Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

TITANIC – CON TẦU KHÔNG THỂ ĐẮM

 

TITANIC – CON TẦU KHÔNG THỂ ĐẮM

 

 

 

Bùi Ngọc Hiển

 

 

 

Chúa Nhật II Phục sinh năm nay nhằm ngày 16-4(-2023). Cách đây 111 năm, Chúa Nhật II Phục sinh nhằm ngày 14-4-1912. Gần nửa đêm hôm ấy, lúc 23 giờ 40 phút (theo giờ trên tầu [1]), con tầu Titanic lớn nhất (vào lúc đó) đã bị một khối băng sơn cứa dọc sườn gần đáy ; đến 2 giờ 20 phút sáng hôm sau, ngày 15-4-1912, con tàu “không thể chìm” đã hoàn toàn chìm vào lòng bắc Đại Tây dương ở tọa độ gần Bắc vĩ độ 42, gần Tây kinh độ 50, cách Newfoundland khoảng 600 km về phía đông nam, cùng với hơn 1500 hành khách và thủy thủ đoàn. Số người sống sót, tất cả đều được một con tầu khác là Carpathia cứu, gồm hơn 700 người. Trong số này, người nhỏ tuổi nhất là bé gái Millvina Dean, sinh ngày 2-2-1912. Người này mất ngày 31-5-2009, là người đi tầu Titanic qua đời cuối cùng.


Tầu Titanic vừa rời cảng Southampton, Anh,

đi Belfast, Ái-nhĩ-lan, trong hành trình đến New York

trước khi va chạm với một băng sơn



Bé gái khác cũng được cứu là Lillian Gertrud Asplund, sinh ngày 21-10-1906, tức được gần 5 tuổi khi xảy ra thảm họa. Mẹ của Lillian là Selma Asplund và một người em trai của Lillian là Felix cũng được cứu, nhưng cha và ba anh em trai khác của Lillian không được may mắn như vậy. Lillian mất ngày 6-5-2006. Bà Selma mất ngày 15-4-1964, còn Felix mất ngày 1-3-1983.

 

Tới nay không riêng những người đã đi trên con tầu Titanic, mà tất cả những người có liên quan nhiều ít đến nó đều đã thành người thiên cổ.

 

Tầu Titanic, tên được đặt theo chữ titan, nguyên là các thần khổng lồ trong thần thoại Hi-lạp, là niềm tự hào lớn lao đối với những người thiết kế và đóng nó. Con tầu này thuộc Công ti Hàng hải Hơi nước Đại dương, tiếng Anh : The Oceanic Steam Navigation Company, thường gọi là hãng tầu The White Star Line (Đường Sao Trắng), ở nước Anh. Nó là con tầu lớn nhất (khi ấy) : chiều dài gần 270 m, bề ngang gần 30 m, chiều cao từ đáy đến miệng các ống khói hơn 50 m, một trong những con tầu nhanh nhất (lúc bấy giờ) : trung bình mỗi giờ nó có thể đi được 21 hải lí (= 21 knots, tức gần 40 km/h) khi cần có thể tăng tốc tối đa đến 23 knots (khoảng 43 km/h). Nó được chế tạo xa hoa lộng lẫy tột bậc : phí tổn đóng tầu là 1,5 triệu bảng Anh lúc đó (theo thời giá năm 1997 – sau đây cũng vậy – là vào khoảng 200 triệu đô-la Mĩ, tức gần 5.000 tỉ đồng VN !). Giá vé chuyến đi một chiều ở khoang thượng hạng là 870 bảng (khoảng 80.000 đô-la Mĩ, tức gần hai tỉ đồng VN) ; vé hạng ba cho những người “bình dân” là 7 bảng rưỡi (khoảng 700 đô-la, tức gần 17 triệu đồng VN).

 

Người đảm trách chính việc đóng tầu, ông Thomas Andrews, đã tự hào : “Titanic là sản phẩm hầu như toàn hảo mà đầu óc con người có thể nghĩ ra”. Người ta đã cụ thể hóa niềm tự hào đó bằng cách xưng tụng nó là con tầu “không thể chìm, unsinkable. Việc xưng tụng đó bắt đầu khi con tầu sắp được hạ thủy. Mỉa mai thay ! Trên đời này làm gì có con tầu nào không thể chìm. Cho dù bây giờ một con tầu không chìm cũng không có nghĩa là nó không thể chìm : chỉ là chưa đến lúc nó chìm [2]. Người ta biện hộ giúp Bruce Ismay, giám đốc điều hành hãng White Star Line, rằng khoa trương lên thế chỉ nhằm quảng cáo cho có nhiều hành khách, để hãng tầu mau chóng lấy lại vốn.

 

Tuy nhiên, sự khoa trương này đã vượt quá giới hạn : cả người không đi tầu, cả người đi tầu, hành khách lẫn thủy thủ đoàn, rất nhiều người đinh ninh rằng con tầu không thể chìm là sự thật.

 

Một trăm năm sau thảm họa, năm 2012, Julie Hedgepeth Williams đã xuất bản quyển sách A Rare Titanic Family : The Caldwells’ Story of Survival (= Một gia đình hiếm hoi trong vụ Titanic : chuyện về sự sống sót của gia đình Caldwell). Xin lược thuật đoạn đầu.

 

Sylvia Mae Harbaugh Caldwell, lúc ấy 28 tuổi, cùng chồng là Albert Francis Caldwell, 26 tuổi, thuộc giáo phái Tin lành Presbyterian (Trưởng lão), đi truyền giáo tại Bangkok, Siam (tên gọi Thái-lan trong tiếng Anh thời đó). Họ dạy học tại một trường dành cho nam sinh của giáo phái Presbyterian ở đây 2 năm. Vì lí do sức khỏe của Sylvia, họ phải về Mĩ sau khi từ Bangkok đến London, nước Anh, cùng với con trai là Alden, sinh ở Bangkok, vừa tròn 10 tháng tuổi trước đó ít ngày. Tại London, họ xoay xở mua được vé mà những khách đặt trước trên tầu Titanic đã bỏ [3], nghĩ rằng trên con tầu rộng rãi, Sylvia đỡ phải lo lắng vì chứng say sóng. Trên xe lửa từ London tới cảng Southampton, họ rất kinh ngạc khi nghe người ta kháo nhau rằng Titanic là con tầu “không thể chìm”.

 

Đến bến, xem chất hàng lên tầu Titanic, Sylvia hỏi một người thủ hiệu cảng : “Có thật là con tầu này không thể chìm đấy chứ ?” Anh ta trả lời, giọng chắc nịch : “Vâng, thưa bà. God himself could not sink this ship = Ngay Chúa Trời cũng không thể làm đắm con tầu này”.




Hình hai vợ chồng Sylvia Albert Caldwell


Khi thảm họa xảy ra, Albert và vợ con được đưa xuống xuồng cứu sinh số 13, được thả xuống biển lúc 1 giờ 40 phút sáng ngày 15-4-1912. Họ là một trong những gia đình hiếm hoi được cứu sống cả nhà trong vụ đắm tầu Titanic [4].

 

Năm 1930, Albert và Sylvia Caldwell li dị. Năm 1936, Albert tái hôn với Jennie Whitt Congleton, bà này thuộc hàng bà bác, great aunt, của Julie Hedgepeth Williams (23 năm sau, năm 1959 Julie mới chào đời) [5].

 


Julie Hedgepeth Williams, tác giả quyển sách

A Rare Titanic Family : The Caldwells’ Story of Survival



Trong quyển sách Unsinkable : The Full Story of the RMS Titanic (Không thể chìm : chuyện đầy đủ về tầu bưu chính hoàng gia Titanic) của Daniel Allen Butler, xuất bản lần đầu ngày 31-3-1998, người ta cũng đọc được những câu chuyện tương tự. Thí dụ vài chuyện sau.

 

Khi một hành khách yêu cầu đại lí tầu bảo hiểm một khoản phụ trội cho những hành lí giá trị của mình, nhân viên đại lí đã trả lời : “Buồn cười ! Con tầu không thể chìm được”.

 

Thuyền trưởng tầu Titanic trong chuyến hải hành đầu tiên, cũng là chuyến cuối cùng và duy nhất của Titanic, ông Edward John Smith, cũng tin như thế, và nhiều lần bày tỏ công khai. Khi có người quan tâm về độ an toàn của con tầu, ông trả lời : “Tôi không thể hình dung ra trường hợp nào có thể gây sự cố cho con tầu mà những người chế tạo nó không lường tới. Tôi không thể tưởng tượng bất cứ tai nạn nào có thể xảy ra cho con tầu. Kĩ thuật hiện đại đã vượt qua những điều ấy.” Sau khi con tầu đụng băng sơn, một hành khách đã yêu cầu ông phải cho các nhân viên hải hành làm điều gì đó, ông ta đáp : “Về ngủ đi. Con tầu không thể chìm.”

 

Đến khi nước đã tràn vào tầu mỗi lúc một nhiều, người ta bắt đầu vá chỗ thủng, có hành khách lo lắng, thì có người khác trấn an : “Người ta không thể làm đắm con tầu”.



Tờ báo The Manchester Guardian, số ra ngày Thứ Ba, 16-4-1912 tại New York, đăng lời khẳng định của P.A.S. Franklin trong bài báo có tựa đề The Vessal Unsinkable = con tầu không thể chìm, sau khi nhận được các tin báo về việc Titanic đã va chạm

với một băng sơn.




Khi nước Mĩ dồn dập nhận được những tin tức về tấn thảm kịch, Philip Albright Small Franklin, phó chủ tịch công ti International Mercantile Marine, chi nhánh New York của White Star Line, vẫn còn khẳng định, theo như bài báo (hình ở trang trước) đăng tải : “Chúng tôi không lo mất con tầu, vì nó sẽ không chìm, nhưng lấy làm tiếc vì sự bất tiện xảy ra cho hành khách. Chúng tôi tuyệt đối chắc chắn rằng Titanic có thể đối phó với mọi nguy hiểm. Đầu tầu có thể ngập trong nước, nhưng nó sẽ nổi vô thời hạn trong tình trạng đó.”

 

Từ ngữ “unsinkable – không thể chìm” này được in trên giấy trắng mực đen trong tên một quyển sách xuất bản rất sớm sau thảm họa : quyển An Unsinkable Titanic của J. Bernard Walker, phát hành lần đầu tại New York vào tháng Bảy năm 1912. Nó cũng có trong tên quyển sách Unsinkable : The Full Story of the RMS Titanic của Daniel Allen Butler, được trích dẫn trên, phát hành sau thảm họa hơn 80 năm.

 

Khoảng những năm đầu thập niên 60 thế kỉ trước, cố linh mục Ant. T. có xuất bản một tập truyện nhỏ (chỉ hơi lớn hơn bàn tay) dày 32 trang, trong đó có kể về thảm họa tầu Titanic, còn cho biết : người ta đã kẻ trên lườn tầu Titanic dòng chữ Ngay cả Chúa Trời cũng không thể làm chìm con tầu này (cha Ant. T. không dẫn nguyên ngữ trong quyển sách của ngài).

 

Gần đây, ngày 15-4-2020, trong một bài viết của cố linh mục Tiến Lộc cũng kể lại chuyện tương tự chuyện trong tập sách của cha Ant. T. ; cha Tiến Lộc cho biết ngài đọc được chuyện này trong tạp chí Truyền Giáo Thế Giới của HT Phúc Âm Liên Hiệp, xuất bản khoảng năm 1962 :

 

... Người ta kể rằng, khi con tàu kiêu hãnh, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng bậc nhất lúc bấy giờ vừa xuất xưởng và hạ thủy, họ đã đọc thấy dọc theo sườn tàu có vẽ sơn những câu khẩu hiệu rất kiêu căng và ngạo nghễ như sau :

 

1/ No God, no Pope ! (Không Chúa, không Giáo hoàng)

 

2/ Le Christ Lui même, ne le fera pas sombrer. (Ngay đến Đức Kitô cũng không thể nào đánh đắm con tàu này)

 

3/ Ni le ciel, ni la terre ne peut nous engloutir ! (Cả trời lẫn đất cũng không thể khiến chúng ta bị nhận chìm)

 

Ngay khi ấy, một trong các công nhân đóng tàu, vốn là một người Công giáo ở Dublin, đã ghi vào trong nhật ký như một lời tiên tri : “Vì những tội xúc phạm ghê gớm đó, tôi tin Titanic sẽ không bao giờ tới được New York.”

...

 

Titanic đụng vào khối băng sơn trước nửa đêm. Lúc đó có một số người đã ngủ, nhưng nhiều người vẫn còn thức. Không chỉ thức, họ còn đang nhảy nhót, tiệc tùng, hưởng thụ cuộc sống đáng tin cậy đang diễn ra, bởi vì con tầu “không thể chìm”. Chỉ 3 giờ sau, con tầu “không thể chìm” đã chìm xuống dưới đại dương. Nhiều người đang mặc trên mình những bộ quần áo ngủ, đồng thời có nhiều người khác vẫn còn mặc y phục dạ tiệc. Đêm ấy chẳng ai trên tầu lại mong rằng mình sẽ chết. Sự việc này khiến liên tưởng đến các dụ ngôn Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng Luca 12:13-57.

 

Vài câu hỏi có thể nảy sinh từ thảm họa tầu Titanic :

 

1. Chúa Trời có thể làm đắm con tầu Titanic không ?

 

Câu trả lời quá dễ : đối với Chúa Trời mọi sự đều có thể, apud Deum omnia possibilia sunt, chính Chúa Giêsu đã khẳng định như thế khi Người nói về việc “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào nước Thiên Chúa”, xem Mt 19:26, Mc 10:27, Lc 18:27. Nhưng có thể có câu hỏi khác.

 

2. Thế Chúa Trời đã làm chìm tầu Titanic ư ?

 

Thưa : không. Thiên Chúa là Đấng thánh và là Đấng tốt lành vô cùng. Chúa chỉ làm những điều tốt lành. Sách Sáng thế : Gen 1:31 : Viditque Deus cuncta, quae fecit, et ecce erant valde bona, Thiên Chúa nhìn xem mọi sự Chúa đã làm ra : chúng thật là tốt đẹp (các câu khác : Gen 1:12, 18, 21, 25 : Et vidit Deus quod esset bonum, Thiên Chúa thấy chúng [= những thứ Chúa đã dựng nên] tốt đẹp).

 

Thiên Chúa lại còn là Đấng xót thương không cùng : lời Thánh vịnh 103:8 (102:8) : miserator et misericors Dominus, longanimis et multae misericordiae = Chúa giầu lòng lân mẫn và khoan thứ, chậm giận mà rất mực xót thương. Ngay trong sách Sáng thế, có thể đọc được một trong những câu chuyện hết sức cảm động về lòng thương xót của Thiên Chúa : chuyện tổ phụ Abraham “trả giá” với Chúa về việc hủy diệt Gomora và Sodoma [6]. Chính cụ tổ phụ Abraham đã nhìn nhận cụ chỉ là thân tro bụi (pulvis et cinis), tương tự lời kinh ta vẫn đọc : vật phàm hèn cùng là hư không, còn Chúa là Chúa dựng nên trời đất cũng như dựng nên chính cụ. Ấy thế mà cụ đã dám “mặc cả” với Chúa, từ 50 “đồng” (tức là 50 người công chính trong thành) xuống 45 “đồng”, rồi 40, 30, 20, cho đến khi “giá” đã hạ đến 10 “đồng”, thì cụ biết là đã “rẻ” hết mức rồi, nên không còn dám “kèo nài” với Chúa nữa.

 

Còn Đức Chúa thì sao ? Chúa vẫn nhẫn nại nghe Abraham kì kèo, và bằng lòng với mọi “mức giá” Abraham đưa ra ; Chúa chấp nhận hết, không hề nổi giận. Như thế còn không thấy được lòng thương xót vô hạn của Chúa hay sao ?

 

Những người đi tầu, dù được đưa xuống xuồng cứu sinh hay ở lại trên tầu, cũng “không nghe thấy bất cứ ai đổ lỗi về chuyện này cho Đức Chúa Toàn năng”, như Lawrence Beesley đã thuật lại trong The Loss of Titanic – Its story and its lessons.

 

 

3. Vậy ai hay điều gì đã làm đắm tầu Titanic ?

 

Hãy xem các nguyên nhân dẫn đến thảm họa chìm tầu người ta từng phân tích từ ngay sau vụ đắm xảy ra (và người ta vẫn tiếp tục phân tích mãi cho đến nay).

 

+ Những nguyên nhân làm tầu đắm :

 

Chuyến hải hành đã bị hoãn lại 3 tuần ; nếu khởi hành vào lúc khác, con tầu đã không gặp khối băng sơn ;

 

Con tầu chỉ cần tăng hoặc giảm tốc độ một hải lí mỗi giờ, khối băng sơn cũng đã ở chỗ khác ;

 

Khối băng sơn có mầu “xanh”, là mầu khó nhận ra nhất trên biển cả ;

 

Đêm đó không trăng, không có ánh sáng để nhìn được khối băng sơn ;

 

Đêm đó lặng gió ; gió tạo ra sóng đập vào băng sơn làm cho nó dễ nhận ra hơn ;

 

Tổ quan sát không có ống nhòm, chúng được cất nơi khác trong tủ khóa chặt, và không biết chìa khóa để đâu ;

 

Tuy thế, tổ quan sát cũng nhìn thấy băng sơn đúng lúc để báo cho tổ lái kịp đổi hướng con tầu ; nếu họ nhìn thấy nó sớm hơn 10 phút, thảm họa đã không xảy ra ;

 

Lại nữa, nếu tổ lái nhận ra băng sơn trễ hơn 10 giây, con tầu sẽ đâm thẳng vào băng sơn, điều này sẽ không làm tầu đắm ; con tầu đã bị băng sơn cứa dọc một bên sườn và bị xé ngang hông (dưới mặt biển, gần đáy tầu), nước ùa vào làm chìm tầu...

 

+ Những nguyên nhân làm chết nhiều người :

 

Theo thiết kế, tầu Titanic sẽ có 32 xuồng cứu sinh (các nhà chế tạo tầu thủy cho biết nó có thể dễ dàng trang bị nhiều xuồng cứu sinh hơn). Tuy vậy, số xuồng cứu sinh thật có trên tầu Titanic chỉ là 20 xuồng, nếu mỗi xuồng chở đủ số người tối đa theo quy định, cũng chỉ có thể chở được 1178 người (2 xuồng chở được 40 người mỗi chiếc, 4 xuồng chở 47 người / chiếc, 14 xuồng chở 65 người / chiếc ; tầu Titanic dự kiến chở tối đa 3327 người, số người thật có trên tầu trong chuyến đi này là 2435 người, số người đã được đưa xuống các xuồng cứu sinh chỉ có 705 người [7]). Công ti White Star Line từ chối trang bị thêm xuồng, nại lí do tốn kém (và có lẽ họ cho rằng không cần thiết, vì Titanic không thể chìm !), trong khi những khoản chi làm cho con tầu trở nên xa hoa bậc nhất còn tốn kém cả hàng vạn lần hơn, người ta vẫn vung tiền không tiếc tay !

 

Sau khi Titanic khởi hành, thủy thủ đoàn đã nhận ít nhất sáu điện báo về sự xuất hiện các băng sơn trong khu vực lộ trình của nó, được gửi đi từ các tầu Coronia, Noordam, Baltic, Amerika, Californian, và Mesaba. Những điện báo này mô tả cặn kẽ về các dạng băng sơn, định vị chúng cụ thể trên bản đồ, ước lượng bề rộng của dải băng sơn có thể lên đến hơn 120 km, hướng trôi của nó cắt qua lộ trình của Titanic. Nhưng chỉ một hay hai bức điện đến được thuyền trưởng Smith, còn lại đều bị bỏ lơ vì những lí do nào đó. Titanic cứ chạy hết tốc độ trong đêm tối, từ chối chuyển hướng lộ trình, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy ra.

 

Khi tầu Titanic sắp đắm, ánh sáng của một con tầu khác có thể trông thấy trên đường chân trời. Con tầu khác đó, tầu Californian, đã dừng suốt đêm, có lẽ vì đã nhìn thấy hoặc nghe thấy băng sơn trôi trong khu vực. Rõ ràng nó có thể đến cứu trợ tầu Titanic. Thủy thủ tầu Titanic đã cố gửi tín hiệu cầu cứu đến Californian bằng vô tuyến điện tín mã Morse, cả bằng chớp đèn, và cả bằng pháo sáng. Tầu Californian không nhận được vô tuyến điện tín từ Titanic, vì Californian đã tắt máy vô tuyến đêm đó. Trong các điều tra sau này, thủy thủ tầu Californian xác nhận đã nhìn thấy tám pháo sáng, họ đã báo cáo các tín hiệu này cho thuyền trưởng. Lúc ấy đã nửa đêm, thuyền trưởng đang ngủ. Họ đánh thức ông ta, nhưng ông ta bảo rằng pháo sáng chẳng có nghĩa lí gì. Họ đã tự hỏi nếu không có mục đích gì thì tại sao một con tầu lại bắn đến tám quả pháo sáng lúc nửa đêm. Thành thử đã có cả ngàn rưởi người thiệt mạng còn tầu Californian thì bất động. Nó đã có thể cứu họ dễ dàng, nhưng thuyền trưởng tầu Californian không tin có chuyện gì xảy ra, và không muốn bị quấy rầy lúc nửa đêm.

 

Qua các phân tích, tường thuật, báo cáo... được kể lại trên đây, có thể thấy :

 

1. Sự tự hào thái quá đến nỗi trở thành sự kiêu ngạo ghê gớm từ khi con tầu còn nằm ở ụ đóng tầu, đến lúc nó đã ra khơi, thậm chí cả khi nó đã bị băng sơn cứa phải, chính sự kiêu ngạo đó đã làm chìm con tầu.

 

2. Chính sự ích kỉ cá nhân, thờ ơ, không quan tâm đến đồng loại, từ khi Titanic còn chưa hạ thủy, cho đến lúc nó cầu cứu trong đêm tối tăm mù mịt, đã làm tăng bội số người thiệt mạng.

 

Cũng cần nói thêm : Khi Titanic sắp chìm hẳn, nhân viên vô tuyến trên tầu còn cố tìm ra một con tầu khác khá gần để mong có thể được cứu. Họ đã liên lạc được với tầu Carpathia, một tầu Anh nhỏ cách đó 58 dặm (khoảng 93 km). Điện báo viên của Carpathia nhận được điện tín, vội vã báo cáo với sĩ quan của mình, rồi cả hai cùng lao đến buồng thuyền trưởng Arthur Rostron, đánh thức ông. Khi nghe đọc bức điện, ông nói : “Được, hãy bảo họ chúng ta sẽ đến nhanh nhất trong khả năng của mình”.

 


 

Tầu Carpathia neo tại cầu tầu 54, New York, trong hai ngày

18, 19-4-1912, sau khi đã cứu sống hơn 700 người

trong vụ đắm tầu Titanic



Thuyền trưởng Roston ra lệnh cho tầu chạy hết tốc độ để kịp cứu nạn, nhưng tốc độ tối đa của Carpathia chỉ có 14 knots (khoảng gần 26 km/h), với tốc độ đó phải mất 4 giờ nó mới đến được chỗ tầu Titanic. Carpathia tăng tốc, và mỗi giờ nó đã chạy thêm được khoảng 3 knots (5,6 km/h) so với tốc độ tối đa theo thiết kế, tức là tốc độ của nó trong lần cứu cấp này lên tới 17 knots (khoảng 31,5 km/h). Cuối cùng tầu Carpathia, một mình nó mà không hề có tầu nào khác cùng tham gia, đã cứu được hơn 700 người trong vụ đắm kinh hoàng.

 

Chúa Nhật II Phục sinh năm 2000 (nhằm ngày 30-4), thánh Gioan Phaolô II tuyên hiển thánh cho chân phúc Faustina, đồng thời chính thức gọi Chúa Nhật này là Chúa Nhật Lòng Chúa lân mẫn, Dominica Divina Clementiae. Gần một tháng sau, ngày 23-5, bộ Phụng tự của Tòa thánh ban hành quyết định chính thức xác nhận việc gọi tên như vậy (chỉ là thay đổi cách gọi, còn vẫn giữ nguyên bài lễ), “để các tín hữu trên toàn thế giới có dịp suy ngắm về lòng thương xót của Chúa đối với từng cá nhân cũng như đối với toàn thể nhân loại” [8].

 

Đã 111 năm sau thảm họa đắm tầu Titanic, khi nhớ đến sự kiện, chúng ta xin Chúa rủ lòng thương xót những nạn nhân của thảm họa này, bất kể người đó là ai, đồng thời cũng xin Chúa rủ lòng thương xót tất cả những nạn nhân, còn sống hay đã chết, trong những thảm họa khác xảy ra do sự kiêu ngạo, dối trá, độc ác, ích kỉ của con người.

 

                                                     Thứ Ba áp Lễ Tro 2023

 

                                                            Bùi Ngọc Hiển

 

Vài chú thích :

 

[1] Các thời điểm ở đây xác định theo giờ trên tầu Titanic : giờ được điều chỉnh lại từng ngày theo giờ sao biểu kiến vào mỗi nửa đêm trên tầu. Vì tầu đi về hướng Tây, nên mỗi khi vượt qua một kinh tuyến, thì thời gian trên tầu trễ lại 4 phút ; ngược lại, nếu tầu đi về hướng đông thì phải điều chỉnh thời gian sớm lên 4 phút / kinh tuyến. Quy ước thế để khi tầu đến một địa điểm trên bờ, thì thời gian trên tầu và thời gian ở địa điểm đó vẫn khớp nhau.

 

Nửa đêm ngày 13 sang ngày 14-4-1912, đồng hồ trên tầu được điều chỉnh trễ lại 2 giờ 58 phút so với giờ GMT, vì khi ấy nó đã đến kinh tuyến 44,5 độ về phía tây so với kinh tuyến đi qua Greenwich ; còn nửa đêm ngày 14 sang ngày 15-4 thì xảy ra tai nạn, nên chẳng ai quan tâm đến việc điều chỉnh giờ nữa. Do đó, lúc 23 giờ 40 phút ngày 14-4-1912 trên tầu (cũng tức là tại vị trí xảy ra tai nạn) là 2 giờ 38 phút GMT ngày 15-4, và 2 giờ 20 phút ngày 15-4 trên tầu là 5 giờ 18 phút GMT, tức là khi ấy sắp bình minh tại nước Anh.

 

[2] Sự trùng hợp khá tình cờ : vào lúc 3 giờ sáng ngày 14-4-2022, tuần dương hạm Moskva (nguyên trong tiếng Nga là Москва) của Nga đã chìm vào biển Đen. Con tầu này được coi là niềm tự hào của hải quân Nga. Dù vậy, kích thước của nó vẫn còn thua tầu Titanic : dài 186,4 m, bề ngang 20,8 m.

 

Từ sau thảm họa tầu Titanic, không còn ai dám xưng tụng bất cứ con tầu nào là “không thể chìm” nữa. Những con tầu được coi là lớn nhất thế giới hiện nay :

 

1). Tầu khách : Wonder of the Seas, dài : 362.04 m, bề ngang chỗ rộng nhất : 64 m ; số hành khách chở được : 5.734 (tối đa có thể chở tới 6.988 khách) với thủy thủ đoàn là 2.300 người ; tốc độ : 22 knots (41 km/h).

 

2). Tầu hàng : Prelude FLNG, dài : 488 m, ngang : 74 m, cao : 105 m ; thủy thủ đoàn : 220 – 240 người,

 

3). Tầu chiến : hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford : chiều dài : 337 m, ngang (sân bay trên tầu) : 78 m, cao : 76 m ; tốc độ : 30 knots (56 km/h ; tốc độ tối đa không công bố).

 

Không ai dám gọi bất cứ chiếc nào trong những tầu kể trên là “không thể chìm”, cho dù được thiết kế và chế tạo với kĩ thuật tân tiến đến đâu đi nữa.

 

[3] Có nhiều người đã đặt chỗ trước trên tầu Titanic, nhưng sau đó họ đã bỏ không đi nữa vì nhiều lí do khác nhau. Người ta thường kể một số người như : Robert Bacon (đại sứ Mĩ tại Pháp), David Blair (sĩ quan hạng hai trên tầu Titanic), John Coffey (nhân viên chữa lửa ; người này đã lên tầu Titanic tại Southampton, nhưng lại rời tầu khi đến Ái-nhĩ-lan, và bị lỡ chuyến tại đây), Joseph Donan (đầu bếp), Thomas Hart (nhân viên chữa lửa tầu Titanic), Milton Hershey (nhà sản xuất bánh kẹo sô-cô-la hàng đầu thế giới), J. Stuart Holden (mục sư), John Pierpont Morgan (tỉ phú ngành thép ở Mĩ), anh em Alfred, Tom Bertram Slade (đều đã đăng kí làm nhân viên chữa lửa trên tầu Titanic)... Trong số những người bỏ chỗ trên tầu Titanic, còn có thể kể Guglielmo Marconi, nhà phát minh người Í, tiên phong trong ngành vô tuyến điện tín, đoạt giải Nobel Vật lí năm 1909. Ông được tặng một vé miễn phí trên tầu Titanic, nhưng đã bỏ để đi trên chuyến tầu Lusitania, khởi hành trước ba ngày.

 

[4] Trên xuồng cứu sinh 13 còn có Lawrence Beesley (sinh vào đêm giao thừa dương lịch 1877 tại Wirksworth, Derbyshire, nước Anh), lên tầu Titanic ngày 10-4-1912, được bố trí ở buồng D56. Sau khi được cứu sống, ông đã viết lại những diễn tiến về vụ đắm tầu trong quyển sách xuất bản ngay tháng Sáu, 1912, tên The Loss of Titanic – Its story and its lessons, Vụ đắm tầu Titanic – câu chuyện và các bài học.

 

[5] Julie Hedgepeth Williams hiện giảng dạy ngành báo chí tại đại học Samford, Alabama, Mĩ. Bà nhận bằng cử nhân khoa Anh ngữ và lịch sử tại Principia College, Elsah, Illinois, bằng thạc sĩ khoa báo chí và tiến sĩ khoa truyền thông đại chúng tại đại học Alabama.

 

[6] Cũng nên nhớ rằng, theo Kinh thánh, Chúa chỉ nói về hai thành này như sau : “Lời cáo chống lại Sodoma và Gomora đã quá nhiều, tội của chúng thật nặng nề. Lời cáo đó đã thấu đến Ta, Ta phải xuống xem có thật như lời cáo đó không ; Ta sẽ biết”, Gen 18:21,22 : Clamor contra Sodomam et Gomorram multiplicatus est, et peccatum eorum aggravatum est nimis. Descendam et videbo utrum clamorem, qui venit ad me, opere compleverint an non ; sciam, có nghĩa là Chúa chưa nói với Abraham rằng Chúa sẽ hủy diệt hai thành đó.

 

[7] Số người trên các xuồng cứu sinh chỉ hơn một nửa số mà các xuồng này có thể chở, do một phần có sự hỗn loạn dù áp dụng tiêu chuẩn “women and chidren first”, phụ nữ và trẻ em trước, phần khác do có người tự nguyện ở lại trên tầu (như vì không nỡ xa lìa người thân, hoặc vì cũng muốn nhường cho người khác được cứu sống).

 

Trong những người ở lại tầu, có linh mục Thomas Byles. Ông vốn tên là Roussel Byles, là người Tin Lành, đã trở lại Công giáo khi đang học thần học tại đại học Oxford, rồi được thụ phong linh mục Công giáo tại Roma năm 1902, lấy tên thánh là Thomas. Năm 1912, em ông tên William, cũng đã trở lại Công giáo, đang sống ở New York, xin anh sang đó để cử hành lễ hôn phối cho mình, hướng dẫn anh cách mua vé hạng hai trên con tầu Titanic.

 

Người ta thuật lại, khi con tầu đụng khối băng sơn, cha Byles đang đọc kinh Thần vụ trên boong thượng. Ngài vội vã chạy ngược lại hướng đến chỗ xuồng cứu sinh, để dẫn đường cho rất nhiều hành khách hạng ba từ các tầng dưới của con tầu có thể đi đến các cầu thang được bố trí rối rắm trên tầu, để lên boong thượng tới chỗ các xuồng cứu sinh. Bà Ellen Mary Mockler, một hành khách hạng ba người Ái-nhĩ-lan, được cha Byles giúp đỡ và được cứu sống, sau này kể lại : “... Cha Byles từ chối chỗ cuối cùng trên chiếc xuồng chót, để nhường lại cho một người khác... Khi xuồng chúng tôi đã chèo ra xa con tầu, tôi vẫn còn nghe vẳng đến tiếng cha Byles cùng lần chuỗi Môi khôi với những người còn ở lại trên tầu...”

 

[8] Chúa Nhật II Phục sinh, tức là Chúa Nhật cuối tuần bát nhật PS, ngoài tên gọi mới nhất được thánh Gioan Phaolô II đổi lại, còn có nhiều cách gọi khác :

 

1). Dominica in albis (Lat.), CN (áo) trắng. Theo truyền thống lâu đời của Hội thánh, trong khi chịu phép Rửa tội vào đêm Vọng PS, mỗi tân tòng sẽ mặc một áo dài trắng có mũ trùm đầu, Lat. : chrismale (áo mặc để chịu xức dầu thánh, dầu chrisma) ; áo này được mặc tới CN cuối tuần bát nhật PS. Vì thế, CN II Phục sinh được gọi là Dominica in albis depositis, CN cởi bỏ (áo) trắng, rồi nói tắt thành Dominica in albis. Cách gọi này được ghi nhận chính thức trong Sách lễ Roma, Missale Romanum, trong Phụng vụ trước Công đồng Vaticanô II.

 

2). Pascha clausum (Lat.), nghĩa là “lễ PS đóng lại”, vì là ngày kết thúc tuần bát nhật PS. Cách gọi này không chính thức.

 

3). CN của thánh Tôma tông đồ. Cách gọi này cũng không chính thức. Theo truyền thống rất xa xưa, bài Phúc âm trong thánh lễ CN II PS luôn luôn là bài trích Tin Mừng Gioan, đoạn 20, các câu từ 19 đến 31, dù PV theo nghi thức trước hay sau CĐ Vaticanô II, cả ba năm A, B, C : ... Et post dies octo iterum erant discipuli eius intus, et Thomas cum eis. Venit Iesus ianuis clausis et stetit in medio et dixit : “Pax vobis !” Deinde dicit Thomae : “Infer digitum tuum huc et vide manus meas et affer manum tuam et mitte in latus meum ; et noli fieri incredulus sed fidelis ! = ... và tám ngày sau, các môn đồ lại ở trong nhà, và có Tôma ở với họ. Đang khi các cửa còn đóng kín, Chúa Giêsu lại hiện đến, đứng giữa họ và nói : Bình an cho các con. Rồi bảo Tôma : Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy xem tay Thầy, hãy đưa tay con ra mà xỏ vào cạnh sườn Thầy ; và đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin... Bài này cũng là bài Phúc âm đọc trong lễ kính thánh Tôma tông đồ nhằm ngày 3-7 hằng năm. Vì thế ở một số nơi, CN II PS còn được gọi là CN của thánh Tôma tông đồ (tiếng Anh : Saint Thomas Sunday / Sunday of Saint Thomas).

 

4). CN Quasimodo (tiếng Anh : Quasimodo Sunday). Cách gọi phổ thông. Gọi thế là vì Quasi modo (2 từ riêng biệt) là những tiếng đầu tiên trong bài Ca nhập lễ được hát lên trước hết trong thánh lễ hôm ấy, nguyên lấy từ thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ (1Pet 2:2) : Quasi modo geniti infantes, rationabiles, sine dolo lac concupiscite : như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa linh thiêng, không pha lẫn. PV thánh lễ theo nghi thức sau CĐ Vaticano II vẫn giữ lại Ca nhập lễ này, đồng thời thêm một CNL thứ hai tùy chọn lấy từ 4Esdr 2:36-37.







Không có nhận xét nào: