SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU
VÀ CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI
Dịch theo :
The Passion and Death
of Jesus của giáo sư Kinh Thánh Felix
Just, S.J., Ph.D.
Dù cuộc Thương khó của Chúa Giêsu được tường
thuật trong bốn bản Phúc Âm đều có nhiều điểm tương đồng, nhưng vẫn có những dị
biệt rõ rệt giữa các bản đó. Trong nhiều phương diện, ba bản Cộng lãm khá tương
hợp (vì Matthêu và Luca hầu hết dựa trên bản Marcô), trong khi bản Gioan lại
khác hoàn toàn, nhất là về thời gian. Về một số phương diện khác, trong khi bản
Matthêu và Marcô khá đồng nhất, thì bản Luca lại khác hai bản này và gần với bản
Gioan hơn. Ngoài ra còn một vài chi tiết quan trọng, thậm chí cả từng đoạn dài,
chỉ gặp thấy ở một trong bốn bản PÂ.
1. NHỮNG ĐIỂM NHẤN MẠNH
TRÊN TỔNG THỂ
Mỗi bản PÂ nhấn mạnh điều
gì trong các tường thuật về cuộc Thương khó ?
- Bản Marcô : sự thống
khổ của Chúa Giêsu, việc Người bị từ khước cách đau đớn, bị kết án bất công,
bị tra tấn cách ác độc, bị sỉ nhục kinh khủng, và bị ngược đãi cách dữ dằn bởi
đám đông.
- Bản Matthêu : vương
vị của Chúa Giêsu, cách những nhà cầm quyền (cả tôn giáo như các thượng
tế, cả phần đời như Pilatus) âm mưu loại bỏ kẻ họ coi như mối đe dọa chính trị.
- Bản Luca : sự hoàn
toàn vô tội của Chúa Giêsu, cách Pilatus (và cả những kẻ khác như
Herode Antipas, viên bách quản, kẻ trộm lành) nói rằng Người không đáng phải chết,
cũng như nhìn nhận sự vô tội của Người.
- Bản Gioan : sự cao
cả của Chúa Giêsu, cách Người chịu những sự vu cáo, hướng dẫn mọi hành
động, hoàn tất ý muốn của Cha, và sau cùng được tôn vinh khi Người chỗi
dậy từ cõi chết.
2. NHỮNG CHỐNG ĐỐI CHÚA
GIÊSU
Tại sao các kẻ có quyền
lại thấy Chúa Giêsu như một mối đe dọa lớn ?
- PÂ Cộng lãm :
* Trong tường thuật về thời thơ ấu của Chúa
Giêsu trong PÂ Matthêu, vua Herode đã dự mưu tiêu diệt Người, tiêu diệt “vua
Do-thái” mới sinh ra (Mt 2:13-18).
* Trong các bản PÂ đã thuật lại sự chống đối
Chúa Giêsu nổi lên từ sớm, hầu hết bắt đầu bằng việc Người phá vỡ luật ngày
Sabbath (Mc 3:6, Mt 12:14).
* Ngay sau sự việc thanh tẩy Đền thờ, các
thượng tế đã thử giết Chúa Giêsu (Mc 11:18, Lc 19:47 ; tham chiếu
Mt 21:15).
* Các kẻ có quyền lại muốn giết Chúa một lần
nữa sau khi Người kể dụ ngôn những kẻ tá điền độc ác (Mc 12:1-12, Mt
21:33-46, Lc 20:9-20).
* Các thượng tế âm mưu bắt và giết Chúa
Giêsu cách bí mật trước tiệc Vượt qua của người Do-thái (Mc 14:1-2, Mt
26:1-5).
- PÂ thứ bốn :
* Vào lần thứ nhất lên Đền thờ, Chúa Giêsu
đã ám chỉ cách những kẻ có quyền sẽ tiêu diệt “Đền thờ là chính mình Người” (Jo
2:19).
* Các kẻ có quyền muốn giết Chúa Giêsu
không chỉ vì Người phá vỡ luật ngày Sabbath, mà còn vì Người dám gọi Thiên Chúa
là Cha của Người (Jo 5:18 ; tc. Jo 7:1,19-25).
* Người Do-thái định ném đá Chúa Giêsu khi
Người nói “có Ta” (Jo 8:58, bản Nova Vulgata : “Ego sum”, cách Thiên
Chúa đã dùng trả lời cho Môsê về “tên của Người”, tc. sách Xuất hành
3:14 : “Ego sum qui sum” ; cũng tc. Jo 8:37-40), và khi Người nói : “Cha
và Ta là một” (Jo 10:31-39 ; tc. 11:8), mà các kẻ có quyền cho là “sự phạm
thượng”.
* Hội đồng công nghị (sanhedrin) chống đối
Chúa Giêsu vì Người làm nhiều “dấu” mà họ sợ rằng có thể gây ra phản ứng nơi
quân đội Rôma đang đô hộ ; Caiphas nói rằng một người chết thay vì toàn dân bị
tiêu diệt (Jo 11:48-53).
* Các thượng tế cũng định giết cả Lazarus
vì nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu sau khi Chúa cho ông này sống lại (Jo
12:10-11).
3. NHỮNG SỰ VIỆC KHI LỄ
VƯỢT QUA ĐẾN
Điều gì đã xảy ra ngay
trước cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu ?
- Âm mưu giết Chúa Giêsu
:
* Các
PÂ Cộng lãm đều thuật lại các kẻ có quyền trong dân Do-thái (thượng tế,
kì mục, và / hoặc kí lục) âm mưu giết Chúa, nhưng còn e ngại phản ứng của dân
chúng, nhất là vào dịp cận kề lễ Vượt qua (Mc 14:1-2, Mt 26:1-5, Lc
22:1-2). Marcô và Matthêu cho biết lúc đó là hai ngày trước lễ Vượt qua,
trong khi Luca ít chính xác hơn khi nói lễ Vượt qua “đã gần đến”.
* PÂ Gioan cũng kể tương tự về âm
mưu của những kẻ có quyền, nhưng làm nổi lên vai trò của Caiphas, làm
thượng tế khi ấy (Jo 11:47-53).
- Chúa Giêsu được một phụ
nữ xức thuốc thơm :
* Cả bốn PÂ đều kể có một phụ nữ xức thuốc
thơm cho Chúa Giêsu đang khi ăn, nhưng nhân thân người phụ nữ, thời gian cũng
như nơi xảy ra sự việc rất khác nhau.
* Trong Marcô 14:3-9 và Matthêu
26:6-13, hai ngày trước lễ Vượt qua, tại nhà của Simon tật phong ở
Bethania (gần Jerusalem), một phụ nữ vô danh (không hề gọi
là “người có tội”) đã xức thuốc thơm đắt tiền lên đầu Chúa Giêsu.
Vài người phàn nàn về sự phung phí đó, nói thuốc thơm này có thể bán lấy tiền
cho kẻ khó ; nhưng Chúa Giêsu lại khen ngợi người phụ nữ, nói rằng việc đó để
chuẩn bị cho việc mai táng Người.
* Trong Gioan 12:1-8, việc xức thuốc
thơm cũng xảy ra ở Bethania, nhưng là vào sáu ngày trước lễ Vượt qua, và
ở nhà của Martha, Maria, Lazarô. Người phụ nữ là Maria Bethania
(không phải Maria Magdala, cũng không phải người phụ nữ “có tội”), đã xức
lên chân Chúa, rồi lau bằng tóc mình. Giuđa Iscariot được kể là kẻ
duy nhất phàn nàn về sự phung phí, và Chúa cũng phản ứng cho biết việc đó là để làm dấu cho
ngày mai táng Chúa sắp tới.
* Trong Luca, câu chuyện xức thuốc
thơm không thuộc trình thuật Thương khó mà xảy ra sớm hơn nhiều (Lc
7:36-50), khi Chúa Giêsu vẫn còn đang ở Galilê. Một người phụ nữ tội lỗi
vô danh đã xức thuốc thơm lên chân Chúa Giêsu khi Người đang ăn tại nhà một người Pharisêô vô danh, và chính ông này đã phàn nàn, không phải
về sự phung phí dầu thơm, mà về việc Chúa Giêsu đã để cho người phụ nữ tội lỗi
đó đụng đến mình. Đáp lại, Chúa đã nói về tình yêu và sự tha thứ, không phải về
cái chết của Người.
- Giuđa lập kế hoạch phản
bội Chúa :
* Trong cả ba PÂ Cộng lãm, Giuđa
Iscariot đã thỏa thuận với các thượng tế về việc phản bội Chúa Giêsu (Mc
14:10-11 và các đoạn song song), nhưng chỉ có Matthêu nêu chi tiết về “ba
mươi đồng bạc”, còn chỉ Luca đề cập đến việc Satan nhập trong Giuđa (x. Mc
14:10-11, Mt 26:15, tc. 27:3,9, Lc 22:3-6).
* Phúc âm Gioan cũng đề cập tới việc
Satan ảnh hưởng đến Giuđa (Jo 6:70-71, 13:2,27), nhưng không hề nói về
việc Giuđa gặp các thượng tế.
4. BỮA TỐI SAU HẾT :
Bữa tối sau hết của Chúa
Giêsu có ý nghĩa gì với các môn đồ của Người ?
- PÂ Cộng lãm :
* Chúa Giêsu sai vài môn đồ (chỉ riêng Luca
cho biết đó là Phêrô và Gioan) vào thành Jerusalem để dọn bữa tối sau hết.
Trong cả ba PÂ này, bữa tối đó rõ ràng là tiệc Vượt qua để kỉ niệm việc
dân Do-thái ra khỏi Ai-cập (Mc 14:12, Mt 26:17, Lc
22:7-8,15).
* Cả ba PÂ đều thuật lại việc Chúa lập bí
tích Thánh Thể (Mc 14:22-25, Mt 26:26-29, Lc 22:15-20 ;
cũng tc. Thư 1Cor 11:23-25).
* Chỉ trong Luca (và Phaolô),
Chúa Giêsu nói minh bạch : “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc
22:19b ; tc. 1Cor 11:24,25).
* Chỉ trong Luca cho chứng cứ rõ
ràng về truyền thống chúc phúc cho nhiều chén rượu nho trong tiệc Vượt
qua (Lc 22:17,20)
* Luca cũng tường thuật cuộc trò
chuyện dài hơn trong Bữa tối sau hết, có cả việc Chúa báo trước Phêrô sẽ
chối Thầy (Lc 22:31-34 ; tc. Jo 13:36-38).
* Trong Marcô và Matthêu, việc
Chúa báo trước Phêrô chối Thầy xảy ra ngay sau bữa ăn khi các ngài đang trên đường
đến Gethsemani (Mc 14:26-31, Mt 26:30-35).
- PÂ Gioan :
* Bữa tối sau hết của Chúa không phải
là tiệc Vượt qua, nhưng đã diễn ra trước lễ Vượt qua (Jo 13:1) ;
Chúa chịu chết trong cùng buổi chiều diễn ra việc sát tế các chiên Vượt
qua (tc. Jo 19:31-37).
* Gioan không ghi lại từ ngữ nào việc
lập bí tích Thánh Thể trong đoạn 13, nhưng đề cập đến bí tích đó từ sớm hơn
(Jo 6:22-59).
* Sau đó Người bảo các môn đồ : “Thầy đã
nêu gương cho các con, để các con cũng phải làm như Thầy đã làm cho các
con” (Jo 13:15).
* Trong bữa ăn, Chúa báo trước việc Giuđa
phản bội (Jo 13:21-30) và việc Phêrô chối Thầy (13:36-38).
* Chúa Giêsu cũng ban “Diễn từ li biệt”
trong bữa ăn (Jo 13:31 – 16:33), và dâng một lời kinh nguyện dài lên
Thiên Chúa (17:1-26).
5. HẤP HỐI VÀ BỊ BẮT
TRONG VƯỜN
Chúa Giêsu đã bị bắt ở
đâu và như thế nào ?
- PÂ Cộng lãm :
* Sau tiệc Vượt qua, Chúa Giêsu và các môn
đồ đi lên “Núi Cây Dầu” (Mc 14:26, Mt 26:30, Lc 22:39).
* Nơi Chúa cầu nguyện gọi là Gethsemani,
nhưng không nói rõ là “vườn”.
* Luca đã thu lại rất ngắn lời cầu nguyện của
Chúa Giêsu và việc Người thử thách các môn đồ (trong Marcô và Matthêu
đều có 11 câu, nhưng trong Luca chỉ còn 6 câu).
* Trong cả ba sách Cộng lãm, Giuđa
ra dấu xác định ai là Chúa Giêsu bằng một cái hôn (Mc 14:43-46, Mt
26:47-50), tuy nhiên trong Luca, Chúa Giêsu ngắt ngang hành động đó của
Giuđa bằng câu hỏi : “Giuđa, anh định phản bội Con Người bằng một cái hôn ư ?”
(Lc 22:48).
- PÂ Gioan :
* Sau khi Chúa Giêsu kết thúc bài diễn từ
và lời cầu nguyện, các ngài đi “sang bên kia thung Kidron” và vào một “khu vườn”,
nhưng lại không nói rõ đó là “Gethsemani” (Jo 18:1).
* Không có cơn hấp hối hay lời cầu nguyện
nào nữa của Chúa Giêsu trong khu vườn này, mà chỉ diễn ra cuộc bắt bớ
(18:2-12).
* Chúa Giêsu vẫn điều khiển hoàn cảnh, Người
đã khiến bọn lính không dám bắt Người khi hai lần Người bảo : “Là Ta” (bản Nova
Vulgata vẫn dùng “Ego sum”, x. lại mục 2. Những chống đối Chúa Giêsu, PÂ thứ bốn
; Jo 18:6,8).
* Cả bốn PÂ đều nói việc có một môn đồ chém
đứt tai một kẻ tôi tớ vị thượng tế, nhưng chỉ trong Gioan mới nói đích
danh người chém là Phêrô và người bị chém là Malchus (Jo 18:10).
6. NHỮNG LỜI CÁO GIAN VÀ
VU KHỐNG
Tại sao Chúa Giêsu bị
lên án tử, ai đã làm như thế ?
- Cuộc thẩm xét tôn giáo
: Vị thượng tế Do-thái và Hội đồng công nghị kết tội Chúa Giêsu đã phạm thượng.
* Marcô 14:61-64 và Matthêu
26:63-66 đã dùng cách tường minh từ ngữ “phạm thượng” (L. : “blasphemia”),
trong khi trình thuật của Luca 22:67-71 và Gioan 18:19-23 không
dùng đích xác từ ngữ này, nhưng nội dung mang ý nghĩa tương tự.
* Từ ngữ “blasphemia” trong cổ ngữ
Hi-lạp (“βλασφημίας”) có nghĩa là “phỉ báng, nói những điều xấu xa về Thiên
Chúa”.
* Hình phạt trong luật Do-thái cho tội phạm
thượng là bị ném đá đến chết (Lêvi 24:10-23).
* Chúa Giêsu trực tiếp nhìn nhận rằng Người
là “đấng Cristô, Con đấng Đáng-Chúc-tụng” (tức là Thiên Chúa) trong Marcô
(14:61-64), trong khi câu trả lời của Người được kể lại ở các PÂ khác không
hoàn toàn rõ ràng như thế (Mt 26:64, Lc 22:67-68, Jo 19:7
; tc. Mc 15:39).
- (Những) Cuộc xử án phần
đời : Tổng trấn Judea là Pontius Pilatus thấy rằng Chúa Giêsu có tội phiến
động, bạo loạn, hoặc là phản nghịch (lại chính quyền đô hộ là đế quốc Rôma).
* PÂ Luca diễn tả bản chất những lời
vu cáo chống lại Chúa Giêsu rất chi tiết (Lc 23:2,5,14).
* Chúa Giêsu bị tố cáo rằng đã tự xưng và /
hoặc để người ta gọi Người là “Vua Do-thái” (Mc 15:2,9,12,18,26,32,
và các đoạn song song ; cũng tc. Jo 18:33-37, 19:12-15).
* Chỉ trong PÂ Luca, Pilatus đã cắt
ngang cuộc xử án bằng cách cho điệu Chúa Giêsu đến Herode Antipas, tứ phân hầu
(quen dịch là “vua”) xứ Galilê, lúc bấy giờ cũng đến Jerusalem để dự lễ Vượt
qua (Lc 23:6-12).
* Trong Marcô và Matthêu,
Pilatus khá nhanh chóng đáp ứng đòi hỏi của các kẻ có quyền trong dân Do-thái để
kết án Chúa Giêsu (Mc 15:2-15).
* Trong Luca và Gioan,
Pilatus nhiều lần lặp lại điều ông nhìn nhận Chúa Giêsu vô tội (Lc
23:4,13-15,22, Jo 18:38b, 19:4,6,12 ; tc. Mt 27:24-25).
7. ĐÓNG ĐINH CHÚA VÀO THẬP
TỰ GIÁ VÀ CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI
Chúa bị hành quyết thế
nào ?
- Lên án tử :
* Trong các xứ sở bị quân Rôma chiếm đóng,
án tử hình chỉ có thể được tuyên khi có sự chuẩn y của chính quyền đô
hộ Rôma tại địa phương (tc. Jo 18:31 : “chúng tôi không có quyền lên án
xử tử ai”).
* Marcô và Matthêu viết rõ rằng
Chúa Giêsu bị giao cho lính Rôma đem đi đóng đinh, nhưng Luca và Gioan
(dùng các đại danh từ không rõ ràng) làm cho việc kết án đó đã được Pilatus
giao lại cho thẩm quyền Do-thái để họ đem đi đóng đinh (Lc 23:25,
Jo 19:16).
- Đánh đòn :
* Trước khi chịu đóng đinh, kẻ tử tội
thường bị đòn vọt, khảo đả, sỉ nhục, hành hạ nhiều cách.
* Tội nhân có thể chết vì các cuộc
khảo đả này, nên luật Do-thái giới hạn số roi đòn là ba mươi chín roi (tc. thư 2
Cor 11:24).
* Vì Chúa Giêsu bị kết án do đã tuyên bố là “Vua
dân Do-thái”, nên bọn lính lăng nhục Người với biểu tượng vương quyền một
cách nhạo báng, như khoác cho áo choàng đỏ (hoặc tím), đội vương miện (bằng
gai), và cây sậy cầm trên tay (để thay cho phủ việt).
- Đường đến Golgotha
:
* Tội nhân thường bị buộc phải vác lấy thập tự
giá của chính mình đến nơi chịu đóng đinh (như Chúa Giêsu đã làm trong
trình thuật của Gioan 19:17) ; nhưng trong PÂ Cộng lãm, Simon xứ
Cyrene đã bị ép vác đỡ thập tự giá cho Người (Mc 15:21, Mt 27:32, Lc
23:26).
* Chỉ có PÂ Luca thuật việc Chúa
Giêsu nói với các phụ nữ trên đường thương khó (Lc 23:27-31) ; tuy
nhiên cả bốn bản PÂ đều không đủ các nội dung của mười bốn “Chặng đường Thập tự
giá” sau này trở thành một thực hành đạo đức phổ thông của người Cristô.
* Golgotha, L. là locus Calvariae,
nghĩa là “chỗ cái sọ” (Mc 15:22 và các đoạn song song) có lẽ là một mỏ
đá bỏ hoang ở bên ngoài tường thành Jerusalem ; nhưng thành phố được nới
rộng, những bức tường mới đã được xây từ cạnh Bắc đến cạnh Tây, sau cái chết của
Chúa Giêsu không bao lâu.
* Vì thế, nơi đóng đinh và nơi táng xác Chúa
Giêsu từ cuối thế kỉ I đã trở thành ở bên trong thành phố, tại chỗ mà
vào thế kỉ IV đã xây Nhà thờ Mồ Thánh. Trái lại, có người cho rằng nơi đóng
đinh là ở chỗ được gọi là “Khu Vườn Mộ” (hơi chếch lên Cổng Damascus về phía Bắc).
- Cách thức đóng đinh
:
* Trái với cách nói “thập tự giá” (nghĩa là
giá đỡ có hình chữ thập, tức là chữ Nho 十 ), giá đỡ tử tội thường có hình chữ T, sau khi
được chôn cây dọc cắm thẳng xuống đất, thì thanh ngang sẽ ở trên đỉnh.
* Nạn nhân có thể bị trói và / hoặc đóng
đinh vào thanh ngang của giá đỡ, khi giá được chôn thì người ở tư thế thẳng
góc với mặt đất. Chỉ có PÂ Gioan nói rõ là “các đinh đóng” và “các dấu đinh” (trên tay Chúa ; x. Jo 20:25 ; tc. thư Col 2:14), trong khi
có thể Chúa bị trói vào giá đỡ, căn cứ trên PÂ Cộng lãm (tc. Tông đồ
công vụ 5:30, 10:39, 13:29, trong đó dùng từ ngữ “treo trên một cây gỗ” ;
cũng tc. Đệ nhị luật 21:22, thư Gal 3:13).
* Kẻ
bị đóng đinh có lính canh để ngăn người nhà hay bạn bè của tử tội cứu xuống trước
khi chết.
* Điều cáo buộc thường được viết và gắn
phía trên đầu kẻ bị kết án như một cảnh cáo cho những ai xem thấy : INRI
= Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum, tiếng L., có nghĩa
là : “Giêsu (người) Nazareth, Vua dân Do-thái” (Jo 19:19-22 ; tc. Mc
15:26).
* Chỉ Gioan cho dạng đầy đủ của các lời trên
đây, và nói lời đó được viết bằng tiếng Hipri, Latin, và Hi-lạp. Trong PÂ Cộng
lãm thì ngắn hơn : Mt 27:37 : “Đây là Giêsu Vua Do-thái”, Lc
23:38 : “Đây là Vua Do-thái”, Mc 15:26 còn ngắn hơn nữa : “Vua Do-thái”.
- Nguyên do chết :
* Một số người có thể chết khá nhanh vì mất
máu, nhưng cũng có người có thể vẫn còn sống qua nhiều ngày trước khi chết
hẳn vừa vì mất nước vừa vì ngạt thở.
* Để kéo dài cơn hấp hối của nạn
nhân, người ta sẽ cột hay đóng đinh chân nạn nhân vào một miếng đỡ, vì thế mỗi
khi bị ngạt quá, theo phản xạ, nạn nhân có thể rướn người lên để thở.
* Để nạn nhân chết nhanh chóng, người
ta có thể đánh gẫy chân nạn nhân nên xác trĩu xuống, nạn nhân mau chóng chết vì
ngạt (tc. Jo 19:31-36).
- “Bảy lời sau hết trên
thập tự giá của Chúa Cristô” :
* Cử hành đạo đức Thứ Sáu Tuần Thánh theo
thói quen thường kể ra bảy “lời” (tiếng Hi-lạp λόγος nghĩa là “lời, câu, từ ngữ”)
mà Chúa Giêsu đã kêu lên khi bị treo trên thập tự giá ; tuy nhiên không bản PÂ
nào có đủ bảy lời đó, mà thường chỉ kể một, hai, hoặc nhiều nhất là ba lời như
sau :
1. Chúa cầu xin cho những kẻ đóng đinh
Người : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”, Lc
23:34.
2. Nói với Mẹ Người : “Thưa Bà, này
là con Bà”, và nói với người môn đồ được yêu : “Này là mẹ con”, Jo
19:26,27.
3. Nói với người trộm lành : “Thật, Ta
bảo anh, hôm nay anh sẽ ở với Ta trên Thiên đàng”, Lc 23:43.
4. Vào giờ thứ chín (trong bản Hi-lạp)
: “ἐλωι, ἐλωι, λαμα σαβαχθανι” ([Eloi, Eloi, lama sabakhthani] Mc
15:34 = Mt 27:46 ; nghĩa là “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ
tôi ?”).
5. Để làm trọn lời Kinh thánh : “Ta
khát” (Jo 19:28).
6. Sau khi nếm một chút dấm : “Đã
hoàn tất” (Jo 19:30).
7. Ngay trước lúc tắt nghỉ : “Lạy
Cha, con phó thần khí con trong tay Cha” (Lc 23:46).
- Các chứng nhân trong
cuộc Thương khó :
* Trong PÂ Cộng lãm, nhiều phụ nữ đã
theo Người từ Galilê “nhìn từ xa” (Mc 15:40, Mt 27:55 ; tc. Lc
23:49).
* Marcô kể tên ba phụ nữ
(Maria Magdala, Maria mẹ Giacôbê và Jôsê, Salômê) ; Matthêu kể
hơi khác (Maria Magdala, Maria mẹ của Giacôbê và Giuse [thực ra phải được coi
là đồng nhất với Jôsê], và mẹ của các con ông Zêbêđê) ; tuy nhiên tất cả đều
không được nêu tên trong Luca (cho tới câu Lc 24:10).
* Một viên bách quản Rôma chứng kiến cảnh
tượng đã lên tiếng : “Thật người này là con Thiên Chúa” (Mc
15:39, Mt 27:54), hoặc “... vô tội” (Lc 23:47).
* Trong Gioan 19:25-26 có bốn phụ nữ
(mẹ Người, chị em với mẹ Người, Maria vợ của Clopas, và Maria Magdala – hay là
3, nếu như người thứ 2 cũng chính là người thứ 3 ?), cùng với “người môn đồ được
Chúa Giêsu yêu” (không nói đến tên, nhưng đã được gọi là “con” ; bản Hi-lạp υἱός
= filius, L.) “đang đứng ở bên thập tự giá” (nghĩa là rất gần).
8.VIỆC AN TÁNG
Ai đã an táng Chúa
Giêsu, khi nào, như thế nào, ở đâu ?
- Ai an táng Chúa ?
* Một ông Giuse nào đó, từ một thị trấn xứ
Judea tên là Arimathia (nhưng chính xác là ở đâu thì không rõ). Ông được kể là “một
nghị viên có thế giá, ông cũng hằng trông đợi nước Thiên Chúa” (Mc
15:43), một “người giầu có” và “cũng là một môn đồ của Chúa Giêsu” (Mt
27:57). Trong khi đó thì Luca kể mọi chi tiết trên : “làm nghị viên, một người
từ tâm và công chính, không can dự vào ý
định và hành vi của họ” (Lc 23:50), còn trong Gioan là “một môn đồ của
Chúa Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái” (Jo 19:38).
* Chỉ Gioan nói đến Nicodemus, người trước
đã từng đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm, cũng đến giúp việc an táng Chúa (Jo
19:39 ; tc. 3:1, 7:50).
- Khi nào ?
* Sau khi Giuse đã xin được phép của
Pontius Pilatus để tháo xác Chúa Giêsu xuống (Mc 15:43 và các đoạn song
song), sau khi Pilatus có thể đoan chắc là Chúa Giêsu đã chết, căn cứ
vào lời chứng của viên bách quản (Mc 15:44-45) và / hoặc căn cứ việc đâm
giáo vào cạnh sườn Chúa Giêsu (Jo 19:31-37).
* Vào chiều ngày Thứ Sáu ngay trước khi mặt
trời lặn [tức là lúc đó sẽ sang ngày mới : ngày Sabbath, Thứ Bảy] ; vì thế việc
an táng đã được làm cách vội vã (Mc 15:42, Lc 23:54, Jo
19:42).
- Như thế nào ?
* Bằng cách bọc xác Chúa Giêsu trong một tấm
vải gai (L. : linteus, Jo 19:50, và các đoạn song song), rồi để vào một
ngôi mộ đục ngay trong đá (Mc 15:46, Lc 23:53), sau đó họ vần một
tảng đá lớn để đóng cửa mộ (Mc 15:46 và các đoạn song song).
* Trong Gioan 19:40, các ông còn bọc
xác Chúa trong một lượt thuốc (gồm một dược và lô hội độ một trăm cân), theo
thói tục liệm táng của người Do-thái ; nhưng trong PÂ Cộng lãm, các ông
đã không quấn thuốc như vậy (rõ ràng là vì không còn kịp thời gian trước khi mặt
trời lặn), mà đúng hơn, các phụ nữ chuẩn bị các dược liệu đó sau khi về nhà (Lc
23:56), và định sẽ đem tẩm xác Chúa vào sau ngày Sabbath (Mc 16:1).
- Ở đâu ?
* PÂ Cộng lãm không cho biết vị trí
ngôi mộ, chỉ nói đó là huyệt được đục trong đá (Mc 15:46 và các đoạn
song song).
* Luca 23:53 và Gioan 19:41
thêm chi tiết rằng huyệt đó chưa chôn cất ai, còn Matthêu 27:60 cho biết
chi tiết huyệt đó là huyệt mộ mới làm của chính Giuse Arimathia.
* Chỉ có Gioan 19:41-42 nói ngôi mộ ở
trong một “khu vườn” gần nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh.
* Chỉ có Matthêu 27:62-66 cho biết một
đội lính được cắt canh giữ mộ Chúa Giêsu, kẻo môn đồ Người đến lấy trộm xác
(tc. 28:11-15).
BÙI
NGỌC HIỂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét