Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ (001)


LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ

路德聖母畧記

BÙI NGỌC HIỂN
phiên âm và chú thích


Kỳ 1

Giới thiệu

     Lộ-đức Thánh Mẫu lược k‎ý (= kể qua về Thánh Mẫu Lộ-đức [LĐTMLK]) là một quyển truyện viết bằng Chữ Nôm, thuật lại sự kiện Đức Mẹ hiện ra với một thiếu nữ tên là Bê-na-đet-ta (tên theo tiếng Pháp hành chính là Marie Bernarde "Bernadette" Soubirous ; theo tiếng địa phương nơi cô sinh trưởng – tiếng Occitan – là Bernadeta Sobiróus (7-1-1844 – 16-4-1879) ở Lộ-đức (Lourdes) miền Hautes-Pyrénées (Py-rê-nê Thượng), nước Pháp, vào năm 1858.

     Ngay từ khi sự kiện xảy ra, tại Pháp đã nổi lên một cuộc bút chiến trên báo chí về việc sự kiện đó là có thật hay chỉ là điều bịa đặt (cho đến nay vẫn còn có ý kiến phản bác, dù xem xét kỹ thì thấy ít nhiều điều bất hợp lý hoặc tự mâu thuẫn trong các phản bác đó). Sau khi sự kiện được Giáo quyền xác nhận, đã có nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp tường thuật các biến cố đã xảy ra, với các chứng nhân đều còn sống đã từng mắt thấy tai nghe (như "Notre-Dame de Lourdes" của Henri Lasserre xuất bản năm 1868 – bạn đọc nào muốn có thể tải về bản dịch tiếng Anh với tựa "Our Lady of Lourdes" tại địa chỉ https://archive.org/details/ourladyoflourdes..., miễn phí). Có lẽ Lộ-đức Thánh Mẫu lược ký là một bản dịch Việt ngữ của một trong các tác phẩm đó, song cũng có thể là một tập hợp các ghi chép trong các tác phẩm đó, và được viết bằng Chữ Nôm để phổ biến trong giới Công giáo Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.

     Quyển truyện chúng tôi sử dụng để phiên âm tiếc rằng bị mất bìa và bị mất vài trang đầu (có thể là trang in tựa sách, tác giả, năm in, xuất bản...) và vài trang cuối, toàn bộ các trang còn lại là từ trang được đánh số 1 đến trang 376 (bằng chữ Hán), nên không rõ thời điểm soạn thảo (hay biên tập), in và xuất bản, nhưng có lẽ tác phẩm ra đời muộn nhất cũng chỉ khoảng năm, mười năm đầu thế kỷ XX, căn cứ vào các chữ dùng trong tác phẩm. Có một điều chắc là quyển truyện được in ở nước ngoài (như Hong Kong hay nơi nào đó có nhà in của các Hội Truyền giáo tại Trung quốc chẳng hạn), vì các lý do sau :

     Cỡ sách là 12,6 cm X 19 cm, rất khác so với kính thước các sách đạo Hán – Nôm gọi là truyền thống (các sách này bề dài thường gần gấp đôi bề ngang, xấp xỉ khoảng 15 cm X 27 cm). Lại nữa, dù cũng vẫn được đọc theo chiều dọc và từ phải sang trái (mỗi trang có 10 dòng, mỗi dòng có 24 chữ, trừ những dòng tựa sách, đề mục mỗi đoạn...) theo cách viết Hán – Nôm truyền thống, nhưng khác với các sách Hán – Nôm khác ở chỗ giấy in không phải loại giấy bản in hai trang một mặt rồi gấp đôi từng tờ một (và đóng chung lại bằng chỉ ở phía mép giấy chứ không ở phía nếp gấp như cách đóng sách hiện nay), mà in trên một loại giấy khác hẳn (tương tự các loại giấy in thông thường bây giờ) không sợ thấm mực, nên mỗi tờ đều in cả hai mặt,  và in theo từng "tay sách" 16 trang (4 tờ, mỗi tờ 4 trang in 2 mặt lồng vào nhau rồi gấp đôi), mỗi tay sách đều được đánh số A-rap.
Ngoài ra sách được in theo kiểu xếp chữ rời đúc sẵn, khác với kiểu khắc ván thủ công cả nguyên một trang, do đó hầu như không gặp các sai lỗi như các bản in khắc ván (chẳng hạn cùng một chữ có thể khắc khác nhau, thậm chí sai lạc hẳn, chữ này khắc ra chữ khác..., do người thợ khắc không phải lúc nào cũng đọc thông tất cả các chữ mình khắc).

     Văn phong quyển truyện khá cổ, nhiều từ ngữ dùng trong tác phẩm ngày nay đã biến mất hẳn, nên đôi chỗ có thể làm người đọc lúng túng ít nhiều, nhưng không vì thế mà kém lôi cuốn. Một số chữ dù quen thuộc, nhưng lại có tự dạng khác với các tự dạng của cùng chữ đó trong các tác phẩm Hán – Nôm khác (rất nhiều chữ không có trong "Giúp đọc Nôm và Hán Việt" của cha Anthony Trần Văn Kiệm, trong "Tự Vị Nôm" của Vũ Văn Kính và Nguyễn Quang Xĩ...). Một số chữ dùng chỉ gặp trong "Dictionnaire Annamite-Français" của J. F. M. Génibrel, "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" của Huình-Tịnh Paulus Của, hay "Dictionnaire Annamite-Chinois-Français" của Gustave Hue, trong khi không thấy có trong "Việt-Nam Tự-Điển" do "Hội Khai-Trí-Tiến-Đức khởi thảo"... Đặc biệt các tiếng láy dùng trong tác phẩm khá phong phú, có thể dùng tham khảo cho việc biên tập các từ láy tiếng Việt, tất nhiên có những từ nay không còn dùng nữa. Có thể xem một vài thí dụ :

Tiếng dùng trong LĐTMLK                     Tiếng dùng khác tương tự 

chê bác, chế bác                                      bài bác
bẻ bót                                                      bẻ, bắt bẻ, bẻ bai
nhộn nhạo                                               nhốn nháo
đông đắn, đông đúc                                 đông đúc
chuôm                                                     ao
ao                                                           lường, đong
ván lạt                                                     gỗ lạt
nhiệm nhặt                                               nghiêm ngặt
điệu cách, điệu dáng                                dáng điệu
xở ra                                                       trở ra, quay ra
ráo rẻ                                                      ráo, khô ráo
mấy                                                         với, thế, vậy
phân phô                                                  phân bua
động đạt                                                  động, động đậy, xao động
gắt                                                           tức tối, tức giận
trình trọt                                                    trình
bằng phẳng                                               bình thường, bình tĩnh
ngầy ngà                                                  rầy rà
thưa thớt (= nói, động từ)                          thưa thốt
rỉ rích                                                       rả rích
chu chu chắm chắm                                  chăm chăm chú chú
...                                                                                                                                                                    
     Do những điều trên đây, chúng tôi xin phiên âm theo nguyên bản Nôm mà không thêm bớt, sửa chữa. Lại mỗi dòng trong mỗi trang đều được đánh số, cho tiện đối chiếu với ảnh chụp từng trang. Nếu gõ lại nguyên bản Chữ Nôm ở dạng "text" thì dung lượng giảm đi rất đáng kể. Tuy nhiên với các "font" có Chữ Nôm hiện nay thì có những chữ có trong bản văn nhưng không font nào có cả. Vì thế không thể bảo đảm tính chính xác.
Hơn nữa, do trình độ có giới hạn, chúng tôi rất có thể phiên âm (= đọc) sai chữ nào đó của nguyên tác, nên giới thiệu bản văn dưới định dạng ảnh là việc làm hợp lý.

     Vậy xin giới thiệu tập truyện này với quý bạn đọc gần xa. Biết đâu sau khi đọc truyện (với văn phong bình dân, giản dị) bạn càng thêm lòng yêu mến Đức Mẹ. Hoặc cũng có thể đây là đóng góp nho nhỏ trong việc nghiên cứu thứ chữ viết xưa của cha ông.

     Rất mong nhận được sự chỉ dạy của các bậc cao minh xa gần cho những sai sót trong việc phiên âm và chú thích này.

Chân thành cảm tạ

BÙI NGỌC HIỂN




     Các số ghi trong bản phiên âm dưới đây nhằm dễ dàng so sánh đối chiếu với nguyên bản. Theo cách viết văn Hán – Nôm truyền thống, câu văn không hề có các dấu chấm câu, ngắt đoạn. Trong quyển truyện này, có một số dấu chấm, và khi ngắt đoạn (paragraphe) thì để cách ra một khoảng bằng với một chữ, mà không có sang dòng mới. Cách trình bày như thế làm hình thức của bản văn không được sáng sủa. Vì thế, trong khi phiên âm, chúng tôi xin thêm vào các dấu chấm câu, và sẽ xuống dòng mới khi cần ngắt đoạn.

     Số trong dấu { và } là số trang, số trong dấu [ và ] là số dòng tương ứng với nguyên bản, số trong dấu ( và) là số chú thích bên dưới. Như đã trình bày, những điều này làm cho mạch theo dõi của người đọc bị ảnh hưởng ít nhiều. Rất mong quý bạn đọc lượng thứ.










{1}
[1] LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ
[2] Là sự tích Rất Thánh Đức Bà hiện ra ở thành Lộ-đức cùng ít nhiều phép lạ Người làm

[3] ĐOẠN THỨ NHẤT
[4] Về thành Lộ-đức và dân thành ấy là thể nào

[5] Bên mạn tây nam nước Phú-lãng-sa (1) tiếp giáp nước Y-pha-nho (2) có một tỉnh nhỏ gọi là Lộ-đức. Giữa tỉnh [6] có cái núi đá, và trên núi ấy có xây một đồn đời xưa rất vững bền danh tiếng lắm, vì có nhiều lần [7] quân giặc cố phá đồn ấy thì cũng không phá được. Rày vốn có quân quan đóng ở đồn ấy mãi. Phố xá dân [8] sự thì ở chung quanh bốn bên chân núi. Dân Lộ-đức bé nhỏ chẳng có to lớn (3), kể cả nam phụ lão ấu (4) [9] không được sáu ngàn người. Các quan cùng ít nhiều người đàn anh về phần xác thì giàu có phong lưu đài các, song [10] phần linh hồn thì khô khan, nguội lạnh nhân đức tin lắm, như thiên hạ các nơi tỉnh thành thường có những người...

Chú thích :

(1), (2) Trong Việt ngữ, Phú-lãng-sa và "Y-pha-nho" là các cách phiên âm xưa của chữ "France", nước Pháp, chữ "Espagne", nước Tây-ban-nha theo cách phiên âm hiện nay.

(3) có lẽ "bé nhỏ" và "to lớn" ở đây là muốn nói về dân số, chứ không nói về tầm vóc.

(4) nam phụ lão ấu = trai gái già trẻ.





{2}
[1] thể ấy. Bằng dân sự thì hầu hết là những người lái buôn cùng người làm thợ thuyền lam lũ vất vả, song thật [2] thà chân chỉ (5) và có lòng đạo đức lắm. Trong dân ấy đã lâu, không biết từ đời nào, người ta lập ra nhiều [3] họ cho được giúp đỡ nhau phần hồn phần xác. Hầu hết mọi người vào những họ ấy cả. Những kẻ làm một nghề [4] như nhau thì vào một họ với nhau. Người làm thợ mộc thì vào họ bà thánh An-na. Kẻ làm thợ may thì [5] vào họ bà thánh Lu-xi-a. Những người làm thợ nề thợ đá thì vào họ Đức Bà núi Ca-mê-lô. Còn [6] những kẻ làm ruộng thì vào họ Đức Bà ban ơn. Lại có nhiều người khác vào họ ông thánh Xu-ong (6), họ ông [7] thánh Gia-cô-bê nữa. Cứ luật phép các họ ấy, thì mỗi tuần lễ một lần, hết mọi người trong họ góp ít [8] nhiều tiền làm của chung, mà khi có ai trong họ ốm đau không làm ăn được, hay là phải tai nạn cách nào, [9] thì họ lấy tiền ấy mà giúp đỡ kẻ ấy. Đàn anh coi sóc đàn em, cùng sửa trách nó khi nó có lỗi. [10] Mỗi năm một lần ngày lễ quan thầy họ, thì mọi người xem lễ cùng xưng tội chịu lễ và ăn uống với nhau.

Chú thích :

(5) chân chỉ : nguyên là "chân chỉ hạt bột", là một khái niệm cụ thể, mô tả "đường viền có hạt bột và chỉ thòng xuống" (VNTĐ ; tự điển của Gustave Hue [GH] : pendentifs en verroteries), được "giả tá" làm từ láy để mô tả "chân " là "ngay thẳng" cho khỏi cụt lời.

(6) Xu-ong : cũng có thể đọc là Khu-ong, là cách phiên âm chữ João theo tiếng Bồ-đào-nha (được phát âm gần như kiểu phiên âm của các Chữ Nôm 樞螉), tương đương với kiểu phiên âm hiện nay là Gio-an.

(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào: