Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ - 5b

KINH THÁNH TRONG THÁNH LỄ


Bùi Ngọc Hiển


Bài 5b

                        3. Dịch những lối chơi chữ trong nguyên bản :

Vì muốn diễn tả theo văn phong của bản gốc, có nhiều chỗ cha NTT cũng muốn thể hiện cả những cách “chơi chữ” trong nguyên bản Hipri hoặc Hi-lạp. Có thể xem ít thí dụ sau.

* Câu Gen 9:27 trong bản Hipri nguyên là יפת אלהים ליפת  (yap̄t ’ĕlōhîm ləyep̄eṯ) được cha NTT dịch là : Xin Thiên Chúa phát gia Yaphet (bản CGKPV : Xin Thiên Chúa mở rộng Gia-phét).

* Câu Gen 11:9 trong bản Hipri :
 על־כן קרא שמה בבל כי־שם בלל יהוה שפת כל־הארץ  [(‘al-kên qārā šəmāh bāḇel, kî-šām bālal Yahweh śəp̄aṯ kāl-hā’āreṣ] ; NTT dịch là : bởi thế mà thiên hạ gọi tên thành là Babel, vì ở đó Yavê đã làm cho ra ba la ba láp ngôn ngữ của khắp nơi trên đất ; bản CGKPV : bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Baben, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất).

* Câu Dan 13:54, 55 : NTT : “Vậy bây giờ, giả như ngươi đã thấy bà kia, thì hãy nói : ngươi đã thấy họ tâm sự với nhau ở dưới cây nào ? Tên ấy đáp : Dưới cây trắc” (bản LXX : Ὑπὸ σχῖνον ; σχῖνος tên một loài thực vật thuộc họ Pistacia = Hoàng liên mộc, như nhũ hương – mastic...). “Đaniel mới bảo : ... thần sứ của Thiên Chúa đã được lịnh chặt (bản LXX : σχίσει ; nguyên động từ σχίζω, dạng khác là σκίζω, nghĩa là chẻ, xé) ngươi ra làm hai”. Tiếp theo, câu Dan 13:58, 59 : “... Dưới cây nào ngươi đã bắt chụp được chúng tâm sự với nhau ? Hắn nói : Dưới cây dẻ” (bản LXX : Ὑπὸ πρῖνον ; πρῖνος tên một loài thực vật khác thuộc họ Fagaceae = Sơn mao cử, như kermes oak – dẻ gai, sồi, sến). “Đaniel bảo : ... thần sứ của Thiên Chúa đang chờ sẵn kiếm để xẻ (LXX : πρίσαι ; nguyên động từ πριονίζω có nghĩa là cưa, xẻ) ngươi ra làm hai”. Bản CGKPV cũng dùng các cặp từ ngữ trắc / chặtdẻ / xẻ này tại các vị trí tương ứng.

* Câu Am 5:5 Hipri :   כי הגלגל גלה יגלה ובית־אל יהיה לאון
[kî haggilgāl gālōh yiḡleh, ūḇêṯ-’êl yihyeh lə’āwen] ; NTT : “... Vì chưng Gilgal sẽ gạn đi xa ! Và Bethel sẽ ten ben tét bét” (bản CGKPV : “Vì Ghin-gan sẽ bị đày biệt xứ, và Bết Ên sẽ thành chốn không người”).

* Câu 1Cor 13:1 trong bản Hi-lạp : χαλκὸς ἠχῶν ἢ κύμβαλον ἀλαλάζον ; NTT dịch : “... [mà tôi không có lòng mến, thì tôi chỉ là] thanh la vang vảng hay chũm chọe chập cheng” ; bản CGKPV : “[... thì tôi cũng chẳng khác gì] thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng”.

                        4. Những đính chính trong bản in 1965 :

Trong lần xuất bản đầu tiên năm 1965, ở cuối sách là một Bản đính chính dài tới 31 trang, với lời đề nghị :

“Vì muốn cho bản dịch được đúng với nguyên bản, để dễ dàng khảo cứu, học hỏi, mong Quý Vị vui lòng sửa những lỗi in sai, theo bản ĐÍNH CHÍNH này, trước khi đọc” (sic).

Có lẽ chưa có quyển sách nào (kể riêng tại VN cho đến lúc bấy giờ) lại có một bản đính chính dài như thế. Chỉ xem qua Bản đính chính, có người cho rằng những chỗ đã in (và được dịch giả đề nghị sửa lại) nghe chừng “hay hơn, xuôi hơn...” so với đề nghị sửa của dịch giả. Thí dụ :

Đã in là : “... nếu chén này không thể nào qua được, con phải uống...” được dịch giả đề nghị sửa là : “Nhược bằng chén này không thể nào qua được, nếu con không uống...” (Mt 26:42 ; lần tái bản sau sửa thành : “ví bằng chén này không thể qua đi”)


Trang đính chính 2* và 3* trong bản dịch KT TƯ NTT 1965




Hay đã in là : “... nhưng ở đây còn hơn Yôna nữa...”, được sửa là : “mà này : còn có gì hơn Yô-na nữa ở đây !” (Lc 11:32 ; lần tái bản sau in theo đính chính)

Hay đã in là : “Còn bốn tháng mùa màng mới đến”, sửa là : “Bốn tháng có qua, mùa màng mới đến.” (Jo 4:35 ; lần tái bản sau in theo đính chính)

Hay : “ ai khác [nhân danh]...”, sửa là : “túng sử ai khác [nhân danh]...” (Jo 5:43 ; lần tái bản sau sửa là “thảng hoặc có ai khác...”)

Hay : “Không bao giờ tôi lùi bước trước một điều gì hữu ích cho các ông : tôi đã giảng giải dạy dỗ các ông, nơi công cộng cũng như ở nhà tư”, đính chính là : “làm sao tôi đã không muốn dấu diếm một điều gì hữu ích, mà không loan báo, không giảng dạy cho các ông, chỗ công cộng hay ở nhà tư” (Act 20:20 ; lần tái bản : “làm sao tôi đã không e ngại mà giấu giếm đi một điều gì hữu ích, đến đỗi không loan báo, không dạy dỗ anh em...”)...

Và tất cả các câu trong Tin Mừng Yoan đã in như “Yêsu đáp lại” đều được dịch giả đề nghị đính chính là “Yêsu đáp lại thì nói” (Jo 1:50, 6:26, 7:16, 7:21...), “Yêsu đáp lại thì bảo” (Jo 1:48, 3:3, 4:10, 6:29...), thậm chí là “Yêsu đáp lại thì nói bảo họ” (Jo 2:19 ; trong lần tái bản, các chữ “thì” trên được sửa thành “và”).

Khoảng cuối năm đó (1965), cha Nguyễn Thế Thuấn đã có một bài viết dài đăng trên nguyệt san ĐMHCG lúc bấy giờ, để giải thích lí do tại sao lại phải đính chính. Ngài cho biết, vì quá bận rộn, nên công việc ấn loát được giao phó cả cho nhà in. Những người coi sóc việc xếp chữ và cho in đã tự ý sửa chữa trên bảo thảo của ngài. Đến khi việc in đã xong, ngài mới được xem lại thì đã quá muộn, không còn có thể xếp chữ để sửa bấy nhiêu chỗ được nữa, nên mới có bản đính chính dài dằng dặc kia. Những vị sửa chữa trên nguyên cảo của cha Nguyễn Thế Thuấn có khi nghĩ rằng cha dùng chữ không đúng, hoặc viết sai chính tả, nên rất nhiều chỗ các vị này đã thay vì sửa sai thành đúng lại sửa đúng thành sai, như “đầy mặp” (từ đúng, tương tự “đầy ắp”) sửa ra “đầy mặt” (lần tái bản sửa thành “đầy thấu” ; Jo 2:7), “một súc gỗ” sửa ra “một cây súc gỗ” (thừa “cây” ; Act 5:30 ; lần tái bản : “một cây gỗ”), “yếng sáng” (do cách đọc “ánh” thành “yếng”, cũng như “vi thành, lòng thành” đọc ra “vi thiềng, lòng thiềng”) bị sửa ra “yến sáng” (vô nghĩa ; Act 12:7 ; lần tái bản dùng “ánh sáng”), và nhiều chỗ khác.


                        5. Việc chọn từ ngữ :


Có thể thấy cha Nguyễn Thế Thuấn rất cẩn thận trong việc chọn từ ngữ. Có những chữ thoạt có thể bị coi là sai (hoặc về ý nghĩa, hoặc về chính tả, có khi cả hai ; tất nhiên cũng có những chỗ dùng sai thật sự chứ không phải “có vẻ” như sẽ được trình bày sau). Nhưng nếu đọc các tác phẩm văn học Việt Nam xưa cũ, mới thấy rằng cha đã dùng đúng.


Một số thí dụ :

* Trong bản dịch TƯ in năm 1965 của ngài, câu 1Cor 13:9 : “Vì chưng ơn trí tri ta được có ngằn ; ơn tiên tri ta được có ngằn”, hoặc câu Mt 15:33 : Môn đồ nói với Ngài : “Chúng tôi lấy đâu ra đủ bánh trong chốn cô quạnh này, mà nuôi ngần ấy dân chúng ?”. Chữ ngần (trong câu Mt) này không xuất hiện trong Bản đính chính cuối sách, nhưng xem bản in KT CTƯ 1976, câu Mt 15:33 trên đã được sửa thành : Môn đồ nói với Ngài : “Chúng tôi lấy đâu ra ngằn ấy bánh nơi hoang vắng này mà nuôi ngằn ấy dân chúng ?”, mà câu 1Cor vẫn giữ đúng như bản in 1965 (tuy nhiên ở chỗ khác, như Abd 5 vẫn in “ngươi sẽ điêu đứng ngần nào”, bản in 1976 ; còn bản UBGMPV trong câu Heb 10:11, a 67 cũng dùng : “... hiến dâng cũng những ngần ấy của lễ ...”).

Chắc chắn rằng những người thực hiện bản in 1976 đã sửa lại theo ý của cha NTT, mà vì bản in (TƯ) năm 1965 có quá nhiều chỗ sai với nguyên cảo của cha, nên ngài đã không thể đính chính cho hết. Mở Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của, 1896, Tome II, trang 84, mục từ Ngằn được ghi nghĩa là : “chừng, đỗi, phần, ngăn, cái chi để ra phân biệt”, kèm theo các thí dụ : “ngằn nào : bao nhiêu, cho tới đâu, tới chừng nào” và “ngằn ấy : chừng ấy, tầng [= từng] ấy”). Trong Thiên Chúa thánh giáo nhựt khóa tịnh Chúa nhựt pháp, quen gọi là sách Mục lục, một quyển sách kinh rất phổ biến đối với các giáo phận miền Nam trước kia (nay vẫn còn thấy in lại), nơi đoạn kết của kinh Than ngày Thứ Sáu khi hôn chơn có câu : “... xuống thế làm người có tuổi có ngằn ...” Hoặc ở Những kinh đọc sau khi Rước Lễ (II), kinh Dốc lòng, có các câu như : “... Mà tôi hằng chịu ơn Chúa vô ngằn ; ... phạm tội vô ngằn, khôn phương kể xiết ...” cùng nhiều chỗ khác. Trong khi đó, ở Đệ thất thiên – Đồng niên tổng kinh văn, III. Ca hát trong mùa Phục sinh, 6. kinh Lễ Chúa thăng thiên chúng tôi thờ kính lại có câu : “... Áo trắng dường ngần, trên không hiện xuống ...”

Điều đó chứng tỏ các bậc tiền bối phân biệt chặt chẽ ngằnngần, và cách dùng từ của cha NTT là đúng. Các kinh sách Phật giáo hiện vẫn rất hay dùng kiểu nói “không ngằn mé” để nói về sự rộng rãi không có chừng (vô biên), nhưng bên Công giáo bây giờ lại hay dùng ngần, thí dụ bản NTT được trang http://vntaiwan.catholic.org.tw phổ biến (có những trang phổ biến đúng như bản 1976, như trang TƯ online tại http://www.donghanh.org).

* Có thể kể thêm một thí dụ về việc cẩn thận chọn lựa các từ ngữ để dịch KT của cha NTT : để dịch tên các loại đàn thời cổ Do-thái, ngài cũng cố gắng chọn các từ ngữ Hán – Việt tương đương, và dịch rất nhất quán. Bảng dưới đây khảo sát các Thánh Vịnh có đề cập đến tên các nhạc cụ dây (= đàn) :


Hình vẽ đàn Cithara


Hình vẽ đàn Cầm

Câu Ps                        bản NTT                      bản Hipri                                                       
5:1                              quyển                            הנחילות  [hannəḥîlōwṯ]        
6:1                              đàn bát huyền               השמינית  [haššəmînîṯ]                     
11 (12):1                     đàn bát huyền              השמינית  [haššəmînîṯ]                      
32 (33):2                     cầm                              כנור  [ḵinnōwr]                                
56 (57):9                     cầm                              כנור  [ḵinnōwr]                                
91 (92):4                     cầm                              כנור  [kinnōwr]                                
107(108):3                  cầm                              כנור  [kinnōwr]                                
80 (81):3                     cầm                              כנור  [kinnōwr]                                
80 (81):3                     sắt                                 נבל  [nāḇel]                                      
32 (33):2                     sắt                                 נבל  [nāḇel]                                      
56 (57):9                     sắt                                 נבל  [nāḇel]                                      
91 (92):4                     sắt                                 נבל  [nāḇel]                                      
107(108):3                  sắt                                 נבל  [nāḇel]                                      
143(144):9                  kim huyền                    נבל  [nāḇel]                                      
143(144):9                  kim huyền                    עשור  [‘āśōwr]                                 
91 (92):4                     thập huyền                   עשור  [‘āśōwr]                                 
32 (33):2                     thập huyền                   עשור  [‘āśōwr]         

                                   
46 (47):6                     tù và                             שופר  [šōwp̄ār]                                
80 (81):4                     tù và                             שופר  [šōwp̄ār]                                
53 (54):1                     huyền cầm                   נגינת  [nəḡînaṯ]                                
54 (55):1                     huyền cầm                   נגינת  [nəḡînaṯ]                                
60 (61):1                     huyền cầm                   נגינת  [nəḡînaṯ]                                
66 (67):1                     huyền cầm                   נגינת  [nəḡînaṯ]                                
75 (76):1                     huyền cầm                   נגינת  [nəḡînaṯ]                                
67 (68):26                   trống cơm                    תופפות  [tōwp̄êp̄ōwṯ]                       
80 (81):3                     trống                            תף  [ṯōp̄]                                                       

Câu Ps                        bản NV                         bản Tư Cao
5:1                               tibia                              [quản]
6:1                              octava                          絃樂, 八度低音 [huyền nhạc, bát độ đê âm]
11 (12):1                     octava                         八度低音 [bát độ đê âm]
32 (33):2                     cithara                          [cầm]
56 (57):9                     cithara                         豎琴 [thụ cầm]
91 (92):4                     cithara                          [sắt]
107(108):3                  cithara                         豎琴 [thụ cầm]
80 (81):3                     psalterium                    [cầm]
80 (81):3                     cithara                          [sắt]
32 (33):2                     psalterium
56 (57):9                     psalterium                   七絃 [thất huyền]
91 (92):4                     psalterium                   七絃琴 [thất huyền cầm]
107(108):3                  psalterium                   七絃 [thất huyền]
143(144):9                  psalterium                              
143(144):9                  decachordum              十絃琴 [thập huyền cầm]
91 (92):4                     decachordum              十絃 [thập huyền]
32 (33):2                     psalterium                   十絃琴 [thập huyền cầm]                
                                    chordarum decem
46 (47):6                     tuba                             角聲 [giác thanh]
80 (81):4                     tuba                             號角 [hiệu giác]
53 (54):1                     fides                             [huyền]
54 (55):1                     fides                             [huyền]
60 (61):1                     fides                             [huyền]
66 (67):1                     fides                             [huyền]
75 (76):1                     fides                             [huyền]
67 (68):26                   tympanum                   [cổ]
80 (81):3                     tympanum                  鐃鼓 [nao cổ]

Từ điển Latin Hán của 吳金瑞 Ngô Kim Thụy đã dịch một số từ ngữ Latin như sau :

* cithara :                    thụ cầm, 琴瑟 cầm sắt (giống chữ lyra ; mục từ lyra : 弦琴 cổ huyền cầm, 詩歌 thi ca, giống chữ fides) [từ điển này dùng chữ huyền khác với chữ huyền trong bản dịch Tư Cao]
* decachordum :         十弦琴 thập huyền cầm
* fides :                       古琴 cổ cầm, 七弦琴 thất huyền cầm
       (giống chữ lyra)
* psalterium :             弦琴 huyền cầm, 豎琴 thụ cầm
* tibia :                        địch ; thường dùng ở số nhiều : 双管苖 song quản địch ;
* tuba :                       號筒 hiệu đồng, 號角 hiệu giác, 喇叭 lạt bát, 軍號 quân hiệu
* tympanum :              cổ

Các nhạc cụ cổ Do-thái hình dạng ra sao, cách diễn tấu thế nào, hiện khó mà xác định, nên việc dùng một ngôn ngữ khác để diễn tả chúng là một điều khó khăn, chỉ tạm căn cứ vào một số công trình của các nhà nghiên cứu. Như cithara là từ Latin để dịch  כנור  [ḵinnōwr] của Hipri, mà từ điển Ngô Kim Thụy dịch cithara (chứ không phải dịch kinnor) là 豎琴 thụ cầm, với nghĩa thụ là [dọc theo] đường thẳng đứng, đường dây dọi, và cầm là đàn nói chung. Có thể xem hình minh họa trong từ điển Fr. Gaffiot (từ điển Ngô Kim Thụy có sao lại) như trên đây. Nhưng vẫn từ điển Ngô Kim Thụy cũng dùng thụ cầm để dịch psalterium của Latin (mà bản Tư Cao dịch là 七絃琴 [thất huyền cầm = đàn bảy dây]).

Trong chữ Nho, cầm nguyên là tên riêng chỉ một loại nhạc cụ dây cổ xưa, hình dáng giống như đàn Tranh hiện nay của Việt Nam, cách gảy đàn cũng tương tự thế, nhưng chỉ mắc năm dây hoặc bảy dây. Đến khoảng đầu thế kỉ XX, khi đàn piano du nhập Trung Hoa, người ta gọi tên đàn mới này bằng chữ Nho là 鋼琴 cương cầm (nghĩa là “đàn gang”, chứ không phải là dương cầm như cách gọi ở Việt Nam), nghĩa là cầm bắt đầu được dùng như một danh từ chỉ chung các loại nhạc cụ dây, thì đàn cầm nhận cách gọi mới là 瑤琴 dao cầm (= đàn gảy bằng móng gảy, không phải gõ trên phím) hoặc 古琴cổ cầm (= đàn xưa) !

Còn sắt là một loại đàn khác, về hình dáng và cách gảy cũng tương tự như cầm, nhưng kích thước lớn hơn và số dây mắc trên đàn nhiều hơn hẳn : tương truyền ngay từ thời nhà Hán đã mắc tới 50 dây. Sắt còn chia ra 雅瑟 Nhã sắt (23 dây), 頌瑟 Tụng sắt (25 dây ; tên hai thứ đàn sắt này gọi theo tên hai phần sau của Kinh Thi : NhãTụng), 小瑟 Tiểu sắt (15 dây), 大瑟 Đại sắt (27 dây). Đến khoảng năm 1930, 鄭覲文 Trịnh Cận Văn chế tác theo cổ một 庖犧瑟 Bào Hi sắt 50 dây và một Đại sắt 100 dây.

Qua bảng khảo sát trên, có thể thấy bản dịch của cha NTT tương ứng với bản Hipri một cách nhất quán hơn so với cả bản Latin Nova Vulgata cũng như bản dịch Tư Cao.

* Hoặc từ ngữ “một dược”. Từ này trong NV là myrrha, xuất hiện trong CƯ 13 lần (trong đó riêng Nhã ca xuất hiện 8 lần), gồm các câu : Ex 30:23, Est 2:12, Ps 45 (44):9, Prov 7:17, Cant 1:13, 3:6, 4:6, 4:14, 5:1, 5:5 (xuất hiện 2 lần trong cùng một câu), 5:13, Sir 24:20 (bản LXX là 24:15) ; trong Tân Ước 3 lần (các câu : Mt 2:11, Mc 15:23, Jo 19:39). Hầu hết các trường hợp xuất hiện trong CƯ đều được bản LXX dịch sang tiếng Hi-lạp bằng σμύρνα [smyrna], trừ hai chỗ là câu Prov 7:17 dịch bằng ἄρωμα [arōma] và câu Cant 1:13 dịch bằng στακτή [staktē].

 Các bản KT bằng Hoa ngữ (cả Công giáo như 思高本 [Tư Cao bản] và Tin Lành như 和合本修訂版 [Hoà Hiệp bản tu đính bản]) đều dịch thống nhất các danh từ ở vị trí tương ứng với myrrha trong các câu KT dẫn trên bằng 沒藥 (phồn thể) hoặc没药 (giản thể). Dù là phồn thể hay giản thể, thì chúng đều được đọc với âm Hán – Việt duy nhất là một dược.

Trong bản dịch KT TƯ 1965 của cha NTT, một dược đã bị nhà in sửa thành “mộc dược” một lần ở trang 448, câu Jo 19:39 ; hai chỗ còn lại, Mt 2:11 và Mc 15:23, vẫn in một dược.  Trước đó, bản dịch SLHT (cũng xuất bản năm 1965), trong bài Phúc âm nói về việc ba hiền sĩ phương Đông đến kính bái Hài nhi Giêsu cũng in một dược. Bản dịch KT CTƯ TĐH 1971 cũng in nhất loạt là một dược. Bên Tin Lành, bản dịch KT (xuất bản lần đầu năm 1926 – ở đây căn cứ vào bản được Thánh Kinh Công hội in lại năm 1966), trừ câu trong sách Ecclesiasticus – thường dịch sang tiếng Việt là sách Giảng viên – không có trong các sách KT Tin Lành), 15 chỗ còn lại đều được dịch và in rất chuẩn là một dược. Bản dịch mới (tên tiếng Anh : New Vietnamese Bible) cũng dùng một dược trong 15 chỗ như bản 1966.

Nhưng trong SLR 1971 và các sách BĐ của UBGMPV đều chỉ gặp thấy mộc dược mà không hề thấy một dược. Bản dịch Tin Mừng về Chúa Cha, ấn bản toàn thư, của cha An-sơn Vị (1983), dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo, là một bản dịch có rất nhiều từ Hán – Việt, cả những từ khá quen (nhưng ít dùng, và có lẽ không hề gặp trong các bản dịch khác), như : Đạo Ngôn, trang 13, [... đừng sợ rước Bà Ma-ri-a,] Hiền thê [ông...] (Mt 1:20), Vườn Diệu quang (Apoc 2:7), Chúa Cửu Trùng (Apoc 4:7), Hiền Phụ, Thần Linh Hiếu Tử, t. 124... ; hoặc những từ đơn có sẵn để ghép với nhau đặt ra những từ mới thay cho những từ đã quen, chẳng hạn : Thiên Phụ (Mt 3:16), Huyền Thê (Apoc 22:17), Huyền Phu, trang 23, Đấng Thụ Hấn (= Đấng chịu xức dầu, Đức Mê-xi-a ; sic., t. 98), Toàn Ái, t. 34G... Thế nhưng bản dịch này cũng dùng mộc dược trong cả 3 câu Mt 2:11, Mc 15:23 và Jo 19:39.

Bản KT trọn bộ CƯ – TƯ 1998 (không chú thích) của CGKPV cũng dùng nhất loạt từ mộc dược cho 16 chỗ đã dẫn. Hình như từ khoảng cuối năm 2000 các dịch giả có hứa hẹn sẽ xem xét lại việc dùng một dược / mộc dược. Thế nhưng khi xuất bản KT ấn bản 2011, kỷ niệm 40 năm hiện diện của nhóm, 16 chữ mộc dược cứ nghiễm nhiên tồn tại ! Cả trong Từ điển Công giáo Anh – Việt của Nguyễn Đình Diễn (2002), mục từ myrrh cũng dịch là mộc dược ! Trong khi đó, linh mục Trần Văn Kiệm, tác giả quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt (1999), trong bản dịch KT TƯ của ngài đều dùng một dược tại cả ba câu TƯ đã dẫn. Qua năm 2012, khi cho xuất bản bộ sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ bộ mới gồm 4 quyển, thì bộ sách này đã dùng một dược. Tuy nhiên không chỗ nào đề cập lí do tại sao dùng, và cũng không nói gì đến việc đề nghị sửa lại các chỗ đã in mộc dược trong bộ cũ và trong các bản dịch KT của nhóm từ ban đầu cho đến ấn bản đặc biệt 2011. (13)

* Trở lại với bản dịch NTT, cũng có khá nhiều chỗ dùng sai các từ ngữ Hán – Việt. Thí dụ câu Eph 1:11 : “... qui omnia operatur ...” được cha NTT dịch là : “... Đấng liễu thành mọi sự ...” thì chẳng những rất xa lạ với nhiều người, mà động từ opero (operare = làm, làm việc, thi hành, vận hành) lại được dịch bằng động từ Hán – Việt liễu thành 了成 (= xong xuôi, đã [làm] xong, nên trọn) là không xác đáng.

* Hoặc như câu Am 8:1 trong NV : “... ecce canistrum pomorum ...” được cha NTT dịch – theo Hipri – là “... một giỏ thời trân ...” thì e rằng đã đi quá xa (bản Tư Cao chỉ dịch gọn là : 有一籃熟果子 [hữu nhất lam thục quả tử = có một giỏ trái chín ; hoàn toàn giống cách dịch của TĐH – theo bản Vulgata] ; bản CGKPV – cũng dịch theo bản Hipri  כלוב קיץ  [kəlūḇ qāyiṣ] là “giỏ trái cây mùa hè”).

Thời trân 時珍là một từ ngữ Hán – Việt, có nghĩa là các thức [ăn] quý tùy theo thời gian trong năm (Truyện Kiều : Thời trân thức thức sẵn bày, chữ dùng theo sách Cố sự tầm nguyên 故事尋源 : 御食曰珍饈 [ngự thực viết trân tu = thức ăn của ngài ngự – tức là nhà vua – gọi là trân tu]), vì vậy nghĩa của thời trân khá rộng so với canistrum pomorum (kể cả với kəlūḇ qāyiṣ).

* Trong bản dịch của cha NTT có khá nhiều từ ngữ có lẽ phải kể là “hơi xưa” như : ... khi người ta sỉ mạ các ngươi ... (Mt 5:11) ; ... và thẩm phán cho nha dịch ... (Mt 5:25) ; ... bị khoanh cối lừa kéo tròng vào cổ ... (Mc 9:42) ; ... đừng tập dọn biện hộ ... (Lc 21:14) ; ... vô phương cự lại hay kháng lý ... (Lc 21:15)...

Vì thế, dù bản NTT được đánh giá là một bản dịch chuẩn xác, nhưng vì không luôn dùng những từ ngữ có tính “đại chúng”, nên tính phổ thông của bản dịch này không cao.

Cha Nguyễn Thế Thuấn là một dịch giả uyên bác, làm việc rất khoa học. Ai biết về công việc dịch thuật KT của ngài đều rất khâm phục. Ngài khiêm tốn lắng nghe và đón nhận những ý kiến đóng góp đối với bản dịch KT ngài thực hiện. Bản dịch này là bản đầu tiên bằng tiếng Việt với các bài dẫn, chú thích dồi dào, rõ ràng. Đối với những ai cần học hỏi Lời Chúa, nghiên cứu sâu về KT, thì bản dịch của cha NTT hết sức quý báu. Nhưng bản dịch chỉ dùng bản Vulgata như bản tham khảo, mà những bản chính dùng để căn cứ vào đó dịch sang tiếng Việt là những cổ bản KT bằng tiếng Hipri, Hi-lạp cổ, cộng với nguyên tắc dịch sát nguyên bản của dịch giả, nên có lẽ khó có thể dùng làm bản văn để đọc / hát trong PV, trong cộng đoàn.


Chú thích :

(13) Nếu xem xét trong các từ điển, thì ngay từ năm 1839, Joachim Alphonsus Gonsales trong Lexicon Manuale Latino-Sinicum [= Thủ bản từ vựng Latin – Hán] đã dịch myrrha沒藥香 [một dược hương]. Năm 2002, trong quyển từ điển Công giáo tiếng Hoa là 天主教英漢袖珍辭典 [Thiên Chúa giáo Anh Hán tụ trân từ điển] do 主徒會恒毅月刊社 [Chúa đồ hội Hằng Nghị nguyệt san xã] xuất bản, dịch mục từ tiếng Anh myrrh : 沒藥 : 新約中東方賢士所獻給耶穌的三禮之一 [một dược : Tân Ước trung Đông phương hiền sĩ sở hiến cấp Da-tô đích tam lễ chi nhất = một dược : một trong ba lễ vật các hiền sĩ Đông phương dâng Chúa Giêsu trong Tân Ước]. Lại 古希腊语汉语词典 [Cổ Hi-lạp ngữ Hán ngữ từ điển], của La Niệm Sinh, Thuỷ Kiến Phức罗念生 , 水建馥 , Thương Vụ ấn thư quán 商务印书馆 , Bắc Kinh 2004, mục từ σμύρνα cũng dùng 没药 một dược để dịch, không những thế còn mở ngoặc ghi chú thêm dạng Hi-lạp thứ hai là μύρρα [myrr(h)a]. Gần đây hơn cả, trong Encyclopedia of Traditional Chinese Medicines [= Bách khoa dược liệu Trung Hoa truyền thống] của các tác giả Jiaju Zhou, Guirong XieXinjian Yan, 2011, chỉ có hai dược liệu mà thành tố đầu có âm Hán – Việt là một, đó là : một thực tử 没食子 (mo shi zi) và một dược 没药 (mo yao ; tất cả các tên đều có in kèm tên tiếng Anh tương ứng, với từ một dượcmyrrha), trong khi có tới 28 dược liệu có thành tố đầu có âm Hán – Việt mộc, nhưng chẳng hề có dược liệu nào là mộc dược (tên Hán – Việt cùng với mặt chữ Hán và cách phát âm “phổ thông” trong tiếng Hoa của 28 dược liệu đó là :
1. mộc biện thụ 木瓣树 mu ban shu ; 2. mộc miết căn 木鳖根 mu bie gen ; 3. mộc miết tử 木鳖子 mu bie zi ; 4. mộc sài hồ 木柴胡 mu chai hu ; 5. mộc nhĩ 木耳 mu er ; 6. mộc phòng kỉ 木防己 mu fang ji ; 7. mộc phù dung hoa 木芙蓉花 mu fu rong hua ; 8. mộc qua 木瓜 mu gua ; 9. mộc hồ điệp 木蝴蝶 mu hu die ; 10. mộc hồ điệp thụ bì 木蝴蝶树皮  mu hu die shu pi ; 11. mộc cận hoa 木槿花 mu jin hua ; 12. mộc cận bì 木槿皮 mu jin pi ; 13. mộc cận tử 木槿子 mu jin zi ; 14. mộc quất 木橘 mu ju ; 15. mộc lãm 木榄 mu lan ; 16. mộc lam 木蓝 mu lan ; 17. mộc lê lô 木藜芦 mu li lu ; 18. mộc ma hoàng 木麻黄 mu ma huang ; 19. mộc miên hoa 木棉花 mu mian hua ; 20. mộc thự [địa thượng bộ phận = phần trên mặt đất] 木薯 [ 地上部分 ] mu shu [di shang bu fen] ; 21. mộc đề tằng khổng khuẩn 木蹄层孔菌 mu ti ceng kong jun ; 22. mộc thiên liệu 木天蓼 mu tian liao ; 23. mộc thông 木通 mu tong ; 24. mộc thông căn 木通根 mu tong gen ; 25. mộc đồng hao 木茼蒿 mu tong hao ; 26. mộc hương 木香 mu xiang ; 27. mộc tặc 木贼 mu zei ; 28. mộc tặc ma hoàng 木贼麻黄 mu zei ma huang). Xin xem : Một dược hay mộc dược ?

Cũng cần nói ở đây, có người cứ khăng khăng cho rằng chữ Nho phải đọc là chủ nếu là âm Hán – Việt, chỉ khi nào chữ đó đọc theo âm Nôm mới đọc là chúa. Phát biểu này hoàn toàn cảm tính và võ đoán. Tuy nhiên vì đây không phải đề tài cần đề cập đến, nên không trình bày thêm vì dài quá. Nhưng trong sách này, chữ sẽ được ghi theo hai âm chúa / chủ tùy trường hợp, mà khi nói về Thiên Chúa thì luôn phiên là Chúa.



Bùi Ngọc Hiển


(Còn tiếp)

Bài trước : Bài 5a




Không có nhận xét nào: