LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ
(tiếp theo)
(tiếp theo)
路德聖母畧記
BÙI NGỌC HIỂN
phiên âm và chú thích
Kỳ 3
Các số ghi trong bản phiên âm dưới đây nhằm dễ dàng so sánh đối chiếu với nguyên bản. Theo cách viết văn Hán – Nôm truyền thống, câu văn không hề có các dấu chấm câu, ngắt đoạn. Trong quyển truyện này, có một số dấu chấm, và khi ngắt đoạn (paragraphe) thì để cách ra một khoảng bằng với một chữ, mà không có sang dòng mới. Cách trình bày như thế làm hình thức của bản văn không được sáng sủa. Vì thế, trong khi phiên âm, chúng tôi xin thêm vào các dấu chấm câu, và sẽ xuống dòng mới khi cần ngắt đoạn.
Số trong dấu { và } là số trang, số trong dấu [ và ] là số dòng tương ứng với nguyên bản, số trong dấu ( và) là số chú thích bên dưới. Như đã trình bày ở phần Giới thiệu, những điều này làm cho mạch theo dõi của người đọc bị ảnh hưởng ít nhiều. Rất mong quý bạn đọc lượng thứ.
{6}
[1] ĐOẠN THỨ
HAI
[2] VỀ TÍCH
TRUYỆN BÊ-NA-ĐÊ-TA KHI CÒN BÉ
[3] CÙNG VỀ SỰ
ĐỨC BÀ HIỆN RA CÙNG BÊ-NA-ĐÊ-TA LẦN THỨ NHẤT
[4] Năm từ Đức Chúa Giê-su ra đời là một ngàn tám trăm
năm mươi tám, trong phố thành Lộ-đức có một nhà [5] hai vợ chồng ; chồng tên là
Phan-chi-cô (20) mà vợ gọi là Lu-i-xa (20), cả và hai khó khăn lắm, chỉ đi [6]
làm thuê làm mướn kiếm ăn, dù mà nhà ở cũng không có phải thuê nhà người ta.
Hai người ấy khó khăn phần [7] xác, nhưng mà phần linh hồn thì sốt sáng đạo đức.
Vợ chồng được
bốn đứa con, hai trai, hai gái. Con gái đầu [8] lòng tên là Bê-na-đê-ta, mẹ vừa
sinh ra thì liền ốm đau ngay không nuôi được con, phải nhờ người [9] làng khác
nuôi thay (21). Đến khi Bê-na-đê-ta đã lên bảy tám tuổi cùng đã bế em được và
đã cất nổi [10] việc nọ việc kia giúp đỡ cha mẹ, thì cha mẹ toan bắt về nhà.
Song nhà nuôi Bê-na-đê-ta yêu con...
Chú thích :
(20) Phan-chi-cô, Lu-i-xa : đều phiên âm theo tiếng
Tây-ban-nha : Francisco và Luisa. Tên tiếng Pháp của hai ông bà là François
Soubirous (theo tiếng địa phương là Francés Sobirós ; 1807–1871) và Louise
(Loïsa Casteròt ; 1825–1866). Hai ông bà sinh được 9 người con, con cả là
Bê-na-đê-ta, những người kia là : Gio-an (Jean ; sinh và mất cùng năm 1845), Ma-ri-a-An-tô-ni-a
(Marie-Toinette ; 1846 – 1892), Gio-an-Ma-ri-a (anh, Jean-Marie ; 1848–1851), Gio-an-Ma-ri-a
(em, Jean-Marie ; 1851 – 1919), Giu-ti-nô (Justin ; 1855 – 1865), Bê-na-đô-Phê-rô
(Bernard-Pierre ; 1859 – 1931), Gio-an (Jean ; sinh và mất cùng năm 1864), và
Lu-i-xa (Louise ; sinh và mất ngay lúc lọt lòng mẹ năm 1866).
(21) Bê-na-đê-ta, tiếng Pháp là Bernadette Soubirous (theo
tiếng địa phương là Bernadeta Sobirós), tên chính thức là Marie-Bernarde
Soubirous (Maria Bernada Sobirós), sinh ngày 7 tháng 1 năm 1844 ở Lourdes, mất
ngày 16 tháng 4 năm 1879 ở Nevers, được Đức Giáo hoàng Pi-ô XI phong Chân phước
ngày 14 tháng 6 năm 1925, sau đó được cũng Đức Giáo hoàng Pi-ô XI phong Hiển
thánh ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (8 tháng 12) năm 1933. Lễ nhớ thánh nữ là ngày 16
tháng 4, nhưng tại Pháp là ngày 18 tháng 2. Bê-na-đê-ta từ khi sinh ra được bà Marie
Lagüe, sống ở làng Bartrès ngay bên cạnh Lourdes trong 2 năm, về nhà với cha mẹ
đẻ ở Lourdes tháng 4 năm 1846. Sau đó, vì nhiều biến động, gia đình Bê-na-đê-ta
lâm vào cảnh túng cực, Bê-na-đê-ta lại đến ở với bà Marie Lagüe vào tháng 9 năm
1857, qua năm sau ngày 21 (hoặc 28) tháng 1 năm 1858 lại trở về Lourdes chứ
không ở liên tục nơi nhà cha mẹ nuôi suốt từ khi ra đời cho đến năm 1858 như
trong LĐTMLK tường thuật (theo Régis-Marie de La Teyssonnière, "L'abbé
Ader").
{7}
[1] ấy lắm, thì nài xin cha mẹ để con bé ấy ở lại với
mình ít lâu nữa, cùng hứa từ ấy về sau [2] sẽ nuôi không, chẳng dám lấy công xá
gì nữa. Cha mẹ Bê-na-đê-ta ưng nghe, cùng cho Bê-na-đê-ta [3] ở lại với cha mẹ
nuôi ba bốn năm nữa
Bê-na-đê-ta vốn
tính hiền lành ngay thật, có lòng sốt [4] sáng kính mến Rất Thánh Đức Bà. Khi
đi chăn chiên một mình nơi vắng vẻ, thì những lần hột liên. Đến tuổi những [5]
trẻ khác đã biết cùng đã phạm nhiều giống tội gở lạ, thì khi ấy Bê-na-đê-ta còn
chưa biết những sự [6] ấy ; linh hồn Bê-na-đê-ta vốn còn thanh sạch, cùng giữ
ơn phép Rửa tội cho trọn vẹn. Về phần xác Bê- [7] na-đê-ta có bệnh hen bệnh suyễn,
cùng yếu đuối hom hem, chẳng được khoẻ mạnh như trẻ con nhà người ta. Dù [8] mà
Bê-na-đê-ta yếu đuối mặc lòng, song vốn cũng vui vẻ tươi mặt liên, cùng bằng
lòng chịu bệnh tật mình [9] chẳng có khóc lóc quấy quắt (22) cha mẹ như các trẻ
khác khi phải ốm đau bệnh tật.
Nhà nuôi
Bê-na-đê- [10] ta chỉ dạy nó một sự lần hột mà thôi, còn kinh đọc cùng bổn (23)
xưng tội chịu lễ thì chẳng có dạy đến,...
Chú thích :
(22) quấy quắt : nguyên bản dùng các chữ 快屈 là hai chữ Nho, có âm Hán – Việt là "khoái
khuất", âm Nôm có thể đọc là "quấy quắt" như chúng tôi phiên, hoặc
cũng có thể đọc là "khuấy khuất".
(23) kinh bổn, hoặc bản, tức là "kinh bản hỏi",
là kinh dạy giáo lý căn bản trước kia, đặt theo lối hỏi thưa.
{8}
[1] cho nên đến khi Bê-na-đê-ta đã lên mười bốn tuổi, thì
cha mẹ bắt về nhà cho được học kinh bổn [2] và dọn mình xưng tội chịu lễ lần đầu.
Bê-na-đê-ta về nhà cha mẹ cuối tháng giêng năm một ngàn [3]
tám trăm năm mươi tám. Mẹ thấy con yếu đuối ho hen, thì coi sóc cách riêng. Bấy
giờ là mùa đông giá rét [4], các em đi giày không chẳng có bít tất, nhưng mà mẹ
bắt Bê-na-đê-ta xỏ bít tất, cùng dạy ở nhà [5] làm những việc vặt, còn các việc
ngoài thì sai các em.
Bê-na-đê-ta mới về nhà được độ mười lăm
ngày, [6] đến ngày mười một tháng hai, quá nửa buổi non trưa, mẹ sai Ma-ri-a là
em kém Bê-na-đê-ta ba [7] tuổi đi kiếm củi thổi, vì nhà chẳng có cái gì thổi sốt.
Bê-na-đê-ta cũng muốn đi với em lắm, nhưng [8] mà mẹ bảo rằng :
- Hôm nay trời lạnh lắm, con đã ho yếu sẵn,
có cho con đi thì con lại càng ho yếu [9] hơn. Thôi, con ở nhà đừng đi.
Cũng một lúc ấy, có một con bé hàng xóm
tên là Xu-an-na (24) vào nhà [10] rủ chúng bạn đi kiếm củi. Cả và ba xin nài mẹ,
thì mẹ chiều lòng chúng nó mà cho Bê-na-đê-ta...
Chú
thích :
(24) Ma-ri-a
là em gái kế Bê-na-đê-ta (thường gọi là Toinette, xem chú thích 20) ; Xu-an-na
là cách phiên âm theo tiếng Tây-ban-nha Juana tức là Jeanne Abadie.
{9}
[1] đi.
Ba chị em vui lòng lắm, liền ra cuối phố,
qua cầu đá, sang bên tây sông Ga-vô, rồi đi nhờ [2] nhà thợ xay đâm (25) sang
sông đào, vào đất giữa sông cái và sông đào kiếm củi, vì ở đấy là rìa bờ sông
[3] cái, có nhiều cây cao lớn, hễ cơn gió to thì những cành khô ở trên cây gãy
rơi xuống đất. Hai đứa kia [4] đi trước, vừa đi vừa nhặt củi, còn Bê-na-đê-ta yếu
đuối đi không kịp chị em thì chưa nhặt được thí [5] nào.
Khi chị em đến nơi sông đào chảy vào sông
cái ngang hang Ma-sa-bi-e (26), thì trông thấy ở chân núi [6] bên kia sông đào
có nhiều củi lắm. May ngày ấy nhà xay đâm chữa máy, thì đã đắp đập (27) cửa
sông đào, cho [7] nên sông cạn lắm. Hai đứa kia trút giày lội qua sông sang bên
núi, vừa lội vừa kêu lạnh lắm.
Bê-na-đê- [8] ta đứng trên bờ, thấy chị em
kêu lạnh lắm thì ngần ngại, liền bảo chúng nó bỏ mấy hòn đá xuống giữa dòng [9]
nước để mình bước lên trên cho khỏi lội. Nhưng mà hai đứa kia vội đi nhặt củi,
không bỏ đá, cùng bảo Bê- [10] na-đê-ta rằng :
- Hãy trút bít tất mà lội như chúng tôi.
Bất đắc dĩ Bê-na-đê-ta phải chịu phép, tựa...
Chú
thích :
(25)
xay đâm : tức là gọi tắt xay bột đâm (= giã) gạo, như đã nói ở đầu trang {5}.
(26)
hang Ma-sa-bi-e : như đã chú thích trên ở số 12, tiếng Pháp : la grotte de
Massabielle, tiếng địa phương là Tuta de Massavielha.
(27)
chữ Nôm "đập" thường viết với bộ 扌"thủ" bên trái chỉ ý
(= "đánh đập", rồi sau đó "giả tá" với nghĩa "cái đập
nước"...), chữ 沓 "đạp" bên phải
(nghĩa Hán – Việt là một xấp, một tệp... ; dùng làm phần hài thanh cho chữ
"đập") gồm bên trên là chữ 水 "thuỷ", dưới là chữ 曰 "viết". Tuy nhiên ở đây in phía trên bên phải là
chữ 木 "mộc", tức là chữ 揸 "tra" Hán – Việt
(nghĩa Nho : nhón bằng ngón tay) bị bớt nét ngang dưới cùng, có lẽ thợ đúc chữ
là người Tàu, không thạo chữ Nôm, nên đúc sai.
{10}
[1]
vào hòn đá lớn mà bỏ giày và tuột bít tất ra.
Đương khi Bê-na-đê-ta tuột bít tất ra, bỗng
[2] chốc nghe u u như cơn gió nổi. Bê-na-đê-ta liền ngửa mặt trông lên ngọn cây
cao mọc bên bờ sông [3] cái, thấy yên lặng như tờ, chẳng động đậy chút nào.
Bê-na-đê-ta lấy làm lạ, cùng nghĩ rằng mình nghe sai, [4] cho nên lại cúi xuống
toan tuột bít tất ra. Nhưng mà tay vừa mới cầm bít tất, thì lại nghe tiếng gió
thổi [5] u u lên như lần trước. Bê-na-đê-ta ngửa mặt lên trông sang bên kia
sông đào nơi hang đá Ma-sa- [6] bi-e, liền kinh khiếp run sợ cả và mình, muốn
kêu lên song kêu không ra tiếng, chân thì run lẩy bẩy đứng [7] chẳng được, liền
quỳ xuống đất. Trong hốc trên cửa hang có sáng như sáng mặt trời, nhưng mà êm
con mắt, chẳng chói [8] như sáng mặt trời. Giữa sáng ấy có một người nữ hiện ra
đẹp đẽ tốt lành quá sức, miệng lưỡi người ta nói [9] ra chẳng được.
Người nữ ấy trông trạc độ hai mươi tuổi, tầm
thước chẳng cao không thấp, mặc áo trắng như tuyết từ [10] vai đến gót, thắt
dây mùi xanh da trời (28), hai mái rủ xuống đàng trước đến mắt cá chân, lại có
khăn phủ đầu...
Chú
thích :
(28) "mùi"
nguyên bản dùng chữ 味 , tức là "màu" ; chữ này tất nhiên cũng có thể đọc là
"màu", "mầu", nhưng trong chữ Nôm, có chữ "màu"
khác, viết là " 牟 " (âm Hán – Việt : "mâu") mà trong LĐTMLK
cũng dùng (như trong "màu nhiệm, mầu nhiệm"), nên ở đây chúng tôi vẫn phiên chữ
味 là "mùi" với cách
dùng xưa của nó.
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét