CHUYỆN
CHỮ NGHĨA :
CƠM
AI THỔI
Bùi
Ngọc Hiển
Năm 1963, Nam Chi Tùng Thư có xuất bản
một tác phẩm của Lãng Nhân (bút hiệu của Phùng Tất Đắc), nhan đề CHƠI
CHỮ, trong có câu chuyện Ai về ăn cơm (trang 237 – 238, tựa chuyện
ghi theo Mục lục cuối sách). Mạn phép tác giả, xin trích lại nguyên văn
như sau.
Trước khi vào chuyện, Phùng tiên sinh dẫn :
« ...
Trong văn ta, mỗi chữ tùy theo vị trí trong câu, có thể là chủ từ, động
từ, trạng từ, tĩnh từ v... v...» (sic.)
Rồi mới vào chuyện :
« Hai
vợ chồng nhà kia mới cưới nhau hôm trước, hôm sau chồng đi làm ngoài đồng, đến bữa vợ ra gọi về ăn cơm, nhưng vì còn
thẹn, không biết gọi chồng là gì, bèn buông
lỏng :
« - Ai
về mà ăn cơm.
« Chồng
hỏi đùa :
« - Cơm ai
thổi ?
« Vợ nguýt yêu, trả lời :
« - Thổi chứ ai ? » (sic.)
Phùng tiên sinh thêm cuối truyện :
« Như thế
thì phân biệt sao được ai vào với ai ? » (sic.)
Các câu đối thoại trên rõ ra tính
cách của mỗi nhân vật. Câu đầu tiên cho thấy sự ngượng ngùng, bẽn lẽn của cô vợ
mới. Câu hỏi của anh chồng, chỉ có ba tiếng mà nghe có thể hình dung ngay được
vẻ anh ta tinh nghịch đùa cợt cô vợ yêu. Đến câu đáp lại của chị vợ mới thật
hay, cũng chỉ ba tiếng mà hết hai tiếng lặp lại những tiếng trong câu của anh
chồng, nghe thấy toát lên vẻ thẹn thò nhí nhảnh, đồng thời lại cỏ vẻ âu yếm kín
đáo : ngắn, gọn, mà hết sức dễ thương, không cần dài lời (chẳng hạn : “Thì...
em thổi chứ ai”), mà người nghe vẫn hiểu trọn vẹn ý cô
nàng muốn nói.
Dăm năm sau, trong số báo xuân một
tạp chí thiếu nhi lúc bấy giờ, có bài viết tựa đề là THÚ CHƠI CHỮ của một
tác giả, ở đây tạm gọi là ABC có lẽ cũng đủ. Gần hết các chuyện trong bài viết
này đều có trong quyển CHƠI CHỮ của Phùng tiên sinh vừa kể. Chẳng biết vị
ABC này có “sưu tầm” từ đó ra không, nhưng nếu so với các chuyện được Phùng
tiên sinh kể lại, thì các chuyện của ABC có phần được thêm mắm dặm muối, sửa chữa
chỗ này chỗ khác, kèm theo lời giới thiệu rằng :
« Nhân dịp
xuân về, tôi sưu tầm được một số giai thoại về
thú chơi chữ, xin thuật lại cho các bạn xem... » (sic.)
mà chuyện đầu tiên được thuật lại chính là chuyện Ai về ăn cơm. Câu
chuyện được vị ABC đó thay đổi khá nhiều (về cách dùng chữ thôi, nếu so với bản
của Phùng tiên sinh, nhưng lại ở những chỗ quan trọng nhất của câu chuyện, sẽ
nói ở dưới), kèm theo lời “bình” :
« ... Đố
người ngoại quốc đến đất nước này mà hiểu được
những ý nhị của các tiếng “Ai” trên ?
« Cũng một
tiếng “ai” mà mỗi chỗ nghĩa lại khác nhưng nếu giả
sử ta bỏ tiếng “ai” thế vào nghĩa đích thực của nó
thì lại mất hay và thi vị đi ! Sử dụng được tiếng “ai” như thế
là đã đạt được nghệ thuật tuyệt cao về thú chơi chữ...
» (sic.)
Không thuật lại toàn chuyện (theo
lời kể của ABC) cho dài dòng, chỉ trích riêng ba câu đối thoại của ‘hai vợ chồng
nhà kia’ đã được ABC sửa lại, lần lượt là :
« - Ai
ơi về ăn cơm !
« - Ai thổi cơm đó ? [chữ ‘ai’ này trong bản của ABC không in nghiêng]
« - Ai
thổi chớ còn ai thổi nữa ? » (sic.)
Cả ba câu này đều quá sượng. Chữ ơi
trong câu đầu tiên làm mất hết cả vẻ duyên dáng. Câu thứ hai đảo ráo trọi thứ tự
so với câu của Phùng tiên sinh dẫn ra, lại còn thêm đó vào, là một câu
“trung tính”, bình thường, còn nói gì đến “ý nhị” (chữ dùng của ABC), chả có gì để gọi được là một câu chồng trêu “chọc” (vẫn chữ dùng của ABC) vợ mới
cưới. Nhất là đến câu thứ ba thì càng tệ. Có lẽ ABC muốn nhấn mạnh thái quá về
một chữ tiếng Việt mà có nhiều chức năng ngữ pháp khác nhau “đố người ngoại quốc
hiểu được”, hoặc muốn “chơi chữ” cho được nhiều, nên thêm một chữ “ai” nữa vào
trong câu, làm cho câu trở thành huỵch toẹt, vừa vô duyên, vừa nhạt nhẽo. Câu này, mà ABC cho là “đẹp và tình quá” và “không trơ trẽn như nếp sống văn
minh Âu Mỹ hiện giờ” (sic.), thì khi nghe, người ta chỉ có thể hình dung ra lời của một
cô con gái đanh đá, chanh chua, cong cớn, dường như chỉ chực đốp chát với chồng
ngay từ khi vừa mới lấy nhau. Hơn nữa trong thực tế chả có ai lại nói “Ai
thổi chớ còn ai thổi”. Câu Phùng tiên sinh dẫn ra tế nhị và có duyên bao
nhiêu, thì câu ABC uốn nắn thực tế tiếng nói theo ý riêng mình lại cục mịch, thô thiển bấy nhiêu, nhưng theo ABC,
đó là những câu nói “thi vị” trong tiếng Việt, đã “đạt được nghệ thuật tuyệt
cao về thú chơi chữ”.
Mới biết không phải hễ cứ nhiều, cứ
dài... là “hay và thi vị”.
Bùi Ngọc Hiển
Những Chuyện Chữ Nghĩa khác :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét