Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

TINH THẦN TÔNG ĐỒ

     Cha mẹ tôi rất chú trọng đến phần rỗi linh hồn người ta, thường hay cầu nguyện và xin kẻ khác cầu nguyện cho người tội lỗi, như khi có một người hàng xóm liệt nặng thì ra sức liệu sao cho được chịu các phép bí tích sau hết.
     Lúc chị Pauline đang tòng học nội trú tại dòng Đức Mẹ thăm viếng ở Mans, ngày 14 tháng 5 năm 1876, mẹ tôi có viết trong thư như vầy : "Mẹ xin con, nhất là dì con, cầu nguyện cho một người hòng qua đời, đã 40 năm không xưng tội. Cha con làm hết sức cho người đó trở lại."
     Việc tông đồ phổ thông nhất trong họ chúng tôi là Hội Truyền Giáo. Hằng năm cha mẹ tôi dâng cho Hội một số tiền khá lớn.
     Khi các ngài cầu nguyện, thường không quên cầu theo ý Hội Thánh và Đức Thánh Cha. Trong nhà, chúng tôi cũng hay nghe nói đến những nỗi khốn khổ Hội Thánh phải chịu, Đức Thánh Cha phải lưu đày, cuộc bách hại tôn giáo đang khởi mào ở Pháp và trong cả thế giới. Còn điều này tôi tưởng cũng nên ghi lại : cha mẹ tôi tin cậy, mong nhờ thánh lễ Misa hơn các lời cầu nguyện khác, lại hay lo xin lễ cầu cho các đẳng.
     Sau này cũng vẫn còn thấy dầu bệnh hoạn đau phiền cũng không sao vùi lấp được tâm trạng cha tôi hay lo lắng cho đồng loại.
     Cha mẹ chúng tôi có thể rút lui vào khung cảnh gia đình, sống ẩn dật, để cùng nhau hưởng niềm vui thân mật. Nhưng không, các ngài đã mở tầm nắt chúng tôi, làm cho chúng tôi biết nghĩ đến người khác.
     Cũng vì đó cha tôi đã nói với Têrêsa về tên phạm nhân Pranzini. Tên này nhờ Têrêsa mới được ơn cứu rỗi.

CAN ĐẢM - BÁC ÁI VỚI ĐỒNG LOẠI

     Thêm vào lòng mến Chúa và tinh thần sống theo đức tin, cậy, cha tôi còn có lòng thương người tột bậc. Đời người có đứn này là trổi hơn cả.
     Dầu nửa đêm, nhưng hễ nghe báo hiệu hoả tai thì người tốc dậy liền và chạy đến chữa chỗ nào nguy hiểm nhất. Chúng tôi đã từng biết cha chúng tôi can đảm, nên khi đến giờ hẹn mà chưa thấy về thì chúng tôi bồi hồi e ngại.
     Có cuộc ẩu đả chúng tôi sợ người vào can rồi bị đánh lây ; hay có ai chết đuối chúng tôi cũng lo, bởi người lội giỏi, thường hay nhảy ào xuống vớt, không ngần ngại liều chết để cứu kẻ khác.
     Lúc còn trai trẻ, cha tôi đã vớt được nhiều người. Mà có một lần rất nguy, may chứ nếu không cũng chết, vì nạn nhân hoảng quá cứ đánh liều ôm chặt cổ người làm tê liệt cử động không nổi nữa.
     Thấy những tổ chức thanh thiếu niên hiện tại, tôi nghĩ : ngày xưa cha tôi rất hài lòng được làm thiếu sinh quân, giả như có phong trào thanh niên như nay, chắc người sẽ thích gia nhập đoàn Hướng Đạo. Cắm trại mạo hiểm đối với người chắc là thú vị lắm.
     Người can đảm bất khuất, lại cương quyết nhẫn nại và có nghị lực phi thường, thật xứng làm con một vị sĩ quan.
     Trong thư mẹ tôi thuật lại cuộc quân đội Phổ [= Prussie (fr.), Prussia (eng.)] chiếm đóng Alençon hồi tháng 11 năm 1870, có đoạn sau này minh chứng : "Tôi đoán có sai đâu, chánh phủ còn có thể đưa ra mặt trận những đàn ông từ 40 đến 50 tuổi. Còn bạn tôi [tức là cha Têrêsa] không chút băn khoăn, không xin miễn dịch lại thường nói : nếu được sẽ tình nguyện gia nhập đội nghĩa dũng quân."
     Cha tôi bình tĩnh đặc biệt. Mấy người giúp việc trong nhà đều nhận thấy. Một chị giúp việc ở Buissonnets viết thư cho dòng kín, có nhắc đến đức tính này : "Ông Martin, trước nhất là một đấng thánh, ông lại rất can đảm, không sợ gì cả..."
     Thật vậy, hễ nghe đâu có kẻ lâm nguy, người liền chạy đến tiếp cứu. Một buổi sáng kia, túp lều trước Buissonnets phát hoả dữ dội, người xông vào cứu được bà lão Ái-nhĩ-lan ở một mình trong lều, và dập tắt được ngọn lửa. Trong những trường hợp như vậy, người không muốn ai tiếp phụ, và bảo người ta đừng hô hoảng, vì sợ người gian giảo thừa dịp cướp của.
     Sau đó, bà lão Ái-nhĩ-lan giơ tay lên trời, với một ngôn ngữ riêng biệt, bà xin Chúa ban mọi phúc lành cho vị ân nhân đã cứu bà. Việc này chính tôi được mục kích.

Không có nhận xét nào: