Hôm nay lễ Chúa phục sanh
Bùi Ngọc Hiển
giới thiệu và chú thích
Bài kinh này được trích trong Thiên Chúa
thánh giáo nhựt khóa tịnh Chúa Nhựt pháp, vẫn quen gọi là Sách Mục lục,
được soạn ra từ bao giờ không rõ (quyển sách đã mất bìa và vài trang đầu với vài
trang cuối, không còn chỗ nào cho phép xác định năm in), nhưng chắc cũng đã trên
một thế kỉ. Vì năm 1925, Imprimerie de la Mission, Quy Nhơn, có in lại
quyển Sách Kinh nguyện Ngày thường và ngày Chúa nhựt (xem hình 1)
theo như Sách Mục lục. Nơi trang 277 có kinh Hôm nay lễ Chúa phục sinh
này, nhưng so sánh với Sách Mục lục có đôi chỗ sai khác.
Hình
1 : Trang đầu quyển
Sách Kinh nguyện ngày thường và ngày Chúa nhựt in tại Quy Nhơn năm 1925
Hình
2 : trang 277 Sách
Kinh nguyện..., Quy Nhơn, 1925, nơi in bản kinh Hôm nay lễ Chúa phục
sinh
Bản kinh này được tác giả soạn theo lối Đường
phú, hoàn toàn giữ đúng luật : có 13 liên, mỗi liên là một cặp vế câu chỉnh
đối ; toàn bài gieo độc vận : vần -an (vần chính ; cùng với các vần
thông -oan, -uơn1) ; không liên nào bị lạc
vận.
1.
Hôm nay lễ Chúa phục sanh,
trời đất, thần người, thảy đều
mầng rỡ ;
Dầu những linh hồn thánh tổ,
tiên tri, vua chúa : chi xiết
hỉ hoan !
2.
Mầng rất mầng, thiên đàng nay mở rộng
;
Vui quá vui, linh-bạc2
mới phá tan.
3.
Xác Chúa khi đã chịu tử hình,
linh hồn xuống lâm-bô3,
cứu tổ tông đã đoạn ;
Hồn Chúa lại trở về nhập xác,
mình thánh4
thâu huyệt đá,
cửa hang hãy còn nguơn5.
4.
Chói lòa năm dấu chơn tay,
giờ tí sáng hơn chánh ngọ6
;
Yếng giại khắp bầu thế giái7,
nửa đêm nhìn tỏ duông nhan8.
5.
Có phép thông linh :
trong nháy mắt đều thấu đất
trời nơi bền cứng9 ;
Dư tài thánh trí :
chẳng lặng tai cũng tường
lòng chúng việc lo toan10.
6.
Trong tay cầm bảy ngôi sao11,
chìa khóa địa hình, phép Người
coi giữ ;
Con mắt tợ hai vầng sáng,
máy then thiên địa, tay Chúa
cầm quờn12.
7.
Trước về viếng an ủi Mẫu từ,
kẻo đau dạ dường dao cắt ruột
;
Sau đến thăm giải khuyên môn đệ,
kẻo lo buồn tợ muối xát gan.
8.
Bỏ thuở đất trời đều u ám ;
Mầng nay hồn xác đặng khỏe an.
9.
Ma quỷ bó tay :
hết phép hại tàn trong nhơn
vật ;
Giáo nhơn mầng dạ :
đặng ban ơn tẩy khỏi tội troàn13.
10.
Thêm phước trọng nhờ ơn bí tích ;
Vì công cao cứu chúng14
lầm than.
11.
Chúa dạy dỗ bốn tuần,
cho môn đệ biết đàng hóa
chúng15 ;
Chúa trải qua muôn khổ,
rày thân linh hưởng sự thinh
nhàn16.
12.
Chúa là đầu các giáo nhơn :
Chúa vinh hiển, tôi sau cũng
đặng phần vinh hiển ;
Con thật chơn tay mình vóc17
:
Cha sanh huờn, con sau đều đặng phước sanh huờn18.
13.
Nhờ ơn Chúa nay hằng sống thuận ;
Xin giúp con sau đặng thác an.
Amen.
Một vài chú thích :
1.
Vần -uơn : vần này không xa lạ trong Việt ngữ. Người ta dễ dàng đọc
nó trong Thuở trời đất..., quở trách, huơ tay huơ
chân..., nhưng khi gặp những chữ như huờn (= hoàn), huỡn
(= hoãn), duơn (= duyên), nguơn (= nguyên),... thì
cứ viết sai thành hườn, hưỡn, dươn...,
rặt những chữ vô nghĩa. Thậm chí chương trình gõ tiếng Việt khá nổi tiếng là Unikey
cũng tự động sửa đúng (huờn, huỡn, duơn,
nguơn) thành sai (hườn, hưỡn,
dươn, ngươn) ! Thật
ra đọc những chữ như huờn, huỡn, duơn, nguơn có gì
khó đâu : chỉ việc tách thành hai phần rồi đọc luyến liền với nhau : hu-ờn,
hu-ỡn, du-ơn, ngu-ơn (tuy nhiên giọng
Đàng Trong đọc các chữ huờn, huỡn nghe na ná như guờn, guỡn
!).
2.
linh-bạc và 3. lâm-bô : đều là từ ngữ phiên âm chữ limbus
trong Latin, có nghĩa là ngục tổ tông. Linh-bạc là phiên âm Nho từ
靈薄 (
獄 )
linh-bạc (ngục), đến lượt linh-bạc lại là những chữ Nho mà anh em
Công giáo người Hoa (đọc theo giọng quan thoại nghe na ná như linh-bô) dùng
phiên âm limbus trong Latin hoặc limbo trong tiếng Anh, Tây-ban-nha,
Bồ-đào-nha, Í. Còn lâm-bô, đúng ra phải đọc là lim-bô, vì trước
khi được viết bằng chữ Quốc Ngữ, thì các giáo sĩ Tây phương đã dùng chữ Nôm viết
là 林甫 (hay
林哺 /
林晡 /
林逋 ).
Chữ 林 vốn có âm Nho là lâm (nghĩa là rừng),
nhưng lại cũng có âm Nôm là lim (như trong 椇林 gỗ
lim). Đối với các cụ ta ngày xưa, gỗ lim là khái niệm quen thuộc, nên
nhìn thấy 椇林 thì đọc gỗ lim chứ không đọc gỗ lâm
! Nhưng limbo là khái niệm xa lạ, nghe không quen tai, lại không biết mặt
chữ Tây, nên thấy 林甫 thì đọc lâm-bô, có biết đâu phải đọc lim-bô
mới đúng. Rồi cái sai cứ thế quen mồm đi ! Trong chữ Nho, limbus còn được
dịch (không phải phiên âm) là 古聖所 cổ thánh sở =
chỗ [ở] của các thánh xưa (tức các thánh thời Cựu ước) sau khi các ngài chết,
trước khi được Chúa Giêsu cứu chuộc.
4.
mình thánh : tất nhiên là thân mình Chúa Giêsu, nhưng không hiểu được là
bí tích Mình thánh.
5.
còn nguơn : tức là còn nguyên, biến âm theo giọng Đàng Trong (do
tị húy).
6.
giờ tí sáng hơn chánh ngọ = nửa đêm mà sáng hơn giữa trưa. Không biết Chúa
sống lại lúc nào, chỉ nói được là vào đêm của ngày thứ nhất trong tuần lễ
sau tuần lễ Bánh không men, tính theo lịch Do-thái, tức là ngay sau khi mặt
trời lặn ngày Thứ Bảy đến lúc mặt trời mọc sáng Chúa Nhật tiếp theo. Vì vậy nói
giờ tí thì cũng không sai.
7.
yếng giại khắp bầu thế giái : các chữ xưa (hoặc đọc lối xưa) : yếng
= ánh [sáng] ; giại = chiếu giãi, chiếu rọi ; thế giái = thế giới
; bầu thế giái = quả địa cầu.
8.
duông nhan : tiếng xưa = dung nhan.
9.
trong nháy mắt đều thấu đất trời nơi bền cứng = trong nháy mắt đều nhìn
thấu hết mọi nơi dù là nơi vững bền chắc chắn nhất trong trời đất.
10.
chẳng lặng tai cũng tường lòng chúng việc lo toan : lặng = lắng ;
lặng tai = lắng tai ; chúng = mọi người. Cả câu = không cần phải
lắng tai cũng biết rõ việc lo toan trong lòng mọi người.
11.
trong tay cầm bảy ngôi sao : sách Khải huyền 1:16 : Ngài cầm nơi
tay hữu bảy ngôi sao, và từ miệng Ngài phóng ra thanh gươm hai lưỡi sắc bén ; mặt
Ngài tựa hồ mặt trời lúc cực kì chói lọi.
12.
quờn = quyền, biến âm theo giọng Đàng Trong (do tị húy).
13.
tội troàn = tội [Tổ tông] truyền, biến âm theo giọng Đàng Trong (do tị húy).
14.
chúng : xem số 9.
15.
chúng : xem số 9 ; hóa chúng : giáo hóa chúng nhân = dạy người ta
cho được thay đổi.
16.
thinh nhàn = thanh nhàn, biến âm theo giọng Đàng Trong (do tị húy).
17.
Chúa là đầu các giáo nhơn..., con thật
chơn tay mình vóc : Hội thánh là thân mình mầu nhiệm của Chúa Giêsu
Kitô, mà Người là đầu, còn các thành phần dân Chúa là các phần thân thể. Xem thư
Êphêsô 4:4-16.
18. sanh huờn = sinh hoàn, tức là 還生 hoàn
sinh = lại sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét