Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

MỘT CHÚA BA NGÔI

MỘT CHÚA BA NGÔI

Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, xin giới thiệu toàn văn đoạn sau đây trong tác phẩm Sách truyện các Thánh toát yếu, một tác phẩm gồm 2 quyển, viết bằng Chữ Nôm, do Giám mục Ju-se Hiến truyền từ, in tại Nhà Chung Liễu Dinh, Hải Phòng, năm 1897, nghĩa là cách nay vừa 120 năm.

Đức Cha Giu-se Hiến nguyên có tên Tây-ban-nha là José Terrés, sinh ngày 22 tháng Ba, năm 1843 tại San Estebán de Granollers, Tây-ban-nha, sau đó tuyên khấn trong dòng Thuyết giáo (Thánh Đôminicô) ngày 21 tháng Tám, năm 1859, thụ phong linh mục ngày 26 tháng Năm, năm 1866. Đến năm 1873, ngài nhận nhiệm vụ thừa sai đến Giáo phận Đông Đàng Ngoài (Tonkino Orientale ; sau này là Hải Phòng và Bắc Ninh) cùng với cha Félix Fuentes Phê (theo El Viet-Nam, Tierra de Sangre của Angel Santos Hernández, sau khi Đức cha Colomer Lễ lên Địa phận Bắc, Đức cha José Terrés Hiến thay Đức cha Lễ coi sóc địa phận Đông, ngài chọn ba cha để phụ giúp công việc là cha Tomás Guirro, cha Lucas Miguel và cha Félix Fuentes).

Bỏ qua những khó khăn về hình thức như chữ dùng, văn phong... cổ xưa, đọc lên có vẻ lạ lẫm với người thời nay, thì nội dung của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị.

Riêng đoạn sách về ngày lễ Chúa Ba Ngôi có thể coi là một bài giảng quý giá về mầu nhiệm lớn nhất trong đạo. Đoạn sách này là truyện áp chót trong quyển 1.

Những chữ nghiêng trong hai dấu ngoặc đơn ( ) là những chữ không có trong nguyên văn, thêm vào để độc giả dễ tiếp cận hơn với lối viết cổ xưa.

STCTTY, q. 1

[t. 123b] Ngày lễ cả kính Đức Chúa Trời Ba Ngôi

Sự về Sang-ti-si-ma Tri-ni-da-de (1) là Ba Ngôi cực trọng, trí hết thiên thần cùng hết người ta suy chẳng ra. Có một Đức Chúa Trời sáng láng vô cùng thông biết sự về Ba Ngôi mà chớ ! Sự ấy đời xưa Đức Chúa Je-su chưa có ra đời thì các người ta chẳng biết, thí dụ như kẻ thấy mặt trời mà có mây che màng xem chẳng tỏ. Đến sau Đức Chúa Je-su truyền sự Ba Ngôi tỏ tường, song le bởi cao ý lắm thì còn nhiệm (2) vậy, chẳng tỏ cho thông hết lẽ, thí dụ như mặt trời giờ ngọ sáng quá sức con mắt, thì chói lói người ta, xem lâu chẳng được.

Xưa có một vua ở nước Si-si-li-a (3) tên là E-ron (4) muốn biết Đức Chúa Trời là đí gì, thì vua ấy hỏi một người có tiếng khôn khéo tên là Si-mo-ni-de (5). Người ấy xin vua đợi một tháng sẽ tâu. Khỏi một tháng ấy lại xin một tháng khác, cho nên vua giận, ngờ [t. 124a] là người ấy dối vua, chẳng tỏ sự ấy ra cho vua biết. Bấy giờ ông ấy tâu vua rằng : Sự vua dạy tôi suy thì sự ấy khó lắm, càng suy thì càng tối, tôi luận chẳng ra. Ấy là lời người ấy thì làm vậy.

Người ta giảng sự tính Đức Chúa Trời còn khó thay, huống lọ là giảng sự Ba Ngôi thì biết là khó thể nào ! Ấy vậy thánh thiên thần hiện đến cùng ông thánh Au-gu-tinh (6) mà rằng : Cả và nước biển đổ vào lỗ nhỏ kia cho cạn hết thì dễ hơn trí người ta thông hết lẽ về Ba Ngôi Đức Chúa Trời vậy. Dù để một hai lẽ về sự trọng ấy, bắt chước như trẻ mới học nói vậy.

Đạo thật truyền xưa nay có một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nước người gọi là pe-r-so-na (7). Hoặc có kẻ hỏi rằng pe-r-so-na là đí gì, thì phải biết pe-r-so-na chẳng phải chức hay là tên gì không đâu. Pe-r-so-na là sự trí khôn chẳng có luận cùng sự khác, chẳng có dùng kẻ khác mà có. Hễ là một người thì có một ngôi, ấy là pe-r-so-na. Cho nên hễ là người ta (thì) khác nhau vì có ngôi riêng. Vì chưng loài người ta có tính chung (là) có ngôi riêng mà chớ, cho nên một người chịu hai ngôi chẳng được. Vì loài người ta có cùng (8), thì chẳng chịu được sự trọng quá sức mình. Vậy có Tính trọng vô cùng (9), dù mà một Tính thì có Ba Ngôi ở một Tính ấy ; Ba Ngôi khác nhau song chẳng khác Tính.

Có kẻ hỏi rằng : nhân sao Đức Chúa Trời có Ba Ngôi làm vậy, thì phải biết Đức Chúa Trời là Sự Rất Lành vô cùng, có phép thông sự lành mọi đàng. Vậy Đức Chúa Trời thông biết, tài năng, cùng mọi sự trọng về Trọng ở mình, mà trong mình mọi việc trọng (thì) (10) có hai việc trọng hơn, một là biết, hai là yêu, thì Đức Chúa Trời lấy hai giống (11) ấy mà hằng thông biết Tính mình chẳng có [t. 124b] khi đừng. Cho nên Đức Chúa Cha biết mình thì liền có Ngôi Con, vì giống Đức Chúa Cha mọi đàng, khác một Ngôi mà chớ. Lại Ngôi Cha, Ngôi Con khác nhau, thì hằng có Ngôi (S)pi-ri-to Sang-to là một ý một phép cùng Ngôi Cha, Ngôi Con, khác một Ngôi mà chớ. Ba Ngôi trọng vô cùng là Đức Chúa Trời thật, song le chớ ngờ là Cha sinh ra Con như người thế gian làm chi, vì chưng sự thế gian là sự hèn ! Đức Chúa Cha sinh ra Con cách lạ lắm : Đức Chúa Cha bởi thấy cùng biết mình thì liền có Ngôi Con. Thí dụ như kẻ cầm gương mà muốn xem thấy mặt mình, thì hình tượng mặt mình lại có trong ấy. Vậy Đức Chúa Cha thông biết mình thì liền sinh ra Con là Ngôi Hai giống Đức Chúa Cha mọi sự, vì cũng một tính, một phép cùng Đức Chúa Cha. Ấy là con thật như dưới thế gian người ta sinh ra con vì sinh ra giống mình. Ấy là sự về Ngôi Con thì làm vậy.

Sau nữa bởi Ngôi Cha, Ngôi Con yêu nhau, là yêu vô cùng, liền có Ngôi khác là (S)pi-ri-to Sang-to, nghĩa là Thần Thánh, cũng là lời (12) chung cùng Ngôi Cha, Ngôi Con. Song le dưới thế gian chẳng có tiếng nào mượn được mà giảng cho ra lẽ trọng ấy, thì lấy Tên chung làm riêng, mà rằng : Ngôi Thứ Ba là (S)pi-ri-to Sang-to. Ấy vậy Ngôi Thứ Nhất là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con, Ngôi Thứ Ba là (S)pi-ri-to Sang-to. Khi rằng "Ngôi Thứ Nhất, Ngôi Thứ Hai", thì chớ ngờ là Ngôi Nhất trọng, Ngôi Hai hèn hay là kém phần nào chẳng bằng Ngôi Nhất làm chi. Vì chưng Ba Ngôi cũng một Tính trọng vô cùng, thì bằng nhau cả và Ba.

Sau nữa, chớ ngờ là Cha thì trước mà Con thì sau. Vì có Cha liền có Con liền có (S)pi-ri-to Sang-to cũng một trật, chẳng có Ngôi nào trước sau. Thí dụ như lửa. Có lửa liền có [t. 125a] sáng, liền có nóng. Ấy vậy có Ngôi Cha cùng có Ngôi Con cùng có Ngôi (S)pi-ri-to Sang-to nữa. Chớ ngờ là Cha già Con trẻ làm chi. Sự già – trẻ về kẻ có xác hay mòn hay nát, như kẻ ở thế gian một ngày một lớn, khi đến ngằn ấy thì lại trở xuống chẳng còn lớn nữa, càng ngày càng già hơn. Song le sự thiêng liêng bởi chẳng có xác, thì chẳng có khi già khi trẻ, như Đức Chúa Trời hay là thiên thần. Đến ngày tận thế người ta lên thiên đàng, dù mà có xác thì cũng chẳng có khi già. Vì chưng như xác ấy chẳng còn chết nữa.

Khi vẽ hình Đức Chúa Cha thì vẽ như ông già có nhiều tuổi, ấy là muốn cho người ta biết hằng có vậy. Khi vẽ hình Đức Chúa Con thì vẽ như hình Ngôi Cha cũng được, vì cũng hằng có như Ngôi Cha nữa ; song le bởi thuở xưa Ngôi Con xuống thế làm người thật, mà rày lên trời cũng hãy còn tính người ta, thì vẽ bằng tuổi Người lên trời là ba mươi ba. Khi vẽ Ngôi (S)pi-ri-to Sang-to thì vẽ như Ngôi Cha Ngôi Con cũng được ; song le bởi thuở xưa Ngôi Ba lấy hình chim bồ câu mà đỗ trên đầu Đức Chúa Je-su, thì vẽ như hình chim bồ câu ấy cho người ta được biết Ngôi (S)pi-ri-to Sang-to.

Sự Đức Chúa Trời Ba Ngôi nói ít vậy, vì chẳng lấy được lẽ gì mà nói cho hết sự trọng ấy, bây giờ lấy một hai lời thí dụ vậy cho được biết mà kính sự trọng mầu nhiệm Đức Chúa Trời người ta tin mà chưa tỏ. Trước hết phải biết hễ là người ta (thì) có ba sự trong linh hồn, một là nhớ sự đã qua, hai là trí khôn, ba là lòng muốn, cho nên gọi người ta là giống Đức Chúa Trời, dù là một Tính song le có Ba Ngôi. Như cây cối cũng có ba sự : một là cây, hai là cành, ba là ngọn, mà sự ấy cũng giống Đức Chúa Trời [t. 125b] một chút vậy.

Khi Đức Chúa Trời dựng nên người ta cũng có ý giống Đức Chúa Trời Ba Ngôi nữa. Vì chưng A-dong E-va cùng A-bi-le, dù mà cũng một loài người ta, thì khi sinh ra cũng khác nhau, vì chưng (A-dong) (13) chẳng có bởi người khác (14) mà sinh ra, E-va bởi một chút xương A-dong, A-bi-le bởi A-dong E-va mà ra, thì Ba Ngôi cực trọng dù mà cũng một tính, thì Ngôi Cha chẳng có sinh bởi ai, Ngôi Con có sinh bởi Ngôi Cha thông cho, Ngôi (S)pi-ri-to Sang-to bởi Ngôi Cha cùng Ngôi Con thông tính cho nữa.

Những thí dụ này thì kém, chẳng đủ sự Ba Ngôi (15) cũng một Tính, là sự quá trí người ta xa lắm. Vậy Đức Chúa Trời xưa nay làm phép lạ cho người ta tin sự mầu nhiệm ấy. Xưa có một thằng tên là A-ri-o (16) chẳng tin sự Ba Ngôi, vì nó rằng :  Ngôi Cha trọng, Ngôi Con hèn, chẳng bằng nhau. Nó bày đặt ra, lại dạy kẻ khác như làm vậy, cho nên nhiều kẻ theo nó, thì thánh I-g're-sa (17) rối : một phần kẻ tin sự thật, một phần kẻ tin sự dối. Vậy các bổn đạo lo buồn cầu xin cùng Đức Chúa Trời liên, cho khỏi sự dối làm vậy. Vậy có một lần thằng A-ri-o cậy thế kẻ bề trên yêu nó, thì nó toan cướp lấy nhà thờ cả (18) bổn đạo hợp ở thành Con-tan-ti-no-po-li. Chẳng hay khi nó dỗ nhiều người cầm khí giới súng ống mà xông vào nhà thờ, thì nó liền phải đau bụng mà đi ngoài, bỗng chốc liền chết tươi. Các bổn đạo khi trước dái sợ, đến khi thấy tin ấy, liền hát mừng ngợi khen một Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Có nhiều quan bắt bổn đạo vì tin Đức Chúa Trời Ba Ngôi trọng bằng nhau, có kẻ phải đòn nát hết thịt mình bỗng chốc lại lành như kẻ chẳng phải đòn sốt, có kẻ phải cắt lưỡi thì cũng nói được tỏ tường mà khen Ngôi Cha, Ngôi [t. 126a] (Con, Ngôi) (19) (S)pi-ri-to Sang-to, Ba Ngôi cũng một tính trọng vô cùng.

Ông thánh G're-go-ri-o vet-vo (20) thành Tu-ron (21) rằng : Xưa có một vet-vo theo kẻ chẳng tin sự Ba Ngôi, tên là The-do-ra (22), nó thấy bổn đạo làm những phép lạ bên mình làm chẳng được phép ấy, thì nó lấy năm nén bạc mà mượn một người giả như kẻ tối mắt thật, thì dạy thằng ấy nằm giữa đường thiên hạ qua, cùng bảo bao giờ thầy ấy (23) qua nơi thằng ấy nằm, thì kêu rằng : Tôi xin thầy cả làm phúc cho tôi sáng con mắt, thì thằng ấy vâng như làm vậy, liền phải đau mắt thật, khốn cực lắm, mở con mắt ra thì tối chẳng xem thấy đí gì, cực khốn lắm. Nó liền tỏ ra những chước thầy kia (24) làm, mà xin thầy cả tên là Eu-je-ni-o (25) cùng bổn đạo cầu cho mình, vì đã tin thật Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Đến khi thầy cả cầu cho thì mới sáng, mà thầy kia xấu hổ lắm.

Ông thánh An-tong (26) rằng : Xưa có một người kia làm rối đạo, chẳng tin mà lại nói quấy quá về sự Ba Ngôi ; bỗng chốc khi nó còn tắm, có ba cái sét bởi trời mà xuống đánh chết, xác nó ra tro hư nát đi. Lại có một thầy kia rửa tội cho một người, song le chẳng tin Ngôi Con bằng Ngôi Cha. Bấy giờ khi thầy ấy dọn rửa tội, bỗng chốc liền mất nước đi, chẳng còn thấy một hột nước nào. Nhà ấy thấy phép lạ làm vậy liền tin thật mà chịu phép rửa tội bên kẻ tin thật.

Bấy nhiêu phép cùng nhiều sự lạ lắm Đức Chúa Trời làm kẻo người ta hồ nghi sự mầu nhiệm trí người ta suy chẳng đến. Song le kẻ Đức Chúa Trời soi sáng cho thì chẳng còn tối, lại vững vàng chẳng khác gì như núi ở giữa rừng, chẳng kể sóng gió là vật gì. Lòng ta tin lời Đức Chúa Trời truyền cũng như làm vậy, chẳng còn động hay là hồ nghi sự gì [t. 126b] sốt. Chớ gì kẻ còn ở thế gian biết sự Ba Ngôi mầu nhiệm làm vậy thì ngày sau được xem thấy tỏ tường đời đời.

Dưới đây là hình Một Chúa Ba Ngôi ngay trên gian Cung thánh tại nhà thờ Diêm Thuỷ ( 鹽水天主堂 = Diêm Thuỷ Thiên Chua đường) thuộc Giáo phận Đài Nam, Đài Loan. Nhà thờ xây mới vào năm 1985, hoàn toàn theo phong cách Trung Hoa truyền thống, từ kiểu kiến trúc đến các cách trang trí từ ngoài vào trong.




Hình Chúa Ba Ngôi ở đây thể hiện ba Đấng giống nhau, phân biệt ở
đầu quyền trượng nơi tay phải và vật mang trên tay trái các Đấng :
Chúa Cha, ở giữa, dưới có hai chữ Nho : Thánh Phụ,
đầu quyền trượng : bàn tay, tay trái mang trái đất, đều có ý nghĩa là Đấng tạo thành.
Chúa Con bên hữu Chúa Cha, dưới có hai chữ : Thánh Tử,
đầu quyền trượng : hình Thánh giá, tay trái mang con chiên, 
có ý nghĩa là Đấng cứu chuộc.
Chúa Thánh Thần bên tả Chúa Cha, dưới có hai chữ : Thánh Thần,
đầu quyền trượng : hình lưỡi lửa, tay trái mang chim câu, 
hai hình ảnh tượng trưng cho Ngài trong Kinh Thánh.
Phía trên cùng hình các Đấng là 4 chữ Hip-ri

phiên âm là YHWH = Yahweh = Đức Chúa
Ngay dưới là 4 chữ Nho : Vạn hữu chân nguyên
= muôn (loài, sự, vật) đều có đầu gốc thật ;
cũng dịch được là : nguồn gốc thật của muôn điều có.
Bốn chữ này là chữ của vua Khang Hi tặng làm biển ngạch cho nhà thờ Nam Đường
(tên ban đầu là Tuyên Vũ môn lễ bái đường [= nhà dâng lễ ở cửa Tuyên Vũ]
trong thành Bắc Kinh, nay ở đường Tiên Môn Tây, khu Tây Thành, Bắc Kinh)
nhân dịp nhà thờ trùng tu năm Khang Hi 42 (1703).


Dưới đây là một hình khác về Chúa Ba Ngôi


Hình này là tác phẩm cúa hoạ sĩ Fridolin Leiber (1853–1912).
Cũng như hình trên, Ba Ngôi được vẽ giống nhau, vị trí cũng như hình trên.
Biểu trưng để phân biệt các Ngôi vẽ trên ngực mỗi Đấng :
Chúa Cha : hình con mắt (= tuệ nhãn),
Chúa Con : hình con chiên (chân tay còn dấu đinh đóng),
Chúa Thánh Thần : hình chim câu.



Hình dung Ba Ngôi theo truyền thống (như tác giả STCTTY đề cập trong bài viết trên)



Chú thích :

(1) Sang-ti-si-ma tri-ni-da-de : Chữ Nôm trong tác phẩm là : , phiên âm từ tiếng Bồ-đào-nha Sanctissima Trinidade : Ba Ngôi Cực Thánh (Thiên Chúa).
(2) Kiểu nói tắt xưa, nhiệm tức là mầu nhiệm.
(3) Si-si-li-a, CN : (I. : Sicilia) : tên đảo lớn nhất Địa Trung hải, thuộc Í, và ở cực nam của nước Í.
(4) (H)e-ron, CN : 𠲖 (L. : Hieron) : con trai của Deinomenes, anh em của Gelon, bạo chúa xứ Syracusa ở Sicilia từ 478 đến 467 TCN.
(5) Si-mo-ni-de, CN : (L. : Simonides) : cũng gọi là Simonides xứ Ceos, nhà thơ Hi-lạp, sinh khoảng năm 556 TCN, chết năm 468 TCN. Theo tác phẩm Hiero của Xenophon, thì cuộc nói chuyện về Thượng Đế giữa vua Hiero và nhà thơ Simonides xảy ra vào năm 474 TCN (sau khi Hiero lên ngôi khoảng 4 năm).
(6) Au-gu-tin(h), CN : (L. : Augustinus) : thánh Augustino ; sinh ngày 13 tháng Mười Một, năm 354, tại T(h)agaste (nay là Algeria) ở châu Phi, cha là ông Patricius, mẹ là thánh Monica ; qua đời ngày 28 tháng Tám, năm 430 ; thánh Giám mục, tiến sĩ Hội thánh.
(7) pe-r-so-na, CN : r (có cả mẫu tự r trong nguyên văn ; L., Es. : persona) : ngôi vị. Ở đây nói về Ba Ngôi Thiên Chúa.
(8) ... người ta có cùng = đời người ở trần gian có hạn.
(9) Tính trọng vô cùng... : nói theo bây giờ là : Bản tính trọng vô cùng.
(10) ... mà trong mình mọi việc trọng (thì) có hai việc trọng hơn : câu đặt theo cú pháp bây giờ : mà mọi việc trọng trong mình thì có hai việc trọng hơn.
(11) giống : là một chữ dùng rất quen trong tác phẩm. Nói theo bây giờ thì câu trên có thể là : lấy hai sự (điều...) ấy ...
(12) lời ở đây cũng như tiếng, từ ngữ... theo cách nói bây giờ. Kiều : Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
(13) Theo mạch văn hẳn là in thiếu chữ A-dong. Ở đây thêm vào.
(14) ... chẳng có bởi người khác mà sinh ra, vì A-dong do Đức Chúa tạo thành, không phải do bất cứ người nào cả.
(15) Trong nguyên văn in ngược Ba Ngôi thành Ngôi Ba, sai nghĩa hoàn toàn. Ở đây chữa lại.
(16) A-ri-o, CN : (tiếng Tây-ban-nha là Ario, L. : Arius) : (250 hoặc 256 – 336), vốn là một linh mục rất thông thái ở Alexandria, giảng thuyết hấp dẫn. Ông là người đề xướng lạc thuyết cho rằng Chúa Ki-tô không phải là Thiên Chúa, không ngang hàng cũng không đồng bản tính với Ngôi Cha, mà chỉ là một thụ tạo hoàn hảo nhất, có trước thời gian, nhưng không phải vô thuỷ vô chung, được Ngôi Cha chọn làm Con, được tham dự vào thiên tính để làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ông đã bị Giáo hội Alexandria kết án, nhưng lạc giáo của ông phát triển mạnh, và hoàng đế Rôma đương thời cùng nhiều vua kế tiếp thiếu căn bản giáo lí, lúc thẳng nhặt, lúc ve vãn, nên dù năm 325, Đại Công đồng đầu tiên của Giáo hội là Công đồng Nicea đã luận phi lạc thuyết này, nhưng phe lạc giáo vẫn còn mạnh thế. Thánh Athanasio, giám mục Alexandria, vì bênh vực giáo lí của Công đồng mà bị phát lưu 5 lần, sống cảnh lưu đày 17 năm. Phải tới năm 381, Đại Công đồng lần thứ hai tại Constantinopoli một lần nữa khẳng định Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị nhưng đồng nhất bản thể, cuộc khủng hoảng lạc giáo mới kết thúc. Kinh Tin Kính đọc ngày Chúa Nhật và các lễ trọng chính là bản tuyên xưng Nicea – Constantinopoli.
(17) Thánh I-g’-re-sa, CN : , phiên âm theo tiếng Bồ-đào-nha : Igreja : Giáo hội ; Thánh I-g’-re-sa : Hội Thánh.
(18) Nhà thờ cả = đại giáo đường, đại thánh đường, nhà thờ lớn.
(19) Hai chữ này thiếu, có thể vì "Ngôi" được lặp nhiều lần, rồi ngay đó lại sang hẳng trang khác, tờ khác, nên người khắc ván bỏ sót mất. Ở đây thêm vào.
(20) G're-go-ri-o, CN : 𠫾 (tiếng Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Í : Gregorio ; L. Gregorius [Turonensis]) : thánh Gre-go-ri-o thành Tours, sinh khảng năm 538 hoặc 539 tại Arveni (nay là Clermont-Ferrand, Pháp), qua đời ngày 17 tháng Mười Một, năm 593 hoặc 594 tại Giáo phận Tours, nguyên có tên là Georgius Florentius. Cha mất sớm, ngài sống với người cậu là Gallus, giám mục thành Clermont, được dạy dỗ theo lối sống nhiệm nhặt của các giáo sĩ thời đó. Năm 554, Giám mục Gallus qua đời, ngài chịu sự chăm sóc dạy dỗ của linh mục Avitus, sau này làm giám mục thành Clermont (517-594). Năm 573, giám mục thành Tours lúc đó là Euphronius qua đời, vua Sigebert I cử ngài kế vị thể theo nguyện ước của dân chúng thành Tours. Ngài đi Roma thụ phong giám mục, rồi về coi sóc giáo phận cho đến khi qua đời tại đây. Ngài có học vấn uyên bác, trứ tác rất nhiều, là một sử gia đồng thời là một nhà thần học trứ danh. Những lý luận sắc bén của ngài trong các tác phẩm hộ giáo, thí dụ tác phẩm Historia Francorum [= Lịch sử dân tộc Frank (hoặc dân Pháp)], theo hướng dẫn của Công đồng Nicea, đã đánh đổ thuyết của những kẻ lạc giáo, khẳng định chắc chắn giáo lý về Một Chúa Ba Ngôi. Vet-vo, CN : , phiên âm theo I. : vescovo ; quen đọc là vit-vô = giám mục.
(21) Tu-ron, CN : (L. : Turones ; F. : Tours) : thành phố ở trung tây nước Pháp hiện nay, cách Paris khoảng 100 km về nam tây nam, có lịch sử lâu đời (từ TCN). Tên Turones được đặt cho thành phố này vào thế kỉ thứ IV. Đây là sinh quán của thánh Martinus, giám mục, tử đạo. Thánh Gregorius (538 – 593) tuy không sinh tại đây, nhưng làm giám mục tại đây từ năm 573 đến khi qua đời.
(22) The-do-ra, CN : 𦉼 (L. : Theodora) : giám mục Giáo phận Mopsuestia ở Kilikia, sinh khoảng năm 350 tại Antiokia, chết năm 428. Ông thụ phong linh mục khoảng giữa các năm 383 và 386. Sau đó ông viết sách và giảng thuyết chống các lạc thuyết của Origen, Arius, Eunomia, Apollinarius, Julianus bội giáo... Đến năm 392, ông được tấn phong Giám mục, hai năm sau tham dự công đồng Constantinople và giảng trước đại đế Theodosius. Về sau, ông bị cuốn theo lạc thuyết của Julianus Eclanum và những người theo lạc thuyết Perlagius. Các lạc thuyết của ông đã bị kết án tại một công đồng ở Kilikia.
(23) ... thầy ấy ... trong câu này tức là thầy cả Eu-je-ni-o, xem chú thích số 25 bên dưới.
(24) ... thầy kia ... tức là giám mục The-do-ra có chú thích số 22 trên.
(25) Eu-je-ni-o, CN : (tiếng Tây-ban-nha : Eugenio) : có lẽ là thánh Eugenius làm giám mục thành Carthage n. 480, kế vị thánh Deogratias (mất n. 456). Thánh Eugenius qua đời ngày 13 tháng Bảy, n. 505. Ngài mạnh mẽ chống lại lạc thuyết của Arius, dù khi đó phái của ông này đang có thế lực lớn, khiến các tín hữu Công giáo bị bách hại, có bốn mươi sáu giám mục bị lưu đày đến Corsica, ba trăm lẻ hai vị bị đày đến các sa mạc ở Phi châu, trong đó có thánh Eugenius bị một kẻ côn đồ tên là Antonius cư ngụ ở sa mạc Tripoli canh giữ. Ngài viết thư khích lệ tinh thần và an ủi các tín hữu giữ vững đức tin. Một phần tác phẩm của ngài được thánh Gregorius thành Tours (xem chú thích số 20 trên) trích dẫn. Truyền thống cũng thuật lại ngài từng làm phép lạ chữa cho một người mù được sáng.
(26) An-tong, CN : , một trong các tên riêng Công giáo được phiên âm sang tiếng Việt từ rất sớm theo tiếng Bồ-đào-nha : Antão ; L. : Antonius. Thánh Anton ẩn tu, cũng gọi là thánh Anton Cả, sinh vào khoảng giữa thế kỉ thứ III tại Coma, gần Heracleopolis Magna ở Hạ Ai-cập thời cổ. Truyện tích nói rằng ngài thọ được 105 tuổi. Thánh Jeronimus xác định rằng ngài mất khoảng năm 356 hoặc 357. Năm 350, ngài còn giảng chống lại lạc thuyết của Arius.



Bùi Ngọc Hiển






Không có nhận xét nào: