Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

ĐÍNH CHÍNH BÀI NÓI CHUYỆN CỦA GS LÊ ĐÌNH THÔNG

 

ĐÍNH CHÍNH BÀI NÓI CHUYỆN

CỦA GS LÊ ĐÌNH THÔNG

VỀ THÁNH PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH

(30-3-2008 ─ Thư viện Gx Việt Nam Paris)


BÙI NGỌC HIỂN

Nhân đọc bài viết nhan đề : “Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853) Nhà Thơ và Ngữ Học tiền phong” của giáo sư Lê Đình Thông (Bài nói chuyện trong khuôn khổ Ngày Văn Hóa và Sinh Nhật thứ XVIII Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris tổ chức ngày 30-3-2008), đăng trên trang mạng truyền thông của Giáo Xứ Việt Nam Paris tại http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/211-thanh-philipphe-phan-van-minh-1815-1853-nha-th0-va-ngu-hoc-tien-phong.html, xin có vài ý kiến vụn vặt.

1. Trong phần mở đầu, giáo sư Lê trình bày (sic ; dưới đây, chỗ nào trích nguyên văn “Bài nói chuyện...” của giáo sư Lê, hoặc từ các tác giả khác, lề phải cũng được lùi vào như đoạn sau) :

...

Trong Dictionarium anamitico-latinum (Tự điển Việt-La tinh) xuất bản năm 1838 do Ngài biên soạn cùng với Đức Cha Taberd, thánh nhân đã dẫn chứng bài ngũ ngôn Tứ Thời ( ) của Thôi Hiệu để giải nghĩa ‘‘cách thức đặt thơ năm chữ’’. Bài ngũ ngôn như sau :

Xuân du phương thảo địa,

地,

Hạ thưởng lục hà trì.

池,

Thu ẩm hoàng hoa tửu,

酒,

Đông ngâm bạch tuyết thi.

.

Không biết trong nguyên bản của giáo sư Lê viết sai hay bản chép lại viết sai ở câu thứ ba : “hoàng hoa tửu” mặt chữ Nho là , không phải là (hoàng cúc tửu), tuy hoàng hoa (= hoa vàng) vào mùa thu trong bài thơ này đúng là hoa cúc, và “rượu hoa vàng” chính là rượu chưng với nước nấu hoa cúc (cùng với sinh địa hoàng, đương quy).[1]

2. Hai lần trong bài nói chuyện, giáo sư Lê khẳng định bài thơ “Xuân du phương thảo địa...” là của Thôi Hiệu ( 崔顥 , cũng đọc Thôi Hạo). Nhưng bài này không phải của Thôi Hiệu, mà là của Uông Chu ( 汪洙 , cũng đọc là Uông Thù), người được xưng tụng là “thần đồng”, trong tập Thần đồng thi 神童詩 .[2]

Tập thơ này gồm 48 bài ngũ ngôn tứ tuyệt, mà bốn câu dẫn ra ở trên là bài cuối cùng, thường được gọi là bài 四季 Tứ quý (= Bốn mùa ; cũng có thể gọi là 四時 Từ thì). Đề tài “bốn mùa” trong Thần đồng thi có hai bài, bài được dẫn ra trong Dictionarium anamitico-latinum là bài四季 Tứ quý thứ hai. [3]

3. Giáo sư Lê tiếp :

...

Thánh Minh trích dẫn ngũ ngôn. Bằng không, hẳn là thi nhân đã chọn bài Tứ Thời của Nguyễn Bỉnh Khiêm :

 

Một mai, một cuốc, một cần câu,

...

Bài thơ “Một mai một cuốc...” này vốn không có tên, trong bản Nôm Bạch Vân thi tập, kí hiệu AB 30b của viện Viễn Đông Bác Cổ, được gọi là bài thứ 79. Như thế có lẽ ban đầu Nguyễn Bỉnh Khiêm không đặt tên cho bài thơ của mình, nên sau này các tác gia Việt Nam khi thu thập các tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm để phổ biến, đã dựa vào nội dung bài thơ mà đặt tên là Cảnh nhàn, Thơ nhàn... Tất nhiên vẫn có thể đặt một cái tên khác, nhưng nếu muốn cái tên ấy diễn tả được rằng bài thơ muốn nói đến điều gì, thì phải dựa vào nội dung của cả bài thơ. Chỉ dựa vào mỗi hai câu luận của bài bát cú có bốn chữ thu, đông, xuân, hạ, mà đặt cho bài thơ là “Tứ Thời”, thì thật là không ổn ! Đó chẳng qua đặt gượng để – như lời giáo sư Lê – : “bằng không, hẳn là thi nhân đã chọn bài ... của Nguyễn Bỉnh Khiêm”. Cái “bằng không” đó là hoàn toàn võ đoán, hoàn toàn = 0 !

Có thể xem :

Bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm được Nguyễn Văn Ngọc đặt tên là Cảnh nhàn trong Nam thi hợp tuyển, Hà-nội, 1934, t. 285

và Dương Quảng Hàm đặt là Thơ nhàn trong Quốc văn trích diễm, Hanoi, 1925


Theo bản chép tay Bạch Vân thi tập (chữ Nôm) của Maurice M. Durand, chép lại từ bản kí hiệu AB 30b của viện Viễn Đông Bác Cổ, thì bài thơ được đặt theo số thứ tự là bài Thất thập cửu (bài 79)

4. Đoạn nói về “Thánh Phan Văn Minh, nhà điển ngữ”, “Giai đoạn phát triển”, giáo sư Lê cho rằng :

...

Bài Vãn làm theo thể lục bát phối hợp yêu vận của ta và cước vận của Tàu ... chứng tỏ tác giả hằng tha thiết đến văn học nuớc nhà.

Đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Xưa nay chưa hề có ai bảo rằng cách gieo vần trong thơ lục bát của thơ Ta lại là một sự phối hợp yêu vận của ta và cước vận của Tàu. Thơ Ta là thơ Ta, thơ Tàu là thơ Tàu. Phán đoán đúng duy nhất phải là :

Cách gieo vần trong thơ lục bát (và song thất lục bát, hát nói...) vừa có cước vận vừa có yêu vận. Cước vận (và yêu vận) trong (các) thể thơ này là của riêng thơ Ta, chẳng hề phải mượn của ai, cũng chẳng cần phải phối hợp với cái gì cả.

Nhận định như giáo sư Lê, có lẽ cũng có thể nói được thơ Tây phương đều là phối hợp cước vận của Tây với cước vận của Tàu ! [4]

5. Đoạn nói về “Thi pháp Phi-năng thi tập”, giáo sư Lê dẫn lại bài “vãn Đội ơn Thiên Chúa ba Ngôi...” – mà giáo sư tự đặt tên là “Vãn Thiên Chúa Ba Ngôi” – một lần nữa, với ít nhận xét :

... Nhà thơ lấy chất liệu trong Phúc âm dệt thành thơ lục bát, gần gũi với ca dao.

...

Trong các kinh đọc vào các Chúa Nhật và các ngày lễ trọng tại Việt Nam, có kinh Nghĩa Đức Tin. Đây có thể xem là bản tóm tắt Giáo lí của Hội thánh Công giáo. Phần đầu của kinh cũng đề cập đến những điều tương tự bài “vãn” được dẫn ra trong Dictionarium anamitico-latinum :

... chúng tôi hiệp nhau kính lạy thờ phụng Chúa, khong khen cám tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng tôi ... chúng tôi cả lòng tin vững vàng mọi điều đạo thánh Chúa dạy, nhất là những điều cần kíp này, là có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, mà Người có ba Ngôi...

Khi các giáo sĩ Tây phương đến truyền giáo tại Trung Hoa, các ngài đã ra sức học ngôn ngữ, phong tục, văn hóa... của người Tàu, rồi soạn các sách về giáo lí, về phụng vụ... bằng chữ Nho, để phổ biến trong dân chúng. Một trong các tác phẩm đó là sách giáo lí có tên là 天主聖教四字經文 Thiên Chúa thánh giáo tứ tự kinh văn, không gieo vần, do giáo sĩ dòng Tên người Italia là Giulio Aleni soạn, in năm 1642. [5]

Những câu đầu tiên của bản Tứ tự kinh văn này như sau :

全能天主 萬有真原

toàn năng thiên chúa, vạn hữu chân nguyên,

Chúa Trời toàn năng, nguồn thật của mọi sự có

無始無終 常生常王

vô thỉ vô chung, thường sinh thường vượng.

không có bắt đầu, không có chót hết, hằng sống hằng trị

無所不在 無所不知

vô sở bất tại, vô sở bất tri,

không chỗ nào không có, không điều gì không biết

無所不能 萬物之始

vô sở bất năng, vạn vật chi thỉ.

không sự gì không làm được, là cội rễ của muôn vật

無形無聲 靈性妙用

vô hình vô thanh, linh tính diệu dụng,

không hình không tiếng, thiêng liêng diệu dụng

萬萬榮福 萬萬美善

vạn vạn vinh phúc, vạn vạn mĩ thiện.

muôn muôn vinh phúc, muôn muôn tốt đẹp

惟一至尊 無以加尚

duy nhất chí tôn, vô dĩ gia thượng,

Đấng chí tôn duy nhất, trổi vượt hơn tất cả

...

Ý tứ và chữ nghĩa của những câu này khá trùng hợp với bài vãn dẫn ra trong Dictionarium anamitico-latinum của Taberd :

Đội ơn Chúa cả ba Ngôi,

Dựng nên muôn vật cho tôi hưởng dùng.

Chúa là vô thỉ vô chung,

Thường sinh thường vượng, không cùng không sai.

Chúa là toàn đức toàn tài,

Suốt trong trời đất không ai ví tầy.

Có lẽ bài này là một bài diễn lại – hay cũng có thể xem như một bài phóng tác – bài Tứ tự kinh văn của giáo sĩ Aleni bằng văn vần lục bát của thơ Ta để giáo dân Việt Nam dễ thuộc, mà sáu câu lục bát này chỉ là phần mở đầu. Nhưng không có gì làm chắc, vì bài vãn này (và những phần còn lại, nếu có) hiện không thể tìm thấy ở đâu khác.

Sau này, một người Việt khác, linh mục Petrus Lượng, đã soạn Thánh giáo yếu lý diễn ca, từ đầu đến cuối cũng theo thể văn vần lục bát, in tại nhà in Mission, Saigon, 1925.

Ít câu đầu tiên của Thánh giáo yếu lý diễn ca :

Tôi tin kính Đức Chúa Trời,

Thiêng liêng sáng láng đời đời hiển vinh.

Chúa là trọn tốt trọn lành,

Vô cùng phép tắc hóa sinh đất trời.

Bởi không Chúa phán một lời,

Trời đất muôn vật tức thời có ra.

Ý Chúa sinh dựng nên là :

Trước danh Chúa sáng, sau ta đặng dùng.

Chúa là vô thỉ vô chung,

Một mình tự hữu ở cùng mọi nơi.

...

Có thể thấy được sự tương đồng của những câu này với bài vãn trong Dictionarium anamitico-latinum của Taberd và với những câu đầu tiên trong Tứ tự kinh văn dẫn trên.

6. Giáo sư Lê nhận định tiếp về bài vãn :

...

Sáu câu lục bát trên đây lời lẽ bình dị, tuy có điểm xuyết một vài chữ Hán, nhưng là chữ Hán đã du nhập trong ngôn ngữ nước ta như : vật ( ), hưởng ( ) ; hoặc là các thành ngữ đối nhau : vô thủy vô chung ( ) ≠ thường sinh thường vượng ( ).

...

Khi chua mặt chữ Nho cho “các thành ngữ đối nhau ... thường sinh thường vượng”, giáo sư Lê đã viết sai chữ Nho vượng , trong khi chữ đúng phải là .

Khang Hi tự điển dẫn sách Hồng Vũ chính vận tóm tắt về chữ này :

凡有天下者 , 人稱之曰王 , 則平聲 ; 據其身臨天下而言曰王 , 則去聲 phàm hữu thiên hạ giả, nhân xưng chi viết vương, tắc bình thanh ; cứ kì thân lâm thiên hạ nhi ngôn viết vượng, tắc khứ thanh = hễ có được thiên hạ thì gọi là vương, thanh bằng ; tự mình cai trị thiên hạ thì gọi là vượng, thanh trắc.

Tự điển Taberd, tiếc thay, lại không có vượng ; nhưng nhiều tự thư khác cắt nghĩa chữ Nho bằng chữ Quốc Ngữ vẫn có. Thí dụ :

Chữ vượng trong Tự điển Việt – Pháp, Génibrel, 1898 :


Chữ vượng trong Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, 1895 : 

Chữ  vượng trong Hán Việt tự vựng toản yếu – Trần Học Tăng, 1933 :


Chữ vượng trong Hán Việt tự điển – Thiều Chửu, 1942 :


Chữ  vượng trong Hán Việt tự điển – Đào Duy Anh, bản Minh Tân, 1942 :

Có thể xem phần dịch sang tiếng Latin được in song song với câu thơ của bài vãn“thường sinh thường vượng” :

Omnĭpŏtēns sĭnĕ prīncĭpĭō sĭnĕ finĕ mănēbīt

Đấng toàn năng, không bắt đầu, cứ mãi thế không hết

Mōrte cărēns, scēptrō frēnat cūncta sŭō,

Không chết, nắm giữ vương trượng, hết thảy là của Chúa

Rất rõ ràng, vượng chính là scēptrō frēnāre = nắm giữ vương trượng, vương việt, tức là “làm vua” (động từ), không phải là fœtus (= nẩy nở ; hình dung từ) như tđ Taberd đã dịch một chữ Nho khác cũng đọc là vượng : chữ vượng, mà giáo sư Lê đã lầm lẫn.

Cả “vô thỉ vô chung”“thường sinh thường vượng” đều có trong Tứ tự kinh văn như dẫn trên. “Thường sinh thường vượng” là dạng chữ Nho dùng để dịch “vivere et regnare in sæcula sæculorum” trong tiếng Latin, xuất hiện trong các kinh nguyện tiếng Hoa từ lâu. Cũng có khi thay bằng “ 恆生恆王 hằng sinh hằng vượng”, hay “ 永生永王 vĩnh sinh vĩnh vượng”, mà trong kinh nguyện tiếng Việt được dịch rất hay, gọn, sát nghĩa, là “hằng sống hằng trị [đời đời chẳng cùng]. [6]

7. Đến phần kết luận, giáo sư Lê thuật :

...

Trời đang nắng chói chang bỗng dịu mát [đây là tưởng tượng của giáo sư Lê cho thêm phần... thi vị], quan giám sát [sic] hô to : Tà đao [sic ; ?] cứ việc. Đầu thánh Minh rơi xuống. Bổn đạo rước xác ngài về nhà thờ Cái Nhum an táng ngày 6-7-1853, thánh giá trên phần mộ khắc ghi :

Linh Mục Phi Lý Bá Minh Tử Vì Đạo

Linh Mục Tử Vì Đạo : ý nghĩa đã sáng tỏ. Nhưng tại sao lại là Phi Lý ?

Phi Lý là dịch âm : Philipphê. Nhưng Phi Lý không phải là phi lý theo ý nghĩa thông thường :

Phi (bộ Nhất ) có nghĩa là lớn lao

(bộ Ngọc ) có nghĩa là cái đạo tự nhiên (Thiều Chửu)

Như vậy, từ ý nghĩa “không hợp lẽ phải” (phi lý), Phi Lý trở thành đạo trời tự nhiên, cao cả.

...

Theo giải thích này của giáo sư Lê, thì chữ để làm gì, có ý nghĩa gì, hay là chữ dư thừa ?

Xin trả lời : chữ đó không hề thừa, và cả ba chữ Phi-lí-bá mới là Phi-lip-phê. Phi-lí-bá là cách đọc theo âm Nho (còn gọi là âm Hán – Việt) của 斐理伯 trong các sách Công giáo tiếng Hoa, xuất hiện ngay từ khi các thừa sai Âu châu đến truyền giáo bên đông. Thí dụ quyển 天主聖教日課 Thiên Chúa thánh giáo nhật khóa in lại năm 1715, Khang Hi 54, Ất Vị, nhà in Toàn Năng Đường, Quảng Châu, như các hình dưới đây :

Trong quyển kinh này, nơi kinh cầu các Thánh, có thể thấy tên các Thánh ở trang 84b :

khải : Thánh Đa-mặc

ứng :  Vị ngã đẳng kì (= cầu cho chúng tôi)

          Thánh Nha-các-bá

            v.v...

Vì đây là sách kinh của người Hoa, nên tên các Thánh đó đương nhiên sẽ không đọc theo âm Nho, mà phải theo âm Quan thoại (hay Quảng Đông / Phúc Kiến...), thí dụ :

多默             đa-mặc → duō-mò / Thomas (dạng Latin)

雅各伯         nha-các-bá → yā-gè-bó / Jacobus

斐理伯         phi-lí-bá → fēi-lǐ-bó / Philippus

巴爾多祿茂 ba-nhĩ-đa-lộc-mậu → bā-ěr-duō-lù-mào / Bartholomæus

瑪竇             mã-đậu → mǎ-dòu / Matthæus

西滿             tây-muộn → xī-mèn / Simon

達陡             đạt-đẩu → tà-dǒu / Thadæus

瑪弟亞         mã-đệ-a → mǎ-tì-yā / Matthia

So sánh với kinh cầu các Thánh chữ Nôm trong Thánh Giáo kinh nguyện tại Việt Nam, in lại theo bản in năm 1845 do giám mục Phê-rô Liêu [7] san thuật truyền từ, quyển thứ hai, t. 16b :


( 翁圣 ông thánh)

須眉                     To-me

加姑陂                 Gia-cô-bê

丕离批                 Phi-li-phê

𫟌𦉼             Ba-tô-la-mêu

沫絩                     Mát-thêu

槎蒙                     Si-mong

些姚                     Ta-đêu

沫施亜                 Mát-thi-a

...

Vốn tâm lí người Việt là “nhất Tầu nhì Ta”, chữ Nho vẫn “văn hoa nho nhã” hơn chữ Nôm vốn bị xem là thứ “Nôm na mách qué”, nên “phi-lí-bá” nghe vẫn “hay” hơn “phi-li-phê”, mặc dù “phi-li-phê” đâu có phải tiếng Nôm na gì, đó là phiên âm theo tiếng Bồ-đào-nha hoặc Tây-ban-nha là Felipe. Tâm lí này tồn tại xuyên qua nhiều thời đại, trong đó có thời của thánh Phil. PVMinh, cho mãi đến tận bây giờ. [8]

Tuy nhiên, dù tên các Thánh được phiên theo âm Tầu hay âm Ta gì đi nữa, mà dùng chữ viết là chữ Nho hay chữ Nôm, thì chữ dùng có thể là chữ (Nho / Nôm) bất kì nào cũng được, miễn đọc ra âm giống hay gần giống âm gốc, còn cứ việc bỏ qua nghĩa chữ, nếu nghĩa đó “trang nhã” thì càng tốt, mà không thì cũng chả sao. Do đó “phi-lí-bá” sách kinh Tầu viết là 斐理伯 , nhưng người Việt lại viết thành 丕理播 , còn nghĩa của phi hay hay là gì cũng chả đáng kể. Cắt nghĩa chữ như giáo sư Lê là một việc làm mang đầy cảm tính chủ quan.

Thế tại sao phải “phi-lí-bá” mới là philippus / felipe, mà không phải là riêng “phi-lí” thôi ?

Xin thưa : trong sách kinh tiếng Hoa, còn có mấy ông thánh bà thánh nữa mà tên các vị cũng có “phi-lí” đằng đầu, nên cần phải viết và đọc cho đủ kẻo lẫn lộn.

Các giáo sĩ dòng Tên đã dịch các sách Phụng vụ sang chữ Nho (cho người Hoa Công giáo sử dụng), như Mi-sa kinh điển 彌撒經典 , 1670 (bản dịch sách lễ Rô-ma, Missale Romanum), Nhật khóa khái yếu 日課概要 , 1674 (Breviarium Romanum) như các hình dưới đây. [9] Ở đây dẫn vài tên các Thánh trong Mi-sa kinh điển.

Sách lễ Rô-ma (Missale Romanum) chữ Nho, 彌撒經典 Mi-sa kinh điển, Bắc kinh, 1670

Trong Mi-sa kinh điển, có ghi tên ít là :

2 ông thánh Phi-lí-bá 斐理伯 fēi-lǐ-bó Philippus (lễ : 1/5, 26/5) ;

5 ông thánh Phi-lí-tư 斐理斯 fēi-lǐ- sī Felix (14/1, 30/5, 12/7, 29/7, 30/8) ;

bà thánh Phi-lí-tư-đại 斐理 fēi-lǐ-sī-tài Felicitas (lễ : 7/3) ;

bà thánh Phi-lí-tế-đại  斐理細 fēi-lǐ-xì-tài Felicitas (lễ : 23/11) ;

ông thánh Phi-lí-tế-a-nặc  斐理際亞諾 fēi-lǐ-jì-yā-nuò Felicianus (lễ : 9/6).

Ấy là còn chưa kể

ông thánh Phất-lí-tế-tế-mộ 弗理細細莫 fú-lǐ-xì-xì-mò Felicissimus (lễ 6/8) !

Sách Nhật khóa Rô-ma (Breviarium Romanum) được dịch ra chữ Nho : 日課概要 Nhật khóa khái yếu, Bắc kinh, 1674

Nếu cứ đem cắt nghĩa các tên Thánh chữ Nho (vốn là để cho người Hoa đọc) theo kiểu của giáo sư Lê, thì :

Thánh Giu-se (réo rắt ?) như đàn sắt : 若瑟 nhược-sắt ruò-sè

Thánh Gio-an (sáng ?) như đêm rằm : 若望 nhược-vọng ruò-wàng !

 

ÍT CHUYỆN BÊN LỀ

 Một phần trong số những câu chuyện bên lề kể ra dưới đây tuy là chú thích cho bài viết trên, nhưng cũng kể được là những câu chuyện riêng rẽ.

[1]. Truyền thống Tầu thường uống “hoàng hoa tửu” vào ngày trùng cửu (ngày 9-9 âm lịch) để được khỏe mạnh sống lâu. Thơ Vương Thập Bằng đời Tống, bài 九日寄昌齡弟 Cửu nhật kí Xương Linh đệ (Ngày trùng cửu gửi em [là] Vương Xương Linh) :

此日黃花酒 , 深期酌弟兄

Thử nhật hoàng hoa tửu / Thâm kì chước đệ huynh

Nghĩa :

Rượu hoa vàng ngày ấy / Rất mong được chén chú chén anh.

 

[2]. Uông Chu, tự 德温 Đức Ôn (không rõ sinh, mất khi nào ; ? – ?), người huyện Ngân (thuộc tỉnh Chiết Giang bên Tàu), đậu tiến sĩ năm Nguyên Phù thứ ba (1100) đời Tống Hi tông, làm quan đến Quan Văn điện đại học sĩ.

Từ nhỏ, họ Uông đã nổi tiếng thần đồng. Chuyện kể : họ Uông nhà nghèo, cha là Uông Nguyên Cát chỉ là một viên tiểu lại quèn làm việc tại huyện đường. Gia cảnh thường túng thiếu, Uông Chu phải đi chăn vịt. Dù vậy, Uông Chu rất ham học, nên cứ lúc nào rảnh rỗi là lúc ấy lại đọc sách, tập viết chữ... Một hôm, đang chăn vịt thì trời mưa to, Uông lùa vịt vào miếu Khổng tử gần đấy trú tạm. Miếu này lâu ngày chẳng ai đến thăm nom, mái sụt, vách mục, nền đầy cứt chim, bốn bề mạng nhện, tượng thánh sứt mẻ. Uông nghĩ : “Cha mình thường bảo, văn quan vũ tướng triều đình đều là học trò đức thánh Khổng. Huyện này cũng có các quan hưởng lương thụ lộc, thế mà chẳng thấy ai ngó ngàng gì đến miếu thờ ngài.” Bèn nhặt một hòn than, viết lên vách miếu :

顏回夜夜觀星像 , 夫子朝朝雨打頭 .

多少公卿從此出 , 何人肯把俸錢修 .

Nhan Hồi dạ dạ quan tinh tướng,

Phu tử triêu triêu vũ đả đầu.

Đa thiểu công khanh tùng thử xuất,

Hà nhân khẳng bả bổng tiền tu !

Nghĩa :

Nhan Hồi đêm đêm dòm tướng sao,

Đức thầy sớm sớm mưa vỡ đầu.

Công khanh nhiều ít đây ra cả,

Bỏ tiền sang sửa có ai đâu.

Đề thêm lạc khoản bên cạnh :

九齡童汪洙 Cửu linh đồng Uông Chu = Bé con Uông Chu chín tuổi.

Thầy Khổng với học trò yêu Nhan Hồi dù ở trong miếu vẫn dòm thấy sao và bị mưa té tát vì nhà dột, đến nỗi sứt trán mẻ đầu !

Ai dè mấy hôm sau, viên huyện lệnh dẫn đầu một đoàn các cử nhân, tú tài trong huyện đến Khổng miếu để... tham bái. Thấy tình trạng miếu như thế ai cũng thẹn thùng. Đến khi huyện lệnh đọc được bài thơ của Uông Chu, thì vừa xấu hổ, vừa giận ; rồi lại nghĩ : “Một đứa bé chín tuổi sao có thể làm được bài thơ này. Hay có kẻ nào thích nhạo báng nhưng muốn giả thác là con nít chăng ?” Bèn truyền cho sai dịch đi tìm đứa trẻ chín tuổi tên Uông Chu đem đến tức khắc.

Uông Nguyên Cát lật đật chạy ra quỳ bẩm :

─ Bẩm quan, Uông Chu là con tôi, nó đang chăn vịt. Tôi xin dẫn nó đến hầu quan lớn ngay.

Hai cha con đến. Huyện lệnh thấy thằng bé tuy nhem nhuốc nhưng mặt mũi có vẻ thông minh lanh lợi, tra hỏi thì thằng bé trả lời rất hoạt bát, và nhận chính là mình làm bài thơ đó. Quan trong bụng lấy làm vui, thuận miệng bảo :

─ Nếu đúng cháu làm bài thơ này thì cháu là thần đồng rồi !

Vẫn còn hoài nghi ; nhân thấy Uông Chu đang mặc chiếc áo ngắn cũn cỡn bèn diễu cợt nói tiếp :

─ Có điều thần đồng áo cộc. Ta chưa thấy thần đồng nào xỏ chiếc áo như vậy !

Uông Chu ứng khẩu trả lời bằng một bài ngũ ngôn :

神童衫子短,袖大惹春風。

未去朝天子,先來謁相公。

Thần đồng sam tử đoản / Tụ đại nhạ xuân phong.

Vị khứ triều thiên tử / Tiên lai yết tướng công.

Nghĩa :

Thần đồng áo ngắn mỏng / Tay áo rộng đón gió xuân.

Chưa đi chầu thiên tử được / Hãy lại yết kiến quan tể trước.

Huyện lệnh thấy Uông Chu làm thơ đã nhanh mà lại có khẩu khí, hai câu 3 – 4 đối nhau rất mực (vị khứ – tiên lai ; triều – yết ; thiên tử – tướng công ; cả cặp khứ – laitử – công tách riêng), lấy làm vui lắm, khen ngợi và ban thưởng cho Uông Chu, đồng thời ra lệnh tu bổ lại Khổng miếu.

Uông Chu được gọi là thần đồng từ đó.

 

[3]. Bài thứ nhất thuộc đề tài “Bốn mùa” trong Thần đồng thi của Uông Chu nguyên văn là :

春水滿泗澤 , 夏雲多奇峯 . 秋月揚明輝 , 冬嶺秀孤松

Xuân thủy mãn Tứ trạch / Hạ vân đa kì phong.

Thu nguyệt dương minh huy / Đông lĩnh tú cô tùng.

Nghĩa :

Xuân, nước ngập chằm Tứ / Hạ, đầy mây trên ngọn núi lạ lùng.

Thu, trăng tỏa rạng rỡ / Đông, cây thông đẹp lẻ loi trên núi.

Cùng với Tam tự kinh, tập Thần đồng thi này được phổ biến rất rộng rãi để dạy học trò học chữ Nho, không ai không biết. Bài đầu tiên trong tập thơ được Ngô Tất Tố dẫn ra trong tác phẩm Lều chõng của ông. Bài đó như sau :

天子重英豪 , 文章教爾曹 .

萬般皆下品 , 惟有讀書高 .

Thiên tử trọng anh hào / Văn chương giáo nhĩ tào.

Vạn ban giai hạ phẩm / Duy ngã độc thư cao.

Nghĩa :

Nhà vua trọng kẻ tài giỏi / (Lấy) văn chương dạy bọn bay.

Muôn bậc đều là phẩm dưới / Chỉ có hạng đọc sách là ở trên cao.

Trong Lều chõng, hai chữ “anh hào” được thay bằng “hiền hào” (không có mặt chữ Nho).

Bài Thần đồng sam tử đoản được xếp vị trí số 10 trong tập thơ.

Một bài khác vẫn trong Thần đồng thi cũng hết sức quen thuộc, bài số 20 :

久旱逢甘雨,他鄉遇故知;洞房花燭夜,金榜掛名時

Cửu hạn phùng cam vũ / Tha hương ngộ cố tri.

Động phòng hoa chúc dạ / Kim bảng quải danh thì.

Nghĩa :

Hạn lâu gặp mưa ngọt / Quê người gặp kẻ quen biết cũ.

Đêm động phòng hoa chúc / Lúc bảng vàng treo tên.

Dị bản : quải (= treo lên) thay bằng đề (= nêu lên).

Câu Cửu hạn phùng cam vũ này có gặp thấy trong Sách Kinh nguyện, Quinhon, 1925, Đệ thất thiên – Đồng niên tổng kinh văn, II – Ca hát trong mùa Chay, kinh số 8 – Lễ thánh thủy – Phục sinh tiết đến (hình bên phải, dòng thứ bốn từ dưới đếm lên) :


[4]. Khi Giáo sư Lê phát biểu : “... bài vãn làm theo thể lục bát phối hợp yêu vận của ta và cước vận của Tàu...”, mặc nhiên giáo sư hiểu rằng : “chỉ có thơ Tàu mới có cước vận, còn thơ Ta thì chỉ có yêu vận và không có cước vận”, và rằng : “muốn cho một bài thơ Ta có cả cước vận lẫn yêu vận thì phải ‘phối hợp’ cách gieo vần cuối câu của thơ Tàu với cách gieo vần ở lưng chừng câu của thơ Ta” !

Hiểu như thế chả khác gì cái món “cước vận” này hóa ra một thứ “đặc sản” của Tàu ; người nói ngôn ngữ nào mặc lòng, hễ làm thơ mà xài đến cước vận, thì hoặc là bắt chước thơ Tàu, hoặc phải “phối hợp cách sao đó với cước vận theo kiểu thơ Tàu mới thành thơ của ngôn ngữ ấy”.

Thơ Tây chỉ gieo toàn cước vận. Thí dụ bài thơ In the Rose Garden của John Bennett và bài thơ dịch sang Việt ngữ, Trong vườn hồng, của thi sĩ Nam-Chi Lê-Hữu-Phụng đều gieo cước vận :

A hundred years from now, dear heart,

We shall not care at all,

It will not matter then a whit,

The honey or the gall.

The summer days that we have known

Will all forgotten be and flown ;

The garden will be overgrown

Where now the roses fall.

 

Em ơi, trăm năm nữa,

Ta chẳng còn lo chi ;

Ngọt bùi hay tân khổ,

Rồi ra có nghĩa .

Ngày hè ta đã sống,

Sẽ chìm trong lãng quên ;

Vườn hồng muôn cánh rũ,

Rồi cỏ mọc rêu in.

 

 Các thánh thi Công giáo cũng toàn các bài thơ gieo cước vận. Thí dụ :

 Bài O filii :

O filii et fil

Rex cælestis, Rex glor

Morte surrexit hodie.

Alleluia.

Hỡi các nam nữ tử

Vua thiên đàng, Vua vinh hiển

Đã chết hôm nay sống lại

...

 Bài Pange lingua :

Tantum ergo sacraméntum

Venerémur cérnui :

Et antíquum documéntum

Novo cedat rítui :

Præstet fides suppleméntum

Sénsuum deféctui.

Nên (trước) Mầu nhiệm cao cả như thế

ta hãy phủ phục tôn thờ

và giao ước cũ

nhường cho nghi lễ mới

ta hãy dùng đức tin bổ túc

sự khiếm khuyết của giác quan

 Bài Stabat Mater :

Stabat Mater dolorósa

Juxta Crucem lacrimósa,

Dum pendébat Fílius.

Mẹ đứng đau đớn

rơi lệ ngay bên Thánh giá

Con còn đang treo đó

Qua các bài thơ trên có thể thấy : Thơ Tàu có cước vận, thì thơ Tây cũng có cước vận. Chả anh nào phải phối hợp với anh nào ! Mà thơ Ta cũng thế, các thể thơ của Ta, như lục bát, song thất lục bát, hát nói... đều có cước vận. Cước vận trong thơ Ta còn có đặc sắc này mà không hề thấy trong thơ Tàu :

Vần gieo ở chữ chót câu trên (tức là cước vận), có thể ăn vần với chữ chót câu dưới (tức cũng là cước vận), nhưng lại cũng có thể ăn vần với một chữ ở lưng chưng câu dưới (tức là yêu vận). Vài thí dụ :

Thơ lục bát :

         Ba bà đi bán lợn sề,

Bán đi chẳng được chạy về lon ton.

         Ba bà đi bán lợn con,

Bán đi chẳng được lon ton chạy về.

sề : cước vận, ăn xuống về ở câu dưới

về : yêu vận ; sau đó đổi vần : ton, ăn xuống con

con : cước vận, ăn xuống ton

ton : yêu vận

Ca dao

Song thất lục bát :

    Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy,

    Sớm đã trông nào thấy hơi tăm.

        Ngập ngừng lá rụng cành trâm,

Chiều hôm nghe dậy tiếng cầm lao xao.

    Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ,

    Chiều lại tìm nào tiêu hao.

        Ngập ngừng gió thổi áo bào,

Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.

ấy : cước vận, ăn xuống thấy

thấy : yêu vận ; sau đó đổi vần : tăm, ăn xuống trâm

trâm : cước vận, ăn xuống cầm

cầm : yêu vận ; sau đó đổi vần : xao, ăn xuống nao

nao : yêu vận ; sau đó đổi vần : nọ, ăn xuống

: yêu vận ; sau đó đổi vần : hao, ăn xuống bào

bào : cước vận, ăn xuống trào, yêu vận

 

Chinh phụ ngâm khúc, Đoàn Thị Điểm

Hát nói :

Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi :     

Cớ làm sao len lỏi đến chi đây ?

Hay tưởng trông cây cỏ nước non này,

Chí cũng rắp dan tay vào hội Lạc ?

...

hỏi : cước vận, ăn xuống lỏi

lỏi : yêu vận ; sau đó đổi vần : đây, ăn xuống này

này : cước vận, ăn xuống tay, yêu vận

 

 

Ông phỗng đá, Nguyễn Khuyến

Vậy mà nói thể thơ lục bát (và các thể thơ khác của Ta) là “phối hợp yêu vận của ta và cước vận của Tàu”, thì không biết cái sự gọi là “phối hợp” đó nó ra làm sao ?

[5]. Thể văn viết thành từng câu mỗi câu 4 chữ (tứ tự) là thể văn phổ biến cả ở Tàu lẫn ở Ta. Nổi tiếng nhất là bài 千字文 Thiên tự văn, gồm đúng 250 câu × 4 chữ không trùng lặp, lại có gieo vần (cước vận, dĩ nhiên) do 周興嗣 Chu Hưng Tự làm vào đời Lương Vũ đế bên Tàu. Ngoài bài này còn hai bài khác cùng được gọi là 四字經 Tứ tự kinh : một của thiền sư Đức Hạnh 德行禪師 đời Đường, một của Tiêu Lương Hữu 肖良友 đời Minh. Tứ tự kinh của thiền sư Đức Hạnh có 597 câu 4 chữ, phổ biến rất rộng rãi, nhiều câu từ tác phẩm này trở thành những thành ngữ quen thuộc (gọi là 四字成語 tứ tự thành ngữ) ngay cả với người Việt, thí dụ : 坐井觀天 tọa tỉnh quan thiên (= ngồi dưới giếng dòm trời), 點石成金 điểm thạch thành kim (= chạm đá thành vàng) 守株待兔 thủ chu đãi thỏ (= ôm cây đợi thỏ)...

Năm 1613, một giáo sĩ dòng Tên người Italia, tên là Giulio Aleni (15821649) sang Trung Hoa truyền giáo. Tại đây ngài đã học thông thạo chữ Nho, tiếng Quan thoại, lấy tên chữ Nho và đặt theo thứ tự bên đông là họ trước, tên sau, thành 儒略 , âm Quan thoại là ài rú-lüè (âm Nho : Ngải Nhu-lược) ; lại cũng chọn cho mình một tên tự là 思及 Tư Cập (nghĩa đen : kịp nghĩ đến). Ngài dùng thể văn tứ tự, soạn ra một kinh văn gồm 662 câu 4 chữ, đặt tên là 天主聖教四字經文 Thiên Chúa thánh giáo tứ tự kinh văn (không gieo vần), in năm 1642 (xem hình).


Hình trên : Thiên Chúa thánh giáo tứ tự kinh văn (bản in lại, không rõ năm), với 5 dòng đầu tiên, trang 1a. Hình dưới : trang đầu Thiên Chúa thánh giáo tứ tự kinh văn, bản in lại năm 1856 ; dòng đầu tiên ngoài cùng bên phải : Thiên Chúa giáng sinh nhất thiên lục bách tứ thập nhị niên (năm 1642), thái tây học sĩ Ngải Nhu-lược cẩn thuật

Ở Việt Nam cũng có nhiều kinh nguyện Công giáo đặt theo thể từng câu 4 chữ, cả lối có gieo vần lẫn lối không gieo vần, cả ở các địa phận Đàng Ngoài, cả ở các địa phận Đàng Trong. Dưới đây dẫn lại đôi kinh mà nay có lẽ không còn được đọc, không mấy người nhớ, chỉ là coi như tài liệu tham khảo.

 Kinh cầu hồn (phổ biến ở Đàng Ngoài ; với ghi chú sau :

Kinh này không đọc khi đang làm lễ và khi chầu Mình Thánh trọng thể, có thầy cả làm chính sự).


1. Lạy Chúa tôi ôi,

Chúa đã phán lời :

“Tao là Chúa cả,

Mọi sự mọi loài,

5. Kẻ sống ở đời,

Lại cùng kẻ chết.”

Chúng tôi đã biết :

Cha mẹ chúng tôi,

Với lại những người,

10. Họ hàng con cháu,

Ông bà ruột máu,

Tình nghĩa vợ con ;

Cha mẹ phần hồn,

Ân tình phần xác,

15. Rầy đương khoải khắc,

Trong lửa công bằng,

Đêm ngày trông mong,

Chúng tôi còn sống,

Đền thay cho chóng,

20. Khỏi chốn luyện hình.

Chúng tôi trong mình,

Đầy những tội lỗi,

Mở miệng hôi thối,

Chẳng đáng Chúa nghe.

25. Một trông cậy vì,

Lời xưa Chúa phán,

Rằng : “Tao không muốn,

Phạt hơn là thương”.

Lạy Chúa thiên đường,

30. Ban ơn tha thứ.

Xin Chúa đừng nhớ,

Tội kẻ chết chi,

Xin Chúa quên đi,

Chúa đừng chấp nữa.

35. Xin Chúa hãy gỡ,

Những hồn ấy ra.

Máu Thánh còn dư,

Thừa nguyên bảy giọt,

Xin Chúa hãy rót,

40. Tắt lửa công bằng,

Đương cháy bầng bầng,

Đốt hồn cha mẹ,

Cùng hồn những kẻ,

Tình nghĩa chúng tôi.

45. Lạy Chúa tôi ôi,

Cha mẹ chúng tôi,

Những kẻ đã chết,

Bấy giờ mới biết,

Sức lửa công bằng,

50. Hừng hực nấu nung,

Trong ngoài thấu suốt,

Hằng giây hằng phút,

Ngong ngóng trông mong.

Lạy Chúa khoan dung,

55. Xin mưa Máu xuống.

Hồn nào còn vướng,

Mắc dấu vết gì,

Chúng tôi xin vì,

Công nghiệp Máu Chúa,

60. Sẽ gột sẽ rửa,

Cho sạch phen này.

Xin Chúa ra tay,

Nhân từ cứu vớt :

Chúng tôi kẻ chết,

65. Ai nấy được nhờ.

Xin Chúa hãy mưa,

Hãy rưới Máu Chúa,

Cho được tắt lửa,

Hình phạt ngũ quan.

70. Lạy Mẹ cực khoan,

Mẹ kêu giúp đỡ.

Xin Mẹ đừng nỡ,

Ngảnh mặt làm thinh.

Mẹ đỡ Mẹ bênh,

75. Mẹ nài cùng Chúa :

Các hồn cũng có,

Vào sổ làm con.

Cậy Mẹ phần hồn,

Nhờ Mẹ lúc chết,

80. Đêm ngày kêu thét,

Trông mẹ, Mẹ ôi.

Các hồn nằm vùi,

Giẫy trong đống lửa,

Ngậm ngùi nức nở,

85. Khóc lóc than van.

Xin Mẹ đừng quên,

Các hồn ấy Mẹ.

Chúng tôi là kẻ,

Con cháu họ hàng,

90. Suy đến giật mình,

Lòng thương bổi hổi.

Song vì một nỗi,

Tội lỗi nhớp nhơ.

Chúng tôi xin nhờ,

95. Công nghiệp Máu Chúa.

Lại trông rằng có,

Đức Mẹ chở che.

Mẹ đừng ngảnh đi,

Mẹ cứu lấy với.

100. Xin Mẹ hãy lấy,

Công Mẹ trong kho,

Mẹ đền bù cho,

Các hồn chóng rỗi.

Chúng tôi mê tối,

105. Tội lỗi Mẹ ôi,

Trong lòng ngậm ngùi,

Một hai trông Mẹ.

A-men.

 Kinh cầu Đức Bà trọng thể (ở các địa phận Đàng Trong)


Xin Chúa thương xót chúng tôi.

Xin Chúa Khi-tô thương xót chúng tôi.

Xin Chúa thương xót chúng tôi.

Chúa Khi-tô nghe cho chúng tôi.

Chúa Khi-tô nhậm lời chúng tôi.

Mầng thay mầng thảy / Mầng thay là mầng.

1. Mầng Đức Chúa Cha / Ngự trên thiên quốc,

Cai thần, trị vật. Thương xót chúng tôi.

2. Mầng Đức Chúa Con / Chuộc tội cứu thế,

Nhọc nhằn thân thể. Thương xót chúng tôi.

3. Mầng Chúa Thánh Thần / Tính linh diệu dụng,

Hằng ban thất sủng. Thương xót chúng tôi.

4. Mầng Đức Chúa Trời / Ba Ngôi một Chúa,

Vô cùng phép tắc. Thương xót chúng tôi.

5. Mầng Đức Bà Ma-ri-a Thánh Mẫu,

Chánh danh là Hậu. Bàu chữa chúng tôi.

6. Mầng kính Đức Bà / Mẫu từ Chúa cả,

Gồm no phước lạ. Bàu chữa chúng tôi.

7. Mầng kính Đức Bà / Trổi xa thế sự,

Trinh đồng liệt nữ. Bàu chữa chúng tôi.

8. Mầng kính Đức Bà / Chúa tôi yêu dấu,

Khi-tô Thánh Mẫu. Bàu chữa chúng tôi.

9. Mầng kính Đức Bà / Ba Ngôi ban hứa,

Đầy ơn chan chứa. Bàu chữa chúng tôi.

10. Mầng kính Đức Bà / Trong đời có một,

Trọn lành trọn tốt. Bàu chữa chúng tôi.

11. Mầng kính Đức Bà / Cực thanh cực tịnh,

Thánh thần tôn kính. Bàu chữa chúng tôi.

12. Mầng kính Đức Bà / Nước Cha trị đến,

Chúng tôi kính mến. Bàu chữa chúng tôi.

13. Mầng kính Đức Bà / Phong trần vô nhiễm,

Cực mầu cực nhiệm. Bàu chữa chúng tôi.

14. Mầng kính Đức Bà / Cực cao cực cả,

Hằng làm phép lạ. Bàu chữa chúng tôi.

15. Mầng kính Đức Bà / Sanh vì Chúa tể :

Ngôi Hai cứu thế. Bàu chữa chúng tôi.

16. Mầng kính Đức Bà / Cực khôn cực sáng,

Thông minh tỏ rạng. Bàu chữa chúng tôi.

17. Mầng kính Đức Bà / Nhơn từ trinh thục,

Muôn dân khâm phục. Bàu chữa chúng tôi.

18. Mầng kính Đức Bà / Trọn lành rất đỗi,

Đáng khen đáng ngợi. Bàu chữa chúng tôi.

19. Mầng kính Đức Bà / Oai quờn phép tắc,

Phá trừ linh tặc. Bàu chữa chúng tôi.

20. Mầng kính Đức Bà / Khoan nhơn trọng hậu,

Đáng yêu đáng dấu. Bàu chữa chúng tôi.

21. Mầng kính Đức Bà / Thảo ngay trực chánh,

Đáng ca đáng vịnh. Bàu chữa chúng tôi.

22. Mầng kính Đức Bà / Khiêm nhường quảng đại,

Là gương nhơn ngãi. Bàu chữa chúng tôi.

23. Mầng kính Đức Bà / Là tòa Chúa Tể,

Là cung Thánh Thể. Bàu chữa chúng tôi.

24. Mầng kính Đức Bà / Là mầng vô giá,

Là vui thiên hạ. Bàu chữa chúng tôi.

25. Mầng kính Đức Bà / Trọng thiêng linh nhiệm,

Thanh bai vô nhiễm. Bàu chữa chúng tôi.

26. Mầng kính Đức Bà / Chúa Cha truyền định,

Sanh Ngôi đáng kính. Bàu chữa chúng tôi.

27. Mầng kính Đức Bà / Thật Mẹ Chúa cả,

Sáng soi thiên hạ. Bàu chữa chúng tôi.

28. Mầng kính Đức Bà / Như hoa hồng nở,

Thơm tho rực rỡ. Bàu chữa chúng tôi.

29. Mầng kính Đức Bà / Tợ lầu Đa-vít,

Cao sâu mịt mịt. Bàu chữa chúng tôi.

30. Mầng kính Đức Bà / Tợ thành nương náu,

Tháp ngà châu báu. Bàu chữa chúng tôi.

31. Mầng kính Đức Bà / Chói lòa lừng lẫy,

Như lầu vàng vậy. Bàu chữa chúng tôi.

32. Mầng kính Đức Bà / Như hòm Bia thánh,

Nhiệm mầu công chánh. Bàu chữa chúng tôi.

33. Mầng kính Đức Bà / Cao quờn lộng lộng,

Cửa trời mở rộng. Bàu chữa chúng tôi.

34. Mầng kính Đức Bà / Như sao Mai sáng,

Mọc bày tỏ rạng. Bàu chữa chúng tôi.

35. Mầng kính Đức Bà / Cứu chưng tai nạn,

Trợ người bệnh hoạn. Bàu chữa chúng tôi.

36. Mầng Đức Nữ Vương / Sửa đương lầm lỗi,

Vực người có tội. Bàu chữa chúng tôi.

37. Mầng Đức Nữ Vương / Ủi an buồn bực,

Giúp người khốn cực. Bàu chữa chúng tôi.

38. Mầng Đức Nữ Vương / Hộ phù che chở,

Giáo nhơn mầng rỡ. Bàu chữa chúng tôi.

39. Mầng Đức Nữ Vương / Cai thần thiên quấc,

Khỏi trên muôn vật. Bàu chữa chúng tôi.

40. Mầng Đức Nữ Vương / Cai hàng thánh Tổ,

Vinh phong đồ sộ. Bàu chữa chúng tôi.

41. Mầng Đức Nữ Vương / Cai Tiên tri thánh,

Suốt thông rạnh rạnh. Bàu chữa chúng tôi.

42. Mầng Đức Nữ Vương / Cai Tông đồ cả,

Hằng làm phép lạ. Bàu chữa chúng tôi.

43. Mầng Đức Nữ Vương / Cai hàng Tử đạo,

Tâm thần toàn hảo. Bàu chữa chúng tôi.

44. Mầng Đức Nữ Vương / Cai Tu hành thánh,

Dẫn đàng nẻo chánh. Bàu chữa chúng tôi.

45. Mầng Đức Nữ Vương / Cai hàng Trinh tiết,

Thế gian từ biệt. Bàu chữa chúng tôi.

46. Mầng Đức Nữ Vương / Vẹn tuyền tội Tổ,

Ba Ngôi phù hộ. Bàu chữa chúng tôi.

47. Mầng Chúa Giê-su / Chuộc tội cứu thế,

Thật vì Thiên Tể. Tha tội chúng tôi.

48. Mầng Chúa Giê-su / Chuộc tội cứu thế,

Cùng ghe oai thể. Nghe cho chúng tôi.

49. Mầng Chúa Giê-su / Chuộc tội cứu thế,

Tử hình chẳng nệ. Thương xót chúng tôi.

 

Liên 3 : tính linh 性靈 : thông suốt, thiêng liêng sáng láng ; diệu dụng 妙用 : cách dùng rất hay, có hiệu quả rất lạ ; thất sủng 七寵 : 7 ơn sủng của Đức Chúa Thánh Thần.

Liên 5 : hậu : tức là hoàng hậu, nữ vương...

Liên 13 : phong trần vô nhiễm 風塵無染 : không nhuốm gió bụi.

Liên 17 : trinh thục 貞淑 : trong trắng và dịu dàng.

Liên 19 : linh tặc 靈賊 : giặc thiêng liêng, tức là 3 thù : ma quỷ, thế gian, xác thịt.

Liên 22 : nhơn ngãi 仁義 (cũng đọc : nhân nghĩa) = có lòng thương người và sống chính đáng.

Liên 25 : thanh bai : từ cổ = xinh đẹp và tế nhị, dịu dàng, không kệch cỡm.

Liên 33 : cao quờn : tức là quyền cao.

Liên 35 : cứu chưng tại nạn : chưng : tiếng cổ, thường làm trợ từ, xưa các cụ ta hay dùng làm tiếng Nôm để dịch các chữ Nho chi, vu... ; có nghĩa là và, với, cùng..., ấy, đó..., kẻ mà, vật mà..., cũng có khi chỉ là tiếng đệm ; cứu chưng tai nạn = cứu cho kẻ mắc tai nạn

Liên 36 : sửa đương : tđ ĐNQÂTV : sửa đang : dọn dẹp, sắp đặt, cũng là sửa sang.

Các liên 39 – 45 : cai : rút gọn của 該治 cai trị, 該管 cai quản = trông nom, sắp đặt, bao quát hết thảy ; trước thường được dùng (một chữ cai) để dịch các động từ Latin như guberno, administro...

Liên 39 : khỏi = vượt ra ngoài ; cai thần thiên quấc khỏi trên muôn vật = cai quản các thần thánh nước trời, vượt lên trên hết mọi loài.

Liên 40 : vinh phong 榮封 : ban cho cách vẻ vang ; ở đây có nghĩa là Đức Mẹ được Thiên Chúa ban cho làm nữ vương trên trời ; đồ sộ = rộng lớn, cả thể.

Liên 48 : ghe : từ cổ = nhiều ; oai thể 威體 (cũng đọc : uy thể) : dáng vẻ trang nghiêm, khiến người phải tôn kính.

 

[6]. Thí dụ trong Institutio Generalis Missalis Romani, Quy chế tổng quát sách lễ Rô-ma, 2002 ; bản tiếng Hoa18 羅馬彌撒經書總論 La-mã Mi-sa kinh thư tổng luận, số 54, kèm nguyên văn Latin :

Phiên âm phần chữ Nho trong dấu ngoặc   :

nhân Nễ đích Thánh Tử (...), ngã môn đích Chúa Da-tô Cơ-đốc [Jesu Cristo], Tha hòa Nễ cập Thánh Thần, thị duy nhất Thiên Chúa, vĩnh sinh vĩnh vượng

Tha hòa Nễ cập Thánh Thần, ... , vĩnh sinh vĩnh vượng

Nễ hòa Thánh Phụ cập Thánh Thần, ... , vĩnh sinh vĩnh vượng

Những chữ Nho đọc theo hai thanh khác nhau có nghĩa khác nhau (thường là thay đổi từ loại), kiểu như chữ vương / vượng nói trên, không phải “của hiếm”. Thí dụ :

Vế đối được cho là do vua Lê Thánh tông làm giúp một nhà làm nghề dọn phân, để dán cửa ngày tết :

,

Ý nhất nhung y, đảm thế gian chi nan sự

Trong vế đối này có hai chữ , khi đọc là y (thanh Bằng) thì có nghĩa là cái áo (danh từ), khi đọc ý (thanh Trắc) thì có nghĩa là mặc vào (động từ). Cả câu nghĩa là :

Mặc một áo nhung (cách nói khoa đại, thật ra chỉ là chiếc... áo tơi), gánh lấy việc khó của thế gian (tả thật).

Vài chữ Nho khác :

mặt chữ

thanh Bằng

nghĩa

thanh Trắc

nghĩa

chinh

tháng Giêng (âm lịch)

chính

ngay ngắn

đàn

bắn ra, búng, bật, gảy

đạn

viên tròn để bắn

giam

sở quan, nhà tù, coi, xem

giám

cái gương, chức quan

調

điều

làm cho đều, thay đổi

điệu

giọng nói, giọng hát cao thấp

gian

khoảng trống, khoảng giữa

gián

chen vào

và còn rất nhiều chữ Nho khác nữa.

 

[7]. Giám mục Phê-rô Liêu, chữ Nôm : 監牧批嚕僚 , là tên Việt Nam của giám mục Pierre-André Retord, sinh ngày 17-5-1803 tại Pháp, thụ phong linh mục ngày 21-5-1828, gia nhập Hội Thừa sai Hải ngoại Paris ngày 21-6-1831. Năm 1838, ngài được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa địa phận Tây Đàng Ngoài tại Việt Nam, thụ phong giám mục ngày 31-5-1840. Ngài qua đời tại địa phận Tây Đàng Ngoài ngày 22-10-1858.

 

[8]. Thí dụ : hiện nay, để được “nho nhã”, để “gần gũi với tiếng nói dân tộc”, người ta vẫn còn ưa chuộng lối phiên âm tạm gọi là “nhị bội” :

- Lần “phiên âm thứ nhất” : phiên âm bên Tàu, chọn một vài chữ Nho nào đó có âm đọc (tất nhiên theo giọng Tàu) na ná với âm “gốc”. Chẳng hạn các chữ Nho 孟徳斯鳩 đọc theo giọng Quan thoại là mèng-dé-sī-qiú, được người Tàu dùng phiên âm Montesquieu ;

- Lần “phiên âm thứ hai” : phiên âm bên Ta, nhưng không theo ngôn ngữ gốc, mà lấy chữ Nho được người Tàu phiên âm theo lối đọc của họ, rồi đọc những chữ Nho ấy theo lối của Ta, như 4 chữ Nho 孟徳斯鳩 trên đọc thành mạnh-đức-tư-cưu !

Mạnh-đức-tư-cưu còn “đơ đỡ”, vì kể ra cũng khá “gần gũi” với Montesquieu đôi chút ; đến như 盧梭 Lư-thoa (= cái thoi dệt cửi mầu đen !) chẳng hạn, thì chịu, không biết phiên âm cái gì !

Tương tự thế là những tên như :

la-mã                  羅馬                luō-mǎ                         na ná như roma

hoa-thịnh-đốn    華盛頓            huà-shèng-dùn             na ná như washington

ý-đại-lị               意大利            yì-tài-lì                        na ná như italia

đa-minh-ngã      多明我            duō-míng-wǒ             na ná như domingo (thánh Dominicus)

đa-mẫn-ngã        多敏我            duō-mǐn-wǒ                na ná như domingo (nt)

Lâu ngày thành quen, và khi đã quen thì thôi cũng phải tạm chấp nhận.

Nhưng có khi người ta cũng cứ thích bịa ra những cái thứ chả quen, như :

benedictus         bịa ra kiểu “phiên âm” là “biển đức” (= cả một biển nhân đức ?)

ignatius              bịa ra kiểu “phiên âm” là “i nhã” (nghĩa là gì ? y phục nhã nhặn ? Hóa ra không phải. Sự “phát hiện” ra i nhã chỉ là do tình cờ : ai đó gõ chữ Việt trên máy tính theo kiểu gõ telex – với lựa chọn “bỏ dấu tự do” – sau đó định gõ i nha xi ô – có thể có gạch nối hoặc không –, muốn từ nha qua xi thì hoặc phải có khoảng trống, hoặc phải có gạch nối, thì mới nhận được nha xi, nhưng (vì hấp tấp ?) người gõ lại quên cả khoảng trống cũng như gạch nối. Vì thế khi mới gõ i, rồi đến nha, rồi định gõ tiếp xi, thì vừa mới gõ phím x, chương trình cho ngay kết quả hiện lên màn hình là i nhã... Thấy “hay” quá, bèn “vui mừng sung sướng hân hoan” (chữ dùng của Sơn Ca Linh), xin từ bỏ luôn i nha xi ô, xài ngay i nhã cho thánh Ignatius được... nho nhã !)

...

Đã vậy còn viết hoa cả biển lẫn đức, cả i lẫn nhã (chắc là muốn “Việt hóa” hoàn toàn, coi biển với i là “tên họ”, còn đức với nhã là “tên gọi”) !

Vì thế cho nên cũng xin giới thiệu đến những ai sính dùng lối “phiên âm” này :

Trong 天主教英漢袖珍辭典 Thiên Chúa giáo Anh – Hán tụ trân từ điển (Từ điển Công giáo Anh – Hán bỏ túi), mục từ Saint Vincent de Paul Society và mục từ Vincentians, the ~ , đã gọi thánh Vincentius (mà hiện được “phiên âm” là Vinh-sơn = núi vinh quang ?) là thánh 雲仙 Vân-tiên (yún-xiān ; = tiên ở trên mây ?, giống y tên nhân vật chính trong truyện lục bát của Nguyễn Đình Chiểu : Lục Vân Tiên 蓼雲仙 ), thánh 文生 Văn-sinh (wén-shēng ; = người học trò văn hoa ?), thánh 萬生 Vạn-sinh (wàn-shēng ; = muôn kiếp sống ?), thánh 萬桑 Vạn-tang (wàn-sāng ; = muôn cây dâu ?). Tha hồ chọn lựa !

 

[9]. Việc các giáo sĩ dòng Tên phiên dịch các sách Phụng vụ tiếng Latin ra chữ Nho đối với hai trường hợp này phải kể là “đi trước thời đại”, vì mãi đến Công đồng Vaticanô II, việc dùng tiếng bản xứ trong Phụng vụ mới được nhìn nhận trong Constitutio de Sacra Liturgia (Hiến chế về Phụng vụ thánh) : xem số 36.2 trong Hiến chế, bản Latin và các bản dịch Hoa ngữ, Việt ngữ ở phụ lục dưới đây.

 

Bùi Ngọc Hiển

 

Phụ lục

 

Constitutio de Sacra Liturgia

Sacrosanctum Concilium

36. §1. Linguae latinae usus, salvo particulari iure, in Ritibus latinis servetur.

§2. Cum tamen, sive in Missa, sive in Sacramentorum administratione, sive in aliis Liturgiae partibus, haud raro linguae vernaculae usurpatio valde utilis apud populum exsistere possit, amplior locus ipsi tribui valeat, imprimis autem in lectionibus et admonitionibus, in nonnullis orationibus et cantibus, iuxta normas quae de hac re in sequentibus capitibus singillatim statuuntur.

...

 

Bản dịch chữ Nho (tại https://www.vatican.va/chinese/concilio/vat-ii_sacrosanctum-concilium_zh-t.pdf) :

梵蒂岡第二屆大公會議文獻

《禮儀》憲章

禮儀的語言

 36 . 在拉丁禮儀內 , 除非有特殊法律規定 , 應保存使用拉丁語 .

. 可是在彌撒內或在行聖事時 , 或在禮儀的其他部分 , 使用本地語言 , 多次為民眾很有益處 , 可准予廣泛的使用 , 尤其在宣讀及勸勉時、在某些祈禱文及歌唱中為然 , 有關此事的規則 , 由下列各章分別記載 .

...

 

Bản dịch Việt ngữ (tại : https://giaophanvinhlong.net/Hien-Che-Ve-Phung-Vu-Thanh-Sacrosanctum-Concilium-Chuong-I.html)

Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh

36. Việc dùng Latinh và việc dùng tiếng bản quốc.

1. Việc dùng tiếng Latinh, trừ luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi lễ Latinh.

2. Tuy nhiên, có thể sinh lợi rất nhiều cho dân chúng nếu dùng tiếng bản quốc hoặc trong Thánh Lễ hoặc trong việc cử hành các Bí tích, hoặc trong những phần khác của Phụng vụ ; cho nên việc dùng tiếng bản quốc này cũng dễ dàng được chấp thuận hơn, đặc biệt trong các bài đọc và các bài giáo huấn, một số lời nguyện và bài hát, tùy theo những quy tắc đã được ấn định cho mỗi trường hợp trong những chương sau đây.

...




Không có nhận xét nào: