Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

THƠ LỤC BÁT LÀ CỦA VIỆT NAM

 THƠ LỤC BÁT LÀ CỦA VIỆT NAM


 

 

 

THƠ LỤC BÁT LÀ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

 

 

 

 

Bùi Ngọc Hiển

 

Tình cờ được giới thiệu đọc bài (vốn viết trên “phây”) của một kẻ nào đó tên là Đỗ Quý Dân, viết bằng một lời lẽ rất chi là thầy đời, nói rằng thơ lục bát vốn do người Tầu đặt ra, người Việt ta chẳng qua chỉ học mót. Người giới thiệu cho biết cái kêu bằng facebook post của kẻ họ Đỗ nọ là : https://www.facebook.com/groups/339950766569558/

 

Tôi không phải là “dân chơi phây”, nên không sớm được hân hạnh đọc bài của họ Đỗ. Sau khi được giới thiệu, bèn mạo muội viết bài này để trả lời cho vị “thầy đời” nọ, mà để cho tiện,

trong bài viết sau đây, tôi xin được “tôn xưng”

vị “thầy đời” họ Đỗ ấy là “Đỗ thế sư” !

 

 

 

Trong tiểu thuyết Lều chõng của Ngô Tất Tố, chương 5, có kể một buổi giảng sách trong một lớp học chữ Nho thời trước, xin trích nguyên văn :

...

Hôm nay bắt đầu đọc kinh Dịch, rồi đến sách Trung dung, rồi đến cuốn Tống sử. Mỗi khi đọc hết bài cái, bài bàn của một chương nào trong sách, cả trường im lặng như tờ. Mấy trăm con mắt đều chăm chỉ ngó vào cuốn sách của mình. Mấy trăm lỗ tai đều bình tĩnh đợi nghe lời giảng của thầy. Bằng cái giọng sang sảng như tiếng chuông đồng, cụ bảng giảng rất rành mạch từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa gần đến nghĩa xa, cụ chỉ rõ ràng lời bàn nào là phải, lời bàn nào là quấy. Cụ nói như rót vào tai học trò. Khi giảng đến hào lục tam của quẻ Khôn kinh Dịch, cụ đặt mồi thuốc xuống án và hỏi một cách sửng sốt :

Các anh nghe chương này có thấy gì không ?

Các cậu học trò đều không trả lời, vì không hiểu ý cụ hỏi ra sao. Cụ liền nhìn vào cuốn sách và cất cao giọng :

“Lục tam, hàm chương khả trinh. Hoặc tòng vương sự, vô thành, hữu chung.”

Và cụ lại gặng :

Các anh tưởng nó có đúng với điệu lục bát trong các ca dao của ta hay không ?

Rồi cầm mồi thuốc hút thêm một hơi, cụ vừa rung đùi vừa tiếp :

Trong kinh, truyện, sử, mỗi bộ đều có một câu lục bát. Ở kinh là câu ấy rồi, còn ở truyện thì là câu gì ?

Các cậu học trò cố sức lục hết trí nhớ để tìm lấy câu trả lời. Nhưng không ai nói câu nào. Cụ vuốt chòm râu bạc phơ và ngâm :

“Phù thủy, nhất thước chi đa.

“Cập kỳ bất trắc ngoan đà giao long...”

Rồi cụ lại hỏi :

Phải câu ấy ở sách Trung dung, các anh mới đọc hôm qua đó không ? Sao mà chóng quên vậy ?

...

Còn câu ở sử, chắc chắn các anh cũng không thể nhớ.

Và cụ ngân giọng :

“Đế sĩ Sái Xác hữu công,

“Sử chi tòng tự Triết tông miếu đình...”

...

Các anh thử giở cuốn Tống Cao tôn mà xem, câu đó ở ngay đầu sách đấy mà... (hết trích)

Để kết cuộc nói chuyện phiếm (chữ trong tác phẩm Lều chõng), tác giả Ngô Tất Tố đã cho “cụ bảng hư cấu” nói những lời sau đây (nguyên văn) :

Cũng vì có mấy câu đó cho nên từ xưa đến nay đã có nhiều người cho rằng : lối văn trên sáu dưới tám của ta gốc ở kinh, truyện và sử mà ra. Nhưng theo ý ta, thì nói như vậy có lẽ cũng quá khiên cưỡng. Trời đã sinh ra mỗi nước có một thứ tiếng, thì tất nhiên mỗi nước cũng phải có một điệu hát. Nếu bảo điệu hát lục bát gốc ở kinh, truyện và sử, thì sao ở Tầu lại không có cái thể văn ấy ? Tuy vậy, các cụ đời trước nói thế, bây giờ mình cũng hãy hay rằng thế, để rồi kê cứu dần dần, không nên vội vàng bài bác. (hết trích)

Đấy là ý kiến của “cụ bảng”, mà có lẽ tác giả quyển tiểu thuyết đã từng được thầy học của ông giảng như thế thật.

Nghĩ rằng cũng chỉ là “câu chuyện phiếm”, ai dè khoảng tám chục năm sau, Đỗ thế sư nhặt được câu chuyện trên, viết thành một bài rút ngắn bằng một thứ lời lẽ đọc lên tưởng chừng chính Đỗ thế sư đã tự cất công tìm kiếm được trong các sách vở kinh điển bên Tầu, nay hào hứng đem trình cùng người đọc kèm theo nhận định cá nhân, rằng (lại xin dẫn nguyên văn lần nữa, dù nhàm, nhưng thế mới biết được sự “đáng sợ” của Đỗ thế sư kia) :

Từ trước đến nay nhiều người cho rằng thể thơ lục bát là do người Việt chúng ta đặt ra. Tuy nhiên, thể lục bát đã được sử dụng trong kinh, truyện, và sử của Trung Quốc (Kinh Dịch, sách Trung Dung và Tống Sử). Vậy phải chăng chúng ta đã mượn lục bát từ người Tàu ?

Phần diễn giảng hào lục tam của quẻ Khôn trong Kinh Dịch có hai câu như sau :

“Lục tam, hàm chương khả trinh

Hoặc tòng vương sự, vô thành, hữu chung.”

Đúng là lục bát. Từ số chữ đến cách gieo vần.

Trong sách truyện (Trung Dung) có hai câu :

“Phù thủy, nhất thước chi đa

Cập kỳ bất trắc, ngoan đà giao long.”

Rõ ràng là lục bát. Có khác chăng là lời thơ bằng Hán tự.

Còn sách Tống Sử có hai câu :

Đế sĩ Sái Xác hữu công,

Sử chi tòng tự Triết tông miếu đình…”

Cũng lại lục bát. Trước khi nền thơ văn của Việt Nam được phát triển. (hết trích)

Viết đến đây, Đỗ thế sư mới đá một chút đến Lều chõng của Ngô Tất Tố, nguyên văn :

Khi nhắc đến vấn đề này, cụ Ngô Tất Tố mượn nhân vật “Cụ bảng”, thầy dạy học của Đào Vân Hạc trong “Lều chõng”, để bàn như sau : ... (hết trích)

Tiếp theo Đỗ thế sư dẫn lời nhận định của cụ bảng đã nói trên. Cuối cùng, Đỗ thế sư lên giọng dạy dỗ thiên hạ, nguyên văn :

Không biết đúng sai thế nào, tôi chỉ biết người Việt chúng ta tự ái rất cao, tìm đủ mọi lý lẽ để chứng minh mình không lệ thuộc Tàu, nhưng cái mà chúng ta hay gọi là “chứng minh” chỉ là những ý kiến hết sức chủ quan, không dựa trên căn bản biện chứng vững chắc. Người Nhật cũng mượn nhiều từ văn hóa Trung Quốc, nhưng họ không phủ nhận điều đó mà chỉ đem mấy cái đã “mượn” kia làm cho hoàn hảo hơn rồi lấy đó làm tự hào. Sao người Việt chúng ta không làm được như người Nhật nhỉ ? Cứ nhận là lục bát gốc ở Tàu, nhưng người Việt chúng ta đã biến nó thành thể thơ riêng, đặc biệt của mình đi, có làm sao đâu ? (hết trích)

Một phát biểu hết sức nông nổi, hồ đồ, dựa trên một nhận xét rất xược : tôi chỉ biết người Việt chúng ta tự ái rất cao..., cái mà chúng ta hay gọi là “chứng minh” chỉ là những ý kiến hết sức chủ quan, không dựa trên căn bản biện chứng vững chắc

Có lẽ Đỗ thế sư cho rằng việc mình phát hiện ra (chứ không phải vớ được ở đâu cả) tuy chỉ có ba câu trong sách vở Tầu tình cờ mang hơi hướng thơ lục bát, nhưng lại đáng kể là dựa trên căn bản biện chứng vững chắc, và cho rằng dẫn chứng bấy nhiêu đó là đã đủ khách quan !

Từ khi Lều chõng ra đời đến nay đã tám chục năm, có lẽ không còn có thể nói là vội vàng, nên người viết bài viết này xin phép cụ bảng hư cấu, cũng là xin phép Ngô tiên sinh, bài bác thẳng thừng cái ý cho rằng : lối văn trên sáu dưới tám của ta gốc ở kinh, truyện và sử mà ra, mà khẳng định rằng :

Thơ lục bát hoàn toàn của người Việt Nam, có nguồn gốc hoàn toàn Việt Nam, chẳng hề phải đi vay mượn ở đâu đem về chế biến cả.

 

I. Ba câu “kinh, truyện, sử” được “cụ bảng hư cấu” dẫn ra :

 

1. Câu kinh :

 

Kinh ở đây là kinh Dịch. Việc soạn tác kinh này vẫn còn là truyền thuyết. Câu cụ bảng dẫn ra thuộc loại câu 爻辭 hào từ (lời giải thích ý nghĩa các hào trong một quẻ), được cho là do 周公旦 Chu công Đán (khoảng thế kỉ XI trước Công nguyên) viết ra. Nếu Chu Đán định viết hào từ theo lối thơ, thì không chỉ hào từ 六三 lục tam (= hào chẵn, âm, thứ ba từ dưới đếm lên ; hào lẻ, dương, được gọi là hào cửu, 9) của quẻ Khôn, mà 383 hào từ còn lại cũng phải viết như thế cả, nghĩa là phải có điệu, có vần, chưa nói đến tất cả chúng đều phải có dạng thơ lục bát. Rõ ràng Chu Đán không có ý định này. Các hào từ đều là những lời tương đối ngắn gọn, có khi rất ngắn gọn (trong các câu trích dưới đây chỉ dịch sát nghĩa đen), thí dụ :

hai chữ : 否卦 quẻ  : 六三 : 包羞 lục tam : bao tu (hào âm 3 : chứa đựng điều hổ ngươi) ;

ba chữ : 賁卦 quẻ : 六二 : 賁其須 lục nhị : bí kì tu (hào âm 2 : trau chuốt bộ râu) ;

bốn chữ : 乾卦 quẻ Càn (cũng đọc Kiền) : 初九 : 潛龍勿用 sơ cửu : tiềm long vật dụng (hào dương 1 : rồng [còn] náu [mình] chớ dùng) ;

năm chữ : 豫卦 quẻ Dự : 六五 : 貞疾 , 恒不死 lục ngũ : trinh tật hằng bất tử (hào âm 5 : ngay thẳng thì đau, thường [thôi] chẳng chết) ;

sáu chữ : 隨卦 quẻ Tuỳ : 六二 : 係小子 , 失丈夫 lục nhị : hệ tiểu tử, thất trượng phu (hào âm 2 : buộc vào với kẻ tiểu tử thì mất kẻ trượng phu) ;

bảy chữ : 大壯卦 quẻ Đại Tráng : 初九 : 壯于趾 , 征凶 , 有孚 sơ cửu : tráng vu chỉ, chinh hung, hữu phu (hào dương 1 : mạnh ở ngón chân, đi thì xấu [nên] có tin [như thế]) ;

tám chữ : 乾卦 quẻ Càn : 九二 : 見龍在田 , 利見大人 cửu nhị : hiện long tại điền, lị kiến đại nhân (hào dương 2 : rồng hiện ở ruộng, thấy kẻ đại nhân thì có lợi)

...

Qua đó có thể thấy, hào từ nào dài hơn 4 chữ đều thường phải đọc ngắt ra (nhiều chỗ chỉ có 4 chữ cũng phải ngắt), vì nghĩa câu đòi phải đọc thế. Dưới đây chỉ dẫn ra những câu dài được ngắt thành từng nhóm, mỗi nhóm 4 chữ, như kiểu câu của “cụ bảng”. Thí dụ :

2 nhóm × 4 chữ : như hào cửu nhị quẻ Càn dẫn trên, hay như : 坤卦 quẻ Khôn : 上六 : 龍戰于野 , 其血玄黃 thượng lục : long chiến vu dã, kì huyết huyền hoàng (hào âm 6 : rồng đánh nhau ở đồng, máu nó đen vàng) ;

3 nhóm × 4 chữ : 師卦 quẻ  : 上六 : 大君有命 , 開國承家 , 小人勿用 thượng lục : đại quân hữu mệnh, khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng (hào âm 6 : kẻ lớn có mệnh, mở nước trị nhà, chớ dùng kẻ tiểu nhân) ; câu cụ bảng hư cấu dẫn ra cũng thuộc kiểu này : 六三 : 含章可貞 , 或從王事 , 无成有終 lục tam : hàm chương khả trinh, hoặc tùng vương sự, vô thành hữu chung (hào âm 3 : ngậm lấy điều hay khá bền, hoặc theo việc vua, [lúc đầu] không xong nhưng được lúc cuối) ;

4 nhóm × 4 chữ : 困卦 quẻ Khốn : 九二 : 困于酒食 , 朱紱方來 , 利用享祀 , 征凶无咎 cửu nhị : khốn vu tửu thực, chu phất phương lai, lị dụng hưởng tự, chinh hung vô cữu (hào dương 2 : khốn về rượu cơm, dây đỏ buộc ấn mới lại, lợi dụng việc hưởng cúng tế, đi thì xấu [mà] không lỗi) ;

5 nhóm × 4 chữ : 泰卦 quẻ Thái : 九三 : 无平不陂 , 无往不復 , 艱貞无咎 , 勿恤其孚 , 于食有福 cửu tam : vô bình bất bí, vô vãng bất phục, gian trinh vô cữu, vật tuất kì phu, vu thực hữu phúc (hào dương 3 : không có cái gì bằng [mãi] chẳng đổ, không có cái gì đi [mãi] chẳng trở lại, khó nhọc [để] ngay thẳng thì không lỗi, chớ lo về điều đã tin hẹn, như thế được hưởng nhờ cái có phúc.

Vậy thì câu cụ bảng dẫn ra chẳng qua chỉ là khi đọc theo âm Nho (nay quen gọi là âm “Hán – Việt”) tình cờ mà “ăn vần” với nhau ; lại nếu kể cả hai chữ 六三 lục tam vào, thì tình cờ đọc lên (theo âm Nho) nghe như một câu lục bát, chứ không phải “đúng là lục bát” như khẳng định của “Đỗ thế sư  !

Xét về văn mạch, ba nhóm “hàm chương khả trinh”, “hoặc tùng vương sự”, “vô thành hữu chung” có thể xem là những nhóm “đồng đẳng”, nhưng không thể coi chúng lại cũng “đồng đẳng” với “lục tam”. Do đó, với các dấu chấm câu hiện nay thì câu đó phải viết là :

“lục tam” rồi đến dấu hai chấm, thậm chí còn có thể xuống hàng mới, kế đến mới viết tiếp “hàm chương khả trinh”, kế là dấu phẩy, kế mới đến “hoặc tùng vương sự”, lại một dấu phẩy nữa, rồi cuối cùng mới là “vô thành hữu chung” (giữa “vô thành”“hữu chung” còn có thể viết thêm một dấu phẩy nữa). Nói thế là vẫn còn chưa kể đến những cách viết có dùng đến các khả năng của thời buổi điện toán hiện nay. Thí dụ câu đó có thể viết như sau :

Lc tam :

Hàm chương khả trinh, hoặc tùng vương sự, vô thành, hữu chung ;

đó là vì “lục tam” chẳng qua cũng như một cái tiêu đề nhỏ, giới thiệu cho biết các chữ kế tiếp là để làm gì, không lẽ nào lại đem tiêu đề ghép chung với các chữ còn lại để làm thành “câu lục bát gốc” cho thể thơ lục bát của ta.

 

2. Câu “truyện” :

Truyện tức là các sách thuộc tứ thư : Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử ; ở đây là câu trích từ sách Trung dung, chương 26. Tuy nhiên “cụ bảng” không dẫn hết câu mà lại ngắt đầu ngắt đuôi. Câu “cụ bảng” dẫn nguyên là câu thứ tư trong đoạn thứ hai của chương 26 này. Dẫn đầy đủ câu thứ tư đó thì phải là :

今夫水 , 一勺之多 , 及其不測 , 黿鼉蛟龍魚鱉生焉 , 貨財殖焉 

kim phù thuỷ, nhất chước chi đa, cập kì bất trắc, ngoan đà giao long ngư miết sinh yên, hoá tài thực yên.

Tạm dịch là : “này sông đây, [tuy] nhiều [chẳng qua] một gáo, [nhưng nói] đến chỗ không lường của nó, thì rùa, cá sấu, giao long, cá, ba ba [đều] sống ở đấy, mà của cải cũng đẻ ra ở đấy”.

Cả đoạn này có tới 4 câu 今夫 kim phù... : 今夫天 kim phù thiên (trời), địa (đất), sơn (núi), thuỷ (sông), tức là trước câu “cụ bảng” dẫn ra, còn có đến 3 câu 今夫 kim phù... nữa mà đây không dẫn thêm. Ngoài chữ kim (ở đầu cả 4 câu) có thể tạm bỏ đi mà không ảnh hưởng lắm đến nghĩa câu, riêng với câu thứ 4, cụ bảng” còn cắt phần đuôi đến 8 chữ “ngư miết sinh yên, hoá tài thực yên”. Nếu có cố tình cắt đi, ít nhất “cụ bảng” cũng phải giữ lại 4 chữ “ngư miết sinh yên”, thì mới thành câu có nghĩa, nếu cả 4 chữ này cũng bị cắt đi nốt, thì câu hoá ra lơ lơ lửng lửng : “này sông đây, [tuy] nhiều [chẳng qua] một gáo, [nhưng nếu nói] đến chỗ không lường của nó, thì rùa, cá sấu, giao long...” [hết câu] ; nghe thế buộc lòng ai cũng phải tự hỏi : “thì, rùa, cá sấu, giao long làm sao ?” Một câu [được trích dẫn] trên không chằng, dưới không rễ như vậy mà lại có thể coi là “khuôn mẫu, gốc gác” cho cả một thể thơ của tiếng ta làm sao được !

 

3. Câu “sử” :

Theo lời “cụ bảng”, câu mà cụ dẫn ra “ở ngay đầu sách” “Tống Cao tôn” trong bộ Tống sử. “Bậc nhớ sách” này đã nhớ sai (thật ra là chính tác giả Ngô Tất Tố của Lều chõng đã nhớ sai). Trong Tống sử, kỉ Cao tông (hay tôn thì cũng thế, là do tị huý tên vua Thiệu Trị là Miên Tông mà đọc trệch đi đó thôi), câu duy nhất có đá đến Sái Xác là : 建炎元年 ... 五月 ... 丙午 ... 追貶蔡確 , 蔡卞 , 邢恕 , 蔡懋官 Kiến Viêm nguyên niên ... Ngũ nguyệt ... Bính Ngọ ... truy biếm Sái Xác, Sái Biện, Hình Thứ, Sái Mậu Cung (Kiến Viêm năm đầu ... tháng Năm ... ngày Bính Ngọ ... truy giáng chức Sái Xác, Sái Biện, v.v... ; 追貶 truy biếm có nghĩa là : 追究前愆而貶官 truy cứu tiền khiên nhi biếm quan = truy xét lại những tội đã phạm trước kia mà giáng chức quan). Ngoài ra, không có câu nào có thể đọc giống như câu “cụ bảng” đã ngân nga : “Đế sĩ Sái Xác hữu công, sử chi tòng tự Triết tông miếu đình...”. Câu có nghĩa tương tự và đọc lên cũng gần giống với câu này trong Tống sử là câu chép trong kỉ Huy tông, nguyên văn : 壬午 , 崇寧元年 , , 正月 ... Nhâm Ngọ, Sùng Ninh nguyên niên, Xuân, Chinh nguyệt ... (năm Nhâm Ngọ, Sùng Ninh thứ nhất, mùa Xuân, tháng Giêng ...) 二月 ... 甲午 ... 以蔡確配享哲宗廟庭 Nhị nguyệt ... Giáp Ngọ ... dĩ Sái Xác phối hưởng Triết tông miếu đình (tháng Hai ... ngày Giáp Ngọ, lấy Sái Xác cho “ăn theo” việc cúng tế trong miếu đình của vua Triết tông).

Khoảng hơn chục dòng sau có chép tiếp : 徽宗不明於是 , 乃信讒語之言 , 遂以蔡確有功 , 使之配享哲宗廟庭 Huy tông bất minh ư thị, nãi tín sàm ngữ chi ngôn, toại dĩ Sái Xác hữu công, sử chi phối hưởng Triết tông miếu đình (Huy tông không tỏ về chuyện ấy [chuyện Sái Xác có tội], tin vào những lời nói sàm, bèn lấy Sái Xác là kẻ có công, khiến cho ông ta được “ăn theo” việc cúng tế trong miếu đình của Triết tông).

 Có thể tham khảo như bộ 新刊憲䑓攷正宋元通鑑全編大全 , 卷之七 Tân san hiến đài khảo chính Tống Nguyên thông giám toàn biên đại toàn, quyển chi thất = quyển 7, do 徐元太 Trần Nguyên Thái, 赫瀛 Hách Doanh, 陳瑫 Trần Thao đồng hiệu chính đời Minh. Bản tương tự in ở Việt Nam : 少微節要 Thiếu Vi tiết yếu, quyển 24, nhan đầy đủ là 新刊補正少微通鑑節要大全卷之二十四 , 宋紀 Tân san bổ chính Thiếu Vi thông giám tiết yếu đại toàn quyển chi nhị thập tứ, Tống kỉ, 錦文堂藏板 Cẩm Văn Đường tàng bản, in năm 1866 (tức năm Tự Đức 19), có thể dễ dàng đọc được tại Dự án số hoá kho tàng thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm Nomfoundation, kí hiệu NLVNPF-1226-22, https://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1204/ (bản lưu tại Thư viện Quốc gia có kí hiệu R.864). Bản này in sai niên hiệu thứ hai của Tống Huy tông từ 崇寧 Sùng Ninh thành 崇慶 Sùng Khánh ; câu 以蔡確配享哲宗廟庭 dĩ Sái Xác phối hưởng Triết tông miếu đình chép ở dòng 3, trang 32b ; câu 遂以蔡確有功 , 使之配享哲宗廟庭 Huy tông bất minh ư thị, nãi tín sàm ngữ chi ngôn, toại dĩ Sái Xác hữu công, sử chi phối hưởng Triết tông miếu đình chép thành 徽宗乃信讒諂之言 , 遂以蔡確有功 , 使之配享哲宗廟庭 Huy tông nãi tín sàm siểm chi ngôn, toại dĩ Sái Xác hữu công, sử chi phối hưởng Triết tông miếu đình, ở dòng 2, 3, t. 33a.

Kể ra câu dẫn ngay trên đây nếu cắt xén thì được : “toại dĩ ... miếu đình”, hoàn toàn tình cờ mà giống với cấu trúc thơ lục bát. Nhưng cái câu có vẻ giống với lục bát đó, thật ra là lặp lại câu “... dĩ Sái Xác phối hưởng Triết tông miếu đình” ở trang trước trong quyển sử. Nếu quả đó là “câu thơ”, thì tại sao trong cả một bộ sử viết lối văn xuôi lại chỉ có mỗi một “câu thơ” lẻ loi một cách vô duyên như vậy ? Chẳng qua khi đọc theo âm Nho, câu chữ trên “có vẻ giống như” một câu lục bát của ta. Nhiều tác giả Việt Nam đã từng viết những bộ sử từ đầu đến cuối hoàn toàn bằng thể thơ lục bát như sẽ được trình bày ở phần dưới đây ; không ai lại đi làm cái chuyện lố bịch là viết chen một câu “gọi là lục bát vớ vẩn nào đó vào trong cả một quyển sách từ đầu đến cuối đều là những câu văn xuôi.

Chỉ vì đọc được một câu “tình cờ” giống với lục bát như thế, mà cho rằng người Việt Nam ta đã học theo đó để rồi sáng tác ra cả một thể thơ, thì thật là điều vô lí không thể tưởng tượng được.

“Đỗ thế sư” chê bai người Việt nói chung là “tự ái rất cao, tìm đủ mọi lý lẽ để chứng minh mình không lệ thuộc Tàu, nhưng cái mà chúng ta hay gọi là “chứng minh” chỉ là những ý kiến hết sức chủ quan, không dựa trên căn bản biện chứng vững chắc”, thế mà chính “Đỗ thế sư” chỉ dựa mỗi lần vào một câu nhặt được không ra đâu vào đâu, mới có tí chút vẻ bên ngoài na ná, chưa hề thẩm định được thật hư vấn đề ra sao, cũng chẳng biết những câu đó nghĩa là gì, mà đã vội phán ngay, nào là “đúng là lục bát”, nào là “rõ ràng là lục bát”, nào là “cũng lại lục bát”, thì việc làm đó chắc là không “hết sức chủ quan”, là “dựa trên căn bản biện chứng vững chắc” đấy nhỉ !

Chưa hết, dường như “Đỗ thế sư” thấy khẳng định của mình về “ý nghĩa vô cùng quan trọng của mấy câu tình cờ” kia, nên không nhịn được, bèn thòng thêm rằng : “Trước khi nền thơ văn của Việt Nam được phát triển (!).

Ngô Tất Tố, tác giả của Lều chõng, đã được Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại nhìn nhận là “một tay nho học chắc chắn”, thế mà chỉ coi câu chuyện “cụ bảng hư cấu” kể cho các môn sinh dẫn ra ở trên là một câu “chuyện phiếm”, và để “cụ bảng” kết chuyện : “Nhưng theo ý ta, thì nói như vậy có lẽ cũng quá khiên cưỡng. Trời đã sinh ra mỗi nước có một thứ tiếng, thì tất nhiên mỗi nước cũng phải có một điệu hát. Nếu bảo điệu hát lục bát gốc ở kinh, truyện và sử, thì sao ở Tầu lại không có cái thể văn ấy ? Tuy vậy, các cụ đời trước nói thế, bây giờ mình cũng hãy hay rằng thế, để rồi kê cứu dần dần...”. Ở đây trái lại, một kẻ hậu sinh căn cứ vào những câu dẫn hết sức vớ vẩn : chỉ ba câu trong đống thư tịch ngồn ngộn của Tầu, một câu thì gượng ép thêm thắt, một câu thì cắt xén trước sau, một câu chỉ là tình cờ mà giống lại trích dẫn sai, mà dám kết luận chắc nịch rằng thì là “Cứ nhận là lục bát gốc ở Tàu, nhưng người Việt chúng ta đã biến nó thành thể thơ riêng, đặc biệt của mình đi”, thì kẻ hậu sinh này đúng là một tay rất “đáng sợ” thật !

 

II. “Yêu vận” là cách gieo vần riêng của thơ Việt, thể thơ lục bát là thể thơ riêng của người Việt

 

1. Thơ Tầu không hề có yêu vận

 

Trong ba quyển “kinh, truyện, sử” nói đến ở phần I, quyển xưa hơn cả là kinh Dịch. Thử khảo sát một quyển khác thuộc hàng kinh điển mà toàn những bài thơ, nghĩa là những bài có điệu, có vần, trong đó có những bài được viết ra sớm nhất kể là cùng thời với kinh Dịch,詩經 kinh Thi. Đây là bộ sách được Khổng tử san định lại (ông không làm ra), gồm hơn 300 bài (có những bài mà thời điểm ra đời cách nhau đến 7 thế kỉ). Một điểm đáng nói nữa là hầu hết các bài trong kinh Thi là những bài thơ mỗi câu có 4 chữ, đại khái như kiểu đặt câu 4 chữ trong kinh Dịch dẫn trên, khác nhau ở chỗ là các câu trong kinh Dịch thì không kể gì vần điệu, còn trong kinh Thi thì các tác giả phải gia công để chọn ra những chữ sao cho “ăn vần” với nhau. Tuy vậy, không hề bài nào có 腰韻 yêu vận (vần thơ gieo ở lưng chừng câu, cũng dịch là vần lưng), mà chỉ toàn là 腳韻 cước vận (vần gieo ở cuối câu, cũng dịch là vần chân), và thường gieo vần cách ở cuối các câu chẵn. Đây chỉ kể vài bài, nếu ai đó cho rằng chưa đủ, có thể tìm đọc toàn bộ (cũng không nhiều lắm đâu !) ; trong thời buổi điện toán hiện nay, việc làm đó rất dễ dàng. Các bài trích trong kinh Thi dưới đây chỉ nhằm chứng tỏ thơ Tầu không có yêu vận, nếu dịch e rằng quá dài.

Một trong những bài thơ của kinh Thi rất nổi tiếng :

Thí dụ 1 :

bài 關雎 Quan thư

關關雎鳩 , 在河之洲 ,

窈窕淑女 , 君子好逑 .

Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu.

Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu.

參差 , 左右流之 ,

窈窕淑女 , 寤寐求之 ;

Sâm si hạnh thái, Tả hữu lưu chi,

Yểu điệu thục nữ, Ngộ mị cầu chi ;

求之不得 , 寤寐思服 ,

悠哉悠哉 , 輾轉反側 .

Cầu chi bất đắc, Ngộ mị tư bặc,

Du tai du tai ! Triển chuyển phản trắc

...

Bài khác cũng kể là quen thuộc :

Thí dụ 2 :

桃夭 Đào yêu

桃之夭夭 , 灼灼其華 ,

之子于歸 , 宜其室家 .

Đào chi yêu yêu, Chước chước kì hoa,

Chi tử vu quy, Nghi kì thất gia.

桃之夭夭 , 有蕡其實 ,

之子于歸 , 宜其家室 .

Đào chi yêu yêu, Hữu phần kì thật,

Chi tử vu quy, Nghi kì gia thất.

桃之夭夭 , 其葉蓁蓁 ,

之子于歸 , 宜其家人 .

Đào chi yêu yêu, Kì diệp trăn trăn,

Chi tử vu quy, Nghi kì gia nhân.

Do ảnh hưởng của kinh Thi, các nhà thơ bên Tầu sau này cũng làm toàn thơ gieo cước vận. Những tác giả “đáng giá” được kể là thuộc đời Đường (có thế câu so sánh thơ của Tùng Thiện vương và Tuy Lí vương nước ta hơn hẳn thơ đời Đường thịnh đạt nhất bên Tầu mới có ý nghĩa). Vậy cũng thử đọc qua vài bài gọi là quen thuộc trong bộ 唐詩三百首 Đường thi tam bách thủ (300 bài thơ đời Đường, không có nghĩa là 300 bài thơ làm theo luật thơ thời đó gọi là 唐律 Đường luật), và tất nhiên, ai cao hứng cứ việc đọc hết mọi bài.

 

a. Dạng Đường Luật :

+ Ngũ ngôn tứ tuyệt

Thí dụ 3 :

靜夜思 Tĩnh dạ tư, của 李白 Lí Bạch

床前明月光 , 疑是地上霜 .

舉頭望明月 , 低頭思故鄉 .

Sàng tiền minh nguyệt quang, Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương.

Thí dụ 4 :

春怨 Xuân oán, của 金昌緒 Kim Xương Tự

打起黃鶯兒 , 莫教枝上啼 .

啼時驚妾夢 , 不得到遼西 .

Đả khỉ hoàng oanh nhi, Mạc giao chi thượng đề.

Đề thì kinh thiếp mộng, Bất đắc đáo Liêu .

+ Thất ngôn tứ tuyệt

Thí dụ 5 :

芙蓉樓送辛漸 Phù Dung lâu tống Tân Tiệm, của 王昌齡 Vương Xương Linh

寒雨連江夜入吳 , 平明送客楚山孤 .

洛陽親友如相問 , 一片冰心在玉壺 .

Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô,

Bình minh tống khách Sở sơn .

Lạc Dương thân hữu như tương vấn,

Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Thí dụ 6 :

涼州詞 , 二首 , 其一 Lương châu từ, nhị thủ (2 bài), kì nhất (bài 1), của 王翰 Vương Hàn

葡萄美酒夜光杯 , 欲飲琵琶馬上催 .

醉臥沙場君莫笑 , 古來征戰幾人回 ?

Bồ đào mĩ tửu dạ quang bôi, Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.

Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ?

+ Ngũ ngôn bát cú :

Thí dụ 7 :

喜見外弟又言別 Hỉ kiến ngoại đệ hựu ngôn biệt, của 李益 Lí Ích

十年離亂後 , 長大一相逢 .

問姓驚初見 , 稱名憶舊容 .

別來滄海事 , 語罷暮天鍾 .

明日巴陵道 , 秋山又幾重 .

Thập niên li loạn hậu, Trưởng đại nhất tương phùng.

Vấn tính kinh sơ kiến, Xưng danh ức cựu dung.

Biệt lai thương hải sự, Ngữ bãi mộ thiên chung.

Minh nhật Ba Lăng đạo, Thu sơn hựu kỉ trùng ?

+ Thất ngôn bát cú :

Thí dụ 8 :

無題 Vô đề, của 李商隱 Lí Thương Ẩn

相見時難別亦難 , 東風無力百花殘 .

春蠶到死絲方盡 , 蠟炬成灰淚始乾 .

曉鏡但愁雲鬢改 , 夜吟應覺月光寒 .

蓬山此去無多路 , 青鳥殷勤為探看 .

Tương kiến thì nan, biệt diệc nan,

Đông phong vô lực bách hoa tàn.

Xuân tàm đáo tử ti phương tận,

Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can.

Hiểu kính đãn sầu vân tấn cải,

Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.

Bồng sơn thử khứ vô đa lộ,

Thanh điểu ân cần vị thám khan.

b. Dạng cổ phong :

+ Ngũ ngôn :

Thí dụ 9 :

夢李白 , 二首 , 其二 Mộng Lí Bạch, nhị thủ (2 bài), kì nhị (bài 2), của 杜甫 Đỗ Phủ (độc vận)

浮雲終日行 , 遊子久不至 .

三夜頻夢君 , 情親見君意 .

告歸常侷促 , 苦道來不易 .

江湖多風波 , 舟楫恐失墜 .

出門搔白首 , 若負平生志 .

冠蓋滿京華 , 斯人獨憔悴 .

孰雲網恢恢 , 將老身反累 .

千秋萬歲名 , 寂寞身後事 .

Phù vân chung nhật hành, Du tử cửu bất chí.

Tam dạ tần mộng quân, Tình thân kiến quân ý.

Cáo quy thường cục xúc, Khổ đạo lai bất dị.

Giang hồ đa phong ba, Chu tiếp khủng thất truỵ.

Xuất môn tao bạch thủ, Nhược phụ bình sinh chí.

Quan cái mãn kinh hoa, Tư nhân độc tiều tuỵ.

Thục vân võng khôi khôi, Tương lão thân phản luỵ.

Thiên thu vạn tuế danh, Tịch mịch thân hậu sị.

+ Thất ngôn :

Thí dụ 10 :

長恨歌 Trường hận ca, của 白居易 Bạch Cư Dị

Ghi chú : bài này quá dài, đây chỉ trích ra một đoạn.

...

翠華搖搖行復止 , 西出都門百餘里 .

六軍不發無奈何 , 宛轉蛾眉馬前死 .

花鈿委地無人收 , 翠翹金雀玉搔頭 .

君王掩面救不得 , 回看血淚相和流 .

黃埃散漫風蕭索 , 雲棧縈紆登劍閣 .

峨嵋山下少人行 , 旌旗無光日色薄 .

蜀江水碧蜀山青 , 聖主朝朝暮暮情 .

行宮見月傷心色 , 夜雨聞鈴腸斷聲 .

...

Thuý hoa dao dao hành phục chỉ,

Tây xuất đô môn bách dư .

Lục quân bất phát vô nại hà,

Uyển chuyển nga mi mã tiền tỉ. (vần 1)

Hoa điền uỷ địa vô nhân thâu,

Thuý kiều kim tước ngọc tao đầu.

Quân vương yếm diện cứu bất đắc,

Hồi khan huyết lệ tương hoà lưu. (vần 2)

Hoàng ai tán mạn phong tiêu tác,

Vân sạn oanh vu đăng Kiếm các.

Nga Mi sơn hạ thiểu nhân hành,

Tinh kì vô quang nhật sắc bạc. (vần 3)

Thục giang thuỷ bích, Thục sơn thanh,

Thánh chúa triêu triêu mộ mộ tình.

Hành cung kiến nguyệt thương tâm sắc,

Dạ vũ văn linh trường đoạn thanh. (vần 4)

...

c. Dạng nhạc phủ :

Thí dụ 11 :

佳人歌 Giai nhân ca, của 李延年 Lí Diên Niên

北方有佳人 , 絕世而獨立 .

一顧傾人城 , 再顧傾人國 .

寧不知傾城與傾國 ,

佳人難再得 .

Bắc phương hữu giai nhân, Tuyệt thế nhi độc lập.

Nhất cố khuynh nhân thành, Tái cố khuynh nhân quốc.

Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc,

Giai nhân nan tái đắc.

Thí dụ 12 :

戰城南 Chiến thành nam, 佚名 dật danh (mất tên tác giả)

戰城南 , 死郭北 ;

野死不葬烏可食 .

Chiến thành nam, Tử quách bắc ;

Dã tử bất táng ô khả thực.

為我謂烏 : 且為客豪 ;

野死諒不葬 , 腐肉安能去子逃 ?

Vi ngã vị ô : Thả vi khách hào ;

Dã tử lượng bất táng, Hủ nhục an năng khứ tử đào ?

水深激激 , 蒲葦冥冥 ;

梟騎戰斗死 , 駑馬徘徊鳴 .

Thuỷ thâm khích khích, Bồ vi mịch mịch ;

Kiêu kị chiến đấu tử, Nô mã bồi hồi mịnh.

梁築室 , 何以南 ? 何以北 ?

禾黍不獲君何食 ?

愿為忠臣安可得 ?

Lương trúc thất, Hà dĩ nam ? Hà dĩ bắc ?

Hoà thử bất hoạch quân hà thực ?

Nguyện vi trung thần an khả đắc ?

思子良臣 , 良臣誠可思 :

朝行出攻 , 暮不夜歸 .

Tư tử lương thần, Lương thần thành khả ti :

Triêu hành xuất công, Mộ bất dạ quy.

Dẫn thế đã khá nhiều. Tuyệt không một bài nào gieo yêu vận.

Các thi gia Việt Nam xưa cũng theo cách làm thơ lối Tầu, và các vị đó xác nhận rõ ràng như thế. Vài thí dụ :

+ dạng cổ phong :

ngũ ngôn :

Thí dụ 13 :

Điền gia lạc, của Bùi Kỉ

Năm ngoái ruộng được mùa,

Nhà ba bốn cót thóc.

Ăn tiêu hãy còn thừa,

Bán cho con đi học.

Năm nay trời hạn hán,

Mười phần thu được ba.

Ăn tiêu đang lo thiếu,

May ra được mùa .

Con học không có tiền,

Cha phải đi vay nợ.

Nhà nghèo con học được,

Còn hơn tiền chôn lỗ.

(trích trong Việt thi của Trần Trọng Kim, 1949, t. 33)

Thí dụ 14 :

Vịnh hai bà Trưng, của Dương Bá Trạc (độc vận)

Nước nhà gặp cơn bĩ,

Trách-nhiệm gái trai chung.

Quyết lo đền nợ nước,

Há những vị thù chồng.

Tham tàn căm tướng chệch,

Tai mắt tủi nòi Hồng.

Em ơi, đứng cùng chị,

Thù riêng mà nghĩa công.

Xin đem phận bồ-liễu,

Đành liều với non sông.

Một trận đuổi Tô Định,

Quân Tàu đuôi chạy cong.

Lĩnh-nam bảy mươi quận,

Mặc sức tay vẫy-vùng.

Mê-linh dựng nghiệp đế,

Độc lập nêu cờ hồng.

Bốn năm nước tự chủ,

Nhi nữ cũng anh-hùng.

(Việt thi, tt. 55, 56)

thất ngôn :

Thí dụ 15 :

Chỗ lội làng Ngang, của Nguyễn Khuyến (độc vận)

Đầu làng Ngang có một chỗ lội,

Có đền ông Cuội cao vòi-vọi.

Đàn bà đến đấy vén quần lên,

Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối.

Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười :

“Cái gì trăng trắng như con cúi ?”

Đàn bà khép nép đứng liền thưa :

“Con trót hớ hênh, ông xá tội.”

“Thôi thôi con có tội chi mà,

Lại đây ông cho giống ông Cuội.”

Từ đấy làng Ngang đẻ ra người,

Đẻ ra rặt những thằng nói dối.

(Việt thi, t. 63)

+ thơ luật :

ngũ ngôn :

Thí dụ 16 :

Khóm gừng tỏi, của Nguyễn Gia Thiều

Lởm chởm vài hàng tỏi,

Lơ thơ mấy khóm gừng.

Vẻ chi là cảnh mọn,

Mà cũng đến tang thương.

thất ngôn :

Thí dụ 17 :

Diễu tri phủ Vĩnh Tường, của Nguyễn Thiện Kế

Thằng cha phủ Vĩnh thế mà thâm,

Nịnh bố cu tây cõng mẹ đầm :

Đôi vú ấp tai, đầu nghển nghển,

Hai tay bưng đít, mặt hầm hầm.

Phen bày cứng cánh nhờ ơn tổ,

Lúc ấy sa chân chết bỏ bầm.

Chẳng kể mề-đay cùng tưởng lục,

Ngửi tay, tủm tỉm miệng cười thầm.

(trích trong Chơi chữ, Lãng Nhân, 1963, t. 81)

+ thậm chí thể phú :

Thí dụ 18 :

Thầy đồ dạy học, khuyết danh

(vần để)   Thời hồ : tiên sinh bệ vệ,

học trò tể tể.

Tiên sinh bỗng cầm kỳ roi, bỗng thét :

Quái hồ : lũ trẻ nó cười gì thế ?

Nhi khúc-khúc nhiên, nhi khích-khích nhiên,

nhất nhược phó tiên sinh ư mặc-kệ.

(vần ra)   Hoc-trò nãi chắp kỳ tay, nãi viết :

Nguyên ngày hôm qua,

thầy đi vắng nhà :

Viên bút nghiên nhi xếp lại

Nãi bàn cờ nhi giở ra.

Có một cô ta,

ngồi lê ngồi la,

vui xem trận nước,

quên để của nhà.

(vần mãnh)  Lũ chúng tôi kiến kỳ :

Pháo chửa long ngòi, sĩ toan hếch cạnh ;

Thao-túng Ngũ-lăng chi mã, ngựa mói trơn lông,

Khi-khu tam-cố chi xa, xe vừa tròn bánh.

Thế mà không cười,

có hoạ là thánh.

(vần ơi)    Tiên-sinh nghe rồi,

nãi quảng kỳ roi,

nãi vỗ kỳ đùi,

nãi viết :

Ối trời ôi, ối đất ôi !

Thế mà hôm qua không có tôi !

(Chơi chữ, t. 261)

Rõ ràng những bài trên đây làm theo lối văn Tầu nên không bài nào có yêu vận.

 

2. Yêu vận là lối gieo vần độc đáo của thơ tiếng ta :

Thể thơ lục bát và song thất lục bát của người Việt Nam, là các thể thơ có 腰韻 yêu vận (còn gọi là vần lưng). Luật Bằng – Trắc trong thơ lục bát Việt Nam có thể tóm tắt như sau :

câu sáu

 

O

B

O

T

O

B

 

câu tám

O

B

O

T

O

B

O

B

(Quy ước :

O : chữ không buộc theo luật ;

B : chữ thanh Bằng theo luật, cũng có khi nhà thơ phá lệ ;

B : chữ hiệp vận thanh Bằng cuối câu, cước vận, không ngoại lệ ;

B : chữ hiệp vận thanh Bằng giữa câu, yêu vận, không ngoại lệ ;

T : chữ thanh Trắc theo luật, cũng có khi nhà thơ phá lệ.)

Theo đó, chữ thứ sáu câu tám phải hiệp vận với chữ thứ sáu của câu sáu ; cùng là chữ thứ sáu, nhưng ở câu sáu là chữ chót, được gieo vần, nên là cước vận, còn trong câu tám là chữ ở lưng chừng, hiệp vận với chữ yêu vận trong câu sáu, nên là chữ cước vận. Ngoài ra, chữ thứ sáu và chữ chót trong cùng một câu tám tuy là những chữ vần Bằng cả, nhưng phải khác nhau về giọng cao thấp : nếu chữ này là phù bình (viết ra chữ Quốc Ngữ không có dấu giọng), thì chữ kia phải là trầm bình (có dấu huyền), và ngược lại. Nếu muốn thêm, thì chữ chót câu tám lại hiệp vận với chữ chót câu sáu tiếp theo.

Thể thơ song thất lục bát :

câu bảy trên

 

O

O

T

O

B

O

T

câu bảy dưới

 

O

O

B

O

T

O

B

câu sáu

 

 

O

B

O

T

O

B

câu tám

O

B

O

T

O

B

O

B

Như vậy, trong thể song thất lục bát, mỗi liên (tức là một khổ thơ gồm 2 câu bảy chữ + câu sáu chữ + câu tám chữ) có một yêu vận Trắc (luôn ở câu bảy dưới, thường là chữ thứ năm như trình bày trong bảng trên) và một yêu vận Bằng (luôn ở câu tám).

Thí dụ 19 : Chinh phụ ngâm diễn ca, được coi là bản dịch của Đoàn Thị Điểm, khổ thơ đầu tiên :

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.

Xanh kia thăm thẳm từng trên,

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?

Khi nhà thơ muốn nối thêm bằng một khổ thơ nữa, thì ngay câu bảy trên của khổ thứ hai sẽ có một yêu vận Bằng, thường là ở chữ thứ năm, để hiệp vận với chữ cuối câu tám ngay trên.

Thí dụ 20 : Chinh phụ ngâm diễn ca, được coi là bản dịch của Đoàn Thị Điểm, khổ thơ thứ hai :

(Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?)

Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt,

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.

Chín lầm gươm báu trao tay,

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

Nhưng nhà thơ cũng có thể cho chữ cuối câu tám của khổ thơ trước hiệp vận với chữ thứ ba câu bảy trên của khổ thơ tiếp theo. Khi đó, chữ thứ ba này sẽ có thanh Bằng (thay vì thanh Trắc), nhưng chữ thứ năm vẫn giữ nguyên thanh Bằng dù không hiệp vận với câu trên.

Thí dụ 21 : Chinh phụ ngâm diễn ca, được coi là bản dịch của Đoàn Thị Điểm, khổ thơ thứ ba :

(Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.)

Nước thanh bình ba trăm năm ,

Áo nhung trao quan từ đây.

Sứ trời sớm giục đường mây,

Phép công là trọng, niềm tây sá nào.

Còn với thơ lục bát, nhà thơ có thể phá lệ ở các chữ thứ hai và thứ tư trong câu sáu (có khi ở cả chữ thứ hai câu tám, nhưng rất ít, ca dao thì có, còn trong truyện Kiều không có trường hợp nào) : chữ thứ hai câu sáu thông thường là thanh Bằng được đổi thành thanh Trắc, chữ thứ tư là thanh Trắc lại đổi thành thanh Bằng ; ở các câu ca dao cũng có gặp. Những trường hợp như thế không phải là phổ biến (nếu là phổ biến, ắt nó đã thành luật thơ rồi).

Nếu phá lệ ở chữ thứ tư câu tám, đáng là Trắc mà đổi thành Bằng, thì chữ thứ tư này phải hiệp vận với chữ chót câu sáu ngay trước, đồng thời cũng phải đổi cả chữ thứ hai và chữ thứ sáu câu tám : đáng là Bằng lại đổi thành Trắc, cuối cùng chữ thứ tư câu tám vẫn phải giữ luật khác giọng với chữ chót câu tám : chữ này là phù bình thì chữ kia là trầm bình và ngược lại. Khi đó người ta gọi là thơ lục bát biến thể.

Thí dụ 22 : phá lệ ở chữ thứ hai câu sáu : truyện Kiều, Nguyễn Du, cc. 83, 84 :

Đau đớn thay phận đàn !

Lời rằng bạc mệnh cũng lời chung.

Thí dụ 23 : phá lệ ở chữ thứ tư câu sáu : truyện Kiều, Nguyễn Du, cc. 393, 394 :

Mặt nhìn mặt càng thêm tươi,

Bên lời vạn phúc, bên lời hàn huyên.

Thí dụ 24 : phá lệ ở cả chữ thứ hai, cả chữ thứ tư câu sáu : truyện Kiều, Nguyễn Du, cc. 487, 488 :

Khi tựa gối, khi cúi đầu,

Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.

Thí dụ 25 : phá lệ ở chữ thứ hai câu tám : ca dao :

Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu,

Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.

hoặc :

Mối tơ chín khúc ruột tằm,

Khi tháng, tháng đợi, khi năm, năm chờ.

Thí dụ 26 : thơ lục bát biến thể : truyện Lí công :

Nguyên nàng số lí nghề nòi, (c. 59)

Dưới đất trên trời, thuộc hết mọi phương.

...

Đầu thời đội nón cỏ may, (c. 63)

Mặt mình gầy, cầm sách giờ lâu.

Như đã nói, những trường hợp phá lệ là rất ít. Trong truyện Kiều có tất cả 3254 câu, tức là 1657 liên, gồm 1657 câu sáu (câu lẻ), và 1657 câu tám (câu chẵn), tác giả truyện Kiều đã dùng :

Chữ thứ hai câu sáu thanh Trắc (thay vì theo đúng luật là thanh Bằng) : 23 trường hợp, ở các câu : 17, 83, 149, 163, 487, 577, 583, 601, (799 : án / yên), 837, 945, 1213, 1233, 1295, 1861, 1915, 2005, 2305, 2667, 2685, 2829, 2841, 3189, 3223 ; tỉ lệ : 1,7% ;

Chữ thứ tư câu sáu thanh Bằng (thay vì theo đúng luật là thanh Trắc) : 10 trường hợp, ở các câu : 393, 487, 1213, 1295, 1297, 1749, 1819, 2291, 3013, 3223 ; tỉ lệ : 0,6%.

Nay thử xem lại ba câu mà “Đỗ thế sư” nhón được của người khác, rồi lần lượt khẳng định chắc như bắp, rằng :

“đúng là lục bát”, trong khi câu này là một câu chắp vá ;

“rõ ràng là lục bát”, trong khi lại là một câu cắt xén ;

cuối cùng câu “cũng lại lục bát”, có xuất xứ không rõ ràng, và chỉ là một câu văn xuôi, tình cờ đọc theo âm Nho có vẻ “giông giống” với thể lục bát chính danh của ta.

Thôi thì hãy rộng lượng với “Đỗ thế sư”, cứ cho rằng ba câu đó là ba “liên lục bát”, thì cả ba câu này, mà theo “Đỗ thế sư” là “nguồn gốc” cho thể thơ lục bát của Việt Nam ta, lại đều là những câu thất luật :

chữ thứ tư câu sáu đáng lẽ phải là chữ thanh Trắc, thì ở câu “lục tam ... đúng là lục bát” lại là một chữ thanh Bằng (chữ chương) ;

chữ thứ hai câu sáu đáng lẽ phải là chữ thanh Bằng, thì ở cả câu “phù thuỷ ... rõ ràng là lục bát” lẫn câu “đế sĩ ... cũng lại lục bát” đều là những chữ thanh Trắc (chữ thuỷ và chữ ; chữ là chữ trong Lều chõng, cũng là chữ “Đỗ thế sư” đã chép lại).

Như đã nói, luật Bằng – Trắc trong thơ lục bát của ta vẫn có châm chước cho các chữ ở hai vị trí nói trên, nhưng đã gọi là châm chước, thì cần hạn chế sử dụng. Nhất là khi muốn trở thành “mẫu mực”, là “nguồn gốc” cho cả một thể thơ, mà các lĩnh vực dùng đến thể thơ ấy hết sức rộng rãi, số lượng thì rất nhiều, như sẽ đề cập sau đây, thì cái “mẫu mực” ấy, cái “nguồn gốc” ấy cần phải hoàn chỉnh 100%. Ở đây trái lại, thất luật đủ cả 3 / 3 trường hợp, tức là tỉ lệ sai lên đến 100%, thì làm “mẫu mực” thế nào được !

Trong thơ Nôm ở nước ta, những truyện viết theo thể lục bát ai cũng biết có thể kể như : Kiều (Nguyễn Du), Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự), Thạch Sanh Lí Thông (khuyết danh), Song Tinh Bất Dạ (Nguyễn Hữu Hào), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), Bích Câu kì ngộ (khuyết danh)... Bên cạnh đó còn có những tác phẩm viết theo thể song thất lục bát, cũng gọi là thể ngâm : Ai tư vãn (được kể là của Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Chinh phụ ngâm khúc (nhiều bản dịch của nhiều dịch giả khác nhau từ bản Chinh phụ ngâm chữ Nho của Đặng Trần Côn)... Tất cả những tác phẩm kể trên không chỉ có mỗi một một liên “giống với” lục bát theo kiểu câu trong Tống sử, mà có cả hàng trăm, thậm chí hàng ngàn liên lục bát chính danh.

Trong dân gian cũng đầy những bài dân ca, kể phải đến hàng ngàn bài lục bát. Lại không chỉ lục bát hay song thất lục bát, ca dao của ta còn có các bài mà số chữ trong mỗi câu rất ngắn, cho đến những bài có số chữ mỗi câu rất dài, nhưng các bài có yêu vận vẫn cứ chiếm đa số, trái hẳn với thơ Tầu đến một bài có yêu vận cũng không. Chẳng những thế, thi ca dân gian ta còn có những câu rất ngắn gọi là tục ngữ, mà vẫn cứ có yêu vận, cả yêu vận Bằng, cả yêu vận Trắc. Dưới đây xin dẫn một ít (ít thôi, trong phạm vi bài viết này không thể dẫn ra cho khắp).

a. Yêu vận trong các câu tục ngữ của ta :

Thí dụ 27 : các câu 4 chữ :

Hết khôn dồn dại

Cả cây nây buồng

Khôn sống bống chết

Bớt bát mát mặt

Tham thực cực thân

...

Thí dụ 28 : các câu 5 chữ :

Đồng tiền liền khúc ruột

Đông tay hơn hay làm

Hết nạc vạc đến xương

Cõng rắn cắn gà nhà

...

Thí dụ 29 : các câu 6 chữ :

Tiếng chào cao hơn mâm cỗ

Khó giữ đầu, giàu giữ của

Nọc người bằng mười nọc rắn

Ăn một miếng, tiếng để đời

Vênh váo như gáo múc dầu

thực mới vực được đạo

...

Thí dụ 30 : các câu 7 chữ :

Làm trai cứ nước hai mà nói

Bói ra ma, quét nhà ra rác

Giàu làm chị, khó luỵ làm em

Vợ dại không hại bằng đũa vênh

...

Thí dụ 31 : các câu 8 chữ :

Bảy mươi chưa què chớ khoe rằng tốt

Có thờ có thiêng, có kiêng có lành

Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau

Gửi lời thì nói, gửi gói thì mở

...

Thí dụ 32 : các câu từ 9 chữ trở lên :

Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh

Bà chúa đứt tay bằng ăn mày xổ ruột

Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng

Ỉa đồng một bãi, bằng vạn đại quận công

Gần sông quen với , gần rừng không lạ với chim

...

Thí dụ 33 : các câu tục ngữ sau đây hiệp vận giữa một tiếng láy với một tiếng khác nữa trong câu :

như bắt tép

Láo nháo như cháo với cơm

Thin thít như thịt nấu đông

xởi lởi thì trời gởi cho,

xo lo thì trời lại

Những tiếng láy trong tiếng ta có rất nhiều, ở đây chỉ dẫn ra một ít thí dụ về tiếng láy vần :

Thí dụ 34 : láy tiếng :

oa oa, oe oe, ngà ngà, rề rề, bo bo, tồ tồ, nhờ nhờ, trơ trơ, hau hau, làu làu, phau phau, nhâu nhâu, hiu hiu, riu riu, thiu thiu, nhăm nhăm, thàm thàm, hòm hòm, sòn sòn, nhơn nhơn, rần rần, khăng khăng, mành mành, đùng đùng, bừng bừng, bo bo thắt thắt, trân trân lồi lồi...

Thí dụ 35 : láy vần, không đổi thanh, vần Bằng :

la đà, ê hề, co ro, thò lò, lao xao, đìu hiu, lêu bêu, bùi ngùi, lim dim, kèm nhèm, tùm lum, lầm rầm, lơn tơn, làng nhàng, lăng nhăng...

Thí dụ 36 : láy vần, không đổi thanh, vần Trắc :

lã chã, lả tả, lẻ tẻ, khệ nệ, lí nhí, tiu nghỉu, lỗ chỗ, xớ rớ, lụ khụ, lúi húi, lóp ngóp, lộm cộm, bịn rịn, lẹt đẹt, lướt thướt, lật đật, ùn ùn, chộn rộn, lúc nhúc...

Thí dụ 37 : láy vần, có đổi thanh Bằng – Trắc, nhưng tính chất của vần không đổi (toàn bộ là các tiếng “trong”) :

ư ử, eo éo, im ỉm, the thé, choe choé, nhu nhú, sù sụ, lia lịa, nháo nhào, thui thủi, trùi trũi, vời vợi, rười rượi, đau đáu, thoai thoải, hây hẩy, mơn mởn, mang máng, đằng đẵng, lanh lảnh, nhinh nhỉnh...

Thí dụ 38 : láy vần, đổi thanh Bằng – Trắc và đổi cả tính chất của vần (vần “đục” “trong”) :

ăm ắp (do ắp ắp ăm ắp), hầm hập (hập hập), bôm bốp (bốp bốp), hùm hụp (hụp hụp), nườm nượp (nượp nượp), đen đét (đét đét), thin thít (thít thít), biền biệt (biệt biệt), hun hút (hút hút), vun vút (vút vút), vùn vụt (vụt vụt), nhung nhúc (nhung nhúc), òng ọc (ọc ọc), thình thịch (thịch thịch), huỳnh huỵch (huỵch huỵch), nằng nặc (nặc nặc), vằng vặc (vặc vặc)...

Đây là một điểm rất riêng của tiếng Việt, và biết đâu đặc điểm này có thể là một trong những yếu tố dẫn đến yêu vận trong thơ tiếng Việt chăng.

 

Trở lại với các câu tục ngữyêu vận.

Thí dụ 39 : các câu sau đây chỉ có 4 chữ và có yêu vận, sau được “nối dài” thêm bằng 4 chữ nữa, lại có yêu vận thêm lần thứ hai : chữ yêu vận này hiệp vận với chữ chót của câu ban đầu, thành ra trong một câu ngắn đã có hai cặp chữ hiệp vần với nhau :

Tay làm hàm nhai Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ

Ăn hơn hờn thiệt Ăn hơn hờn thiệt, đánh tiệt cất đi

Những câu như thế, trong chừng mực nào đó, có thể so sánh với những bài ca dao mỗi câu 4 chữ trong các thí dụ dưới đây.

 

b. Yêu vận trong ca dao :

Những bài ca dao mỗi câu 4 chữ như kiểu các bài trong kinh Thi hay các câu hào từ trong kinh Dịch.

Thí dụ 40 :

Chu chi chu chít,

Bán mít chợ đông,

Bán hồng chợ tây,

Bán mây chợ huyện,

Bán kiến chợ đào,

Bắt được anh nào,

Thì xào anh nấy.

Thí dụ 41 :

Chi chi chành chành,

Cái đanh thổi lửa,

Con ngựa chết chương,

Tam vương ngũ đế,

Ngấp nghé đi tìm,

Ú tim ù ập.

Thí dụ 42 :

Nu na nu nống,

Cái bống nằm trong,

Con ong nằm ngoài,

Nồi khoaihụ,

Nhà mụ thổi xôi,

Nhà tôi nấu chè,

Đè he bống rụt.

Những bài trên đây tuy gọi là đồng dao, là những bài hát cho trẻ em hát chơi (có thể chỉ hát mà cũng có thể vừa hát vừa chơi), nhưng vần điệu nhịp nhàng, lại xen kẽ vần Bằng / vần Trắc, thành âm điệu du dương, trẻ em thật dễ thuộc, chính là nhờ các yêu vận.

Đến những bài khác, mà có thể bắt lại từ đầu, đọc mãi đến... vô tận :

Thí dụ 43 :

Chè la chè lẩy,

Con gái bảy nghề :

Ngồi một,

Dựa cộthai,

Ăn khoaiba,

Ăn quàbốn,

Trốn việc là năm,

Hay nằmsáu,

Láu táubảy.

Thí dụ 44 :

Thè lè lưỡi trai,

Chẳng ai thì nó.

Khum khum gọng ,

Chẳng thì ai.

Thí dụ 45 : Bài sau đây không gieo yêu vận trong cả bài, nhưng thỉnh thoảng vẫn có (còn cước vận thì không phải bàn : rất hoàn chỉnh) :

Con công hay múa,

múa làm sao ?

Nó rụt cổ vào,

Nó xòe cánh ra.

Nó đỗ cành đa,

Nó kêu ríu rít.

Nó đỗ cành mít,

Nó kêu vịt chè.

Nó đỗ cành tre,

Nó kêu muống.

Nó đỗ dưới ruộng,

Nó kêu tầm vông.

Con công hay múa ...

...

Những bài có số chữ trong câu nhiều hơn (nhưng vẫn giữ nguyên số chữ mỗi câu y như thế trong toàn bài) :

Thí dụ 46, cũng là một bài hát bất tận :

Lúa ngô là cô đậu nành ;

Đậu nành là anh dưa chuột ;

Dưa chuột là ruột dưa gang ;

Dưa gang là nàng dưa hấu ;

Dưa hấu là cậu lúa ngô ;

Lúa ngô là đậu nành...

Qua những bài mà số chữ trong câu đã bắt đầu thay đổi :

Thí dụ 47 :

Người đẹp như tiên,

Tắm nước Đồng Triền cũng xấu như ma.

Người xấu như ma,

Tắm nước Đồng Trà cũng đẹp như tiên.

Thí dụ 48 :

Chồng lộng, chồng ,

Mày xoà hoa khế,

Khế ngọt khế chua,

Cột đình cột chùa,

Nhà vua mới làm,

Cây cam cây quýt,

Cây mít cây hồng,

Cành thông lá nhãn,

Ai có chân, ai có tay thì rụt.

Thí dụ 49 :

Cái ngủ mày ngủ cho lâu,

Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.

Bắt được con trắm con trê,

Buộc cổ lôi về cho cái ngủ ăn.

Cái ngủ ăn chẳng hết

Để dành đến tết mồng ba.

Mèo già ăn trộm,

Mèo ốm phải đòn,

Mèo con phải vạ,

Con quạ đứt đuôi,

Con ruồi đứt cánh,

Đòn gánhmấu,

Củ ấusừng,

Bánh chưng,

Con vây,

Ông thầysách,

Đào ngạchdao,

Thợ ràobúa,

Xay lúagiằng,

Việc làng,

Cắt cỏliềm,

Câu liêmlưỡi,

Cây bưởihoa,

Cây trái,

Con gáichồng,

Đàn ôngvợ,

Kẻ chợvua,

Trên chùabụt,

Cái bútngòi,

Con voi có quản.

Thí dụ 50 :

Mẹ già như chuối chín cây,

Sao đấy chẳng liệu cho đây liệu cùng ?

Khế với sung, khế chua sung chát ;

Mật với gừng, mật ngọt gừng cay.

Đấy với đây chẳng duyên thì nợ,

Đây với đấy chẳng vợ thì chồng ;

Dây tơ hồng chửa xe đã mắc,

Rượu quỳnh tương chửa nhắp đã say.

Thí dụ 51 :

Trời mưa thì mặc trời mưa,

Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi,

Chồng tôi đi chơi đã có nón đội,

Chồng tôi đi hội đã có dù che.

Thí dụ 52 : Bài sau đây vốn là một bài lục bát rất hoàn chỉnh :

Ngày đi trúc chửa mọc măng,

Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre.

Ngày đi lúa chửa chia ,

Ngày về lúa đã đỏ hoe ngoài đồng.

Ngày đi em chửa có chồng,

Ngày về em đã con bồng, con mang.

Nhưng đã được biến cách ở câu bát cuối cùng : thêm vào đến 4 chữ :

Ngày đi trúc chửa mọc măng,

Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre.

Ngày đi lúa chửa chia ,

Ngày về lúa đã đỏ hoe ngoài đồng.

Ngày đi em chửa có chồng,

Ngày về em đã con quấn, con quýt, con bồng, con mang.

Nhưng đọc lên vẫn nhịp nhàng, chẳng một tí gì trúc trắc.

 

c. Yêu vận trong các bài hát : hát xẩm, hát nói :

Biến cách ở thí dụ 52 trên có lẽ là khởi đầu cho thể hát xẩm, mà Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có thể xem là tác giả “chuyên trị” :

Thí dụ 53 :

Con chim khôn (Điệu hát sẩm, Tản Đà, dẫn đúng chữ viết của tác giả)

Con chim khôn đậu trái non Đoài,

Tiếng kêu réo rắt gọi người bắc nam.

Năm canh dài ngủ mãi còn tham !

Trời đông đã sáng đi làm kẻo trưa.

Giấc mơ mòng ai tỉnh hay chưa ?

Các cô con gái cũng say sưa cái nỗi gì ?

Thôi xin đừng gương lược làm chi,

Chồng thì chưa có, ruộng thì bỏ hoang.

Hỡi ai con gái trong làng !

Thí dụ 54 :

Sẩm chợ 1, Tản Đà (dẫn đúng chữ viết của tác giả)

Chúng anh xưa chẳng biết ở nơi nào,

Ông giời sô đẩy anh mới phải sinh vào cái chốn nhân gian.

Thẹn vì tình mà ngơ mắt với giang san,

Công danh chẳng có cũng sẩm xoan cho nó hào.

Bấy lâu nay anh nghe tiếng má đào,

Mà thề có thấy một cái cô nào anh cũng đui.

Nói đây cho chúng chị em cười,

Anh đây nào phải cái con người thong manh.

Yêu nhau ta chẳng liếc cũng tình.

Thí dụ 55 :

Sẩm nhà trò 2, Tản Đà (dẫn đúng chữ viết của tác giả)

Học thì trò,

Chúng anh xưa cũng kiếp học trò,

Bây giờ dốt nát anh mới nằm co trong cái chỗ xó rừng.

Văn không hay chẳng đỗ thời đừng,

Gió mưa mà khỏi chết nửa mừng anh lại nửa thương.

Cái nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường,

Bảng vàng, mũ bạc thôi anh nhường mặc ai.

Muốn lên bà mà khó lắm em ơi !

(Ba bài ở các thí dụ 53, 54, 55 trên đây trích từ Khối tình con, quyển thứ nhất, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)

Thí dụ 56 :

Câu hát đường trường (Lời người gánh ở bìa sau An Nam tạp chí), Tản Đà

Gánh nặng em ơi, đường trường,

Cái thân anh bây giờ gánh nặng, em ơi, đường trường,

Lòng anh như sắt mà cái tấm gan vàng em có thương nhau.

Cái mặt giời tây, em ơi, gay gắt ở trên đầu,

Dưới chân anh bóng xế, anh lại sầu cái nỗi cỏ may.

Anh trông chung quanh, em ơi, thời những đá cùng cây,

Non xanh nước biếc, suốt một ngày anh chẳng có gặp ai.

Anh nhớ tới em, em ơi, giọt lệ anh vắn dài,

Anh thương em tài sắc mà cái thân đời em chẳng có ra chi !

Bởi vì em mà anh phải ra đi,

Trèo non rồi lặn suối, anh chẳng có quản cái tấm thân,

Anh nghĩ cho đường xa, em ơi, đi mãi cũng gần,

Có công anh mài sắt thời có lần nó cũng nên kim.

Có thương nhau thời em quẩy gánh em đi tìm.

(Đông Pháp thời báo số 641, 1927)

Những bài trong các thí dụ từ 53 đến 56 đều có yêu vận (cả cước vận) luôn là vần Bằng. Còn như thể thơ Việt Nam có yêu vận là vần Trắc, thỉ phải kể đến thể Hát nói, còn gọi là Hát ả đào. Các thi sĩ có tiếng về thể này có thể kể như Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu...

Thí dụ 57 :

Lớn đầu to cái dại, Nguyễn Văn Giai

Chẳng dại nào là không dại,

Cái dại này nghĩ đến dái nghìn năm.

Trót dại rồi nên phải ngậm tăm,

Đã mang tiếng dẫu căm thì cũng dại.

Không có lẽ dại đâu dại mãi,

Đem dại mà đổi cái khôn kia.

Thôi thôi đừng tuyết nguyệt phong huê,

Kẻo mang tiếng nam nhi nhiều cái dại.

Lấy nhân nghĩa gieo tình trong tứ hải,

Không ai là chưa dại đã khôn.

Chỉ vì ta đông tẩu tây bôn,

Cho đến nỗi hết khôn dồn dại.

Thế mới biết lớn đầu to cái dại,

Ghi mấy lời để lại cho nhau :

Cũng là dại trước khôn sau.

Bài này đặc biệt ở điểm : mọi câu hiệp vần Trắc với nhau đều thuộc vần dại, và trong ba tiếng Trắc hiệp vần với nhau đó thì dại đều xuất hiện một lần, lại ba cước vận Trắc ở ba khổ đầu cũng là dại.

Thí dụ 58 :

Vô đề, Huấn đạo An Phong

Huyện An Phong có chàng huấn đạo,

Ngồi một mình Huấn đạo mạo lên râu.

Lối văn chương chấp chểnh giọng Tầu,

Nghề đối đá giở một vài câu đề vịnh.

Đối rằng :

Hoàng triều Tự Đức quân vương thánh,

Từ phủ An Phong huấn đạo thần.

Huấn viết rồi Huấn đọc vân vân,

Hỏi Huấn cái rằng hay chăng tá ?

Huấn cái vỗ đùi khen tuyệt quá,

Đối đá này ai hoạ cho ra ?

Có chăng Huấn đực nhà ta !

Trong một bài hát nói không phá cách thường có một cặp câu đối nhau ở các câu 5 và 6, và thường là hai câu chữ Nho. Tuy nhiên các tác giả Việt Nam đã từng làm những bài hát nói hoàn toàn bằng chữ Nho. Dưới đây là một bài hát nói như thế, trích trong Việt Nam ca trù biên khảo, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Saigon, 1962. Theo các tác giả, Nguyễn Hữu Ninh, hành tẩu bộ Lễ đời Khải Định, có sao lại quyển sách thuật về gốc tích các lối hát cổ ở nước ta của Nguyễn Xuân Lan, cháu của cụ Nguyễn Công Trứ, dâng lên Khải Định ngự lãm năm 1924, khi ông Lan đưa ban tuồng của ông vào Huế hát mừng vua dịp đại khánh tứ tuần. Trong quyển sách của ông Lan có chép sự tích cụ tổ lối hát cô đầu. Sự tích đó như sau : vào đời Lê, có Đinh Lễ, tự Nguyên Sinh, quê làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, tuy thuộc dòng thế gia, nhưng tính phóng khoáng, chí thích đàn hát. Một ngày nọ, họ Đinh được hai vị tiên là Lí Thiết Quài và Lã Động Tân tặng cho khúc gỗ và một bức vẽ chỉ dẫn việc đóng một thứ đàn, với đầy đủ kích thước mẫu mực. Họ Đinh theo đó nhờ thợ khéo đóng thành cây đàn, gẩy lên khiến người nghe khoan khoái, quên hết lo buồn, ai có bệnh cũng có thể khỏi. Nhờ thế, Đinh chữa được bệnh câm cho con gái quan châu họ Bạch ở Thường Xuân, Thanh Hoá, nên nhà quan gả nàng cho họ Đinh. Đêm động phòng, Đinh làm bài hát nói như sau :

Thí dụ 59 :

Vô đề

洞房花爥夜 ,

伉儷慶奇緣 .

春風迢遞協琴弦 ,

是劉阮天台前日事 .

月下牛郎攜織女 ,

霜中裴子會雲英 .

世其昌莫與之京 ,

續鸞鳳和鳴之艷曲 .

祇此夤緣琴一軸 ,

却教塵俗配仙娥 :

百年丁白一家 .

Động phòng hoa chúc dạ,

Kháng lệ khánh kì duyên.

Xuân phong thiều đệ hiệp cầm huyền,

Thị Lưu Nguyễn Thiên Thai tiền nhật sự.

Nguyệt hạ Ngưu lang huề Chức nữ,

Sương trung Bùi tử hội Vân Anh.

Thế kì xương mạc dữ chi kinh,

Tục loan phụng hoà minh chi diễm khúc.

Chỉ thử di duyên cầm nhất trục,

Khước giao trần tục phối tiên nga :

Bách niên Đinh Bạch nhất gia.

Bài này có người dịch ra Quốc âm :

Chốn động phòng đuốc hoa đêm tỏ,

Mừng lứa đôi gặp gỡ lạ lùng.

Trước gió xuân dìu dặt tiếng tơ đồng,

Ấy Lưu Nguyễn xưa cùng duyên bạn lứa.

Dưới nguyệt Ngưu lang hoà Chức nữ,

Trong sương Bùi tử gặp Vân Anh.

Đời đời sau hưng thịnh nức danh,

Khúc loan phụng hoà minh truyền mãi mãi.

Vì một khúc đàn thành đạo ngãi,

Xui nên khách tục sánh người tiên :

Trăm năm Đinh Bạch bén duyên.

Có thể chưa hẳn bài hát nói ở thí dụ 59 do Đinh Lễ làm, mà là do một nhà Nho nào đó sau này đặt ra. Nhưng dù thế đi nữa, vẫn chắc chắn rằng nhà Nho ấy là người Việt, đặt thơ theo lối Việt hoàn toàn bằng chữ Nho, nên bài hát nói trên cũng có yêu vận như những bài hát Nôm. Bài dịch vừa khéo vừa hay, lại vẫn giữ nguyên thể của nguyên tác là hát nói.

Yêu vận trong ca dao nước ta đã thấm vào tâm hồn người Việt, vì nó là nét độc đáo của tiếng Việt. Sau này, khoảng đầu thế kỉ XX, các thi sĩ gọi là “lớp mới” ở nước ta, chịu ảnh hưởng Tây học, cảm thấy các loại thơ theo luật Đường do người Tầu đặt ra là thứ thơ quá gò bó, cầu kì, chặt chẽ (như về số chữ, số câu, niêm, luật...), làm giảm hứng thú trong sáng tác, nên phỏng theo thơ Tây phương, viết ra những bài gọi là “thơ mới”. Thế nhưng trong những bài “thơ mới” đó, vẫn thấy bóng dáng của cách gieo vần từng có trong ca dao Việt Nam. Dưới đây chỉ xin dẫn một phần trong một bài “thơ mới” có yêu vận để gọi là minh hoạ cho nhận xét này.

Thí dụ 60 :

Lời kỹ nữ, Xuân Diệu (chép đúng chữ của tác giả)

...

Tay ái ân du khách hãy làm rèm,

Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng.

Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,

Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành,

Vì hồn em không được quấn chân anh,

Tóc không phải những dây tình vướng víu.

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,

Trời đầy sương lạnh lẽo buốt xương da.

Người giai nhân : bến đợi dưới cây già,

Thuyền du khách đi qua không buộc chặt.

Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt,

Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.

Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,

Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.

...

Cũng có thể nói chữ dùng của tác giả là “tình cờ”. Nhưng nếu tâm hồn không thấm đượm lời ca dao quê hương cho dù là mộc mạc, thì tứ thơ không thể “tình cờ” nảy lên trong trí nhà thơ những tiếng có âm điệu gắn bó với nhau như vậy, khiến cả bài thơ lưu loát, không một chữ hiệp vận nào gượng ép.

 

3. Thơ lục bát là thể thơ riêng của người Việt :

Nói về yêu vận như thế cũng khá đủ, nay quay lại với khẳng định về nguồn gốc thơ lục bát.

Với đặc điểm của tiếng ta, chắc chắn dân tộc ta đã từng sáng tác ra thể thơ gọi là thể lục bát, có mấy điều rất độc đáo :

yêu vận ;

các chữ hiệp vận với nhau dù là cước vận hay yêu vận đều là vần Bằng ;

câu ngắn sáu chữ luân phiên đổi với câu dài tám chữ ;

câu đầu tiên luôn là câu sáu chữ, nhưng câu cuối cùng có thể là câu tám chữ, hoặc là câu sáu chữ.

Những điều này khiến một bài thơ lục bát có thể dài ngắn bao nhiêu tuỳ ý, mang âm điệu êm đềm nhưng không kém du dương, dễ thuộc, có thể ngâm nga trong mọi hoàn cảnh, mà chắc chắn các thể thơ Tầu không sao có được. Vì thế, trong kho tàng ca dao của người Việt, thể thơ chiếm đa số tuyệt đối vẫn cứ là thể thơ lục bát, mà các tác phẩm Nôm dài viết bằng thể lục bát cũng vẫn nhiều hơn. Thậm chí người ta còn dùng thể lục bát để viết những bài văn không có tính “thơ” để phổ thông hoá những kiến thức chuyên biệt nào đó, nhằm giúp người đọc (/ học) có thể dễ dàng ghi nhớ. Ở đây không thể kể ra hết các thứ sách vở đó, chỉ xin dẫn một số rất ít trong kho tàng cổ điển cha ông để lại, như :

 

a. Sách sử địa :

Rất nhiều sách sử địa được các tác giả Việt Nam viết toàn bộ bằng thể thơ lục bát (chứ không phải bằng văn xuôi rồi bỗng tình cờ lọt vào một câu “gọi là lục bát”), trong đó phải kể đến bộ sử đồ sộ có tên là Thiên Nam ngữ lục, dài đến 8.136 câu, được viết vào khoảng cuối thế kỉ XVII, đã “chứng tỏ khả năng và sự trưởng thành vượt bậc của thể thơ lục bát” (theo Tìm hiểu các văn bản lục bát và song thất lục bát chữ Hán trong kho sách của viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Thị Lâm). Dưới đây chỉ xin dẫn ra một ít câu trong một ít quyển.

Thiên Nam ngữ lục, khuyết danh :

Thí dụ 61 :

Trải xem sự kỉ nước Nam,

Kính vâng tay mới chép làm nôm na.

Nhớ từ thái cực sinh ra,

Trên trời, dưới đất, giữa hoà dân gian.

Cõi xa ngoài Ngũ Lĩnh sơn,

Hiệu Xích Quỷ quốc, tuyệt ngàn bắc sơn.

Khí thiêng tạo hoá có thường,

Sơn xuyên hiểm trở, phong cương khoẻ bền...

Đại Nam Quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái :

Thí dụ 62 :

...

Sáu đời Hùng vận vừa suy,

Vũ Ninh có giặc phải đi cầu tài.

Làng Phù Đổng có một người,

Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ.

Những ngờ oan trái bao giờ,

Nào hay thần tướng đợi chờ phong vân...

...

Nam Việt địa đồ Quốc âm ca :

Thí dụ 63 :

Năm châu quanh mặt địa cầu,

Á châu thứ nhất, Mĩ châu thứ nhì,

Châu Âu, châu Úc, châu Phi,

Mỗi châu mỗi giống, sắc chia rành rành.

Giống vàng, giống trắng tinh anh,

Giống đen, giống đỏ, giống xanh đớn hèn.

Trên đời là cuộc đua chen,

Giống tinh thời sống, giống hèn thời sa.

Lạc Hồng là tổ nước ta,

Từ xưa non nước gọi là Đại Nam...

Ngũ chương địa lí, chép trong Dương công gia phả :

Thí dụ 64 :

Ngày rồi dật sĩ làm ca,

Lấy ra sáu nghệ để hoà dạy con.

Một là Nho đạo cả môn,

Phù vua, vực nước, ghi son rành rành.

Hai là tướng địa cho tinh,

Y quan chủng nhiếp, hiển vinh đời đời.

Ba là y dược thượng tài,

Hộ mình lại cứu được người bốn phương.

Khuyên con học lấy đạo thường,

Thứ tư : nông sự, công thương cho cần...

 

b. Sách học, như :

Tam tự kinh lục bát diễn âm, Đông Thanh thị :

Thí dụ 65 :

Kinh ba chữ, nghĩa rõ ràng,

Dạy cho con trẻ dễ phương học hành.

Thuỷ chung hai chữ tính lành,

Là lời hiền truyện thánh kinh dạy hoài.

Đường đi nam bắc chia hai,

Chia người khôn dại, chia đời thịnh suy.

Sách Vương Bá Hậu còn ghi,

Ca làm Quốc ngữ để suy nghĩ cùng ...

Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, khuyết danh :

Thí dụ 66 :

Tỉnh mạc : nắp giếng tày nong,

Kẻ xưa thu cất để phòng mở che.

Thanh thuỷ : là nước trong ve.

Trọc thuỷ : nước đục chăng hề uống ăn.

Lạo thuỷ : mưa lụt tràn sân.

Hồng thuỷ : nước thác khôn ngăn nước ngàn...

Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca :

Thí dụ 67 :

Thiên : trời ; địa : đất ; vị : ngôi ;

Phúc : che ; tái : chở ; lưu : trôi ; mãn : đầy ;

Cao : cao ; bác : rộng ; hậu : dày ;

Thần : mai ; mộ : tối ; chuyển : xây ; di : dời ...

Ngũ thiên tự, khuyết danh :

Thí dụ 68 :

Tuân : tin ; tĩnh : lặng ; náo : ồn ;

Dương : dày ; : nhiệm ; : khôn ; triệu : vời ;

Sài : loài ; kháng lệ : lứa đôi ;

Bội : đeo ; quai : giắt ; mạt : bôi ; miêu : vờn ...

Nhất thiên tự, khuyết danh :

Thí dụ 69 :

Thiên : trời ; địa : đất ; vân : mây ;

: mưa ; phong : gió ; trú : ngày ; dạ : đêm ;

Tinh : sao ; lộ : móc ; tường : điềm ;

Hưu : lành ; khánh : phúc ; tăng : thêm ; đa : nhiều ...

...

c. Sách thuốc :

Hồng nghĩa giác tư y thư, Tuệ Tĩnh :

Thí dụ 70 :

...

Tì hư, bĩ mãn, tâm hung,

Đau bụng, thuỷ tả, trong lòng khát thay :

Xích linh, bạch truật, quế dầy,

Trư linh, trạch tả, hạt cây mã đề,

Hạt ấy bóc vỏ, rang đi,

Xích linh cùng quế khử bì cho xong.

Các vị mỗi vị ba đồng,

Kiện tì, chỉ tả, nên công chẳng chầy ...

Ngư tiều vấn đáp y thuật, Nguyễn Đình Chiểu :

Thí dụ 71 :

...

Thiếu âm kinh thủ phải rồi,

Hiệp cùng ngoại phủ, rằng ngôi tiểu trường.

Tì tạng thuộc thổ, sắc vàng,

Vượng theo bốn quý đều tàng ý vui.

Miệng chừng, nước dãi, ngọt mùi,

Tiếng ca, mạch huỡn, hay nuôi thịt hình.

Thái âm kinh túc đã đành,

Hiệp cùng phụ vị, ngôi giành trung châu...

...

d. Sách tôn giáo :

Tam bảo Quốc âm :

Thí dụ 72 :

...

Phận đàn bà, đạo đàn bà,

Nết nhà phải giữ, đức nhà phải vâng.

Dòng sông thuyền bách lưng chừng,

Chữ trinh vững lái đèo bòng làm chi...

Phép ngắm Rô-sa :

Thí dụ 73 :

...

Chúa Cha ngự trị trên trời,

Chúa Con chuộc tội cứu loài người ta.

Thánh Thần Thiên Chúa Ngôi Ba,

Thiêng liêng sáng láng thật thà khoan thay.

Ba Ngôi cùng một Chúa Trời,

Xin thương phù hộ chúng tôi mọi đàng.

Ma-ri-a Thánh Nữ Vương,

Trước tòa xin rủ lòng thương thay lời ...

...

Đấy là thơ lục bát “có bài bản”. Còn trong dân gian, thì không biết kể sao cho hết. Đây dẫn thêm vài bài ca dao lục bát chỉ có 4 câu, mà có thể đọc mãi không hết.

Thí dụ 74 :

Chị em đi chợ đàng trong,

Mua em cây mía vừa cong vừa dài.

Chị em đi chợ đàng ngoài,

Mua em cây mía vừa dài vừa cong... (đọc lại từ đầu)

Thí dụ 75 :

Ba bà đi bán lợn con,

Bán đi chẳng được, lon ton chạy về.

Ba bà đi bán lợn sề,

Bán đi chẳng được, chạy về lon ton...

Thí dụ 76 :

Giã ơn cái cối cái chày,

Đêm khuya giã gạo có mày có tao.

Giã ơn cái nhịp cầu ao,

Đêm khuya vo gạo có tao có mày...

Nói chung là đủ mọi thứ đều có thể đem diễn giải bằng thể thơ lục bát. Có lẽ không thể thơ nào của người Tầu có được khả năng to lớn như vậy.

Còn chuyện có thơ lục bát / song thất lục bát bằng chữ Nho không ? Xin thưa rằng : Có chứ, và có không ít ! Tuy nhiên, tác giả của những bài lục bát / song thất lục bát chữ Nho không phải là anh Tầu nào cả, toàn là các thi sĩ người Việt Nam ta, như kiểu bài hát nói đã dẫn ở thí dụ 59 trên kia. Có khi các tác giả này viết thành cả quyển sách chữ Nho, toàn bộ đều theo thể lục bát, chính là vì đặc điểm dễ nghe, dễ nhớ của thể thơ này, nên dẫu có diễn bằng chữ Nho, vẫn cứ dễ thuộc hơn dạng viết theo lối tản văn. Có thể dẫn vài thí dụ :

Sử ca, Nguyễn Đăng Tuyển, soạn theo sắc chỉ của vua Tự Đức, năm thứ 13 (1860). Trích một đoạn :

Thí dụ 77 :

厥初太極無形 ,

兩儀四象遞生漸繁 .

聖人首出繼天 ,

號稱盤古相傳可疑 .

三皇繼此出治 ,

天皇始制干支鋪陳 .

Quyết sơ thái cực vô hình,

Lưỡng nghi tứ tượng đệ sinh tiệm phiền.

Thánh nhân thủ xuất kế thiên,

Hiệu xưng Bàn Cổ tương truyền khả nghi.

Tam Hoàng kế thử xuất trì,

Thiên Hoàng thuỷ chế Can Chi phô trần...

Tư hữu ngâm, Phan Bội Châu : khúc ngâm này được tác giả viết thành 13 khổ thơ, mỗi khổ gồm hai câu bảy chữ rồi đến bốn câu lục bát, gieo vần hoàn toàn theo thể thơ lục bát / song thất lục bát. Đây chỉ dẫn ra khổ đầu tiên.

Thí dụ 78 :

梅放早春來不再 ;

酌三杯醉待君侯 .

雲山一枕床頭 ,

歸來蝶夢相求相遊 .

徘徊月夜同孤 ,

三更想像江湖散人 .

Mai phóng tảo xuân lai bất tái ;

Chước tam bôi túy đãi quân hầu.

Vân sơn nhất chẩm sàng đầu,

Quy lai điệp mộng tương cầu tương du.

Bồi hồi nguyệt dạ đồng ,

Tam canh tưởng tượng giang hồ tản nhân.

Thậm chí có hai nhà Nho đã đem truyện Kiều của Nguyễn Du dịch ra chữ Nho, nhưng vẫn giữ nguyên thể thơ lục bát : bản Vương Kim truyện quốc âm - Vương Kim truyện diễn tự của Nguyễn Kiên, và bản Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm ca của Lê Dụ, đều ra đời khoảng đầu thế kỉ XX. Ở đây xin dẫn ít câu đầu của cả hai bản để so sánh với bản Kiều Nôm của Nguyễn Du :

bản Vương Kim truyện diễn tự :

Thí dụ 79 :

人生百歲爲期 ,

一才一命相爲戲儔 .

桑田滄海觀于 ,

眼前底局因酬傷心 ...

Nhân sinh bách tuế vi ,

Nhất tài nhất mệnh tương vi hí trù.

Tang điền thương hải quan vu,

Nhãn tiền để cuộc nhân thù thương tâm ...

bản Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm ca :

Thí dụ 80 :

百年身世事情 ,

色才二字兩生相嫌 .

一經滄海桑田 ,

事於眼見太煩心傷 ...

Bách niên thân thế sự tình

Sắc tài nhị tự lưỡng sinh tương hiềm

Nhất kinh thương hải tang điền

Sự ư nhãn kiến thái phiền tâm thương ...

秋夜旅懷吟 Thu dạ lữ hoài ngâm, Đinh Nhật Thận (?) :

Bài này gồm 35 liên song thất lục bát toàn bằng chữ Nho. Ở đây cũng chỉ dẫn ít liên :

Thí dụ 81 :

秋夜靜天光隱約

隔疏簾淡酌金罍

天時人事相催

浮生若夢幾回為歡

人對景花間月照

景撩人樹梢風吹

這般料少人知

閒來風月與誰為秋 ...

Thu dạ tĩnh thiên quang ẩn ước

Cách sơ liêm đạm chước kim lôi

Thiên thời nhân sự tương thôi

Phù sinh nhược mộng kỉ hồi vi hoan

Nhân đối cảnh hoa gian nguyệt chiếu

Cảnh liêu nhân thụ sảo phong xuy

Giá ban liệu thiểu nhân tri

Nhàn lai phong nguyệt dữ thuỳ vi thu ...

Những người làm ra các tác phẩm này là con cháu của các tác giả đích thật đã sáng tác ra thể lục bát / song thất lục bát, nên riêng về vần điệu đều trôi chảy, đúng luật, không cần châm chước phá lệ (khác hẳn mấy câu vớ vẩn “Đỗ thế sư” đã dẫn ra trên kia).

Nhân tiện, để gọi là “thay đổi không khí”, xin dẫn thêm ra đây hai bài “thơ” trích trong Chơi chữ của Lãng Nhân, cũng là để cho thấy mức độ phổ thông của thơ lục bát / song thất lục bát đối với người Việt Nam ta, đến nỗi có thể làm cả “thơ” bằng tiếng Tây :

Thí dụ 82 :

Lạnh-lùng một mảnh sơ-mi,

Li-ve trằn trọc lơ li một mình.

Loăng-tanh ai có thấu tình,

E-mê đến nỗi thân hình biểng pan.

Thí dụ 83 :

Dê-cờ-ri tình thơ uyn lét,

Để cho mình con-nét mông cơ.

Từ khi mình kít-tê dơ,

Bon-nơ cũng lắm, ma-lơ cũng nhiều.

[Mang] tiếng là tiếng Tây, kì thật là tiếng “Tây bồi”, tức là chẳng có chia theo thì hay là nguyên thể, chẳng có biến cách, chẳng kể số ít số nhiều, chẳng kể v.v. và v.v., cứ tuỳ tiện “lắp ráp” chữ theo kiểu Tây gọi là mot à mot. Những tiếng “Tây bồi” ở thí dụ 82 : chemise (cái áo), l’hiver (mùa đông), le lit (cái giường), lointain (xa xôi), aimer (yêu, thương), bien (rất, lắm), pâle (xanh xao, ốm) ; ở thí dụ 83 : j’écris (em viết, tôi viết), une lettre (một lá thư), connaître (biết), mon cœur (lòng tôi), quitter (rẫy bỏ), je (em, tôi), bonheur (hạnh phúc, may mắn), malheur (bất hạnh, xui xẻo) !

 

III. Thơ lục bát ra đời khi nào ?

Những điều trình bày bên trên đã khẳng định thơ lục bát là sản phẩm Việt Nam chính cống, không hề đi vay mượn của ai, nhưng trả lời được câu hỏi Thơ lục bát ra đời khi nào ? là rất khó.

Chắc chắn rằng từ xa xưa người Việt Nam đã có tiếng nói của riêng mình, hơn thế nữa chắc chắn cũng có chữ viết riêng để ghi lại tiếng nói đó. Điều này có thể được xác định gián tiếp bằng những thành tựu kĩ thuật còn lưu lại đến nay như những di tích khảo cổ đã được tìm thấy. Các loại trống đồng, di chỉ thành Cổ Loa... cho thấy kĩ thuật của người Việt cổ rất cao. Nhìn vào các hoa văn được đúc trên các trống đồng, hoặc di tích trong xây dựng..., có thể thấy nếu không có một trình độ kĩ thuật nhất định (về toán học, về đồ hoạ, về hoá học, vật lí học...), không thể có được những sản phẩm như vậy. Nhưng nếu không có tiếng nói và chữ viết phát triển, thì người này không thể chỉ bảo cho người khác, thế hệ này không thể truyền thụ cho thế hệ khác... Việc đúc trống đồng, việc xây thành... chắc chắn không thể là việc của bất cứ một cá nhân nào.

Tuy nhiên nước ta đã chịu ách nô lệ, mà theo chính sử thì việc này trải dài suốt cả ngàn năm. Trong khoảng thời gian bị lệ thuộc, tất là kẻ đô hộ luôn tìm cách xoá bỏ nền văn hoá của dân bị thống trị. Vì thế, cùng với các thành tựu kĩ thuật, cả chữ viết cũng như tiếng nói xa xưa của cha ông dần dần bị mai một. Cha ông ta vẫn cố giữ lại tiếng nói của tổ tiên, nhưng chắc chắn đã bị pha tạp với tiếng nói của kẻ đô hộ.

Thơ lục bát, có lẽ phôi thai từ các câu ca dao, tồn tại được chỉ nhờ truyền miệng từ đời này qua đời khác ; nếu có được ghi lại bằng chữ viết cổ xưa, thì việc tìm ra dấu vết có lẽ là việc không tưởng.. Chữ viết ghi lại tiếng nói của người Việt dần dần được hình thành gọi là chữ Nôm thì cũng xuất hiện khá muộn màng, may ra thì trước thời độc lập tự chủ của nhà Đinh một ít lâu mà thôi.

Có lẽ các câu hát truyền miệng từ xưa đã được ghi chép lại, nhưng đến nay những ghi chép ấy khó có thể tìm được. Vì cuối triều Trần, khi bọn giặc phương bắc sang xâm lược nước ta, bên cạnh việc ra lệnh cho thuộc hạ tịch thu hết các sách vở nước Nam (và vô số thứ khác nữa) đem về Tầu, tên đầu sỏ lũ giặc Tầu là Minh Thành tổ (1403-1425), trong chỉ dụ mười điều gửi cho Chu Năng, kẻ thống lĩnh đội quân giặc, ngày 21 tháng Tám năm 1406, đã ra lệnh : “... Một khi binh lính (tất nhiên là lính Tầu) đã vào nước Nam, trừ các sách kinh và các bản khắc in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy ; ngoài ra, hết thảy mọi sách vở, văn tự, cho đến cả những loại sách ghi chép ca lí dân gian hay sách dạy trẻ..., một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp nước Nam, phàm những bia do Trung Hoa dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ cũng chớ để còn (!). Đến ngày 16 tháng Năm năm sau 1407, y lại ra một chỉ dụ nữa, nội dung nhắc lại tinh thần chỉ dụ trước, đồng thời quở trách các tướng sĩ, khi bắt gặp “những thứ ấy” thì phải ra lệnh đốt ngay chứ không được xem rồi mới đốt !

Như thế chỉ dụ của Mình Thành tổ đã xác nhận các “ca lí dân gian” từng được cha ông ta ghi chép lại. Nhưng tình hình các ghi chép đó, cũng với các thư tịch khác của nước ta chỉ có thể là :

1. đã bị vơ vét đem về Tầu ; hoặc

2. đã bị huỷ tận diệt tuyệt ; hoặc

3. may mắn lắm thì vẫn còn được cất giấu đâu đó, nhưng rất khó có cơ hội tồn tại được đến bây giờ, vì sau đó bọn giặc phải lo chống lại với sự kháng cự của dân ta, nhất là cuộc dấy binh kéo dài suốt mười năm trời của quân Lê Lợi – Nguyễn Trãi ; trong cơn binh hoả thì khó mà giữ lại được gì với quân cướp đó.

Sau này có người cho rằng câu hát lục bát

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng,

là đã xuất hiện từ thời hai Bà Trưng, để kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đuổi quân giặc phương bắc lúc bấy giờ (Tô Định, Mã Viện) không phải hoàn toàn không thể xảy ra. Nhưng có người khác cho rằng người nước ta thời hai Bà chưa đủ trình độ để sáng tác ra những câu thơ hay như thế. Thiết nghĩ dân ta có trình độ xây thành Cổ Loa, đúc trống đồng Ngọc Lũ, v.v..., mà lại không đủ trình độ dùng tiếng nói của mình sáng tác ra đôi câu thơ, thì ý đó chẳng phải là coi thường người Việt Nam quá lắm sao, hẳn dân ta thời đó đúng như bọn Tầu xếp vào hạng “man di” = mọi rợ ư ?

Trong Những vấn đề trong thơ lục bát, Phan Thượng Hải, kể lại (nguyên văn) :

Sau khi nước ta dành được độc lập (939) và rồi thành nước Đại Cồ Việt vào thời vua Đinh Tiên hoàng thì có những câu thơ về hoàng hậu Dương Vân Nga (952-1000) trong thời nhà Đinh và nhà Tiền Lê. Bà Dương Vân Nga là hoàng hậu của vua Đinh Tiên hoàng và vua Lê Đại Hành.

Tục truyền khi bà còn bé hay khóc nhiều. Một ông sư đi ngang nhà đọc lên 2 câu thơ :

Nín đi thôi, nín đi thôi

Một thân gánh vác cả đôi sơn hà.

Sau nầy bà Dương Vân Nga đi tu ở chùa Am Tiên ở gần Hoa Lư. Trong chùa nầy còn có lưu lại 4 câu thơ lục bát :

Hai vai gồng gánh hai vua

Hai triều hoàng hậu, tu chùa Am Tiên

Theo chồng đánh Tống bình Chiêm

Có công với nước, vô duyên với đời.

(hết trích)

Những chuyện kể trên vẫn được cho là những truyền thuyết. Không đủ căn cứ, nên rất khó trả lời câu hỏi thơ lục bát có từ bao giờ ; có thể tạm phỏng đoán rằng thơ lục bát của nước ta ra đời từ rất sớm, khoảng triều Lí – Trần, và có thể sớm hơn nữa.

 

IV. Kết luận :

 

1. Về ba câu “kinh, truyện, sử” :

 

Đối với ba câu được “Đỗ thế sư” nhón ra trong Lều chõng của Ngô Tất Tố, rồi lần lượt phán rằng :

Đúng là lục bát. Từ số chữ đến cách gieo vần” ;

Rõ ràng là lục bát. Có khác chăng là lời thơ bằng Hán tự” ;

Cũng lại lục bát. Trước khi nền thơ văn của Việt Nam được phát triển

thì đều hoàn toàn không phải là các câu thơ lục bát.

Các tác giả của chúng không hề có chủ ý viết một câu nào gọi là vần vè với nhau trong tác phẩm của mình ; các tác giả cũng không hề có ý viết tác phẩm của mình bằng bất cứ thể văn vần nào ; không ai viết sách bằng văn xuôi, rồi khơi khơi đem chen vào mạch văn chỉ một “câu thơ câu thẩn” nào đó mà không có chủ định gì cả. Vì thế, sự phần nào có vẻ na ná giữa những câu đó với thể thơ lục bát của ta hoàn toàn chỉ là sự tình cờ.

Trong bài viết của mình, bên trên “Đỗ thế sư” vừa mới phán : hết “đúng là...” lại đến “rõ ràng là...”, thế mà bên dưới “Đỗ thế sư” lại bảo : “không biết đúng sai thế nào...”, chứng tỏ các kết luận của “Đỗ thế sư” rất nông nổi. Có thể thấy rất “rõ ràng là” trước khi đọc được Lều chõng của Ngô Tất Tố, “Đỗ thế sư” không hề biết ba câu “kinh, truyện, sử” đó là những câu thế nào, ở đâu... đã đành, mà đọc được rồi, “Đỗ thế sư” cũng hoàn toàn không xác định được ý nghĩa những câu ấy “đúng là” gì, đã bị lắp ghép hay bị cắt xén ra sao, hoặc trong nguyên bản thì “mặt mũi tóc tai” của nó thế nào, nhưng đã rất hấp tấp vội vàng đưa ra những nhận xét hồ đồ thế này thế kia.

 

2. Về nguồn gốc thơ lục bát :

 

Không còn nghi ngờ gì về nguồn gốc thơ lục bát : chắc chắn đó là thể thơ riêng của người Việt Nam, do chính người Việt Nam đặt ra.

“Thầy đời” Đỗ Quý Dân dạy người Việt Nam rằng : Cứ nhận là lục bát gốc ở Tàu, nhưng người Việt chúng ta đã biến nó thành thể thơ riêng, đặc biệt của mình đi, có làm sao đâu ?.

Xin thưa với “thầy” rằng : “không biết có làm sao không”, nhưng một điều chắc chắn là : cái gì của Tầu thì mới có thể nhận là của Tầu (như trên đã trình bày, cha ông ta luôn nhìn nhận những thể thơ như cổ phong, Đường luật... vốn là của Tầu) ; còn cái gì không phải của Tầu, mà “thầy” lại “dạy” rằng “cứ nhận (là của Tầu) đi..., có làm sao đâu”, thì e rằng “thầy” có khi không thuộc về “người Việt chúng ta”.

Sự thật rất “rõ ràng là” trước khi người Việt làm thơ lục bát, trong các bài thơ do người Tầu làm ra không có một bài nào theo thể thơ lục bát. Đến khi người Việt đã làm vô số thơ Nôm lục bát, từ rất ngắn cho đến rất dài, mà còn sáng tác được cả thơ lục bát bằng chữ Nho như đã dẫn trên kia, hoàn toàn đúng luật thơ, không gượng gạo, không cần đến sự châm chước nào cả, thì vẫn chẳng có anh Tầu nào làm bài thơ nào thuộc cùng thể thơ như thế. Cũng xin nói thêm với “thầy” rằng, đến năm 2020 này, vẫn không thiếu những người Việt có khả năng làm thơ lục bát / song thất lục bát chính danh bằng chữ Nho, và họ vẫn còn đang làm đấy, chứ chả phải anh Tầu nào đâu (mà nói cho cùng, hiện nay có người Tầu nào làm được thơ như thế thì cũng rất hay, vì ít ra họ cũng phải đọc được chữ Nho theo âm Nho, biết rành rẽ luật thơ của ta, cũng phải thấm ít nhiều thơ lục bát của ta với những vần điệu riêng của thể thơ này vào hồn họ..., chứ không phải như ba cái lăng nhăng trên kia ; và dĩ nhiên không phải vì họ làm được như thế mà có thể nói thơ lục bát “vốn là của Tầu”).

“Thầy” còn lên giọng “dạy dỗ” rất láo xược rằng : tôi chỉ biết người Việt chúng ta tự ái rất cao, tìm đủ mọi lý lẽ để chứng minh mình không lệ thuộc Tàu, nhưng cái mà chúng ta hay gọi là “chứng minh” chỉ là những ý kiến hết sức chủ quan, không dựa trên căn bản biện chứng vững chắc.

Xin trả lời “thầy” rằng, người Việt chúng tôi (vì không rõ “thầy” có ở trong số đó không) nếu không có “tự ái rất cao”, thì có lẽ giờ này chúng tôi không còn nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ được nữa !

Theo “sự chỉ dạy” của “thầy”, để tỏ ra rằng “thầy” không có cái gọi là những ý kiến hết sức chủ quan, và lập luận của “thầy” có dựa trên căn bản biện chứng vững chắc, xin được đề nghị với “thầy” thế này :

“Thầy” hãy chịu khó tra tìm trong kho thơ của các tác giả Tầu từng làm trước khi có thơ lục bát ở Việt Nam, sao cho có thể trưng ra các câu thơ Tầu thực sự là thơ lục bát, chứ đừng có phải là những thứ na ná, giông giống ; thơ ra thơ, thơ chính danh, chứ không phải thứ chen ngang vớ vẩn. Tương ứng với từng tiểu mục trên của bài viết này, nếu “thầy” dẫn ra được nhiều hơn một thí dụ cho mỗi tiểu mục, thì xin được kính cẩn gọi “thầy” là thầy không có dấu ngoặc kép.

 

Cảm ơn “thầy đời” Đỗ Quý Dân.

 

Cảm ơn mọi người đã bỏ thời gian theo dõi.

 

28-11-2020

BÙI NGỌC HIỂN

 

 


Không có nhận xét nào: