KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ
Bùi Ngọc Hiển
Bài 2
- (2a) áp dụng tương tự cho các câu trích không liền nhau và thuộc các chương
khác nhau.
Các thí dụ :
- Deut 6:2-6 : sách Đệ nhị luật, chương (đoạn)
6, từ câu thứ 2 đến câu thứ 6 ;
- Heb 10:11-15, 18 : thư gửi tín hữu
Do-thái, chương 10, các câu từ 11 đến 15 và câu 18 ;
- 2Mac 7:1-2, 9-14 : sách Macabêô quyển thứ
2, chương 7, các câu từ 1 đến 2 và các câu từ 9 đến 14 ;
- Gen 6:5-8, 7:1-5, 10 : sách Sáng thế,
chương 6, các câu từ 5 đến 8, và chương 7, các câu từ 1 đến 5 và câu 10 (các
câu từ 5 đến 8 của chương 6, các câu từ 1 đến 5 và câu 10 của chương 7) ;
- Ap 18:1-2, 21-23, 19:1-3, 9a : sách Khải
huyền, chương 18, gồm các câu 1, 2, và từ câu 21 đến 23, chương 19, gồm các câu
từ 1 đến 3 và câu 9a (các câu 1, 2, từ 21 đến 23 của chương 8, các câu từ 1 đến
3 và câu 9a của chương 19) ;
- 2Th 1:11 – 2:2 : thư thứ hai gửi tín hữu
Thessalonica, từ chương 1, câu 11, đến chương 2, câu 2 (từ câu 11 của chương 1
đến câu 2 của chương 2) ;
- Gal 4:22-24, 26-27, 31 – 5:1 : thư gửi tín hữu
Galata, chương 4, gồm các câu từ 22 đến 24, các câu 26, 27, và từ câu 31 đến
chương 5, câu 1 ;
- Mal 1:14b – 2:2b, 8-10 : sách [tiên tri]
Malakia, từ chương 1, câu 14b đến chương 2, câu 2b, và các câu từ 8 đến 10 ;
- Ps 4:2, 4, 7, 9 : Thánh Vịnh 4, các câu 2, 4, 7, 9.
Đối với các Thánh Vịnh dùng làm Đáp ca trong TL, dù là các câu liên tục,
nhưng khi dẫn tất cả các câu (liên tục) đó và sau mỗi số chỉ mỗi câu có kèm
theo dấu phẩy ( , ), thì điều đó nghĩa là mỗi câu trích được dùng làm một câu
Xướng trong bài Đáp ca đó, như :
- Ps 18:8, 9, 10, 11 : Thánh Vịnh 18 này dẫn
ra 4 câu liên tục được dùng làm 4 câu Xướng trong bài Đáp ca : câu Xướng thứ nhất
là câu 8, Thánh Vịnh 18 ; câu Xướng thứ hai là câu 9, v.v... ;
- Ps 15:1-2a, 4, 5+8, 11 : Thánh Vịnh 15 dẫn
ra các câu không hoàn toàn liên tục, dùng làm 4 câu Xướng cho bài Đáp ca : câu
Xướng thứ nhất là câu 1 đến nửa đầu câu 2 của Thánh Vịnh 15, câu Xướng thứ hai
là trọn câu 4 của Thánh Vịnh, câu Xướng thứ ba gồm trọn câu 5 và trọn câu 8,
câu Xướng chót là trọn câu 11.
Ngoài ra, số chương và số câu KT trong MRL ghi theo bản Vulgata cũ, đó cũng
là cách ghi của TĐH và của UBGMPV. Trong khi đó, bản OLM ghi theo NV, và cũng
là cách ghi của NTT và CGKPV. Trong sách này, trừ các bảng Phân phối các đoạn
trích trong KT vào các bài đọc trong TL dưới đây theo số ghi của NV, còn lại
đều ghi theo MRL 1977. Do đó, số các Thánh Vịnh sẽ ghi như sau :
- 8 Ps đầu không khác nhau (ghi một số) ;
- Ps 9:1-21 theo Vulgata (cũ) sẽ là Ps 9 theo NV ;
- Ps 9:22-39 (cũ) = Ps 10 (NV), nên
sẽ ghi hai số, số nhỏ (cũ) trước, số lớn (NV) sau ;
- Từ Ps 10 – Ps 112 (cũ) = Ps
11 – Ps 113 (NV ; hai số, tương tự trên) ;
- Ps 113:1-8 (cũ) = Ps 114 (NV ; hai số, tương tự trên) ;
- Ps 113:9-26 (cũ) = Ps 115 (NV ; hai số, tương tự trên) ;
- Ps 114 (cũ) = Ps 116:1-9 (NV ; hai số, tương tự trên) ;
- Ps 115 (cũ) = Ps 116:10-19 (NV ; hai số, tương tự trên) ;
- Ps 116 – Ps 145 (cũ) = Ps
117 – Ps 146 (NV ; hai số, tương tự trên) ;
- Ps 146 (cũ) = Ps 147:1-11 (NV ; hai số, tương tự trên) ;
- Ps 147 (cũ) = Ps 147:12-20 (số Ps
giống nhau, nhưng số câu cũ nhỏ hơn số câu NV là 11 số) ;
- Ps 148 – Ps 150 : giống nhau (một số).
2. Kí hiệu về số trang trong các sách KT và các sách BĐ :
- các bản dịch TĐH, CGKPV : số trang in đứng (ngay sau chữ tắt tên sách,
TĐH hoặc CGKPV, nếu cần chỉ rõ).
- bản dịch NTT : số trang CƯ in đứng, số trang TƯ in nghiêng (ngay sau NTT,
nếu cần chỉ rõ).
- các sách BĐ của UBGMPV :
* Sách BĐ mùa Vọng và Giáng Sinh : số trang in đứng ngay sau kí hiệu I ;
* Sách BĐ mùa Chay và Phục Sinh : số trang in đứng ngay sau kí hiệu II ;
* Sách BĐ mùa Quanh năm từ tuần I đến tuần XVII : số trang in đứng ngay sau
kí hiệu a ;
* Sách BĐ mùa Quanh năm từ tuần XVIII đến tuần XXXIV : số trang in đứng
ngay sau kí hiệu b ;
* Sách BĐ các TL ngoại lịch : số trang in đứng ngay sau kí hiệu n.
- Sách Lễ Rôma 1971 : số trang in đứng ngay sau kí hiệu R1 ; Sách Lễ Rô-ma
1992 : số trang in đứng ngay sau kí hiệu R2.
Các thí dụ :
- Jer 33:14-16, I 35 : sách tiên tri
Jeremia, chương 33, từ câu 14 đến câu 16, trong sách BĐ mùa Vọng và Giáng Sinh,
trang 35 ;
- Jo 20:11-18, II 213 : Tin Mừng theo thánh
Gioan, chương 20, từ câu 11 đến câu 18, trong sách BĐ mùa Chay và Phục Sinh,
trang 213 ;
- Heb 12:18-19, 21-24, a 101 : thư gửi tín
hữu Do-thái, chương 12, từ câu 18 đến 19, và từ câu 21 đến 24, trong sách BĐ
mùa Quang năm, quyển thứ nhất, trang 101 ;
- Ez 36:23-28, b 80 : sách tiên tri
Ezekiel, chương 36, từ câu 23 đến 28, trong sách BĐ mùa Quanh năm, quyển thứ
hai, trang 80 ;
- Act 1:12-14, n 23 : sách Tông đồ công vụ,
chương 1, các câu từ 12 đến 14, trong sách BĐ các TL ngoại lịch, trang 23 ;
- Ps 103:13-15, R1 425, R2 395 : Thánh Vịnh
103, các câu 13 đến 15, trong Sách Lễ Rôma 1971 trang 425, Sách Lễ Rô-ma 1992
trang 395.
II. Việc phiên âm các từ ngữ nước
ngoài
sang tiếng Việt dùng trong sách
này
1. Những
tên riêng có ý nghĩa
nhưng không thể dịch :
Các từ ngữ nước ngoài cần phiên âm mà không dịch nói ở đây đại đa số là các
tên. Theo sách Sáng thế, Thiên Chúa đã gọi (đặt tên cho) ánh sáng là Ngày,
còn tối tăm là Đêm (Gen 1:5) trong ngày sáng tạo thứ nhất. Kế đó,
Chúa gọi cái vòm lồng lộng Người dựng trên cao kia là Trời trong ngày thứ
hai (Gen 1:8), rồi Chúa lần lượt gọi tên các sự vật khác : Đất, Biển
vào ngày thứ ba (Gen 1:10). Đến khi Chúa dựng nên một loài sinh vật giống
hình ảnh Chúa từ đất, thì Chúa gọi sinh vật đó là Người : Ta hãy làm ra người
theo hình ảnh Ta (Gen 1:26). Trong tiếng Hipri, từ Người đó
( אָדָ֛ם [’āḏām]) có chung gốc với Đất
( אֲדָמָֽה [’ăḏāmāh]), vì Thiên Chúa đã nắn nên con người từ đất (Gen
2:6). Dựng nên người rồi, Chúa ban cho người được thay Chúa đặt
tên cho các vật khác : sau khi dựng nên mọi sinh vật, Thiên Chúa dẫn chúng đến
cho người, để ... hễ người gọi sao thì [chúng] có tên là vậy (Gen
2:19). Cả khi Chúa dựng nên trợ tá tương xứng cho người, thì Chúa cũng để
cho người gọi tên trợ tá đó là đàn bà, vì được rút ra từ đàn
ông (Hipri : אִשָּׁ֔ה / אִ֖ישׁ [’iššāh / ’îš]). Sau khi sa ngã, người [đàn ông] –
Adam mới lại gọi người [đàn bà] bằng tên khác là Eva (Hipri
: חַוָּ֑ה [ḥawwāh]), vì nàng
là mẹ các sinh linh (Hipri : אֵ֥ם כָּל־חָֽי
[’êm kāl-ḥāy] ; Gen 3:20). Như thế, mỗi một cái tên đều mang một
cái nghĩa nào đó. Đến khi tiếng nói của loài người bị Chúa làm cho ra lộn
xộn (Gen 11:7), người ta dần dần quên đi nghĩa gốc của những cái tên ban
đầu, nếu những cái tên đó không được các thế hệ trước dạy lại cho các thế hệ
sau. Rồi càng ngày, việc xác định từ nguyên của những cái tên càng trở nên khó
khăn, đến nỗi có khi không thể xác định được.
Có khi Chúa lấy lại quyền đặt tên của
mình mà lúc trước đã ban cho con người, để thay đổi một vài cái tên nào đó. Thí
dụ Chúa đã đổi tên Abram thành Abraham (Hipri : אַבְרָ֑ם / אַבְרָהָ֔ם [’aḇrām / ’aḇrāhām] ; Gen
17:5), vì ông được trở thành cha của nhiều dân (Hipri : אַב־הֲמֹ֥ון גֹּויִ֖ם
[’aḇ-hămōwn
gōwyim] ; thực ra thì Abram / Abraham nghĩa cũng không khác nhau là mấy).
Hoặc trường hợp người con thứ của Esau
vốn mang tên là Iacob (Hipri : יַעֲקֹ֑ב [ya’ăqōḇ], theo tự
nguyên bình dân thì có nghĩa là “nắm gót”, vì khi bà Rebeca sinh hai đôi anh
em, Esau ra trước song bị Iacob nắm gót kéo lại, Gen 25:26 ; theo chú
thích của cha NTT, có lẽ tên này là dạng tắt của ya’ăqōḇel, có nghĩa là “xin
Thiên Chúa phù hộ”), đã được Chúa đổi tên thành Israel (Hipri : יִשְׂרָאֵ֑ל [yiśrā’êl], tự nguyên
có nghĩa là “xin Thiên Chúa chiến đấu”, mà tự nguyên bình dân có nghĩa là שָׂרִ֧יתָ עִם־אֱלֹהִ֛ים
[śārîṯā ’im-’ĕlōhîm] “ngài đã đấu được cả với Đức Chúa” ; Gen
32:29 [Heb 32:28]). Tên Israel này đã trở thành tên của cả dân tộc. Tiếp theo
đó, mỗi một trong số 12 tên các con trai của Iacob đều có một nghĩa xác định,
và trở thành tên 12 chi tộc của dân Israel (xem Gen 29:32, 33, 34, 35 ;
30:6, 8, 11, 13, 18, 20, 24 ; 35:18).
Chính
Thiên Chúa lại còn mặc khải tên Người cho Môsê (mà tên này [Hipri : מֹשֶׁ֔ה mōšeh] cũng có nghĩa, đó
là “ta đã kéo nó ra khỏi nước” ; Hipri :
מִן־הַמַּ֖יִם מְשִׁיתִֽהוּ [min-hammayim məšîṯihū] ; Ex 2:10)
là אֶֽהְיֶ֖ה אֲשֶׁ֣ר אֶֽהְיֶ֑ה [’ehyeh ’ăšer ’ehyeh], có nghĩa là Ta là Đấng
Có, tức là có mọi lúc, hằng có. Tên ấy chuyển thành dạng יְהוָ֞ה [Yahweh] mà khi không viết với các dấu
chỉ nguyên âm thì trở thành יהוה
IHVH (hay YHWH, gọi là tứ tự Thần danh [ 四字神名
= tên Thiên Chúa bốn chữ], tetragrammaton).
Dài
lời như thế để thấy rằng mỗi cái tên đều mang một nghĩa xác định nào đó. Vì vậy
không nên coi nhẹ việc phiên âm các tên. Hãy thử tưởng tượng một người nào đó
mang tên Tí Văn Sửu chẳng hạn, mà bị viết sai, đọc sai thành, thí dụ, Tí
Văng Xíu thì điều đó có thể chấp nhận được không. Lại xin nói ra ngoài chút
nữa. Trong giải Bóng đá Thế giới vừa qua (từ 14 tháng 6 đến 15 tháng 7,
2018, tại nước Nga), đội xếp hạng nhì là đội của nước Croatia. Tên các cầu thủ
đội này đều in rõ ràng bằng chữ viết của nước họ một cách trân trọng, có những
dấu mà không hề gặp trong chữ viết tiếng Anh cũng như tiếng Nga, thí dụ : Davor
Šuker, Zlatko Dalić, Niko Kovač, Dario Šimić, Anthony Šerić... Trong khi đó
người Việt thì có lẽ lấy làm xấu hổ khi viết tên mình có dấu chữ Quốc ngữ, nên
vất hết các dấu đó đi cho nó ... Tây (như tại giải bóng đá AFF Cup từ
ngày 8 tháng 11 đến 15 tháng 12, 2018 : Quang Hai, Anh Duc...) !
2. Những cách phiên âm trong các bản dịch
:
a.
Cách phiên âm của bản TĐH :
* Quan điểm phiên âm của dịch giả :
Trong
trang Lưu bút (trang 2120) cuối quyển KT CTƯ, bản dịch của cha Trần Đức
Huân, 1971, có nêu một số nhận định, nguyên văn như sau :
“ Danh từ tên người tên xứ trong K.T. quá
nhiều lại càng cam go khó diễn !
Không lẽ Quốc ngữ V. N. có sẵn, mình cứ nghiễm
nhiên bo bo theo “tây” hoài ?
“ Can đảm lên ! Kìa, Âu, T. Á, Mỹ... họ viết
vừa đọc : Χριστος (Hy) Christus,
(La) Cristo, (Ý) Christ (Anh, Pháp v.v.) ngọt xớt – Quốc ngữ VN. đâu có chịu các vần như thế – Sao mình không xén bớt cr, s, v.v.
đi, lấy âm tự mà đọc giọng “ VN.
“KI-TÔ” êm ru như hiện nay (Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Vị đầu tiên ưng ý và chấp thuận phiên âm Χριστος – “KI-TÔ”... Quả là hợp ý hợp giọng dễ nhớ
biết bao !
“ Tiếng mình đơn âm : mình viết, mình nói,
mình nghe, mình hiểu, miễn nói lên
được một vài vần gốc tên xứ, tên người
; thế là ổn. Can chi phải lập dị tán tự dài dòng ; cần giữ được tinh thần Việt ngữ thôi.”
Và
cha đã can đảm làm như nhận định. Xem các tên riêng trong KT được ngài
phiên âm : Ma-tu-san (Mathusalam), Pha-lách
(Phaleg), Ra-phen (Raphael), Sen-na-kê (Sennacherib), Nin-ve
(Ninive), Na-bu-cô (Nabuchodonosor), Tô-liêm (Ptolemaeus), A-ba
(Abaran), Thê-san (Thessalonica)... Đố ai có thể nhận ra dạng gốc, nghĩa gốc... của những tên
đó. Thậm chí “Áp-ram” (ghi theo cách phiên âm TĐH) sau khi được Chúa đổi
tên (Gen 17:5) thành “Áp-ra-ham”, thì cái tên mới này chỉ gặp ở
câu 5 này và một lần nữa ở câu 9, còn thì cho đến khi chết, “Áp-ram” cứ là
“Áp-ram”. Thôi thì dẫu sao Abram hay Abraham thì nghĩa cũng chẳng mấy khác
nhau, nên cũng tạm chấp nhận cách viết đó.
Rồi
tên bà vợ của “Áp-ram” trong bản dịch này, từ khi lấy chồng, bà luôn mang tên
là “Sa-ra” (Gen 11:29) đến tận khi “Thiên Chúa lại phán với Áp-ram : Còn
Sa-rai vợ ngươi đừng gọi là Sa-rai mà phải gọi là Sa-ra...” (Gen 17:15),
người ta mới được biết bà còn có “nhũ danh” là Sa-rai ! Cũng như
“Áp-ra-ham” chỉ xuất hiện có 2 lần, thì “Sa-rai” cũng y như thế. Trước cũng như
sau câu 17:15 cho đến “tận khi chết” ở câu Gen 23:2, hễ chỗ nào đề cập đến
tên bà vợ của “Áp-ram”, thì tên đó luôn luôn là “Sa-ra”.
Nếu
phiên âm sát với tự dạng của tên gốc mà là “cứ nghiễm nhiên bo bo theo “tây”
hoài”, e rằng nhận định này hết sức võ đoán. Tại sao lại có thể coi việc
phiên âm như thế là theo “tây” được ? Lại nữa, nếu chỉ “mình viết,
mình nói, mình nghe, mình hiểu” và “can chi phải lập dị tán tự dài dòng
; cần giữ được tinh thần Việt ngữ thôi”, thì e rằng suy nghĩ chật hẹp quá.
Những người không sinh ra ở Việt Nam, tên đặt tuy không theo tiếng Việt, nhưng
đâu phải những tên đó chỉ là những âm thanh vớ vẩn nào cũng được, miễn sao chỉ
để phân biệt người này với người kia ? Nếu quả như thế thì khỏi phiên âm, khỏi
cần “nói lên được một vài vần gốc”, mà cứ bịa đại ra : thay vì Ađam cứ gọi
là Xoài, Eva cứ “phiên” ra Mít..., thế cũng được chứ gì, can chi mà phải
giữ lại vài vần gốc !
* Tình hình thực tế ghi âm và phát âm ngoại ngữ
trong tiếng Việt hiện
nay :
Tiếng
Việt hiện nay, hãy nói riêng đến các tiếng thuần Việt và Hán – Việt, quả thật
không có phụ âm đầu vần là những phụ âm kép (như br- , cl- , cr-
, dr- , gr- ...) và cũng không có phụ âm cuối vần là một trong
các âm -b, -d, -f (hoặc -ph), -g, -s,
-z, và các âm -l, -r. Tuy nhiên trong lịch sử phát triển
Việt ngữ, tiếng Ta đã từng có ít là các phụ âm kép như cl- , tl-
, ml- ... mà từ điển Việt – Bồ – La của cha
Alexandre de Rhodes có ghi lại. Tuy thế, hãy cứ coi đó là chuyện của quá khứ.
Nhưng dù không có những âm kép đó, thì tiếng Việt (hiện nay) có ít là hai lợi
thế :
- Thứ nhất, giọng nói của người
Việt Nam rất uyển chuyển, đến nỗi có thể phát âm hoàn toàn chuẩn xác những âm vốn
không có trong tiếng Việt ;
- Thứ hai, công cụ ghi giọng nói
của người Việt hiện nay là chữ Quốc ngữ, là thứ chữ viết đủ tinh tế để thể hiện
– tuy không phải là tất cả, nhưng có thể nói là hầu hết các âm ngoại ngữ coi là
phổ biến trên thế giới, mà trong phạm vi PV thì là các âm trong tiếng Latin,
Hi-lạp, Hipri, Bồ-đào-nha, Í, Pháp...
Nhờ
hai lợi thế này, mà học sinh phổ thông Việt Nam ngay từ những năm đầu của bậc
Trung học (lớp 6, lớp 7...) trở lên, đã được học – không phải học trong những
môn tiếng nước ngoài, mà trong những môn học khác – những phụ âm kép như br-
, cr- , cl- ..., những phụ âm đuôi
như -s, -z, thậm chí -r. Thí dụ : tên
các nguyên tố hóa học như brôm, crôm, clo, flo, hiđro
(lớp 8)..., chuyển động Brown trong Vật lí (lớp 8), hợp kim constantan
(lớp 6), hằng số Avôgađrô (lớp 8), cuộn stato là bộ phận cố định
(phần cảm) của máy phát điện (lớp 9), hạt prôtôn (lớp 8)..., hợp chất
hóa học baz (lớp 8), tỉ số lượng giác cos (lớp 9), kí hiệu đơn vị
lượng chất mol (lớp 8)... (sách giáo khoa phổ thông cũng không phiên âm,
thí dụ, hít-rô, a-vô-gát-rô... ; còn những dạng như cờ-lo, bờ-rôm...
đã bị loại bỏ từ lâu).
Về
bốn mẫu tự Latin không có trong tiếng Việt là F, J, W, Z, thì
cũng chẳng xa lạ gì : F vừa là kí hiệu chỉ lực, vừa là kí hiệu nhiệt độ
Farenheit (lớp 6), J là đơn vị đo công cơ học (lớp 8), W là đơn vị
đo công suất (lớp 8), còn Z là kí hiệu tập hợp các số nguyên (lớp 6), Hz
là kí hiệu đơn vị đo tần số (lớp 6)... Ngay cả phụ âm p- đầu
vần : pascal, viết tắt là Pa kí hiệu đơn vị đo áp suất (lớp 7).
Bên
cạnh đó, các học sinh phổ thông ở Việt Nam còn học viết, học đọc những chữ
không thuộc bộ mẫu tự Latin. Thí dụ : α alpha, β beta,
γ gamma : tên các tia phóng xạ, mà cũng dùng để kí hiệu các góc
trong môn Hình học chẳng hạn ; Δ delta : kí hiệu một công thức
quan trọng dùng giải phương trình bậc 2, cũng dùng để chỉ hiệu (số), độ chênh lệch
; ε epsilon : kí hiệu chỉ một lượng hết sức nhỏ trong Toán học ; θ
theta : cũng là một kí hiệu góc trong môn Lượng giác ; λ lamda
: hệ số dãn nở dài của các chất rắn, cũng dùng để kí hiệu đại lượng bước sóng
trong môn Quang học ; μ muy : kí hiệu đơn vị đo chiều dài, tức là
micron = 1/1000000 m ; π pi : một kí hiệu rất quen thuộc với
học sinh để chỉ con số 3,14159... trong các công thức tính liên quan đến hình
tròn ; ρ ro : kí hiệu điện trở suất ; σ sigma : kí
hiệu độ lệch tiêu chuẩn trong Thống kê của môn Đại số, hoặc dạng chữ hoa Σ
để kí hiệu một tổng số ; φ phi : thường dùng để kí hiệu góc, dạng
chữ hoa Φ là kí hiệu của từ thông trong môn Điện từ học ; ω omega
: thường dùng chỉ vận tốc góc của chuyển động quay trong môn Cơ học, dạng chữ
hoa Ω là viết tắt của Ohm là đơn vị đo điện trở trong môn Điện học...
Qua
đó có thể thấy, tính phổ thông, tính đại chúng (của một bản dịch KT) không phải
ở việc bỏ những chữ cái không có trong bảng mẫu tự tiếng Việt (đơn và kép), mà
ngược lại phải sử dụng được chúng cách hợp lí. Tên tổ phụ Abraham mà bị phiên
thành Áp-ra-ham, thì như nhận định của Văn phòng Thư kí Hội đồng Giám mục
Việt Nam, là đánh mất ý nghĩa của
từ abba (cha) và ami (các dân tộc ; xem lại dạng Hipri đã trình
bày ở trên).
Ngay
các giáo sĩ Tây phương khi đến Việt Nam cũng từng dùng Chữ Nôm để cố gắng thể
hiện việc phát âm những phụ âm (đơn và kép) vốn không có trong tiếng Việt, có
quy tắc rất chặt chẽ (nhưng không tiện trình bày ở đây). Điển hình nhất là danh
xưng Christo, đã được các ngài ghi bằng : 基 移 吹 蘇 hoặc 欺 移 吹 蘇 . Những chữ này sau được
phiên ra dạng chữ Quốc ngữ thành ki-ri-xi-tô / khi-ri-xi-tô, mà lẽ
ra theo quy tắc phiên âm tiếng nước ngoài bằng Chữ Nôm, thì chúng phải được
phiên thành k’ri-x’tô / kh’ri-x’tô (4).
Những
cách đọc đó hoàn toàn chuẩn xác trong việc đọc Christo bằng chữ Nôm. Vậy
mà lại hết lời ca ngợi kiểu phiên âm thành ki-tô, thậm chí có chỗ còn viết
là Kitô, Kytô (!), thì chẳng có cách gì nhận mặt dạng gốc của chữ,
nên khi bảo rằng ki-tô có nghĩa là “được xức dầu” thì cũng chỉ là
nói bừa mà thôi.
b. Cách phiên
âm
“có âm hưởng” tiếng Hán – Việt :
Một
khuynh hướng khác, mà không biết tại sao hiện nay lại nổi lên như một trào lưu,
là sự ưa thích phiên âm bằng những tiếng đọc lên có vẻ như những từ ngữ Hán –
Việt, nghe thật “văn hoa”, mà thực ra những tiếng phiên âm đó chẳng có lấy một ý
nghĩa nào cả. Để làm thí dụ thì ôi thôi, không biết đâu mà kể cho xiết : từ những
tiếng có lịch sử xa xưa (xin nói sau) như đa minh, càng ngày người ta
càng bịa đặt thêm một đống từ như duy ân, phan sinh, mai đệ liên... Tóm
lại cứ nghĩ ra được tiếng nào nghe “hay hay” (chẳng cần có nghĩa gì), là người
ta lập tức vội vã phổ biến ngay với “đại chúng”.
Israel là
tên Chúa đặt cho Iacob (đã trình bày trên) mà đem phiên ra Ít-ran
(bản TĐH) kể đã là quá lắm, lại còn biến hẳn ra ích diên, thì đúng là
nghe thì kêu, nhưng hoàn toàn vô nghĩa, chả có liên hệ gì với nghĩa gốc tên
Chúa đặt cho Iacob !
Một tên rất quan trọng : Ierusalem, trong
Hipri : ירוּשָׁלַ֙יִם֙ [yərūšālayim], được coi
là gồm hai thành tố : thành tố đầu được coi là có gốc từ
ירה [yara], có
nghĩa là ném, tung, gieo, vãi ; thành tố thứ hai có chung gốc với một danh từ
đáng chú ý : שלם [shalem]
có nghĩa là sự hòa bình, bình an. Chữ shalem này đã được gặp ở Gen
14:18 khi nói về Melkisedech là vua Salem
(Hipri : מלכי־צדק מלך שלם [malkî-ṣeḏeq meleḵ šālêm]) gặp gỡ Abraham, được nhắc lại trong Heb 7:2 (NTT : rồi
ông còn là Vua Salem, tức là : Vua bình an ; UBGMPV cũng tương tự
: ông lại còn là vua Salem, nghĩa là vua hòa bình). Tóm lại tên Ierusalem có nghĩa là “thành của bình an”
/ “nền móng của sự bình an”. Vậy mà lại phiên âm ra là gia liêm thì rõ
là vang vảng phèng la chập cheng chũm chọe.
Còn
như đa minh và nhiều danh từ khác được phiên âm qua trung gian tiếng Hán
– Việt là có nguyên nhân xa xưa. Ban đầu người Việt làm quen với sách vở Tây
phương là phần nhiều qua trung gian các sách vở từ bên Tàu đưa sang, cả các
sách về học thuật “phần đời” bên Tây, cả các kinh sách “nhà đạo”, mà nay vẫn
còn dấu vết trong các sách Kinh tiếng Việt (như Kinh cầu Đức Bà). Sách
do người Tàu soạn tác hoặc phiên dịch, khi gặp những từ ngữ không thể “dịch”
thì ắt phải “phiên”, mà đã phiên thì rõ ràng phải phiên theo giọng đọc của người
Tàu. Nhưng với cùng mặt chữ Nho, âm đọc của người Tàu tất phải khác âm đọc của
người Việt (nay gọi là âm Hán – Việt). Vì thế, khi những sách vở đó vào đến nước
ta, được các vị Nho học đọc và có thể là dịch sang Quốc âm, thì lúc gặp những
chữ Nho phiên âm những từ ngữ Tây phương (không được dịch ở sách Tàu), đương
nhiên các vị ấy sẽ đọc chúng theo âm Hán – Việt. Vì thế, các từ ngữ nghe được,
và sau này viết ra bằng chữ Quốc ngữ, thường khác xa so với từ ngữ gốc. Một vài
thí dụ :
Chữ Chữ Nho Đọc theo Đọc theo
Tây
phương phiên âm giọng Tàu giọng
Ta
Một
ít nhân danh
Montesquieu 孟德斯鳩 mèngdésījiū mạnh đức tư cưu
Napoléon 拿破崙 nápòlún nã phá luân
Rousseau 盧梭
lúsuō lư thoa
Colombo 哥倫布
gēlúnbù kha luân bố
Washington 華盛頓 huáshèngdùn hoa
thịnh đốn
Một
ít địa danh
New
York 紐約
niǔ yuē nữu ước
Moscow 莫斯科 mòsīkē mạc tư khoa
Paris 巴黎 bālí ba lê
Italy 意大利
yìdàlì í đại lị [lợi]
España 西班牙 xībānyá tây ban nha
Portugal 葡萄牙 pútáoyá bồ đào nha
Persia 波斯 bōsī ba tư
Egypt 埃及 āijí ai cập
France 法蘭西 fǎlánxī pháp lan tây
Deutsch 德意志 déyìzhì đức í chí
Yougoslavie 南斯拉夫 nán sīlāfū nam
tư lạp phu
Canada 加拿大 jiānádà gia nã đại
Turkey 土耳其 tǔěrqí thổ nhĩ kì
New Zealand 新西蘭 xīn
xīlán tân
tây lan
Singapore 新加波 xīnjiābō tân gia ba
Asia 亞細亞 yàxìyà á tế á
Europa 歐羅波 ōuluóbō âu la ba
America 阿美利伽 ēměilìjiā a mĩ lị gia
Africa 阿非利伽 ēfēilìjiā a phi lị gia
Để ý rằng trong các từ dẫn trên đây, hầu
hết là được phiên âm, nhưng cũng có những từ vừa phiên lại vừa dịch,
như :
南斯拉夫 (Yougoslavie) nán sīlāfū [nam
tư lạp phu] : 南 nán để dịch tiền tố jugo- trong
ngôn ngữ của dân Serbs, Croats và Slovenes, có nghĩa là phương nam ; 斯拉夫 sīlāfū là
phiên âm phần còn lại ; cả tên có nghĩa là : “vùng đất của người Slavs [tư-lạp-phu]
miền nam” ;
新西蘭
(New Zealand) xīn xīlán : cũng tương tự : xīn để dịch phần đầu new
(= mới), xīlán phiên âm phần còn lại ...
Vẫn là xīn 新 nhưng trong xīnjiābō / xīnjiāpō 新加波 / 新加坡 [tân gia ba / tân gia pha] lại không phải là dịch
mà là phiên âm hoàn toàn. Người Tàu cũng có dịch tên của đảo quốc này theo
nghĩa, là shīchéng 獅城 [sư thành = thành phố sư tử] từ gốc tiếng Sanskrit : simha
(= sư tử) và pūra (= thành phố).
Rồi đến new của tiếng Anh, trong New Zealand
thì dịch, nhưng trong New York lại không dịch mà phiên âm cả hai từ Anh
thành hai từ Hán. Có lẽ điều này liên quan đến Kinh Thánh chăng. Vì ngay từ thế
kỉ XVI, khi các giáo sĩ Tây phương đến Trung Hoa, đã lần lượt dịch từng phần
trong Kinh Thánh sang tiếng Tàu. Trong khi cả bang New York và thủ phủ cùng tên
chỉ mang danh xưng đó từ 1664, và những sách vở bên Tàu nếu có đề cập đến New
York, thì chắc cũng phải sau năm 1664, nhất là khi đó việc truyền thông không
thể nhanh chóng như hiện nay. Dù sao đó cũng chỉ là phỏng đoán. Vì thực tế
trong các bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Hoa hiện còn lưu lại, thì có thể coi bản
dịch do Robert Morrison (1782 – 1834) và William Milne (1785 – 1822), dưới sự
tư trợ của British and Foreign Bible Society, năm 1813 được xuất bản bản dịch
Kinh Thánh Tân Ước với tên gọi là 耶穌基利士督我主救者新遺詔書 [Da-tô Cơ-lị-sĩ-đốc ngã Chúa Cứu giả
Tân Di Chiếu thư], là bản dịch toàn bộ Tân Ước sang tiếng Hoa đầu tiên. Sau đó
lại in toàn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước với tên gọi là 神天聖書:載舊遺詔書兼新遺詔書
[Thần Thiên Thánh Thư : Tái Cựu Di Chiếu thư kiêm Tân Di Chiếu thư] (có lẽ vào
năm 1815), trong đó Cựu Di Chiếu thư tức là Cựu Ước, còn Tân Di Chiếu thư tức
là Tân Ước. Tên gọi Cựu / Tân Di Chiếu vẫn còn sử dụng khá lâu về sau (thí dụ bản
The New Testament
____________
(4) Về vấn đề này không tiện
trình bày ở đây vì dài quá. Người viết có trình bày chi tiết trong “Chữ Nôm
phiên âm ngoại ngữ trong Sách Truyện Các Thánh Toát Yếu” (bản thảo).
(Còn tiếp)
Bài tiếp theo : Bài 2b
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét