-át...
ở Rom
16:9 : Οὐρβανος [Urbanus]
phiên là Ua-ban ; Στάχυς [Stachys]
phiên là Ta-khy. Chẳng biết quy tắc nào đã được áp dụng mà khi thế nọ,
lúc thế kia.
Một từ ngữ
khác, hết sức quen thuộc với mọi tín hữu Thiên Chúa giáo, không riêng gì người
Công giáo, là alleluia (hãy-ngợi-khen Chúa, hãy-ngợi-khen Iavê ; Hipri
: הַ֥לְלוּ יָ֨הּ [hallū yāh]) được bản
CGKPV phiên âm thành ha-lê-lui-a, vừa sai cả với cách phát âm của tiếng
gốc Hipri (vốn không hề có vần nào là vần -ui), vừa làm mất dạng gốc của
một chữ rất quan trọng là Iavê ( יָ֨הּ [yāh]).
Dưới đây là
đối chiếu một số tên riêng được phiên âm trong các bản CGKPV, NTT so sánh với
các tự dạng trong NV.
Từ tên một số
sách trong KT :
Bản Nova Vulgata Bản CGKPV Bản
NTT
Nehemias Nơ-khe-mi-a Nêhêmya
Abdias Ô-va-đi-a Abđya
Michea Mi-kha Mica
Nahum Na-khum Nahum
Habacuc Kha-ba-cúc Habacuc
Aggaeus Khác-gai Haggai
Cho đến các
tên khác :
Henoch Kha-nốc Hênoc
Mathusalam Mơ-thu-se-lác Mathusalem
Sala Se-lác Selakh
Heber Ê-ve Eber
Phaleg Pe-léc Pêleg
Artaxerxis Ác-tắc-sát-ta Artaxerxes
Agrippa Ác-ríp-pa Agrippa
Adrammelech Át-ram-me-léc Ađrammôlek
Beselam Bít-lam
Bishlam
Mithridates Mít-rơ-đát Mitriđat
Tabel Táp-ên Tabơel
Ephraim Ép-ra-im Ephraim
Ephratha Ép-ra-tha Êphrata
Đối với các
tên Kha-nốc, Mơ-thu-se-lác, Se-lác, Ê-ve... thì chỉ có vấn đề là các âm
đọc do việc phiên âm trực tiếp từ Hipri hoặc phiên âm qua trung gian Latin
có hơi khác nhau, nhưng với các tên còn lại như Ác-ríp-pa, Át-ram-me-léc...
thì khi ngắt ra như thế, khó mà nhận biết nguyên dạng và nghĩa gốc (thí dụ αγριππας [agrippa]
do tiền tố ἀγρ- [đồng hoang, đồng nội, dã 野 ] và ἵππος [ngựa], có nghĩa là người thuần hóa ngựa hoang... ; ngắt ra thì cả
ác- cũng như ríp-pa không biết nghĩa là gì ! ; hoặc אפרים [efrayim] : quả kép, gốc từ אפרת
[ephrath] nghĩa là miền đất phì nhiêu... ; hoặc אפרתה
['efratah] – tên khác của Bê-lem – cùng gốc với אפר [afayr'] = cột, buộc, bó).
d. Quy ước phiên âm dùng trong sách này :
Quy ước 1 :
*. Trong
sách này sẽ dùng dạng Latin hoặc dạng phiên âm chủ yếu từ Latin.
*. Những từ
(không phải tên riêng) xét thấy có từ ngữ có thể coi là tương đương trong tiếng
Việt để dịch thì sẽ dịch chứ không phiên âm, cho dù dạng phiên âm đó hết sức
quen thuộc. Có lẽ cho đến nay chỉ còn từ duy nhất là baptista trong Latin,
mà trong tiếng Tbn là bautista, và được phiên âm rất quen thuộc là bao-ti-xi-ta.
Từ này sẽ được thay bằng tẩy giả (= người rửa).
*. Đối với dạng
phiên âm từ Latin, không thêm dấu sắc (dấu ) của tiếng Việt vào dạng phiên âm, cũng không dùng dấu gạch nối ngắn (dấu
- ; trừ một số rất ít trường hợp sẽ kể dưới đây) ; chỉ viết hoa âm tiết (vần) đầu
tiên của từ được phiên âm nếu từ đó cần được viết hoa.
*. Không
phiên âm giới từ de trong Latin (trước kia quen phiên là “đệ”,
như Gioanna Phanxica đệ Chantal, sách BĐ mùa Vọng và mùa Giáng
sinh, UBGMPV, trang 315, Phanxicô đệ Phaolô, Gioan Tẩy giả đệ
Salê, Fiđêlê đệ Sigmaringa, sách BĐ mùa Chay và mùa Phục sinh, các
trang 377, 378, 379, Vincentê đệ Phaolô, sách BĐ mùa Quanh năm
II, trang 496).
Các thí dụ :
- dùng Gioan (không dùng các dạng Gio-an / Gio an / Gio An /
Gio-An ; trừ khi dẫn lại từ sách khác), thay cho Ioannes ;
- dùng Giuse (không dùng các dạng Giu-se / Giu se / Giu Se /
Giu-Se ; trừ khi dẫn lại từ sách khác) thay cho Ioseph ;
- nhưng khi phiên âm Louis (tiếng Pháp) sẽ dùng Lu-i (không
dùng dạng Lui, vì sẽ lẫn với “lui” trong “lui tới” ; cũng không dùng dạng
Luy, vì sẽ lẫn với “luy” trong “Luy Lâu”... ; cũng không dùng dạng Lu-y
vì chẳng có lí do gì để phải dùng như thế ; Louis trong Latin là Ludovicus,
nhưng dạng này dài quá nên không phiên âm).
Quy ước 2 :
*. Chỉ với những danh từ đã quá quen thuộc (như : châu Á, Âu, Mĩ...)
mới dùng dạng phiên âm qua trung gian Hán – Việt.
*. Khi đó nếu từ được phiên âm có từ hai âm tiết (vần) trở lên thì luôn
luôn có dấu gạch nối giữa các tiếng được phiên âm.
*. Chỉ viết hoa chữ đầu tiên của âm tiết đầu tiên nếu từ cần phiên âm
đáng phải viết hoa.
Các thí dụ :
- dùng Do-thái (không dùng các dạng Dothái / Do thái / Do Thái /
Do-Thái ; trừ khi dẫn lại từ sách khác) thay cho Hipri (chỉ trong một số rất ít
trường hợp mà thôi) ; hoặc dùng La-mã (không dùng các dạng Lamã / La mã
/ La Mã / La-Mã ; trừ khi dẫn lại từ sách khác) thay cho Rôma (cũng chỉ trong một
số rất ít trường hợp mà thôi).
- dùng Tiểu Á vì đây là kiểu vừa phiên vừa dịch từ Asia
Minor ; cả Asia và Minor đều viết hoa, nên cả Tiểu và Á
cũng phải viết hoa và không có gạch nối (tương tự thế – ở đây dẫn ra chỉ để làm
thí dụ – dù là dạng hoàn toàn phiên âm, Nữu Ước vẫn viết hoa cả hai và
không có dấu gạch nối, vì Nữu là tiếng phiên âm cho New và Ước
là tiếng phiên âm cho York ; nhưng Tân Tây-lan thì chỉ viết hoa Tân
và Tây, còn Bồ đào-nha chỉ viết hoa Bồ, đồng thời phải có
gạch nối giữa hai tiếng Tây và lan, giữa ba tiếng Bồ, đào,
nha : năm tiếng tây, lan, bồ, đào, nha này hoàn toàn không thể
xem là những “từ”, vì vai trò của chúng chẳng qua chỉ để hình dung các âm tiết
trong ngôn ngữ gốc, hoàn toàn khác với vai trò của Tân là một “từ”, vì
nó đã được dùng để dịch từ New của ngôn ngữ gốc).
Quy ước 3 : Riêng danh xưng Christus (Χριστός) sẽ được phiên âm là Kristô
thay cho Ki-tô (hoặc Kitô, Ky-tô, Kytô, trừ khi dẫn lại từ sách khác), dù Ki-tô
(hoặc Kitô) là tiếng đã dùng quen mấy chục năm nay, nhưng xét cho cùng đó là những
tiếng vô nghĩa, không nên để tồn tại.
_______________
(5) Thí dụ tiếng Tàu không có âm
r như được phát âm trong các tiếng Tây phương, mặc dù cách phiên âm giọng
Bắc Kinh theo chữ cái Latin cũng có chữ cái này. Âm của chữ r đó
na ná như âm của chữ s trong measure của tiếng Anh. Ngoài
ra với cách phiên âm đó, thì những chữ Nho có âm đầu ghi bằng chữ cái Latin
theo giọng Bắc Kinh là r- lại thường có âm đầu nh- (có khi là d-)
trong cách đọc Hán – Việt : 讓 ràng → nhượng, 人 rén → nhân,
忍 rèn → nhẫn,
日 rì → nhật,
戎 róng → nhung,
如 rú → như,
入 rù → nhập...
(6) Về
chuyện phiên âm các từ ngữ nước ngoài sang tiếng Việt, thì ngay từ năm 1897, ở
địa phận Đông Đàng Ngoài (Tonkino Orientale, sau này là Hải Phòng và Bắc
Ninh) có bộ sách in chữ Nôm nhan đề Sách Truyện Các Thánh Toát Yếu, do
giám mục Giu-se Hiến (tên Việt Nam của đức cha José Terrés, OP.,
1843 – 1906) truyền từ. Bộ sách gồm 2 quyển, kể các truyện tích về các ngày lễ
kính Chúa, Đức Mẹ và các Thánh trong một năm Phụng vụ (cũ). Trong bộ sách này,
tuy viết bằng chữ Nôm, nhưng các từ ngữ nguyên là tiếng nước ngoài (phần lớn là
các tên riêng và các danh từ về Hội Thánh mà lúc đó chưa được dịch sang tiếng Việt) được phiên âm rất cẩn
thận. Đặc biệt các từ ngữ có âm cuối vần (âm tiết) là -r, thi chữ r
này được viết (dĩ nhiên là chữ Latin) chen vào giữa các Chữ Nôm (có lẽ
chưa có sách nào viết như thế, và cách viết của bộ sách này có thể nói là duy
nhất). Có thể kể một số thí dụ (chữ Tbn = Tây-ban-nha, Bđn = Bồ-đào-nha) :
Chữ gốc Chữ
Nôm phiên âm Đọc theo chữ Quốc ngữ
Salerno (tiếng
Tbn) 沙 離 r 奴 sa-le-r-no
Policarpo
(Tbn) 舖 離 歌 r 舖 po-li-ca-r-po
Persia (Tbn) 批 r 槎 亞 pe-r-si-a
persona
(Tbn) 批 r 芻 那 pe-r-so-na
Marcello (tiếng
Í) 瑪 r 𩂏 𠰷 ma-r-che-lo
Giordano (Í) 炉 r 耶 奴 gio-r-đa-no
Ferdinando
(Í) 批 r 移 難 由 fe-r-đi-nan-đo
confirmação (Bđn) 昆 丕 r 瑪 雙 con-fi-r-ma-song ...
Nhờ thế có
thể dễ dàng phân biệt giữa danh từ riêng 歌 r 眉 𠰷 (ca-r-me-lo = Carmelo,
Tbn / Bđn / Í) với danh từ chung 歌 眉 𠰷 (ca-me-lo =
camelo, Tbn ; camelo, Bđn ; cammello, Í = con lạc đà).
(Còn tiếp)
Bài trước : Bài 2a
Bài tiếp theo : Bài 3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét