LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁM MỤC
JOSÉ TERRÉS
Hình : Các Thánh Nam Nữ
Bùi Ngọc Hiển
Giới thiệu – Phiên
âm – Chú thích
Nhân ngày lễ các thánh Nam Nữ, đọc lại một bài giảng của đức cha Giuse
Hiến viết bằng Chữ Nôm, in trong bộ sách có tên là Sách Truyện Các Thánh
Toát Yếu.
Trang Tựa Sách a
Sách Truyện Các Thánh Toát Yếu
Bộ sách này được in (và xuất bản) năm
1897, gồm 2 quyển, in theo lối khắc ván và in một mặt (mặt nhẵn) trên giấy dó,
mỗi tờ hai trang rồi gấp đôi theo lối đóng sách truyền thống Hán – Nôm. Kích thước mỗi quyển là 265 mm ╳ 150 mm.
Trang Tựa Sách b
Sách Truyện Các Thánh Toát Yếu
Ở trang đầu STCTTY bằng chữ Nôm có viết : 監 牧 樞 槎 憲 傳 辞 [Giám mục Giu-se Hiến
truyền từ], cho biết tác giả là Giám mục José Terrés, O.P., tên Việt Nam
là Giu-se Hiến. Ngài sinh ngày 22 tháng Ba, năm 1843 tại San Estebán de
Granollers, Tây-ban-nha, sau đó tuyên khấn trong dòng Thuyết giáo (Đôminicô)
ngày 21 tháng Tám, năm 1859. Ngài thụ phong linh mục ngày 26 tháng Năm, năm
1866 nhận nhiệm vụ thừa sai đến Giáo phận Đông Đàng Ngoài (Tonkino Orientale ;
sau này là Hải Phòng và Bắc Ninh) cùng với cha Félix Fuentes Phê năm 1873. Ngài
từ trần ngày 2 tháng Tư, năm 1906 tại Hải Phòng.
Bài giảng này cũng như các bài khác trong bộ sách viết bằng chữ Nôm theo lối
văn nói chứ không phải văn viết. Từ ngữ dùng vì cách nay đã hơn 120 năm, nên
đương nhiên là cổ xưa. Nhưng không vì thế mà bài giảng mất đi giá trị của nó.
Xin giới thiệu ở đây toàn văn bản phiên âm của bài giảng như vốn được in trong
STCTTY. Bài này ở Quyển 2, từ trang 124b đến trang 128b
Ngày lễ kính các thánh ở trên trời truyện
Hình : Các Thánh Nam Nữ
Hôm nay thánh I-g’-re-sa (1) làm lễ kính chung các thánh ở
trên trời, vì chưng có nhiều đấng thánh kể chẳng xiết, phần thì Đức Chúa Trời
đã tỏ ra cho thánh I-g’-re-sa biết cho tỏ, phần thì dù đã được
lên thiên đàng, song le thánh I-g’-re-sa chẳng biết cho tỏ là những
đấng nào cho được kính riêng các đấng ấy cho đủ. Vì vậy thánh I-g’-re-sa
theo ý Đức Chúa Trời mà kính riêng trong năm những đấng trọng Đức Chúa Trời đã
chọn trước hết, cùng đã làm nhiều phép lạ mà tỏ ra cho thiên hạ biết công trọng
cùng nhân đức kẻ ấy, vì Đức Chúa Trời đã định cho các đấng ấy nên gương sáng
cho loài người ta được soi mà đi đàng nhân đức. Bằng các đấng khác, nhiều kể chẳng
xiết, Đức Chúa Trời đã thưởng ở trên trời, song chưa tỏ cho thiên hạ biết các
công trọng kẻ ấy, thì thánh I-g’-re-sa chỉ một lễ này mà kính
chung các đấng ấy.
Hình : Đền Đức Maria và các thánh Tử Đạo
xưa là đền thờ Chư Thần Roma Pantheum
Thuở xưa khi nước Ro-ma chưa biết đạo thánh Đức Chúa Trời,
thì cả và nước ấy thờ các giống bụt (2) cho trọng thể, cùng đã làm một nhà thờ
rộng rãi và tốt lắm (3) chỉ về thờ các hình tượng dối trá cả và thiên hạ (4) kính
thờ trong các nước. Đến sau khi cả và nước Ro-ma đã trở về làm
tôi Đức Chúa Trời, thì đức thánh Pa-pa Bo-ni-fa-si-o (5) thứ bốn
dạy phá các dấu tích các bụt ấy, cùng cất bàn thờ bên rối trong nhà ấy, và sửa
lại cả nhà ấy cho tốt hơn nữa, mà đặt làm nhà thờ Các Thánh ở trên trời. Lại có
nhiều nước khác có đạo bắt chước sự ấy mà làm nhiều nhà thánh chỉ về thờ (6) chung
các thánh ở trên trời, cùng chỉ ngày hôm nay (7) mà làm lễ cho trọng thể hết sức.
Trước hết thánh I-g’-re-sa trong ngày hôm nay tạ ơn Đức Chúa
Trời Ba Ngôi, cùng tạ ơn Đức Chúa Je-su là Chúa các thánh, cùng Rất
thánh Đức Bà là Nữ vương ngự trên hết các thánh, và các chín đẳng Thiên thần
(8) thuở xưa Đức Chúa Trời dựng nên ở trên trời mà chầu chực Đức Chúa Trời cùng
cai quản và coi sóc các việc về loài người ta ở dưới thế gian này. Thứ hai,
thánh I-g’-re-sa kính chung các thánh nam nữ là các đấng Pa-tri-a-ca
(9), các đấng P’-ro-fe-ta (10), các thánh Tông đồ, các thánh Tử
vì đạo, các thánh Pon-ti-fi-se (11), các thánh Doc-to-r’
(12), các thánh đồng trinh cùng các thánh thủ tiết, là chính đấng thánh nam nữ
Đức Chúa Trời đã chọn lên thiên đàng, mà hợp làm một với chín đẳng Thiên thần,
mà hưởng phúc rất trọng, vui vẻ vô cùng, là chính phần thưởng Đức Chúa Trời đã
sắm mà trả công cho các đấng ấy, vì công rất trọng đã giữ đạo thánh Đức Chúa Trời
ở đời này cho trọn, cùng làm tôi tá Đức Chúa Trời cho đến chết.
Hình : Bài Giảng Trên Núi
Ông thánh Au-gu-tin(h) (13) kể tóm lại các nhân đức
cùng các công các đấng ấy đã lập ở thế gian này tóm về Phúc thật tám mối, cùng
bảy Đức về chừa tội (14) và bảy ơn trọng Đức Chúa (S)pi-ri-to Sang-to
(15) hay ban cho các đấng thánh như sau này rằng :
Thứ nhất, các thánh nam nữ có lòng kính mến Đức Chúa Trời là ơn thứ nhất Đức
Chúa (S)pi-ri-to Sang-to hay ban cho kẻ ấy được lòng khó khăn mà
chê bỏ của cải thế gian, cùng sinh ra đức khiêm nhường là đức thứ nhất có sức sửa
tính kiêu ngạo.
Thứ hai, các thánh nam nữ giữ nết hiền lành mà thờ phụng Đức Chúa Trời, là
ơn thứ hai Đức Chúa (S)pi-ri-to Sang-to ban cho kẻ ấy được lòng
hiền lành cùng các người ta, và sinh ra đức rộng rãi mà thí của (16), là đức thứ
hai có sức sửa tính hà tiện.
Thứ ba, các thánh nam nữ thông biết những lẽ công chính, là ơn thứ ba Đức
Chúa (S)pi-ri-to Sang-to ban cho kẻ ấy được suy sự tội là sự rất
dữ là thể nào, mà khóc lóc ăn năn tội cho liên, và sinh lòng đừng gian dâm, là
đức thứ ba có sức sửa tính mê dâm dục.
Thứ bốn, các thánh nam nữ có sức mạnh mẽ là ơn thứ bốn Đức Chúa (S)pi-ri-to
Sang-to ban cho kẻ ấy được sức mạnh mà chịu đói khát sự phúc đức, và
sinh ra đức hay nhịn kẻ mất lòng mình, là đức thứ bốn có sức sửa tính hờn giận.
Thứ năm, các thánh nam nữ hay lo mọi sự cho phải lẽ, là ơn thứ năm Đức Chúa
(S)pi-ri-to Sang-to ban cho kẻ ấy được lòng thương xót người ta,
cùng sinh ra đức hãm mình mà thèm nhạt (17) là đức thứ năm có sức sửa tính mê
ăn uống.
Thứ sáu, các thánh nam nữ có trí sáng láng, là ơn thứ sáu Đức Chúa (S)pi-ri-to
Sang-to ban cho kẻ ấy được lòng sạch sẽ mà giữ mình sạch tội, vì có
lòng mến Đức Chúa Trời, cùng sinh ra đức yêu người ta, là đức thứ sau có sức sửa
tính ghen ghét.
Thứ bảy, các thánh nam nữ thông biết những lẽ cao về Đức Chúa Trời, là đức
thứ bảy Đức Chúa (S)pi-ri-to Sang-to ban cho kẻ ấy được lòng bằng
phẳng trong mình, cùng sinh ra đức năng nắn (18) việc Đức Chúa Trời, là đức thứ
bảy có sức sửa được tính làm biếng việc lành.
Thứ tám, các thánh nam nữ khi sống ở thế gian này đã dùng bảy ơn trọng cùng
bảy nhân đức ấy mà đánh ngã ba thù thiêng liêng, là chước ma quỷ, thói thế
gian, và tính xác thịt, cùng đã ra sức chịu khó vì đạo lành cho trọng thể, thì
mới được nước thiên đàng, là chính phần thưởng Đức Chúa Trời đã ban cho các đấng
ấy, tóm lại muôn muôn vàn vàn phúc thật quá sức trí ta suy chẳng được cho đủ.
Tượng Chúa Giêsu và 12 thánh Tông đồ
trên nóc vòm Domus Galilaeae
trên núi Phúc Thật Tám Mối
gần Biển hồ Galile, Do-thái
Cho nên thánh I-g’-re-sa trong kinh E-van-g(h)e-li-o
hôm nay (19) kể cho ta biết Phúc thật tám mối, cùng kể các phúc Đức Chúa Trời
ban cho các thánh tóm về những sự sau này.
Một là được nước thiên đàng, hai là được đất làm của mình vậy, ba là được
vui vẻ vậy, bốn là được no đủ vậy, năm là được chịu (20) Bề trên lại thương
mình vậy, sáu là được thấy Đức Chúa Trời vậy, bảy là được gọi là con Đức Chúa
Trời vậy, tám là được nước trên trời thật của người ấy vậy.
Vậy kinh ấy Đức Chúa Je-su đã kể nước thiên đàng là đầu hết
cùng sau hết, vì chưng các phúc khác đã kể giữa, cũng thuộc về một nước thiên
đàng là chính phúc thứ nhất.
Phúc thứ hai là được đất làm của mình vậy ; đất ấy chẳng phải là đất ở thế
gian này đâu : đất này (21) là đất hèn hạ, nặng nề, xấu xa, cho kẻ phải chết được
ở. Bằng đất Đức Chúa Trời thì đã [được] chỉ làm của [cho] các thánh ở trên trời,
là nơi rất sang, rất trọng, rất tốt lành, rất sáng láng, rất vui vẻ vô cùng, là
nơi tóm lại cả các tầng trời làm nền đất ấy, vì chưng thật là thiên đàng mà chớ.
Song le Đức Chúa Je-su gọi thiên đàng là đất cho người ta được biết
nơi ấy là nơi vững vàng, chẳng động, chẳng nát, chẳng khác gì đất này là nơi vững
bền giữ lấy các vật dưới thế vậy.
Phúc thứ ba là vui vẻ vậy ; trí người ta suy chẳng được sự vui vẻ thiên
đàng là sự rất trọng thể nào. Kẻ làm thuê mướn đến ngày chúa nhà trả công cho,
mình được mừng bội phần ; kẻ đi vượt biển khi đã phải phong ba bão táp lâu
ngày, đến khi vào cửa mà nghỉ thì mừng rỡ quá sức, phương chi các thánh khi đã
chịu khó đời này, hãm mình, đánh tội, nguyện ngắm lâu năm, cùng đã vượt biển thế
gian, mà chịu trăm ngàn bão táp là các sự khó đời này cho đến chết, khi vào cửa
thiên đàng mà nghỉ vô cùng, cùng chịu (22) các phần phúc Đức Chúa Trời đã trả
công cho kẻ ấy, thật là các đấng ấy được mừng rỡ vui vẻ vô cùng mà chớ.
Phúc thứ bốn là được no đủ vậy ; vậy những của thiêng liêng Đức Chúa trời
hay ban cho các thánh được hưởng ở trên thiên đàng thì tóm lại mọi mùi ngon ngọt
mĩ vị là lùng, hay làm cho linh hồn và xác các đấng ấy được no đủ mọi đàng, cho
nên lòng các đấng ấy chẳng còn ước ao sự gì hơn nữa ; vả lại trí các đấng ấy
suy biết mọi sự về bậc mình cho thông tỏ, bằng (23) xác các đấng ấy ngày sau sống
lại đoạn, cũng được mọi sự tốt lành cho no đủ nữa : con mắt sẽ xem thấy mọi sự
rất tốt, rất đẹp đẽ sặc sỡ (24), tai sẽ nghe thấy mọi tiếng rất êm ái dịu dàng,
mũi sẽ ngửi thấy các mùi rất thơm tho lạ lùng, chân tay cùng cả và mình sẽ nên
rất sáng hơn mặt trời, phần xác rất nhẹ hơn gió mà cất mình đi mọi nơi trong một
khắc cho kíp rất chóng bằng tính thiêng liêng, mà thâu qua vào các nơi, chẳng
còn có sự gì ngăn trở mình được nữa, và nên rất vững bền bằng tính hằng sống vô
cùng, chẳng còn có sự gì khó phạm đến mình được nữa. Vậy linh hồn và xác các
thánh ở trên trời hằng được no đủ như vậy.
Phúc thứ năm là được chịu Bề trên lại thương mình vậy : chính Bề trên hay
thương các thánh ở trên trời là Đức Chúa trời phép tắc vô cùng, rộng rãi (25) vô
cùng, nhân lành vô cùng, cho nên thương các đấng ấy vô cùng. Các vua chúa thế
gian hay thương kẻ làm tôi trung thần, mà ban chức quyền cho kẻ ấy, phương chi
Đức Chúa Trời hay thương các thánh vì đã làm tôi trung thần, cùng đã chịu khó đời
này vì Đức Chúa Trời cho đến chết, thì Đức Chúa Trời đã trả công cho kẻ ấy rộng
rãi vô cùng, mà ban chức rất trọng, ban quyền rất cao, cùng mọi sự lành đời đời.
Chẳng những là kẻ ấy được hưởng mọi sự sang trọng vui vẻ Đức Chúa Trời dựng nên
ở trên trời, mà lại được hưởng Đức Chúa Trời Ba Ngôi cho trọn, như lời Đức Chúa
Trời đã phán ra cùng ông thánh A-b’-ra-an (26) rằng : “Tao là phần
thưởng rất trọng hết sức đã chỉ ngày sau trả công cho mày mà chớ.”
Phúc thứ sáu là được thấy Đức Chúa Trời vậy. Ông thánh Au-gu-tin(h)
rằng : Khi ta xem thấy anh em bạn hữu ta tốt lành sang trọng phú quý, thì ta mừng
rỡ bội phần, song le chẳng có thông công về mình ta những sự tốt lành, chức tước,
của cải kẻ ấy. Bằng các thánh trên trời đang khi xem thấy Đức Chúa Trời, chẳng
những là được mừng rỡ, vì xem thấy các sự uy nghi, rất tốt, rất đẹp, rất sang,
rất trọng vô cùng ở trong tính Đức Chúa trời, mà lại Đức Chúa Trời thông cho
các thánh các sự ấy nữa, bởi vì các thánh được thấy Đức Chúa Trời, cho nên
thông biết cho tỏ mọi sự trên trời dưới đất. Bởi đấy cho nên nghe biết những lời
các người thế gian cầu xin cùng kêu van đến người ; bởi đấy cho nên được thế rất
mạnh mà cứu giúp người ta cho khỏi mọi sự dữ, được mọi sự lành ; bởi đấy cho
nên các thánh ấy ra rất thông thái, rất thật thà, rất tốt lành, rất sang trọng,
rất phú quý, rất vui vẻ mọi đàng.
Phúc thứ bảy là được gọi là con Đức Chúa Trời vậy. Trong Sấm truyền có lời
ông thánh Ju-an rằng : “Anh em phải suy lòng Đức Chúa Trời thương
yêu người ta là thể nào, vì đã làm cho người ta đáng gọi là con Đức Chúa Trời,
cùng nên thật con Đức Chúa trời nữa.” (27) Vì chưng các thánh ở trên trời nên
thật một giống Đức Chúa Trời, chẳng khác gì con sắt khi đã vào lửa, liền chịu lấy
tính lửa mà hoá nóng nảy cùng đỏ như lửa. Các thánh cũng vậy, tuy rằng chẳng có
lẽ nào cho các thánh hoá ra một tính một phép cùng Đức Chúa Trời bằng (28) Đức
Chúa Je-su mặc lòng, song le chịu lấy một phần các phúc Đức Chúa
trời đã ban cho Đức Chúa Je-su là Con thật Đức Chúa Cha, mà nên
con mày (29) con nuôi Đức Chúa Trời, cho nên các thánh ấy được lấy nước thiên
đàng làm của mình, chẳng khác gì như con ruột với các con nuôi đều được phần của
cha để cho con. Chẳng khác nào vua chúa thế gian nhận lấy người nào làm con
nuôi, thì kẻ ấy nên sang trọng là thể nào, phương chi các thánh là kẻ Đức Chúa
trời đã nhận làm con Đức Chúa Trời, thật là nên rất trọng trên hết mọi sự thế
gian mà chớ.
Phúc thứ tám là nước thiên đàng thật của người ấy vậy. Bởi vì cả và nước
thiên đàng nên thật của các thánh, cho nên các đấng ấy được quyền cai trị mọi sự
trên trời dưới đất. Hễ khi nào ước ao cùng muốn sự gì trên trời dưới đất, tức
thì Đức Chúa Trời ban cho sự ấy. Vả lại các đấng trên trời nổi tiếng các công
nghiệp cùng các nhân đức các đấng ấy, các kẻ thế gian này trông cậy cùng kính
trọng các đấng ấy ; các ma quỷ ở dưới địa ngục kinh khủng cùng dái (30) phép
các đấng ấy nữa. Vì vậy, bởi vì thiên đàng nên thật của các thánh, cho nên mọi
sự lành cùng mọi sự vui vẻ vô cùng cũng nên thật của các đấng ấy nữa. Vậy thánh
I-g’-re-sa đã đặt lễ trọng này.
Hình : Nhà thờ Phúc Thật Tám Mối
xây trên một ngọn đồi nhỏ trông sang
Biển hồ Galile, Do-thái
(bên ngoài và trong gian Cung thánh)
Bổn đạo ta phải suy bấy nhiêu sự cho tỏ, cùng hợp một ý cùng cả và thánh I-g’-re-sa
trong lễ này, mà tỏ ra lòng kính cùng trong cậy các thánh cho hết sức, cùng
năng nhớ đến những sự rất trọng, rất vui, rất tốt làm vậy Đức Chúa Trời đã sắm
cho ta đời sau, mà năng ước ao cho được sự ấy về mình ta nữa, cùng phải so lại
các sự tốt lành ấy cùng những sự hèn hạ đời này, mà dốc lòng bỏ những sự vui giả
thế gian, cho được sự vui thật ở trên thiên đàng. Sau nữa phải trông cậy Đức
Chúa Trời lòng lành vô cùng đã dựng nên ta cho có, đã cho ta được biết đạo
thánh Đức Chúa Trời, cùng đã mở lòng cho ta đi đàng nhân đức là chính đàng lên
thiên đàng. Thật là Đức Chúa Trời muốn giúp ta đời này cho được giữ một đàng ấy
cho vững, cho ngày sau được về đến quê thật ấy mà chớ. Bởi vì các thánh suy biết
cho tỏ bấy nhiêu sự, cho nên chẳng có xem sao các sự vui giả thế gian, mà lại
hoá ra vững lòng bền trí mà chịu mọi sự khó đời này vui lòng, cho nên đáng chịu
phần thưởng Đức Chúa Trời để dành cho trên trời.
Bởi đấy cho nên các thánh xưa nay đã ra sức hãm mình, ăn chay, đánh tội, mà
bằng lòng chịu mọi sự khó cho đến chết, cùng trông mong sự chết cho được lên
thiên đàng cho kíp. Vậy ta từ nay về sau bắt chước các đấng ấy cho hết sức ta,
cùng cầu xin các đấng ấy giúp ta phần hồn phần xác đời này, cho đáng hưởng phúc
cùng các đấng ấy đời sau. Vậy bây giờ phải đọc theo kinh sau này.
Lạy ơn chín đẳng Thiên thần, cùng các thánh Pa-tri-a-ca, các
đấng P’-ro-fe-ta, các thánh Doc-to-r’ đã dạy dỗ
thiên hạ cho biết đạo thánh Đức Chúa Trời, các thánh A-po-to-le (31),
các thánh Mat-ti-r’ đã chịu chết vì Đức Chúa Je-su,
các thánh Con-fe-so-re (32), các thánh đồng trinh đã dâng mình
cho Đức Chúa Trời, các thánh Tu hành, cùng các thánh Nam, các thánh Nữ, mà xin
các đấng ấy cầu cho chúng tôi. Chúng tôi xin các thánh ở trên trời cầu cho
chúng tôi.
Đáng vâng ơn cả C’-ri-s’-to (33).
Lạy ơn Đức Chúa Trời có phép vô cùng, đã ban ơn trọng cho chúng tôi kính nhớ
công nghiệp các thánh trong một lễ này, thì chúng tôi xin Đức Chúa Trời vì lời
các đấng thánh cầu cho chúng tôi, cùng xin Chúa tôi lấy lòng nhân lành mà
thương đến chúng tôi, vì Đức Chúa Je-su C’-ri-s’-to hằng sống hằng
trị đời đời chẳng cùng.
A-men.
Đoạn đọc một kinh Thiên Chúa, một kinh A-ve (34).
Hình : Bài Giảng Trên Núi
CHÚ THÍCH
1. Do tiếng Bồ-đào-nha Igreja (tiếng Tây-ban-nha : Iglesia),
nghĩa là Giáo Hội. Thánh Igresa nghĩa là Hội Thánh.
2. Từ ngữ bụt dùng ở đây là không đúng. Nguyên do vì các giáo sĩ Tây
phương chưa tìm hiểu hết các tôn giáo Đông phương, nên đồng hoá mọi tôn giáo
không phải Công giáo chung vào một loại. Từ đó, các thần trong các tôn
giáo Hi-lạp – La-mã, như Jupiter, Diana, Mercurius..., được các vị dùng
một từ bụt chỉ chung hết. Điều này gây ngộ nhận, và là một trong các
nguyên nhân làm cho đạo Công giáo bị hiểu lầm và xa lánh trong xã hội Việt Nam.
3. Đây là đền thờ Chư thần (tiếng Latin : Pantheum, từ
tiếng Hi-lạp Πάνθειον [Pantheion], do tiền tố παν [= mọi, các, tất cả...] và θεῖος
[= thuộc về thần].
4. Các thần được người Roma xưa thờ trong đền này là các thần trong thần
thoại Hi-lạp – La-mã như đã nói trên, mà thần tối cao là Jupiter hay Zeus.
5. Đức giáo hoàng Bonifatius IV đăng quang ngày 25 tháng Chín, năm 608, qua
đời ngày 8 tháng Năm, năm 615. Ngài sửa sang lại đền thờ Chư thần nói
trên và cung hiến cho đức Trinh nữ Maria và các thánh Tử đạo ngày 13 tháng Năm,
năm 609.
6. Động từ thờ ở đây hiện nay được thay bằng tôn kính, dành
riêng tôn thờ khi nói về thờ phụng Đức Chúa Trời mà thôi.
7. Tức là ngày 1 thánh Mười một hằng năm.
8. Chín đẳng Thiên thần (hoặc chín phẩm Thiên thần) : Theo các nhà thần học
Kitô giáo từ Thánh Hieronimus (tk IV), Thánh Giáo hoàng Gregorius Cả (tk VI),
Thánh Isidorus thành Seville (tk VII), Thánh Thomas Aquinas (tk XIII), có 9 phẩm
Thiên thần, tuy cách sắp xếp có hơi khác. Theo thánh Thomas Aquinas
trong Summa Theologica [= Tổng luận Thần học], 9 phẩm đó được
chia thành 3 cấp (thánh Bonaventura Bagnoregio gọi 3 cấp đó là
Epiphania, Hyperphania, và Hypophania từ các gốc Hi-lạp, tạm dịch
cao hiển, thượng hiển, thứ hiển), gồm : 1. Seraph, Cherub, Thronus ; 2. Dominatio, Virtus, Potestas ; 3.
Principatus, Archangelus, Angelus. Nguyên danh xưng của các phẩm này đều có
xuất xứ từ KT : 1). Seraph (từ tiếng Hipri seraf, có nghĩa là
cháy đỏ, dạng số nhiều là serafim ; xem Is 6:2) ; 2). Cherub
(cũng là tên gốc từ Hipri keruv, số nhiều là keruvim ; xem Gen
3:24, Ex 25:18-22, Ez 1:5-26 ; 3). Thronus là thần khiêm
nhường, hoà bình, và phục tùng tuyệt đối ; 4). Dominatio là thần quy định
bổn phận của các thiên thần, thông báo các mệnh lệnh của Thiên Chúa ; 5). Virtus
kiểm soát các năng lực tự nhiên, điều khiển sự vận hành của tinh tú, sự chuyển
vần của thời gian, thi hành các phép lạ, ban cấp sự can đảm, dũng khí ; 6). Potestas
là thần bảo vệ vũ trụ và nhân loại chống lại sự dữ ; 7). Principatus là
thần thuộc đẳng trật chủ trị của Đức Kitô. Năm phẩm này (phẩm thứ 3, 4, 5, 6 và
7) xem Col 1:16, Eph 1:21, 3:10... 8). Archangelus xem Dan
10:13, 1Thess 4:16, Judae 1:9 ; 9). Angelus : vốn có nghĩa
gốc là “sứ giả, người đưa tin”. Các danh xưng đó được bản KT của cha Nguyễn Thế
Thuấn dịch lần lượt là : (1. và 2. không dịch, chỉ phiên âm) 3. Thiên Toà,
4. Thiên Phủ, 5. Quyền Năng, 6. Uy Linh, 7. Thiên Chủ,
8. Tổng lãnh Thiên Thần, 9. Thiên Thần ; bản An-sơn Vị (chỉ có phần
TƯ) : 3. thần Ngôi báu, 4. thần Vương công, 5. thần Hùng dũng,
6. thần Quyền uy, 7. thần Thống trị, 8. Tổng lãnh Thiên thần,
9. Thiên thần, Thiên sứ, Sứ thần. Bản Các giờ Kinh Phụng vụ : (1. 2.
không dịch) 3. – 7. đều dịch gộp hết thảy là : mọi quyền lực thần thiêng, mọi
tước vị có thể có được (Eph 1:21) hoặc : hàng dũng lực thần
thiêng, bậc quyền năng thượng giới (Col 1:16, Eph 3:10). Trừ
phẩm Principatus, 8 phẩm còn lại được Hội Thánh Công giáo nêu tên trong
các Kinh Tiền Tụng (Praefatio). Bản Sách Lễ Rôma Việt ngữ 1971 dịch
: 1. thần Sốt Mến, 2. thần Vệ Binh (cũng dịch là thần Hộ Giá),
3. Bệ thần, 4. Quản thần, 5. Quân lực Thiên quốc hoặc Dũng
thần, 6. Quyền thần, 8. Tổng lãnh Thiên thần, 9. Thiên thần.
Bản 1992 không dịch bất cứ phẩm nào, mà gộp chung là “toàn thể đạo binh
Thiên quốc”. Bản 2005 dùng lại các từ ngữ của bản 1971, nhưng đổi “Quân
lực Thiên quốc” thành “Đạo binh Thiên quốc”.
9. Từ tiếng Tbn, Bđn, Í là Patriarca = các thánh Tổ phụ.
10. Từ tiếng Tbn, Í là Profeta = các thánh Tiên tri.
11. Từ tiếng Tbn Pontífice (L. : Pontifex) : chỉ chung các
Giám mục toàn cầu, kể cả Giám mục Roma.
12. Từ tiếng L., Tbn, Í, Anh : Doctor = các thánh Tiến sĩ.
13. Thánh Augustinus.
14. Tức là kinh Cải tội bảy mối có bảy Đức.
15. Từ tiếng Í Spirito Santo, L. : Spiritus Sanctus = Đức
Chúa Thánh Thần.
16. Tức như nay nói là bố thí của cải.
17. Tức là ăn nhạt, ăn chay (ngược lại với ăn mặn, ăn thịt...).
18. Năng nắn : từ cổ, nghĩa là siêng năng.
19. Bài Phúc âm trong thánh lễ này dù theo Phụng vụ trước hoặc sau Công đồng
Vaticano II vẫn là bài Mt 5:1-12a, gọi là Bài giảng trên núi hoặc
Hiến chương nước Trời.
20. Bây giờ hay dùng từ ngữ : nhận.
21. Đất này nói trong câu này là đất thế gian vừa đề cập ngay
trên.
22. Cũng nghĩa là nhận như chú thích 20 trên.
23. Bằng : bây giờ dùng từ ngữ còn, còn về...
24. Tương đương như rực rỡ hiện nay.
25. Hiện nay ưa dùng từ ngữ Hán – Việt là quảng đại hơn !
26. Tổ phụ Abraham.
27. Xem thư 1Jo 3:1-2.
28. Bằng ở chỗ này có nghĩa giống hiện nay = như. Tuy nhiên có lẽ bằng
chính xác hơn như trong trường hợp câu này.
29. Mày nghĩa là ở bên ngoài (da) ; con mày tức là con
nuôi, đối lại với con ruột.
30. Dái là từ cổ, nghĩa là sợ. Tục ngữ : Khôn cho người
dái, dại cho người thương, dở dở ương ương, chỉ tổ cho người ghét. Nay người
ta kiêng không dùng, vì sợ... “phạm huý” !
31. Tiếng Tbn : Apostole = các thánh Tông đồ.
32. Tiếng Í : confessore (L. : confessor). Đây là một từ ngữ
hết sức khó dịch. Ban đầu được
dùng như một vinh tước chỉ những vị đã can đảm công khai tuyên xưng đức tin
trong thời kì bị bách hại, và vì thế đã bị giam cầm, bị tra tấn, bị đày ải...
nhưng vẫn trung thành với niềm tin của mình, để phân biệt với những người bị chết
vì đức tin gọi là martyr(es). Từ giữa thế kỉ IV, vinh tước này giới hạn
lại dành cho những vị tuyên xưng đức tin trước mặt người đời bằng việc thực
hành các nhân đức rất anh hùng, bằng các trước tác, các giảng thuyết, và vì thế
được tôn kính đặc biệt như những vị tử đạo ở các thế kỉ trước, như được xây dựng
đền thánh riêng. Những vị đầu tiên trong Giáo hội Đông phương đã được tặng vinh
tước này là thánh Antôn, thánh Hilarion, thánh Philogonus và thánh Athanasius.
Bên Tây phương là thánh Giáo hoàng Silvester cũng được tôn kính như vậy trước cả
thánh Martin thành Tours. Dần dần, Giáo triều Rôma dùng vinh tước này cho những
vị mà đời sống đức tin anh hùng của các vị đó được Thiên Chúa chuẩn nhận bằng
những phép lạ. Trước Công đồng Vaticano II, phẩm trật các thánh liệt kê như sau
: Beata Virgo Maria, Mater Dei et omnes sancti Patriarchae et Prophetae,
Apostoli, Martyres, Confessores, Virgines. Các phẩm trật này trước ở Việt
Nam, theo Thánh giáo nhật khoá, dùng các tiếng như : Thánh Maria trọn
đời đồng trinh là Mẹ Chúa Trời, cùng các thánh Tổ tông, Biết sấm truyền
(nay dịch là Tiên tri), Tông đồ, Tử vì đạo, Tu hành (nay dịch là Hiển
tu), Đồng trinh. Tuy nhiên, rõ ràng confessor mà dịch là thánh
Tu hành (hoặc “thánh Hiển tu”) là không thoả đáng. Trong Sách lễ
Rôma trước Công đồng Vaticanô II, sau tên vị thánh được mừng kính ngày nào đó,
đều có kèm theo các tước như apostolus, martyr, confessor, virgo. Thí dụ
ngày 3 tháng Mười Hai, (Festus) Sancti Francisci Xaverii Confessoris
được dịch là : (Lễ) thánh Phanxicô Xaviê Hiển tu. Nhưng ngày 19
tháng Ba ghi là : (Festus) Sancti Joseph Sponsi Beatae Mariae Virginis Confessoris
thì chỉ dịch là (Lễ) Thánh Giuse, Bạn trăm năm thánh Đồng trinh Maria [Confessor
bỏ không dịch, vì không biết dịch thế nào, chả lẽ thánh Giuse đi tu !]. Chắc vì
nhận thấy điều đó, nên trong STCTTY chỉ phiên âm mà không dịch. Sau Công đồng,
tước confessor đã được bỏ hoặc được thay thế bằng các tước hiệu khác.
Thí dụ trước kia lễ thánh Tôma Aquino (ngày 7 tháng Ba) có ghi tước confessor
này cùng với tước Ecclesiae doctor (Sách lễ 1962 trở về trước), nhưng
Sách lễ 2002 (dời sang ngày 28 tháng Một) thay confessor bằng presbyterus
(giữ lại Ecclesiae doctor), bản tiếng Việt : linh mục. Hoặc lễ
thánh Gioan Thiên Chúa (ngày 8 tháng Ba) thay confessor bằng religiosus
(tiếng Việt : tu sĩ ; ngày tiếp theo là lễ thánh nữ Francisca Romana
thay vidua [= quả phụ] bằng religiosa [= nữ tu]). Lễ thánh
Franciscus de Paola (ngày 2 tháng Tư) thay confessor bằng eremita
(ẩn tu). Còn lễ thánh Giuse ngày 19 tháng Ba thì bỏ hẳn confessor, chỉ
giữ nguyên Sponsus Beatae Mariae Virginis mà thôi.
33. Câu này hiện nay được thay bằng câu : “Đáng chịu lấy những sự Chúa
Cristo đã hứa”.
34. Kinh Thiên Chúa tức là kinh Lạy Cha, kinh A-ve tức
là kinh Kính Mừng.
Hình : Các Thánh Nam Nữ
BÙI NGỌC HIỂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét