PHỤ
MẪU CHI DÂN !
BÙI NGỌC HIỂN
Trong Thánh lễ cuối cùng của năm Phụng vụ
kính trọng thể Chúa Ki-tô Vua, có vị linh mục đã giảng, thật ra là đọc một bài
giảng được in sẵn trên giấy, với những lập luận rất cao siêu, dùng những câu chữ
rất văn hoa, hình tượng. Tuy nhiên, nói theo kiểu nói người ta hay dùng, là bài
giảng “thiếu tính thực tiễn của đời thường” giáo dân. Nghe chừng bài giảng dường
như được tải đâu đó trên mạng truyền thông hơn là tự “đầu tư suy nghĩ” để viết
ra. Trong những câu chữ văn hoa nọ, có không ít những từ Hán – Việt, và có cả một
“cụm từ” rằng : “phụ mẫu chi dân”, và được cắt nghĩa “phụ mẫu chi dân” là “cha mẹ
của dân” !
Hóa ra bài giảng tải từ mạng là chuyện thật.
Và không ngờ, cụm từ “phụ mẫu chi dân” không chỉ xuất hiện
trong bài giảng lễ vị linh mục đã bỏ công tải xuống để đọc cho giáo dân nghe,
mà thấy xuất hiện trong khá nhiều bài viết khác. Riêng với thể loại “bài giảng”
hoặc “bài suy niệm Lời Chúa” của các trang mạng Công giáo (mà dưới đây xin gọi
chung là “các bài viết”), không chỉ bài giảng nọ có cụm từ “phụ mẫu
chi dân”, mà có đến hơn chục bài khác. Vị trí trên mạng truyền thông của
những bài đó xin được liệt kê bên dưới bài viết này, nguyên văn các đoạn có cụm
từ “phụ
mẫu chi dân” nọ xin không dẫn ra, e thừa thãi.
Ở đây không dám lạm bàn về việc soạn bài
giảng lễ, chỉ xin nói về cụm từ “phụ mẫu chi dân”.
Có lẽ các tác giả của các bài viết đã hiểu
(và hiểu đúng) nghĩa của từng từ như sau : phụ
(父) = cha, mẫu
(母) = mẹ, chi
(之) = của, dân
(民) = dân chúng. Nhưng vấn đề là cấu trúc của cụm từ có
dùng chữ “chi (之) = của” này. Trong cấu trúc đúng, trước “chi” là từ chỉ (người, vật... làm) chủ sở
hữu, sau “chi” là từ chỉ người, vật...
bị sở hữu. Cấu trúc đó tương tự cấu trúc sở
hữu cách (possessive case) của các danh từ trong tiếng Anh dùng dấu ’ (dấu
phẩy cao, apostrophe) + chữ cái s,
nghĩa là ngược với cách nói thông thường của tiếng Việt, và cũng ngược với cách
nói dùng “of” của tiếng Anh.
Thí dụ :
- tiếng Việt : ngôi sao (星) của niềm hi vọng (希望)
- tiếng Anh :
-
dùng “ of ” : star of hope
-
dùng “ ’s ” : hope ’s star
- Hán – Việt : 希望 之 星 [hi
vọng chi tinh]
Nay đổi “hi vọng chi tinh” thành “tinh
chi hi vọng” cho “sát” với ngữ pháp tiếng Việt, thì cụm từ mới này hoặc phải
hiểu là “niềm hi vọng của ngôi sao (nào
đó)”, hoặc là vô nghĩa.
Thí dụ khác :
- tiếng Việt : nhà (家) của Chúa
Ki-tô (基督)
- tiếng Anh : Home of
Christ
- Hán – Việt : 基督 之 家 [Cơ-đốc
chi gia]
Trong Hán văn có đầy những thí dụ khác
tương tự, chẳng hạn :
神之領域 [thần chi lĩnh vực] = lĩnh vực của thần ;
待客之心 [đãi khách
chi tâm] = “lòng (của sự) đãi khách” = lòng mến khách ;
百兵之王 [bách binh
chi vương] = vua của trăm quân ;
生死之戰 [sinh tử chi chiến] = cuộc chiến đấu (của sự) sống chết = trận chiến sống
còn ;
側隱之心 [trắc ẩn chi tâm] = tấm lòng (của sự)
trắc ẩn ;
và gần gũi với người Công giáo còn có cụm từ hết sức quen
thuộc :
天主之母 [Thiên Chúa chi Mẫu] = (Đức) Mẹ của Chúa Trời.
Không cần lấy thêm thí dụ đâu xa xôi,
trong Kinh Cầu Đức Bà bằng Hán văn mà
hiện vẫn còn khá nhiều người (Việt) thuộc, như :
造物之母 [Tạo
vật chi Mẫu] = Mẹ của Đấng Tạo hóa = Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa ;
救世之母 [Cứu
thế chi Mẫu] = Mẹ (của Chúa) Cứu thế = Đức Mẹ sinh Chúa Cứu thế ;
義德之鏡 [nghĩa
đức chi kính] = gương của nghĩa đức = Đức Bà là gương nhân đức ;
上智之座 [Thượng
trí chi tòa] = tòa của Đấng Thượng trí = Đức Bà là tòa Đấng Khôn ngoan ;
臣樂之緣 [thần
lạc chi duyên] = đầu mối của niềm vui mừng của bầy tôi = Đức Bà làm cho chúng
tôi vui mừng.
So sánh với bản
kinh Latin (Litaniae Lauretanae), rõ
ràng các từ chỉ “chủ sở hữu” luôn đặt ở genitivus,
còn từ chỉ “bị sở hữu” để ở cách (casus) nào cũng được (trong các câu sau đều ở
nominativus) : Mater Creatoris, Mater
Salvatoris, Speculum iustitiae, Sedes sapientiae, Causa nostrae laetitiae.
Vì thế, muốn
dùng chữ Nho để diễn tả ý “cha mẹ của dân” mà lại viết là “phụ mẫu chi dân” thì
thật ngớ ngẩn, vì “phụ mẫu chi dân” là “dân của bố mẹ”, vô nghĩa, chẳng hiểu
là gì.
Các chữ “dân chi phụ mẫu” này vốn có trong các
sách kinh điển Nho giáo : nguyên văn trong大學章句 [Đại
Học chương cú], đoạn11, như sau :
詩云:「樂只君子,民之父母。」民之所好好之,民之所惡惡之,此之謂民之父母。Có chú rõ câu trên dẫn ra ở 詩小雅南山有臺之篇 Kinh Thi, Tiểu Nhã, thiên Nam sơn hữu đài [Thi vân : “Lạc chỉ quân tử, dân chi phụ mẫu.” Dân chi sở hiếu, hiếu chi ; dân chi sở ố, ố chi ;
thử chi vị dân chi phụ mẫu] = Kinh
Thi rằng : “Làm cha mẹ dân (thì) người quân tử được vui”. Cái nào dân ưa thì ưa,
cái nào dân ghét thì ghét, được như thế mới gọi là cha mẹ của dân (có thể tham khảo tại : http://ctext.org/si-shu-zhang-ju-ji-zhu/da-xue-zhang-ju1/zh?searchu詩云 : “樂只君子,民之父母。 ).
Còn như kiểu nói “phụ mẫu chi... (= ... của cha mẹ)”, trong các sách kinh điển
của Nho giáo cũng có, thí dụ trong 論語 , 里仁 [Luận Ngữ, thiên
Lí Nhân, đoạn 21] có câu : 子曰 : 父母之年不可不知也,一則以喜,一則以懼 [Tử viết : Phụ
mẫu chi niên bất khả bất tri dã, nhất tắc dĩ hỉ, nhất tắc dĩ cụ] = Thầy (Khổng)
nói : Tuổi của cha mẹ không thể không biết, một là để mừng (như cha mẹ sống
thọ), một nữa để lo (sợ cha mẹ sẽ qua đời) (có thể tham khảo tại : http://ctext.org/analects/li-ren/zh).
Dù sao, không thiếu những trang mạng Công
giáo viết (và cả dẫn) đúng, như :
Bài “Sự
Giao Lưu giữa hai nền văn hóa : Trung Hoa - Tây Phương và khái niệm Bản Vị Hóa”
của cha An-tôn Ðoàn Thái Bình, Hoa Liên, Ðài Loan, đăng trên trang http://vntaiwan.catholic.org.tw/thanhoc/thaibinh.htm,
có đoạn :
... Chúng ta đừng quên, tại Trung Hoa từ
"phụ mẫu" có thể ám chỉ một người đơn độc, ví như Vua được gọi là
"Dân chi Phụ Mẫu" (Cha Mẹ
của Dân) (xem thêm "Mạnh Tử" chương Lương Huệ Vương, thượng, 4 ;
"Thượng Thư" Thái Thệ, thượng, 3 ; Hồng Phạm, 8 ; "Ðại Học",
"Kinh Thi" Nam San Hữu Ðài 172, 3) ...
Bài : “Thân
Cha, phận con”, suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 17 thường niên, năm C của cha
An-phong-sô Nguyễn Công Minh, OFM, đăng trên trang : http://www.vietcatholic.com/News/Html/188090.htm,
có đoạn :
... Quan là “dân chi phụ mẫu,” thì quan đó cũng chỉ là cha mẹ của một góc nhỏ dân
: dân Tàu, dân Việt… chứ bốn bể làm gì có ông quan nào làm chủ được để gọi là mẹ
là cha của cả và thiên hạ (còn đúng ra, “phụ
mẫu chi dân” thì chính dân mới là cha mẹ)...
Bài viết suy niệm Tin Mừng Lễ Truyền Tin đăng trên trang : http://gioanthienchua.net/kinh-chao-ba-day-on-phuoc-thien-chua-o-cung-ba.html,
có câu
... Trong xã hội phong kiến ngày xưa, vua
quan được coi như cha mẹ của dân : dân
chi phụ mẫu...
Bài “Quyền
lực” đăng trên trang : http://hdgmvietnam.org/quyen-luc/8667.95.5.aspx, có đoạn
:
... Trong thời phong kiến, vua được coi
như “thiên tử”, tức là “con trời”. Quyền lực của vua được coi như “Thế thiên
hành đạo”. Quan lại thời đó được coi như “Dân
chi phụ mẫu”... (bài này được đăng lại tại trang : http://phaolomoi.net/Default.aspx?view_type=bai_viet&mode=bai_viet_view&id=312)
Bài “Đức
Giêsu là Vua vũ trụ” của cha Liễm đăng trên trang : http://www.dongcong.net/LoiChua-SuyNiem/SuyNiemNamC/LmLiem/34-tn-c.html
có :
... Người Việt nam chúng ta rất kính trọng
vua. Người dân mình kính vua vì vua là “Thiên Tử”, là Con Trời, là người có
“thiên mệnh”, là “Dân chi phụ mẫu” –
cha
mẹ của dân...
Nhưng đến trang : http://www.dongcong.net/misc/LmLiem_AB/A-nam/10a.htm,
bài “Lòng Chúa thương xót”, suy niệm
Tin Mừng Chúa Nhật tuần 10 thường niên năm A lại có câu :
... Những người luật sĩ và biệt phái bề
ngoài xem ra tốt lành thánh thiện, xứng đáng làm bậc thầy trong dân, làm phụ mẫu
chi dân, mà tại sao Chúa Giêsu lại gọi họ là loài rắn độc, mồ quét vôi
trắng ? ...
thì chẳng biết là làm sao ?
Tóm lại, thiết nghĩ rằng, nếu không dám chắc
trích dẫn là đúng, dùng chữ là đúng, thì có thể làm như bài viết “Vai trò của giáo dân, các ban ngành trong
giáo xứ - Giáo dân cộng tác với giáo sĩ một cách tích cực và đắc lực (Trích
theo VietCatholic.net)”, đăng trên trang : https://immaculateheartchurch.archdpdx.org/bulletins/20160904.pdf,
như sau :
....Thực ra, quan niệm truyền thống Việt
Nam luôn coi giáo sĩ, người được Chúa gọi và chọn, được phong chức thánh, là phụ mẫu của giáo dân ...
Hoặc bài “Hãy xem trường học quê hương đồng
chí X biến thành nơi nuôi gà vịt !” đăng trên trang : http://dcdh.bplaced.net/2013/04/02/hay-xem-truong-hoc-que-huong-dong-chi-x-bien-thanh-noi-nuoi-ga-vit/
:
... Liệu có còn trông mong gì vào một ‘Quan phụ mẫu’ thế này ? ...
Và nếu không chắc nữa, thì hãy viết thẳng
là “(những bậc) cha mẹ của dân” xem
thử có kém hay hay không, việc gì mà phải cứ “phụ mẫu chi dân” với “dân chi phụ
mẫu” !
BÙI
NGỌC HIỂN
Một số trang mạng truyền thông (Công giáo) có bài viết dùng “phụ mẫu
chi dân” :
http://www.simonhoadalat.com/suyniem/Chunhat/NamB/2014-15/CNThuongNien34-ChaNhi.htm
http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/giaoduc/tamphu.htm
http://donboscoviet.info/?p=8407
http://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=51067
http://gpphanthiet.com/index.php/news/Phung-vu/Cac-bai-suy-niem-Le-Cac-Thanh-Tu-Dao-Viet-Nam-5145/
http://www.giaoxukesat.com/yeu-men-nhieu-duoc-tha-nhieu-bai-giang-chua-nhat-xi-thuong-nien-c/
http://muoiman.net/index.php/vi/news/SUY-NIEM-LOI-CHUA/Loi-Chua-va-cac-bai-suy-niem-le-Chua-Ki-to-Vua-2426/
http://giaoxuxambo.com/vi/news/chia-se-cua-duc-cha/quyen-luc-217.html
http://www.mtgthuduc.net/index/2017/11/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-31-thuong-nien-nam-a_2017/
http://tinvuixuanloc.vn/Watch_suy-niem-loi-chua-thu-hai-tuan-xxi-thuong-nien-b-thung-rong-keu-to-_-nt.-anna-terexa-thien-hoang_5871.aspx
http://tinvuixuanloc.vn/Watch_suy-niem-tin-mung-thu-hai-tuan-xxi-thuong-nien-a-kito-huu-chinh-chu.-nt.-anna-terexa-thien-hoang_4573.aspx
https://giaophanphucuong.org/suy-niem-hang-ngay/thu-hai-tuan-xxi-thuong-nien-a---dung-gia-hinh-7342.html
http://xuanbichvietnam.net/trangchu/chuyen-phiem-tuan-v/
http://www.continchuaoi.com/2014/11/le-cac-thanh-tu-ao-viet-nam.html
http://ctqn.org/vi/suy-niem/Suy-niem/Suy-niem-Thu-Hai-Tuan-32-TN-699/
Những Chuyện Chữ Nghĩa khác :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét