Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

CHÚA CHỊU CHẾT

CHÚA CHỊU CHẾT


Vào thế kỉ I Công nguyên, và cả cho đến nay, lịch truyền thống của người Do-thái là âm lịch. Theo đó, ngày đầu tháng được xác định vào lúc ở Jerusalem có thể nhìn thấy trăng non (cũng gọi là trăng mới) mọc” (1) lên sau khi mặt trời lặn (cũng ở cùng hướng Tây nơi mặt trời vừa lặn xuống, sau đó cũng lặn ngay xuống theo mặt trời), để mười lăm ngày sau có thể thấy trăng tròn (nhưng như hầu hết các tinh tú nhìn thấy trên bầu trời, trăng tròn mọc lên ở hướng Đông).

Theo lịch đó, một ngày bắt đầu được tính từ khi mặt trời lặn hôm nay cho đến lúc mặt trời lặn hôm sau (để sau đó lại bắt đầu tính một ngày mới ; xem sách Sáng thế 1:5 : “Một buổi hôm và một buổi mai, ngày thứ nhất”). Do đó, thí dụ ngày Thứ Sáu trong tuần, sẽ bắt đầu từ lúc mặt trời lặn chiều tối ngày Thứ Năm, kéo dài cho đến lúc mặt trời lặn xuống vào hôm sau (kể từ lúc đó là sang ngày Thứ Bảy, ngày Sabbath, Hưu lễ). Nhưng giờ ban ngày theo lịch Do-thái vẫn tính bắt đầu từ lúc mặt trời mọc mỗi sáng, nên giờ thứ nhất có thể coi là tương đương 6:00 giờ theo cách tính phổ biến hiện nay, giờ thứ ba tức là 9:00 giờ, giờ thứ sáu là 12:00 giờ, giờ thứ chín là 15:00 giờ, cho tới giờ thứ mười hai là giờ cuối cùng trong ngày tức là tương đương với 18:00 giờ (có thể xem dụ ngôn về những người thợ làm vườn nho kể trong Matthêu 20:1-16). Sự việc nào xảy ra khi còn ánh mặt trời, dù chỉ chốc lát trước khi mặt trời lặn, được kể thuộc về ngày hôm đó ; nếu xảy ra khi mặt trời đã lặn dù chỉ chốc lát, cũng phải kể thuộc vào ngày hôm sau.

Vì Đức Chúa “nghỉ mọi công việc Người đã làm vào ngày thứ bảy” (Sáng thế 2:2), nên ngày Sabbath là ngày mà “ngươi không được làm việc gì trong ngày đó” (Lêvi 23:3, Xuất hành 20:10). Vì thế, bữa ăn cho tối hôm đó, tức là tối hôm Sabbath, phải được chuẩn bị sớm hơn vào lúc ban chiều, nghĩa là vẫn còn thuộc vào ngày Thứ Sáu, ngày Dọn Hưu lễ (x. Marcô 15:42). Bên cạnh các ngày Sabbath là các ngày Hưu lễ hằng tuần, còn có “các ngày lễ thuộc về Chúa, cả những ngày họp thánh, mà các ngươi sẽ công bố” (Lêvi 23:4), mà quan trọng nhất là lễ Vượt qua, một lễ không cố định, có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần, được coi là ngày thánh cách đặc biệt nếu rơi nhằm ngày Thứ Bảy Sabbath.

Tháng âm lịch Do-thái Nisan được kể là “tháng thứ nhất cho các ngươi” (Xuất hành 12:2). Tháng này tương ứng với khoảng tháng Ba – tháng Tư dương lịch (đối với cổ lịch Rôma, ngày đầu năm mới là ngày Xuân Phân 25 tháng Ba, tháng Martius, hiện nay ngày Xuân Phân thường là vào ngày 21-3). Trong tháng Nisan luôn có lễ Vượt qua và tuần lễ ăn bánh không men với rau đắng để tưởng nhớ ngày dân Do-thái ra khỏi Ai-cập, mỗi nhà đều được ghi dấu bằng máu chiên bôi trên trụ cửa để Đức Chúa vượt qua. Con chiên bị giết đó là con chiên mỗi nhà đã phải nuôi và giữ “cho đến ngày mười bốn tháng này” (tức là tháng Nisan, Xuất hành 12:6, Lêvi 23:5, Dân số 28:16). Con chiên bị giết vào ban chiều ngày 14 tháng Nisan để chuẩn bị cho tiệc Vượt qua là bữa sẽ ăn vào lúc tối (sau khi mặt trời lặn, cùng với trăng tròn mọc lên), tức là vào lúc bắt đầu ngày 15.

Các sách Phúc âm đều ghi nhận Chúa Giêsu chết vào ngày Thứ Sáu đang dịp lễ Vượt qua (x. Matthêu 27:62, Marcô 15:42, Luca 23:54, Gioan 19:42). Trước đó Người đã dùng một “Bữa ăn cuối” với các môn đồ. Các Thánh kí cũng cho biết Người bị đóng đinh vào cây thập tự dưới thời hoàng đế Tiberius, khi Pontius Pilatus làm tổng trấn xứ Judea (từ năm 26 đến năm 36), còn Caiphas làm thượng tế ở Jerusalem (từ 18 – 36), Herode Antipas làm vua (tứ phân hầu, tetrarch) xứ Galilê (khoảng từ năm 4 TCN, sau cái chết của Herode đại vương là vua cha, kẻ đã tàn sát các hài nhi khi Chúa giáng sinh, cho đến năm 39 ; xem Tacitus trong Niên kí, XV.44, Josephus trong Cổ Do-thái, XVIII.2.2, XVII.8.1 ; cũng x. Luca 3:1-2).

Nhưng có sự không thống nhất giữa các thánh kí là “Bữa ăn cuối” đó có phải là tiệc Vượt qua hằng năm của người Do-thái hay không, và Chúa chết trước hay sau tiệc Vượt qua này. Các Phúc âm cộng lãm (2) cho biết Chúa chịu đóng đinh và chết trên cây thập tự sau bữa tiệc Vượt qua, vào chính ngày lễ Vượt qua ; còn Phúc âm Gioan lại viết Chúa chết trước khi tiệc Vượt qua, và vào ngày Dọn mừng lễ.

Phúc âm Marcô, được viết trước hết trong bốn Phúc âm, có lẽ khoảng năm 70, mà dịp lễ Vượt qua năm 70 đó, quân đội Rôma đang bao vây thành Jerusalem, bốn tháng sau thì san bằng Đền thờ (đã được xây “bốn mươi sáu năm trời”) (x. Josephus, Cuộc chiến tranh Do-thái, V.3.1, VI.4.8 ; cũng x. Marcô 13:2 : “sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào mà không bị xô xuống”). Thánh kí tường thuật : vào “ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men, khi người ta giết chiên Vượt qua”, thì các môn đồ đã hỏi Chúa Giêsu xem họ sẽ chuẩn bị ở đâu để “Người sẽ ăn lễ Vượt qua” (Marcô 14:12 ; cũng x. Matthêu 26:17 ; đồng thời trong Luca 22:15 : “Thầy ao ước được ăn lễ Vượt qua này với anh em trước khi Thầy chịu nạn”). Các việc chuẩn bị đã xong xuôi cả, và tối hôm đó, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra (tức là phân phát chính thân mình Người), sau đó chia rượu (chính là đổ máu Người) cho các môn đồ. Rồi Người cùng đi với một số người vào vườn Gethsemani, tại đây, Người đã bị phản bội, bị bắt vào tối đêm đó. Đến sáng, Người bị Pontius Pilatus xét xử, bị kết án, và vào giờ thứ ba (tức là 9:00 giờ sáng) ngày lễ Vượt qua thì Người bị đóng đinh vào cây thập tự.

Phúc âm Gioan được viết sau chót (trong 4 bản Phúc âm), khoảng 25 năm sau đó. Gioan viết rằng Chúa Giêsu chết “vào trước lễ Vượt qua, khi Chúa Giêsu biết đã đến giờ Người sẽ phải bỏ thế gian này mà về cùng Cha” (Gioan 13:1). Trong quyển Phúc âm này không nói đến việc chuẩn bị tiệc Vượt qua, cũng không nói đến bí tích Thánh Thể, chỉ nói rằng “trong bữa tối ấy”, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đồ (Gioan 13:2, 5), và, vọng lại việc làm của Môsê, Người đã để lại cho các môn đồ một giới luật mới : hãy yêu mến nhau (Gioan 13:34). Tối hôm đó (khi bắt đầu ngày Dọn mừng lễ), Chúa Giêsu bị bắt. Đến sáng sớm, Người bị điệu từ nhà Caiphas đến sảnh đường của Pilatus. Tuy nhiên người Do-thái từ chối vào trong sảnh vì “sợ mắc uế, không thể ăn lễ Vượt qua được” vào buổi tối (tức là sang ngày Sabbath) (Gioan 18:28), buộc Pilatus phải ra ngoài, một việc làm họa hiếm, để thẩm vấn Chúa Giêsu và những kẻ tố cáo Người. Sau rốt, Người bị lên án, vác lấy thập tự giá đi chịu đóng đinh. “Đó là ngày Dọn lễ Vượt qua, vào khoảng giờ thứ sáu” (tức là ban trưa ; Gioan 19:14, 16).

Marcô và Gioan cùng nhận Chúa Giêsu chết ngày Thứ Sáu. Trong Marcô, ngày này là ngày Lễ Vượt qua (nhằm ngày 15 tháng Nisan). Sau khi ăn tiệc Vượt qua vào buổi tối (tức là tối Thứ Năm theo cách tính ngày hiện nay), Chúa bị bắt, bị điệu đến Caiphas rồi Pilatus ngay trong đêm, bị Pilatus kết án, và bị đóng đinh thập tự giá vào ban sáng lúc khoảng 9:00 giờ, chính ngày lễ Vượt qua. Trong Gioan, Chúa chết vào ngày Dọn lễ Vượt qua (tức ngày 14 tháng Nisan), trước tiệc Vượt qua (theo tập truyền Do-thái), độ khoảng sau buổi trưa nhưng trước lúc mặt trời lặn hôm đó (chưa sang ngày 15 Nisan là chính ngày lễ Vượt qua). Theo sử gia Josephus, sự việc này xảy ra vào khoảng “từ giờ thứ chín đến giờ thứ mười một” (tức 15:00 giờ đến 17:00 giờ ; x. Cuộc chiến tranh Do-thái, VI.9.3). Chúa Giêsu đã ăn bữa tối sau hết vào tối trước (tức thuộc ngày Thứ Năm, 13 Nisan) mà không phải là tiệc Vượt qua truyền thống, nhưng đã bị kết án và bị đóng đinh khi trong dân chúng đang chuẩn bị cho tiệc Vượt qua đó.

Như thế, trong Gioan, lễ Vượt qua nhằm ngày Sabbath Hưu lễ trong tuần. “Ngày Hưu lễ này là một đại lễ” (Gioan 19:31 ; đại lễ đó chính là lễ Vượt qua), do đó Thứ Sáu này là ngày Dọn mừng cho cả hai lễ : ngày Hưu lễ và lễ Vượt qua. Cái chết của Chúa Giêsu xảy ra đúng vào lúc các chiên Vượt qua bị sát tế, chuẩn bị cho tiệc Vượt qua của người Do-thái vào buổi tối sau khi mặt trời lặn, bắt đầu ngày Vượt qua. Chính Chúa Giêsu đã trở thành Con Chiên hiến tế, hay như lời Gioan Tẩy giả, là “Con Chiên Thiên Chúa, mang lấy tội trần gian” (Gioan 1:29, 36), chết cùng thời điểm với sự sát tế của các chiên lễ Vượt qua tại Đền thờ, như lời thánh Phaolô trong thư 1 Corinthô 5:7 : “Chiên Vượt qua của chúng ta, Đức Cristô, đã chịu hiến tế” cho chúng ta.

Và, “vì là ngày Dọn mừng lễ, và không được để xác trên thập tự giá trong ngày Hưu lễ” (Gioan 19:31), Chúa Giêsu phải chết trước lúc mặt trời lặn, trước lúc bắt đầu ngày Sabbath, thời gian mà luật Do-thái cấm xử các vụ trọng hình (có thể dẫn đến án tử ; x. Sanhedrin, Mishnah IV.1, cũng cấm xử các vụ trọng hình vào chiều hôm trước những ngày lễ ; tham chiếu Đệ nhị luật 21:23 : “không được để xác nó [tức là tử tội] qua đêm trên cây, nhưng phải chôn cất nó đi ngay chính hôm ấy”). Phúc âm cộng lãm cũng thuật Chúa chịu chết vào Thứ Sáu, nhưng hôm đó là chính lễ Vượt qua. Phúc âm Gioan là bản duy nhất kể lại việc đánh gẫy ống chân hai tử tội cùng bị treo trên thập tự giá vì hai người này vẫn còn sống. Khi chân bị gẫy, họ không còn có thể rướn người lên để thở (theo phản xạ tự nhiên) nên sẽ chết ngạt, trước khi bắt đầu ngày Sabbath khoảng một giờ sau đó. Chúa Giêsu không bị đánh gẫy chân là vì Người đã chết rồi, mũi giáo của một người lính Rôma đâm thủng ngực Chúa xác nhận điều đó, để trọn lệnh truyền của Đức Chúa chỉ thị cho dân Do-thái khi chọn chiên Vượt qua : “ngươi không được đánh gẫy xương nó” (Xuất hành 12:46 ; tham chiếu Gioan 19:33-34).

Các sách Phúc âm đều nói rõ ngày Chúa chịu chết, nhưng không sách nào đề cập đến năm, chỉ cho biết việc đó đã xảy ra dưới thời cai trị của tổng trấn Pilatus (Kinh Tin kính : thời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô). Humphreys và Waddington đã căn cứ vào các dữ liệu thiên văn để tính ra rằng, suốt thời gian Pilatus làm tổng trấn Judea (từ năm 26 – 36), lễ Vượt qua vào ngày 14 tháng Nisan nhằm ngày Thứ Sáu xảy ra vào ngày 7-4-30 hoặc ngày 3-4-33. Lễ Vượt qua vào ngày 15 Nisan cũng nhằm Thứ Sáu trong vòng 10 năm đó là các năm 27 và 34, thì rõ ràng hoặc là quá sớm hoặc là quá trễ.

Phúc âm Gioan cũng ghi nhận ba (có thể là bốn) lễ Vượt qua trong thời gian  hoạt động công khai của Chúa Giêsu : lần thứ nhất khi Người bắt đầu ra rao giảng (Gioan 2:13) chỉ ít lâu sau Gioan Tẩy giả, khoảng năm 29 (Luca 3:1-3), và lần sau hết là ngay sau cái chết của Người, khi Người và các môn đồ lên Jerusalem, vì “lễ Vượt qua của người Do-thái đã gần đến” (Gioan 11:55). Theo Gioan 2:20, khi Chúa Giêsu tẩy uế Đền thờ Jerusalem dịp lễ Vượt qua thứ nhất trong đời hoạt động công khai của Người, thì người Do-thái đã nói với Người : “phải mất bốn mươi sáu năm để xây” (L. : Quadraginta et sex annis aedificatum est templum hoc). Thực tế khi đó Đền thờ vẫn chưa xây xong. Phải đến khoảng năm 62 – 64 Đền thờ mới hoàn thành, nghĩa là phải hơn 80 năm từ khi nó được khởi công. Năm khởi công, theo sử gia Josephus (Cuộc chiến tranh Do-thái, I.21.1), là “năm thứ mười lăm” dưới triều Herode đại vương, tương ứng với năm 16 TCN. Do đó bốn mươi sáu năm sau chính là năm 29 dương lịch, cũng là năm Pilatus cai trị xứ Judea, và là “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế [Rôma là] Tiberius (x. Luca 3:1), kẻ kế vị Augustus từ năm 14 (x. Tacitus trong Niên kí, I.5, Suetonius trong Cuộc đời Tiberius, XXIV.2). Do đó có thể thấy Chúa Giêsu bắt đầu đời hoạt động của mình vào khoảng năm 29. Người đã qua ba lễ Vượt qua kể từ khi đó, thì không thể chết vào năm 30 được, nghĩa là ngày Thứ Sáu, mồng 7, tháng Tư, năm 30 bị loại ; còn lại ngày Thứ Sáu, mồng 3, tháng Tư, năm 33 có thể chính xác là ngày Chúa chịu chết. Ngày này nhằm ngày 14 tháng Nisan năm 3793 kỉ nguyên Tạo dựng, vào khoảng 3 giờ chiều trước khi bắt đầu ngày lễ Vượt qua đồng thời cũng là ngày Thứ Bảy Sabbath trong tuần.

Kỉ nguyên Tạo dựng được rabbi Do-thái tên là Yose ben Halafta, sống ở thị trấn Sepphoris, thuộc Galilê, vào thế kỉ thứ II, đề xướng, và được dùng trong lịch truyền thống Do-thái. Rabbi Yose chỉ căn cứ vào Kinh thánh, coi đây là thẩm quyền duy nhất để xác định thời gian. Theo đó, Chúa tạo dựng trời đất vào ngày 25 tháng Elul, tháng cuối cùng của năm đầu tiên. Sáu ngày sau, Chúa dựng nên Adam, ngày đó được Yose kể là ngày mồng một tháng Tishrei, tháng đầu tiên của năm mới, tiếng Hipri gọi là ngày Rosh Hashana, và đã sang năm thứ hai. Với cách tính này, theo sau mỗi năm Do-thái là thành ngữ “lebri’at ha’olam” (Hipri :  לבריאת עולם  ), nghĩa là “từ khi tạo dựng vũ trụ”. Năm 1 kỉ nguyên Tạo dựng tương ứng với năm 3761 TCN, con người được dựng nên vào năm 3760 TCN, và từ lúc Tạo dựng đến khi Chúa chịu chết là được 3793 năm (!).

Khi Phúc âm Luca nói rằng “vào khoảng giờ thứ sáu”, tức là khoảng giữa trưa, Chúa Giêsu xác quyết với một trong hai tội nhân cùng bị treo trên thập tự giá, rằng anh ta sẽ được ở cùng Người trên thiên đàng (Luca 23:44), thì theo Phúc âm Gioan, Chúa vẫn còn đang phải đứng trước mặt Pilatus, kẻ đã tuyên bố với dân Do-thái : “Đây là Vua các ngươi” (Gioan 19:14). Rồi trải qua cơn hấp hối đau đớn kéo dài trên thập tự giá, Người chết vào chiều hôm đó.

Trong cố gắng làm cho các bản Phúc âm có thể tương hợp, người ta giả sử rằng Chúa Giêsu đã biết chắc chắn về cuộc bắt bớ ngay sau đó, nên đã không ăn tiệc Vượt qua (đòi hỏi nhất thiết phải có một con chiên Vượt qua), thay vào đó chỉ là một bữa ăn tối sau cùng với các môn đồ vào tối trước. Những người khác (đặc biệt những người chủ trương Kinh thánh vô ngộ) cho rằng : bấy giờ người Pharisêô và người Sađukêô (hoặc một nhánh Qumran lân cận) dùng hai cách tích lịch khác nhau ; các ngày được tính có sai khác giữa người Galilê và người Judea ; một phần ngày có khi được tính tròn một ngày ; thánh Gioan tính theo lịch Rôma, theo đó một ngày mới bắt đầu từ lúc nửa đêm (như cách tính hiện nay) ; hoặc là sai lỗi chính tả vì đọc lầm mẫu tự được dùng làm chữ số giữa chữ gamma Γ với chữ digamma Ϝ (lần lượt là mẫu tự thứ ba và mẫu tự thứ sáu trong bảng chữ cái Hi-lạp xưa : Α alpha = 1, Β beta = 2, Γ gamma = 3, Δ delta = 4, Ε epsilon = 5, Ϝ digamma = 6 ; chữ cái digamma này không còn trong bảng mẫu tự Hi-lạp hiện nay), do đó có thể “khoảng giờ thứ sáu” trong câu Gioan 19:14 trên kia biết đâu chẳng là “khoảng giờ thứ ba” nếu “sáu” hay “ba” trong đó không viết đầy đủ dạng chữ của từ ngữ, mà chỉ viết dạng chữ số tắt trong văn bản (!).

Nhưng như Ehrman cho biết, trong thực tế, không thể làm cho tương hợp điều sai khác này. Việc cố làm như vậy cũng chẳng khác nào che khuất đi ý nghĩa mỗi sách Phúc âm muốn đề cập đến : trong Phúc âm Marcô, Chúa Giêsu chết vào ngày lễ Vượt qua khi trăng tròn như vào ngày Tạo dựng (x. lại Sáng thế 1:16), còn trong Phúc âm Gioan, Người chết vào ngày Dọn mừng lễ Vượt qua như là Con Chiên Thiên Chúa.

Trong số những ngày lễ thánh được kể ra trong sách Lêvi, sau lễ Vượt qua (ngày 14 Nisan) và ngày bắt đầu tuần lễ ăn bánh không men (ngày 15 Nisan), là ngày lễ Quả đầu mùa (ngày 16 Nisan) được mừng vào sau ngày Sabbath (Lêvi 23:11) khi dâng lên Đức Chúa bó lúa đầu tiên để tạ ơn (Lêvi 23:10). Vào năm 33, Chúa Nhật Chúa sống lại phù hợp với ngày dâng Quả đầu mùa, việc Người “sống lại từ cõi chết đã trở nên Quả đầu mùa trong những kẻ an giấc” (thư 1 Corinthô 15:20).

Vì lễ Vượt qua của người Do-thái được mừng vào ngày trăng tròn đầu tiên sau ngày Xuân Phân, nên Giáo Hội cũng ấn định ngày lễ Chúa sống lại là ngày Chúa Nhật đầu tiên ngay sau ngày trăng tròn đầu tiên sau ngày Xuân Phân (hiện nay thường là ngày 21 tháng Ba). Trong phần lớn các năm, khi năm theo lịch truyền thống Do-thái không phải năm nhuận, thì lễ Chúa sống lại là Chúa Nhật sau lễ Vượt qua của người Do-thái. Tuy nhiên, Eusebius đã nhận thấy có một vấn đề như ông viết trong Lịch sử Hội Thánh (V.23-25), “một vấn đề quan trọng không nhỏ đã nảy sinh khi đó (tức là dưới thời Giáo hoàng Victor, khoảng năm 190). Các giáo khu trên toàn châu Á [tức là phần Tiểu Á và vùng Cận Đông mà thôi] vẫn giữ ngày thứ mười bốn tháng trăng, ngày luật Do-thái ấn định sát tế chiên Vượt qua, làm ngày lễ mừng cuộc Vượt qua của Chúa Cứu chuộc, nên cần phải kết thúc mùa Chay vào ngày đó, bất kể ngày đó nhằm vào ngày nào trong tuần lễ. Nhưng đó không phải là tập quán của Hội Thánh ở các phần còn lại trên thế giới, noi theo Tông truyền, hiện chiếm ưu thế, kết thúc mùa Chay không phải vào ngày nào khác ngày sống lại của Chúa chúng ta” (Lịch sử Hội Thánh, V.23.1).

Đó là cuộc tranh luận gọi là Quartodeciman (do quarta decima, nghĩa là “thứ mười bốn”) về việc nên mừng lễ Chúa sống lại trùng với lễ Vượt qua 14 Nisan (như gặp thấy ở Giáo hội Tiểu Á sơ khởi, tuyên xưng thẩm quyền của mình là từ thánh Gioan Tông đồ) hay là chỉ nên mừng vào Chúa Nhật Chúa sống lại (như Giáo hội Rôma yêu cầu, không cần phải hiệu chỉnh theo niên lịch Do-thái). Sự li khai tiềm ẩn này đã được giải quyết dứt khoát với một công bố do Công đồng đầu tiên họp tại Nicea năm 325 (Công đồng này kéo dài 2 tháng 12 ngày, với sự hiện diện của 318 vị giám mục. Giám mục Cordova là Hosius được chỉ định đại diện cho Giáo hoàng Sylvester I. Hoàng đế Constantinus cũng có mặt. Công đồng đã công bố bản tuyên xưng đức tin gọi là kinh Tin kính, nay đọc trong các Chúa Nhật và lễ trọng (đúng hơn, bản đọc trong các Chúa Nhật... là kinh Tin kính Nicea – Constantinope, luận phi Arius, xác quyết thần tính thật của Con Thiên Chúa, đồng thời ấn định ngày mừng lễ Chúa sống lại, bác bỏ tục truyền Quartodeciman).

Cuối cùng cũng nên nhắc lại trong thế kỉ trước, đã có hai năm thánh ngoại thường kỉ niệm ơn Cứu chuộc : năm thánh 1933 do Giáo hoàng Pius XI tuyên bố, kỉ niệm Mười-chín-trăm-năm ơn Cứu chuộc, năm thánh 1983 do thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II tuyên bố, kỉ niệm 1950 năm ơn Cứu chuộc. Cả hai năm thánh này đều căn cứ việc nhìn nhận theo truyền thống Chúa chịu chết vào năm 33.

BÙI NGỌC HIỂN

dịch theo The Death of Jesus, tại :
http://penelope.uchicago.edu/~grout/encyclopaedia_romana/calendar/jesus.html


CHÚ THÍCH :

(1) Chính xác thì phải nói là xuất hiện, vì ngày đầu tháng trăng, trăng non đã mọc lên ở hướng Đông vào buổi sáng, chỉ sau khi mặt trời mọc một ít. Nhưng vì ánh sáng mặt trời quá chói chang, nên không thể thấy được ánh sáng trăng (chỉ là ánh sáng phản chiếu lại một phần nhỏ ánh sáng nhận được từ mặt trời, hơn nữa từ trái đất nhìn lên cũng chỉ nhìn ở một bên mé phần mặt trăng được mặt trời chiếu đến). Chỉ khi mặt trời đã lặn, lúc đó mới thấy được vành sáng của mặt trăng hình lưỡi liềm rất mảnh như hai cái sừng hất đầu nhọn lên trên, mà mặt trăng đã tiến về hướng Tây rồi. Vì thế, chẳng bao lâu sau lúc mặt trời lặn, thì dĩ nhiên trăng non cũng sẽ lặn theo.

(2) Nguyên synopticus là một tính từ Latin mới, do tiếng Hi-lạp cổ συνοπτικός, có nghĩa là cùng nhìn chung với nhau. Vì thế evangelica synoptica dùng chỉ về việc có thể cùng xem chung cả ba bản Phúc âm (Matthêu, Marcô, Luca) có ý đối chiếu song song với nhau, so sánh những chỗ khác nhau (ít thôi), và thường là những chỗ giống nhau (có rất nhiều chỗ như vậy) không chỉ ở bố cục, mà có khi giống nhau đến cả câu văn, từ ngữ, thậm chí đến thứ tự tiếng dùng (Thánh Kinh Tân Ước, Nguyễn Thế Thuấn, 1965, t. 8). Thí dụ có thể so sánh ba câu sau trong ba bản Phúc âm nguyên bằng tiếng Hi-lạp :

Matthêu 8:27 : Ποταπός ἐστιν οὗτος, ὅτι καὶ οἱ ἄνεμοι καὶ ἡ θάλασσα αὐτῷ ὑπακούουσιν ?
bản Nova Vulgata : Qualis est hic, quia et venti et mare oboediunt ei ? (bản NTT : Ông ấy là người thế nào, mà gió và biển cùng vâng phục ông ?)

Marcô 4:41 : Τίς ἄρα οὗτός ἐστιν, ὅτι καὶ ὁ ἄνεμος καὶ ἡ θάλασσα ὑπακούει αὐτῷ ?
NV : Quis putas est iste, quia et ventus et mare oboediunt ei ? (NTT : Ông ấy là ai vậy, mà gió và biển cũng vâng phục ông ấy ?)

Luca 8:25 : Τίς ἄρα οὗτός ἐστιν, ὅτι καὶ τοῖς ἀνέμοις ἐπιτάσσει καὶ τῷ ὕδατι, καὶ ὑπακούουσιν αὐτῷ ?
NV : Quis putas hic est, quia et ventis imperat et aquae, et oboediunt ei ? (NTT : Ông ấy là ai vậy mà truyền khiến được cho cả gió và sóng nước, và chúng vâng phục ông ấy ?)

Vì thế, Thánh Kinh từ điển, Tư Cao Thánh Kinh học hội biên trứ, Hương Cảng (lời tựa đề ngày 8-12-1974, Imprimatur đề ngày 18-2-1975), đã dùng từ ngữ Phúc âm đối quan (= sự đối quan [tức là sự xem song song, đối chiếu] của [các bản] Phúc âm) cho mục từ số 2233, t. 1008, để dịch Gospel’s Synopsis (tiếng Anh) hoặc Synopsis Evangelica (Latin).

Ở đây tạm dùng “cộng lãm” ( với cộng = cùng, chung, và lãm = xem, nhìn) để dịch synopsis / synopticus, mà không dùng tiếng vẫn quen xưa nay là “nhất lãm” ( 一 覽 ). Đó là vì nhất lãm ( hay nhất lãm biểu 一 覽 / bảng nhất lãm...) là từ dùng để chỉ bài / bảng / biểu tóm tắt khái quát hay hệ thống hóa một nội dung rộng lớn hơn nhiều về một vấn đề nào đó, để có thể chỉ cần xem qua một lượt có thể biết được những nội dung chính (đại cương) của cả vấn đề mà chưa cần đi vào từng chi tiết (thí dụ “Biểu nhất lãm văn học cận đại” của Thanh Lãng là một biểu tóm tắt về nền văn học cận đại của Việt Nam, là một vấn đề quá rộng lớn). Trong ba bản Phúc âm gọi là “nhất lãm” đó không có bản nào lại có thể là bản tóm tắt cho một / hai bản còn lại (lưu ý rằng “Phúc âm nhất lãm” ở số nhiều, Evangelica synoptica, vì nói đến cả ba bản Matthêu, Marcô và Luca).

Không có nhận xét nào: