TRƯỜNG SINH VỚI THƯỜNG SINH
BÙI NGỌC HIỂN
Dịp lễ Phục Sinh 2015, tại nhà thờ Giáo xứ Nam Đồng có treo đôi câu đối :
Ánh sáng khải hoàn cuối đường thập giá ;
Chiên Con hiến tế mở lối thường sinh.
Đôi câu này đã bị phản ứng. Nhiều người cho rằng trong câu có chữ dùng sai. Phải là "trường sinh" mới đúng ! Vì trong các thánh lễ, người ta quen nghe đọc : ... chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Tôn Nhan và phụng sự Chúa ... (Kinh Tạ ơn II, Sách lễ Rôma, 2005).
Vốn 長 生 "trường sinh" có nghĩa là "sống lâu (dài)". Hai tiếng này thường đi ghép với hai tiếng nữa là 不 老 "bất lão" làm thành một quán ngữ là "trường sinh bất lão". Quán ngữ này nguyên là thuật ngữ từ các phương sĩ Trung Hoa thời xưa, trước cả Tần Thuỷ hoàng. Các phương sĩ này chuyên luyện đan để tìm ra thứ thuốc làm cho người ta "sống lâu không già", tất nhiên là về phần xác, kéo dài tuổi thọ của cuộc sống trần thế (tạm bợ) hiện tại. Nhưng ắt những phương sĩ ấy cũng biết rõ là ngay cả khi họ có tìm được thứ thuốc như thế, thì thuốc này cũng chỉ làm cho may ra sống lâu lâu thêm, chứ không làm cho "sống mãi không chết", do đó mà có "bất lão". "Bất lão" không có nghĩa là "bất tử". Mãi về sau này người ta mới đem ghép "bất tử" với "trường sinh" nên đã gây ra ngộ nhận. "Trường sinh" có thể dùng để dịch "longevity" trong tiếng Anh, chứ không thể dịch "eternal life".
Trong khi đó, 常 生 "thường sinh" có nghĩa là "sống mãi mãi". Nghĩa của chữ 常 "thường" trong "thường sinh" này tương tự "thường" trong : 道 可 道 非 常 道 [Đạo khả đạo phi thường đạo = Đạo mà có thể nói được không phải cái đạo mãi mãi] (Đạo đức kinh). "常 道" thường đạo nghĩa là cái đạo mãi mãi như thế, không suy suyển. Hoặc như "thường" trong 常在 "thường tại" (cứ có mãi), 常存 ”thường tồn" (cứ còn mãi)... Hoàn toàn không phải nghĩa của chữ "thường" trong "Mùa thường niên" !
Có thể xem :
Đại Nam Quấc âm tự vị 大 南 國 音 字 彙, của Huỳnh-tịnh Paulus Của, Saigon, 1896 :
- 常 thường : ... thường sinh, sống hoài, không hề chết ;
- 長 tràng / trường : [không có cả tràng / trường thọ lẫn tràng / trường sinh].
Dictionnaire annamite – français 大 南 國 音 漢 字 法 釋 集 成 [Đại Nam Quốc âm Hán tự Pháp thích tập thành = Tự điển Đại Nam – Pháp, có chú thích chữ Hán] của J. F. M. Génibrel, Imprimerie de la Mission à Tân Định, 1898 :
- thường 常 : ... thường sinh, immortel ; [ngoài ra còn có :] thường cửu, durer ; thường tồn, permanent ;
- tràng 長 (= trường) : (v. trường) : tràng thọ ; tràng sinh, longue vie, longue jours ; tràng trị, gouverner longtemps, régner de longues années ;
- trường 長 : ... trường thọ, longue vie ; [không có trường sinh, mà chỉ có 4 loại cây trường sinh] ...
Dictionnaire annamite – chinois – français [Tự điển Việt – Hoa – Pháp], của Gustave Hue, Imprimerie Trung Hoà, 1937 :
- thường 常 : ... thường sinh : immortalité ; thường tồn : durer, subsister ... ;
- tràng : trường à tous les sens ;
- trường 長 : ... trường mệnh : longévité ; trường sinh = trường mệnh ...
Cũng tham khảo thêm :
Lexicon Manuale Latino Sinicum 辣 丁 中 華 合 字 典 [Lạt-đinh Trung Hoa hợp từ điển = Từ điển Latin – Hán] của Joachim Alphonsus Gonsalves (Macau, 1839) :
- aeternus : 永 遠, 無 始 無 終 [vĩnh viễn, vô thỉ vô chung = mãi mãi, không bắt đầu, không cuối cùng]
- permaneo : 恒 在 ; 留 于 此 [hằng tại ; lưu vu thử = luôn mãi, cứ thế mãi]
- perpetuus : 常 在 ; 永 遠 ; 不 息 [thường tại ; vĩnh viễn ; bất tức = luôn mãi, mãi mãi, không dứt]
Hoặc :
天 主 教 英 漢 袖 珍 辭 典 [Thiên Chúa giáo Anh Hán tụ trân từ điển = Từ điển Công giáo Anh – Hán] do 主 徒 會 恒 毅 月 刊 社 [Chúa đồ hội Hằng Nghị nguyệt san xã] xuất bản :
- eternal life : 常 生 ; 永 生 ; 永 恒 的 生 命 : 人 死 後 要 永 遠 活 下 去, 不 再 死 亡 (若 三 15). 善 人 將 分 享 天 主 永 恒 的 生 命 [thường sinh ; vĩnh sinh ; vĩnh hằng đích sinh mệnh : nhân tử hậu yếu vĩnh viễn hoạt hạ khứ, bất tái tử vong (Nhược tam 15 = Jn 3:15). Thiện nhân tương phân hưởng Thiên Chúa vĩnh hằng đích sinh mệnh. = sống mãi mãi, sống đời đời, sự sống đời đời : người sau khi chết sẽ sống lại không chết nữa (Gioan 3:15). Kẻ lành được thông hưởng sự sống đời đời của Thiên Chúa.]
- eternity : 永 恒 ; 永 遠 : 指 無 終 止 的 生 命 在 同 一 時 候 完 全 存 在. 參 閱 eternal life [vĩnh hằng ; vĩnh viễn : chỉ vô chung chỉ đích sinh mệnh tại đồng nhất thì hậu hoàn toàn tồn tại. Tham duyệt eternal life. = mãi mãi, đời đời : chỉ sự sống không kết thúc mà luôn còn mãi. Xem thêm eternal life]
Khi người Công giáo Trung Hoa dịch các kinh nguyện từ các thứ tiếng châu Âu sang Hán ngữ, họ đã rất thận trọng trong việc dùng chữ, vì chính họ ý thức rất rõ về nghĩa chữ (chắc chắn là hơn chúng ta hiện nay nhiều). Để dịch "vita aeterna" của tiếng Latin mà tiếng Anh tương đương là "eternal life", thì 常 生 "thường sinh" là từ ngữ được dùng trước tiên chứ không phải là "trường sinh" (vả chăng đến tận bây giờ cũng không có bản dịch nào dù là Thánh Kinh hay các kinh nguyện khác của Kitô giáo – cả Công giáo cũng như Chính thống giáo, Tin Lành – bằng Hán ngữ lại dùng "trường sinh" với nghĩa của "thường sinh" nói trên ; trong thời buổi điện toán hiện nay, việc kiểm tra điều khẳng định này hoàn toàn không khó). Từ ngữ tương đương với "thường sinh" trong các kinh nguyện Hán ngữ là "hằng sinh", "vĩnh hằng đích sinh mệnh" như trong từ điển Hằng Nghị đã dẫn. "Thường" và "hằng" có nghĩa tương đương, đều có thể dịch sang tiếng Việt là "mãi mãi", "đời đời (kiếp kiếp)".
Tham khảo khác trong 俄汉东正教词汇词典 [Nga Hán Đông Chính giáo từ vựng từ điển = Từ điển Nga – Hán Chính thống giáo Đông phương] :
- Жизнь вечная 永生 yǒngshēng [vĩnh sinh] ; 永恆的生命 yǒnghéngde shēngmìng [vĩnh hằng đích sinh mệnh].
Từ ngữ "thường sinh" không chỉ có trong các kinh nguyện Công giáo của người Trung Hoa, nó cũng được người Công giáo Việt Nam sử dụng. Trong các kinh nguyện các địa phận miền Bắc có kinh 感 謝 念 詞 "Cảm tạ niệm từ" thường gọi là kinh 伏 已 "Phục dĩ" (vì bắt đầu bằng hai tiếng này), chẳng hạn. Kinh này được kết bằng :
春 臺 自 在 真 享 福 之 無 窮 ; 壽 域 逍 遙 信 常 生 之 有 永 "Xuân đài tự tại, chân hưởng phúc chi vô cùng ; Thọ vực tiêu dao, tín thường sinh chi hữu vĩnh", dịch sát nghĩa là : "Tự tại chốn đài xuân, thật là hưởng phúc không cùng ; Tiêu dao cõi thọ, tin rằng sống mãi đời đời".
Nếu cho rằng bản kinh "Phục dĩ" này đã được viết cách đây khoảng 3 thế kỉ, thì thấy được rằng "thường sinh" rõ là không xa lạ trong kinh nguyện Công giáo Việt Nam. Tuy thế, kinh này dù sao cũng hoàn toàn bằng chữ Nho. Vì thế có thể tham khảo các kinh nguyện Công giáo khác ở các địa phận miền Nam.
Đối với các địa phận miền Nam, các kinh nguyện cũ cho thấy "thường sinh" (có khi là "hằng sống" hoặc "sống vô cùng, sống đời đời"...) là từ ngữ rất quen thuộc. Thí dụ trong sách kinh nguyện trước kia vẫn dùng (cho giáo dân) có tên Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá tịnh Chúa nhựt pháp, vẫn quen gọi là "Sách Mục lục", thì "thường sinh" không chỉ xuất hiện một lần, và không phải trong các kinh nguyện Hán tự :
... ... ...
Đệ tam thiên – Tổng chư Thánh kinh
– Kinh Cầu Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu : ... R T T T Đ C G là mạch thường sinh và căn bổn mọi đức trọn lành ...
Đệ lục thiên – Trợ lâm tử – Đa vit thánh vương thống hối kinh (Septem Psalmi Poenitentiales)
– (kinh) Thứ năm : ... mà Chúa là Chúa thường sinh đời đời chẳng hết ... (Ps 102:28).
Đệ thất thiên – Đồng niên tổng kinh văn
II.- Ca hát mùa Chay :
4. Lời Chúa trối (Hỡi linh hồn tôi còn vui chi nữa) : ... Hầu sau tiêu sái hưởng phước thường sinh ...
III.- Ca hát mừng Phục sinh :
4. Mầng Chúa phục sinh : ... Ắt là có phước, lại đặng thường sinh ...
IV.- Ca hát Mình Thánh Chúa :
1. Ở núi thánh Xion : ... Là Bánh thường sinh rất nhiệm, lại làm cho đặng sống ngàn thu ... ... Xin cho thấy sự lành cực hảo : đất thường sinh, sản tích đa sung ...
2. Tôi kính lạy Chúa Giêsu : ... Nầy bánh hằng sống, xuống nuôi khắp hết mọi người ...
6. Ớ Bánh thường sinh : Ớ Bánh thường sinh, rất linh nghiệm và ngon ngọt mĩ vị ...
10. Ớ Tiệc thường sinh : Ớ Tiệc thường sinh, hiệu nghiệm và ngon ngọt mĩ vị ! Tiệc nầy chẳng phải là của thế gian, song thật bởi trời ban xuống, mà đưa chúng tôi lên cõi thọ miên trường ... ... Ớ Bánh thường sinh, tỏ lòng Chúa thương thiên hạ ...
VI. Ca hát về các Thánh :
5. Lễ các thánh Nam Nữ : ... Cõi thường sinh một tiệc vui vầy ...
Đệ bát thiên – Về phép Bí tích – 3.- Phép Thánh Thể – I.- Lễ Misa
– Bài đọc trước lễ Misa : ... và cho chúng ta đặng sống vô cùng ...
– Misa lễ tất : ... và lòng chuộng thường sinh chơn phước ...
Phần phụ thêm – Những kinh cầu đọc một hai khi
– Kinh cầu Mình Thánh Chúa : ... Ớ Bánh thường sinh bởi trời mà xuống ... ... Ớ thần lương hằng sống nuôi dưỡng linh hồn chúng tôi ...
Sau này các kinh nguyện trên dần dần không còn được đọc nữa, nên có nhiều người thậm chí còn chẳng hề biết rằng có những kinh nguyện như thế đã từng tồn tại ; ý nghĩa của các từ ngữ dùng trong các kinh nguyện ấy ngày càng trở nên khó hiểu, nhưng những người làm công tác dịch thuật thường chủ quan, ít để tâm (hay không có thời giờ ?) tra cứu ý nghĩa xác thực của các từ ngữ đem dùng (chưa kể có những người lại còn sửa chữa cho sai những chữ dùng đúng của nguyên bản khi phổ biến, mà lại đinh ninh rằng việc làm sai của mình là đúng !). Dẫu sao vẫn có người còn dùng những từ ngữ như "thường sinh", chẳng hạn cha An-sơn Vị với bản dịch Kinh Thánh Tân Ước (xem Tin Mừng Gioan, chương 4, 6, 7...).
Nay thử xem lại câu kinh trong bản gốc Kinh nguyện Thánh Thể II (Prex Eucharista II) của Sách lễ Rôma Latin :
105. ... Mémores ígitur mortis et resurrectiónis eius, tibi, Dómine, panem vitae et cálicem salútis offérimus ... (t. 582).
Panem (panis) vitae ở đây có xuất xứ từ đoạn 6 trong Tin Mừng Gioan, nhất là trong các câu :
Jn 6:35 : Dixit eis Iesus : Ego sum panis vitae. Qui venit ad me, non esuriet; et, qui credit in me, non sitiet umquam.
Jn 6:51 : Ego sum panis vivus, qui de caelo descendi. Si quis manducaverit ex hoc pane, vivet in aeternum; panis autem, quem ego dabo, caro mea est pro mundi vita
Có thể so sánh thêm các câu khác cũng trong Tin Mừng Gioan :
Jn 4:10 : Respondit Iesus et dixit ei : Si scires donum Dei, et quis est, qui dicit tibi : Da mihi bibere, tu forsitan petisses ab eo, et dedisset tibi aquam vivam.
Jn 6:68 : Respondit ei Simon Petrus : Domine, ad quem ibimus ? Verba vitae aeternae habes.
Jn 7:38 : qui credit in me. Sicut dixit Scriptura, flumina de ventre eius fluent aquae vivae.
Nhưng vốn panem (panis) vitae lại có xuất xứ từ câu Đức huấn ca 15:3 : cibabit illum panem vitae et intellectus ... (Bản Kinh Thánh Công giáo Hán ngữ Tư Cao dịch câu này là : 要用生命和明智的食物養育他 ... [Yếu dụng sinh mệnh hoà minh trí đích thực vật dưỡng dục tha... = Nuôi dưỡng nó bằng thức ăn sự sống và trí sáng ...] ; bản Hoà Hợp của Tin Lành không có sách này.)
Trong các câu trên, muốn nôm na dễ hiểu, thì chỉ cần dịch đơn giản là :
panis vitae = bánh sự sống (hoặc : bánh ban sự sống, hay nếu không muốn dịch panis theo nghĩa đen là bánh mà theo nghĩa tổng quát là lương thực [như trong Kinh Lạy Cha hiện nay], thì có thể dịch là : của ăn ban sự sống) ;
aqua vivae = nước sự sống (hoặc : nước ban sự sống) ;
verba vitae aeternae = lời hằng sống (hoặc : lời ban sự sống đời đời). "Hằng sống" cũng là chữ dùng của bản dịch Kinh Thánh Tin Lành mới (New Vietnamese Bible) trong các câu : Jn 6:35, 48, 51 (bánh hằng sống) và Jn 6:57 (Cha hằng sống)...
Các cách dịch trên (sự sống, ban sự sống, hằng sống) đã được dùng trong cũng quyển Sách lễ Rôma Việt ngữ 2005 trong Kinh nguyện Thánh Thể sử dụng trong các lễ "cầu cho những nhu cầu khác nhau" (Prex Eucharistica quae in missis pro variis necessitatibus adhiberi potest) :
I. Hội Thánh trên đường hợp nhất (Ecclesia in viam unitatis progrediens)
II. Thiên Chúa dẫn đưa Hội Thánh trên đường cứu độ (Deus Ecclesiam suam in viam salutis conducens)
III. Chúa Giêsu là đường dẫn đến Chúa Cha (Iesus via ad Patrem)
IV. Chúa Giê su đi khắp nơi ban phát ơn lành (Iesus pertransiens benefaciendo)
Câu kinh trong bản gốc Latin là :
... panem vitae et cálicem benedictiónis offérimus ... đã được dịch là : ... chúng con tiến dâng Cha bánh sự sống và chén phúc lành ...
Hoặc như Kinh nguyện Thánh Thể I còn gọi là Lễ quy Rôma (Prex Eucharistica I seu Canon Romanus) : offérimus praeclárae maiestáti tuae de tuis donis ac datis hóstiam puram, hóstiam sanctam, hóstiam immaculátam, Panem sanctum vitae aetérnae et Cálicem salútis perpétuae (Missale Romanum, 2002, tt. 576, 577)
được các bản Sách lễ Rôma tiếng Việt dịch sát nghĩa là :
Bản 1971 : ... chúng tôi lựa chọn trong những của Chúa đã ban mà dâng lên trước tôn nhan uy linh Chúa : lễ vật thanh khiết, lễ vật thánh thiện, lễ vật tinh tuyền, Bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và Chén cứu độ muôn đời.
Bản 1992 : (94) ... chúng con dâng lên Cha là Đấng uy linh cao cả : hy lễ tinh khiết vẹn tuyền, hy lễ vô cùng thánh thiện, là bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và chén đem lại ơn cứu độ muôn đời.
Bản 2005 (lấy lại bản dịch 1971) : ... chúng con lựa chọn trong những của Chúa đã ban mà dâng lên trước tôn nhan uy linh Chúa : lễ vật thanh khiết, lễ vật thánh thiện, lễ vật tinh tuyền, bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và chén cứu độ muôn đời.
Hoặc trong chỉ dẫn đầu sách nơi Quy chế tổng quát của Sách lễ Rôma (Institutio generalis Missalis Romani), Chương III – Những nhiệm vụ và thừa tác vụ trong Thánh Lễ (Caput III : De officiis et ministeriis in Missa), số 93 (bản Latin 2002 ; tuy nhiên bản dịch Sách lễ Rôma Việt ngữ không dịch lại Quy chế này, mà vẫn in lại bản dịch 1992, nên số tương ứng là 60) :
... fratribus suis panem vitae aeternae dat ;
được dịch là : ... ban cho anh em mình bánh hằng sống ... (bản dịch 1971),
hoặc : ... trao cho anh em mình bánh hằng sống ... (bản dịch 1992).
Cũng trong Quy chế tổng quát, số 56 (bản Latin), hướng dẫn về cách kết thúc lời nguyện (collecta) với công thức :
qui ... vivit et regnat ... per ómnia saecula saeculórum, hoặc : Qui vivis et regnas ... per ómnia saecula saeculórum,
bản dịch Việt ngữ 1971 (số 32) dịch là : Người / Chúa là Thiên Chúa hằng sống hằng trị... hoặc : Người / Chúa hằng sống hằng trị muôn đời.
Trong khi đó, bản 1992 dịch là :... hằng sống và hiển trị... (thêm hình dung từ "hiển" mà thực ra có cần thiết gì đâu !).
Kiểu nói "hằng sống hằng trị" này được dịch sang Hán ngữ cũng bằng 常生 "thường sinh" và thêm 常王 "thường vượng" (chữ 王 với chức năng động từ đọc là "vượng" nghĩa là thi hành vương quyền, cai trị) thành một quán ngữ trong kinh nguyện Công giáo Trung Hoa : 常生常王 "thường sinh thường vượng" như trong
天主聖教四字經文 [Thiên Chúa thánh giáo tứ tự kinh văn = Kinh văn bốn chữ (về) đạo thánh Đức Chúa Trời], ngay những câu đầu tiên : 全能天主, 萬有真原. 無始無終, 常生常王. 無所不在, 無所不知. 無所不能, 萬物之始 [Toàn năng Thiên Chúa, vạn hữu chân nguyên ; Vô thuỷ vô chung, thường sinh thường vượng. Vô sở bất tại, vô sở bất tri ; Vô sở bất năng, vạn vật chi thuỷ... dịch sát nghĩa là : Đức Chúa Trời toàn năng (mà trước kia ở Việt ngữ hay dịch là : phép tắc vô cùng), là nguồn thật muôn điều có ; không bắt đầu, không cuối, hằng sống hằng trị ; không chỗ nào không ở, không có gì không biết ; không có gì không thể, là đầu hết muôn vật...].
Bài kinh trên này – cũng có tuổi vào khoảng hơn 3 thế kỉ – được diễn ra Việt ngữ dưới thể văn vần lục bát, được dẫn lại trong Dictionarium anamitico-latinum 南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị [Tự vựng Việt – Latin], Đức Giám mục Jean-Louis Taberd biên tập và xuất bản năm 1838, mà tác giả gọi là vãn : Đội ơn Chúa Cả Ba Ngôi, như sau :
Đội ơn Chúa Cả Ba Ngôi,
Dựng nên muôn vật cho tôi hưởng dùng.
Chúa là vô thỉ vô chung,
Thường sinh thường vượng, không cùng không sai.
Chúa là toàn đức toàn tài,
Suốt trong trời đất không ai ví tày...
Trở lại với câu kinh trong Kinh nguyện Thánh Thể II, kể ra thêm hình dung từ "hằng" như bản dịch 1971 :
... chúng tôi dâng lên Chúa bánh hằng sống và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho chúng tôi được xứng đáng hầu cận trước nhan Chúa và phụng sự Chúa...
thôi thì cũng tạm được, bởi chữ "hằng" này không dùng để dịch chữ nào trong bản gốc Latin cả, nhưng tạm được vì ít ra "hằng sống" có nghĩa là "sống mãi mãi", "sống đời đời". Nhưng các bản dịch về sau lại dùng "trường sinh" (có nghĩa là "sống dài dài", "sống lâu") để dịch mỗi chữ "vitae", thậm chí khi có hình dung từ aeternus, thì vẫn hoàn toàn không ổn :
Bản 1992 : (107) ... chúng con dâng lên Cha bánh trường sinh và chén cứu độ này, để tạ ơn Cha đã cho chúng con được đến trước Tôn Nhan và tế lễ phụng thờ...
Bản 2005 : (105) ... chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Tôn Nhan và phụng sự Chúa...
Tham khảo bản văn phụng vụ bằng Hán ngữ : 上主,因此我們紀念基督的聖死與復活, 向您奉獻生命之糧, 救恩之杯, 感謝您使我們得在您台前, 侍奉您. [Thượng Chúa, nhân thử ngã môn kỉ niệm Cơ-đốc đích thánh tử dữ phục hoạt, hướng Nễ phụng hiến sinh mệnh chi lương, cứu ân chi bôi, cảm tạ Nễ sử ngã môn đắc tại Nễ đài tiền, thị phụng Nễ].
Hoặc như trong Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thường niên II (Praefatio II de Dominicis "per annum") nguyên câu kinh trong bản gốc Latin :
... Qui, crucem passus, a perpétua morte nos liberávit et, a mórtuis resúrgens, vitam nobis donávit aetérnam
được dịch sang Việt ngữ trong các bản :
Bản 2005 : ... và từ cõi chết sống lại, Người đã ban cho chúng con được hưởng phúc trường sinh...
Bản 1992 cũng tương tự : ... và từ cõi chết sống lại, Người đã ban cho chúng con được hưởng phúc trường sinh...
Trong khi bản dịch 1971 là : ... và từ cõi chết sống lại, Người đã ban cho chúng tôi sự sống muôn đời...
Tham khảo bản văn phụng vụ bằng Hán ngữ : (常年主日頌謝詞之二 :) ... 基督 ... 又從死者中復活, 賜給我們永生. [(Thường niên Chúa nhật Tụng tạ từ chi nhị :) ... Cơ-đốc ... hựu tùng tử giả trung phục hoạt, tứ cấp ngã môn vĩnh sinh].
Đức tin Công giáo dạy ta biết "Bánh" (và "Rượu") nói đến trong các câu kinh đã dẫn chính là Mình (và Máu) Chúa Kitô như trong kinh Lauda Sion : Dogma datur christianis, quod in carnem transit panis, et vinum in sanguinem, "hình bánh" (và "hình rượu") bên ngoài là những điều giác quan của con người vật chất nhận biết được (Sub diversis speciebus, signis tantum, et non rebus, latent res eximiae, Lauda Sion), trong khi "Bánh" (và "Rượu") đó chính là lương thực của các thiên thần, ban cho kẻ nhận lãnh có được sự sống đời đời về phần hồn sau khi thân xác này đã chết đi, và đến ngày tận thế là cả xác sẽ sống lại và sống đời đời, chứ không phải chỉ là sự sống lâu dài, sự trường thọ ở đời này theo nghĩa của "trường sinh", dù có như Mathusala được nói đến trong Kinh Thánh, thọ tới 969 tuổi (gần được thiên thu !) rồi cũng phải chết : Et facti sunt omnes dies Mathusalae nongenti sexaginta novem anni, et mortuus est (Gen 5:27).
Chúa Kitô không hứa ban cho kẻ rước Mình Máu Người một cuộc sống lâu dài ở đời này. Trong các đấng Thánh (của thời Tân Ước), rõ ràng không vị nào lại không từng rước Mình Máu Chúa, thế mà hình như không có mấy vị sống lâu, xem lại tiểu sử các ngài, thì số những vị từ bảy mươi, tám mươi tuổi trở lên dường như quá ít ỏi. Chính Chúa Kitô là Thiên Chúa hằng sống, và khẳng định Người là sự sống lại và là sự sống ; nhưng khi còn ở trần thế trong bản tính con người, Người cũng đã chết khi không thể gọi là ... thọ, chỉ mới có ba mươi ba tuổi ! Thế mà nay "bánh", "nước", hoặc "lời" được dùng với "trường sinh" như vậy, thì thật chẳng khác nào bánh đó, nước đó là một thứ đan dược, và lời đó hoá nên như một thứ phù chú tương tự của các phương sĩ, ăn uống vào hay đọc lên hòng cho được kéo dài tuổi thọ (ở đời này về phần xác mà chưa chắc đã bất tử).
BÙI NGỌC HIỂN
Những Chuyện Chữ Nghĩa khác :