MẤY CON SỐ TRONG THÁNH KINH
Bùi Ngọc Hiển
NĂM (ngũ)
Ở mặt đất nhìn ra không gian, ngay từ thời thượng cổ, người ta thấy rằng,
ngoài “hai vầng sáng hơn cả” là Mặt Trời và Mặt Trăng, các ngôi sao dường như
những hạt kim cương được đính chặt vào “vòm trời”. Tuy thế, bằng mắt thường người
ta cũng quan sát được có năm ngôi sao “không chịu ở yên một chỗ”, nên
Tây phương gọi chúng là planet (tiếng Anh), do tiếng Hi-lạp cổ là πλᾰ́νης
/ πλᾰνήτης ᾰ̓στήρ – plánēs / planḗtēs astḗr – sao lang thang, được dịch
là các hành tinh, chữ Nho 行星 = sao đi lại, và đặt tên cho chúng là Mercury,
Venus, Mars, Jupiter, Saturn, lần lượt tương ứng với tên gọi bên Á Đông là 水 , 金 , 火 , 木 , 土 – Thủy, Kim, Hỏa,
Mộc, Thổ.
Các tên Thủy,
Kim, Hỏa, Mộc, Thổ cũng là tên ngũ hành, được coi là năm thuộc
tính trong giới tự nhiên (= nước, chất kim, lửa, cây / gỗ, đất).
Mỗi bàn tay, bàn chân một người bình thường có năm ngón.
Người ta cũng nhận thấy con người có năm giác quan chính : thị
giác (nhìn, trông / cơ quan là mắt), thính giác (nghe / tai), khứu giác (ngửi /
mũi), vị giác (nếm / lưỡi), xúc giác (đụng chạm / da, tay, chân)...
Số năm trong Thánh Kinh :
Các sách Cựu Ước :
Trong sách Xuất hành, nơi đoạn 26 (cũng lặp lại nơi đoạn 36 ; xin
xem các đoạn này), các chỉ dẫn của Đức Chúa về việc dựng Nhà Tạm (Habitaculum)
khi dân Do-thái còn ở trong sa mạc 40 năm, số năm được nhắc đến rất nhiều
: chỗ nói về số lượng các chi tiết, chỗ lại nói về số đo của chúng...
Trong việc xây cất đền thờ tại Giêrusalem dưới thời vua Salomon :
[Vua]
cho làm hai kêrubim tại gian cực thánh của đền thờ, mỗi kêrub có hai cánh, mỗi
cánh dài năm thước (x. 1Reg 6:23, 24 ; một thước Hip-ri cổ
vào khoảng hơn kém 0,5m ; năm thước ≈ 2,5m).
Sách Giôsuê, đoạn 10, thuật lại liên minh gồm năm vua của năm
thành là Adonisedec vua Jerusalem, Oham vua Hebron, Pharam vua Jerimoth,
Japhia vua Lachis, Dabir vua Eglon, để đối đầu với Giôsuê.
Sách Samuel quyển I tường thuật việc David chuẩn bị giao chiến với
Goliath :
David nhặt cây gậy
lên, rồi lựa năm hòn đá bóng láng dưới khe bỏ vào túi chăn chiên vẫn
đeo, một tay cầm ná [bắn đá] đi ra
trước quân Philistin (1Sam 17:40).
Đoạn nói về việc David và quân sĩ ăn bánh thượng tiến trong đền thờ :
David đến Nob, gặp tư tế Akhimelec và hỏi :
“Vậy giờ đây trong
tay thầy có gì ? Xin cho tôi năm ổ bánh, hoặc bất cứ của gì tìm được.”
Thầy tư tế đáp lại David : “Hiện trong tay tôi không có bánh thường, chỉ có
bánh thánh mà thôi...” (1Sam
21:3-4).
Lời tiên tri về các tai họa xứ Ai-cập :
Trong ngày ấy, tại
Ai-cập sẽ có năm thành nói tiếng Canaan và chỉ Đức Chúa các đạo binh mà
thề (Is 19:18).
Các sách Tân Ước :
Trong kí thuật về sinh nhật của Gioan Tẩy giả trong Phúc âm Luca
:
Êlisabeth thụ thai
và bà tìm cách ẩn mình trong năm tháng (Lc 1:24).
Chúa chữa người bại liệt 38 năm bên ao Bêzatha :
Tại Giêrusalem có
Ao Cừu, tiếng Hip-ri là Bêzatha, có năm dãy hành lang (Jn 5:2 ; x. hình).
Bản đồ thành thánh
Giêrusalem thời Tân Ước trong Thánh Kinh Tân Ước của cha Nguyễn
Thế Thuấn, 1965
Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất :
Chúa bảo các ông :
“Các con hãy cho họ ăn đi.” Các ông nói : “Chúng con có không hơn năm
cái bánh và hai con cá...” (Lc 9:13).
Phúc âm Matthêu, trong phần Bài
giảng thứ hai – Các chỉ thị về việc truyền giáo :
Người ta lại không
bán năm chim sẻ lấy đồng hai xu đó sao ? (Mt 10:29 // Lc 12:6).
Phúc âm Matthêu, trong phần Bài
giảng về ngày cánh chung :
Dụ ngôn Năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan
(Mt 25:2).
Dụ ngôn các nén vàng :
Người đã lĩnh năm
nén [vàng] tiến lại và nộp thêm năm nén khác mà
rằng : Thưa ngài, ngài đã giao cho tôi năm nén, đây tôi đã gây lời được năm
nén này nữa (Mt 25:20).
Dụ ngôn tiệc cưới :
Người khác bảo :
“Tôi mới tậu năm cặp bò, bây giờ tôi phải đi xem ; xin cho tôi kiếu” (Lc 14:19).
Chúng chỉ làm khốn
họ trong năm tháng (Apoc 9:5,
10).
Những điều được đề cập đến có liên quan số năm trong Thánh Kinh
nhưng không viết minh bạch.
Quinque Vulnera Domini
Nostri Jesu Christi = năm dấu
= năm vết thương = ngũ thương : các dấu thương tích trên Mình Chúa
Kristô : dấu hai chân, dấu hai tay, dấu cạnh sườn :
Khoảng giờ thứ sáu [ ≈ 12 giờ trưa], Philatô giao Chúa Giêsu cho họ đóng
đinh (Jn 19:14-16) ; giờ thứ chín [≈ 3 giờ chiều] ... Chúa
Giêsu kêu lên : “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con ?” (Mc 15:34-36), rồi
Người nói : “Mọi sự đã xong”, đoạn gục đầu xuống, người phó thác thần khí (Jn
19:30) ... Đến bên Chúa Giêsu, thấy Người đã chết, họ không đập gẫy ống chân
Người, nhưng có một tên lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, lập tức nước và
máu chảy ra (Jn 19:33-34).
Lề luật Môsê hay Torah
là tên gọi chung năm sách đầu tiên của Thánh Kinh Cựu Ước, gồm Sáng
thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Đệ nhị luật.
Trong khi đó, Phúc âm Matthêu được chính tác giả cấu trúc thành năm
Bài giảng và các kí thuật kèm theo. Cấu trúc đó như sau :
Mở đầu : Kí thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu : đoạn 1-2 ; Kí
thuật khác : đoạn 3-4 : Khai mạc việc rao giảng.
Bài giảng I : Bài giảng trên núi : đoạn 5-7 ; Kí thuật khác : Các
phép lạ : đoạn 8-9.
Bài giảng II : Các chỉ thị về sứ vụ : đoạn 10 ; Kí thuật khác : đoạn
11-12.
Bài giảng III : Chín dụ ngôn về nước Trời : đoạn 13 ; Kí thuật khác
: đoạn 14-17
Bài giảng IV : Các chỉ thị về Hội thánh : đoạn 18 ; Kí thuật khác
: đoạn 19-22.
Bài giảng V : Ngày cánh chung : đoạn 23-25 ; Kết : Kí thuật về cuộc
thương khó và sống lại : đoạn 26-28.
Cuối mỗi “Bài giảng”, thánh kí đều có câu chuyển mạch giống nhau : bản
văn Hi-lạp : Καὶ ἐγένετο ὅτε ἐτέλεσεν ὁ Ἰησοῦς... (bản Nova Vulgata : Et
factum est, cum consummasset Iesus... (Và xảy ra là khi Chúa Giêsu đã nói
xong...) ở các câu 7:28, 11:1, 13:53, 19:1, 26:1.
Ngoài ra, truyền thống Do-thái còn coi số năm tượng trưng cho quyền
năng / thánh sủng. Điều này được dùng để giải thích việc Thiên Chúa đổi tên cho
ông bà nội của Giacob – Israel :
Gen 17:5 : Abram ( אברם ) → Abraham ( אבחרם ), trong đó Abram có nghĩa là : người cha cao cả, người cha hân hoan, là
dạng rút gọn của Abiyram ( אבירם ), còn
Abraham có nghĩa là cha của nhiều dân tộc, thủ lãnh của nhiều dân tộc ;
Gen 17:15 : Sarai ( שרי ) → Sarah ( שרח ), dù cả hai tên này đều có nghĩa là “công chúa, người nữ sang trọng”, từ
nguyên là sar ( שר ), nghĩa là hoàng tử, người lãnh đạo, thủ lãnh.
Chữ được thêm vào hoặc thay cho chữ khác trong hai tên này chính là chữ
cái thứ năm, cũng là chữ cái có giá trị số bằng năm : chữ het
( ח ; xem lại phần thứ nhất : Các cách ghi số) ; và
như vậy tức là ông bà được Thiên Chúa ban thêm ân sủng để có thể trở thành tổ
phụ của dân riêng của Chúa.
SÁU (lục)
Có sáu phương hướng quanh ta : tiền, hậu, tả, hữu, thượng, hạ
(trước, sau, trái, phải, trên, dưới ; xem hình).
Sáu phương hướng
“Ngôi sao David” có sáu
cánh (xem hình).
Ngôi sao David
Số sáu đơn lẻ ít được đề cập trong Thánh Kinh. Có thể xem mấy chỗ
:
Sách tiên tri Isaia :
Các sêraphim đứng
bên Chúa : mỗi vị có sáu cánh : hai cánh che mặt, hai cánh phủ chân, hai
cánh để bay (Is 6:2).
Sách tiên tri Êzêkiel, đoạn nói về sự sửa phạt dân Giêrusalem thờ
ngẫu tượng :
Này tôi thấy có sáu
người đến từ cổng trên đối diện hướng bắc (Ez 9:2).
Phúc âm Gioan, đoạn nói về việc
Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana :
Ở đó có sáu
chum đá [đựng nước] dùng vào việc thanh tẩy của người
Do-thái (Jn 2:6).
Phúc âm thuật việc Chúa Giêsu biến hình trên núi :
Sáu ngày sau, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan em ông,
dẫn họ lên một núi cao (Mt 17:1
// Mc 9:2 // Lc 9:28). Sáu ngày sau là kể từ hôm Chúa và các
học trò đi vào địa hạt Caisaria Phillip (Mt 16:13 // Mc 8:27 // Lc
9:18).
Đoạn tường thuật Chúa dự tiệc ở làng Bêtania trước khi vào cuộc khổ nạn
:
Sáu ngày trước lễ Vượt qua, Chúa Giêsu đến Bêtania, nơi ở
của Lazarô, người đã được Chúa Giêsu cho sống lại từ cõi chết (Jn 12:1).
Những chỗ khác trong Thánh Kinh nói đến số sáu thì thường có cả bảy.
Bảy ở những chỗ này có khi là ngày thứ bảy, mà tiếng Hipri gọi là
Shabbat ( שַׁבָּת , có nghĩa là ngừng [lại]) ; cũng có chỗ là năm thứ
bảy.
Sách Xuất hành thuật việc Môsê lên núi Thiên Chúa để lĩnh giới răn,
luật pháp Chúa ban :
Lúc Môsê lên thì mây
bao phủ núi. Vinh quang Thiên Chúa ở trên Sinai, mây che núi trong sáu
ngày ; qua ngày thứ bảy, Đức Chúa ở trong mây gọi ông (Ex 24:15, 16).
Lệnh truyền về thu lượm manna :
Trong ngày thứ sáu,
mỗi người sẽ thu lượm phần lương thực gấp đôi (Ex 16:22),
và :
Hãy thu lượm trong
sáu ngày, sang ngày thứ bảy là ngày sabbat của Chúa nên không có
vật ấy (Ex 16:26).
Luật giữ năm sabbat :
Trong sáu năm,
các ngươi hãy canh tác đất đai và gặt hái hoa trái ; qua năm thứ bảy các
ngươi phải ngưng lại cho đất nghỉ ngơi, cũng không gặt hái, hầu cho những kẻ
nghèo trong các ngươi được hưởng những hoa mầu đó, rồi các thú vật cũng được ăn
những thứ còn sót lại. Ngươi cũng phải làm như vậy nơi vườn nho và vườn ô-liu của
ngươi (Ex 23:10-11 // Lev 25:3-4). Sách Lêvi
cũng gọi tên năm thứ bảy là năm sabbat.
Sách Xuất hành :
Trong sáu
ngày ngươi hãy làm mọi việc của ngươi. Ngày thứ bảy sẽ là ngày sabbat kính
Đức Chúa Thiên Chúa ngươi (Ex
20:9-10 // Deut 5:13-14 // Ex 23:12).
Phúc âm Luca thuật chuyện : vào một ngày sabbat, tại một hội đường
Do-thái, một bà bị còng lưng suốt 18 năm đến xin Chúa Giêsu chữa cho mình. Viên
trưởng hội đường coi việc chữa bệnh đó là việc lỗi luật ngày sabbat, nên tức tối,
nhưng ngại không dám nói thẳng với Chúa rằng “ông đừng làm”, có lẽ vì nể sợ, đành
ngoảnh ra, lấy câu Deut 5:13 trên mà bảo dân chúng :
Đã có sáu
ngày, phải làm việc trong những ngày ấy ; vậy các ngươi hãy đến trong những ngày
ấy mà xin chữa bệnh, chứ đừng làm vào ngày sabbat (Lc 13:14) !
Luật về nô lệ là người Do-thái :
Có người Do-thái
nam hay nữ nào bị bán cho ngươi, họ sẽ phục vụ ngươi đủ sáu năm, qua năm
thứ bảy, ngươi phải thả cho họ được tự do ... Ngươi chớ tiếc khi trả tự
do cho họ, vì họ đã phục dịch ngươi qua sáu năm (Deut 15:13, 18).
Quy định khác liên quan đến sáu ngày và ngày sabbat trong
sách tiên tri Êzêkiel :
Cổng tiền đình bên
trong, quay về hướng đông, phải đóng trong sáu ngày làm việc ; ngày
sabbat phải mở nó ra (Ez 46:1).
BẢY + SABBAT (thất,
lễ nghỉ, hưu lễ)
Số bảy trong tiếng Hipri là shevah / shebah ( שבע ). Từ này hoàn
toàn có cùng từ nguyên với shava / shaba có nghĩa là trọn vẹn,
đầy đủ, lại cũng có nghĩa là thề, lời thề. Vì thế truyền thống Do-thái
coi số bảy là biểu tượng của sự tròn đầy.
Trong toán học, số 7 là số nguyên tố thứ tư (7 chỉ có thể
chia hết cho 1 và cho chính nó ; ba số nguyên tố nhỏ hơn là 2, 3, 5). Hình bảy
cạnh đều là đa giác đều có số cạnh nhỏ nhất không thể vẽ được nếu chỉ dùng
thước thẳng và com-pa (bốn đa giác đều với số cạnh nhỏ hơn 7 gồm : tam giác đều,
tứ giác đều = hình vuông, ngũ giác đều, lục giác đều, đều có thể vẽ được chính
xác chỉ với thước thẳng và com-pa).
Số bảy và các số là bội số của bảy như 7×2=14, 7×3=21, 7×4=28, 7×6=42,
7×7=49 ... được gặp thấy ở rất nhiều chố trong Thánh Kinh.
Trong Cựu Ước :
Sách Sáng thế :
Việc tạo dựng trời đất :
Vậy là trời đất và
toàn thể đội ngũ đã được hoàn thành. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa hoàn tất công
việc Ngài làm (Gen 2:1-2).
Phán quyết về Cain :
Ai giết Cain sẽ bị
báo thù gấp bảy (Gen
4:15).
Lên tàu của Nôe để tránh lụt :
Trong các vật
thanh sạch, ngươi sẽ lấy bảy đôi : đực và cái (Gen 7:2).
Sau bảy ngày,
nước lụt lớn đã xảy đến trên đất (Gen
7:10).
Đoạn 29 sách Sáng thế thuật chuyện Giacob đến nhà cậu là Laban để
cưới vợ. Tại đây, cậu phải lòng cô gái út của Laban là Rakhel, nên đã chịu ở lại
làm công cho Laban trong bảy năm. Nhưng sau đó Laban lại gả cô chị là Lêa
cho Giacob, nại lí do rằng tục lệ bắt phải gả chị trước em. Sau đó, Laban lại dỗ
Giacob ở lại làm công thêm bảy năm nữa thì sẽ gả tiếp cô em (Gen
9:16-29).
Đoạn thuật việc Giuse giải đoán hai giấc mộng của pharaô Ai-cập :
Giấc mơ thứ nhất :
Từ sông Nil có bảy
con bò cái đi lên, đẹp, béo, và chúng ăn cỏ trong bãi sậy. Lại có bảy
con bò cái khác từ sông Nil lên sau, xấu, gầy, ... và chúng ăn thịt bảy
con bò đẹp béo (Gen 41: 2-5).
Giấc mơ thứ hai :
Có bảy gié
lúa vừa đầy vừa tốt trổ ra từ một cọng. Lại có bảy gié lúa khác lép và
cháy nám vì gió [đông] trổ lên sau và nuốt
chửng bảy gié lúa đầy chắc (Gen 41:5-7).
Giuse giải đoán :
Thiên Chúa sẽ làm
cho toàn cõi Ai-cập được bảy năm phong nhiêu, tiếp đến, bảy năm cơ
cận (Gen 41:28-30).
Sau đó, Giuse được pharaô cất nhắc lên làm quan đầu triều, có toàn quyền
trong nước chỉ sau pharaô để xử lí mọi công việc hầu giúp cả xứ trải qua được cơn
đói kém.
Sách Xuất hành :
Chỉ thị về chuẩn bị cho cuộc xuất hành khỏi đất Ai-cập :
Bánh không men :
Trong vòng bảy
ngày, các ngươi sẽ ăn bánh không men ... Tháng thứ nhất, ngày mười bốn tháng ấy,
vào buổi chiều, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho đến ngày hai mươi mốt tháng ấy,
vào buổi chiều. Trong vòng bảy ngày, sẽ không được tìm ra men trong nhà
các ngươi (Ex 12:15, 18, xem thêm các câu 13:6, 7 ;
34:18...).
Một số quy định khác :
Đèn trong Lều tạm, tiếng Hipri gọi là menorat ( מנרת ) : Ex
25:31-38 (còn được lặp lại ở các câu 37:17-24) có bảy ngọn ; xem hình dưới.
Đèn menorat trong Lều
tạm, và sau này trong đền thờ Giêrusalem
Sách Đệ nhị luật kí thuật việc dân Israel được Chúa tách riêng :
Khi Đức Chúa Thiên
Chúa ngươi đem ngươi vào đất ngươi sắp chiếm lấy, Ngài xua đuổi khỏi ngươi những
dân đông đảo : Hittit, Girgashit, Amorit, Canaan, Perizzit, Khivit và Jebusit, bảy
nước đông đảo và mạnh mẽ hơn ngươi (Deut
7:1).
Đức Chúa sẽ phù trợ cho dân nếu tuân giữ lề luật Chúa :
Đức Chúa sẽ làm
cho các thù địch dấy lên chống ngươi sẽ phải bại hoại trước mắt ngươi : chúng
tiến đánh ngươi theo một đường, thì sẽ phải chạy trốn trước mặt ngươi theo bảy
đường (Deut 28:7).
Ngược lại, nếu không tuân giữ lề luật Chúa thì :
Đức Chúa sẽ cho
ngươi bại hoại trước mặt các thù địch ngươi : ngươi tiến đánh chúng theo một đường,
thì sẽ phải chạy trốn trước mặt chúng theo bảy đường (Deut 28:25).
Câu chuyện về bữa tiệc của vua Assuêrô :
... Vua cho thiết
yến bảy ngày trong ngự uyển ... Ngày thứ bảy, vua truyền lệnh cho
bảy quan hoạn mời hoàng hậu Vasthi vào triều yết, nhưng bà không chịu đến
... Bấy giờ vua nói với bảy đại thần người Ba-tư và Mêđi, và họ xin vua
truất chức hoàng hậu của Vasthi (sách Esther
1:5, 10-11, 14-19).
Sách tiên tri Đaniel thuật lại Nabukhôđônôsor, hoàng đế Babylon, sau khi
xâm chiếm được thành Giêrusalem, kể lại giấc mộng của ông ta :
... Lòng nó hãy
mất tính người, ra lòng dạ con vật, suốt bảy kì chuyển vần trên mình nó
(Dan 4:13, 22, 29). “Nó” là chính Nabukhôđônôsor.
Vì bảy là một số lẻ, nên một nửa của bảy không nguyên mà là
ba và lẻ ra một nửa. Điều này được diễn tả trong giấc mộng của chính
tiên tri Đaniel :
... Các thánh sẽ
bị nộp vào tay vua đó một kì, hai kì và một nửa kì (Dan 7:25).
Đây là cách nói hình tượng, kì có thể hiểu là năm. Tổng cộng
ba kì rưỡi hiểu là ba năm rưỡi, một nửa của bảy năm (tức là một nửa
của một tuần năm) hay 42 tháng, khoảng 1150 ngày. Thời gian này được cắt
nghĩa là thời kì cấm cách dưới đời Antiôkhô (IV) Êpiphanê, kéo dài từ – 168 đến
– 165, khoảng gần ba năm rưỡi.
Ba rưỡi được gặp lại trong sách Khải
huyền, đoạn thuật về hai chứng nhân của Đức Chúa bị sát hại :
... Khi các ngài
đã xong nhiệm vụ làm chứng, thhif mãnh thú từ vực thẳm lên giao chiến với các
ngài, và thắng được các ngài cùng giết các ngài. Thi hài các ngài bị bêu nơi công
trường của thành vĩ đại ... Người thuộc mọi dân nước, tiếng nói, dòng họ dến
xem ti hài các ngài trong ba ngày rưỡi ... Sau ba ngày rưỡi, sinh
khí từ Thiên Chúa đến nhập vào thi hài, và các ngài chỗi dậy đứng thẳng trên chân
(Apoc 11:7-11).
Số bảy còn gặp ở rất nhiều nơi khác trong Cựu Ước.
Trong Tân Ước :
Chúa Giêsu nói về việc quỷ nhập :
Khi thần ô uế xuất
khỏi một người, rảo qua những nơi khô cháy tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra.
Bấy giờ nó nói : “Ta sẽ về lại nhà ta nơi ta đã bỏ ra đi”. Đến nơi, nó thấy nhà
đó để trống, đã quét dọn, trang trí hẳn hoi. Bấy giờ nó đi và đem theo bảy
thần khác dữ dằn hơn nó, và chúng vào ở đó ; và tình trạng cuối cùng của người ấy
còn tệ hơn trước. Cũng sẽ xảy ra như vậy cho thế hệ xấu xa này (Mt 12:45).
Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai :
Chúa Giêsu bảo các
học trò : “Thầy xót thương dân chúng đã theo Thầy ba ngày và không có gì ăn. Thầy
không muốn để họ nhịn đói mà về kẻo họ xỉu dọc đường.” Các môn đồ thưa : “Chúng
con lấy đâu ra đủ bánh cho bấy nhiêu người nơi hoang vắng này ?” Chúa hỏi : “Có
bao nhiêu bánh ?” Họ thưa : “Có bảy chiếc, với vài con cá nhỏ.” ... Chúa
cầm bảy chiếc bánh và vài con cá mà tạ ơn, rồi cứ ban tiếp cho môn đồ để
họ cho dân chúng. Hết thảy dân đều ăn và ăn no, mà còn thu được bảy thúng
đầy bánh vụn (Mt 16:32-37 // Mc
8:1-8).
Việc tha thứ :
Bấy giờ Phêrô đến
thưa với Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, nếu anh em con có lỗi với con, con phải tha
cho họ mấy lần ? Đến bảy lần chăng ?” Chúa Giêsu bảo ông : “Thầy không nói
đến bảy lần, mà đến bảy mươi lần bảy lần.” (Mt 18:21).
Sách Tông đồ công vụ 6:1-6 thuật việc chọn bảy vị trợ tá
coi là các phó tế tiên khởi : Stêphanô, Philip, Prokhor, Nicanor, Timon, Parmena,
Nicolaô.
Thánh Phaolô Tông đồ viết thư cho bảy Hội thánh : Rôma,
Côrinthô (2 thư), Galata, Êphêsô, Philip, Côlôsê, Thessalônikê (2
thư) dù số các Hội thánh này không được viết ra.
Trong sách Khải huyền, số bảy được nói đến ở rất nhiều chỗ
:
Bắt đầu là thư gửi bảy Hội thánh ở Tiểu Á : Êphêsô, Smyrna, Pergamô,
Thyatira, Sardi, Philadelphia, Laodikêa (Apoc 1:4 – 3:22).
... Quay lại tôi
thấy bảy trụ đèn bằng vàng, và ở giữa các đèn có Đấng giống như Con Người
... tay hữu Ngài có bảy ngôi sao ... [Ngài bảo tôi :] “Mầu
nhiệm của bảy ngôi sao ngươi thấy nơi tay hữu Ta và bảy trụ đèn bằng
vàng : bảy sao là các Thiên thần của bảy Hội thánh, và bảy
trụ đèn chính là bảy Hội thánh” (Apoc 1:12-20).
Kế đến là kí thuật về quyển sách niêm bảy ấn và việc bẻ ấn (Apoc
5:1 – 8:1), bảy hồi kèn (Apoc 8:2 – 11:19), con rồng có bảy
đầu mười sừng (Apoc 12:3-17), bảy chén tai ương (Apoc
15:5 – 16:21).
Những kí thuật
trong Thánh Kinh về một gia đình có bảy anh em :
Chuyện một bà mẹ
Do-thái với bảy con trai chịu chết vì đạo trong thời Antiôkhô xâm chiếm
Giêrusalem : đoạn 7 sách Macabêô quyển thứ hai.
Chuyện bảy người con của Sceva, một thượng tế Do-thái, cũng muốn
bắt chước thánh Phaolô để trừ quỷ, đã không được còn bị quỷ hành hung (Act
19:14-16).
Câu chuyện những người Sađukêô không tin có sự sống lại, bịa ra một nhà
có bảy anh em lần lượt lấy cùng một người vợ để có kẻ nối dõi theo luật
Môsê để thử Chúa : Phúc âm Matthêu 22:24-30.
Cũng một phụ nữ lấy bảy đời chồng, còn chuyện về cô Sara trước
khi gặp được Tôbya :
Cũng trong ngày ấy,
Sara con gái Raguel ở Ecbatana xứ Mêđi đã phải nghe một tớ gái của cha nàng nhục
mạ. Vì nàng đã được gả cho bảy người chồng, nhưng quỷ Asmôđeô đã giết họ
ngay trong đêm tân hôn ... Đứa tớ gái nói : “Cô là đồ sát phu. Cô đã được gả
cho bảy người chồng, thế mà vẫn không mang tên một ai trong họ.” (Tob 3:7-8).
Tôbya cũng được biết chuyện này (xem Tob 6:14), rồi sau đó chính
cha của Sara là Raguel cũng nói rõ cho Tôbya (Tob 7:11). Nhờ Tổng lãnh
thiên sứ Raphael, dưới hình dạng một người bà con tên là Azarya, trợ giúp, quỷ Asmôđêô
đã bị thiên sứ bắt trói lại (Tob 8:3). Sau cùng, khi hai vợ chồng Tôbya
và Sara cùng về đến nhà cha mình, với bạc mà thiên sứ đòi nợ giúp, lại chữa khỏi
mắt cho cha, cha con định trả công cho Azarya, bấy giờ ngài mới cho biết :
“Ta là Raphael, một
trong bảy thiên sứ hằng chầu chực để vào trước vinh quang Chúa.” (Tob 12:15).
Trường hợp số bảy không được viết rõ ra :
Bảy lời nguyện trong
kinh Lạy Cha : Phúc âm Matthêu
6:9-13.
Bảy lời sau cùng của
Chúa Giêsu trên thập tự giá :
1.- Lạy Cha,
xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm : Lc 23:34 ;
2.- Ta bảo thật
ngươi : hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta nơi thiên đàng : Lc 23:43 ;
3.- Thưa Bà, này
là con Bà, và : Này là Mẹ con : Jn 19:26-27 ;
4.- Lạy Cha, lạy
Cha, sao Cha bỏ con ? : Mt 27:46, Mc 15:34 ;
5.- Ta khát :
Jn 19:28 ;
6.- Mọi sự đã
xong : Jn 19:30 ;
7.- Lạy Cha,
con phó thác thần khí con trong tay Cha : Lc 23:46.
TÁM (bát)
Số tám được coi là số tượng trưng cho sự phong phú, do trong tiếng
Hip-ri, số tám, sh’moneh ( שמונה ) được coi như có cùng từ căn với
shah’meyn ( שמן ), có nghĩa là làm cho béo, phủ mỡ lên. Tuy nhiên
cách giải thích này có phần gượng ép. Đơn giản hơn có thể hiểu là : số bảy
tượng trưng cho sự dồi dào, đầy đặn, mà số tám còn nhiều hơn bảy một
bậc, nên tám tương trưng cho sự tràn trề, lai láng.
Trong Thánh Kinh có
thể gặp thấy số tám xuất hiện ở những chỗ như :
Quy định về cắt bì
Sinh được tám
ngày, mọi trẻ trai trong các ngươi đều sẽ phải cắt bì (Gen 17:12 ; được nhắc lại ở Lev 12:3).
Và Abraham đã cắt
bì cho Isaac con ông khi nó đã sinh được tám ngày như Thiên Chúa đã truyền
cho ông (Gen 21:4).
Tông đồ công vụ chiếu lại :
Và ông [Abraham] đã sinh ra Isaac, ông đã cắt bì cho con
ngày thứ tám ; rồi Isaac cắt bì cho Giacob, và Giacob cắt bì cho mười
hai tổ phụ (Act 7:8)
Quy định về lễ vật
Ngươi cũng sẽ làm
thế về bò và chiên dê của ngươi : chúng sẽ ở với mẹ chúng bảy ngày, ngày thứ tám
ngươi sẽ dâng cho Ta (Ex 22:29
// Lev 22:27).
Sau lễ tấn phong tư tế cho Aharon :
Đến ngày thứ tám
Môsê triệu tập Aharon và các con cùng các kì mục Israel (Lev 9:1).
Quy định về các lễ tiết
Lễ Lều :
Trong bảy ngày, các
ngươi sẽ dâng hỏa tế cho Đức Chúa ; ngày thứ tám sẽ là thánh hội cho các
ngươi (Lev 23:36).
Sang ngày mười lăm
tháng bảy ... các ngươi sẽ cử hành đại lễ của Đức Chúa bảy ngày : ngày thứ nhất
là sabbat, ngày thứ tám là sabbat (Lev 23:39).
Con cái Israel đã
làm sự dữ trước Đức Chúa, họ đã quên Đức Chúa Thiên Chúa của mình mà thờ các Baal
và Asherah. Cơn giận Đức Chúa bốc lên trên Israel, và Ngài đã bán họ trong tay
Kusan-risathaim vua Mesopotamia tám năm (Jud 3:7-8).
Lễ tẩy uế đền thờ sau khi Giuđa Maccabêô đánh đuổi quân địch khỏi Giêrusalem
:
Họ làm lễ cung hiến
bàn thờ suốt tám ngày ... Giuđa và các anh em cùng toàn thể đại hội quyết
định sẽ mừng ngày cung hiến bàn thờ đúng thời mỗi năm trong vòng tám ngày
kể từ ngày hai mươi lăm tháng Kislêu (1Mac 4:56, 59).
Phúc âm Luca thuật về việc cắt bì và đặt tên cho Gioan Tẩy giả :
Ngày thứ tám,
họ đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và muốn lấy tên cha là Zacaria mà gọi đứa bé (Lc 1:59).
Cắt bì và đặt tên cho Chúa Giêsu :
Đủ tám ngày,
đến lúc phải làm phép cắt bì cho con trẻ, thì con trẻ được đặt tên là Giêsu (Lc 2:21).
Chúa hiện ra với Thôma sau khi sống lại :
Tám ngày sau [kể từ ngày
Chúa sống lại], các môn đồ lại ở trong nhà, có Thôma ở với họ. Chúa Giê su đến
đang lúc các cửa đều đóng kín (Jn 20:26).
Ngoài ra, trong sách Samuel quyển thứ nhất :
David là con út của
một người Ephrata tại Belem tên là Ysai có tám người con (1Sam 17:12, 14).
Chuyện Phêrô chữa người bất toại ở Lydda :
Tại đây, ngài gặp
một người tên là Aênêa đã tám năm nằm liệt giường vì bất toại (Act 9:33).
Theo Phúc âm Matthêu, Chúa Giêsu mở đầu sứ vụ bằng việc công bố Hiến
chương Nước Trời là bản Tám mối phúc thật (Mt
5:3-12 ; bản trong Phúc âm Luca chỉ có bốn mối phúc (chúc lành), và bốn điều chúc
dữ đối lập với bốn mối phúc, xem Lc 6:20-26).
(còn tiếp)