Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

MẤY CON SỐ TRONG THÁNH KINH

 MẤY CON SỐ TRONG THÁNH KINH

Bùi Ngọc Hiển

 

I. Cách ghi các số

Bất cứ ngôn ngữ nào có chữ viết và có đủ tên gọi cho các số đều có thể viết các số đó ra theo tên gọi chúng.

Thí dụ trong Thánh Kinh, ngay từ những chương đầu của quyển đầu là sách Sáng thế, cho đến những chương chót của quyển chót là sách Khải huyền, đã gặp không ít các số. Thí dụ số tuổi các cụ tổ trong sách Sáng thế (Gen 5:5, 6, 27) :

Cụ tổ

tiếng Anh

tiếng Việt

tiếng Latin

Adam

nine hundred and thirty

chín trăm ba mươi

nongenti triginta

Seth

nine hundred and twelve

chín trăm mười hai

nongenti duodecim

Mathusala

nine hundred and sixty-nine

chín trăm sáu mươi chín

nongenti sexaginta novem

Hay số đo thành Giêrusalem mới trong sách Khải huyền (Apoc 21:16-17) :

Số đo của

tiếng Anh

tiếng Việt

tiếng Latin

các chiều

twelve thousand

mười hai ngàn

duodecim milia (stadia)

tường thành

one hundred and forty-four

một trăm bốn mươi bốn

centum quadraginta quattuor (cubitorum)

Cũng “may” rằng các số này thường là các số nhỏ, ngay như tuổi thọ của các cụ tổ phụ cũng chưa có cụ nào thọ đến một ngàn tuổi. Vì thế, viết các số nhỏ thành từ thì được, nhưng với các số lớn thì rõ ràng là rất cồng kềnh.

Thí dụ :

mười hai ngàn bảy trăm năm mươi sáu (kilomètres, đường kính của Trái Đất)

một triệu ba trăm chín mươi mốt ngàn (kilomètres, đường kính của Mặt Trời)...

Vì vậy, người ta đặt ra những kí hiệu để có thể ghi các số cho gọn.

 

1. Số A-rap :

Cách viết các số thông dụng nhất hiện nay trên toàn thế giới gọi là các chữ số A-rap, vì thật sự các chữ số đó là các biến dạng của các chữ số trong chữ viết A-rap. Xem bảng so sánh :

Giá trị số

Số A-rap

Dạng số hiện dụng

Ghi chú

0

٠

0

dấu chấm đổi thành hình tròn trống không

1

١

1

nét gãy ngắn trên cùng có thể bỏ

2

٢

2

là số A-rap quay trái 90O

3

٣

3

là số A-rap xoay trái 90O

4

٤

4

khá giống dạng A-rap

5

٥

5

biến dạng nhiều

6

٦

6

biến dạng nhiều

7

٧

7

là số A-rap xoay trái 90O

8

٨

8

biến dạng nhiều

9

٩

9

gần như nguyên dạng A-rap

10

١٠

10

 

Số A-rap dù trong nguyên dạng hay biến dạng đều tính theo hệ thập phân. Ngoài ra có điểm khá thú vị : chữ A-rap viết từ phải qua trái (như chữ Hip-ri của Do-thái), nhưng trong việc ghi số, kí hiệu ở hàng nhỏ viết trước, hàng lớn viết sau, dẫn tới kết quả là chữ số viết ra có cùng thứ tự như lối viết số hiện nay, tức là số ở hàng lớn vẫn ở bên trái, số ở hàng nhỏ vẫn ở bên phải :

Thí dụ :

Số

Số A-rap

Tên số A-rap

Latin-hóa

Tiếng Việt

3

٣

ثلاثة

ṯālaṯa

ba

4

٤

أربعة

arba’a

bốn

30

٣٠

ثلاثون

ṯālaṯun

ba mươi

34

٣٤

أربعة و ثلاثون

arba’a wa-ṯālaṯun

bốn và ba mươi

1 000 000

١٠٠٠٠٠٠

مليون

milion

(một) triệu

 

2. Các cách ghi số khác

Thánh Kinh Cựu Ước nguyên được viết bằng tiếng Hip-ri, Tân Ước bằng tiếng Hi-lạp, kế đó là bản dịch Thánh Kinh nổi tiếng của thánh Linh mục Giêrônimô sang tiếng Latin, nên dưới đây lược qua cách ghi số trong các ngôn ngữ đó.

 

a. Ghi số trong bản văn Hip-ri :

Chữ Hip-ri không có kí hiệu riêng để ghi số, người ta gán cho các chữ cái trong bảng mẫu tự một giá trị số tương ứng như sau :

Giá trị n

9

8

7

6

5

4

3

2

1

n × 1

ט

het

ח

tet

ז

zayin

ו

vav

ה

he

ד

dalet

ג

gimel

ב

bet

א

aleph

n × 10

צ

tsadi

פ

pe

ע

ayin

ס

samekh

נ

nun

מ

mem

ל

lamed

כ

kap

י

yod

n × 100

 

 

 

 

 

ת

tav

ש

shin

ר

resh

ק

qof

n × 100 mới

ץ

tsadi tận

ף

pe

tận

ן

nun tận

ם

mem tận

ך

kaf

tận

ת

tav

ש

shin

ר

resh

ק

qof

Chữ Hip-ri chỉ có 22 mẫu tự, 9 mẫu tự đầu được dùng ghi các giá trị số đơn từ 1 đến 9, kế đến các giá trị số chục từ 10 đến 90, chỉ còn 4 mẫu tự để ghi các giá trị số trăm từ 100 đến 400. Muốn ghi các số không tròn chục, tròn trăm, hoặc lớn hơn 400, người ta sẽ hiểu ngầm các phép tính cộng trong cách ghi số ; các mẫu tự “đại diện” các số được ghi từ phải sang trái (theo cách viết thông thường của chữ Hip-ri) và ghi số lớn trước, số nhỏ sau. Thí dụ :

“Số” תשסד trong bản văn Hip-ri mang giá trị (ở đây giải thích theo thứ tự từ trái qua phải của “số” Hip-ri) :

4 (ד) + 60 (ס) + 300 (ש) + 400 (ת) = 764

Tương tự, số 799 trong cách ghi Hip-ri sẽ là :

799 = 400 (ת) + 300 (ש) + 90 (צ) + 9 (ט)

rồi viết từ phải sang trái theo thứ tự từ lớn đến nhỏ là :

799 = תשצט .

Số lớn hơn 799 thì chữ cái tav ( ת = 400) sẽ được viết lặp lại.

Về sau, để đỡ ghi nhiều kí hiệu, người ta thấy rằng trong bảng mẫu tự Hip-ri còn 5 chữ cái dùng để viết ở tận cùng một từ, gồm kaf ך , mem ם , nun ן , pe ף , và tsadi ץ , nên người ta gán các giá trị số tròn trăm từ 500 đến 900 cho các chữ cái này.

 

b. Ghi số trong bản văn Hi-lạp :

Tương tự trong bản văn Hip-ri, trong các bản văn Hi-lạp người ta cũng gán cho các chữ cái những giá trị số theo thứ tự trong bảng mẫu tự Hi-lạp như sau :

Chữ

Tên

Số

Chữ

Tên

Số

Chữ

Tên

Số

Chữ

Số

αʹ

alpha

1

ιʹ

iota

10

ρʹ

rho

100

͵α

1000

βʹ

beta

2

κʹ

kappa

20

σʹ

sigma

200

͵β

2000

γʹ

gamma

3

λʹ

lambda

30

τʹ

tau

300

͵γ

3000

δʹ

delta

4

μʹ

mu

40

υʹ

upsilon

400

͵δ

4000

εʹ

epsilon

5

νʹ

nu

50

φʹ

phi

500

͵ε

5000

ϛʹ

stigma

6

ξʹ

ksi

60

χʹ

khi

600

͵ϛ

6000

ζʹ

zeta

7

οʹ

omicron

70

ψʹ

psi

700

͵ζ

7000

ηʹ

heta

8

πʹ

pi

80

ωʹ

omega

800

͵η

8000

θʹ

theta

9

ϙʹ

qoppa

90

ϡʹ

sampi

900

͵θ

9000

Trong bảng trên có ba mẫu tự không thuộc các mẫu tự Hi-lạp hiện dụng :

― Chữ stigma (chữ hoa Ϛ, chữ thường ς) là chữ ghép bởi hai chữ cái sigma σ và tau τ.

― Chữ qoppa (chữ hoa Ϙ, chữ thường ϙ) nguyên mượn từ mẫu tự Phoenicy, chỉ xuất hiện trong bảng chữ cái thổ ngữ vùng Aeolis và thổ ngữ vùng Boeotia thuộc Thessaly, Cổ Hi-lạp (thế kỉ VIII đến IV TCN, thời kì Tiền cổ điển). Bên cạnh dạng chữ viết trên được gọi là qoppa cổ, hiện có dạng gọi là qoppa số (chữ hoa ϟ, chữ thường Ϟ), được dùng trong các bản văn có tính pháp lí trong tiếng Hi-lạp hiện nay. Chữ cái qoppa Ϙ, ϙ du nhập vào văn tự Etruscan, và trở thành chữ cái Q, q trong bảng mẫu tự Latin, đồng thời trở thành chữ cái koppa trong mẫu tự Cyril.

― Chữ cái sampi (chữ hoa Ϡ , chữ thường ϡ ) chỉ dùng trong mẫu tự Hi-lạp để biểu thị giá trị số (900).

 

c. Ghi số trong bản văn Latin : số La-mã (Rô-ma) :

chỉ dùng 7 kí hiệu (coi như các chữ cái) :

Kí hiệu

Giá trị

I

1

V

5

X

10

L

50

C

100

D

500

M

1000

MCCXXXIV

1234

Số lớn hơn thì viết thêm các gạch ngang bên trên.

Thí dụ :

d. Giá trị số (gematria) của các [danh] từ :

Trong sách Khải huyền của thánh Gioan Tông đồ, câu Apoc 13:18 : numerus eius est sescenti sexaginta sex = con số ấy là sáu trăm sáu mươi sáu. Đó là số của con mãnh thú.

Căn cứ vào câu này, người ta cố tìm hiểu xem “con mãnh thú” đó là chỉ về nhân vật nào. Và bởi vì mỗi chữ cái Hi-lạp / Hip-ri đều có một giá trị số tương ứng, nên người ta nghĩ ra cách tính giá trị số của một tên riêng nào đó mong dẫn tới kết quả thích hợp. Một trong số các tên được chọn là tên của một hoàng đế Rô-ma là Nero, viết theo chữ Hi-lạp là Νερων Καισαρ. Đến lượt chữ này lại được Hip-ri hóa thành nrwn-qsr = ( קסרנרונ ), và nhận được kết quả là :

50 ( נ ) + 200 ( ר ) + 6 ( ו ) + 50 ( נ ) + 100 ( ק ) + 60 ( ס ) + 200 ( ר ) = 666.

Dù sao đó cũng chỉ là điều phỏng đoán.

 

II. Mấy con số trong Thánh Kinh

Nhiều số trong Thánh Kinh không chỉ biểu thị ý nghĩa lượng giá cụ thể, mà còn biểu thị những ý nghĩa trừu tượng hơn. Có thể kể ra một ít số.

 

MỘT (chỉ một, nhất, duy nhất, độc nhất)

Một mang ý nghĩa là nguồn gốc đầu hết, nguyên lí của vạn vật. Sự diễn tả Thiên Chúa dựng nên mọi sự “từ hư không – ex nihilo” (xem 2Mach 7:28 : mọi vật đều do Thiên Chúa dựng nên từ hư không) có nghĩa là : Thiên Chúa không cần đến vật liệu nào, Thiên Chúa không cần đến sự giúp đỡ nào, vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, là nguồn gốc đầu hết.

Trong Thánh Kinh thường dùng để nói về Thiên Chúa :

Sách Đệ nhị luật :

Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất (Deut 6:4).

Chúa Giêsu đã dẫn câu này và câu Deut 6:13 tiếp theo để đáp trả satan khi nó cám dỗ Chúa :

“Satan hãy xéo đi, vì có lời chép : Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ thờ phụng một mình Ngài” (Mt 4:10).

Thư gửi tín hữu Galata :

nhưng Thiên Chúa là duy nhất (Gal 3:20).

Phúc âm theo thánh Matthêu :

Đấng tốt lành chỉ có một (Mt 19:17).

Nghĩa “duy nhất” còn gặp thấy như trong sách tiên tri Ezekiel :

sẽ chỉ có một vua cai trị hết thảy (Ez 37:22), và :

tất cả chúng sẽ chi có một chủ chăn (Ez 37:24).

Đặc biệt trong các câu Mt 23:8-10, Chúa Giê su nói về vị Thầy duy nhất, Cha duy nhất :

Các ngươi chớ gọi ai là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, hết thảy các ngươi đều là anh em với nhau ; các ngươi cũng chớ gọi ai dưới đất là cha, các ngươi chỉ có một Cha trên trời ; cũng chớ xưng mình là thầy, các ngươi chỉ có một Thầy là Đức Kristô.

Thư gửi tín hữu Êphêsô :

Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha (Eph 4:5-6).

Một còn mang ý nghĩa là sự gom góp lại, nối kết lại thành một, hợp nhất (nên đừng nói “hợp nhất nên một”, vì như thế hàm ý rằng còn có những thứ “hợp nhất” – vô lí – khác như “hợp nhất nên hai”, “hợp nhất nên ba”, thậm chí “hợp nhất thành vô số” !)

Phúc âm theo thánh Marcô :

vì thế, người nam sẽ từ bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, cả hai sẽ nên một xác thể, do đó họ không còn là hai mà chỉ là một xác thể (Mc 10:7-8).

Trong thư gửi tín hữu Galata :

hết thảy anh em là một trong Chúa Giêsu Kristô (Gal 3:28).

 

HAI (đôi, cặp, nhì, nhị, lưỡng, song) :

Số hai chỉ một cá thể (người, vật, tính chất...) này với một cá thể nữa. Các cá thể có thể là song lập, cũng có thể là đối lập, hoặc cũng có thể được chia ra từ một cá thể ban đầu.

Trong sách Sáng thế :

Thiên Chúa làm ra hai vật sáng lớn (Gen 1:16).

Từng đôi từng đôi đều vào tàu Nô-e, vừa đực vừa cái, như lời Thiên Chúa truyền cho Nô-e (Gen 7:9).

Sách Xuất hành :

Thiên Chúa trao cho ông hai bảng giao ước bằng đá do ngón tay Ngài viết vào (Ex 31:18).

Hai giới răn trọng nhất :

Chúa Giêsu trả lời luật sĩ :

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn trọng đại nhất. Điều răn thứ hai cũng giống thế : ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình ngươi. Hết thảy Lề luật và Tiên tri đều quy về hai giới răn đó (Mt 22:37-40).”

Phúc âm theo thánh Marcô :

Và một bà góa nghèo bỏ vào hai đồng chinh, trị giá bằng một phần tư xu (Mc 12:42).

Màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới (Mc 15:38).

Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra với hai người học trò đang lúc các ông trên đường về Emmaus vì thất vọng khi thấy Thầy mình bị đóng đinh vào thập tự giá (Lc 24:13-35).

Có khi số hai không được viết ra rõ ràng trong Thánh Kinh, nhưng trong đó có nhiều ghi chép về những sự việc, con người, hành động, lời nói... xảy ra hai lần. Có thể kể ít thí dụ :

Hai lần Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều : Phúc âm thánh Marco thuật lại lời Chúa Giêsu :

“Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người, các con thu lại được mấy giỏ đầy bánh vụn ?” Họ thưa Người : “Mười hai.” ― “Còn khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người, thì các con thu lại được mấy giỏ đầy bánh vụn ?” ― Họ thưa : “Bảy” (Mc 8:19, 20).

Cũng có chỗ trong Thánh Kinh nói về hai ở thế đối lập :

Đường vào Nước Trời : chỉ có một, phải lựa chọn trong hai :

Hãy vào cửa hẹp, vì rộng rãi thênh thang là đường dẫn đến hư mất, và người vào đó lại nhiều. Còn cửa hẹp đường chật là cửa và đường dẫn đến sự sống thì ít người kiếm ra (Mt 7:13-14).

Nho học có câu : 忠臣不事二君 trung thần bất sự nhị quân = tôi ngay chẳng thờ hai chúa. Chúa Giêsu dạy học trò :

Không tôi tớ nào có thể thờ hai chúa. Các con không thể [đồng thời] làm tôi Thiên Chúa và tiền của được (Lc 16:13).

Quả thật có nhiều kẻ thờ tiền của như chúa của mình, thậm chí có kẻ còn “lấy cái bụng làm chúa, đặt vinh vang nơi điều đáng phải xấu hổ, và trí ý dồn cả vào trần tục”, như trong thư gửi tín hữu Philip  (Phil 3:19). Đòi hỏi của Chúa Giêsu là dứt khoát, quyết liệt, không có bất cứ điều gì lại có thể đem sánh với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng đặt đối lập giữa hai hạng người : khiêm nhường và kiêu ngạo trong dụ ngôn về hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện trong Phúc âm Luca 18:9-13, và kết luận :

Ai nâng mình lên sẽ phải hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên (Lc 18:14 ; cũng xem Mt 23:12).

So sánh với lời Đức Mẹ trong kinh Ngợi khen :

Chúa đã phá tan lũ lòng trí kiêu căng,... và nâng lên cao những kẻ lòng khiêm nhượng. Chúa cho kẻ đói đầy những của lành, đuổi kẻ giàu có về tay không (Lc 1:51, 53).

Phúc âm thánh Luca 23:32, 33, 39-43 thuật lại việc đóng đinh hai tên gian phi trong cuộc hành hình Chúa Giêsu, một tên thì mắng nhiếc Chúa, tên kia lại nhìn nhận tội mình đã phạm và xin Chúa cứu lấy y, và y đã được Chúa nhận lời.

Giảng về ngày chung thẩm, Chúa Giêsu cũng đặt sự đối lập giữa hai hạng người :

Khi ấy hai người đang cùng ở một thửa ruộng, mà một người được đem đi, một người bị bỏ lại ; hai phụ nữ đang xay bột trong cùng một cối, một người được đem đi, một người bị bỏ lại (Mt 24: 40, 41 ; Đem đi, xem thêm Lc 17:28-29 : ông Lot đã được đem đi khỏi tai họa đổ xuống trên thành Sôđôma).

Phúc âm Matthêu 25:31-46 cho biết loài người trong ngày chung thẩm bị chia thành hai hạng như mục tử tách chiên khỏi dê : chiên ở bên phải, dê ở bên trái.

 

BA (tam) :

Trong toán học, hình học Euclide, người ta đã chứng minh rằng :

Ba điểm cố định bất kì không thẳng hàng trong không gian xác định mặt phẳng duy nhất, và :

― Có đường tròn duy nhất qua ba điểm cố định như vậy.

Do đó, “cấu trúc ba” được coi là cấu trúc bền vững, ổn định :

Dù ai nói ngả nói nghiêng / Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.

Trong Thánh Kinh, số ba chỉ về Ba Ngôi vị của Thiên Chúa, được xem như Thiên Chúa đã mặc khải dù là bằng cách không minh nhiên ngay từ các câu đầu tiên của Thánh Kinh :

Từ ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất. Thần của Thiên Chúa bay là là trên mặt nước. Thiên Chúa phán : Hãy có sự sáng. Sự sáng liền có (Gen 1:1-3).

“Thiên Chúa” = Deus, “Thần của Thiên Chúa” = Spiritus Dei (Thiên Chúa Ngôi thứ Ba), “Thiên Chúa phán” chỉ về Lời của Thiên Chúa = Verbum Dei (Thiên Chúa Ngôi thứ Hai ; xem Phúc âm Gioan 1:1 : Từ ban đầu đã có Lời, và Lời ở cùng Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa).

Tham chiếu câu Gen 1:26 ngay dưới :

Và Thiên Chúa nói : Chúng ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh như chúng ta.

Trong bản văn Hip-ri, danh từ “Thiên Chúa” : Elohim ( אֱלֹהִ֔ים ), số nhiều, động từ “(hãy) dựng nên” cũng để ở số nhiều : naaseh ( נַֽעֲשֶׂ֥ה ), cho thấy Thiên Chúa linh hứng mặc khải về Một Thiên Chúa Ba Ngôi vị cho người viết sách Sáng thế, dù còn mờ nhạt.

Tiếp đó, câu Gen 18:2 :

Ngước mắt lên [Abraham] thấy ba người xuất hiện đứng gần ông.

Ba người ở đây thường được hiểu là chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa. Tuy thế, có khi người ta cắt nghĩa rằng Ba người là Thiên Chúa và hai thiên sứ lấy hình dạng người xuất hiện với Abraham. Lại có giải thích khác cho rằng Ba người ở đây là ba tổng lãnh thiên sứ Michael, Gabriel, Raphael. Nhưng xét về văn mạch, câu đầu của đoạn Gen 18 cho biết Ba người là là Đức Chúa (bản văn Hip-ri dùng danh từ Yahveh [ יְהוָ֔ה ], thì dù là hai hay cả ba đều là thiên sứ cũng không thể là Yahveh được. Lại nữa, khi Abraham sấp mình trước mặt Ba đấng, thì ông thưa các Đấng bằng từ “[lạy] Chúa” = Adonai [ אֲדֹנָ֗י ].

Tham chiếu sách Khải huyền 19:9-10 :

Rồi ngài bảo tôi ... Tôi sấp mình dưới chân ngài mà thờ lạy ngài. Nhưng ngài bảo tôi : “Đừng làm thế. Ta cũng là tôi tớ một Chúa như ngươi...”.

“Ngài” ở đây chỉ về vị thiên sứ đã nói với thánh Gioan ngay từ đầu sách. Do đó, hẳn là Abraham cũng không thể sấp mình thờ lạy các thiên sứ.).

Ngay cả trong Tân Ước cũng không minh nhiên dùng danh từ Ba Ngôi, dù công thức rửa tội trong Phúc âm Matthêu nói rõ ràng đến danh hiệu của cả Ba Ngôi vị :

Các con hãy đi rao giảng cho mọi dân tộc, làm phép rửa cho họ nhân danh ChaConThánh Thần (Mt 28:19).

Số ba trong Thánh Kinh còn gặp thấy ở rất nhiều nơi khác. Đây chỉ xin dẫn thêm một ít thí dụ, như trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Corinthô :

Nay còn lại ba điều này : tin, cậy, mến ; mà mến thì lớn hơn cả (1Cor 13:13)

Đặc biệt những câu cuối cùng trong sách Tiên tri Ezekiel 48: 30-34 :

Đây những lối ra của thành : ... phía bắc ba cổng [mang tên 3 chi tộc là Ruben, Juda, Levi], phía đông ba cổng [Giuse, Benjamin, Dan], phía nam ba cổng [Simeon, Issacar, Zabulon], phía tây ba cổng [Gad, Aser, Naphtali].

So sánh với các câu Khải huyền 21:12-13 :

Thành có tường cao lớn, trổ mười hai cổng ... có khắc tên mười hai chi tộc con cái Israel. Hướng đông ba cổng, hướng bắc ba cổng, hướng nam ba cổng, hướng tây ba cổng.

Theo Phúc âm Luca, khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, thì theo cha nuôi và mẹ lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua. Sau đó Người ở lại đền thờ, khiến hai ông bà ngỡ rằng đã lạc mất con, nên trở lại Giêrusalem để tìm.

Sau ba ngày, ông bà gặp thấy Người trong đền thờ, ngồi giữa các tiến sĩ, nghe và hỏi họ (Lc 2:46).

Lại có ba sự kiện liên quan với nhau mà cũng liên quan đến số ba :

1). Sự kiện thứ nhất : Theo Phúc âm Matthêu, trả lời cho những kí lục và biệt phái muốn thấy Chúa Giêsu làm dấu lạ, Chúa đã trả lời họ :

Dòng dõi gian dâm hung ác này đòi xem dấu lạ, song ngoài dấu lạ tiên tri Jona ra, nó sẽ chẳng được xem dấu lạ nào khác (Mt 12:39).

Sách Tiên tri Jona :

Đức Chúa chuẩn bị một con cá lớn nuốt lấy Jonas, và ông ở trong bụng cá ba ngày đêm (Jon 2:1).

2). Sự kiện thứ hai : Còn theo Phúc âm Gioan, khi Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán chiên, bò, chim câu, cùng những kẻ đổi bạc ra khỏi đền thờ Giêrusalem, người Do-thái đòi Chúa cho họ thấy dấu gì tỏ rằng Người có quyền làm thế, thì Chúa trả lời :

Hãy phá đền thờ này đi, nội ba ngày ta sẽ dựng lại ... Chúa muốn nói đến đền thờ thân mình Người (Jn 2:19, 21).

3). Sự kiện thứ ba : Đền thờ thân mình Chúa Giêsu : Chúa báo cho các Tông đồ về cuộc thương khó của Người khi thầy trò đến địa hạt Caisaria Philipphê :

... Con Người phải chịu nhiều đau khổ, ... , bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại (Mc 8:31).

Phúc âm Marcô kể lại :

Sau khi ăn bữa Tiệc li với các Tông đồ, Chúa dắt theo ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan vào vườn Cây dầu. Tại đây, Chúa để ba ông ở một chỗ, còn Người vào sâu trong vườn, sấp mình cầu nguyện với Cha, sau đó trở lại chỗ các ông, thì thấy họ ngủ gục. Lần thứ ba Chúa trở lại bảo họ : “Cứ ngủ đi, cứ nghỉ đi. Xong rồi, giờ đã đến : này Con Người sắp bị nộp trong tay những kẻ tội lỗi” (Mc 14:41).

Phúc âm Gioan thuật rằng :

trong bữa Tiệc li, thánh Phêrô thưa Chúa Giêsu : “Sao bây giờ con không thể theo Thầy ? Con xin thí mạng con vì Thầy.” Chúa Giêsu đáp : “Con thí mạng vì Thầy ư ? Quả thật, quả thật, Thầy bảo con, khi gà chưa gáy thì con đã chối Thầy ba lần” (Jn 13:37-38).

Sau khi sống lại từ cõi chết, lần thứ ba Chúa Giêsu hiện ra với các học trò bên bờ biển Tiberia (Jn 21:14), Phúc âm Gioan thuật lại :

... Chúa nói với Phêrô lần thứ ba : “Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy không ?” Phêrô buồn vì Chúa hỏi đến lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không ?” (Jn 21:17).

Bên cạnh đó, còn có các trường hợp Thánh Kinh viết về những sự kiện, những nhân vật, những hành động, lời nói, từ ngữ... được liên tục nhắc lại ba lần, dù không viết rõ số ba trong bản văn. Xin dẫn một ít thí dụ :

Sách Tiên tri Isaia :

Các ngài (= các thần Sốt mến = các Seraphim – Hip-ri : שְׂרָפִ֨ים ) cùng hô rằng : Thánh, Thánh, Thánh thay Đức Chúa các đạo binh (Is 6:3).

Câu này trong bản Hi-lạp LXX là : Ἅγιος ἅγιος ἅγιος Κύριος σαβαώθ. So sánh với đoạn trong sách Khải huyền :

Các ngài (= bốn sinh linh, từng được mô tả trong Ez 10:14) ngày đêm không ngớt hô lên : Thánh, Thánh, Thánh, Đức Chúa là Thiên Chúa toàn năng (Apoc 4:8), bản văn Hi-lạp : Ἅγιος ἅγιος ἅγιος Κύριος ὁ Θεός ὁ Παντοκράτωρ.

Tiếng “Thánh” trong cả hai câu trên đều được lặp ba lần, và được dùng làm lời hoan ca Thiên Chúa sau kinh Tiền tụng ở mỗi thánh lễ.

Sách Dân số thuật việc Thiên Chúa truyền cho Mô-sê dạy cho Aharon cách thức chúc phúc cho dân Israel bằng ba câu, trong mỗi câu đều kêu đến Danh Đức Chúa Yahweh :

Nguyện xin Đức Chúa chúc phúc cho ngươi và che chở ngươi.

Nguyện xin Đức Chúa giãi sáng Thánh Nhan trên ngươi và xót thương ngươi.

Nguyện xin Đức Chúa đoái nhìn đến ngươi và ban bình an cho ngươi (Num 6:24, 25, 26).

Cách thức này cũng được Hội thánh noi theo trong các công thức chúc lành trọng thể cuối thánh lễ.

Trong kinh Shema (Hip-ri : שְׁמַ֖ע = Hãy nghe đây) của người Israel, danh xưng Chúa / Đức Chúa được nhắc đến ba lần :

Hãy nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa độc nhất (Deut 6:4).

Gia phả của Chúa Giêsu trong Phúc âm Matthêu chia thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có 14 đời (Mt 1:17).

Ba Tông đồ gần gũi với Chúa Giêsu hơn gồm Phêrô, Gioan và Giacôbê. Ba vị này được Chúa dẫn lên núi để xem Chúa biến hình (Mt 17:1-8 ; Mc 9:2 ; Lc 9:28-36). Ba vị cũng được Chúa dắt theo vào vườn Cây dầu trong đêm trước chịu nạn (Mt 26:36-46 ; Mc 14:32-42).

 

BỐN (tư, tứ) :

bốn phương chính : Đông, Tây, Nam, Bắc.

Một năm có bốn mùa : Xuân, Hạ, Thu, Đông...

Trong Thánh Kinh, số bốn cũng được ghi chép minh bạch tại rất nhiều chỗ.

Sách Sáng thế :

Một con sông ở giữa vườn Êđen chảy ra tưới khắp vườn và chia thành bốn nhánh (Gen 2:10).

Sách Thẩm phán :

Hằng năm con gái Israel đi khóc thương con gái của Jephte, người Galaat trong bốn ngày (Judic 11:40).

Sách Tiên tri Isaia :

thu tập những người Giuđa tản lạc từ bốn góc đất (Is 11:12).

Sách Tiên tri Đaniel :

Thiên Chúa lại cho bốn trẻ được hiểu biết và thông tỏ mọi học thuật cùng sự khôn ngoan (Dan 1:17). Bốn trẻ đó là người Giuđa, bị bắt đem vào cung vua Babylon là Nabucho-donosor. Tên của bốn trẻ này là : Daniel, Ananias, Misael Azarias.

Năm đầu khi Balthasar làm vua Babylon, Chúa cho Đa niel thấy trong giấc mộng :

Tôi xem thấy có bốn hướng gió xô xát nhau trên Đại hải ; đoạn có bốn con thú lớn khác nhau từ biển bò lên... Kế tôi nhìn theo, này, có một con thú khác giống như beo, trên lưng có bốn cánh như cánh chim, và nó có bốn đầu... Bốn con thú đó là bốn nước sẽ dấy lên trên đất” (Dan 7:2, 3, 6, 17).

Miêu tả về bốn sinh vật khác trong sách Tiên tri Êzêkiel :

“Từ giữa [lửa] thấy giống như bốn sinh vật ... Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh ... bốn con đều có mặt như mặt người, bốn con đều có mặt sư tử ở bên hữu, bốn con đều có mặt bò ở bên tả, bốn con đều có mặt phụng hoàng” (Ez 1:5, 6, 10).

Bốn sinh vật tương tự mô tả trong sách Tiên tri Êzêkiel được gặp lại trong sách Khải huyền, có hơi khác :

“Chung quanh ngai là bốn sinh vật ... sinh vật thứ nhất như sư tử, sinh vật thứ hai như bò tơ, sinh vật thứ ba diện mạo như người, sinh vật thứ tư như phụng hoàng bay lượn ; mỗi một trong bốn sinh vật đều có sáu cánh” (Apoc 4:6-8).

Bốn sinh vật trong Êzêkiel và trong Khải huyền được thánh Irenaeus (thế kỉ II) đồng nhất với bốn tác giả các sách Phúc âm : sư tử – Marco, bò – Luca, người – Matthêu, phụng hoàng – Gioan.

Tất nhiên cũng có những sự kiện, những nhân vật, những hành động, lời nói, từ ngữ... được liên tục nhắc lại bốn lần, dù không viết rõ số bốn trong bản văn.

Phải kể đến Danh của Chúa trong tiếng Hip-ri, được gọi là Tetragrammaton (do tiếng Hi-lạp τετραγράμματον, có nghĩa là tứ tự [thánh danh]), gồm bốn mẫu tự Hip-ri là

Mẫu tự

Latin hóa

yod י

Y

he ה

H

waw ו

W

he ה

H

Bốn mẫu tự này viết trong bản văn Hip-ri từ phải sang trái là יהוה , tương ứng với dạng Latin hóa là YHWH = yahweh. Danh này là dạng gọn của Danh mà chính Thiên Chúa mặc khải cho Môsê trên núi Sinai, hiểu được là “Ta-là-Đấng-Ta-là” (Hip-ri : אהיה אשר אהיה [ehyeh asher ehyeh] ; Ex 3:14) ; tuy nhiên trong câu Ex 3:15 tiếp theo, bản Hip-ri viết : Thiên Chúa lại phán cùng Mô-sê : Ngươi hãy bảo dân Israel : “Đức Chúa ( יהוה - yahweh) Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob đã sai ta đến cùng các ngươi”. Người Do-thái giữ rất nhặt việc cấm đọc Danh Chúa vô cớ, nên dùng một từ ngữ khác để thay thế là אֲדֹנָי - adonai, dịch sát là “[lạy] Chúa tôi”.

Trong Cựu Ước có bốn sách Tiên tri lớn : Isaia, Giêrêmia (cùng với sách Ai ca), Êzêkiel, Đaniel. Trong Tân Ước có bốn sách Phúc âm : Matthêu, Marcô, Luca, Gioan.

Gia phả Chúa Giêsu thuật trong Phúc âm Matthêu kể tên bốn phụ nữ : Thamar, Rakhab, Ruth, vợ của Urya (bản văn không nêu đích danh Bethsabe ; Mt 1:3,, 5, 7).

Cả ba Phúc âm Mattheu, Marco, Luca đều chép dụ ngôn người gieo giống, trong đó cho thấy hạt giống được vãi vào bốn loại đất : đất ven đường, đất sỏi đá, đất gai góc, đất mầu mỡ, ứng với bốn hạng tâm hồn khi nghe lời Chúa (xem Mt 13:5-8 // Mc 4:3-9 // Lc 8:5-8). Cả ba sách Phúc âm cũng thuật lại lời giải thích của chính Chúa Giêsu về dụ ngôn này (x. Mt 13:18-23 // Mc 4:13-20 // Lc 8:11-15).


(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: