TẠO VẬT
Trên trang mạng truyền thông mang tên (?) Thư
viện lời chúa & thư viện sách quý (sic) của linh mục Nguyễn
Văn Mễn, tại https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/tao-vat-la-dang-tao-hoa-hay-loai-thu-tao-nhung-dieu-can-biet-1048.html,
có một bài đăng ngày 14-4-2021, tựa là : Tạo Vật là Đấng Tạo Hóa hay Loài Thụ
Tạo ? - những điều cần biết. Cuối bài, ở góc
trái, ghi tác giả (?) là “Le Hai Nam - 578. (14/4/2021)” – sau đây viết tắt là LHN – nhưng ở góc phải có
dòng chữ nhỏ hơn ghi cẩn thận là “Tác giả : Nguyễn Văn Mễn”, tuy nhiên dòng chữ
này được tự động thêm vào bất cứ bài viết nào được linh mục Mễn chọn đăng trên
trang truyền thông của ngài.
Trước đó đã có bài viết của cha Stêphanô
Huỳnh Trụ có tựa đề là Từ vựng Công Giáo : Tạo vật - Thụ tạo, ngày
29-4-2017, đăng trên trang mạng truyền thông của Tổng Giáo phận Saigon, tại
https://tgpsaigon.net/bai-viet/tu-vung-cong-giao-tao-vat-thu-tao-48725, được
đăng lại trên nhiều trang truyền thông khác, như trang truyền thông của Giáo xứ
Hà Nội (TGP Saigon) tại
http://www.giaoxuhanoi.com/tu-lieu-van-hoa/tu-vung-cong-giao-tao-vat-thu-tao-2080.html
[1]
Trước đó nữa, đầu năm 2004, nhạc sĩ có
liên quan là Phanxicô, bút hiệu của tác giả Nguyễn Đình Diễn (viết tắt là Ph –
NĐD), đã từng có bài viết trần tình mang tựa là Về hai chữ “tạo vật”,
đăng trên trang mạng truyền thông Diễn đàn Thánh Nhạc tại
http://www.calendi.com/thanhnhac/uploaded/Phanxico/TaoVat.pdf
Xin có một số ý.
I. Về
việc xuất hiện “tạo vật” và việc du nhập “tạo vật” trong tiếng Việt
LHN viết (sic) :
... từ “tạo vật” theo nghĩa “Đấng Tạo Hóa” cách đây cả trăm năm (thời Nguyễn
Trường Tộ, 1830-1871), khi cụm từ “tạo vật” trong chữ Hán mới du nhập
vào tiếng Việt.
Việc xác định thời điểm một từ ngữ xuất hiện trong một ngôn ngữ, cũng như
thời điểm du nhập một từ ngữ nào đó trong ngôn ngữ này vào ngôn ngữ khác... nói
chung không hề là công việc dễ dàng. Không rõ LHN căn cứ vào đâu để có những
phán đoán trên. Nhưng có thể xem vài trường hợp sau đây :
A. Sự xuất hiện từ ngữ “tạo vật” với nghĩa “Đấng tạo hóa” :
Tạm kể theo thứ tự xuất hiện từ sau đến trước :
1). Trong truyện Diệp sinh
ở quyển 1, Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh (1640-1715), có câu
:
Nhân sinh thế thượng, kì tu hợp nhãn phóng bộ, dĩ thính tạo vật chi
đê ngang nhi dĩ ; mặt chữ Nho : 人生世上 , 祇須合眼放步 , 以聽造物之低昂而已 ; tạm dịch : người sống
trên đời, chỉ nên khép mắt mà cất bước, kệ cho Trời [khiến] úp sấp [hay]
lật ngửa mà thôi ; có lẽ Nguyễn Du đã dịch ý câu này thành “cũng liều nhắm mắt
đưa chân / mặc cho con Tạo xoay vần đến đâu [thì đến]”.
Câu “dĩ thính tạo vật
chi đê ngang” trên đây được tác giả người Việt Lương Thúc Ký đưa vào
tác phẩm Quốc Ngạn, quyển thượng, nhà in Tiếng Dân, Huế, 1931, với dạng (sic)
:
... nhắm mắt đưa chưn, thính đê
ngang ư tạo vật 聽低昂於造物 (mà dịch sát là : mặc cho việc úp
sấp hay lật ngửa đều ở Trời).
2). Sớm hơn nữa, trong bài từ Giá
cô thiên của Lục Du (1125-1210), người đời Tống, có câu :
Nguyên tri tạo vật tâm trường biệt / Lão khước anh hùng tự đẳng nhàn 元知造物心腸別 / 老卻英雄似等閑 ; tạm dịch : Vốn biết lòng Trời thì khác / khiến
kẻ anh hùng cũng rỗi không.
3). Hàn Dũ (768-824) trong
bài Nam sơn thi, có câu :
Hoàn nghi tạo vật ý / Cố hộ súc tinh hựu還疑造物意 , 固護蓄精祐 , tạm dịch : vẫn nghĩ ý Trời / che chở giúp nuôi tinh lực.
4). Sớm hơn nữa, bộ sử Ngụy
thư được biên soạn từ năm 554 đến 559, do Ngụy Thâu (506-572) chủ
biên, trong truyện Lí Bưu (444-501) có :
sinh sinh đắc sở, sự sự duy tân, nguy nguy hồ do tạo vật chi khúc
thành dã生生得所 , 事事惟新 , 巍巍乎猶造物之曲成也 , tạm dịch : có được những xử trí phù hợp thêm mãi, mọi việc có thay đổi,
còn ở Trời cao vòi vọi kia làm cho xong những chỗ khó.
Như vậy từ ngữ “tạo vật” dùng để chỉ “Trời” đã có từ rất sớm, cách nay cả
hơn ngàn năm, không phải mới mẻ gì. Khi các giáo sĩ Tây phương sang truyền giáo
bên Trung Hoa, có linh mục người Italia là Niccolò Longobardo (1565-1655),
thuộc dòng Tên, đã đến đây năm 1597. Ngài học thông thạo tiếng nói, chữ viết,
cũng như phong tục tập quán của người Hoa để làm tốt sứ vụ của mình. Năm 1602,
ngài cho khắc in và xuất bản quyển kinh Công giáo chữ Nho : Thiên Chúa thánh
giáo nhật khóa. Từ đó tới nay, quyển kinh này được tái bản đến vài chục lần.
Trong các kinh có Thánh Mẫu đức tự đảo văn, là bản dịch chữ Nho kinh cầu
Đức Bà Litaniae Lauretanae. Kinh chữ Nho này được nhiều giáo dân Việt
Nam biết, nay còn nhiều người thuộc (dù chẳng hề biết mặt chữ Nho). Trong sách
kinh tiếng Việt, kinh này có tên là Kinh Cầu chữ : chữ tức là chữ Nho, đối
lại với Nôm là Quốc âm. Có mấy câu tương ứng với kinh Latin sau :
Tạo vật chi Mẫu 造物之母 : Mater Creatoris
Cứu thế chi Mẫu 救世之母 : Mater Salvatoris
Tương ứng với bản kinh tiếng Việt
(được các cố ngày trước dịch rất cẩn thận) là :
Đức Mẹ sinh Chúa tạo
thiên lập địa.
Đức Mẹ sinh Chúa cứu
thế.
B. Sự du nhập từ ngữ “tạo vật” vào nước Ta :
1). Cha Stêphanô Huỳnh Trụ dẫn việc
Nguyễn Trường Tộ (khoảng 1830 – 1871) trong các bản tâu dâng lên vua Tự
Đức đều dùng “tạo vật” theo nghĩa “Đấng tạo hoá”. Thí dụ bản tâu về Giáo
môn luận, ngày 11-2 năm Tự Đức 16 (29-3-1863) có những câu : “Thế mới thấy
được cái giàu lớn khéo giỏi của Tạo vật. Sở dĩ Thượng Đế chế trị
đại địa cũng như con người ta lập các tôn giáo riêng, không bắt ép cái này phải
nhập vào cái kia là vì có thâm ý trong đó”, v.v...
2). Không riêng Nguyễn Trường Tộ
mới dùng “tạo vật” chỉ “Đấng tạo hóa”. Trong Tuc ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn của
Paulus Của Huình-Tịnh [2], trang 70, vần T, số 22, cũng
có :
22 Tạo vật vô
tình.
Trời sinh muôn vật, chỉ thính ư tự nhiên, dường như không chủ
ý.
Hình 1 : Hình chụp lại
từ nguyên bản Tục ngữ, Cổ ngữ,
Gia ngôn có “tạo vật”
3). Đồng thời với Nguyễn Trường Tộ
còn có, thí dụ, Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), trong bài hát nói Tự
tình có những câu :
Thợ trời sao khéo đa đoan
Cái danh cũng ghét cái nhàn cũng
ghen
Danh giả Tạo vật
chi sở kị
名者造物之所忌
(= cái danh là cái Trời
ghét)
4). Trước đó Cao Bá Quát
(1808 – 1855) trong bài hát nói Trời chẳng chiều người của ông có câu đầu
tiên là :
Tạo vật sinh nhân tình dữ phú
造物生人情與賦
(= Trời sinh ra người cũng
phú cho cái tình)
5). Sớm hơn nữa còn Nguyễn
Công Trứ (1778–1858) trong bài hát nói Nghĩ tuổi già mà lo có :
Gẫm cho đến bất nhân là Tạo
vật
(bất nhân là Tạo vật : đây là câu chơi chữ mang 2 nghĩa : 1). nếu
dùng bất nhân 不仁 thì câu có nghĩa than trách ông Trời : Trời nhẫn tâm, chẳng có lòng nhân từ
; 2). nếu dùng bất nhân 不人 thì câu có nghĩa khác : Trời chẳng phải người ta !).
6). Trước nữa, Ngô Thì Nhậm
(1746-1803), trong bài Đường luật 觀異說反唐傳 Quan “Dị thuyết phản Đường”
truyện (= Xem truyện “Dị thuyết phản Đường”), ngay câu phá đề
viết là :
造物持鈞似不平
Tạo vật trì quân tự bất bình [3]
tạm dịch : Trời cầm cân dường
như chẳng đều
7). Lại có thể kể thêm Nguyễn
Phi Khanh (1355-1428 ?), cha của Nguyễn Trãi, trong bài phú 葉馬兒 Diệp mã nhi (= Con ngựa lá) cũng có các câu như :
苟非造物之妙 , 化工之至 , 安能致是乎 ?
cẩu phi tạo vật chi diệu, hóa công chi chí, an năng trí thị hồ
? [4]
tạm dịch : nếu chẳng phải sự rất mầu của đấng tạo vật, sự rất khéo của
đấng hóa công, thì sao được như vậy ?
...
Như thế ngay từ cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV, các tác
gia người Việt đã dùng hết sức tự nhiên, trôi chảy từ ngữ “tạo vật” với nghĩa
là “Đấng tạo hóa”. Từ đó phải kết luận rằng từ ngữ này đã có mặt (với nghĩa là
[đấng / vị...] dựng nên các vật) trong giới Nho học Việt Nam từ rất sớm, không
phải như LHN cả quyết rằng mãi đến thời Nguyễn Trường Tộ “từ “tạo vật” trong
chữ Hán mới du nhập vào tiếng Việt”.
II. Nghĩa
của “tạo vật” trong các văn bản tiếng Việt hơn 100 năm trước
A. Các khẳng định hồ đồ của LHN :
LHN viết lặp ba lần rằng (sic) :
... trong các văn bản tiếng Việt xuất hiện trong hơn 100 năm nay, cụm từ “tạo
vật” chỉ được sử dụng theo một nghĩa duy nhất là “loài thụ tạo,” chứ không có bản
văn nào dùng nó theo nghĩa “Đấng sáng tạo.” (mà lần thứ hai trong ba lần lặp này nói chắc chắn rằng “khoảng 150 năm
nay”).
Cũng tức là lặp lại ý của Ph – NĐD (không biết căn cứ vào đâu) rằng (sic)
:
Ít ra từ đầu thế kỷ hai mươi, tín hữu Công giáo Việt Nam vẫn luôn hiểu tạo
vật là tất cả những gì do Thiên Chúa tạo dựng (creature)
Trong sách Thánh giáo Kinh nguyện bằng chữ Nôm, 1925, sau kinh Cầu
các Thánh (xem hình chụp lại nguyên bản chữ Nôm, trang 29ab và t. 30ab) là kinh
Cầu chữ (từ dòng thứ 3 trang 29b, đếm từ bên phải sang, hình trên). Các câu
kinh Tạo vật chi Mẫu, Cứu thế chi Mẫu ở trang sau (câu thứ 2 và 3, dòng
6, trang 30a, hình dưới).
Hình 2 và 3 : kinh cầu Đức
Bà chữ Nho trong bản kinh Nôm聖教經願 Thánh giáo kinh nguyện, 1925 ;
hình trước : trang 29ab, gồm phần cuối kinh Cầu các Thánh ; ba dòng cuối
(bên trái trang 29b) là kinh Cầu chữ, tiếp sang trang 30ab ở hình sau.
Hình 4 : Hình chụp trang kinh cầu Đức Bà chữ Nho trong bản天主聖教日課 Thiên Chúa thánh giáo nhật khóa in lại năm 1715 bên Trung Hoa. Các câu Tạo vật chi Mẫu, Cứu thế chi Mẫu ở các dòng 5 và 6 (từ bên phải).
Nếu khi cha Longobardo dịch Litaniae Lauretanae, mà người Hoa không dùng “tạo vật” với nghĩa là “đấng / vị... dựng nên các vật”, thì bản dịch của ngài sẽ lập tức bị đào thải ngay, không thể phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Công giáo Hoa cho đến tận bây giờ. Và khi kinh Cầu chữ “du nhập” vào nước ta, thì lúc đó không thiếu gì người Công giáo Việt giỏi Nho học, có cả những vị từng thi đậu, làm đến các chức quan đại thần trong triều đình Đại Nam, cũng sẽ không thể chấp nhận nếu “tạo vật” trong kinh Cầu chữ được các nhà Nho đương thời hiểu là “vật được dựng nên”.
Như vậy, ngược hoàn toàn với Ph – NĐD (và với LHN), các người Việt Công
giáo đầu thế kỉ XX (và không chỉ khoảng thời gian đầu thế kỉ XX mà thôi) chắc
chắn đã hiểu “tạo vật” chính là chỉ “Đấng tạo dựng các vật”, y như những người
đương thời (Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Trọng Kim... như sau đây) đã hiểu.
Thí dụ :
1). Trong tác phầm Truyện
Thúy-Kiều (Đoạn-trường tân-thanh) do Bùi-Kỷ và Trần-Trọng-Kim
hiệu khảo, Vĩnh-Hưng-Long thư-quán, Hà-Nội, 1925, câu 6 : Trời xanh quen
thói má hồng đánh ghen, được chú thích (đánh số 5) như sau (sic) :
(5) Tình-sử : 造物妬紅顏 tạo vật đố hồng nhan : Tạo-hóa hay ghen với người đàn-bà đẹp. Có bản viết là : ... quen
với...
Hình 5 : chụp lại
nguyên bản Truyện Thúy-Kiều (Đoạn-trường
tân-thanh), Bùi-Kỷ và Trần-Trọng-Kim hiệu khảo
Chú thích này được các tác giả về
sau dẫn lại, thí dụ Dẫn giải truyện Kim Vân Kiều, Huyền Mặc đạo nhân,
1954, hay Kim Vân Kiều đính giải, Đàm Duy Tạo (trước tác 1986, hiệu
đính và phổ biến 2016)... Trong Truyện Kiều chú giải, Lê Văn Hòe,
Hà Nội, 1953, t. 14, vẫn câu Kiều Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
trên, có chú thích 6, nguyên văn :
(6) Tình sử có câu Tạo vật đố hồng nhan 造物妒紅顔 nghĩa là Tạo Hóa ghen với người đàn bà đẹp. Đàn
bà đẹp thường gặp gian truân, nên người ta cho hình như là Trời ghen
ghét với người đàn bà đẹp. Thực ra Trời không ghen ai.
Như thế trong cùng một câu chú
thích, Lê Văn Hòe đã khẳng định minh bạch rằng Tạo vật cũng là Tạo
Hóa, cũng là Trời.
Cũng nói thêm : trong Hán – Việt
từ điển giản yếu của Đào Duy Anh không có câu “Tạo vật đố hồng nhan”,
nhưng lại dẫn mấy câu khác : Tạo vật đố kỳ toàn, Tạo
vật đố kỵ, Tạo vật đố tài (xem hình dưới).
Hình 6 :chụp lại nguyên
bản Hán – Việt từ điển
giản yếu, Đào Duy Anh, nxb Minh Tân, 1949, có các mục từ về tạo vật
2). Trước nữa, trong Nam Phong
tạp chí, quyển 6, số 36, Juin 1920, mục Văn Uyển, bài Câu
Đối Phúng, Vũ Tích Cống sao lục, trang 545, có đôi câu đối Con rể
khóc bố vợ :
Tạo vật khéo trêu ngươi, kéo đám mây mù che núi Nhạc ;
Rể con không nhẽ nín, nổi cơn gió
lạnh thảm nhà băng.
3). Vẫn trong Nam Phong tạp
chí, có thể thấy Phạm Quỳnh là một trong những người rất hay dùng tạo
vật để nói về tạo hóa. Thí dụ :
─ Trong quyển 1, số 4, Octobre
1917, bài Sự giáo dục đàn bà con gái, trang 207, ông viết :
“... Đàn-ông với đàn-bà thực là mây với khói, địa-vị có khác nhau mà
thiên-chất thực là một ; tạo-vật cùng cho cái sức bay bổng như
nhau...”
─ Quyển 5, số 29, Novembre
1919, bài Gia tộc luận,
trang 379 : “... tạo-vật
vẫn đào-thải như thế là thường.” ;
trang 380 : “... chính tạo-vật
đã có cách đào-thải...”
─ Quyển 7, số 40, Octobre
1920, bài Phật giáo lược khảo, trang 302 K :
“... Tưởng thế cũng là đủ : cái bí-tàng của tạo-vật, biết
chút thế cũng đủ sống...”
─ Quyển 8, số 43, Janvier
1921, bài Bàn về tiểu-thuyết, trang 9 :
“... để chứng rằng tạo-vật
vốn vô-tình...” (xem hình).
Hình 7 : chụp lại đoạn
văn trong bài Bàn về tiểu thuyết
dẫn trên, được in trong Thượng Chi văn tập, do nhà xuất bản Văn Học tái
bản năm 2006, trang 674.
và còn ở rất nhiều chỗ khác nữa.
─ Ngoài ra, quyển 21, số 122, Octobre
1927, trang 357, có bài của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch tác phẩm Vũ
trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, bài Học thuật :
“... Sau rút cục lại suốt đời dở-dang chẳng làm nên công-cán gì, bấy giờ mới
lại oán-trách tạo-vật bất-công, đổ tội cho quan chủ-ti không biết
kén dùng đến mình...” (nguyên văn : ... 及其終身黄馘 , 貿然惡造物之不平 , 罪有司之不明 ... , ... cập kì
chung thân hoàng quắc, mậu nhiên ố tạo vật chi bất bình, tội hữu ti chi
bất minh...)
─ Vẫn quyển 21, số 122, Octobre
1927, trang 361, Vũ trung tùy bút, bài Cách uống chè :
“... Cái vui về nước non bè bạn, tạo-vật
chưa dễ đã cho mọi người được hưởng, có phần lại khó hơn lợi-lộc với
vinh-danh...” (nguyên văn : ... 山水朋友之樂 , 造物不輕與人 , 殆有甚於榮名利祿者 ... , ... san thủy bằng hữu chi lạc, tạo vật bất
khinh dữ nhân, đãi hữu thậm ư vinh danh lợi lộc giả ...) [5]
─ Đến năm 1974, một tác giả khác
là Nguyễn Quốc Hùng đã cho xuất bản Hán Việt tân từ điển, trong đó có mục
từ :
造物 tạo vật : làm ra mọi vật, chỉ ông trời.
Qua các trích dẫn trên, có thể kết
luận rằng trong các tác phẩm của người Việt, dù được viết bằng chữ Nho, chữ
Nôm, chữ Quốc Ngữ, ít nhất cũng ngay từ đầu thế kỉ XV với bài Diệp mã nhi
của Nguyễn Phi Khanh (sớm hơn nữa thì không thể biết, vì sách vở, chữ nghĩa...
của Đại Việt từ đầu thế kỉ XV về trước bị giặc Minh hoặc đem về Tầu, hoặc thiêu
đốt, phá hủy...) cho đến tận năm 1974 với Hán Việt tân từ điển của Nguyễn
Quốc Hùng (nếu không kể các tác phẩm của các tác giả khác được tái bản ở các thời
điểm còn muộn hơn nữa, như Thượng Chi văn tập được tái bản năm 2006), tức
là ít cũng 5 thế kỉ, thì nghĩa của từ ngữ “tạo vật” không hề bị thay đổi : từ
ngữ này luôn được dùng để chỉ về [ai đó / vị nào đó / đấng nào đó] tạo dựng các
sự vật. Không hề có tác giả nào dùng “tạo vật” để nói về “vật được tạo dựng”.
Điều này trái ngược hẳn với nhận định của LHN rằng (sic) :
... các văn bản tiếng Việt xuất hiện trong hơn 100 năm nay, cụm từ “tạo vật”
chỉ được sử dụng theo một nghĩa duy nhất là “loài thụ tạo” chứ không có bản
văn nào dùng nó theo nghĩa “Đấng sáng tạo”
Sau này các tín hữu Công giáo
Việt Nam muộn thời hơn được làm quen (trở lại, nếu trước đó đã từng biết) với
“tạo vật” nhưng với nghĩa sai của nó (“tạo vật” là “vật được tạo dựng”)
trong khoảng sớm lắm thì cũng là năm 1965 trở đi, như sẽ được trình bày ở mục B
dưới đây.
B. Lí sự của LHN :
LHN dùng “kiến thức về ngôn ngữ
học” với “các nguyên tắc cơ bản của ngôn ngữ học” để biện hộ cho việc
dùng nghĩa sai của “tạo vật” như sau :
Lí sự 1 – của LHN : ... ý nghĩa của một từ hoàn toàn có thể thay đổi
theo thời gian (thêm hay bớt)...
Lí sự này là đúng. Nhưng trong một
thứ tiếng nói nào đó mà có nhiều từ ngữ cứ thay đổi ý nghĩa theo thời gian, thì
con cháu đời sau làm thế nào hiểu được tiếng nói của tổ tiên ? Vì thế các từ
như vậy chỉ là một số rất ít ỏi. Trong tiếng Việt cũng vậy, rất nhiều từ Việt
có từ thời linh mục Alexander de Rhodes (giữa thế kỉ XVII), chẳng hạn, vẫn
giữ nguyên ý nghĩa của chúng đến tận ngày nay. Thí dụ : nhà, domus, cửa,
ianua / portus, gối, ceruical [cách viết hiện nay : cervical],
chiếu, storea, heo, sus, bò, bos, gà, gallina, vịt,
anas, gần, vicinus, xa, distans, đi, eo, đứng, sto...
(dẫn lại phần từ ngữ Latin tương ứng mà cha AdR dùng trong tác phẩm của
ngài)
Lí sự 2 – của LHN : ... du nhập một từ hay cụm từ từ tiếng nước ngoài,
người ta không bắt buộc phải giữ nguyên ý nghĩa của từ hay cụm từ ấy trong tiếng
nước ngoài mà có thể thay đổi thành một ý nghĩa khác...
Lí sự này cũng đúng, và cũng như ở
lí sự (1), những trường hợp như lí sự (2) này không nhiều. Thí dụ : từ ngữ “ 合眼 hợp nhãn” (dẫn ra trong truyện Diệp sinh, Liêu Trai chí dị ở trên) nguyên được
dùng với nghĩa là “khép mắt, nhắm mắt”, nhưng người Việt lại dùng nó với nghĩa
là “vừa mắt”. Nhưng xét cho cùng, đó chỉ là do 合 hợp là một từ có nhiều nghĩa (khép, đóng ; cùng, vừa ; gom góp...).
Thí dụ khác : từ ngữ “đồng hồ”.
Từ ngữ này có mặt chữ Nho là 銅壺 , tên của một dụng cụ đo giờ, và
nghĩa chính xác của “đồng hồ” là “chậu [bằng] đồng”, vì nó gồm nhiều chậu đồng
để nước chảy vào / chảy ra, từ đó mà xác định giờ giấc. Từ ngữ này được “du nhập”
vào nước ta không biết từ lúc nào. Khi người Tây phương sang ta, “du nhập” theo
những dụng cụ đo giờ nhỏ gọn của họ, ta cũng cứ gọi những đồ đo giờ ấy là những
cái “đồng hồ”, lại còn “đồng hồ quả quýt” (= chậu đồng [nhỏ bằng] quả quýt ?),
“đồng hồ đeo tay” (= chậu đồng đeo lủng lẳng trên tay ?), thậm chí “đồng hồ mặt
trời” (= cái chậu đồng [dùng để đựng] mặt trời ?), v.v. và v.v...
Dù sao “nghĩa mới” của “đồng hồ”
cũng không xa “nghĩa cũ”, tức là vẫn chỉ về dụng cụ đo giờ, và những từ ngữ dùng
sai mà bị gán cho là đúng theo kiểu như vậy cũng không nhiều. Nhưng lí sự
này là sai lầm nếu muốn áp dụng cho từ ngữ “tạo vật”.
Lí sự 3 – của LHN : ... cấu trúc cụm từ Hán “tạo vật” này gồm “tạo” là động
từ và “vật” là danh từ và trong đó động từ có thể được hiểu theo nghĩa tác động
hay bị động. Do đó cụm từ “tạo vật” được hiểu theo nghĩa “vật được tạo thành”
(nghĩa bị động) vẫn là hợp lý.
Lí sự này lại cũng có phần
đúng đối với những từ ngữ không phải là ... “tạo vật” :
thành phần động từ X trong một từ ngữ A hoặc được dùng (và hiểu) với
nghĩa chủ động, hoặc cũng có thể được dùng (và hiểu) với nghĩa bị động.
Nhưng một khi động từ X đó đã được dùng (và hiểu) với nghĩa chủ động thì lúc
nào cũng phải hiểu theo nghĩa chủ động. Ngược lại, nếu động từ X đó đã được
dùng (và hiểu) với nghĩa bị động thì lúc nào cũng phải hiểu theo nghĩa bị động.
Không thể có chuyện khi thì động từ đó được dùng (và hiểu) với nghĩa chủ động,
sau đó ít lâu lại bỗng dưng quay sang được dùng (và hiểu) theo nghĩa bị động. Vì
nếu như thế thì ngôn ngữ sẽ loạn hết.
Thí dụ :
+ Những từ ghép trong đó động
từ được hiểu theo nghĩa chủ động :
giáo viên : người [làm công việc] dạy [cái gì đó, cho ai đó...]
khán giả : gã [làm công việc] xem [cái gì đó, ai đó...]
tác giả : kẻ làm [cái gì đó]
tẩy giả : người [làm công việc] rửa [ai đó] ...
Bỗng một ngày nọ, có ai đó
thích “đổi sang nghĩa mới” bằng cách đem hiểu động từ trong những từ ngữ đó là bị
động, thì những “nghĩa mới” sẽ thành :
giáo viên : người được [ai đó] dạy cho [cái gì đó...] (tức là “giáo viên” bỗng hóa
ra “học trò” !)
khán giả : kẻ bị [ai đó] xem, dòm (tức là bị ... rình)
tẩy giả : người bị [ai đó] rửa ráy cho (tức là tên thánh Gioan Tẩy giả từ
trước đến nay vẫn có nghĩa là “Gioan người làm phép rửa” đột nhiên biến
thành “Gioan(,) kẻ bị [ai đó không biết] rửa cho” (!)
tác giả : kẻ bị [ai đó] làm ra (? ; cũng na ná như tạo vật được hiểu sai là
vật bị [ai đó] dựng nên)
tác nhân : cái nguyên nhân được [ai đó] làm ra
...
Còn các câu kinh trong kinh cầu
Đức Bà chữ Nho dẫn trên sẽ trở thành :
Tạo vật chi mẫu : mẹ của các vật được dựng nên (có lẽ tiếng Anh là : mother of created
things, hay văn vẻ hơn : mother of creatures chăng ?)
Cứu thế chi mẫu : mẹ của cõi đời được cứu (mother of saved world ?)
+ Những từ ghép trong đó động
từ được hiểu theo nghĩa bị động : ở đây xin dẫn lại các thí dụ trong bài viết
Tạo vật - Thụ tạo của cha Stêphanô Huỳnh Trụ :
phế vật : vật bị bỏ đi
di vật : vật được để lại khi chết
cống vật : vật được đem đi dâng biếu
tặng vật : vật được tặng, vật để tặng
Rõ ràng các động từ trong các từ
ngữ này không thể hiểu với nghĩa chủ động được, vì không thể hiểu, thí dụ :
phế vật : vật [làm hành động] vất bỏ [cái gì đó vào đâu đó, hay cho ai đó...]
di vật : vật [làm hành động] để lại, dời lại [cái gì đó cho ai đó...]
cống vật : vật [làm hành động] dâng biếu [cái gì đó cho ai đó...]
tặng vật : vật [làm hành động] tặng [cái gì đó cho ai đó...]
Lí sự 4 – của LHN : ... trong tiếng Việt, từ “vật” là chỉ “sự vật” vô
tri giác, chứ không bao giờ chỉ “người” có tri giác, nói chi đến việc dùng từ
“vật” để chỉ “Thiên Chúa.” Có thể nói việc dùng cụm từ “tạo vật” để chỉ Thiên
Chúa là một việc báng bổ không thể chấp nhận được (Chúa mà dám gọi là “vật”).
Chưa nói đến việc hiểu « “vật”
trong “tạo vật” là từ chỉ Thiên Chúa (LHN) » là hiểu sai cấu trúc ngữ pháp
của “tạo vật”, hãy xem “vật” trong từ ngữ “nhân vật”, như trong câu : “truyện
này có 3 nhân vật chính là ông L, cô H, bà N, và 3 nhân vật phụ là cô P, anh N,
cô D”, thì không biết đâu là “sự vật vô tri giác” ?
Trong “tạo vật”, “tạo” là động từ
mang nghĩa chủ động, “vật” là danh từ làm đối từ trực tiếp cho “tạo”, “tạo vật”
là một ngữ - động từ có nghĩa là “dựng nên các vật”. Khi ngữ - động từ này được
dùng làm danh từ (ghép, hay ngữ - danh từ), thì “tạo vật” có nghĩa là “đấng / vị
[làm công việc] dựng nên [các] sự vật”. Điều này cũng tương tự từ ngữ “tạo
hóa”, nguyên là một động từ kép, có nghĩa là “dựng nên và biến đổi”, được dùng
làm danh từ để chỉ về “đấng / vị [làm công việc] dựng nên và biến đổi”, mà
không hề cần đến những từ ngữ như “đấng” hay “vị”... ở trước. Có thể xem :
Khóc ông phủ Vĩnh Tường của Hồ Xuân Hương (được coi là 1772 - 1822) :
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi.
Thăng Long thành hoài
cổ của bà Huyện Thanh Quan (1805 - 1848) :
Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Hoặc trong ca dao :
Xưa nay tạo hoá xoay vần,
Hết bần lại phú, chẳng cần gì đâu
Ngoài ra, Nguyễn Văn Ngọc
trong Nam thi hợp tuyển, 1934, giải thích hai chữ tạo hóa :
tạo : sáng tạo, gầy dựng, làm ra ; hóa : hóa dục biến
đổi tự nhiên, tức là giời đất, ý nói giời đất sinh ra vạn vật.
Theo giải thích đó, rõ ràng ai
cũng hiểu “tạo hóa” vốn không phải là danh từ, mà là một động từ kép ; động từ kép
này đã được dùng làm ngữ - danh từ, như phần sau của giải thích “ý nói
giời đất sinh ra...”.
Kể ra cũng có thể thêm vào “tạo vật”
một chữ nữa, như cách làm trong 天主教英漢袖珍辭典 Thiên Chúa giáo Anh –
Hán tụ trân từ điển (tiểu từ điển Công giáo Anh –
Hán) do 主徒會恒毅月刊社 Chúa đồ hội Hằng-nghị nguyệt san xã xuất bản [6] :
Creator : 造物主 ; 創造者 ; 造物者 [tạo vật Chúa ; sáng tạo giả ; tạo vật giả]
Hoặc trong 拉丁漢文辭典 La-tin Hán văn từ điển của linh mục 吳金瑞 Ngô Kim Thụy (1965) [7]
:
Deus creator : 造物者天主 [tạo vật giả Thiên Chúa = Thiên Chúa, Đấng
dựng nên các vật]
“Tạo vật Chúa” / “Tạo vật giả”
cũng như “Cứu thế Chúa”, là đặt theo cú pháp Nho ; cú pháp Nôm tương ứng là
“Chúa tạo vật” / “Đấng tạo vật” và “Chúa cứu thế”.
Nhưng việc làm này có lẽ chỉ cốt
cho người thời nay, tạm gọi là hậu Nho học, cả Việt lẫn Hoa, được dễ hiểu. Còn
đối với người Nho học xưa, Nho văn được viết theo lối văn ngôn, lời ít ý
nhiều, không viết theo lối bạch thoại – nghĩa đen là “nói trắng ra”, tức
là “nghĩ sao nói vậy” – thì điều này hoàn toàn không cần thiết. Có thể xem lại
trường hợp từ ngữ “tạo hóa”, hoặc “cứu thế” trong “Cứu thế chi mẫu” dẫn trên.
Ngay kinh nguyện tiếng Việt cũng có cách dùng “Cứu thế” (không có Chúa / Đấng /
Vị) để nói về “Chúa cứu thế” :
Trong Sách Kinh nguyện ngày
thường và ngày Chúa nhựt (cũng gọi là Sách Mục lục), Imprimerie de
la Mission, Quinhon, 1925, Phần thứ bốn – Các Kinh đọc hoặc hát theo mùa trong
năm, I. Các ngày lễ về Chúa, 7 – Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, kinh Lễ
Chúa Thánh Thần, có các câu (xem hình chụp lại ở dưới) :
... Sách đã hứa : ngày sau Cứu
thế,
Thì đến nay in hiệp
nào sai.
...
Anh em đã không tin Cứu
thế,
...
Dù không có “Chúa / Đấng / Vì...
” ở trước “Cứu thế”, nhưng chắc chắn không hề có ai lại hiểu “cứu thế” là “cõi
đời được cứu” (thậm chí còn không thể hiểu là “sự / việc cứu đời”).
Hình 8 : chụp nguyên bản Sách Mục lục, 1925, có từ ngữ Cứu thế
Trong tiếng Việt, không ít từ ngữ
có cấu trúc và cách dùng tương tự với cấu trúc và cách dùng “tạo vật”, “tạo
hóa”... Chỉ kể riêng những từ ngữ vẫn gọi là “tiếng nhà đạo”, có : [phép] rửa
tội (có khi viết : Rửa tội), thêm (/ Thêm) sức,
truyền (/ Truyền) chức, xức (/ Xức) dầu.
Tóm lại, động từ “tạo” trong “tạo
vật” không hề mang nghĩa chủ động theo cách hiểu rằng cả từ ngữ có nghĩa là “vật
/ kẻ... làm công việc dựng nên [ai đó, cái gì đó...]”, mà cũng chẳng mang nghĩa
bị động để hiểu “tạo vật” là “vật được [ai đó] dựng nên”.
Để “tăng trọng lượng” cho cái khẳng
định rằng :
các văn bản tiếng Việt xuất hiện trong hơn 100 năm nay, cụm từ “tạo vật” chỉ
được sử dụng theo một nghĩa duy nhất là “loài thụ tạo, ” chứ không có bản văn
nào dùng nó theo nghĩa “Đấng sáng tạo. ” (LHN)
LHN dẫn ra thí dụ :
bản dịch tiếng Việt Công Đồng Vatican II của Giáo Hoàng Học Viện Pi-ô X có
hàng chục lần dùng từ “tạo vật” chỉ với ý nghĩa là “loài thụ tạo.”
và ở ngay phần mở đầu, LHN viết :
cha Martino Thông giải đáp bằng cách trưng dẫn các văn bản chính thức của
phụng vụ thánh, vốn đều dùng cụm từ “tạo vật” để chỉ “loài thụ tạo.”
Quả là có như vậy. Từ ngữ “tạo vật”
là một từ ngữ có hơi hướng “duy tâm”, thuộc lãnh vực siêu hình, triết học, nên
từ khoảng những năm 30 của thế kỉ XX đến nay, từ ngữ này hầu như không còn xuất
hiện trong các tác phẩm của người Việt. Chỉ gặp thấy là khi người ta tái bản những
tác phẩm đã dùng đến nó, hoặc được người khác dẫn từ các sách vở có trước vào
tác phẩm của mình như đã trình bày trên.
Ngày 15-6-1964, với Sắc lệnh Prot.
787/64, Tòa Thánh cho phép Hội đồng Giám mục (HĐGM) miền Nam Việt Nam được
dùng tiếng Việt – và một số ngôn ngữ khác của các dân tộc ít người – trong các
buổi cử hành PV. Năm 1965, nhà xuất bản Hiện Tại đã cho ra đời Sách Lễ
tiếng Việt, dịch theo Missale Romanum 1962 (nghi thức Thánh Lễ “cũ”,
quen gọi là “lễ quay lên”) : các bài Thánh thư, Phúc âm, các kinh Cầu nguyện – Oratio,
kinh Dâng lễ – Secreta..., các bài ca (ca Nhập lễ – Antiphona ad
Introitum, ca Dâng lễ – Antiphona ad Offertorium...) và phần Nghi thức
Thánh Lễ, được in chung tất cả vào một quyển, có đối chiếu tiếng Latin
bên cạnh tiếng Việt. Không thể phủ nhận giá trị của bản dịch này, các bản dịch
sau chỉ thay đổi ít nhiều so với bản này, ít nữa cũng là phần NTTL, từ các lời
chủ tế nói với giáo dân cùng những lời giáo dân đáp lại, cho đến các kinh như :
Xin Chúa thương xót (Kyrie), Vinh danh (Gloria), lời thưa của
giáo dân cuối BĐ, PÂ, kinh Tin kính (Credo), Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus),
Lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei). Sách Lễ này đã được Hội đồng Giám mục cho
phép dùng trong Phụng vụ.
Tất nhiên trong bản dịch cũng có
chỗ dịch sai, tuy rất ít, nhưng vẫn cứ là sai. Thí dụ các dịch giả đã dịch creatura
(và các biến cách) trong Latin bằng những từ ngữ Việt sau :
─ Chữ dùng đúng :
+ (các / vật / loài) thụ
sinh : Col 1:15, lễ Chúa Giêsu Kitô Vua, CN cuối tháng X ; Rom
8:19-23 (có 3 chỗ, riêng creatura trong câu 19 được dịch là họ),
CN IV sau lễ Hiện xuống)
+ (các / vật / loài) thụ tạo
: Jac 1:18, CN IV sau lễ Phục sinh, lễ một thánh Giáo hoàng tử đạo
(ngoài MPS)
+ hoặc chỉ dịch gọn là : mọi
loài (kinh Tiền tụng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua), mọi vật
(kinh Dâng lễ Secreta, Thứ V tuần Chịu nạn = sau CN lễ Lá), mọi
người (Mc 16:15, lễ Thăng thiên)...
─ Chữ dùng sai : chính là “tạo
vật” (Rom 8:39, ngày 1-2, lễ thánh Ignatius ; Gal 6:15,
ngày 4-19, lễ thánh Phanxicô khó khăn).
May thay, chỗ dịch sai creatura
thành tạo vật trong bản dịch này rất ít so với các chỗ dịch đúng, nên
không gây “ấn tượng” mấy.
Khi Hội thánh cho sử dụng Phụng vụ
mới, Ủy ban phụ trách việc dịch các sách Phụng vụ trực thuộc Hội đồng Giám mục
Việt Nam đã lần lượt xuất bản Sách Lễ mới (năm 1971) và sách các Bài
đọc cho các Thánh Lễ (gồm : mùa Vọng + Giáng sinh, 1969, mùa Chay + Phục
sinh, mùa Quanh năm I và II, 1970 ; ngoại lịch, 1973 ; sau đây viết tắt là bản
UBGMPV). Đây là một nỗ lực rất lớn, vì chỉ trong khoảng chưa đầy hai năm, Ủy
ban này đã dịch một khối lượng đồ sộ các bản văn Thánh Kinh từ Latin
sang tiếng Việt để kịp sử dụng trong Phụng vụ, nên các sai sót là điều không thể
tránh khỏi. Đối với trường hợp các từ ngữ tiếng Việt được dùng để dịch creatura
của Latin có thể kể như sau :
─ Chữ dùng đúng :
1). Mc 16:15 :
+ Thứ VII tuần BN PS, bài Phúc âm
: muôn loài
+ Ngày 25-1, lễ thánh Phaolô Tông
đồ trở lại : (mọi) loài thọ tạo
2). 2Cor 5:17 :
+ CN IV mùa Chay, năm C, BĐ II :
một thụ tạo (mới)
+ Thứ VII tuần X QN, năm lẻ, BĐ I
: một thọ sinh (mới)
3). Apoc 5:13 :
+ CN tuần III PS, năm C, BĐ II :
mọi thọ tạo’’
4). Rom 1:20 :
+ Thứ III tuần XXVIII, năm lẻ, BĐ
I : loài thụ tạo
5). Rom 1:25 :
+ Thứ III tuần XXVIII, năm lẻ, BĐ
I : loài thọ tạo
─ Chữ dùng sai : creatura
đều được dịch sai là (mọi / các / loài) tạo vật :
1). Mc 16:15 : bài PÂ của
CN tuần XIV, năm C ; CN XV, năm C ; CN tuần XXII, năm B ; lễ Chúa thăng thiên,
năm B ; lễ thánh Marcô thánh sử ; lễ chung các thánh Chủ chăn ;
2). Rom 8:19-22 : Thứ III
tuần XXX QN, năm lẻ ;
3). Gal 6:15 : CN XIV QN,
A, BĐII
4). Col 1:15 : CN cuối năm
PV, lễ Chúa Kitô Vua, BĐ II
5) Jac 1:18 : các ngày mùa
QN :
+ Alleluia của : Thứ VII tuần
VIII, Thứ VI tuần XVI, Thứ II tuần XXIV, Thứ VII tuần XXVIII
+ Thứ III tuần VI, năm chẵn, BĐ I
; CN tuần XXII, năm B, BĐ II
Ngoài ra câu Mc 16:15 được
dùng làm Đáp ca CN tuần XXI QN, năm C, lại bỏ, không dịch “creatura” của bản Latin.
Không riêng các bản dịch này, nhiều
bản dịch Công giáo khác cũng sai như vậy (tất nhiên bên
cạnh các chỗ dịch sai thì cũng có chỗ dịch đúng là loài thụ tạo, vật thụ tạo,
vật thụ sinh...) như trong :
─ các bản dịch Thánh Kinh
của các dịch giả Trần Đức Huân (Cựu – Tân Ước, 1971), Nguyễn Thế Thuấn (Cựu –
Tân Ước, 1977), An-sơn Vị (chỉ có phần Tân Ước, 1983)...
─ các bản dịch các văn kiện của
Công đồng Vaticanô II do Giáo hoàng học viện Piô X thực hiện (1972).
Hai kết luận từ các bản
dịch trên :
Kết luận 1 : các dịch giả không phải là không biết từ ngữ Việt đúng dùng để dịch từ ngữ
creatura trong Latin, nhưng có lẽ do chủ quan, nên vẫn để xảy ra
các sai lầm đáng tiếc (dẫn tới nghịch nghĩa hẳn so với nghĩa cần dịch ; hơn nữa
còn làm cho cộng đoàn hiểu sai). Từ ngữ vật – thụ tạo đặt theo cú
pháp Nôm, gồm hai thành phần vật và thụ tạo, nếu đặt theo cú pháp
Nho sẽ là thụ tạo – vật 受造 – 物 . Có thể từ ngữ thụ tạo vật
làm liên tưởng tới từ ngữ tạo vật mà các dịch giả đã từng nghe / đọc
(như trong kinh Cầu chữ), nhưng quên nghĩa, mà vì chủ quan, nên đinh
ninh rằng tạo vật hay thụ tạo vật thì... cũng như nhau cả. Thế là
chữ thụ ( 受 : có nghĩa là được, bị, chịu, nhận) bị đánh rơi mất,
trong khi nó lại là chữ rất quan trọng để xác định đúng nghĩa của từ ngữ sử dụng.
Có thể xem một trường hợp hoàn toàn tương tự : chữ Nho chỉ “người chịu phép rửa”
là 受洗者 thụ tẩy giả (dịch sát : kẻ được rửa). Nếu
“đánh rơi” chữ thụ, thì thành ra là 洗者 tẩy giả, nghĩa là đang từ “người chịu phép rửa” trở thành “người làm phép rửa” !
Cũng thế, thụ tạo vật (hoặc
vật thụ tạo) và tạo vật không thể mang nghĩa như nhau được. [8]
Kết luận 2 : các trường hợp mà cộng đoàn tham dự Phụng vụ được nghe / đọc chữ dùng sai (là
“tạo vật” với nghĩa là “vật được dựng nên”) thì nhiều hơn bội phần so với trường
hợp được nghe / đọc những chữ dùng đúng.
LHN biện minh cho việc dùng “tạo vật” bằng cách khẳng định :
“tạo vật” là “loài thụ tạo,” vốn đang được mọi người Việt Nam sử dụng và
hiểu như thế trong hàng trăm năm nay
Làm gì có cái gọi là “mọi
người Việt Nam sử dụng và hiểu (“tạo vật” là “loài thụ tạo”)” ở đây !
Cái gọi là “hàng trăm năm nay” như trên đã trình bày, chỉ có trong tưởng
tượng của LHN (và của Ph – NĐD), và hoàn toàn sai lầm, ở đây không nhắc lại.
Hãy nói về việc tiếp xúc với những
tác phẩm có dùng từ ngữ “tạo vật” này (tất nhiên là với nghĩa đúng của nó). Suốt
nửa sau thế kỉ thứ XX, cơ hội tiếp xúc đó ngày một trở nên hiếm hoi. Thí dụ như
nhà văn hóa Phạm Quỳnh, qua hơn nửa thế kỉ, từng bị gán cho là “Việt
gian tối nguy hiểm”, tờ Nam Phong tạp chí (dĩ nhiên cả bộ Thượng Chi
văn tập, là bộ sách gom góp khá nhiều bài viết của ông từng đăng trên Nam
Phong) bị đánh giá là “phản động, bôi nhọ văn hóa dân tộc và tuyên truyền
cho văn hóa thực dân”, thì chẳng có mấy người biết tới các bài viết của ông. Và
cũng không chỉ có một trường hợp các tác phẩm của Phạm Quỳnh.
Tiếp theo, “tạo vật” không phải
loại từ ngữ phổ thông để “mọi người Việt Nam sử dụng”, nhất là khi thuyết
Tiến hóa được phổ biến rộng rãi. Người bình thường không nói “tạo vật”
ngoài miệng, không nghe vào tai đã đành, mà viết (viết ra, viết đến,
viết về...) “tạo vật” có lẽ cũng chẳng mấy ai. Có chăng là một số rất rất ít những
nhà dịch thuật Công giáo, mà các bản dịch của các vị đó có điều kiện để
phổ biến (dĩ nhiên phổ biến cả cái đúng, lẫn cái sai như trường hợp từ
ngữ “tạo vật” này).
Người bình thường cũng không hiểu
(nhiều khi cũng chẳng cần phải hiểu xem) “tạo vật” thật ra có nghĩa gì. Chỉ có
những giáo dân Công giáo được nghe đến “tạo vật” khi họ tham gia các buổi cử
hành Phụng vụ trong nhà thờ, và khi được nghe đi nghe lại (từ ngữ “tạo vật” bị
dùng với nghĩa sai) nhiều lần (một năm PV có lẽ được nghe không ít hơn 5 lần
trong các lễ Chúa Nhật và lễ trọng, xin xem lại thống kê trên) liên tục trong
hơn nửa thế kỉ, thì ắt phải “nhập tâm” (nghĩa sai của “tạo vật”) thôi. Còn ở miền
Bắc, phải đến cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỉ XX trước, mới có
“dịp” nghe lại từ ngữ “tạo vật” trong Phụng vụ, tiếc thay lại là “tạo vật” với
cách dùng sai, và cái sai đó “trở nên quen thuộc” với người nghe.
Sau đó người Công giáo còn nhiều
cách khác để “phổ biến” sự sai lầm ấy, như viết các bài hát có sử dụng “tạo vật”,
thí dụ bài Con chỉ là tạo vật (của nhạc sĩ Ph – NĐD) và mấy bài khác.
Khi các phương tiện truyền thông đại chúng trở nên phổ biến, người ta không chỉ
nghe những bài hát đó trong các nhà thờ, mà có thể nghe ở bất cứ đâu ; và không
chỉ người Công giáo ở trong nước Việt Nam mới nghe được, mà bất cứ ai trên
khắp thế giới cũng có thể nghe khi họ muốn.
Trong số những người nghe được,
dĩ nhiên có những người không cần tìm hiểu, sẵn sàng chấp nhận nghĩa sai của từ
ngữ (tức là hiểu “tạo vật” là “vật được tạo nên”) trở thành nghĩa đúng, và một
số người, cả Công giáo và không Công giáo, đã bắt chước dùng sai như vậy. Nhưng
cũng có người biết chắc chắn từ ngữ dùng với nghĩa “vật được dựng nên” là sai.
Do đó mới có chuyện như cha Stêphanô Huỳnh Trụ thuật lại :
Tôi thấy trên mạng có người đặt câu hỏi “tại sao ngày nay người ta hiểu “tạo
vật” như là những vật được dựng lên, mà không phải là nghĩa “Đấng Tạo Hoá ?”
Người ta trả lời : “Từ ‘tạo vật’ bị dùng sai, có lẽ
do cách dùng sai trong tôn giáo”.
(Tạo vật – Thụ tạo, linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ)
Và đây là, nói theo chữ dùng của
LHN, “lí do rất chính đáng” để không thể “đảo ngược ý nghĩa của
cụm từ “tạo vật,” có nghĩa là “Đấng sáng tạo” trong tiếng Hán thành ý nghĩa
“loài thụ tạo” trong tiếng Việt” :
Người Việt Công giáo chỉ là thiểu
số trong cộng đồng người Việt. Nếu từ xưa đến nay, hoàn toàn không có người Việt
nào dùng “tạo vật” với nghĩa là “đấng / vị... dựng nên các vật” (tức là Tạo
Hóa, Ông Trời...), thì bất kể trong “tiếng Hán”, từ ngữ ấy có nghĩa ấy (cho dù
là trong kinh nguyện Công giáo như kinh cầu Đức Bà đi nữa), thì ta cứ việc
“đảo ngược ý nghĩa” của từ ngữ. Nhưng như đã trình bày, trước khi một số (có lẽ
không nhiều) người Việt Công giáo dùng “tạo vật” với nghĩa sai
trong các tác phẩm của mình, thì đã có rất nhiều người Việt, cả người Việt Công
giáo như Nguyễn Trường Tộ, Huỳnh Tịnh Của..., cả người Việt không Công giáo như
Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Phạm Quỳnh..., dùng “tạo vật” với nghĩa đúng. Nếu
cứ khăng khăng cho rằng “tạo vật” chỉ có nghĩa “vật được dựng nên”, thì khi gặp
từ ngữ ấy trong các tác phẩm của các vị như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Quỳnh... thì
sẽ phải hiểu từ ngữ ấy thế nào ? Hơn nữa, các tác phẩm của các vị này được
nghiên cứu khảo sát trong cộng đồng người Việt còn rộng rãi hơn nhiều so với
các tác phẩm Công giáo (như các bản văn Phụng vụ, các văn kiện của Công đồng
Vaticanô II...) Gần đây, năm 2006, toàn bộ Thượng Chi văn tập của Phạm
Quỳnh, trong đó có tất cả các bài viết của ông có dùng từ ngữ “tạo vật”
theo nghĩa đúng vốn có của nó – đã nói ở trên cũng trong phần II này –
đã được tái bản, và nhiều tác phẩm khác nữa (thí dụ : Hán – Việt từ điển giản
yếu của Đào Duy Anh, được nxb Khoa Học – Xã Hội tái bản năm 2016, và
các sách văn học có các tác phẩm đã nói đến ở phần I trên). Cho nên cả
những người sau này dùng sai từ ngữ “tạo vật” sẽ thấy ra cái sai của họ khi đọc
lại các tác phẩm giá trị của những nhà Nho học ngày trước.
III.
Chuyện về từ điển và từ điển “ngu ngốc”
Những vấn đề liên quan đến từ điển thì nhiều lắm, năm bảy dòng chữ thì chẳng
cách nào “bàn” cho xiết về từ điển. Đây chỉ có ít nhận xét về những từ ngữ
trong tiếng Việt mà khi viết bằng chữ Quốc ngữ thì giống nhau (tức là đọc
như nhau, có cùng âm đọc) nhưng lại có nghĩa khác nhau.
Có thể kể hai “lớp” từ ngữ thuộc dạng này : những từ ngữ có nhiều nghĩa và
những từ ngữ cùng âm khác nghĩa.
Thí dụ về “lớp” từ ngữ thứ nhất : một từ nhiều nghĩa :
Từ Nôm “anh” có thể có các nghĩa
sau :
(1). người con trai lớn tuổi hơn
những người con khác cùng một cha trong một gia đình (tạm coi là nghĩa “gốc”) ;
(2). con trai của vợ cả so với những
con khác của các vợ thứ của cha ;
(3). con trai của người bề trên
so với những con của những người bề dưới trong cùng một dòng họ ;
(4). tiếng để người nam này gọi
người nam khác trong vòng bạn bè hay ngoài xã hội, không kể nhiều tuổi hơn hay
ít tuổi hơn ;
(5). tiếng để người chồng tự xưng
khi nói chuyện với vợ, hay tiếng vợ gọi chồng ;
(6). tiếng để người nam tự xưng
khi nói chuyện với người nữ (có thể đã là bạn hoặc chưa), hay tiếng người nữ
dùng để gọi người nam
...
Từ ngữ “anh” này khi viết bằng chữ
Quốc ngữ cho cả 6 trường hợp trên thì mặt chữ hoàn toàn giống nhau đã đành, mà
khi viết bằng chữ Nôm cũng hoàn toàn giống nhau. Trong những nghĩa kể trên, người
ta chọn ra một nghĩa coi là nghĩa gốc (thí dụ nghĩa (1) trên), những nghĩa còn
lại là những nghĩa phái sinh 派生 .
Thí dụ về “lớp” từ ngữ thứ hai : từ cùng âm đọc mà khác nghĩa, những
nghĩa này không có liên quan gì với nhau :
Từ Nôm “năm” có thể có các nghĩa
sau :
năm (1) : từ chỉ số lượng như trong bốn năm, năm ba...
năm (2) : từ chỉ một khoảng tời gian như trong năm tháng...
Các từ “năm” này khi viết bằng chữ
Nôm vẫn có thể dùng cùng một chữ, nhưng thường người ta dùng hai chữ khác nhau
để người đọc không bị lẫn lộn.
Thí dụ câu :
Năm năm trời bể ngang tàng
có thể hiểu là :
(1). ngang tàng trên trời dưới nước
hết năm này qua năm khác (không cần biết là bao lâu) ;
(2). ngang tàng trên trời dưới nước
trong một khoảng thời gian là 5 năm.
Trong truyện Kiều Nôm, câu
trên (c. 2555) đã được viết là :
thì không thể lầm nghĩa (nghĩa đúng của câu là nghĩa thứ hai nói trên).
Dù sao, nghĩa của năm (= 5)
và năm (năm tháng)
tuy có khác, nhưng chưa phải là những nghĩa đối chọi nhau. Có thể xem hai vế
đối sau :
Phong xuy lạp chúc, lưu bán biên, lưu bán biên ;
Nguyệt chiếu phúc bồn, minh nhất xứ, minh nhất xứ.
Mỗi vế đều có hai chữ đồng âm dị nghĩa, mà các nghĩa này hoàn toàn trái ngược,
viết bằng chữ Quốc ngữ thì không thể phân biệt, nếu viết bằng chữ Nho sẽ được :
lưu (1) 流 : chảy đi, trôi đi, như trong lưu
thủy...
lưu (2) 留 : giữ lại, ở lại, dừng lại, đọng lại, như trong lưu ngụ...
và :
minh (1) 明 : sáng, như trong minh bạch...
minh (2) 冥 : tối, như trong cõi u minh...
Tuy biết là vậy, nhưng lưu nào viết trước, lưu nào viết sau...
thì không thể nói chắc, vì trước hay sau cũng không làm thay đổi ý của người đặt
ra câu đối, tạm dịch là :
Gió táp đèn cầy, nửa trôi nửa đọng
Trăng soi chậu úp, chỗ tỏ chỗ lu
Từ ngữ “công nghiệp” mà Ph – NĐD dẫn ra sau đây cũng là từ ngữ đồng
âm dị nghĩa :
xưa nay ta vốn rất quen đọc và hát “vì công nghiệp Đức Nữ Đồng Trinh... ”, nếu cứ chăm chú tra từ điển mà không nhìn vào
truyền thống và lịch sử ắt sẽ sinh ra tiếng cảnh báo rằng đọc và hát như thế sẽ
khiến giáo dân hiểu lầm rằng công nghiệp là kỹ nghệ (industry) của Đức Maria (sic)
Sự thật là trước khi “công nghiệp” được
dùng trong câu hát lời kinh Công giáo với nghĩa là “công trình, công lao, sự
nghiệp...” thì đã có (ít nhất) một tác phẩm của Hồ Sĩ Dương (một danh sĩ người Việt, 1622-1681) có tên là Đại
Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thật lục. Không ai hiểu
lầm rằng quyển sách này là sách nói về “nền kĩ nghệ” của vua chúa đời Lê trung
hưng của nước Đại Việt.
Thật ra có hai từ ngữ đồng âm dị nghĩa trong trường hợp từ ngữ công nghiệp
này :
công nghiệp (1). 工業 (từ chữ công 工 : thợ, việc làm, làm việc, khéo léo ; như công nhân工人 ,
công tác 工作 ...)
công nghiệp (2). 功業 (từ chữ công 功 : công lao ; kết quả, thành tựu,
sự nghiệp, như công danh 功名 , công dụng 功用 ...)
Còn tên tác phẩm của Hồ Sĩ Dương mặt chữ Nho là : 大越黎朝帝王中興功業實錄 Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thật lục : sách viết đúng về sự nghiệp trung hưng của các vua Lê chúa Trịnh của
Đại Việt.
Tất nhiên không rõ nghĩa thì phải “chăm chú tra từ điển”. Quyển từ
điển mà Ph – NĐD đã “rất vui mừng khi thấy...” cũng có chua đủ hai nghĩa
của từ ngữ công nghiệp như hình dưới đây :
Hình 9 : chụp nguyên bản Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, nxb Đà Nẵng, 2002 có mục từ
công nghiệp
Trong từ điển, những từ nhiều nghĩa thường được viết chung vào một mục từ,
mỗi nghĩa được đánh số để phân biệt ; còn những từ đồng âm dị nghĩa thì viết
thành các mục từ khác nhau và cũng được đánh số để phân biệt (thứ tự trước
sau của các từ hoặc của các nghĩa trong một từ là theo ý chủ quan của nhà làm từ
điển, dù có đề ra những tiêu chí nào đó ; thậm chí những tiêu chí đó cũng
vẫn là theo chủ quan của nhà làm từ điển). Trong Từ điển tiếng Việt của
VNNH dẫn trên, hai từ ngữ công nghiệp được tách riêng trong hai mục từ
khác nhau, cho thấy hai từ ngữ này là hai từ ngữ cùng âm khác nghĩa, mà không
phải là một từ nhiều nghĩa.
Vậy phải áp dụng thế nào vào từ ngữ “tạo vật” ?
Theo cách viết của người thời nay, người ta có thể thêm “giả”, thậm chí “chúa / chủ” vào sau “tạo vật” (thành “tạo vật giả” hoặc “tạo vật chúa / tạo vật
chủ”) để cho rõ nghĩa “tạo vật (giả / chúa)” có nghĩa là “đấng dựng nên các vật” (đã trình bày ở phần
II, mục B trên). Nhưng từ ngữ “tạo vật” này đã có “bề dày” về thời gian là hơn mười thế kỉ tính từ khi xuất hiện, và ít nữa cũng hơn
năm (5) thế kỉ tính từ khi “du nhập” vào tiếng Việt (căn cứ trên các văn bản vẫn tồn tại khách quan), thì các
tác giả đã quen dùng “tạo vật” với nghĩa “đấng tạo nên các vật” mà không cần “giả” hay “chúa”, hoàn toàn giống
cách dùng từ ngữ “tạo hóa”.
Vì thế ta có “mệnh đề 1” : “tạo vật = đấng tạo
nên các vật”.
Chỉ từ khi xuất hiện các bản dịch về Phụng vụ (cho là từ năm 1965), từ ngữ
“tạo vật” này mới được gán
cho một nghĩa mới đối nghịch hẳn với nghĩa vốn có,
ta có “mệnh đề 2” : “tạo vật = vật được tạo
thành”.
Như thế, “tạo vật” của “mệnh đề 1” và “tạo vật” của “mệnh đề 2” không thuộc lớp “những từ cùng âm khác nghĩa”, vì khi viết “tạo vật” dù bằng chữ Quốc ngữ hay chữ Nho, thì “tạo vật 造物 ” vẫn cứ là “tạo vật 造物 ”. Chúng cũng không thể thuộc lớp “từ có nhiều nghĩa”, vì nghĩa “đấng tạo nên các vật” và nghĩa “vật được tạo thành” không hề là những nghĩa phái sinh
của nhau. Vậy phải đưa vào “từ điển” như thế nào ? Chỉ có một cách giải quyết : xác nhận một nghĩa là đúng, và
đương nhiên nghĩa còn lại là sai, và nghĩa sai phải bị loại bỏ. Từ ngữ có thay đổi nghĩa thế nào đi nữa, cũng không thể trở
thành nghĩa đối chọi, trái ngược hẳn với nghĩa ban đầu. Vì thế, một từ ngữ vốn
mang nghĩa chỉ về nguyên nhân không thể nhờ một chữ “cũ” đơn giản mà bỗng
chốc nghĩa của từ ngữ đó lại hóa ra chỉ về kết quả. Thí dụ từ ngữ
Nôm “bố” trong tiếng Việt vốn mang nghĩa là người cha từ rất lâu (được công nhận
là từ thời Phùng Hưng, nửa cuối thế kỉ VIII) nay bỗng từ ngữ “bố” này “đột
nhiên” mang “nghĩa mới” là đứa con, thì không lẽ từ ngữ đó được ghi vào trong từ
điển, thí dụ thế, là : “bố : 1. (cũ) người đàn ông trực tiếp sinh ra
con cái trong gia đình. 2. người được sinh ra trong gia đình bởi một cặp cha mẹ”.
Lại cũng không thể vì điều này được ghi trong “từ điển”, mà “từ rày về sau” ai
cũng dùng và phải dùng từ ngữ “bố” với nghĩa “mới” mà sai là “đứa
con”. Bất kì người Việt nào cũng luôn luôn là “con” của cha mẹ mình ; người ấy,
nếu là đàn ông, chỉ có thể là “bố” của những đứa con khác do chính người ấy
sinh đẻ ra, và cả khi đó người ấy vẫn cứ là “con” của những người đã sinh đẻ ra
mình ! Đúng là đúng, mà sai là sai. Ở đây không có chỗ cho sự “hiểu theo cảm tính” (= đinh ninh là như thế, ngỡ là
như thế, tưởng là như thế), không dùng đến những khái niệm rằng đó là “chọn lựa của trái tim” hay “chọn lựa của hồn tông đồ”. Trái tim hay hồn
tông đồ cũng không thể can thiệp vào ngôn ngữ chung. Trái
lại, điều phải làm chính là chọn lựa ngôn ngữ chung, với các nghĩa đã được
xác nhận từ bao đời nay của từ ngữ, để diễn tả điều mà trái tim hay hồn
tông đồ muốn diễn tả.
Ph – NĐD còn dẫn thêm :
... các tu sĩ Việt Nam ở Đài Loan, những người giỏi Hoa ngữ và tiếp
xúc trực tiếp với Hoa ngữ trong thần học và phụng vụ ... và soạn quyển Từ Điển
Thần Học Tín Lý Anh-Việt, trong đó có các định nghĩa :
creator : Chúa tạo vật, Đấng tạo
hoá, Đấng sáng tạo.
creature : Thụ tạo vật, vật được tạo
dựng, tạo vật, kẻ được tạo dựng.
Vậy thì “tạo” nào là “tạo dựng”, và “tạo” nào là “được tạo dựng” ?
Vì :
nhóm phiên dịch ý thức rằng những hạn từ mà thần học Hoa ngữ đang dùng ở
Đài Loan không thể coi là tiêu chuẩn, nhưng chỉ để tham khảo hy vọng có thể làm
giầu thêm kho tàng ngữ vựng thần học Việt Nam phần nào chăng (sic),
nên phân tích dưới đây cũng không
dùng đến “những hạn từ mà thần học Hoa ngữ đang dùng”, chỉ phân tích
theo tiếng Việt.
Vì cả 4 từ ngữ Việt đều được dùng để dịch cùng một từ ngữ Anh, nên ta có định
nghĩa (1) :
creature =
= thụ tạo vật =
vật được tạo dựng = tạo vật = kẻ được tạo dựng
(1)
hay : thụ
tạo vật = tạo vật (2)
từ (2) suy ra : thụ tạo = tạo (3)
có nghĩa là : được tạo dựng = tạo dựng (!)
Tức là định nghĩa (1) tự mâu thuẫn.
Nên phải kết luận rằng : thêm “tạo vật” để dịch creature trong tiếng
Anh ở định nghĩa (1) trên đây thì thật là sai lầm, tức là những người soạn từ
điển, dù giỏi Hoa ngữ, nhưng đã đánh đồng “tạo” với “thụ tạo”. Từ đó suy
ra :
hoặc : được tạo dựng cũng là tạo dựng (khi đó thì “vật được tạo dựng”
cũng chẳng khác gì “Đấng tạo dựng”), tức là dẫn đến sai lầm rất phạm thượng (“con
người chính là Thiên Chúa”) không thể chấp nhận ;
hoặc : định nghĩa trong từ điển Thần học Tín lý Anh - Việt nói trên về
chữ creature là sai.
Các vị soạn bộ từ điển Thần học Tín lý Anh - Việt này có lẽ cũng biết
như thế ; nhưng tại sao các vị lại viết ra như dẫn trên đây, thì chỉ các vị mới
có câu trả lời. Ngoài ra như đã nói ở phần II, mục A, trong số
các người Việt Công giáo, hãy nói là vào khoảng đầu thế kỉ XX, có lẽ không ít
người có trình độ Nho học nếu không giỏi hơn thì cũng không thể kém
hơn các vị tham gia soạn bộ từ điển nói trên đây.
Còn LHN phán đoán rất mạnh miệng rằng (sic) :
tự điển mà không ghi nghĩa “tạo vật” là “loài thụ tạo,” ... chỉ là các tự
điển ngu ngốc mà thôi
Thử xem câu ca dao :
Trăm năm bia đá thì
mòn,
Ngàn năm bia miệng
hãy còn trơ trơ.
Định nghĩa (“cũ”) trong quyển từ điển mà Ph – NĐD đã “rất vui mừng...” :
mòn : bị mất dần từng ít một trên bề mặt do cọ sát nhiều
và :
trơ : có khả năng không biến đổi hình dạng, trạng thái, tính chất trước mọi tác
động mạnh từ bên ngoài.
Qua hai định nghĩa này, có thể tạm phỏng đoán ý nghĩa câu ca dao trên là :
Bia đá, như bia nghè cho tới bia mộ, dù làm bằng thứ vật liệu rất trơ lì,
nhưng nhiều lắm thì chỉ chừng trăm năm đã bị mòn rồi. Trái lại, bia miệng tiếng
đời, dù làm bằng thứ vật liệu vô hình, không thể sờ mó xem thử nó bị hao mòn thế
nào với thời gian, vậy mà ít nhất dễ cũng khoảng ngàn năm nó cứ vẫn trơ trơ.
Nay vì có câu hát rằng : Như phiến đá mòn trơ với thời gian
...
nên cần phải sửa các định nghĩa (“cũ”) trên thành “định nghĩa mới” :
mòn : không bị suy suyển dù thời gian lâu đến đâu thì cũng vẫn
thế
và :
trơ : bị hao hụt vật chất ở bề mặt dần dần từng chút từng chút
Tại sao ? Tại vì, theo LHN, một từ có thể có rất nhiều nghĩa và ý nghĩa
của một từ hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian (thêm hay bớt). Từ câu
hát trên, nay thấy được rằng : “đá” là thứ vật liệu đã mòn lại trơ,
nên từ nay về sau, hễ quyển từ điển tiếng Việt nào không có “định nghĩa mới” của
“mòn” và “trơ” tương tự trên đây, thì đều, theo LHN, là những “quyển từ điển
ngu ngốc”. Còn những quyển nào cứ giữ lại những định nghĩa tương tự “định
nghĩa cũ” thì đều, vẫn theo LHN, là những quyển “tự điển “ăn cắp” và khinh
thường người dùng tiếng Việt, không đáng để nói đến”.
Cha Trần Văn Hiến Minh viết trong Từ-điển & danh-từ triết-học,
Tủ sách Ra Khơi, 1966 :
Tạo vật (créature). Danh từ này, có người dùng để chỉ vật được
Thượng-Đế sáng tạo. Nhưng để rõ hơn, người ta dùng chữ thụ tạo. Xch này.
Có người lại hiểu là tạo nên vật, tức là Đấng Tạo hóa. Thiết nghĩ chỉ
nên dùng hai chữ Tạo hóa (Créateur) và thụ tạo (créature).
Có nghĩa là cha Trần Văn Hiến Minh không nhìn nhận nghĩa “vật được Thượng-Đế
sáng tạo” của từ ngữ “tạo vật”. Các chữ “có người dùng để chỉ...” là kiểu nói tế
nhị, vì có những nhà dịch thuật đồng thời với ngài đã dùng sai, nhưng
ngài không muốn nói thẳng ra. Các chữ “Có người lại hiểu là...” cho thấy rõ
ràng ngài có biết / nghe / đọc về từ ngữ “tạo vật” được dùng với nghĩa đúng
của những tác giả khác (ít nhất thì cũng trong kinh Cầu chữ). Câu kết
“Thiết nghĩ chỉ nên dùng...” cho thấy đề nghị của cha rất rõ ràng : nếu
không biết rõ nghĩa của chữ nào, thì đừng nên dùng chữ ấy.
Đề nghị này rất đúng :
1. Nếu người thời nay không còn quen thuộc với cách dùng “tạo vật” (không
có Đấng / Chúa / Vị... đi kèm) với nghĩa vốn có là “Đấng tạo nên các vật”, thì,
cách riêng đối với các tác giả Công giáo, hãy nên mạnh dạn bỏ hẳn từ ngữ này
khi muốn chỉ về Đấng tạo hóa (dù người ta vẫn quen với cách dùng từ ngữ “tạo
hóa” cũng không có Đấng / Vị / Chúa... đi kèm). Còn khi gặp / gặp lại từ ngữ đó
trong các sách vở như của Nguyễn Trường Tộ, Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh..., ta vẫn
có thể hoàn toàn hiểu theo cách các tác giả đó hiểu là “tạo vật” chính là “Đấng
tạo nên các vật” mà không phải băn khoăn.
2. Bên cạnh đó, cũng không thể dùng (sai) “tạo vật” với nghĩa là “vật được
tạo thành”, vì sẽ gây trở ngại : người Việt Công giáo hiểu một đàng (và đàng sai),
còn người Việt không Công giáo lại hiểu một đàng khác.
Tuy tác giả Ph – NĐD nhìn nhận việc dùng từ ngữ “thụ tạo” là “một chọn lựa
chính xác” (sic), và “tán thành” sự chọn lựa này, nhưng lại nói thêm
rằng vẫn “yêu mến từ ngữ tạo vật” (sic) vì cho rằng nó vẫn cứ có
nghĩa là “vật được tạo thành”, và đưa ra một nhận xét rằng :
... tạo vật là từ quen thuộc không những với người Việt Nam thuộc các
tôn giáo bạn mà còn với người Việt Nam trên khắp thế giới, trong khi đó thụ tạo
không có trong bất kỳ từ điển nào ở ngoài đời ... (sic)
đồng thời vẫn loanh quanh luẩn quẩn
với “tạo” và “vật” để cố gắng cắt nghĩa “tạo vật” mới là từ ngữ “phát
xuất từ trái tim, có cảm xúc của niềm tin, diễn tả rõ ràng hơn thân phận được tạo
dựng của con người và nói lên thiết tha hơn tâm tình của người biết rằng mình
chẳng là gì trước mặt Đấng Tác Tạo” (sic), chỉ vì “vật” mới là từ ngữ
“nói lên được sự nhận-biết-mình-mọn-hèn” (sic).
Quả là những lời lẽ (luẩn quẩn) “phát xuất từ trái tim”, bất chấp ý
nghĩa đúng đã được xác định cả ngàn năm, nên không còn gì để nói. Chỉ cần biết
rằng, tại sao “tạo vật là từ quen thuộc không những với người Việt Nam thuộc
các tôn giáo bạn mà còn với người Việt Nam trên khắp thế giới”, thì nguyên
nhân đã trình bày ở trên, xin không nhắc lại. Còn “thụ tạo không có trong bất
kỳ từ điển nào ở ngoài đời” thì quá dễ hiểu.
Từ ngữ “thụ tạo” rõ ràng không phải loại từ phổ thông, ngoài những kinh
sách “nhà đạo”, thử hỏi mấy ai có nhu cầu dùng đến. Lại nữa, khi người ta không
nhìn nhận có một Đấng (nào đó) tạo dựng mọi vật mọi loài, trong đó có cả loài
người, thì rõ ràng người ta lại cũng không thể nhìn nhận mọi loài, trong đó có
cả loài người, đã được (ai đó / vị nào đó / đấng nào đó) dựng nên. Không chỉ từ
ngữ “thụ tạo”, còn rất nhiều từ ngữ khác cũng không thể tìm thấy trong “bất
kỳ từ điển nào ở ngoài đời” (như : nhập lễ, thông chuyển, vật mọn, cáo
giải, phụng vụ...). Và đương nhiên không phải từ ngữ nào không được ghi nhận
trong các từ điển thì đều không tồn tại (và xin nói rõ : điều này không thể
áp dụng cho “tạo vật là vật được dựng nên” vì những lí do đã trình bày).
Về mặt cấu trúc từ ngữ, “thụ tạo” có kết cấu : thụ + một động từ,
trong đó thụ cho biết động từ đó mang nghĩa thụ động. Đây là cấu
trúc hết sức quen thuộc, có thể dẫn ra hàng loạt thí dụ, như : thụ phong
= chịu phong, được phong ; thụ giáo / thụ huấn = chịu sự dạy dỗ,
được dạy dỗ, được huấn luyện ; thụ thưởng = được thưởng ; thụ tẩy
= được / nhận / chịu rửa... Quen hay không quen không phải là vấn đề ở đây.
Chưa quen dùng lâu sẽ thành quen, “tạo vật = vật được dựng nên” dù sai,
nhưng vì nghe lâu, dùng lâu đã trở thành quen đó thôi. Chỉ có điều là nên làm
cho quen với cái đúng, đừng làm cho quen với cái sai.
Xin mở một dấu ngoặc : trước đó, Ph – NĐD còn nhận định :
Chúng ta ... đã không ngại dung nạp thuật ngữ của tôn giáo bạn : “Con người
đặt tên cho vợ là E-và, vì bà là mẹ của chúng sinh”
Không biết “tôn giáo bạn” mà Ph – NĐD nói đến ở đây là tôn giáo nào.
Có điều “chúng sinh” là từ ngữ “rất cũ kĩ” từng xuất hiện trong sách vở
Nho học. Thí dụ : sách Lễ Kí (= kinh Lễ, một trong Ngũ Kinh mà các nhà
Nho trước kia buộc phải học, được viết muộn lắm cũng vào thế kỉ III trước Công
nguyên, và Phật giáo đến Trung Hoa sớm lắm cũng vào khoảng năm 60, nghĩa là còn
sau thời Hai Bà Trưng ở nước ta), thiên Tế nghĩa, có :
眾生必死 , 死必歸土 chúng sinh tất tử, tử tất quy thổ (tạm dịch : mọi vật
sống ắt phải chết, chết ắt trở về đất)
Trong đó chúng sinh được Trùng biên Quốc ngữ từ điển tu đính bản
重編國語辭典修訂本 của bộ Giáo dục Đài Loan định nghĩa là : 一切有生命的動植物 nhất thiết hữu sinh mệnh
đích động thực vật (tạm dịch : tất cả các vật sống
như động vật, thực vật).
Ph – NĐD còn “lo ngại, nếu một ngày nào đó lời của bài hát phải đổi
thành “Lạy Chúa con chỉ là thụ tạo”, các nhà thần học sẽ gật đầu, nhưng trong cộng
đoàn có còn ai cùng hát với con nữa không ?” (sic).
Té ra tác giả lo rằng khi sửa theo điều đúng thì sẽ bị cộng đoàn bỏ rơi xa
lánh ? Xin thưa riêng với nhạc sĩ :
1. Chẳng có gì phải lo, nếu mình
làm điều đúng ;
2. Khi cộng đoàn thấy nhạc sĩ
khiêm nhường và vâng phục bề trên của mình để sửa điều sai, thì chẳng những họ
không ngoảnh mặt đi, mà trái lại họ còn ngưỡng mộ và hết lòng ủng hộ.
IV.
Sai và sửa sai
Kinh Tiền tụng của Kinh nguyện Thánh Thể IV
được Ph – NĐD dẫn ra từ Sách lễ Rôma 1971, đã được sửa lại :
SLR 1971 : ... và nhiều tạo vật vui hưởng ánh sáng huy hoàng của
Cha ...
So sánh với bản dịch đã được sửa lại :
Nghi thức Thánh Lễ (SLR 2005) : ... và cho nhiều thụ tạo vui hưởng
...
Còn các sách Bài Đọc đến nay chưa có bản thay thế chính thức.
Cũng có thể xem thêm các bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Việt của anh em Tin
Lành. Ở đây xin dẫn ra ba bản :
1). Bản dịch năm 1925, được gọi
là Bản truyền thống (có sự cộng tác của học giả Phan Khôi) ;
2). Bản dịch năm 2002, được gọi
là Bản dịch mới (New Vietnamese Bible, viết tắt là NVB), do mục sư Trần
Đào chủ biên ;
3). Bản dịch năm 2012, cũng do mục
sư Trần Đào chủ biên.
Các câu Thánh Kinh chọn ra để đối chiếu trong ba bản dịch này là Rom
8:19-22, là các câu có từ ngữ creatura (bản Nova Vulgata) ; từ ngữ
tiếng Việt tương ứng với creatura trong ba bản này như sau :
Câu TK Bản 1925 Bản 2002 Bản 2012
Rom 8:19 muôn
vật tạo vật muôn loài thọ tạo
Rom 8:20 muôn
vật tạo vật muôn vật
Rom 8:21 muôn
vật tạo vật muôn vật
Rom 8:22 muôn
vật tạo vật muôn vật
Có thể thấy, trong Bản dịch 2002, ý các dịch giả Tin Lành muốn có bản dịch
tiếng Việt dùng chung một số từ ngữ với anh em Công giáo, nên mọi chữ “muôn
vật” trong Bản truyền thống đều được thay bằng “tạo vật” (trong các
câu Rom 8:19-22 này). Nhưng sau đó, thấy từ ngữ “tạo vật” dùng ở
đây là sai, nên Bản dịch 2012 đã sửa lại như Bản truyền thống ; hơn thế,
từ ngữ “muôn vật” trong Bản truyền thống còn được sửa thành “muôn loài
thọ tạo”.
Bản dịch Thánh Kinh Latin Phổ thông Vulgata của thánh Giêrônimô
cũng đã được sửa chữa thành bản Nova Vulgata hiện hành trong Hội thánh
Công giáo.
Sai lầm là thuộc tính của con người, vì con người chỉ là “thụ tạo” chứ
không hề là “tạo vật”. Đừng bảo rằng “do
thiếu kiến thức về ngôn ngữ học” mà việc “đòi hỏi người dùng tiếng Việt
ngày nay phải « sửa sai » là chuyện nực cười” (sic,
LHN) ! Sai thì phải nhận là sai, và phải sửa, nhất là khi cái sai đó lại
từ những người có những vị trí quan trọng và / hoặc có ảnh hưởng đến cả cộng
đoàn rộng lớn ; chẳng có gì là nực cười. Xin nhắc lại lời Chúa Giêsu dạy : Sit
autem sermo vester : “Est, est”, “Non, non” ; quod autem his abundantius est, a
Malo est (Mt 5:37 ; Nhưng lời của các ngươi phải là : “Phải là phải”,
“Không là không” ; những gì đơm đặt đều bởi Ác thần mà ra).
Lễ thánh Maria
Mađalêna – 2023
Bùi Ngọc Hiển
Chú
thích :
1. Bài của LHN nhắm trực tiếp đến
cha Huỳnh Trụ và ít vị khác (... có từ “tạo vật” bị linh mục Huỳnh Trụ và cả
ủy ban thánh nhạc của HĐGM Việt Nam cho là sai nghĩa ... – sic), với
những câu như : ... họ (tức là cha Huỳnh Trụ và Ủy ban
Thánh Nhạc của HĐGM VN) còn căn cứ vào một số tự điển không có
nghĩa “loài thụ tạo” để củng cố lập luận của họ. Cách lập luận “đúng
sai” của họ cho thấy họ không hiểu về các nguyên tắc cơ
bản của ngôn ngữ học ... (sic) trong khi LHN tự giới thiệu : Tôi
ở trong ngành ngôn ngữ học và chuyên về dịch thuật (sic).
2.
Saigon, Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie,
1897 (trang trong lại ghi số năm là 1896).
3. Ngô
Thì Nhậm toàn tập, tập III, NXB Khoa học xã hội, 2005.
4. Thơ
văn Lý Trần, tập III, NXB Khoa học xã hội, 1978.
5. Nguyên
văn chữ Nho của Phạm Đình Hổ dẫn trên lấy ở bản Maurice Durand chép tay
theo bản của thư viện Viễn Đông bác cổ, kí hiệu A1297 ; bản của M.D.
không ghi tên từng bài, đoạn trong bài Học thuật ở trang 13b, đoạn trong
bài Cách uống chè ở trang 18a ; bản chép tay khác lưu tại Thư viện Quốc
Gia, kí hiệu R1609 có đề ở trang đầu : 城泰十八年 , 歲次丙午 , 坤月 , 大雪後書成 Thành Thái thập bát niên, tuế thứ Bính Ngọ, Khôn nguyệt,
Đại tuyết hậu thư thành =
viết xong vào ngày sau tiết Đại tuyết, tháng Khôn [tức là tháng Mười âm lịch],
năm Bính Ngọ, Thành Thái thứ tám [tức là năm 1906], không đánh số trang, bản R1609
này có ghi tên từng bài, nhưng bỏ sót nhiều bài, như bài Cách uống chè,
thứ tự các bài không khớp với bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến.
Bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến được Nguyễn Quảng Tuân hiệu đính và chú
thích, nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 1989 (một hình thức tái bản), đoạn dẫn
trên trong bài Học thuật được in lại ở trang 28 như sau : ... về sau
rút cục lại suốt đời dở dang, chẳng làm nên công cán gì. Bấy giờ mới oán trách tạo
vật bất công, đổ tội cho quan trên không biết kén dùng đến mình ...
Đoạn trong bài Cách uống chè, trang 34 : ... Cái vui về non nước
bè bạn, tạo vật chưa dễ đã cho mọi người được hưởng, mà còn có phần lại
khó hơn lợi lộc với vinh danh ...
6.
Nguyệt san Hằng-nghị của hội dòng Congregatio Discipulorum Domini
– CDD – còn gọi là hội dòng Môn đồ Chúa, do hồng y Celso Constantini
(1876‐1958), tên tiếng Hoa là 剛恆毅 , âm Nho : Cương‐hằng‐nghị, sáng lập.
7.
Cha Ngô Kim Thụy biên dịch từ điển này để đáp lại lời mời gọi của Thánh
Giáo hoàng Gioan XXIII trong tông hiến Veterum Sapientia ( 古人的智慧 Cổ nhân đích Trí tuệ) và của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong tông thư Summi
Dei Verbum ( 至高天主聖言 Chí
cao Thiên Chúa Thánh Ngôn).
8.
Chuyện “đánh rơi chữ” kiểu này dường như là một “truyền thống” bên Công giáo.
Có thể xem một từ ngữ khác : “tử đạo”, vốn có dạng đầy đủ là “tử vì
[Nho đọc : vị] đạo”, mặt chữ Nho / Nôm đều viết là 死爲道 .
Người Hoa không dùng cả tử đạo lẫn tử vị đạo, mà dùng từ ngữ khác
: tuẫn đạo 殉道 hoặc tuẫn giáo 殉教 .
Thí dụ trong Thiên Chúa giáo Anh – Hán tụ trân từ điển : Chinese Martyrs
được dịch là 中國殉道聖人 Trung
quốc tuẫn đạo thánh nhân hoặc
中華殉道先烈 Trung
Hoa tuẫn đạo tiên liệt, tức
là không có vị hay vì gì hết. Vậy thì trong tử vì đạo ta
cũng “đánh rơi” vì / vị đi cho gọn, thành ra còn lại có tử đạo,
thì cũng tương tự thế chứ gì.
Nhưng mà không, tuẫn và tử là hai từ khác hẳn nhau.
Tuẫn có nghĩa là “chết vì, chết cho, chết theo
[ai đó hoặc điều gì đó]”. Thí dụ : tuẫn quốc = chết vì nước (= vị quốc
vong thân), tuẫn giáo / tuẫn đạo = chết vì đạo, tuẫn
phu = chết theo chồng, tuẫn danh = chết vì danh dự, tuẫn lợi
= chết vì lợi lộc...
Tử chỉ có nghĩa là “chết” chung chung... Không thể đem tử
thay cho tuẫn ở các thí dụ trên để được những “từ ngữ tương đương”. Do
đó, muốn diễn tả ý “chết vì” mà dùng với “tử” để có từ ngữ có nghĩa tương ứng với
tuẫn đạo, thì từ ngữ đó chỉ có thể là tử vị đạo (hoặc : tử vì
đạo) ; còn tử đạo sẽ có nghĩa là : con đường chết (Ph – NĐD), hay
tiêu cực hơn : đạo [đưa tới] sự chết / đạo [của] sự chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét