CHỮ NGHĨA CỦA TIẾNG VIỆT
VÀ CHUYỆN “CẢI CÁCH
CHỮ VIẾT”
Bùi Ngọc Hiển
Tại Việt Nam, khoảng tháng
11 năm 2017, tiến sĩ Bùi Hiền có “đề nghị
một phương án cải tiến chữ Quốc ngữ”. Tôi đã có một bài viết khá dài có tựa
đề là : CHỮ NGHĨA CỦA TIẾNG VIỆT VÀ CHUYỆN “CẢI CÁCH CHỮ VIẾT”. Vì trong bài có
nhiều hình ảnh và các bảng, nên không tiện đưa vào trang blog này, nên ở đây chỉ
xin trích một đoạn trong bài liên quan đến cái “phương án” trên.
VÀI Ý KIẾN VỀ CHUYỆN “CẢI TIẾN” CHỮ
VIẾT
1. Tác
giả của “phương án cải tiến chữ Quốc ngữ”
cho rằng “... các chữ cái trong hệ
thống chữ quốc ngữ của Việt Nam lại không có liên quan gì với nhau, mà chỉ là
cách ghi âm ngẫu nhiên...” Đây là một nhận định sai lầm. Không thể
có vấn đề ghi âm ngẫu nhiên. Giá trị âm của các chữ cái hệ chữ Latin đã được định hình từ rất sớm (khoảng
25 thế kỷ). Đối với những ngôn ngữ không dùng chữ Latin, Tổ chức Quốc tế về
Tiêu chuẩn hóa (tiếng Anh : International
Organization for Standardization, viết tắt : ISO) đã có các bảng tiêu chuẩn về việc “chuyển tự dạng” (tiếng Anh gọi là transliteration) từ những hệ chữ viết khác nhau (chữ Hi-lạp,
Do-thái, A-rap, Nga, Thái, Ấn-độ...) sang chữ Latin. Những giá trị âm tương ứng của các chữ viết không hề “ngẫu
nhiên” chút nào. Tất nhiên các bảng tiêu chuẩn này không có giá trị pháp lý cũng
như không có ràng buộc nào, nhưng nếu thật sự muốn hội nhập với thế giới, thì
nên tuân thủ những tiêu chuẩn đó.
2. Tiếng Việt là ngôn ngữ của
dân tộc Việt, là ngôn ngữ của mọi người Việt. Tình hình phát âm khác nhau ở nhiều
địa phương khác nhau làm cho tiếng Việt thêm phong phú. Đối với mọi ngôn ngữ
trên thế giới, luôn có những âm mà nơi này có trong khi nơi khác không có, nơi
này đọc được mà nơi khác không đọc được. Muốn một thứ ngôn ngữ mà những người
nói ngôn ngữ đó thuộc mọi vùng miền khác nhau phải phát âm y như nhau là điều
không tưởng. Hệ âm của vùng, miền này có những âm mà vùng, miền khác không có.
Thí dụ tại Việt Nam, có những địa phương mà hệ âm nơi đó thiếu “l” hoặc
thiếu “n”. Nói cách khác, những người ở những địa phương đó không thể phát
âm phân biệt “l” / “n”. Hoàn toàn tương tự, lại có người ở
những địa phương khác, thí dụ người Hà Nội, không thể phát âm phân biệt các âm
“d” / “gi” / “r” hoặc “s” / “x” hoặc “tr” / “ch”. Vậy nếu không phân biệt được l
/ n bị coi là “nói ngọng”, thì việc không phân biệt được d
/ gi / r chắc hẳn là còn “ngọng” hơn gấp nhiều lần. Chưa kể
người Hà Nội còn không phát âm được các vần -ưu, -ươu, -uyu (hưu trí đọc ra hiu chí,
con hươu → con hiêu, khúc khuỷu → khúc khỉu). Một hệ âm không đầy đủ lại được
lấy làm hệ âm “chuẩn”, bắt những người ở những địa phương khác phát âm
được nhiều âm hơn, đầy đủ hơn, phải bỏ đi những âm (thừa thãi ?) để theo “chuẩn”, thì điều đó có hợp lý không ?
Tiếng Việt
được coi là tiếng đơn vận (hay đơn âm tiết) nên đã có quá nhiều từ vựng
đồng âm, đọc, viết giống nhau nhưng lại có nghĩa khác nhau. Tại Việt Nam hiện
nay, vẫn có nhiều địa phương phát âm phân biệt đủ các phụ âm kể trên, nhưng dù
cho phát âm tại một địa phương không phân biệt được chúng, thì sự phân biệt về mặt hình thức các phụ âm này sẽ giúp
người đọc xác định nghĩa chữ dễ hơn so với việc viết thành các từ có mặt chữ giống
hệt nhau. Thử xem các tiếng sau :
da : đã có nghĩa
khác nhau trong da thịt với da diết ;
gia : đã có nghĩa
khác nhau trong gia đình, gia sản, quốc gia với gia tăng, gia giảm ;
ra : đã có nghĩa
khác nhau trong ra vào với chăn ra
(mượn của tiếng Pháp : drap) ;
nay toàn bộ các “da” / “gia” / “ra”
đó đều đọc và viết giống hệt nhau (thí dụ viết cách nào đó mà toàn bộ đều đọc
như “da” chẳng hạn), thì không hiểu
“chữ viết mới” sẽ “khiến hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính
xác nội dung thông tin” gấp bao nhiêu lần so với chữ viết cũ.
3. Không
kể tác giả của “đề án cải tiến...” tự
mâu thuẫn khi đã viết “Tận dụng
toàn bộ bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành”
(trong đó có chữ cái Đ), rồi lại viết
“Bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng
Việt” (vậy thì tận dụng ở đâu ?), ta thấy “những quy tắc...” của tác giả này
bộc lộ một số khuyết điểm :
3. 1. Về việc dùng các chữ
cái :
a. Tại
sao phải bỏ đi một chữ cái (chữ Đ / đ) rồi lại phải tạo thêm một chữ cái mới
(do Bùi Hiền tự đặt ra bằng cách viết dính hai chữ N và H / n và h lại với
nhau) ? Việc đó có “tiết kiệm” không
? Hơn nữa, chữ cái Đ / đ (hoặc ð) cũng không phải là đặc thù của mỗi một chữ Quốc ngữ. Nhiều thứ
tiếng khác như tiếng của người Iceland,
Faroe, Bosnia, Croatia, Serbia và những người nói các ngôn ngữ Nam Slavic khác cũng có chữ cái này
trong bảng mẫu tự dùng cho tiếng nói của họ. Chưa kể gần đây tổ chức IUPAC (dạng viết tắt trong tiếng Anh của
International Union of Pure and Applied
Chemistry, Liên hiệp Quốc tế về Hóa học Thuần túy và Ứng dụng) đã đề nghị
dùng thuật ngữ độ phân tán (tiếng Anh
: dispersity), cùng với ký hiệu là Đ (trong tiếng Anh đọc là D-stroke = D gạch ngang), thay cho thuật
ngữ chỉ số đa phân tán (polydispersity
index), và độ phân tán Đ được tính theo công thức :
ĐM = Mw/Mn
trong đó Mw là khối lượng phân tử trung bình khối (weight-average molar mass), Mn
là khối lượng phân tử trung bình số (number-average
molar mass).
Một chữ đang có, đem bỏ đi,
rồi sau do nhu cầu học tập phát triển, nhu cầu hòa nhập với sự tiến bộ chung của
thế giới, lại phải dùng trở lại thì có “tiết
kiệm” không ? Hiện nay, trong nhiều môn học ở chương trình phổ thông, học
sinh đã từng phải làm quen với nhiều mẫu tự không có trong chữ Latin, chẳng hạn mẫu tự Hi-lạp như : α – alpha, β – beta, γ – gamma, Δ và δ – delta, π – pi, ρ – ro, Σ – sigma, Ω – omega..., thậm
chí mẫu tự Do-thái như א – aleph..., vì quốc tế người ta quy ước
dùng như vậy !
b. Tự gán âm đọc khác cho
các chữ cái Q / q hay W / w : về điều này, có ý kiến của Lê Thanh Dũng, xin dẫn lại (trích nguyên
văn) :
“... Ta không có chữ w, mượn của nước ngoài. Không sao. Nhưng ai cũng biết chữ ấy người
ta phát âm thế nào. Chữ w trong “we”,
“why”, “wagon”... chẳng có
bóng dáng gì chữ và âm của th mà lại
lấy nó thay cho th ? Điều này là đánh đố người Việt và cả người
nước ngoài muốn học tiếng Việt.
...
Lại nữa,
chữ q trong tiếng ta và tiếng nước
ngoài đều mang sắc thái của âm “cờ” như quạnh quẽ, quanh quẩn,
quantum, pourquoi, Iraq, quiet, question... Tác giả lại lấy chữ q thay cho ng (!) ...
Trông mặt chữ như thế [tức là qa
và qaq]
mà bắt người Tây và cả người ta phải đọc là “nga”, là “ngang” ư ?” (hết trích) [1].
Ý kiến của Lê Thanh Dũng về việc gán âm tùy tiện cho các chữ cái như trên là chính xác.
Có thể tham khảo các bảng quy chuẩn (như đã nói, không ràng buộc, không có tính
pháp lý) của Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn
hóa liên quan đến việc chuyển chữ (transliteration) từ
chữ viết thuộc một bộ mẫu tự khác Latin
ra các chữ tương ứng thuộc bộ mẫu tự Latin,
trong đó mỗi chữ cái Latin ứng với một
âm xác định tương đương âm của bộ chữ cái cần chuyển. Tuy không ràng buộc,
nhưng nếu không tuân thủ, thì tự mình gây khó khăn vừa cho người bản ngữ (ở đây
là người Việt dùng chữ viết “cải tiến” không theo các quy định đó) khi tiếp xúc với những thứ tiếng khác
dùng chữ thuộc hệ Latin (như Anh, Pháp...),
vừa cho người nước ngoài muốn học tiếng Việt (dùng kiểu chữ viết “cải tiến” nói
trên thì hệ điều hành Windows sẽ được
đọc na ná như Thin-đo-thờ-sờ sau khi học thứ chữ “cải tiến”).
Đến cuối
tháng 12 năm 2017, dù dư luận lên tiếng góp ý,
phê bình, Bùi Hiền vẫn giữ nguyên ý kiến trong việc tùy tiện gán ghép âm cho các chữ cái
trong bảng mẫu tự Latin. Ông tráo đổi
giá trị âm của hai chữ cái w và q so với “cải tiến” đợt một : chữ cái w,
lúc trước gán cho âm /th/, nay gán
cho âm /ng/ ; chữ q, lúc trước gán cho âm /ng/, nay gán cho âm /th/. Theo đó, Windows sẽ được đọc na ná như Nghin-đong-sờ. Không hiểu làm như thế để làm gì khi
mà có biết bao điều đáng để tâm nghiên cứu hơn trong lĩnh vực liên quan tới
chuyện chữ – nghĩa của tiếng Việt.
c. Trong đề xuất của Bùi Hiền,
chưa thấy nói về cách viết các chữ nguyên âm, các vần trong tiếng Việt. Tuy
nhiên trong bản văn được chính tác giả dẫn ra làm thí dụ, có một sự lúng túng
thấy rõ cho việc diễn đạt hai từ viết trong chữ Quốc ngữ là “của” và “quả”. Nếu dùng chữ viết theo tác giả đề xuất, hai từ này sẽ lần lượt
có dạng là “kủa” và “kuả”, chỉ khác nhau về vị trí
dấu hỏi. Điều này mà không “khiến
hiểu nhầm” thì không biết
điều nào mới “khiến hiểu nhầm” hơn. Vị trí của dấu hỏi đặt được
chính xác là nhờ gõ trên máy tính, in ra bằng máy in ; còn viết tay thì không cách
gì viết đúng chỗ hòng tránh việc “hiểu không chính xác nội dung” như
chính ông than phiền. Thực tế cuộc sống hiện nay chưa thể loại bỏ cây bút và tờ
giấy !
Việc cho rằng cùng một âm /k-/ mà phải dùng đến 3 cách viết là c- , k- , qu- (hoặc trường hợp
g- / gh- hoặc ng- / ngh-) sẽ làm cho người nước ngoài học
tiếng Việt cảm thấy khó khăn hoặc thắc mắc... có lẽ chỉ là tưởng tượng chủ
quan.
Đối với người ngoại quốc mà
tiếng mẹ đẻ của họ có chữ viết dùng mẫu tự Latin,
thì cũng có tình hình giống vậy. Tiếng Anh : coin, kail, keen, quack, quick... Tiếng
Pháp : combien, képi, quel, pourquoi... Tiếng
Đức : campen, kakeln,
quabbeln... Không chỉ viết với c-, k-, qu-, còn viết cả với
ch- (và với kh-) nữa kia : A : school, P : chitin, Đ : Chor... Ấy là chưa kể những từ “đẻ” ra từ cùng một gốc như : A : computer, chaos, chronology, cholera, kinescope, quality ; P : computer, chaos, choléra, chronologie, kinéscope, qualité ; Đ : Computer,
Chaos, Cholera, Chronologie, Kinescope, Qualität... Trong
tiếng mẹ đẻ của họ cũng đã như thế thì còn thắc mắc gì tiếng nước khác ! Còn đối
với những người nước ngoài không dùng chữ cái Latin, thì việc ghi một âm /k-/ bằng c-, k-, qu- có lẽ cũng chẳng đến nỗi phải đặt
thành vấn đề như ta tưởng tượng. Bằng chứng là hiện nay khối người trên thế giới
học và đọc được tiếng Việt thông thạo chẳng mấy khó khăn. Ngoài ra tại sao lại
cần phải “cải tiến” để người nước ngoài “dễ” học tiếng Việt ? Có nước
nào trên thế giới “cải tiến” chữ viết của họ nhằm làm cho người nước khác “dễ”
học không ?
d. Khách quan mà nói, “yêu cầu mỗi chữ (kí tự) chỉ biểu đạt một âm
vị” là một yêu cầu đúng, nhưng quá duy
ý chí (tiếng Anh : voluntarism ; Tàu
dịch : 唯 意 志
). Trong các thứ chữ thuộc loại ghi âm hiện có, yêu cầu này có thể nói là không
bao giờ đạt được. Ngay các ký hiệu phiên âm quốc tế, mà có những âm (vị) vẫn phải
dùng hơn một kí hiệu. Nhưng viết hai ba ký hiệu cho một âm thì có hề gì, sao phải
cực đoan đến nỗi phải thay cho bằng hết mọi tổ hợp hai ba chữ cái thành chỉ một
chữ ! Hơn nữa các âm vị trong tiếng Việt cho đến nay vẫn là vấn đề còn được
tranh luận giữa các nhà ngữ âm học. Chưa ai dám quả quyết là tiếng Việt chỉ có “31 âm vị cơ bản” !
3. 2. Nếu chỉ căn cứ vào phát âm thực tế của tiếng Việt hiện nay của một địa phương nào đó để
cho rằng những phân biệt giữa s- / x- hoặc giữa d- / gi- / r- ... chẳng hạn, là không cần thiết, thì việc sửa đổi chữ viết
có phải là việc nên làm hay không ?
Trước
kia đã có ý kiến tương tự, cho rằng căn cứ vào phát âm hiện nay, viết phân biệt “s” với “x”, “ch” với “tr”, “d” với “gi” và với “r” là bất hợp lý, đồng thời
cho rằng yêu cầu uốn lưỡi để đọc cho đúng
với chữ viết còn bất hợp lý hơn.
Ý kiến
này vừa phiến diện, vừa chủ quan. Tiếng nói có trước chữ viết, chữ viết dùng
ghi lại tiếng để sau này biết rằng khi nói về sự việc đó thì phải nói như thế,
chữ viết đó phải được đọc như thế. Chẳng vậy
mà lại có chuyện, như đối với tiếng Anh, bên cạnh chữ viết còn có cả phiên âm ;
và người học tiếng Anh, chẳng cứ là người Việt ta, mà chính những người Anh,
Mĩ... lại không ít nhiều phải tập uốn lưỡi
để đọc cho đúng đó sao. Trở lại với tiếng Việt, nếu thực tế phát âm không từng
có sự phân biệt giữa các âm kể trên, thì chắc chắn chữ viết cũng không có sự
phân biệt. Nếu cho rằng các từ điển viết bằng chữ Quốc ngữ, dù là từ điển A. de R., là không đủ làm căn cứ, thì
hãy thử xem cấu tạo các tiếng trong chữ Nôm.
Chữ Nho (đọc âm Hán – Việt)
không có phụ âm đầu “r”, nên các cụ
ta ngày trước thường mượn các chữ Nho có phụ âm đầu “l” (cùng là phụ âm uốn lưỡi,
còn gọi là quặt lưỡi) có cách đọc na
ná để viết các chữ Nôm có phụ âm đầu là “r”.
Thí dụ để chỉ “thứ nước uống có được từ việc lên men một số
thực vật, có tác động đến thần kinh nếu dùng quá nhiều, dẫn đến trạng thái say”,
chữ Quốc ngữ viết là “rượu” và từ điển
A. de R. cũng có, xem cột 657. Chữ
này nếu không kể kiểu viết theo lối “đọc
nghĩa chữ Nho” thì chỉ có một dạng Nôm chung viết với phần hài âm là
“lựu”. Chữ Nho cũng có chữ “diệu”, nhưng không hề thấy chữ Nôm “rượu” nào viết với phần hài âm với “diệu”. Điều đó chứng tỏ “rượu” với phụ âm “r” không hề là phát âm chỉ của một vài địa phương, mà đã là phát âm
chung của cả nước từ Bắc chí Nam.
Thí dụ thứ hai. Từ đầu tiên trong các từ
có phụ âm đầu “r” trong mọi từ điển
tiếng Việt viết là “ra”. Mọi chữ Nôm
đều viết với phần hài âm là “la”, chẳng
thấy chữ Nôm “ra” nào dùng đến bộ phận
hài âm là “da” hoặc “gia” (xem bảng dưới đây).
Những
chữ Nôm ghi các tiếng Việt có phụ âm đầu “r”
viết theo kiểu các chữ “rượu”, “ra” nói trên chiếm quá nửa trong toàn
thể (những kiểu khác là : dùng ngay chữ Nho có nghĩa tương ứng và đọc theo
nghĩa của nó chứ không đọc âm Hán – Việt, có bộ phận hài âm với phụ âm đầu “s”, “t”, “th”, “đ”, “tr”, “d”, “gi”). Chữ càng cổ, thì kiểu “đọc nghĩa chữ Nho” và kiểu dùng bộ phận hài âm mang phụ âm đầu “l” càng chiếm đa số. Thậm chí bên cạnh
những chữ có bộ phận hài âm mang phụ âm đầu “d”, “gi”, thì vẫn có những
chữ có bộ phận hài âm mang phụ âm đầu “l”
cho cùng một tiếng (và những chữ kiểu này có tỉ lệ vẫn lớn hơn).
Nay chỉ vì giọng một địa phương nào đó
không phân biệt được d- / gi- / r- mà đòi xóa bỏ sự phân
biệt ấy bằng một cách viết nào đó, để cho “rượu”
phải đọc như “diệu”, “ra” và cả “gia” đọc như “da”... thì tình hình chữ
– nghĩa trở nên lộn xộn không biết thế nào mà nói. Ngoài ra (dù sao đây chỉ là
ý kiến chủ quan), khi “róc rách” mà
phải viết để đọc như “dóc dách”, thì hiệu quả tượng thanh
bị hụt hẫng ; “rộn ràng” như “dộn
dàng” thì chẳng đem lại cảm xúc gì, “rung rinh” như “dung dinh”, “run rẩy” như “dun dẩy” thì chẳng còn hình dung được
hình ảnh gì trong những “chữ mới” đó. Hoặc tiếng miền Trung có “mô
tê răng rứa” nay thành ra “mô tê dăng dứa”, thì không
những đã gượng ép, mà lại chả còn gì thú vị. Chưa kể “râm ran” thành “dâm
dan”, “rạng tỏ” thành “dạng tỏ” ! Bùi Hiền không
đọc được âm /r-/ cũng chẳng sao, người Việt Nam với nhau ai nghe cũng hiểu
cả, nhưng chuyện ông ta muốn những người đọc được âm /r-/ đó nay phải từ
bỏ nó để đọc giống như ông là một điều thậm phi lý, không thể chấp nhận được.
Với những tiếng mà chữ Quốc
ngữ ghi bằng tr- , có thể xem câu đầu
tiên trong Truyện Kiều :
Trăm năm
trong cõi người ta...
Câu này
có hai tiếng mà chữ Quốc ngữ viết với tr-
: trăm và trong. Nếu xem các bản Nôm, câu đó được viết là :
Chữ trăm có bộ phận hài âm là lâm, chữ trong có bộ phận hài âm là long,
chứng tỏ các tiếng trăm / trong đã từng được tổ tiên ta đọc là tlăm và tlong, từ điển Việt – Bồ – La quả thực đã viết như thế (xem cột 802
và 806 ; chữ tlong ở cột 806 viết tlao҃
; dấu ҃ cho biết chữ ao҃ được đọc như ong).
Các âm uốn lưỡi -l- dần được thay bằng
-r- , và đã có những địa phương ở Việt
Nam không đọc được âm kép tr- (hoặc tl-) này, nên đã rụng mất yếu tố -r- (hoặc -l-), còn lại có một phụ âm t-
, mà câu diễu “con tâu tắng nằm bụi te
túc tụi, tông tòn tòn...” dẫu sao cũng là một minh chứng. Không rõ hai tiếng
trăm và trong này vào thời Nguyễn Du (hoặc cứ cho là từ đời các vua Thiệu
Trị, Tự Đức đi) có còn phát âm như 200 năm trước đó, hay được phát âm như tiếng
Việt hồi đầu thế kỷ 20 là lúc chữ Quốc ngữ đã dần được sử dụng rộng rãi, nhưng
chữ Nôm vẫn cứ giữ lại cách viết cũ. Nhờ thế, những kẻ hậu sinh ở đầu thế kỷ 21
này có thể tìm được nguồn gốc tiếng nói của mình. Nếu vì cho rằng cách đọc đã
thay đổi, và bây giờ có một số người Việt đọc trăm / trong chẳng khác
gì “chăm” (như trong chăm chỉ) / “chong” (như trong chong đèn, thậm chí còn “s-s-s-suỵt
gi-gi-gi-dó” hơn tiếng Tây !), mà viết trăm
cũng như chăm, viết trong cũng như chong, thì con cháu đời sau làm sao biết gốc gác tiếng nói của dân
tộc. Lại ai dám quả quyết mai kia tiếng nói không thay đổi ? Liệu sau này vì muốn
chữ viết phải biểu đạt chính xác những âm đọc đã thay đổi ấy, thì ai dám chắc lại
không xảy ra một sự “cải cách chữ viết”
mới ?
Với mọi ngôn ngữ, chuyện
cùng một tự dạng đọc ra nhiều kiểu khác nhau giữa vùng này miền này so với vùng
khác miền khác nói cùng một thứ tiếng, viết cùng một thứ chữ, là chuyện hết sức
bình thường. Thí dụ dạng quá khứ đơn
của động từ “eat” trong tiếng Anh là
“ate”, thì người Anh đọc cùng vần (rhyme, các cụ ta gọi là hiệp vận)
với “met”, trong khi người Mỹ đọc
cùng vần với “late”. Điều đó có hề
gì, miễn là người ta vẫn hiểu nhau.
Cũng thế, viết “rượu” mà người Hà Nội có đọc là “diệu”, người miền Nam lại đọc nghe như
giữa “rựu” và “rụ”, điều đó cũng chẳng sao, miễn là khi viết cùng một tự dạng, mọi
người Việt (không chỉ ở trong nước, mà còn trên toàn thế giới,và cả những người
nước ngoài học tiếng Việt) đều vẫn hiểu nhau ; quan trọng là cách viết vừa
không làm nghèo tiếng Việt, vừa giúp con cháu đời sau biết được nguồn gốc tiếng
nói của mình mà cha ông đã từng nói.
4. Có thể tóm tắt về chuyện “cải cách chữ viết” này :
a. Yêu cầu
viết cho đúng hoàn toàn với giọng đọc, dù thời nay hay bất cứ thời nào đi nữa,
là việc không tưởng, e rằng chỉ có máy
móc mới làm được ;
b. Chữ Quốc ngữ mà mọi người
Việt Nam (và cả người nước ngoài), dù trong nước hay trên toàn thế giới, đang sử
dụng, đang học, là thứ chữ đủ tinh tế để ghi âm cho tiếng Việt rất phong phú, rất
hay, rất đẹp ; lại nữa việc học đọc chữ Quốc ngữ là rất dễ dàng, nên việc thay
đổi chữ viết để làm cho “dễ đọc hơn”
là hoàn toàn không cần thiết ;
c. Hiện nay, từng ngày, từng
giờ, trong cả nước Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, có biết bao lượng
thông tin dùng chữ Quốc ngữ để chuyển tải, qua sách vở, báo chí, các phương tiện
truyền thông, nhưng người sử dụng chữ Quốc ngữ chẳng khó khăn gì trong giao tiếp,
càng khẳng định rằng không cần đưa ra chuyện thay đổi chữ viết cho tiếng Việt.
Cái “được” của việc “cải tiến” (hay “cải lùi” ?) chữ viết
sẽ không thể nào bù lại cái “mất” do việc làm đó đưa tới. Còn việc khó hiểu, hiểu
sai đối với chữ Quốc ngữ lại là vấn đề khác sẽ xin trình bày dưới đây. Ngoài
ra, đúng như nhận xét của Đoàn Gia (trích nguyên văn) : “Nói lại một chút về những nhầm lẫn, sai chính tả của người Việt, theo
tôi lỗi không phải ở chữ mà ở cách giáo dục, cách học không đến nơi đến chốn. Bản
chất là nền giáo dục chứ hậu quả của sự bất hợp lý do chữ là không nhiều.”
(hết trích) [2].
Ý NGHĨA CỦA CHỮ VIẾT
Đọc được chữ viết và hiểu được
ý nghĩa của chữ là hai việc hoàn toàn khác nhau. Muốn hiểu được ý nghĩa của chữ
viết, bao giờ cũng phải thông qua giao tiếp. Một người từ khi mở mắt chào đời,
đã bắt đầu giao tiếp với những người khác như mẹ, cha, anh, chị, em trong gia đình,
rồi lần lượt giao tiếp với những người trong môi trường sống chung quanh mình ;
mọi người trong môi trường đó đều có tác động ít nhiều đến việc hiểu biết ý
nghĩa của những từ ngữ mà người ấy nghe được, nói được. Còn nếu muốn hiểu thêm
ý nghĩa của vô số từ ngữ khác, tất yếu phải học. Trẻ Việt Nam học lớp 3, lớp 4 khi
nhìn vào chữ có thể đọc vanh vách (chả cần “cải
tiến” chữ viết) những từ ngữ như “đạo
hàm, biến thiên, nguyên tố, biện pháp tu từ, mao mạch, đẳng nhiệt...” (hơn
trẻ em Anh – Mỹ rồi, vì chưa chắc trẻ em Anh – Mỹ nào cũng có thể nhìn chữ viết
tiếng nước mình mà phát âm chính xác những từ Anh – Mỹ tương ứng với những từ
tiếng Việt nêu trên, nếu chưa được nghe đọc những từ ấy). Nhưng muốn hiểu đúng
ý nghĩa các tiếng đó thì phải học thêm lên, chứ trình độ lớp 3, lớp 4 làm sao
có thể hiểu được ; và không phải cha mẹ nào cũng có thể giải thích cho con cái
ý nghĩa của những từ ngữ ấy, lại nữa, có giải thích, chắc gì những em bé ấy có
thể hiểu được. Người lớn cũng thế thôi. Mà chẳng riêng gì người Việt, chắc chắn
rằng không phải bất cứ người Mỹ nào, thí dụ thế, cũng có thể đọc và hiểu hết mọi
từ ngữ trong những tờ hướng dẫn dùng thuốc trong bất cứ hộp thuốc “Tây” nào được
sản xuất tại... Mỹ !
Vì vậy nếu việc định hình ý
nghĩa của tiếng nói mà không đúng, tất nhiên người ta sẽ hiểu sai ý nghĩa của
chữ viết, dẫn tới việc dùng sai. Khi còn đi học, các giáo viên, đặc biệt các
giáo viên dạy tiếng Việt và văn học, là những người ảnh hưởng trực tiếp và quan
trọng nhất đối với việc hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ. Sau khi rời ghế nhà trường,
thì có thể nói các ảnh hưởng đến từ các phương tiện truyền thông (công cộng và
đại chúng) là mạnh mẽ hơn cả.
Bây giờ người ta hết sức lo
ngại trước việc dạy và học môn học gọi là “Văn” (mà đáng lẽ cần phải được trân
trọng gọi là “Quốc văn”), bởi những
hậu quả để lại cho mỗi học sinh sau mười hai năm vất vả học hành ở các cấp học
phổ thông. Rất ít học sinh có hứng thú học “văn”. Vì sao ?
Một điều hết sức nghịch lý
trong việc dạy và học tiếng Việt hiện nay, là thay vì dành thời gian cho học
sinh học thuộc lòng những áng văn thơ giá trị của các tác gia Việt Nam từ xưa đến
nay, lại phải học thuộc lòng những bài gọi là “văn mẫu” nhiều khi rất nhảm nhí
của những kẻ viết phải nói là rất vớ vẩn, cẩu thả, có khi được sao chép lại từ
những thứ “văn mẫu” khác, có thể “gia công” đôi chút, có khi cũng chẳng cần sửa.
Việc làm như thế phải gọi chính danh là “ăn cắp”. “Văn” mà học sinh phải rập khuôn theo công thức, theo thứ kêu bằng “văn mẫu” đó, thứ “văn mẫu” đầy những sai sót, từ chính tả, ngữ nghĩa, cho đến giá trị
văn chương, một thứ “văn” nghèo nàn,
sáo rỗng, vô hồn ; và người ta cứ đua nhau viết, đua nhau xuất bản.
Thí dụ “văn mẫu” cho học
sinh lớp 5 tả về cô giáo mà viết (trích nguyên văn) : “Cái mũi dọc dừa thanh tú trông đã tây tây, lại cộng thêm đôi mắt to và
hơi sâu nữa nhìn chẳng khác nào một cô gái Tây, đẹp và sắc sảo”, và “Đôi mắt ấy biết nói, biết xoa dịu, vỗ về,
biết khơi dậy niềm vui, biết hướng chúng tôi đến với những ước mơ, hoài bão, đến
với cái thiện cái mỹ của cuộc đời”
[3]
! Chà, thoạt đọc lên nghe mới “kêu” làm sao, nhưng ngẫm nghĩ thì thấy thật kinh
hãi khi đem những câu văn, những tư tưởng sáo rỗng, xa vời như thế, mà ngay người
viết ra chưa chắc hiểu mình viết gì, nhồi nhét vào đầu con trẻ lớp 5 (đúng là
nhồi nhét, vì nhiều giáo viên bắt học sinh học thuộc lòng, viết đi viết lại những
bài “văn mẫu” kiểu như vậy năm bảy lần, học sinh nào mà chẳng chán ngán). Sao
không để cho học sinh được tả một cách hồn nhiên, vừa sức suy nghĩ. Việc cung cấp
vốn liếng từ ngữ không phải ở việc thuộc lòng những bài “văn mẫu” kiểu như vậy.
Lại thử
mở một quyển “văn mẫu” khác, được viết cho học sinh lớp 8 [4],
cũng thấy không biết bao nhiêu là lỗi như trên, nếu kể ra cho hết thì e rằng vừa
nhàm vừa chán, chỉ xin mở ngẫu nhiên.
Ngay ở Lời nói đầu đã gặp (nguyên văn) : “... Nội dung đề bài đa số là các tác phẩm của chương trình lớp tám, có xen kẻ chương trình 6+7...” Nội dung đề mà lại là các tác phẩm (?) :
đặt câu ngớ ngẩn. Có xen kẻ... : “văn mẫu” còn sai chính tả thì “mẫu” cái gì ? ... Chương trình 6+7 : sách “mẫu”
về cách làm “văn” không thể tùy tiện dùng “xen
kẻ” chữ số, dấu phép toán.
Nguyên văn của “Đề 56” đưa ra bốn câu hỏi, nhưng chỉ có
ba câu kết thúc bằng dấu “ ? ”, câu chót kết thúc bằng dấu “ . ” ,
nguyên văn : “Đọc sách như thế nào ...
thì có hại.” Phần “Bài làm” là bài mẫu của các tác giả được
bắt đầu (nguyên văn) : “ « Một quyển sách tốt là một người bạn hiền », La Rochefoucanlt
đã từng khẳng định...” (hết trích) : viết sai tên người
được dẫn, viết đúng là : Rochefoucault.
Hơn nữa, ông Rochefoucault này không hề viết câu nào mà dịch ra tiếng Việt
tương tự câu trong sách “văn mẫu” [5]. Người soạn “văn mẫu” còn chả biết Rochefoucault là ai, nguyên văn câu ông
ta viết là gì, thì học sinh lớp 8 làm sao có khả năng đưa ông ta cùng với “câu
nói” của ông ta vào bài làm của mình ! Tiếp theo (nguyên văn) : “... trong thực tế có loại sách tốt cũng có
loại sách không tốt – cho nên đến với sách ta sẽ mở rộng được tầm hiểu biết của
mình – nhưng phải hiểu nó thì mới chiếm lĩnh được nó” (hết trích). Nó là cái gì để mà chiếm
lĩnh ? Nếu nó là các loại sách (kể cả tốt và không tốt)
thì muốn chiếm lĩnh việc gì cần phải hiểu hay không, cứ bỏ tiền ra tiệm
sách mà mua (như mua quyển sách“văn mẫu”
có câu này !). Còn nếu nó là tầm hiểu biết thì sao lại
phải dùng đến hai dấu gạch ngang, mà vai trò tương đương như hai dấu ngoặc, có
tác dụng chú thích điều vừa đề cập ngay trước mà ở đây là các loại sách.
Lỗi về
viết sai tên người còn thấy ở chỗ khác như ở “Đề 82” (nguyên
văn) : “... Hoài Văn bắt trói Sài Trung...” (hết trích). Tên đúng phải
là “Sài Thung”. Lỗi về cú pháp cũng
gặp ở “Đề 69” (nguyên văn) : “... Em là
đứa bé sớm mồ côi mẹ. Bà nội, người rất thương em lại cũng qua đời...” (hết
trích). Mệnh đề phụ “người rất thương em”
có chức năng tu sức cho chủ ngữ “Bà nội”,
sau “Bà nội” đặt dấu phẩy ( , ) là
đúng, nhưng đồng thời phải có một dấu phẩy thứ hai sau “... thương em”. Đặt như nguyên văn dẫn trên, hóa ra chủ ngữ của “lại cũng qua đời” chính là “người rất thương em” ; thế thì “Bà nội” để lửng lơ làm gì cho thừa thãi ?
“Đề 19” có
những câu (nguyên văn) :
“... Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu
bây giờ ?
Hai câu thơ như một nén nhang tưởng niệm về một thời đại vàng son của nền khoa học.” (hết trích).
Thật không hiểu nổi kẻ viết
ra những dòng chữ này muốn nói điều gì ! Có thật Vũ Đình Liên muốn tưởng niệm
như thế (“về một thời đại vàng son của nền khoa học”) khi sáng tác những câu thơ
kia ?
Đành phải ngừng trích dẫn,
vì nếu trích và phân tích các lỗi, có khi cần đến một quyển sách dầy không kém.
Hãy tạm đổ hết các lỗi trên cho “người
đánh máy”. Một quyển sách được viết với ý đồ “làm mẫu mực” mà lại là “mẫu mực
về văn học”, thì trước khi được in và xuất bản, cần phải xem xét tỉ mỉ, chăm
chút tỉ mỉ chứ. Rõ ràng là sự cẩu thả quá đáng. Vả lại những câu như “tưởng niệm về một thời đại...” nọ thì
không biết mẫu mực cho cái gì, mà những câu chữ thế này không thể đổ cho “người đánh máy” được.
Về phần giáo
viên, nhất là giáo viên dạy “Tiếng Việt”, dạy “Văn”, đáng lẽ phải hết sức chuẩn
mực trong việc dùng từ ngữ, phải hiểu đúng, viết đúng tiếng Việt. Nói ra tưởng
chuyện như đùa, nhưng thực tế đã có hiệu
trưởng dùng từ ngữ “hội cha mẹ phụ huynh học sinh” (!)
trong bài nói chuyện đầu tuần trước các giáo viên và học sinh. Nhiều giáo viên
dạy Văn còn không phân biệt được đâu là từ thuần Việt, đâu là từ Hán – Việt,
đâu là từ mượn ở các tiếng các nước khác. Nhiều giáo viên dạy Văn mà hễ gặp từ
nào ngoài “mẫu” thì ú a ú ớ, giải
thích theo kiểu “từ điển tiếng Việt dành
cho học sinh” của Vũ Chất (mà đến
nay vẫn không khẳng định được Vũ Chất
là ai !). Những giáo viên như vậy đương nhiên phải lấy những thứ “văn mẫu” nói trên làm chuẩn để
bắt học sinh phải học thuộc lòng. Chẳng
thế mà học sinh cứ phải tả, thí dụ, các ông nội, bà ngoại... là những cụ già lọm
khọm... mới đúng “chuẩn”. Sao lại có lắm thứ “chuẩn” đến thế !
Dạy
“Văn” trước hết là cung cấp cho học trò vốn liếng từ ngữ thông qua các bài văn
được trích giảng, sau nữa là hướng dẫn sử dụng từ ngữ học sinh học được để viết
thành văn cho đúng mẹo mực cú pháp của tiếng nước nhà, cách dùng các mỹ từ pháp
(hay biện pháp tu từ)..., sao cho câu chữ các em viết ra sẽ từ đúng rồi dần dần
đến hay. Muốn được vậy, bản thân giáo viên đã phải có vốn liếng nhiều hơn những
điều họ có thể truyền đạt. Tham khảo các sách vở là điều đương nhiên, nhưng
không phải trông cậy hết vào những sách vở đó.
Đối với việc làm văn, tất
nhiên cũng có công thức. Đó là những “luật”. Như hai thể văn vần truyền thống của
nước ta là “lục bát” và “song thất lục bát” đều có luật. Nhưng
không vì có “công thức” mà bài lục bát nào cũng giống như bài lục bát nào. Thể
văn có luật nghiêm nhặt nhất là văn “Đường luật” (mà không ít giáo viên dạy
“Văn” tưởng rằng “Đường luật” là chỉ
có “thơ Đường” gồm thơ thất ngôn, bát cú và tứ tuyệt, cộng thêm ngũ ngôn nữa là
hết). Thử nói về thơ thất ngôn Đường luật. Dù có “công thức”, tức là “luật” rất
chặt chẽ, nhưng trong mọi bài thơ hay, do những tác giả có lòng tự trọng đã
sáng tác, không có lấy hai bài nào giống nhau. Không bao giờ có chuyện “mượn” một
đôi câu trong bài thơ của người khác đem viết vào bài của mình, vì việc làm đó
bị bạn đồng học chê cười, thầy dạy phê là kẻ “đạo văn” tức là kẻ “ăn cắp văn” của
người khác. Khỏi nói nguyên câu, ngay cả chữ cũng thế. Dù loại thơ gọi là “xướng – họa”, thì người “họa” lại bài “xướng”
cũng chỉ được phép (và bắt buộc) dùng lại từ hai (thơ tứ tuyệt gieo vần câu 2
và câu 4) đến năm (thơ bát cú gieo vần ở các câu 1, 2, 4, 6, 8) chữ chót của
các câu được gieo vần trong bài thơ “xướng”, nhưng ý tưởng bài “họa” bao giờ
cũng phải khác bài “xướng”. Đấy là bài chỉ có từ 20 chữ (ngũ ngôn tứ tuyệt) cho
đến 56 chữ (thất ngôn bát cú). Nay có những bài “văn mẫu” dài năm bảy trang, chín mười trang, mà giáo viên bắt học
trò học thuộc lòng để viết thành bài làm của mình, thay vì học thứ văn mẫu đích
thật là những sáng tác giá trị trong văn học nước nhà. Sao lại nghịch lý như vậy
!
Những
bài văn mẫu mực trong nền văn học nước nhà rất nhiều. Thế nhưng học sinh được
tiếp cận lại hết sức ít ỏi, hết sức lơ mơ. Đã vậy lại không mấy thuộc các đoạn
văn thơ được trích giảng. Đến nỗi rất nhiều học sinh sau mười hai năm học phổ
thông khi được hỏi đến, thì thường không trả lời được đã học những tác giả, tác
phẩm nào... Vậy còn lấy đâu ra vốn liếng từ ngữ. Về phần giáo viên thì khi dạy
văn lại không hiểu thấu đáo cặn kẽ, nên bài giảng cũng lại rập khuôn, cóp nhặt,
chưa kể là hiểu sai ý nghĩa từ ngữ.
Sách vở
dùng cho việc tham khảo, hỗ trợ việc dạy và học Văn hiện nay thì có quá nhiều
điều đáng báo động. Vì thứ sách tham khảo có chất lượng thì ít, trong khi những
sách viết lăng nhăng như những thứ “văn mẫu” kể trên thì cứ như nấm mọc sau mưa.
Thậm chí từ điển cũng thế. Bên cạnh chuyện từ điển Vũ Chất (đã nói trên) bị phát hiện năm 2014, gần đây lại có Từ điển tiếng Việt của giáo sư Nguyễn Lân với không ít sai lầm.
Nhưng không chỉ có mấy quyển từ điển trên, hiện nay cả trên thị trường “sách giấy”
lẫn trên các trang mạng truyền thông, có hàng lô hàng lốc những từ điển, đến nỗi
có thể nói rằng nay là lúc nhà nhà làm từ
điển, người người làm từ điển, mà trong rừng
từ điển ấy, không thiếu những thứ từ điển đầy sai lầm. Từ điển là thứ sách ít
nhất cũng để làm căn cứ xác định ý nghĩa của các từ ngữ, mà lại sai thì còn biết
căn cứ vào đâu. Có những “nhà làm từ điển”
cứ vớ được từ nào nghe có vẻ mới là vội
vã bổ sung ngay vào từ điển của mình,
không cần thẩm định sự đúng sai (mà chắc cũng chẳng có khả năng thẩm định) việc
dùng các từ mới đó. Vẫn biết tiếng
nói luôn có biến động, nhưng phần biến động chỉ là rất nhỏ, còn phần lớn luôn
có giá trị trường cửu. Nếu hôm nay từ ngữ A vốn có nghĩa X, ngày mai ai đó tự
dưng khoác cho nó nghĩa Y, đôi khi trái ngược với nghĩa gốc hoặc chẳng liên
quan gì đến nghĩa gốc X, rồi những “nhà
làm từ điển” bèn vớ ngay lấy nghĩa Y đó đem vào làm nghĩa chính thức của từ
ngữ A trong “từ điển” của mình, và nếu
ai cũng làm như thế cả, thì thật là đại loạn.
Việc ra đề bài, việc chấm
bài làm môn “Văn” của học sinh cũng đầy những chuyện đáng nói. Trong trường,
trong lớp, cứ khi gần đến các kỳ thi, các giáo viên “soạn” cho học sinh các “đề cương”. Đó là những câu hỏi kèm theo
các câu trả lời sẵn về ngữ pháp chẳng hạn..., nhưng quan trọng hơn trong những “đề cương” đó là những bài “văn mẫu” (ít thôi, nhưng cũng ba bốn
bài, với học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 thì mỗi bài dài độ ba bốn trang cho đến bảy
tám trang). Sau đó bắt học sinh phải học
thuộc lòng. Có giáo viên “cẩn thận” hơn, bắt học sinh phải chép lại “đề
cương” ít cũng năm lần, thậm chí đến mười lần, sau đó đem nộp và có tính điểm.
Chấm bài thì áp dụng tiêu chuẩn “càng giống đề cương càng nhiều điểm”. Trò nào
không làm được, thì vì vấn đề “thành tích”, giáo viên áp dụng đến tiêu chuẩn thứ
hai là “đếm trang, thậm chí đếm chữ tính điểm”. Tiêu chuẩn thứ hai này thường
được áp dụng khi chẳng may gặp kỳ thi nào hay năm nào mà phòng / sở Giáo dục ra
đề khác với “đề cương”, cả thầy lẫn trò đều “trật tủ” !
Khi đến kỳ thi cuối cấp thì
sở hoặc bộ Giáo dục cũng có “đề minh họa”.
Chấm bài thì đã có sẵn “thang điểm” gọi bằng “thuật ngữ chuyên môn” là “ba
rem” (tiếng Việt đâu chẳng dùng, lại phải dùng đến một thứ tiếng mất gốc
ngay trong ngành giáo dục !), cứ vậy mà chấm, theo kiểu “đếm ý cho điểm”, dù chuyện này đã được bàn cãi suốt từ năm 2009 đến
2012. Mỗi “mùa thi đến”, cả thầy lẫn trò đều đứng ngồi không yên. Đang trong
quá trình ôn thi thì “giáo viên cho học
sinh học văn theo kiểu « gạo » bài”. Để làm gì ? Thật dễ hiểu : “để an toàn” ! Có giáo viên đã nói : “tâm lý chung của giáo viên dạy lớp 12 vẫn
là « đếm ý cho điểm »”. Tại sao ? “Có
thể nói, gốc của vấn đề vẫn là ở thành tích, ở tỷ lệ, điểm số” [6]...
Tất cả
những điều trên làm cho tỉ lệ học sinh phổ thông chán – thậm chí ghét – học môn
Văn thường cao ngất ngưởng. Cứ sau một lớp học sinh qua đi, thì lại có thêm một
lớp người Việt không hiểu được hoặc hiểu sai lệch chữ nghĩa của dân tộc, tiếng
nói của tổ tiên.
Các phương
tiện truyền thông (công cộng, đại chúng) góp phần không nhỏ trong việc hiểu và
dùng (dĩ nhiên cả hiểu và dùng đúng lẫn hiểu và dùng sai) tiếng Việt. Cách đây
nhiều năm có xuất hiện từ ngữ “ngư lưới cụ”
(!). Chắc người “sáng tác” ra từ ngữ này cho rằng “ngư cụ” chưa có hay chưa nhấn
mạnh đủ về cái “lưới” là một thứ “cụ” vừa được trang bị cho ngư dân
(trong cái buổi lễ là duyên cớ đã “đẻ” ra “ngư
lưới cụ”). Tưởng rằng từ ngữ hết sức vớ vẩn này đã được chôn vào dĩ vãng,
thế mà cách đây khoảng nửa năm, vẫn còn nghe thấy đài truyền hình một tỉnh nọ
dùng lại. Lại còn “bạn nghe đài”, “bạn xem đài”, “đi mua đài”... Mua làm
sao được cái “đài” (phát thanh, truyền
hình...) ; cũng như ngồi nhà thì có xem là xem những cái được phát đi từ đài
truyền hình tới màn ảnh trên máy thu ở nhà (qua sóng vô tuyến chẳng hạn), chứ
làm sao xem được cái “đài” truyền
hình ấy nếu “nhà đài” không phát hình cái đài ấy lên sóng. Không thiếu
những chương trình trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng mang những tên
khi đọc lên nghe rất kêu, nhưng ý nghĩa lại rất hãi hùng, vì không thể xác định
được, dù có tra hết từ điển này đến từ điển nọ, như “báo chí góc nhìn” (hoàn toàn không phải “góc nhìn báo chí”) chẳng hạn ; không biết phải dùng thứ văn phạm, mẹo
mực nào để cắt nghĩa. Hay như “Talk Việt
Nam” thì cái “đám quần chúng” chắc chắn là chẳng hiểu gì về ý nghĩa của những
cách nói này. Lại có một người dẫn chương trình (mà cái chương trình thuộc lĩnh
vực học tập của học sinh, thế mới... chết !) ở một đài truyền hình nọ lải nhải
luôn miệng rằng “đã hoàn thành xong”. Có lẽ người này cho rằng còn có thứ “hoàn
thành nhưng mà... chưa xong” hoặc “hoàn thành nhưng mà... không xong”, khác nào
có anh muốn “nói chữ” rằng “hoàn thành nhưng chưa hoàn tất”. Khốn một
điều là có những đài khác lại đua nhau “quảng bá” cái “hoàn thành xong” nọ, xem như đó là một thứ“văn mẫu” để học tập, rồi ra rả lặp lại y thế trên đài truyền hình
địa phương mình. Kiểu nói vớ vẩn tương tự như vậy được nghe thấy, đọc thấy...
trên các phương tiện truyền thông không ít. Chẳng hạn “tái lập lại”, “tái chế lại”, “tái sử dụng lại”. Ý hẳn tiếng Việt còn
có “tái” nghĩa là “chưa chín”, cho nên sau khi “tái” thì phải “lập lại”, “chế lại”,
“sử dụng lại” cho nó “chín” hẳn đi chăng.
Rồi đến “lập” với “lặp”. “Lập lại” có nghĩa
là “dựng lại (một điều, một việc gì đã từng có nhưng bị hư, hỏng, mất mát...)”
trong khi “lặp lại” có nghĩa là “nhắc
lại (một điều, một việc, một lời nói, một ý tưởng...)”, mà trên các phương tiện
truyền thông, cặp từ ngữ này được dùng rất lộn xộn. Như thế càng chứng tỏ rằng
chữ Quốc ngữ thì rất tinh tế trong việc biểu đạt tiếng Việt, nhưng chính người
dùng tiếng Việt lại dùng sai, thế mà đổ lỗi cho “chữ viết” là làm sao ?
Vẫn là sự
“đóng góp” của các phương tiện truyền thông với kiểu nói như “bộ sưu
tập của nhà thiết kế”. Hóa ra người ta dịch từ tiếng Anh : “designer’s collection”. Từ điển Oxford ghi nghĩa của “collection” là : “1. a group of objects of a particular type that sb has collected as a
hobby ; 2. the act of getting sth from a place or from people ; 3. a group of
people or things ; 4. a number of poems, stories, letters, etc published
together in one book ; 5. the act of asking for money from a number of people
(for charity, in church, etc) ; 6. a variety of new clothes or items for the
home that are specially designed and sold at a particular time” [7]. Trong
6 nghĩa này thì chỉ có nghĩa số 1 có thể dịch là “bộ sưu tập”, nghĩa 2 là “(sự,
việc...) thu gom, lượm nhặt, tập trung”, nghĩa 5 dịch là “(sự, việc...) quyên
góp” ; còn các nghĩa 3, 4, 6 đều chỉ dịch là “bộ, nhóm, tập, tập hợp” là đủ.
Thí dụ : stamp collection = bộ sưu tập
tem, money collection = bộ sưu tập tiền...
(nghĩa 1). Còn Designer’s collection (nghĩa
6) là tập hợp những thứ (như quần áo...) mà một nhà thiết kế đã (tự) thiết kế
ra. Nhà thiết kế này có đi thu gom, lượm nhặt, tìm kiếm, thậm chí đi... săn
lùng các thiết kế của người khác về làm của mình đâu mà bảo là “sưu [ 搜 =
tìm kiếm] tập [ 集 =
gom góp]” ?
Đến chuyện
quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Nhiều cửa hàng, công ty, nhà
máy... có những chương trình “khuyến mại”. Mình là “người bán hàng”, muốn
khuyến khích khách đến mua hàng của mình thì phải nói “khuyến mãi”
chứ ; còn như “khuyến mại” nghĩa là
chỉ cần khuyến khích chính mình bán ra thôi. Bán mà không cần người mua thì “khuyến
khích bán” làm gì. Bên cạnh những ông bà chủ biết tiếp thu, chịu sửa chữa, vẫn
không thiếu những đấng cứ khăng khăng kiểu “điều
ta đã viết là đã viết” ! Cùng
một bệnh thích “nói chữ”, có anh tự xưng mình là “phụ mẫu chi dân” (với ý là “cha
mẹ của dân”, theo kiểu dịch của Tam
thiên tự : phụ = cha, mẫu = mẹ, chi = của, dân = dân, khác nào thiên = giời,
địa = đất, cử = cất, tồn = còn) !
Cách đây nhiều năm, một ông
bạn của kẻ viết bài này mà nay đã quá cố, khó chịu vì cách dùng sai từ ngữ “khuất tất” đua nhau xuất hiện nhan nhản
trên các phương tiện truyền thông, có viết bài góp ý gửi cho vài ba tờ báo, rằng
khuất tất đúng nghĩa của nó là : “Quì gối xuống (s’agenouiller)” (Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh, cùng mặt chữ Nho là 屈 膝 , bản in 1957,
quyển thượng, trang 470 [8]), thế mà đầy những câu như : “Khuất tất bổ nhiệm hiệu trưởng hiệu phó...”, chẳng hóa ra câu đó, theo từ điển của Đào Duy Anh, có
nghĩa là : “Quỳ gối xuống bổ nhiệm...”
ư ? Hay câu : “Khuất tất quanh chiếc xe
Innova bị coi là vật chứng...” có
nghĩa là : “Quỳ gối xuống quanh chiếc
xe...” ! Tiếc thay, có lẽ ông bạn này không phải là tiến sĩ, lại ở trong
đám quần chúng chẳng hiểu gì, nên chẳng tờ báo nào đăng bài góp ý của ông.
Tương tự còn có “bộ sậu”, vốn có nghĩa là : “Nước bước ngựa đi – Ngb (:) Thứ tự làm việc” (từ điển của ĐDA,
1957, q. thượng, trang 71, mặt chữ Nho là 步 驟 ). Thế mà có những
câu như : “Bộ sậu tại công ty X tiếp tục
hầu tòa”, nghĩa, theo ĐDA, thành ra :
“Nước bước ngựa đi tại công ty X tiếp tục hầu tòa”. Hay : “Bắt giam bộ sậu lãnh đạo Ngân hàng Y”, nghĩa
: “Bắt giam thứ tự làm việc lãnh đạo Ngân
hàng Y”.
Sở dĩ có những cách dùng
kinh khiếp ấy, chẳng qua một ông nào đó nhân nghe lóm được người ta nói chữ thấy
hay hay, mà mình tuy chẳng hiểu gì thật,
nhưng cũng thích nói, lại “liên tưởng”
rằng “khuất” có nghĩa (Nôm) là “bị
che lấp đi”, và hiểu “bộ” như trong
“bộ phận” chẳng hạn. Nhưng nói “khuất”,
nói “bộ” không thì lẻ loi đơn độc
quá, không hay, bèn ghép bừa vào cho nó... hay, chứ có biết nghĩa của “tất”, của “sậu” là gì. Thế rồi cấp dưới muốn nịnh cấp trên, bèn bắt chước
dùng, ra điều (khen ngầm rằng) từ ngữ của “sếp” sao hay quá, bản thân “sếp” sao
giỏi quá !
Vậy thì
chắc chắn việc “hiểu nhầm hoặc không hiểu
được chính xác nội dung thông tin” không phải là do chữ viết, như ý kiến của Đoàn
Gia (trích nguyên văn) : “những nhầm
lẫn, sai chính tả của người Việt, theo tôi (tác giả Đoàn Gia) lỗi không phải ở chữ
mà ở cách giáo dục, cách học không đến nơi đến chốn. Bản chất là nền giáo dục
chứ hậu quả của sự bất hợp lý do chữ là không nhiều” [9] (hết trích).
Những từ điển (kiểu Vũ Chất, Nguyễn Lân...), cách nói, cách
dùng dẫn trên... nếu vẫn cứ tồn tại, đương nhiên góp phần không nhỏ trong việc
hình thành ý nghĩa sai lạc của từ ngữ, hoàn toàn chả dính dáng gì đến chữ viết.
Cách đây tám mươi năm, một
người nước ngoài là Gustave Hue đã viết
ở cuối bài Avant-Propos (Lời nói đầu) trong quyển Dictionnaire annamite-chinois-français (Từ
điển Việt – Hán – Pháp) của ông, nguyên văn :
“... ai-je confiance que
mon dictionnaire pourra aider à l’étude de la belle langue annamite, si concise
dans ses tournures, si souple dans sa syntaxé et si savoureuse dans ses
proverbes qui rappellent notre La Fontaine. Grâce à la phraséologie abondante,
les annamitisants studieux apprendront vite à manier la langue parlée, et la
richesse du lexique prouvera aux esprits non prévenus
que ce n’est pas la langue annamite qui est pauvre, mais plutôt ses détracteurs
qui sont « pauvres en
annamite ».”
Tạm dịch là :
“... tôi tin rằng từ điển
của mình sẽ có thể giúp nghiên cứu tiếng An Nam đẹp đẽ này, mà những biến ngữ mới
súc tích làm sao, cú pháp mới uyển chuyển làm sao và các câu tục ngữ mới ý vị
làm sao (,) khiến gợi nhớ đến La
Fontaine của chúng ta. Nhờ ngữ cú phong phú, những người nghiên cứu tiếng An
Nam sẽ nhanh chóng học được cách dùng tiếng nói, và sự giàu có về từ vựng chứng
tỏ cho những đầu óc kém suy nghĩ rằng chẳng phải là tiếng An Nam nghèo nàn, mà chính
những kẻ sàm báng mới « nghèo nàn về tiếng An Nam ».”
Quả thật, ngôn ngữ tổ tiên
trải bao đời để lại hết sức phong phú, rất hay, rất đẹp. Để được như vậy, đã có
biết bao hi sinh, đóng góp của biết bao thế hệ, tổ tiên ta mới thắng được dã
tâm đồng hóa dân tộc ta, dã tâm bóp chết tiếng nói của dân tộc ta, dã tâm đó đã
trải dài suốt ngàn năm Bắc thuộc. Những hi sinh đóng góp của cha ông đòi hỏi
con cháu phải hết sức giữ gìn, phải làm cho tiếng Việt ngày càng giầu đẹp, chứ
đừng tự mình làm hư hỏng đi, rồi lại tự chê văn học của nước nhà là nghèo nàn,
tiếng nói của nước nhà là thiếu thốn, không theo kịp với đà tiến của thế giới.
Thiết tưởng mỗi người Việt dù ở đâu trên quê hương này hay trên khắp thế giới,
đều phải cùng góp sức vào việc gìn giữ tiếng Việt mà cha ông ta đã phải bỏ bao
nhiêu công sức, bao nhiêu máu xương hòng bảo vệ, lưu truyền cho con cháu. Mỗi
người Việt đều có trách nhiệm, có bổn phận làm cho tiếng Việt ngày một phong
phú, sáng sủa, rõ ràng, hay, đẹp. Mỗi người tùy vị trí của mình trong cộng đồng
dân tộc, phải luôn có thái độ trân trọng đối với di sản vô giá đó, bằng cách tự
mình luôn có ý thức rèn luyện, học hỏi. Kẻ càng ở những vị trí ảnh hưởng đến
nhiều người trong cộng đồng, thì lại càng phải biết cân nhắc lời nói, chữ viết
của mình, để chỉ cung cấp cho cộng đồng những điều đúng đắn, những điều hay đẹp,
chứ không phải là những tiếng ba hoa vô nghĩa, nghe thì kêu vang vang, nhưng thật
chẳng khác gì những âm thanh phát ra do việc nện vào những cái thùng rỗng ruột.
Cộng đồng dân tộc Việt Nam nên cùng nhau tìm cách vun bồi cho các thế hệ mai
sau biết yêu quý tiếng nói của cha ông, với những chương trình học phù hợp, hiệu
quả ; cùng nhau phân tích thấu đáo những nguyên nhân thật gây ra tình trạng bừa
bãi lộn xộn trong việc sử dụng tiếng Việt và tìm cách khắc phục ; cùng nhau chấn
chỉnh những cách dùng tùy tiện, vớ vẩn, sai lỗi, và nhất định phải loại trừ những
cách dùng đó ra khỏi cộng đồng. Người lỡ dùng sai nên can đảm và khiêm tốn nhận
sai để sửa đổi. Dành thì giờ cho những việc làm đó có lẽ hữu ích trong việc góp
phần làm cho tiếng Việt mãi trường tồn, xứng với biết bao hi sinh lớn lao của
cha ông còn hơn bỏ công vào những chuyện tầm phào.
Ngày cuối năm dương
lịch 2017
BÙI NGỌC HIỂN
CHÚ THÍCH
1. X. :
http://nguoidothi.net.vn/may-y-kien-ve-cai-cach-chu-viet-11570.html
2. X. :
http://congly.vn/tam-diem-du-luan/cai-cach-chu-viet-va-van-hoa-tranh-luan-235118.html
3. X. : https://olm.vn/hoi-dap/question/1099150.html
4. Tuyển tập 120
bài văn hay – Lớp 8 (Tủ sách dùng trong nhà trường), NXB Đà Nẵng, 2000.
5. La
Rochefoucault hay François de La Rochefoucauld (1613 – 1680), là tác giả của Maximes et Réflexions morales (tạm dịch
: Các châm ngôn và các mẫu gương luân lý),
1664. Tác phẩm này được Louis Philipon de
La Madelaine nói đến trong Des homonymes français (Những từ tiếng Pháp đồng âm) của ông (Paris, bản in lần thứ ba, 1817), ở mục từ
LIVRE, nguyên viết là :
“LIVRE, s. m. LIVRE, s. f.
Un livre est
l’assemblage broché ou relié de plusieurs feuilles imprimées ou manuscrites. Le Télémaque de
Fénélon, et les Maximes de la Rochefoucault, seront toujours d’excellens livres. Un bon livre et un bon ami sont deux choses bien rares ...”
Nghĩa là :
“LIVRE, danh từ, giống đực
(= sách) LIVRE, danh từ, giống cái (=
đơn vị khối lượng, thời tác giả, ở
Paris 1 livre = 16 onces, nhưng ở Marseille thì 1 livre = 14 onces ; đơn vị tiền tệ, ở Pháp thời tác giả, 1
livre = 1 franc = 20 sous, ở Anh, 1 livre sterling tương đương khoảng 23 livres
của Pháp)
Một quyển sách là một tập hợp nhiều tờ giấy
in chữ hoặc viết tay được đóng lại. Quyển Télémaque của Fénélon, và quyển
Maximes của la Rochefoucault (ở đây viết chữ chót là t), đều là những quyển sách rất tốt. Một quyển sách tốt và một người
bạn tốt là hai điều khá hiếm hoi...”
Có thể
vì thế mà về sau người ta tưởng câu “Un
bon livre ... bien rares” là của La
Rochefoucault. Trong Maximes... của François de La Rochefoucauld
không hề có câu nào như thế hoặc gần như thế. Xem
https://fr.wikisource.org/wiki/Maximes. Xét văn mạch trong Des homonymes français, cả ba câu : 1. “Un livre est l’assemblage...”, 2. “Le Télémaque de Fénélon, et les
Maximes de la Rochefoucault...”, và 3. “Un bon livre et un bon ami...” đều là các câu do chính Louis Philipon de La Madelaine đưa ra để
làm thí dụ về các câu Pháp văn có livre
với nghĩa là sách ; câu “Un bon livre et un bon ami...” hoàn toàn không
phải là một câu nào rút từ Maximes...
của François de La Rochefoucauld. Ở
Việt Nam, năm 1967, có quyển Phương pháp
nghị luận của Cao Bá Vũ hướng dẫn
học sinh làm văn nghị luận. Cuối sách, tác giả đã bỏ công soạn một phụ lục với
tên gọi Danh ngôn kim cổ Âu Á, tập hợp
300 câu của nhiều người khác nhau trên thế giới (không dẫn nguyên văn của những
câu không phải nguyên bằng tiếng Việt). Ba trăm câu này được ông chia thành ba
loại lớn, mỗi loại chia thành ba mục nhỏ, để học sinh khi làm văn nghị luận có
thể dễ dàng tham khảo. Ở phần I. Luân lý
cá nhân, mục B. Trí dục, tiểu mục
2. Thú đọc sách, có câu số 23 nguyên
văn như sau : “Một quyển sách tốt là một
người bạn hiền.” Câu dẫn ra
trong Tuyển tập 120 bài văn hay – lớp 8
nói trên giống từng chữ so với câu này. Nhưng tên “tác giả” câu danh ngôn được Cao
Bá Vũ viết (cẩn thận với chữ in hoa tất cả) là LA ROCHEFOUCAULD, chữ cuối
cùng là d chứ không phải là t như cách viết trong “Tuyển tập...”.
6. X.: https://tuoitre.vn/noi-buon-mon-van-chuong-1322478.htm
7. Oxford
Wordpower Dictionary for learners of English, Oxford University Press, 2003.
8. Từ điển, như đã trình bày trong bài viết, hiện nay
càng ngày càng nhiều. Bên cạnh những từ điển mới xuất bản lần đầu tiên, còn có
những từ điển có giá trị được tái bản. Quyển Hán Việt từ điển của Đào Duy
Anh là một trong những sách được tái bản nhiều lần. Đây là điều đáng mừng,
nếu nhà xuất bản làm việc với tinh thần trách nhiệm, như các bản in của NXB Minh Tân, Paris, 1949, bản của NXB Trường Thi, 1957. Những bản này được
in theo lối chụp ảnh, tôn trọng nguyên bản, không sửa chữa (kể cả các sai lỗi
có trong nguyên bản). Bên cạnh đó, có những bản như của NXB Văn Hóa Thông Tin, 2010, không chụp lại, mà dựa vào kỹ thuật điện
toán hiện đại, trực tiếp gõ theo nguyên bản trên máy tính. Nhưng vì thiếu cẩn
trọng, nên bản in có rất nhiều sai sót so với nguyên bản. Cái sai đầu tiên ở
ngay gáy sách. Khi chữ được viết theo cột dọc, chẳng kể là Latin hay Hán, là cứ phải đọc từ trên xuống. Bốn chữ Hán ở gáy sách
vì thế được đọc ra là : “Điển Từ Việt
Hán”, có thể xem hình 1 dưới đây. Còn trong ruột thì lỗi quá nhiều (không kể
lỗi của nguyên tác) :
Hình 1 : Bìa quyển Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh được
NXB Văn Hóa Thông Tin cho
tái bản năm 2010.
Bốn chữ Hán ở gáy
sách đọc từ trên xuống
(không lẽ đọc từ dưới
lên !) là : Điển từ Việt Hán.
- trang 76 : (cao)
chỉ 高 脂
: chữ 高 này tuy cũng đọc
là cao nhưng có nghĩa (ngay trang
trước) là “trên cao, đối với chữ đê 低 là thấp...”,
trong khi chữ đúng trong trường hợp từ kép cao
chỉ này phải là 膏 (cũng ngay trang trước),
có nghĩa là “mỡ...”.
- trang 80
: (căn) cước 跟
蔔 : chữ 蔔 này đọc là bặc,
có nghĩa là cải củ (dùng một mình hoặc
trong từ kép la bặc 蘿 蔔 ). Chữ cước
đúng : 踋 hoặc 脚 hoặc 腳 , nghĩa là ống
chân.
- trang 83 : (cần) cấp ( 懃 ) 脊 : chữ
脊 này đọc là tích,
có nghĩa là xương sống, chữ cấp đúng : 急 , nghĩa là gấp
gáp.
- trang 113
: (cùng) quẫn ( 窮 ) 宭 : chữ 宭 này đọc là quần, có nghĩa là ở chung
nhau, bầy, đàn, lũ... Chữ quẫn đúng
: 窘 , nghĩa là ngặt nghèo.
- trang 128 : (chân) thảo,
triện, lệ ( 真 ) 曹 篆 隸 : chữ 曹 đọc là tào, nghĩa : tàu (ngựa, voi...). Chữ thảo đúng : 草 , nghĩa là cỏ ; một tự thể, các cụ gọi là viết tháu.
- trang 138 : (chỉ) tức ( 止 ) 細 : chữ 細 đọc là tế, nghĩa : nhỏ bé. Chữ tức đúng : 息 , nghĩa là nghỉ ngơi.
- trang 144 : (chính)
kiến 正 見 (ý kiến về chính trị) : chữ
正 tuy cũng đọc là chính, nhưng có nghĩa là phải,
đúng,
đầu năm. Chữ chính đúng ở đây phải là 政 , nghĩa là : việc của
nhà nước, chính trị.
...
Trên
đây là mở ngẫu nhiên một số trang gần nhau, mà đã thấy hàng loạt sai lỗi, thì
còn dùng làm sách tham khảo, sách tra cứu... thế nào được.
9. X. :
http://congly.vn/tam-diem-du-luan/cai-cach-chu-viet-va-van-hoa-tranh-luan-235118.html
Những Chuyện Chữ Nghĩa khác :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét