Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

DUNG MẠO CHÚA GIÊSU

 

DUNG MẠO CHÚA GIÊSU ĐẤNG CỨU CHUỘC

 

Bùi Ngọc Hiển

 

       Thiên Chúa là Đấng chí thánh, chí thiện, tuyệt đối tinh sạch, giầu lòng lân mẫn. Tuy nhiên, chỉ những người có lòng trong sạch mới có thể nhìn xem Thiên Chúa (Mt 5:8). Loài người phàm trần mắt thịt đầy tội lỗi không thể thấy Thiên Chúa, nên đối với loài người, Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã vui lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha, sinh làm người vào cõi đời ô trọc này, để trở nên hình ảnh của Thiên Chúa bất khả kiến (Col 1:15), là Chúa Giêsu Chúa chúng ta và là Đấng cứu chuộc chúng ta.

Chúa Giêsu ra đời tại nước Do-thái cách nay đã hơn 20 thế kỉ. Suốt thời gian Người sống ở trần gian, nước Do-thái đang bị đế quốc Rôma đô hộ. Khi Chúa sinh ra, hoàng đế Rôma (theo tiếng Latin là Caesar) lúc ấy là Augustus (cai trị đế quốc từ năm 27 trước Công nguyên đến năm 14 sau Công nguyên). Khi Chúa chịu chết trên thập tự giá thì hoàng đế Rôma là Tiberius (năm 14 – 37).

Chúa Giêsu xác nhận tỏ tường với các tông đồ rằng Người là Chúa (Jn 13:13), Người cũng xác nhận tỏ tường với Pontius Pilatus, kẻ xử án Người, rằng Người là Vua (Jn 18:37) ; hơn thế nữa, Người còn là Chúa trên mọi chúa, Vua trên mọi vua (Apo 18:14). Nhưng trước đó Người cũng đã nói rõ ràng cho Pilatus biết : nước của Người không thuộc về thế gian này (Jn 18:36).

Những người đương thời với Chúa Giêsu được nghe lời Người giảng dạy, được chứng kiến việc Người làm, thật là những người có phúc, vì “có nhiều tiên tri và vua chúa muốn thấy điều họ thấy mà đã không được thấy, muốn nghe điều họ nghe mà đã không được nghe” (Lc 10:24). Vào thời bấy giờ (đầu thế kỉ I), muốn lưu giữ lời Chúa nói, việc Chúa làm..., thì chỉ có cách ghi chép lại ; muốn lưu giữ hình ảnh, dung mạo... của Chúa thì chỉ có thể vẽ hay tạc tượng.

Trong số 12 Tông đồ là những người được Chúa trực tiếp dạy dỗ, đã có hai vị chép lại hành trạng của Chúa trong hai sách Tin Mừng, đó là MatthêuGioan, bên cạnh đó còn hai vị nữa là học trò trực tiếp của các Tông đồ : thánh Marcô, người chép quyển Tin Mừng thứ hai, là học trò của thánh Tông đồ Phêrô ; thánh Luca, chép sách Tin Mừng thứ ba và sách Tông đồ công vụ, là học trò của thánh Tông đồ Phaolô. Tính xác thật của các sách kể trên (và cả 22 sách nữa trong bộ Tân Ước cũng như 46 sách Cựu Ước) đã được chứng minh.

Còn vẽ lại hình ảnh Chúa thì không biết có không, vì cho đến nay vẫn chưa thấy bản vẽ nào từ thời Chúa Giêsu lưu lại, dù người ta biết rằng thánh Luca vừa là một y sĩ, vừa là một họa sĩ. Tương truyền thánh nhân đã từng vẽ tranh Đức Mẹ Thiên Chúa đang ẵm Con, nhưng ngay cả bức tranh này (nếu có) cũng không thể tìm thấy. Điều này cũng dễ hiểu : chữ nghĩa thì chỉ cần biết chữ là có thể sao chép (khi có đủ các phương tiện hỗ trợ : bút, mực, bản da hay giấy cói...), chứ tranh ảnh còn cần đến một “phương tiện đặc biệt” khác : phải có năng khiếu mới có thể sao chép.

Giả sử nước của Vua Giêsu mà ở trần gian, Người cũng có thể làm như các vua trần gian : cho đúc dung mạo Người trên các đồng tiền. Tin Mừng Matthêu thuật lại việc các người Biệt phái âm mưu gài bẫy Chúa Giêsu để có cớ vu cáo Người, bằng cách cho học trò của họ đi cùng với bè Hêrôđê đến hỏi Chúa Giêsu rằng người Do-thái có được phép nộp thuế cho hoàng đế Rôma không. Chúa đã bảo họ đưa cho Người một đồng tiền nộp thuế và hỏi : “Hình và chữ đề [trên đồng tiền] là của ai ?” Và họ trả lời : “Của hoàng đế.” (xem Mt 22:15-22)

Hình 1 : Đồng tiền thuế nộp cho đế quốc Rôma đang đô hộ Do-thái thời Chúa Giêsu. Chữ đề trên đồng tiền (đọc ngược chiều quay kim đồng hồ, bắt đầu từ bên phải cổ của hoàng đế) : TI CAESAR DIVI AVG F AVGVSTVS, đầy đủ là Tiberius Caesar Divi Augusti Filius Augustus = Hoàng đế Tiberius tôn kính, con của thần (tức là hoàng đế tiền nhiệm) Augustus

Nhưng bất cứ ai đã được ở trong nước của Vua Giêsu thì đều tuyệt đối thỏa mãn và vô cùng hạnh phúc : họ được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa đời đời, chả ai cần phải tiêu pha mua bán gì nữa, vì khi được ở với Thiên Chúa người ta chẳng còn bất cứ nhu cầu nào khác. Thế nên Vua Giêsu không đúc tiền.

Sau khi Vua Giêsu về với Cha của Người, những tín hữu theo Người, mà sau này được gọi là những người Kristô (Act 11:26), thực hành lời Chúa dạy trong các nghi lễ tưởng niệm qua việc hội họp bẻ Bánh, và ôn lại các lời Chúa Giêsu đã dạy, các việc Chúa Giêsu đã làm. Có thể phỏng đoán rằng, vì còn là những khách lữ hành, nên các tín hữu ngay từ bấy giờ cũng muốn giữ lại hình ảnh nào đó về dung mạo Đấng cứu chuộc, để qua đó họ nâng lòng lên cùng Chúa.

Ngoài thánh họa sĩ Luca, chắc chắn trong số các người Kristô thời đó cũng còn nhiều người được Chúa ban cho tài vẽ, và có thể những người này đã tái hiện dung mạo Thầy và Chúa mình trên những bản vẽ. Tuy những bản vẽ đó, nếu có, không còn lưu lại được đến nay, nhưng các tín hữu về sau có thể qua những hình ảnh đó, đời này rồi đời khác, nối tiếp nhau mà vẽ lại dung mạo Chúa Giêsu. Những bản vẽ coi là cổ xưa nhất về Đấng cứu chuộc còn đến nay là các bản vẽ chỉ được thực hiện từ khoảng thế kỉ IV. Dưới đây là một số bản vẽ dung mạo Chúa Giêsu.

Hình 2 : dung mạo Chúa Giêsu vẽ trên tường trong hang toại đạo Commodilla, Rôma, vào khoảng thế kỉ IV

Hình 3 : Chúa Giêsu giữa hai thánh Tông đồ Phaolô và Phêrô trong hang toại đạo các thánh Marcellinô và Phêrô, trên đường Labicana, Roma, khoảng thế kỉ IV

Hình 4 : Chúa Giêsu trao chìa khóa cho thánh Phêrô, tranh khảm tường, nhà thờ Santa Costanza, Rôma, khoảng thế kỉ IV

Hình 5 : vẽ trong sách Tin Mừng Rabbula (bản dịch Tin Mừng tiếng Syria), khoảng thế kỉ VI, lưu tại Biblioteca Medicea Laurenziana, Florence


Hình 6 : Chúa biến hình, tranh khảm tường tại tu viện thánh Catherine, Sinai, Ai-cập, khoảng năm 550-565

Hình 7 : Chúa Giêsu Vua vũ trụ, ảnh thánh, tu viện thánh Catherrine, Sinai, Ai-cập, thế kỉ VI

Hình 8 : Chúa Kristô vinh hiển, nguyện đường Palatine, Palermo, Sicily, số năm phía trên cho biết bức tranh tường này được thực hiện năm 1478 (Anno Domini MCCCCLXXVIII)

Các hình vẽ này tuy là tác phẩm của các tác giả khác nhau, sống ở các nơi, các thời khác nhau, nhưng dung mạo trong các hình ấy có những nét giống nhau kì lạ, khiến nhìn vào có thể nghĩ ngay đến Chúa Giêsu, cả khi không được chỉ dẫn.

Vào khoảng cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, bỗng nổi lên một làn sóng gọi là “xem xét hình ảnh xác thật về Giêsu Nazareth, thuộc xứ Gallilêa, Do-thái, vào đầu thế kỉ I”, do những người bài Thiên Chúa giáo nói chung và những người bài Công giáo nói riêng, trong số đó có khá nhiều kẻ hết sức quá khích. Những kẻ này nêu ra một mớ những “lí lẽ xác thật”, dựa vào “tính khoa học khách quan”, thậm chí dựa trên cả Thánh Kinh nữa, rồi đưa ra vài kết luận về dung mạo “Chúa Giêsu”, như :

- “Giêsu” là người da đen ;

- mắt của “Giêsu” không có mầu xanh ;

- “Giêsu” có tóc ngắn ;

- “Giêsu” không có râu ;

v.v và v.v...

Với những kết luận về “dung mạo xác thật của Giêsu” như vậy, họ huy động một số thợ cạo ngôi trên giấy nhờ “chỉnh sửa” dung mạo của Đấng cứu chuộc. Những người này liền nhè các hình ảnh quen thuộc về Chúa Giêsu (trong số đó có cả các tác phẩm của nhiều họa sĩ tiếng tăm), mà... hớt tóc Chúa, như một số hình dưới đây. Trong những hình này (từ hình 9 đến hình 24), dung mạo bên trái là nguyên bản, bên phải là hình Chúa Giêsu đã bị những thợ cạo ngôi trên giấy gọt tóc bằng cách dùng mấy thủ thuật trên máy điện toán. Các hình bên phải đều trích từ Jesus Christ’s Life in Pictures, do Keith Piper biên tập (không đề năm xuất bản).

Hình 9 : Chúa Giêsu được thánh Gioan làm phép rửa

Hình 10 : Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana


Hình 11 : Chúa Giêsu làm cho con gái ông trưởng hội đường đã chết được sống lại


Hình 12 : Chúa Giêsu đàm đạo với ông Nicôđêmô


Hình 13 : Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria


Hình 14 : Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc thánh Phêrô


Hình 15 : Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ đau ốm tật nguyền


Hình 16 : Chúa Giêsu chữa người bại liệt được đưa vào nhà từ trên mái


Hình 17 : Chúa Giêsu chữa người bại liệt bên hồ Bethsaiđa


Hình 18 : Chúa Giêsu giảng trên thuyền


Hình 19 : Chúa Giêsu giảng cho đám đông dân chúng


Hình 20 : Chúa Giêsu cho con trai bà góa thành Naim đã chết được sống lại


Hình 21 : người phụ nữ rửa chân Chúa Giêsu tại nhà Simon tật phong


Hình 22 : Chúa Giêsu bị điệu ra trước công nghị Do-thái


Hình 23 : Pilatus đưa Chúa Giêsu đã bị tra tấn ra trước dân chúng


Hình 24 : Chúa Giêsu cho thánh Tôma thấy các thương tích sau khi Chúa sống lại

Qua những hình ảnh trên, có thể thấy dung-mạo-Giêsu-bị-hớt-tóc trở nên nham nhở, thậm chí trông bẩn bẩn thế nào đấy, nếu không muốn nói là xấu xí.

Có lẽ cũng nhận thấy thế, nên những người thích “Giêsu tóc ngắn” bèn vẽ mới hẳn các hình minh họa Tin Mừng, mà diện mạo của “Giêsu” trong các hình đó luôn luôn có bộ tóc ngắn. Thí dụ các hình 25, 26, 27 dưới đây :


Hình 25


Hình 26


Hình 27

Dung mạo “Giêsu” trong các hình này đều theo “phong cách mới” : tóc ngắn ; các học trò của “Giêsu”, và có lẽ cả những người đàn ông khác (dù) trùm khăn cũng để tóc ngắn chăng !

Những người chủ trương “Giêsu tóc ngắn” đã lấy câu Thánh Kinh duy nhất : câu 1 Cor 11:14 để biện hộ cho việc làm của mình.

Câu 1 Cor 11:14 đó trong bản dịch tiếng Việt của cha Nguyễn Thế Thuấn (Saigon, 1965) : Há thiên nhiên lại không dạy ta rằng đàn ông để xõa tóc lại không phải là ô nhục đó sao ?

Bản dịch của Thánh-Thơ công hội (Saigon, 1966) : Chính lẽ tự nhiên há chẳng dạy cho anh em biết đờn ông để tóc dài thì lấy làm hổ thẹn sao ?

Các thư của thánh Phaolô Tông đồ chiếm hơn 28% toàn bộ Tân Ước ; hơn nữa, ngài không chỉ viết thư gửi một giáo đoàn Côrinthô này (và gửi đến 2 thư), mà còn gửi cho các giáo đoàn tại Rôma, Galata, Êphêsô, Philip, Côlôsê, Thêssalônica, không kể những thư đề gửi cho các cá nhân như gửi ông Timôthê, Titô, Philêmôn. Nhưng chỉ có một câu 1Cor 11:14 trên đây nói về “tóc dài / tóc ngắn” của người đàn ông.

Côrinthô (tiếng Hi-lạp : Κόρινθος [korinthos]) là một thành phố cảng trên bán đảo Peloponnese (Hi-lạp : Πελοπόννησος [peloponnesos]), thuộc miền nam nước Hi-lạp. Vào thế kỉ I, thành phố này nổi tiếng giầu có nhờ buôn bán. Tại đây cũng như tại các nơi khác của Hi-lạp, người ta thờ ngẫu thần, không tin có sự sống lại, bên cạnh đó là lối sống duy vật chất và thụ hưởng. Có những nam nhân để tóc dài như phụ nữ, ngược lại có những phụ nữ cắt tóc ngắn hoặc cạo trọc như đàn ông, để quyến rũ hầu bán dâm cho những người đồng giới. Thánh Phaolô gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng Hội thánh Chúa tại đây, và sau này ngài còn bận tâm rất nhiều đến Hội thánh tại Côrinthô này, lo sợ các thói tục xấu chung quanh có thể cám dỗ các tín hữu Kristô mới theo đạo. Thư 1 Côrinthô nhằm đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho các tín hữu có thể nhờ đó mà giữ mình khỏi bị sa ngã. Không chỉ một câu 1Cor 11:14, mà cả một đoạn từ 1Cor 11:1 tới 1Cor 11:16 là khuyến cáo các tín hữu trước những cám dỗ theo thói tục. Vì vậy mà “đàn bà không trùm đầu thì không đoan chính” (câu 1Cor 11:13), và “đàn ông xõa tóc thì ô nhục”.

Văn hóa, tập tục Hi-lạp không phải văn hóa, tập tục Do-thái. Không những thế, việc quan hệ đồng giới lại là điều quái gở bị cấm đoán tại Do-thái (xem Lev 18:22). Ngoài ra, câu 1Cor11:14 chỉ là một khuyến cáo, chẳng phải giáo lí, cũng chẳng phải giáo luật. Khuyến cáo này chỉ áp dụng cho các tín hữu Côrinthô lúc đó, nơi đó, nhưng không áp dụng phổ quát cho các tín hữu ở nơi khác, lúc khác, huống nữa là lại đem áp dụng cho chính Chúa Giêsu. Đó mới thật là điều quái gở (Hipri : תוֹעֵבָ֥ה ṯōw‘êḇāh ; Hi-lạp : βδέλυγμα bdélygma) !

Theo những “lí lẽ xác thật”, dựa vào “tính khoa học khách quan” như đã trình bày trên, người ta còn cả quyết rằng “Giêsu không có râu” ! Thế nhưng những “thợ cạo ngôi trên giấy” không dám cạo trụi râu của Chúa Giêsu vì còn “e dè” câu Thánh Kinh trong sách tiên tri Isaia nói về người tôi tớ thống khổ của Đức Chúa : câu Is 50:6 : “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi”. Cạo sạch râu Chúa Giêsu đi, thì những kẻ kia biết vặt râu ai bây giờ ?

Việc cố ý trích dẫn Thánh Kinh để ngụy biện cho một thứ “lí luận” cố chấp như trên thì cũng tương tự việc trích dẫn Thánh Kinh để “biện minh” cho quan điểm rằng “Chúa Giêsu có nhiều anh em ruột” ! Xin nói thêm đôi chút về chuyện này.

Câu Mc 3:31 (và các câu tương đương : Mt 2:46, Lc 8:19) : “Mẹ Người và các anh em Người đến và đứng ngoài, họ cho vào gọi Người”.

Các sách Tân Ước viết bằng tiếng Hi-lạp, danh từ “anh em” trong tiếng Việt ở câu dẫn trên trong tiếng Hi-lạp là “ἀδελφοὶ [adelfoi]”, số nhiều của ἀδελφός [adelfos]. Chữ ἀδελφός (và các biến cách) của tiếng Hi-lạp được dùng để dịch danh từ אָ֖ח [’āḥ] (và các biến cách) trong tiếng Hip-ri (Do-thái). Hầu hết sách Cựu Ước viết bằng tiếng Hip-ri. Các chỗ có danh từ אָ֖ח [’āḥ] trong bản văn Cựu Ước Hip-ri đều được bản dịch Hi-lạp Septuagint (bản Bảy mươi, LXX) dịch tương ứng bằng ἀδελφός [adelfos]. Dưới đây dẫn vài chỗ để thấy cách hiểu đúng cách dùng các chữ “anh em” đối với người Do-thái.

Câu trong sách Sáng thế Gen 4:9

nguyên bản Hip-ri :

אֵ֖י הֶ֣בֶל אָחִ֑יךָ

[’ê he-ḇel ’ā-ḥî-ḵā]

bản LXX :

Ποῦ ἐστιν Ἅβελ ὁ ἀδελφός σου

tiếng Việt : Abel em ngươi đâu

Trong câu này rõ ràng người được (Đức Chúa) hỏi, là Cain, với Abel là anh em ruột, cùng có cha mẹ là Adam và Eva.

Câu trong sách Sáng thế Gen 13:8

nguyên bản Hip-ri :

וַיֹּ֨אמֶר אַבְרָ֜ם אֶל־לֹ֗וט ... כִּֽי־אֲנָשִׁ֥ים אַחִ֖ים אֲנָֽחְנוּ

[way-yō-mer ’aḇ-rām ’el-lō-wṭ ... kî-’ă-nā-šîm ’a-ḥîm ’ă-nā-ḥə-nū]

bản LXX :

εἶπεν δὲ Ἀβρὰμ τῷ Λώτ ... ὅτι ἄνθρωποι ἀδελφοὶ ἡμεῖς ἐσμέν

tiếng Việt : Vậy Abram nói với Lot ... vì chúng ta là cốt nhục.

Ở đây, dù là ’a-ḥîm hay là adelfoi thì cũng không thể dịch là anh em được, vì Abram là chú, còn Lot là cháu.

Câu trong sách Đệ nhị Luật Deut 23:8

nguyên bản Hip-ri :

לֹֽא־תְתַעֵ֣ב אֲדֹמִ֔י כִּ֥י אָחִ֖יךָ ה֑וּא

[lō-ṯə-ṯa-‘êḇ ’ă-ḏō-mî, kî ’ā-ḥî-ḵā hū]

bản LXX :

οὐ βδελύξῃ Ἰδουμαῖον, ὅτι ἀδελφός σού ἐστιν

tiếng Việt : Chớ ghê tởm người Edom, vì họ là anh em ngươi.

Tiếng Việt trong câu này dùng danh từ “anh em” để dịch, vì người Edom là hậu duệ của Ismael, người Israel là hậu duệ của Isaac ; Ismael là con của Abraham với nàng hầu Agar, còn Isaac là con của Abraham với chính thất Sara, nên Ismael và Isaac là anh em cùng cha khác mẹ. Hậu duệ của cả hai người này tuy có liên hệ huyết thống, nhưng đã xa lắm rồi (dân Do-thái sau hơn 400 năm làm nô lệ bên Ai-cập, lại còn lang thang thêm 40 năm nữa từ khi vượt qua biển Đỏ cho đến lúc về được tới Đất Hứa).

Còn rất nhiều chỗ khác trong Thánh Kinh có “anh em”, nhưng không thể mà cũng không cần phải kể hết. Chỉ với vài thí dụ trên, có thể thấy “anh em” trong tiếng Hip-ri / Hi-lạp không phải bao giờ cũng được dùng với nghĩa “anh em cùng cha mẹ” / “anh em cùng cha khác mẹ” / “anh em cùng mẹ khác cha”, mà còn dùng với nghĩa là những người có liên hệ huyết thống dù gần hay xa, và có khi dùng như trong tiếng Việt để gọi chung nhóm người bất kì nào đó có mối liên hệ nào đó không nhất thiết là liên hệ về huyết thống. Có thể kể thêm câu Thánh Kinh trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrinthô, câu 1Cor 15:6 :

bản văn Hi-lạp :

ἔπειτα ὤφθη ἐπάνω πεντακοσίοις ἀδελφοῖς ἐφάπαξ

tiếng Việt :

rồi Người hiện ra với hơn năm trăm anh em cùng một lúc

Nếu hiểu chặt chẽ theo nghĩa ἀδελφόςanh em ruột thịt, thì chẳng lẽ Mẹ Maria sau khi sinh hạ Chúa Giêsu rồi, vẫn còn sinh nở hơn 500 lần nữa sao ? Đọc và hiểu Lời Chúa theo kiểu như vậy thì không thể chấp nhận được.

Thế nhưng người ta vẫn còn viện dẫn Thánh Kinh để “kể tên cụ thể các anh chị em của Chúa Giêsu” với các câu sau :

Phúc âm Marcô, câu Mc 6:3, bản văn Hi-lạp :

οὐχ οὗτός ἐστιν ὁ τέκτων, ὁ υἱὸς τῆς Μαρίας καὶ ἀδελφὸς Ἰακώβου καὶ Ἰωσῆτος καὶ Ἰούδα καὶ Σίμωνος

Tiếng Việt : ông ta không phải bác thợ con bà Maria, và là anh em với Giacôbê (và) Giôsê (và) Giuđa và Simon ư

Lạ một điều là sau khi dẫn câu Thánh Kinh trên, người ta không muốn nhắc thêm mấy câu nữa, như :

Câu Mc 15:40, bản Hi-lạp :

Ἦσαν δὲ καὶ γυναῖκες ἀπὸ μακρόθεν θεωροῦσαι, ἐν αἷς καὶ Μαρία ἡ Μαγδαληνὴ καὶ Μαρία ἡ Ἰακώβου τοῦ μικροῦ καὶ Ἰωσῆτος μήτηρ καὶ Σαλώμη

Tiếng Việt : có những phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có Maria Magđalêna, (và) Maria (là) mẹ của Giacôbê thứ và Giôsê, và Salômê

Lại nữa trong lời đầu thư

cả ở thư của thánh Giacôbê, câu Jac 1:1, bản văn Hi-lạp :

Ἰάκωβος Θεοῦ καὶ Κυρίου Ἰησοῦ Χριστοῦ δοῦλος

Tiếng Việt : Giacôbê, nô lệ của Thiên Chúa và (của) Chúa Giêsu Kristô

cả ở thư của thánh Giuđa, câu Jud 1:1, bản văn Hi-lạp :

Ἰούδας Ἰησοῦ Χριστοῦ δοῦλος, ἀδελφὸς δὲ Ἰακώβου

Tiếng Việt : Giuđa, nô lệ của Giêsu Kristô, em của Giacôbê

Cả hai vị đều tự xưng mình là nô lệ (δοῦλος, tôi tớ, kẻ hầu hạ) của Chúa Giêsu, thánh Giuđa còn ghi rõ ngài là em của thánh Giacôbê. Qua đó có thể thấy, trong bốn cái tên nêu ra ở câu Mc 6:3, thì có hai người chắc chắn không phải là anh em ruột thịt với Chúa Giêsu, tức hai người này chỉ là anh em họ với Người, nên hai người còn lại chắc chắn cũng chỉ là anh em họ với Chúa Giêsu mà thôi.

Trở lại chuyện Chúa Giêsu tóc dài hay tóc ngắn.

Năm 2001, ba hãng truyền thông quốc tế là BBC, France 3, và Discovery Chanel cùng tài trợ cho một nhóm “khảo cứu về dung mạo Con Thiên Chúa sao cho mang tính khoa học khách quan”, trong đó Richard Neave, họa sĩ chuyên vẽ các tranh ảnh về y học tại đại học Manchester, đã về hưu, phụ trách việc “tạo hình”. Jean Claude Gragard, người đã sản xuất chuỗi phim tài liệu “Con Thiên Chúa” cho hãng truyền thông BBC, nói với hãng làm báo The London Times rằng ông ta đã dùng những hình ảnh trong chuỗi phim của ông ta hồi năm 2000, và rằng họ dùng các kiến thức khoa học về khảo cổ và giải phẫu người chứ không dùng cách diễn tả có tính nghệ thuật, và rằng khuôn mặt họ dựng lại “không phải khuôn mặt của Giêsu”, vì một trong ba sọ người mà họ dùng làm “cốt” được cho là sọ những người Do-thái hồi đầu thế kỉ I, chứ không thể tìm được “sọ của Giêsu” ! Tiếp theo Neave và nhóm của ông ta dùng kĩ thuật điện toán, lấy đất sét để “đắp thịt” cho cái sọ. Họ bảo rằng họ đã mô phỏng theo các kiến thức của họ về người Do-thái thời bấy giờ để tạo hình khuôn mặt (mặt rộng, mũi bự...), mầu mắt, mầu da. Thậm chí họ cũng lấy câu Thánh Kinh 1Cor 11:14 – đã trình bày trên – và suy đoán rằng (nguyên văn tiếng Anh tại https://edition.cnn.com/2002/TECH/science/12/25/face.jesus/index.html) : “ ‘If a man has long hair, it is a disgrace to him’ if Jesus Christ had had long hair ?” = “ ‘Nếu một nam nhân để tóc dài là một điều ô nhục cho anh ta’, thì Giêsu Kristô há lại có tóc dài ?”, v.v... Cuối cùng họ rất hoan hỉ trưng ra cho thiên hạ một dung mạo (hình 28) dường như không khác dung mạo người tiền sử bao nhiêu. Đến nỗi ngay cả những người bài Công giáo cũng không thể nhìn nhận đó là “dung mạo thật của Giêsu” được. Chính vì thế nên nhiều trang truyền thông khác khi dẫn lại bức hình BBC trưng ra, chỉ gọi đây là “dung mạo một người Galilêa đầu thế kỉ I”.


Hình 28 : mặt một người Galilêa [nào đó] được Richard Neave đắp đất sét trên sọ được cho là của một người Israel đầu thế kỉ I ; các chi tiết khuôn mặt đều “căn cứ” trên các phỏng đoán (không hề mang tính “khoa học khách quan”) : nước da bánh mật, mắt nâu, mũi rộng, tóc và râu ngắn...

Cách đưa tin của các hãng truyền thông bài Thiên Chúa giáo rất lập lờ. Không đọc cho kĩ thì dễ tưởng lầm rằng khuôn mặt ở hình 28 trên là “khuôn mặt của Giêsu” được “tái tạo” theo phương pháp “khoa học khách quan”. Nhiều hãng truyền thông khác tin chắc đó là “khuôn mặt của Giêsu” thật, nên hớn hở đua nhau đăng lại. Một số bộ phận truyền thông Công giáo, trong đó có cả những ban truyền thông của vài giáo phận Việt Nam, để tỏ rằng “tuy là Công giáo, nhưng vì tôn trọng ‘sự thật’ và ‘tính khoa học khách quan’ ”, nên cũng đăng lại (có lẽ với ít nhiều thất vọng !).

Sọ là “phần cứng”, thay đổi không nhiều trong phạm vi một sắc tộc. Căn cứ vào sọ, có thể tính được kích thước khuôn mặt, khoảng cách giữa các bộ phận trên mặt như độ cao của trán, độ dài của cằm, các khoảng cách giữa 2 mắt, từ mắt đến mũi, miệng... Còn hình dáng cụ thể các bộ phận ấy, tức là vẻ ngoài của khuôn mặt, ra sao, thì không thể căn cứ vào sọ mà biết được, mà đòi hỏi những yếu tố khác. Chỉ những anh chị em ruột thịt cùng cha mẹ mới có vẻ mặt bên ngoài giống nhau. Khi “đắp đất sét tạo hình” cho chiếc sọ được kể là của “một người Do-thái” nào đó hồi đầu thế kỉ I, người ta có thể tạo hình tùy ý. Hình dạng của tóc tai mắt mũi môi miệng đều có thể “chỉnh sửa” theo bất cứ kiểu cách nào. Khuôn mặt của “một người Galilêa” không thể coi là khuôn mặt tiêu biểu cho “mọi người Galilêa”, cũng như khuôn mặt của một người Anh nào đó không thể được coi là khuôn mặt tiêu biểu cho tất cả người Anh ! Khi “tạo hình” cho “một người Galilêa” (được gán cho là “khuôn mặt có thể có của Giêsu”), người ta đã cố ý chọn những dáng vẻ xấu xí. Họ nại cả đến Thánh Kinh, trích sách tiên tri Isaia nói về người tôi tớ thống khổ của Đức Chúa, câu Is 53:2 : Người không có vẻ đẹp hay sự uy nghi cho ta chiêm ngưỡng, dung mạo của người chẳng có gì để ta ưa thích, và dĩ nhiên cố tình hiểu sai lệch ý nghĩa thật của câu Kinh, nhằm làm lung lạc sự tin tưởng vào Chúa Giêsu Con Thiên Chúa. Câu Is 53:2 này nói về dung mạo của người tôi tớ thống khổ của Đức Chúa khi bị hành hạ, tra tấn : một khuôn mặt bị tát vả đánh đấm đến sưng húp, bị nhổ đầy nước miếng hôi thối, đầu bị đội mũ gai máu chảy đầm đìa, trên đường vác thập tự giá đến nơi hành hình bị té ngã dập mặt... thì lấy đâu ra vẻ đẹp cùng sự uy nghi nữa ?

Về chiếc “mũ gai”, theo các hình ảnh hay tượng Chịu nạn quen thuộc, thì dường như chỉ là “vòng gai”. Còn theo các vết thương vùng đầu của người trong Khăn liệm Turino (phần dưới đây), thì có lẽ đó là một “chiếc mũ” đúng nghĩa, như hình 29.


Hình 29 : chiếc mũ gai thực hiện lại theo vết thương trên đầu người trong Khăn liệm Turino. (CNS photo/Paul Haring tại https://www.orlandodiocese.org/e-scroll/archive/loving-lent-the-transformative-power-of-sacrifice/)

Vẫn trong thư 1 Corinthô, bên dưới còn có câu : Vậy đã có viết : Ađam, người thứ nhất, đã thành vật sống, còn Ađam cuối cùng đã nên thần khí tác sinh (1Cor 15:45).

Ađam cuối cùng chính là nói về Chúa Giêsu Kristô. Thiên Chúa dựng nên Ađam, người thứ nhất, chẳng cần cái ADN nào, nhiễm sắc thể nào, gen nào. Vậy Thiên Chúa cho Ngôi Lời nhập thể thì có cần phải mang lấy gen di truyền của Đaviđ trong thân xác chăng ?

Đoạn Phúc âm Mt 22:41-46 :

Những người Biệt phái tụ tập lại, Chúa Giêsu hỏi họ : “Các ông nghĩ sao về Đức Kristô ? Ngài là con của ai ?” Họ đáp : “Của Đaviđ.” Người nói với họ : “Vậy tại sao khi Đaviđ được thần khí linh hứng thì lại gọi Ngài là Chúa, mà rằng : Chúa đã nói cùng Chúa tôi : Hãy ngồi bên hữu Ta cho tới khi Ta đặt kẻ thù của con ở dưới chân con. Vậy nếu Đaviđ gọi Ngài là Chúa, thì sao Ngài lại là con ông được ?” Nhưng không ai đáp lại được một lời, và từ ngày đó, không ai dám chất vấn Người thêm điều gì.

Những người Biệt phái “không đáp lại được một lời”, và cũng “không ai dám chất vấn thêm điều gì”, vì họ đã được học hiểu rất kĩ rằng Đấng mà Đaviđ gọi là “Chúa” chính là Đấng Mêsia = Đấng Kristô, và việc Đấng Kristô xuất thân từ dòng Đaviđ phải được hiểu theo nghĩa biểu trưng, hơn là hiểu theo nghĩa mặt chữ. Nghĩa đó là Đức Chúa Yavê luôn thực hiện mọi điều đã hứa với các tổ phụ dân Israel.




Bùi Ngọc Hiển

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: