Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

CÂU ĐỐI CÔNG GIÁO (bài 1)


CÂU ĐỐI CÔNG GIÁO



BÙI NGỌC HIỂN

            Việt Nam trước đây được coi là một nước đồng văn với Trung Hoa (như Nhật Bản, Cao Ly), chữ viết chính thức là Chữ Hán (có điều đọc theo âm riêng của người Việt Nam, gọi là âm Hán – Việt). Nền học thuật tổ chức theo Trung Hoa, văn hoá cũng bị ảnh hưởng sâu đậm. Vì thế Câu Đối không xa lạ gì với người Việt, có thể gặp thấy ở bất cứ đâu, cả trong nhiều Thánh Đường Công giáo. Thí dụ Thánh Đường giáo họ Lai Thành, Giáo xứ Hoài Lai, Giáo phận Phát Diệm có nề đôi câu 

[c. 1] :


            Thiên thu kí tích kim đài,
                        tịnh phối Nữ Vương siêu bách thánh ;
            Vạn cổ lưu phương thạch cốc,
                        danh xưng Chúa Phụ quán quần thần.

            Nghĩa là :

            Ngàn thu ghi dấu chốn đài vàng,
                        bạn vẹn sạch Nữ Vương vượt trên các thánh ;
            Muôn thuở để thơm nơi hang đá,
                        danh thật là Bõ Chúa đầu hết quần thần.



            Tại Giáo phận Bà Rịa, hạt Vũng Tàu, trên cửa chính Thánh Đường Giáo xứ Hải Xuân có chạm đôi câu 

[c. 2] :


            Tử đài di bắc hải ;
            Mẫu điện hội nam xuân.

            Nghĩa mặt chữ :

            Đài Con dời biển bắc ;
            Điện Mẹ góp xuân nam.

            Nhưng ý người viết đôi câu này không chỉ có thế, mà còn hàm chứa một ý thứ hai hiểu là :

            Dời nhà thờ của Con (Con ở đây cũng như Mẹ trong vế sau được viết hoa vì nói đến Chúa Con và Mẹ Maria) tử Giáo phận gốc Hải Phòng ngoài bắc ;

            Dựng lại đền cho Mẹ ở Giáo phận Xuân Lộc trong Nam.

            Hai chữ cuối đôi câu ghép lại thành tên Giáo xứ.

            Xin mở dấu ngoặc. Tác giả của đôi câu này là Cụ Bá Hàm, người trong Giáo xứ, khi ấy là một lương y, có nhà mở phòng mạch trên quốc lộ 15, nay đổi là đường 30 tháng 4. Trước nhà có bốn cột gạch với hai đôi câu đối sơn chữ đen trên nền tường vàng và đều là câu đối Nôm. Một trong hai cặp đó người viết bài này vẫn còn nhớ vì khá thú vị và đặc sắc, xin dẫn lại đây 

[c. 3] :



               Sinh thục thang hoàn
                     nam bắc gần xa lui tới ;
               Riêng chung khép mở
                     trẻ già thân ái ra vô.

            Thú vị là vì tác giả đem bốn chữ chỉ bốn dạng thuốc bắc : sinh (dược liệu tươi, sống), thục (dược liệu đã làm chín [đồ, sao...]), thang (thuốc được sắc với nước cho cạn ít nhiều để uống), hoàn (thuốc viên lại thành viên), đối với bốn chữ sẵn trong một câu Kiều :

            Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung...

để nói rằng : Nhà riêng của cụ cũng là nhà chung cho mọi người, để bất cứ ai, trẻ hay già, ngày hay đêm mà cần đến gặp, cụ vẫn sẵn sàng thân ái đón tiếp để chẩn bệnh, bốc thuốc, cứu chữa...

            Đặc sắc ở chỗ cụ Bá là người Bắc, nhưng lại đặt câu với hai chữ ra vô, là kiểu nói thường gặp với người Nam (người Bắc hay nói là ra vào hoặc vào ra hơn).

            Nay cụ Bá đã là người của nghìn xưa, nhà của cụ không còn là phòng mạch bốc thuốc nữa ; không những thế, nó đã được phá đi xây mới hoàn toàn, mấy cặp câu đối cũng biến mất. Nhưng đôi câu của cụ chạm trên hai cửa chính Thánh Đường Hải Xuân từ thời cha già cố Phêrô Nguyễn Văn Lạc thì vẫn còn.



            Câu Đối không chỉ xuất hiện ở những cổng, những cửa như vậy, mà còn có mặt trong các kinh nguyện ngày trước. Kinh Cảm tạ niệm từ là một thí dụ. Kinh này viết theo lối văn tế (cũng là lối phú), mỗi liên có hai vế đối nhau. Tại miền Nam trước kia trong sách kinh nguyện thường ngày, có tên đầy đủ là Thiên Chúa Thánh giáo nhựt khoá tịnh Chúa Nhựt pháp [= kinh đọc thường ngày và Chúa Nhật của đạo thánh Đức Chúa Trời], quen gọi tắt là sách Mục Lục, ở Đệ thất thiên [= Thiên thứ bảy], các kinh cũng được viết hầu hết theo lối phú, mỗi liên đều gồm những vế đối nhau. Các thiên khác gồm các kinh viết lối văn xuôi, như kinh Lạy Cha, Kính Mừng, v.v... ; các kinh theo lối văn vần, thường là loại mỗi câu bốn chữ, tám chữ, cũng có khi năm bảy chữ không chừng (nhưng không thấy có kinh nào làm theo lối lục bát như kinh ngoài Bắc). Hầu hết các câu thí dụ dưới đây là trích ra từ quyển sách kinh này.

            Tuy nhiên, những câu đối như được dẫn ra ở đầu bài viết này toàn bằng chữ Nho, nay ít ai còn đọc được. Cả kinh Cảm tạ niệm từ cũng thế. Còn các kinh trong sách Mục Lục dù không toàn bằng chữ Nho, nhưng hoặc cũng có lẫn ít nhiều chữ Nho, hoặc có những chữ cổ xưa quá, nên hiện cũng không thấy đọc những kinh này nơi các Thánh Đường thuộc các địa phận miền Nam. Dù vậy gần đây thấy xuất hiện chỗ này chỗ khác nhiều câu đối của những tác giả Công giáo viết theo các chủ đề mục vụ. Thí dụ 

[c. 4] :

            Không bởi con trông lên,
            Nhưng vì Ngài cúi xuống.

            (PM. Cao Huy Hoàng ; tại :
http://conggiao.info/news/2155/2977/vai-cau-doi-ve-thang-cac-linh-hon.aspx)

            Đôi câu khác 

[c. 5] :

            Gia đình thánh thiện thuận hoà ;
            Giáo xứ yêu thương hợp nhất.

            (Đỗ Trí Thức ; tại :
http://gxphuhoa.org/cau-doi-cong-giao-p2.html)

            Hoặc 

[c. 6] :

            Ơn Chúa tràn đầy, 
                    Xuân mới chan hoà trên đất nước ;
            Lửa Trời chiếu dọi, 
                    Tin Mừng rạng tỏ khắp nhân gian.

            (Stêphanô Huỳnh Trụ ; tại :
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110113/8529)

            Những câu dẫn trên chỉ là số khá ít ỏi trong những câu đúng nghĩa Câu Đối ; đó là vì có người cho rằng chỉ cần đôi câu có số chữ bằng nhau là đủ làm thành đôi câu đối, còn niêm luật, bằng trắc, chữ nghĩa, ý tứ ra sao cũng được.



            Câu chữ treo trong Thánh Đường tất nhiên có ai quy định phải là những Câu Đối đâu, miễn sao chuyển tải được ý nghĩa cần thiết, lại nếu lấy từ Kinh Thánh thì càng tốt. Nhưng đó không phải đối tượng nói đến trong bài viết này, dù trong Kinh Thánh không thiếu những câu đem ghép lại thành những cặp Câu Đối đúng nghĩa. Xin được nói đến sau. 



I. Các quy tắc của Câu Đối


            Phần đề cập về các quy tắc của Câu Đối được trình bày dưới đây là phần trích được rút ngắn từ quyển Tìm hiểu và thưởng thức câu đối, Bùi Ngọc Hiển, Vũng Tàu, 2001. Các thí dụ nếu trích dẫn từ các kinh trong Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá sẽ ghi chú thêm vị trí câu đó trong toàn quyển sách.



            Câu đốimột cặp câu vừa cân xứng nhau về số chữ vừa phải cân xứng về âm điệu, văn phạm, ý nghĩa, thậm chí cả những biện pháp tu từ (mỹ từ pháp) nôm na là các kiểu chơi chữ nếu có. Mỗi câu gọi là một vế. Học trò ngày xưa đi học thì chỉ có mỗi việc học văn chương chữ nghĩa, mà  tiểu học mạc tiên ư ứng đối [= tiểu học chẳng tập tành gì trước việc tập ứng đối]. Sau đó thì trong bất cứ thể loại văn nào, từ thơ ngũ ngôn thất ngôn Đường luật, đến phú, văn tế, kinh nghĩa..., việc ứng đối trong các câu văn hầu như không thể thiếu. Do đã được tập tành ngay lúc bé tí đến nhuyễn nhừ, nên các cụ ngày trước làm câu đối chỉ có hay hoặc không hay, chứ không có câu đối làm sai, dù các cụ chả phải phân tích tỉ mỉ bằng phương pháp khoa học như "chủ ngữ" "vị ngữ" là gì, chữ này chữ nọ có bao nhiêu "nét nghĩa", thế nào là "câu ghép đẳng lập" "câu ghép chính phụ"... Ấy thế nhưng hỏi đến phép tắc làm Câu Đối, sẽ được các cụ giảng giải rành mạch.

            Thực ra, các quy tắc ấy tóm gọn lại chỉ có ba việc sau :

          1. Tương ứng về số chữ : số chữ ở mỗi vế của một đôi câu đối đương nhiên phải bằng nhau ;

          2. Tương ứng về luật Bằng – Trắc : chữ ở vế này là Bằng, thì chữ ở vị trí tương ứng trong vế kia phải là Trắc, và ngược lại ;

          3. Tương ứng về bản thân mỗi chữ trong câu : hai chữ thuộc cùng một vị trí như nhau trong mỗi vế của một cặp Câu Đối tương ứng với nhau về từ loại, về chức năng văn phạm, về các cách dùng các kiểu mỹ từ pháp nếu có.

            Nay xin nói rộng ra về các quy tắc đó.

1. Quy tắc tương ứng về số chữ : quá dễ hiểu ; ở đây chỉ xin nói về việc phân chia các câu đối theo số chữ (tức là theo độ dài ngắn).

      1. 1. Câu đối không quá 4 chữ : thường gọi là câu tiểu đối. Dù ngắn, nhưng có khi câu 4 chữ lại được ngắt ra hai đoạn, mỗi đoạn hai chữ : đó là khi mỗi cặp hai chữ đó lại đối với nhau ngay trong cùng một câu (gọi là đương cú đối).

      1. 2. Câu đối 5 đến 7 chữ : gọi là câu đối thơ (vì được coi như những cặp câu có đối nhau trong một bài thơ Đường luật : cặp 3 / 4 hoặc cặp 5 / 6) ; cũng gọi là câu song quan (ví như hai cánh cửa đặt sóng đôi nhau). Thí dụ các câu số 2, số 4, số 5 dẫn trên đều thuộc loại câu song quan.

      1. 3. Câu đối có từ 8 chữ trở lên : số chữ trong câu đã dài, nên phải ngắt thành nhiều đoạn. Nếu mỗi câu ngắt thành hai đoạn thì gọi là câu cách cú ; ngắt thành ba đoạn thì gọi là câu hạc tất (hay gối hạc).

            Câu cách cú còn có tên nữa là câu tứ lục, là những câu 10 chữ chia thành 4 + 6. Nhưng cả những câu ngắt theo kiểu 6 + 4, hoặc không đúng số chữ như thế, nhưng có thể ngắt thành 2 đoạn, vẫn cứ gọi được là câu tứ lục. Thí dụ câu số 3 dẫn trên là một câu tứ lục "chính danh" ; tuy vậy, cả câu số 6 (4 + 7), câu số 1 (6 + 7) cũng vẫn được kể là câu tứ lục.

            Vì số chữ trong câu đối không bị giới hạn, có sức làm được bao nhiêu cứ làm, nên dĩ nhiên đã có những câu đối rất dài, số chữ trong mỗi vế lên đến cả 100, 200 chữ. Nhưng trong thực tế, dù làm để treo nơi Thánh Đường (ngoài cổng ngoài cửa hay trong Thánh Đường), nơi tư gia (trên Bàn thờ...), rõ ràng không thể và cũng không nên làm như vậy, thậm chí 13, 14 chữ mỗi vế đã là quá dài (nói cho cùng chả mấy ai muốn đọc những câu dài quá !). Câu ngắn gọn, ý súc tích, người đọc dễ nhớ, chẳng hạn câu số 7 dưới đây, là đạt được mục đích của việc làm câu đối. Vì thế ở đây không bàn đến những câu quá dài (từ 4 đoạn trở lên).

2. Quy tắc tương ứng BằngTrắc :

            Ở đây sẽ nói chi tiết về các quy tắc BằngTrắc áp dụng cho các câu ngắn (mỗi vế chỉ có một đoạn), vì đó chính là cơ sở để đặt những câu dài. Với những câu từ hai đoạn trở lên sẽ giản lược hơn.

      2. 1. Thanh BằngTrắc của một tiếng :

            Khi trước chữ viết là Chữ Nho hoặc Chữ Nôm, muốn xác định chữ nào tiếng Bằng, chữ nào tiếng Trắc là điều khó. Các thầy đồ dạy trẻ phải hướng dẫn học trò xác định theo nguyên tắc thanh âm hưởng ứng nhau, ấy thế mà học được rồi thì chẳng ai lẫn lộn. Nay nhờ công lao các Giáo sĩ Tây phương đặt ra chữ viết mới cho tiếng ta, gọi là Chữ Quốc ngữ, việc xác định BằngTrắc trở nên quá dễ dàng :
               
            - Thanh Bằng : là những tiếng có chữ viết không dấu hoặc có dấu huyền ;

            - Thanh Trắc : các trường hợp khác (chữ viết có dấu hỏi, ngã, sắc, nặng).

            Quy tắc BằngTrắc nhằm để đọc xuôi miệng mà nghe cũng xuôi tai. Tuy nhiên quy tắc này không ràng buộc mọi chữ trong câu. Với những câu có từ 7 chữ trở xuống, người ta áp dụng quy tắc của thơ Đường luật :

            nhị tứ [lục] phân minh,
            nhất tam [ngũ] bất luận,

            nghĩa là :

            (các chữ số) hai [sáu] (thì phải) rạch ròi,
            (còn các chữ số) một ba [năm] (thì) không kể.

            Trong thực tế, áp dụng được hoàn toàn đúng như vậy thường khó, nên thậm chí những chữ nhị tứ vẫn có thể châm chước. Do đó ở dưới đây, nếu chữ nào không kể thì ghi là b hoặc t (nghĩa là t có thể thay cho b hoặc ngược lại), chữ nào áp dụng quy tắc rạch ròi thì ghi là B hoặc T, nhưng chỉ buộc áp dụng chặt chẽ quy tắc đối với những chữ in đậm BT mà thôi. Còn những chữ B hoặc T để trong ngoặc là (B) hoặc (T), thì có nghĩa là vị trí đó đáng phải dùng tiếng có thanh đó thì mới đúng luật, nhưng có thể châm chước mà đổi từ thanh B thành T hoặc ngược lại. Nói chung, câu càng ngắn, quy tắc BằngTrắc càng khắt khe ; đồng thời nếu càng áp dụng đúng quy tắc mà tự nhiên, không gò bó..., thì câu càng hay.

     2. 2. Quy tắc BằngTrắc trong câu tiểu đối :

          2. 2. 1. Câu hai chữ : Có một kiểu duy nhất là :

                  t – T đối với b – B (hoặc ngược lại).
Nhưng vì chữ số 1 ở mỗi câu không bắt buộc b hoặc t, cho nên có thể có      
               b – T đối với t – B (hoặc ngược lại ; những trường hợp câu có số chữ khác cũng được suy diễn như vậy, xin không viết thêm thành kiểu riêng để khỏi rườm). Thí dụ dưới đây [c. 7] là một cặp câu hết sức quen thuộc đối với người Công giáo, vì chính là điều Thiên Chúa dạy cho dân Israel trong Cựu Ước (Đệ nhị luật 6:5 ; Lê-vi 19:18), và được Chúa Giêsu khẳng định lại trong Tân Ước (Mat-thêu 22:37-40 ; Mac-cô 22:30-31), hoàn toàn chỉnh đối, mà khi thay đổi một đôi chữ thì thành những câu vừa lạc lõng với nhau vừa cả với giáo lý :

[c. 7] :


hoặc 

[c. 8] : 


               2. 2. 2. Câu ba chữ : Có thể xảy ra các trường hợp :

            t – B – B đối với b – T – T (hoặc ngược lại)
hoặc    t – B – T đối với b – T – B (hoặc ngược lại). Thí dụ 

[c. 9] :


hoặc 

[c. 10] :



           2. 2. 3. Câu bốn chữ : dù có đương cú đối hay không thì cũng chỉ có một trường hợp :

b – B – t – T đối với t – T – b – B (hoặc ngược lại). Như 

[c. 11] (7:I:2) :


     2. 3. Quy tắc Bằng – Trắc trong câu đối thơ (song quan) :

          2. 3. 1. Câu năm chữ (ngũ ngôn) : có hai kiểu

          hoặc : t – B – b – T – T đối với b – T – t – B – B (hoặc ngược lại) ; thí dụ 

[c. 12] (7:II:12) :



          hoặc : t – T – b – B – T đối với b – B – t – T – B (hoặc ngược lại) ; thí dụ 

[c. 13] (7:VI:3) :



          2. 3. 2. Câu sáu chữ (lục ngôn) : nếu không ngắt thành hai nhóm tự đối nhau trong cùng một vế, thì chỉ có một kiểu BT là :

          b – B – t – T – b – B đối với t – T – b – B – t – T (hoặc ngược lại). Thí dụ 

[c. 14] (7:V:4) :



          Nếu ngắt thành hai nhóm ba chữ đối nhau, thì chữ cuối mỗi nhóm buộc phải đối BT như sau :

hoặc : 

    t – B – B / b – T – T đối với b – T – T / t – B – B 

(hoặc ngược lại), như 

[c. 15] (7:III:12) :


hoặc : 

   b – T – B / t – B – T đối với t – B – T / b – T – B 

(hoặc ngược lại), như 

[c. 16] :



          2. 3. 3. Câu bảy chữ (thất ngôn) : có hai kiểu :

hoặc               b – T – t – B – b – T – T 
đối với            t – B – b – T – t – B – B 
(hoặc ngược lại), như 

[c. 17] (7:III:12) :



hoặc              b – B – t – T – b – B – T 
đối với           t – T – b – B – t – T – B 
(hoặc ngược lại), như 

[c. 18] (7:V:7) :


     2. 4. Quy tắc BằngTrắc trong câu cách cú (hay tứ lục) :

      Câu tứ lục "chính danh" : mỗi vế có 10 chữ ngắt thành hai đoạn 4 + 6 chữ, do đó quy tắc B – T mỗi đoạn theo đúng quy tắc B – T của các câu 4 chữ và câu 6 chữ, đồng thời thêm quy tắc riêng quan trọng của câu tứ lục là : Nếu chữ cuối đoạn 4 chữ là B, thì chữ cuối đoạn 6 chữ phải là T, và ngược lại. Thí dụ 

[c. 19] (7:II:2) :



            Đoạn 6 chữ trước đoạn 4 chữ, cũng thế, như 

[c. 20] (7:V:1) :


            Những câu không đúng số chữ là 4 + 6 (hoặc 6 + 4) mà xê xích ít nhiều, miễn chỉ có hai đoạn, cũng được gọi là câu tứ lục (dĩ nhiên không phải "chính danh", đã trình bày ở trên) ; đoạn có mấy chữ thì theo quy tắc áp dụng cho câu có số chữ đó, lại phải luôn theo quy tắc riêng của câu tứ lục : chữ cuối đoạn này là B, thì chữ cuối đoạn sau là T, và ngược lại. Thí dụ :

Mỗi vế là một câu 4 + 4 

[c. 21] (7:V:6) :


Mỗi vế là một câu 5 + 5 

[c. 22] (7:IV:1) :


Mỗi vế là một câu 4 + 7 

[c. 23] (7:V:2) :



Mỗi vế là một câu 6 + 5 

[c. 24] (7:III:5) :



Mỗi vế là một câu 6 + 6 

[c. 25] (7:V:1) :



Mỗi vế là một câu 6 + 7 

[c. 26] (7:III:5) :


            Đôi câu sau đây tuy mỗi vế là một câu 6 + 6, nhưng đoạn 6 chữ đầu lại ngắt thành hai đoạn nhỏ đối nhau, nên mỗi đoạn nhỏ đó theo quy tắc BT của câu 3 chữ 

[c. 27] (7:III:12) :


     2. 5. Quy tắc BằngTrắc trong câu hạc tất (= gối hạc) : mỗi câu có ba đoạn mà số chữ trong mỗi đoạn không nhất thiết phải bằng nhau. Quy tắc chung dưới đây không chỉ áp dụng cho câu có 3 đoạn, mà cả cho những câu có số đoạn nhiều hơn. Tuy nhiên rất không nên làm những câu quá dài. Quy tắc B – T :

     *  mỗi đoạn nhỏ ứng với loại câu nào đã kể trên (2, 3, 4... chữ) thì áp dụng quy tắc B – T của loại câu ấy ;

     *  nếu chữ cuối đoạn sau chótB thì chữ cuối tất cả các đoạn trước đều phải là T, và ngược lại. Thí dụ 

[c. 28] (7:V:3) :



Câu khác 

[c. 29] (7:V:3) :


Câu khác 

[c. 30] (7:V:3) :


     Tất nhiên quy tắc nào thì cũng có ngoại lệ, cũng có châm chước. Riêng với các Câu Đối, quy tắc B – T được châm chước hết sức (sau khi đã chọn chữ theo đúng quy tắc 3 đề cập dưới đây mà không thể tìm chữ nào khác thay thế được) có thể tóm gọn như sau :



            Quy tắc B – T này chỉ có thể châm chước đến thế là hết, không thể châm chước hơn. Nếu không bảo đảm điều kiện tối thiểu này, thì không thành câu đối. Vì thế, nếu hai câu được đặt có vẻ đối ứng với nhau rồi, nhưng đều kết thúc bằng hai tiếng Bằng cả hoặc hai tiếng Trắc cả, thì dù hai câu đó hay đến đâu (và tất nhiên vẫn có thể dùng được vì chẳng ai cấm), chúng cứ vẫn không phải là Câu Đối.

3. Quy tắc tương ứng về bản thân mỗi chữ trong câu : hai chữ thuộc cùng một vị trí như nhau trong cả mỗi vế của một cặp Câu Đối phải tuân thủ các quy tắc tương ứng sau :

     3. 1. Tương ứng về từ loại :

     Hai chữ thuộc hai vế đối nhau ở vào cùng một vị trí tương ứng thì phải thuộc cùng một từ loại. Hiện nay từ loại được phân chia khá chặt chẽ : danh từ, động từ, hình dung từ..., chứ lúc trước chỉ chia thành hai loại : thực từ và hư từ. Đối chiếu hai cách phân loại thì có thể nói danh từ (đại danh từ), động từ, hình dung từ, một số phó từ, thì thuộc loại các thực từ ; còn một số phó từ khác, giới từ, liên từ, thán từ thì thuộc loại các hư từ. Đối với các cụ ngày xưa, trong việc đối ứng, thì chỉ cần thực từ đối với thực từ, hư từ đối với hư từ là đủ. Thoạt nghe thì có vẻ không chặt chẽ, nhưng nếu khảo sát kỹ lại thấy các cụ cũng phân biệt rạch ròi mà không cần đến những khái niệm ngữ pháp hiện nay. Các kinh trong quyển Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá có lẽ phải hình thành từ muộn nhất cũng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong khi đó Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản năm 1895 (cuối thế kỷ XIX), hoặc Dictionnaire annamite – chinois – français của Gustave Hue xuất bản năm 1937 (đầu thế kỷ XX, nhưng cũng cách quyển kể trên hơn 40 năm), chẳng hạn, các từ mục tiếng Việt đều không hề được xác định từ loại. Nhưng có thể xem các thí dụ trích ra từ Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá 

[c. 31] (7:V:7) :

               Cứu kẻ gian nguy khỏi vòng khốn bức,
               Giúp người cô độc đặng thế chững chàng.

     Nếu dùng khái niệm phân loại hiện nay, ta có sơ đồ chung cho cả hai vế như sau :

     - Chữ 1 : động từ (thực từ) ;
     - Chữ 2 : danh từ (thực từ) ;
     - Chữ 3 + 4 : hình dung từ kép (thực từ) ;
     - Chữ 5 : giới từ (hư từ) ;
     - Chữ 6 : danh từ (thực từ) ;
     - Chữ 7 + 8 : phó từ kép chỉ thể cách (thực từ).

            Rất chặt chẽ, không hề có sai khác trong hai vế đối.

            Hoặc thí dụ khác 

[c. 32] (7:III:12) :

          Lửa thiêng soi sáng người mê muội ;
          Phước trọng ban cho kẻ mặn nồng.

      - Chữ 1 : danh từ (thực từ) ;
      - Chữ 2 : hình dung từ (thực từ) ;
      - Chữ 3 + 4 : động từ kép (thực từ) ;
      - Chữ 5 : danh từ (thực từ) ;
      - Chữ 6 + 7 : hình dung từ kép (thực từ).

            Hoặc 

[c. 33] (7:I:7) :

           Nọ hào quang chói lói
           Kìa hang đá rỡ ràng

      - Chữ 1 : phó từ (hư từ) ;
      - Chữ 2 + 3 : danh từ kép (thực từ) ;
      - Chữ 4 + 5 : hình dung từ kép (thực từ).

     3. 2. Tương ứng về chức năng văn phạm :

            Có thể phân tích dưới quan điểm ngữ pháp hiện nay các thí dụ khác trong Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá về chức năng văn phạm của từng chữ trong một cặp câu đối nhau. Thí dụ 

[c. 34] (7:V:1) :

              Con rước Mẹ trọng đà nên trọng ;
              Mẹ thấy Con mừng quá đỗi mừng.

    - Chữ 1 : danh từ, làm chủ từ cho chữ 2 là động từ ;
    - Chữ 2 : động từ, có chủ từ là chữ 1, có đối từ trực tiếp là chữ 3 ;
    - Chữ 3 : danh từ ; láy lại danh từ chữ 1 vế tương ứng ;
    - Chữ 4, 5, 6, 7 : toàn bộ làm trạng ngữ cho chữ 2 ; chữ 4 mỗi vế là trạng từ thể cách, được láy lại ở chữ 7 cũng vế đó ; chữ 5, 6 là trạng từ mức độ, tu sức cho chữ 7 và cùng chữ 7 này làm túc từ cho chữ 4.

     Thí dụ khác 

[c. 35] (7:V:5) :

               Sáng bấy ! soi như sao Đẩu ;
               Ròng thay ! báu tợ tháp ngà.

     - Chữ 1 : hình dung từ, được chữ 2 là trạng ngữ cảm thán tu sức cho ;
    - Chữ 3 : danh từ (soi ở vế trên không có chức năng động từ mà là danh từ có nghĩa là [sự] sáng, nhưng không điệp lại chữ sáng nữa) ;
     - Chữ 4 : hình dung từ so sánh, nối giữa chữ 3 với chữ 5, 6 ;
     - Chữ 5, 6 : danh từ kép, có thể coi như kiểu dùng điển tích trong văn chương Nho – Nôm : hai danh từ kép này có xuất xứ từ kinh Cầu Đức Bà : vế dưới : Đức Bà như tháp ngà báu vậy, nhưng vế trên không phải ở câu Đức Bà như sao mai sáng vậy mà lấy ý từ đây và từ Lời nguyện cuối kinh : ... Đức Mẹ là như ngôi sao chính ngự ở trời bên bắc vậy. Trong Latin cũng dùng cả stella matutina (= sao mai) và stella maris (= sao biển, nhưng danh từ này cũng dùng thay danh từ stella polaris = sao chính cực bắc) để ca tụng Đức Mẹ.

     3. 3. Tương ứng về dùng các dạng tu từ :

    Các dạng tu từ nói nôm na là các kiểu chơi chữ, như điệp từ, dùng từ đồng âm dị nghĩa, đảo trang, dùng từ láy, dùng điển tích, quán ngữ, thành ngữ, tập cú... Trong câu đối còn có cả kiểu chiết tự (đối với những câu Chữ Nho) và cả nói lái, nhưng cả hai kiểu này có lẽ chưa gặp thấy trong các câu đối Công giáo. Cũng như sự tương ứng về từ loại hoặc về chức năng văn phạm ở hai mục trên, sự tương ứng về dùng các kiểu chơi chữ cũng thế : Vế này dùng kiểu chơi chữ gì, ở vị trí nào trong câu, thì vế kia cũng phải dùng đúng kiểu chơi chữ đó ở cùng vị trí như thế. Dưới đây là một số thí dụ cho các kiểu quen dùng.

             3. 3. 1. Câu dùng điệp từ 

[c. 36] (7:III:12) :

                  Tưởng đến tôi 
                        rất đỗi dại, rất đỗi hư,
                        phạt cho rảnh mới ưng thửa tội ;
                  Đâu đáng Chúa
                        muôn phần thương, muôn phần tiếc,
                        bỏ chẳng đành lại phải gắng công.

            Hai chữ rất đỗi ở vế trên được láy lại ở đoạn thứ hai, thì ở vế dưới cùng vị trí đó cũng có hai chữ muôn phần được láy lại.

           3. 3. 2. Câu chơi chữ đương cú đối (đối trong cùng một vế) 

[c. 37] (7:V:1) :

               Xin Đức Mẹ cầu cho Hội Thánh ở đời
                       đng chữ bình an,
                       hưởng câu thnh trị ;
               Lạy Đức Bà thương giúp giáo nhân dưới thế
                       khỏi đàng tội lỗi,
                       giữ đức khiêm nhường.

            Cùng ở vế trên, đoạn thứ hai và thứ ba lại là hai đoạn chỉnh đối với nhau : đặng / hưởng, chữ / câu, bình an / thạnh trị, thì cùng ở vế dưới cũng vị trí tương ứng là hai đoạn khác tự đối nhau : khỏi / giữ, đàng / đức, tội lỗi / khiêm nhường, và lại đối với hai đoạn đã nói ở vế trên.
                                   
             3. 3. 3. Lại kiểu nữa là dùng từ nước ngoài trong câu đối 

[c. 38] (7:V:5) :

                  Dòng cả dõi vua Đa-vít ;
                  Mẹ là bà thánh An-nà.

           Danh từ riêng phiên âm từ ngoại ngữ, có hai vần là Đa-vít được chỉnh đối bằng An-nà, bảo đảm cả về luật BT !

             3. 3. 4. Đảo trang : không đặt đúng trật tự văn phạm bình thường. Thí dụ 

[c. 39] (7:III:12) :

                   Xướng bài ca thần Kê-ru-bim
                          tiếng đàn, tiếng tiêu hoà êm ái ;
                    Trổi khúc nhc thánh Sê-ra-phim
                          cung bắc, cung nam cách lạ lùng.

            Trong hai câu này đều dùng lối đảo trang ở đoạn đầu mỗi vế, thứ tự thông thường mỗi đoạn đó là :

                    Thần Kê-ru-bim xướng bài ca...
                    Thánh Sê-ra-phim trổi khúc nhạc...

            Ngoài ra, trong đôi câu này còn dùng từ nước ngoài : Kê-ru-bim đối với Sê-ra-phim ; hai chữ này không đúng luật B – T, nhưng ở vị trí có thể châm chước.

            3. 3. 5. Câu dùng số đếm 

[c. 40] (7:III:11) :

                    Kính lạy Mt Chúa Ba Ngôi,
                           rất linh thánh đời đời hằng có ;
                    Sinh dựng muôn loài chín phẩm,
                           hằng bảo tồn kiếp kiếp chẳng rời.

            Vế trên dùng các số đếm mộtba ở chữ 3 và 5, thì vế dưới cũng vị trí đó dùng các số đếm muôn (= vạn) và chín để đối lại. Ngoài ra, trong hai vế đối, người ta có thể dùng bao nhiêu kiểu chơi chữ cũng được, nên trong hai câu này ta thấy còn kiểu khác : dùng từ kép đồng thời cũng là từ láy kiếp kiếp ở vế dưới để đối lại với đời đời ở vế trên.

           3. 3. 6. Một kiểu khác là tập ngữ, nghĩa là góp các chữ sẵn chỗ này nơi kia (đối với Nho học xưa thì thường là trong kinh điển cũ, thơ văn cũ của những tác gia nổi tiếng). Nếu dùng trọn cả câu thì gọi là tập cú. Nếu dẫn ra từ cổ văn thì gọi là tập cổ. Đối với người Công giáo, Kinh Thánh là kho tàng dồi dào không những về giáo lý, đức tin, mà còn là nguồn ý tưởng, văn chương phong phú. Hơn nữa trong đó, như đã nói trên, không thiếu gì những câu khi đặt sóng đôi, lại cho những cặp câu đối thật hoàn chỉnh. Tại Nhà lưu giữ hài cốt đầu tiên của Giáo xứ Nam Đồng, Vũng Tàu, có nề đôi câu đối của người viết bài này trên hai cột chính cửa cái 

[c. 41] :

                 Chúa chăn nuôi tôi lo gì thiếu thốn ;
                 Tôi trông cậy Chúa ắt chẳng hổ ngươi.

            Hai câu này lấy gần như nguyên văn các câu Kinh Thánh : vế trên lấy từ câu Thánh Vịnh 23:1 (22:1) ; vế dưới là câu Thánh Vịnh 25:3 (24:3).

            Những câu dùng các quán ngữ cũng có thể được coi là thuộc loại tập ngữ. Thí dụ câu như vậy trong Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá 

[c. 42] (7:II:2) :

                  Dãi gió dầm mưa,
                         những thủa tuổi nên năm bảy ;
                   Ngm chua nuốt đắng
                          vừa khi tác ba mươi ba.

            Ở ngay đầu vế trên dùng dãi gió dầm mưa là một quán ngữ (cũng có dạng khác : dãi nắng dầm mưa, dãi gió dầm sương...), được đối bằng ngậm chua nuốt đắng là một biến thể của một quán ngữ khác (dạng thường gặp : ngậm đắng nuốt cay hoặc ngậm cay nuốt đắng). Trong tiếng Việt có cả hình dung từ kép chua cay (hoặc cay chua), cay đắng (hoặc đắng cay), nhưng không thấy có chua đắng. Ở đây tác giả dùng hai chữ chuađắng để nhắc lại việc Chúa Giêsu phải nếm dấm chua (xem Mat-thêu 27:48) mật đắng (xem Mat-thêu 27:34) khi chịu khổ hình thập tự giá.

            Ngoài những kiểu trên, tất nhiên còn nhiều kiểu chơi chữ khác, nhưng vì chưa hẳn đã thích hợp với các câu đối nhà Đạo, nên xin không bàn thêm.


-xXx-


Linh mục sáng lập giáo xứ Nam Đồng là Cha cố Vicente Nguyễn Hòa Định. Ngài đích thật là một mục tử nhân hậu, suốt đời lo cho đoàn chiên không chỉ về phần hồn, mà cả phần xác. Khi qua đời, thậm chí ngài không có dù chỉ một bộ y phục lành lặn. Nay không riêng giáo dân giáo xứ Nam Đồng, mà cả các giáo xứ khác như Trung Đồng, Thủy Giang, Hải Xuân, Phước Thành... ở Vũng Tàu, Long Kiên (Bà Rịa), Bến Nôm, Cây Gáo (Xuân Lộc)... vẫn nhắc tới ngài với một sự trân trọng quý mến. 

Dịp Tết Giáp Dần 1974, người viết bài này có tặng Cha cố Vicente một đôi câu đối viết bằng Chữ Nôm


[c. 43] Nào màng lạc thú trần gian,

               vì một chứ trăm năm rồi cũng hết ;
Chỉ tưởng vinh quang thiên quốc,
              dẫu ngàn hay vạn tuổi cứ luôn còn.


Qua mùa Xuân Ất Mão 1975 năm sau – và từ đó trở đi cho đến thời gian gần đây – tại Thánh Đường Giáo xứ Nam Đồng, hầu như mùa Phụng vụ nào trong năm (mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, mùa Chay, mùa Phục Sinh), hoặc những dịp đại lễ, một số lễ kính các thánh (bổn mạng Giáo xứ, các giáo họ...), người viết bài này cũng thường làm một cặp câu đối treo trên gian Cung thánh theo các chủ đề mục vụ. Ở đây xin giới thiệu một số trong những câu đối còn nhớ hoặc còn lưu lại.

            
Mùa Giáng Sinh

[c. 44]      Mọi dân trên khắp địa cầu 
                      đã thấy ơn cứu độ ;
                Ngôi Lời có từ nguyên thuỷ 
                      nay ở giữa chúng ta. (1994)

         Đôi câu này vế trên lấy gần như nguyên văn câu Kinh Thánh từ Thánh Vịnh 98:3 (97:3) ; vế dưới lấy ý từ đoạn Tin Mừng Gio-an 1:1-14.


[c. 45] Tỉnh thức sẵn sàng chờ Cứu Chúa ;
           Sửa sang tề chỉnh đón Con Người. (1995)


            Khi về nhận xứ Nam Đồng, Cha cố Gioan Maria Phạm Anh Thân, cha chính xứ thứ hai của giáo xứ, luôn quan tâm đến đoàn chiên được giao phó, cách riêng là những gia đình khó khăn, những người già cả, neo đơn. Ban đầu, thấy có người già lão rách rưới đến nằm nghỉ trưa dưới mái hiên nhà thờ, ngài thăm hỏi, giúp đỡ. Sau đó, ngài lập ra nhà Dưỡng lão để thu nhận họ về chăm sóc. Nhà Dưỡng lão của giáo xứ coi như chính thức thành lập từ năm 1995 và vẫn tồn tại tới nay. Đối với những gia đình khó khăn khác, không kể là Công giáo hay không, Cha cố Gioan chẳng những kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đoàn giáo xứ, ngài còn có các kế hoạch giúp đỡ cụ thể, hoặc âm thầm đến với họ, hoặc giúp đỡ chung trong các dịp đặc biệt như Giáng sinh, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu... Ngài còn mở các lớp học tình thương cho con em những gia đình khó khăn đến học, rồi liên hệ với các trường công lập tại địa phương thu nhận các học sinh này.

            Theo tinh thần của Cha cố, liên tiếp các năm từ 1996, chủ đề cho câu đối Giáng Sinh luôn hướng về người nghèo :



[c. 46]      Là đoàn con cái tội tình,
                                       ta được Chúa thương ở lại ;
                 Nơi những anh em nghèo khó,
                                       Chúa mong ta tiếp đón về. (1996)


[c. 47]     Tin Mừng cứu rỗi
                     truyền rao cho kẻ khó nghèo ;
                Mầu nhiệm nước trời
                     mặc khải với người hèn mọn. (1997)
  

[c. 48]   Thương kẻ khó nghèo, 
                    Đức Chúa nên nghèo khó ;
            Nêu gương yêu mến, 
                    Thánh Gia trọn mến yêu. (1998)

            Năm 1998 này Giáo xứ trang hoàng cổng Nhà thờ với đôi câu đối treo ở hai cột cổng :

[c. 49]  Lòng Đức Chúa yêu thương 
                   các tầng trời ca tụng ;
           Ơn Ngôi Lời cứu độ 
                   toàn cõi đất hân hoan.




            Nối tiếp chủ đề hướng về người nghèo nhân mừng lễ Chúa giáng trần :

[c. 50]       Chúa chọn kiếp khó nghèo,
                        con lại khinh người nghèo khó ;
                  Chúa nêu gương yêu mến,
                         con chưa sống đức mến yêu

[c. 51]       Chúa đến với đoàn con
                         đã nêu gương phục vụ ;
                 Con mừng sinh nhật Chúa
                         phải sống đức yêu thương. (2000)

[c. 52]       Thương kẻ khó nghèo,
                         nên Chúa sinh ra nghèo khó ;
                  Được Ngài yêu mến,
                         sao tôi chưa sống mến yêu ? (2002)


[c. 53]       Loan báo Tin Mừng 
                       là sẻ chia điều nhận lãnh ;
                 Đón mừng Cứu Chúa 
                       phải thi hành đức mến yêu. (2003)

[c. 54]       Sinh ra khốn khó âm thầm,
                         Chúa muốn được con san sẻ ;
                 Từ bỏ khoe khoang hợm hĩnh,
                         con xin học Chúa khiêm nhu. (2004)

       Đôi câu sau đây là một biến thể từ đôi câu treo ở hai cột cổng Nhà thờ năm 1998 trên kia :

[c. 55]       Ngôi Lời ở giữa chúng nhân, 
                       khắp cõi trời thờ kính ;
                  An bình xuống cho trần thế, 
                        cả trái đất mừng vui. (2005)


Mùa Chay

[c. 56]      Người ta còn sống bằng lời Chúa
                       không chỉ bằng cơm ;
                Thống hối hãy nên xé tâm hồn
                       có đâu xé áo

            Đôi câu này cũng lấy trong Kinh Thánh : vế trên từ câu Mat-thêu 4:4 ; vế dưới câu Jô-el 2:13. 

         Xin được nói thêm về đôi câu này.

            Nguyên bản dịch trong Sách Bài Đọc Mùa Chay và mùa Phục Sinh, 1970 (t. 15, 17, 19...), là : Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Chữ bánh là để dịch panis của bản Latin (Non in solo pane vivit homo...). Tuy nhiên trong Kinh Lạy Cha cũng gặp chữ panis này : Panem nostrum quotidianum da nobis hodie, và hẳn đã làm các đấng các bậc lúng túng khi phải dịch ra tiếng Việt, vì người Việt dùng bữa thì món cơm là chủ yếu chứ có phải là bánh đâu. Thử xem Kinh Lạy Cha tiếng Việt trong Thánh Giáo kinh nguyện [bản chữ Nôm], quyển chi nhất, trang 5b : Kinh Thiên Chúa sau đây :


            Chúng tôi lạy thiên địa chân Chúa ở trên trời là Cha chúng tôi. Chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy. Chúng tôi xin Cha cho chúng tôi hằng ngày dùng đủ, mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi vậy ; xin chớ để chúng tôi sa chưng cám dỗ, bèn chữa chúng tôi chưng sự dữ. Amen. (xem hình chụp).

            Trong câu in đậm, chẳng thấy chữ nào dùng để dịch chữ panis (panem) cả !

            Sau này (trước Công đồng Vaticanô II), Kinh Lạy Cha có thay đổi một chút. Bản sau đây căn cứ vào bản Kinh Lạy Cha khảm tại một trong khoảng 150 Kinh Lạy Cha bằng các ngôn ngữ khác nhau tại Thánh Đường Pater NosterJerusalem, được biết là do đức cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đặt khắc :


            Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy. Xin Cha cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ, và tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi, lại chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi dự dữ. Amen.

            Cũng như bản cũ thôi.

            Đến sau Công đồng Vaticanô II, được phép dùng tiếng bản xứ trong thánh lễ Missa, Uỷ ban Giám mục về Phụng vụ Việt Nam dịch bản Sách lễ Rôma mới, ban hành năm 1971, có Kinh Lạy Cha (t. 532) với dạng gần như hiện nay :

            Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng tôi hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi, xin chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng tôi cho khỏi sự dữ.

            Đến bản này mới thấy có chữ để dịch panis, nhưng chữ đó không phải là bánh (như trong Sách Bài Đọc), mà là một danh từ rất chung : lương thực. Bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng vụ năm 2011 cũng dịch câu in đậm trên hệt như thế (chỉ thay tôi bằng con). Điều đó quá đúng. Lương thực (chính) với những dân tộc ăn bánh thì dịch panis ra bánh là điều không có gì phải bàn cãi (người Anh còn kiểu nói my bread and butter [= nhu cầu thiết yếu (về vật chất) của tôi]). Nhưng với những dân tộc khác như bên Á đông này, thì lương thực (chính) phải là cơm ! Bản dịch Kinh Lạy Cha của cha Nguyễn Thế Thuấn năm 1965 dịch (với riêng câu in đậm trên) là : Xin cho chúng tôi hôm nay cơm-bánh hằng ngày (cơm-bánh trong bản dịch của ngài có dấu gạch nối). Vậy thì dịch câu Non in solo pane...  mà bỏ hẳn bánh chỉ giữ lại cơm thì cũng không sai. Vả chăng cơm ở vế trên còn để đối với áo (vestimenta trong bản Latin) ở vế dưới nữa. Ngoài ra, non ở vế dưới trong bản Latin (Et scindite corda vestra, et non vestimenta vestra) được dịch bằng lối phủ định gián tiếp thành có đâu để đối với không chỉ (non solo) của vế trên.

            Mùa Chay bốn năm sau, câu Jo-el trên được dùng lại với dạng gọn hơn để làm vế đối với câu tham chiếu sách tiên tri A-mos 5:14, như sau :

[c. 57]      Hãy xé tâm hồn cần chi xé áo ;
                Theo đường công chính, bỏ hẳn đường tà.

       Câu khác :

[c. 58]      Chúa muốn tình yêu, không cần hi lễ ;
                             Con thân đất bụi xin hối lỗi lầm. 

       Vế trên lấy gần như nguyên câu trong sách tiên tri Hô-sê 6:6.

[c. 59] Vinh quang trần thế
                 hư vô rất đỗi hư vô ;
            Thân phận con người
                tro bụi lại về tro bụi. (1998)

            Đôi câu này vế trên lấy từ Giảng viên 1:2, vế dưới theo ý của câu Sáng thế 3:19.

        Một đôi câu đối Mùa Chay khác lấy hai câu liền trong Tin Mừng Lu-ca : câu Lu-ca 6:36 cho vế trên và câu 37 cho vế dưới :

[c. 60]    Học xót thương cùng Đấng hay thương xót ;
                         Biết tha thứ để ta được thứ tha.

        Đôi câu này được treo lần đầu vào năm 2002, đến năm 2015 được dùng lại.

Mùa Phục Sinh


[c. 61]    Chiên Con chịu hiến tế
                   đã cứu chuộc đoàn chiên ;
               Tảng đá bị loại ra
                   nay trở nên đá góc. (1996)

            Vế trên lấy từ Ca tiếp liên (Sequentia) Chúa Nhật Phục sinh, vế dưới là câu Thánh Vịnh 97:22 (98:22).

[c. 62]    Từ máu Chiên Con
                  chan chứa nguồn ơn cứu độ ;
               Cuối đường thương khó
                   rạng ngời ánh sáng phục sinh. (1997)

            Vế trên từ Thư 1 Phêrô 1:18-19, vế dưới từ Tin Mừng Luca 24:26.

            Các câu đối mùa Phục sinh khác :

[c. 63] Tin Mừng cứu độ
                món quà không để giữ riêng ;
            Ánh sáng phục sinh :
               ơn gọi phải nên người mới. (1998)

[c. 64] Trong máu Chiên hiến tế
                Chúa Cha hoà giải tội nhân ;
            Nhờ nước mạch tái sinh
                tín hữu trở nên nghĩa tử. (1999)


[c. 65]       Hãy tìm kiếm Nước Trời
                         nơi Chiên Con hiển trị
                  Xin canh tân con cái
                          nhờ mầu nhiệm Phục Sinh. (2001)

          Vế trên lấy gần nguyên văn trong thư Cô-lôs-sê 3:1-4

            Một cặp nữa đã trình bày ở bài viết về THƯỜNG SINH VỚI TRƯỜNG SINH :

[c. 66]      Ánh sáng khải hoàn cuối đường thập giá ;
                            Chiên Con hiến tế mở lối thường sinh. 
               
Lễ Mình Máu Thánh Chúa (tại Nam Đồng thường cũng là thánh lễ tổ chức cho các thiếu nhi trong Giáo xứ rước Lễ lần đầu) :

[c. 67]      Mình Máu Ngôi Lời
                    vì mến yêu nên chia sẻ ;
                Tâm hồn thơ bé
                   đem trong trắng để tiến dâng. (14-6-1998)

[c. 68]     Tấm bánh trắng bẻ ra

                    liên kết muôn người nên một ;
               Dòng máu hồng chảy xuống
                    giao hòa Thiên Chúa cùng ta. (1999)

            Đôi câu đối dịp lễ ban bí tích Thêm Sức cho các thiếu nhi trong Giáo xứ năm 1996 :

[c. 69] Thương đoàn tín hữu
                 ơn thiêng Cha đổ xuống bảy nguồn ;
           Có Chúa Thánh Thần
                 phúc thật con chu toàn tám mối.


 Xuân :

            Câu đối về Xuân – Tết thì nhiều, kể từ năm đầu tiên có câu đối trong Thánh Đường Giáo xứ là năm 1975 trở đi, gần như năm nào cũng có câu đối tết. Nhưng vì không được lưu lại, nên không thể nhớ hết. Ở đây chỉ dẫn ra một số.

[c. 70]      Chúa xuống xuân hồng
                        tô điểm vũ hoàn rực rỡ ;
                 Con dâng năm mới
                        chúc khen danh thánh diệu kỳ.

            Câu đầu tiên này được dùng lại có lẽ hơn một lần nữa.

        Đôi câu đối Xuân năm 1980 :

[c. 71] Noi dấu Mẹ nhân lành
                mến Chúa yêu người là phúc thật ;
           Sống niềm tin bền vững,
               dậy men mặn muối để xuân nồng.

            Mến Chúa yêu người vốn là hai giới răn cột trụ của người Công giáo, trong khi men (phải làm dậy bột, xem Mt 13:33) và muối (phải mặn, xem Mt 5:13) đều là những điều Chúa Kitô đòi hỏi nơi những ai muốn theo Người.

            Năm 1994, đôi câu trên được viết lại với biến thể khác :

 [c. 72]      Noi dấu Mẹ hiền
                        mến Chúa yêu người, tròn phúc thật ;
                Sống niềm tin thật
                        trong thôn ngoài xóm ngát xuân hiền

         Đôi câu này dùng lối chơi chữ điệp : chữ “thật” cuối vế trên được lặp ở cuối đoạn đầu vế dưới ; đối lại, chữ “hiền” cuối vế dưới cũng là chữ điệp của chữ cuối đoạn đầu vế trên.

            Những câu đối Tết khác :

 [c. 73]      Xuân thái hoà nhuần thấm thánh ân
                        vũ trụ tưng bừng đổi mới ;
                Năm tươi mới chứa chan hồng phúc
                        tâm tư hoan hỉ giải hoà. (1995)

            Đôi câu trên đây cũng chơi chữ theo kiểu điệp tự : láy các chữ “hòa”“mới” ở các vị trí tương ứng.

            Đôi câu khác :

 [c. 74]   Men yêu mến dậy hương
                    khơi nguồn chân phúc ;
               Lời Tin Mừng toả sáng
                  rạng ánh thiều xuân. (1996)

     Năm 1998 được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ấn định là năm Chúa Thánh Thần, năm thứ hai chuẩn bị đón Năm Thánh 2000. Câu đối Tết là :

[c. 75]    Trong Thần khí Ngôi Ba
                 muôn vật chan hoà mạch sống ;
               Có Thánh Thần Thiên Chúa
                 mùa xuân dào dạt tình yêu.

      Đôi câu khác gọn hơn, dự định dán vào hai tấm bảng treo suốt năm trên gian Cung thánh nêu chủ đề học hỏi trong năm theo ý thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhưng lại không dán nữa :

[c. 76]   Thần khí đổ tình yêu phúc thật ;
             Thánh Linh ban sức sống xuân tươi. (1998)

     Năm 1999, năm kính Chúa Cha, năm thứ ba chuẩn bị đón Năm Thánh 2000 :

 [c. 77]      Chúa chính mạch tình yêu
                        đâu có tình yêu là có Chúa ;
                 Xuân nở hoa đức mến
                     cứ thêm đức mến lại thêm xuân

            Thời gian từ tháng 10-2002 đến tháng 10-2003 được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn làm năm Thánh Mẫu Mai khôi. Câu đối treo dịp tết 2003 :

[c. 78]    Sao Biển rạng ngời
                  soi nẻo chính về bến phúc ;
               Chuỗi hồng mầu nhiệm
                   đỡ thuyền con giữa sóng đời.

       Sao Biển, Sao Bắc (Sao Đẩu, Bắc Đẩu), Sao Mai là những kiểu nói chỉ Đức Mẹ Maria, rất quen thuộc trong Hội Thánh, đã được trình bày ở câu 35 trên. Trong Kinh Cầu Đức Bà còn có câu : Đức Bà như hoa hồng mầu nhiệm (Lat. : Rosa mystica). Câu này trong bản Chữ Nôm . Kinh Cầu Chữ Nho là  mà nhiều người Công giáo Việt Nam vẫn còn thuộc : Huyền nghĩa Mai khôi (hoặc Môi khôi). Tuy nhiên cả mai khôi lẫn hoa hồng hay được đọc chệch đi là mân côi hoặc văn côi / hoa hường. Đó là vì tự dạng của [mai / môi] với [mân / văn] rất giống nhau, không để ý dễ sai lầm, kiểu như chữ tác 作  đọc thành chữ tộ 祚 , chữ ngộ 遇  đọc ra chữ quá 過  vậy. Lâu dần cái sai quá mạnh, át cả cái đúng đi. Còn hồng đọc thành hường là do chuyện kị húy, cũng lâu dần thành quen thôi. Chuỗi hồng trước kia được gọi là chuỗi rô-sa-ri-ô theo Lat. là rosarius, chữ này vốn có nghĩa là vườn hoa hồng, tràng hoa hồng, dùng chỉ các kinh Kính Mừng được giáo hữu đọc kết liền với nhau thành chuỗi tượng trưng cho tràng hoa hồng dâng kính Đức Mẹ là một đóa hồng tuyệt mĩ. Kể ra thì dùng Đóa Hồng... ở vế dưới có lẽ đúng hơn, nhưng vì năm này cổ vũ việc lần chuỗi kính Đức Mẹ, nên Đóa Hồng... được thay bằng Chuỗi hồng... Dẫu sao thì vế này có nghĩa là nhờ dụng cụ là chuỗi hồng mầu nhiệm mà Đức Mẹ nâng đỡ cho thuyền con vượt qua sóng gió bão táp chốn khách đày này.

            Câu đối Tết năm 2004 :

 [c. 79]       Lời Chúa loan xa
                         rực rỡ xuân tươi khắp xứ ;
                  Lòng thương rộng mở
                         chứa chan phúc thật muôn nhà


            Thời gian tháng 10-2004 đến tháng 10-2005 được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn là Năm Thánh Thể. Đề tài học tập trong năm là “Giáo hội sống mầu nhiệm Thánh Thể” (xem tông thư Mane nobiscum Domine [= Lạy Chúa hãy ở lại với chúng con], 7-10-2004, số 2). Tiêu ngữ này (dĩ nhiên là trong tiếng Việt) được dùng nguyên vẹn làm vế thứ hai trong đôi câu đối Tết treo tại Thánh Đường năm 2005 :

[c. 80]       Chiên Con ban Bí tích Tình Yêu ;
                  Giáo hội sống mầu nhiệm Thánh Thể.

     Câu đối Tết năm 2007 : 

[c. 81]        Chúa là hoan lạc tuổi xuân con
                           lại tặng ban Lời hằng sống ;
                   Con được dồi dào ơn phúc Chúa
                           phải chu toàn đức mến yêu

     Đến xuân 2015, ba ngày đầu năm âm lịch đều có câu đối :

Ngày Mồng Mộtcầu bình an cho Năm Mới :

[c. 82]         Chúa đổ ơn : Xuân tràn phúc lộc ;
                    Người thương nhau, tuổi thắm bình an.

Ngày Mồng Haicầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ :

[c. 83]         Tiên tổ gieo trồng cây phúc đức ;
                    Cháu con vun đắp gốc yêu thương.

Ngày Mồng Ba – thánh hoá công ăn việc làm :

[c. 84]         Nén bạc sinh lời khi phục vụ ;
                    Việc làm kết trái bởi yêu thương.

Lễ Thánh Gia – Bổn Mạng Giáo xứ

[c. 85]         Yêu Chúa tình yêu 
                         trong tiệc thiêng mầu nhiệm ;
                   Sống Lời hằng sống 
                        theo gương sáng Thánh Gia. (1996)

Tháng Năm – tháng hoa

[c. 86]    Hoa lòng ngát toả hương
                    con thảo tiến dâng Đức Mẹ ;
              Sao biển hằng soi lối
                   Mẹ hiền che chở đoàn con.

            Đôi câu trên đây, không nhớ treo vào năm nào, cũng chơi chữ điệp : láy “Mẹ”“con”.

            Câu dưới đây dùng dạng điệp từ tương tự :

 [c. 87]        Con dâng Mẹ ngàn hoa :
                                            trong sạch, đơn sơ, ngay thẳng ;
                   Mẹ dạy con muôn đức :
                         mến yêu, vâng phục, cậy tin. (1999)

            Đôi câu treo dịp tháng hoa năm 2015 :

[c. 88]        Đoá hoa yêu mến con dâng tiến ;
                   Sao Biển rạng ngời Mẹ dẫn soi

Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời

[c. 89]     Kính mừng Đức Mẹ cao quang
                    đã khải hoàn trên thiên quốc ;
                Cứu vớt đoàn con bé nhỏ
                     đang chao đảo giữa biển đời. (1996)

            Năm 1998 được HĐ GM VN chọn làm năm Thánh Mẫu La Vang (từ 1-1-1998 đến 15-8-1999). Câu đối treo lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời năm 1998 :

[c. 90]       Quê thật trời cao, 

                       Đức Mẹ khải hoàn hồn xác ;
                 La Vang xóm nhỏ, 
                      Nữ Vương phù hộ đoàn con

         Câu kết thúc Năm Thánh Mẫu La Vang, ngày 15-8-1999 :

[c. 91]       Hồn xác lên trời, 
                         Thánh Mẫu dư đầy ơn cả ;
                  La Vang xuống phúc, 
                         Đức Bà phù hộ đoàn con

         Đôi câu năm 2005 :

[c. 92]        Kính mừng Mẹ khải hoàn 
                         muôn huy hoàng cõi phúc ;
                  Đoái thương con lưu lạc 
                        ngàn sóng gió biển đời

      Đôi câu trên đây sau được viết gọn lại :

[c. 93]        Kính mừng Mẹ khải hoàn quê phúc ;
                   Cứu vớt con chìm đắm biển đời. (2015)

Tháng Mười – tháng Môi Khôi

[c. 94]        Con thân lữ thứ nhọc nhằn
                            Mẹ luôn dắt dìu che chở ;
                   Con gặp gian nan đau khổ
                             Mẹ hằng nâng đỡ ủi an. (1997)

[c. 95]     Kính mừng Đức Mẹ đầy ân
                    đã cưu mang Con Một Chúa ;
                Cứu giúp đoàn con yếu đuối
                    đang bơ vơ chốn khách đày. (1998)

[c. 96]    Dâng Mẹ hằng ngày : 
                    chuỗi hồng mầu nhiệm ;
              Soi con từng bước : 
                   Sao Bắc rạng ngời. (1999)

            Con lần chuỗi mỗi ngày dâng lên Mẹ vì yêu Mẹ, trong khi lúc nào Mẹ cũng dõi theo con từng bước trong cuộc sống vì thương con.


Lễ Thánh Giuse Thợ + Mình Máu Thánh Chúa (năm 1999)

            Đôi câu dưới đây được làm nhân dịp mừng lễ thánh Giuse Thợ, đồng thời tổ chức cho các em thiếu nhi xưng tội rước Lễ lần đầu năm 1999 tại Giáo xứ Trung Đồng, theo yêu cầu của Cha cố Gioan Maria (khi ấy ngài quản nhiệm thêm giáo xứ Trung Đồng) :

[c. 97]         Mọi ngày chúc tụng danh Người
                            đã vác gánh đời nặng nhọc ;
                   Muôn thuở ngợi khen ơn Chúa
                            thương ban Mình Thánh giao hoà.


Lễ Truyền Tin + Thánh Giuse - 1997

[c. 98]    Tình thương Đấng Tối Cao 
                     đời đời luôn bền vững ;
               Dòng dõi người công chính 
                     mãi mãi được bảo tồn.


Lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô – Phaolô

[c. 99]     Đá móng Phêrô
                                    dựng xây Hội Thánh tông truyền ;
               Giáo huấn Phaolô
                                    bảo vệ đức tin duy nhất. 

[c. 100]    Bỏ lưới Galilê
                    nên Đá móng dựng xây Hội Thánh ;
                 Buông gươm Damas(cus)
                    đem Tin Mừng giảng dạy muôn dân

            Hai câu này, và câu mừng hai thánh là hai mẹ con dưới đây, có dùng đến tiếng nước ngoài. Viết lại đôi câu 100 này, các mẫu tự cus để trong ngoặc là muốn cho cân về âm đọc mà thôi (vì thực tế, hai địa danh này trong các ngôn ngữ hầu như có số vần khác nhau : Lat. : Galilæa – 4 vần / Damascus – 3 vần ; F. : Galilée – 3 vần / Damase – 2 vần, Es. : Galilea – 4 vần / Damasco – 3 vần...). Còn trong câu đối, GalilêDamas được dán liền mạch không có dấu gạch nối, thì cũng chỉ coi là hai danh từ.

Thánh Monica – Augustinus - 2001

[c. 101]     Vững chí cậy ơn thiêng
                        Monica nêu gương hiền mẫu ;
                  Hồi tâm theo nẻo chính
                                         Augustin nên bậc thánh nhân.


      Lễ Ngân khánh Linh mục – Cha cố Gioan Maria Phạm Anh Thân (21-6-1998) :

[c. 102]    Ngài sai tôi báo Tin Mừng
                       cho những người nghèo khó ;
                 Thầy chọn con trong trần thế
                       để nên chứng Phúc âm.

            Cha cố Gioan Maria thi hành sứ vụ tại giáo xứ Nam Đồng từ 1992 cho đến khi từ trần tại đây năm 2005. Trong đôi câu trên, vế đầu là câu Tin Mừng Lu-ca 4:18, cũng là câu I-sa-i-a 61:1 ; vế sau từ câu Tin Mừng Gioan 15:16.



Lễ mở tay – Cố Lm Phaolô Phạm Trọng Phương

[c. 103]         Chúa cất nhắc tôi từ nơi đất bụi ;
                    Tôi phụng sự Chúa trong nỗi hân hoan.

            Cố linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương từng là thầy giúp xứ tại Giáo xứ Nam Đồng từ tháng 7 năm 1993. Đến ngày 25 tháng Một (lễ kính thánh Phaolô Tông đồ trở lại), năm 1999, ngài được thụ phong linh mục. Sau đó ngài được bổ nhiệm là linh mục chính xứ Hoà Thuận, Giáo phận Xuân Lộc (sau này, cũng như Giáo xứ Nam Đồng, được tách ra khỏi Giáo phận Xuân Lộc và thuộc Giáo phận Bà Rịa). Đến năm 2008, ngài được bổ nhiệm về lại giáo xứ Nam Đồng làm linh mục chính xứ thay cha Đa-minh Ngô Ngọc Giáp.

            Sau khi thụ phong linh mục, ngài đã cử hành lễ mở tay tại Giáo xứ Nam Đồng ngày 26 tháng Một, năm 1999. Đôi câu đối trên treo trong thánh lễ mở tay, vế trên lấy từ câu Thánh Vịnh 112:7 (113:7) ; vế dưới là tiêu hiệu linh mục ngài chọn khi thụ phong. Nguyên câu này cũng là một câu Thánh Vịnh : câu 99:2 (100:2) ; trong Latin nó ở dạng mệnh lệnh : servite Domino in laetitia [= hãy phụng sự Chúa trong niềm hân hoan]. Còn câu tiếng Việt cha Phaolô chọn là : Phụng sự trong hân hoan, và vì đây là tiêu hiệu của ngài, nên có thể hiểu chủ từ của động từ phụng sự chính là Cha Phaolô, do đó trong vế đối dùng chữ tôi, láy lại tôi ở vế trên, và dùng lại Chúa trong câu Thánh Vịnh làm đối từ trực tiếp, cũng láy lại từ vế trên, xếp vào các vị trí ứng nhau trong hai vế.

Lễ giỗ đầu – Cố Lm Gioan Maria Phạm Anh Thân – 2006

[c. 104]       Trung trinh yêu Chúa đến tàn hơi
                         giờ luôn mãi ở trong thánh điện ;
                  Tận tuỵ thương người không tiếc sức
                         nay thảnh thơi lên tới cao sơn.


            Lễ Các Thánh

[c. 105]     Họ ra trước ngai vàng
                         từ khổ đau to lớn ;
                  Người được lên núi thánh
                         đều lòng trí thẳng ngay. (1995)

            Cả hai câu lấy từ Bài đọc, Đáp ca trong Thánh lễ hôm đó. Vế trên từ sách Khải huyền 7:14, vế dưới từ Thánh Vịnh 23:3-4.


Tháng 11 – tháng cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời


[c. 106]     Con người cũ chịu thập hình
                      huỷ diệt xích xiềng tội lỗi ;
               Thành thánh mới nơi thiên quốc
                    tuôn trào nguồn mạch tác sinh.

            Vế trên lấy từ thư Rô-ma, 6:6. Vế dưới từ Khải huyền, các đoạn 21, 22 hoặc tiên tri Ê-zê-ki-el đoạn 47. Đôi câu này không nhớ treo vào năm nào.

       Đôi câu sau đây được treo từ 2-11-1995 đến suốt tháng (riêng ngày 1-11 năm này đã treo đôi câu số 105 trên) :

[c. 107]     Gia nghiệp ngàn đời
                      ban tặng người được Cha chúc phúc ;
                 Ánh quang muôn thuở
                     chiếu soi hồn những kẻ tin lời.

            Vế trên từ Tin Mừng Mat-thêu 25:34, vế dưới từ sách 4 Esdras  2:35.

            Xin được nói đôi chút về quyển 4 Esdras. Đây là một trong số các sách Ngoại thư quy (tiếng Anh : extra-canonical books), dù có trong bản dịch Latin của thánh Hiêrônimô (các bản dịch Kinh Thánh Công giáo tiếng Việt đều không có). Sách này là sách Ngoại thư quy duy nhất được trích đọc, và chỉ dùng có 4 câu là các câu 2:34, 35, 36 và 37. Trong 4 câu này, các câu 34 và 35 rất quen thuộc đối với giáo dân Việt Nam, cả bản văn bằng Việt ngữ : Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi trên họ, cũng như bản văn Latin : Réquiem ætérnam dona eis, Dómine, et lux perpétua lúceat eis, vì theo nghi thức Thánh Lễ cũ (trước Công đồng Vaticano II), các câu đó được hát đi hát lại trong Thánh lễ An táng (và trong lễ Giỗ, lễ Cầu cho các linh hồn thường ngày) : Ca Nhập lễ, Ca Tâm niệm (sau Bài Thánh thư), câu kết của bài hát khi làm phép huyệt mộ, lời xướng đáp của chủ sự với cộng đoàn trước hạ huyệt. Sau Công đồng, các câu này vẫn dùng làm Ca Nhập lễ trong thánh lễ an táng cũng như trong Lễ nhì ngày 2-11, và cũng trong Lễ nhì đó, hai câu này còn được dùng làm Ca Hiệp lễ theo tự đảo lại : 4 Esd 2:35 34. Hai câu tiếp theo, 4 Esd 2:36-37, trước Công đồng dùng làm Ca Nhập lễ của ngày Thứ Ba sau Chúa Nhật Hiện xuống, sau Công đồng được dùng làm Ca Nhập lễ trong Chúa Nhật tuần II mùa Phục sinh.

            Đôi câu đối trên đây đến năm 1997 được viết gọn hơn thành :

[c. 108]     Gia nghiệp tặng ban người mến Chúa ;
                  Ánh quang soi chiếu kẻ tin Lời.

            Đôi câu khác treo trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn :


[c. 109]       Từ vực thẳm sâu
                         con hướng tâm hồn lên Chúa
                  Về quê phúc thật
                         Chúa là gia nghiệp của con

            Câu đối này cũng được làm theo lối tập cú. Vế trên là câu Thánh Vịnh 25 (24):1. Vế dưới : Thánh Vịnh 16 (15):5.

Trướng tang Giáo xứ Nam Đồng

            Năm 2000, Giáo xứ may một bộ liễn trướng dùng trong các dịp tang. Liễn gồm hai đôi thêu chữ chân phương rõ ràng, không dùng kiểu chữ giả triện, hoặc kiểu giả thảo (mà thường được gọi hoặc "tự phong" cách "giả danh" là "chữ thư pháp" !) :

[c. 110]      Họ đến ngai Cha từ thống khổ ;
                 Ai lên núi Chúa phải ngay lành.

       Đôi câu này là đôi câu treo dịp lễ Các Thánh 1995 (c. 105 trên) được viết lại.


           Đôi câu thứ hai trong bộ liễn :

[c. 111]      Con hướng linh hồn lên tới Chúa ;
                 Ngươi về thiên quốc ở cùng Ta.

            Đôi câu này, cũng như đôi câu trên, đều thuộc loại tập cú. Vế trên : lấy trọn câu Thánh Vịnh 24:1 (25:1) ; vế dưới : lời Chúa Giêsu nói với người tử tội cùng chịu treo thập tự giá có lòng thống hối : Quả thật ta bảo ngươi : ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên quốc làm một cùng ta, Tin Mừng Luca 23:43.

Khai mạc Năm Thánh Giáo Xứ

            Đôi câu treo nhân dịp khai mạc Năm Thánh mừng 50 năm thành lập Giáo xứ, mà thánh hiệu là Thánh Gia Thất, đồng thời là Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót của Giáo hội hoàn vũ (2015 – 2016) :

[c. 112]         Vâng lời Thiên Chúa Cha : thương xót ;
                    Noi dấu Gia đình Thánh : cậy tin.

Năm Đức Tin 2012 - 2013


[c. 113]     Lời Thiên Chúa loan xa

                     cho Danh Thánh rạng ngời khắp thế ;
                 Cửa Đức Tin rộng mở
                     để đoàn con nhận lãnh muôn ơn.


-xXx-



            Sau đây, xin lục lại bài Chúc Xuân Ất Dậu 2005 của cùng người viết, phần đầu là lời cảm tạ dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa, tản văn, phần sau gồm toàn những cặp câu đối chúc xuân các vị : Cha Chính xứ Gioan Maria, Cha Phụ tá Phaolô, (đây là Cha Phaolô Nguyễn Văn Châu, linh mục dòng Chúa Cứu thế, vốn là giáo dân giáo xứ Trung Đồng, thụ phong ngay ngày đầu tiên của thế kỉ mới, 1-1-2001, được cử về giúp Cha cố Gioan Maria trông coi hai giáo xứ Nam Đồng và Trung Đồng), quý Soeur Đa-minh (vốn đã liên tục giúp giáo xứ từ những ngày đầu lập xứ), các giới, các hội đoàn, ban Hành giáo Giáo xứ. Nguyên văn :




            Kính lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Thiên Chúa muôn trùng cao cả, chí thánh, chí tôn, Chúa vừa ban cho chúng con trải qua giờ khắc giao thừa để đón nhận thêm một mùa Xuân mới. Những xao xuyến bồi hồi trong tâm tư chúng con vừa tạm lắng, để giờ đây, trong ngôi thánh đường thân yêu, dù đơn sơ khiêm tốn, nhưng lại là nơi cực thánh hơn bao công trình bề thế, vì là nơi Chúa Tể càn khôn náu thân, chúng con tụ họp quây quần bên Chúa, cùng nhau thưa lên Chúa tiếng gọi "Cha ơi", cùng nhau dâng lên Chúa lời ngợi khen, chúc tụng, tôn vinh, tri ân và cảm mến.

            Chúng con cảm tạ Thiên Chúa Cha toàn năng vô đối, vì tình yêu thương đã tác tạo thế gian, lại dựng nên chúng con làm người giống hình ảnh Chúa, linh ư vạn vật, chỉ kém các Thiên Thần một mảy may.

            Chúng con cảm tạ Chúa Giêsu Kitô Thiên Chúa Ngôi Lời, vì tình yêu thương đã nhập thể, để không chỉ một lần hiến tế trên thập giá, mà còn hiến thân làm thần lương nuôi dưỡng chúng con trên đường lữ thứ.

            Chúng con cảm tạ Thánh Thần Thiên Chúa Ngôi Ba, Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, vì tình yêu thương đã tác sinh muôn vật, ban sự sống cho cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc, cho chim bay trên trời, cá lội dưới nước, muông thú chạy nhảy ngoài đồng nội, tất thảy đều là quà tặng cho loài người chúng con.

            Muôn muôn lạy Chúa, Đấng vô thuỷ vô chung, Đấng mà trời đất chứa chẳng hết, chỉ vì tình yêu mà nay đành chịu thời gian và không gian giam hãm, biến hình trong tấm bánh, ngự nơi nhà tạm đơn sơ. Muôn lạy Chúa, chúng con mọn hèn, cảm tạ sao cho đủ ! Chúng con chỉ xin làm một nốt nhạc nhạt mờ, hay có lẽ chỉ làm một dấu lặng nhỏ nhoi trong bản đại hoà ca của đất trời, của vũ trụ, để ca tụng tình yêu thương không bờ bến Chúa dành tặng chúng con. Chúng con thành khẩn nguyện cầu Chúa thương chúc lành, thánh hoá cho những ước nguyện đầu Xuân của chúng con.


            Thân thưa Cha Xứ muôn vàn kính yêu,

            Cộng đoàn chúng con cũng phải cảm ơn Cha, vì chính qua Cha, vị Linh Mục của Chúa Ki-tô, mang phẩm hàm của thượng tế Mel-ki-sê-đê, mà lời hứa Thiên Chúa đất trời đến ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế trở thành sự thực. Ngày đầu Xuân mới, chúng con xin kính chúc Cha :

[c. 114]      Tinh thần minh mẫn, sức khoẻ kiện khang,
                        nước mạch thần lương :
                        Thánh Thể một tay ban phát khắp ;
                 Tình mến dạt dào, lòng nhân quảng đại,
                        đồng xanh ân sủng,
                        đoàn chiên hai xứ dắt đưa về.

            Chúng con cũng xin kính chúc Cha Phụ tá Phao-lô :

[c. 115] Thánh Bổn mạng đã nên gương :
                rong ruổi mọi nẻo đường,
              Lời Hằng Sống rao truyền không quản ngại ;
            Người vô hạnh cùng làm bạn,
                miệt mài bao ngày tháng,
               ơn Thánh Thần tuôn đổ chẳng hao vơi.

            Chúng con lại xin kính chúc Bà Bề trên và quý Dì Đa-minh, cùng quý Dì hiện diện nơi đây :

[c. 116]        Gia nghiệp là Đức Chúa,
                          sắt son trung tín hiến dâng ;
                   Thân quyến chính tha nhân,
                          mau mắn ân cần phục vụ.

           Kính thưa cộng đoàn, thay mặt Ban Hành giáo, chúng tôi xin kính chúc quý cụ Cao Niên :

[c. 117]         Sống Tin Mừng chẳng lo âu,
                           trường thọ càng thêm hồng phúc ;
                    Làm việc lành không mệt mỏi,
                           cao niên mà vẫn thanh xuân.

            Xin kính chúc quý Hiền Mẫu và quý Gia Trưởng :

[c. 118]         Chung tay xây đắp gia đình,
                            chồng thuận, vợ hoà,
                            con cái thảo hiền ngoan ngoãn ;
                    Góp sức vun bồi làng xóm,
                            men nồng, muối mặn,
                            sáng đèn soi rọi toả lan.

            Xin thân ái chúc các Bạn Trẻ :

[c. 119]         Tuổi xanh vững niềm tin,
                            đi vào đời, đi với Chúa ;
                    Sức trẻ tràn nhựa sống,
                            dám hi sinh, dám quên mình.

            Lại xin Chúa ban cho các Thiếu Nhi trong Giáo xứ :

[c. 120]         Trắng trong tựa giọt sương mai,
                          nhỏ bé, đơn sơ,
                          yêu kính Giê-su Thánh Thể ;
                    Rạng rỡ như tia nắng sớm,
                          chuyên cần, hiếu đễ,
                           đỡ đần cha mẹ, anh em.

         Xin kính chúc Huynh đoàn Giáo dân Đa-minh, Hội Cầu nguyện, các bạn Giáo lí viên :

[c. 121]          Thấy Chúa trong mọi người,
                              giúp đỡ chẳng nề vất vả ;
                     Yêu người vì mến Chúa,
                              dấn thân không ngại nhọc nhằn.

            Xin kính chúc hai ca đoàn, hội kèn, đội trống trắc :

[c. 122]          Rộn ràng tiếng nhạc,
                             ngợi khen Đức Chúa uy quyền ;
                    Réo rắt lời ca,
                             phục vụ mọi người thân ái.

            Xin thay mặt Ban Thường vụ, xin kính chúc toàn thể Ban Hành giáo Giáo xứ :

[c. 123]       Đầy tớ bất tài,
                             nhờ ơn Chúa hộ phù,
                             gắng sức chu toàn bổn phận ;
                   Bộc công vô dụng,
                             được lương thần nuôi dưỡng,
                             quyết tâm phục vụ cộng đoàn.

        Sau hết, xin kính chúc toàn thể cộng đoàn Giáo xứ Nam Đồng chúng ta luôn được :

[c. 124]       Noi gương mẫu Thánh gia : tin, cậy ;
                   Sống hiến chương Thiên quốc : mến yêu.

            Giờ đây, thân thưa Cha Xứ muôn vàn kính mến, cộng đoàn chúng con kính dâng lên Cha những đoá hoa Xuân đượm muôn hương mới. Kính xin Cha nhận lấy cùng với những lời chúc mừng của đoàn con.

-xXx-


             Nhân thể xin lục lại đây bài Chúc Xuân Quý Mùi 2003 cũng của cùng người viết. Bài này làm theo thể văn vần (lục bát). Trong bài có lời chúc hai Cha khác : Cha Phaolô là Cha Nguyễn Văn Châu đã nói trên, còn Cha Giuse là Cha Trịnh Văn Thuận, vốn cũng từng là thầy giúp xứ Nam Đồng từ năm 2000, thụ phong linh mục ngày 11-4-2002, sau đó vẫn tiếp tục giúp Cha cố Gioan cho đến khi đi nhận xứ mới vào tháng 3 năm 2003.




      Ánh Xuân rực rỡ huy hoàng,
Hương Xuân thanh khiết toả lan đất trời.
      Họp nhau đây trước Thánh Đài,
Đoàn con thành kính dâng lời tạ ân :
      Chúa ban thêm một mùa Xuân,
Điểm tô vạn vật thanh tân yêu kiều.
      Khẩn cầu Thiên Chúa tình yêu
Tác thành, thánh hoá bao điều nguyện xin.

       Xuân về kính chúc Cha hiền :
Chúa ban ân sủng : phúc diên, thọ trường ;
       Trí minh mẫn, lực kiện khang,
Lòng nhân rộng rãi, tình thương dạt dào ;
       Đoàn chiên hai xứ Chúa trao
Dắt về đất sữa mật trào thơm tho.

       Xin kính chúc Cha Phao-lô :
Càng thêm giống Thánh Tông Đồ lương dân ;
       Dư đầy ơn Chúa Thánh Thần,
Gian nan chẳng ngại, nhọc nhằn chẳng e.

        Xin kính chúc Cha Giu-se :
Ơn thiêng Thiên Chúa chở che đêm ngày ;
        Phục tuân Thần Khí Chúa sai,
Tin Mừng rao giảng miệt mài quản chi !

        Cùng xin kính chúc quý Dì :
Trọn đời tận hiến chỉ vì tình yêu ;
        Chúa ban lòng mến thêm nhiều,
Dấn thân phục vụ, bước theo chân Ngài.

        Chúc Ban Hành giáo mọi người :
Nên như khí cụ an vui Chúa dùng,
        Nối tình bác ái, hiệp thông,
Chung xây Giáo xứ Nam Đồng đẹp thêm.

        Kính chúc quý Cụ Cao Niên :
Lòng Tin, Cậy, Mến : một niềm chẳng phai ;
        Tuổi càng cao, đức càng dày,
Gương cho con cháu hằng ngày hằng trông.

        Kính chúc Gia Trưởng quý Ông :
Chúa ban ơn, xứng người chồng, người cha.
        Kính chúc Hiền Mẫu quý Bà :
Người vợ, người mẹ hiền hoà đảm đang.
        Vợ chồng mặn nghĩa tào khang,
Thuỷ chung gắn bó yêu thương trọn đời ;
        Cùng nhau dưỡng dục, vun bồi
Đàn con mơn mởn những chồi ô-liu ;
        Kinh Mai Khôi nguyện sớm chiều,
Sống Lời Chúa dạy : tình yêu vững bền.

        Mến chúc các Bạn Thanh Niên :
Chọn Giê-su : lí tưởng riêng đời mình ;
        Đường tương lai, Chúa song hành,
Dẫu êm đềm, dẫu chênh vênh sá gì !

        Mến chúc các Cháu Thiếu Nhi :
Những Giê-su nhỏ nhu mì, nết na ;
        Hết lòng hiếu kính mẹ cha,
Anh em thuận thảo, một nhà bình an.

        Xin kính chúc quý Hội Đoàn :
Các nhân đức Chúa càng ban bội phần ;
        Luôn nhìn thấy Chúa ẩn thân
Nơi anh em khắp xa gần để yêu ;
        Ngày ngày dâng Chúa huyền siêu
Lời ca tiếng nhạc dặt dìu ngợi khen ;
        Phục vụ Chúa trong anh em,
Chẳng nề vất vả, chẳng hiềm khó khăn ;
        Bên nhau nâng đỡ ân cần,
Cộng đoàn Xuân lại thêm Xuân từng ngày.

        Giờ đoàn con họp nơi đây,
Buổi Nguyên Đán, phút giây này linh thiêng,
        Cúi xin Thiên Chúa uy quyền
Cho thành sự những ước nguyền đầu Xuân.
        Nắng Xuân ấm áp trời Xuân,
Ý Xuân rộn rã, nhạc Xuân tưng bừng.
        Ngày Xuân lời vụng kính dâng,
Xin Cha nhận những chúc mừng đầu Xuân.

-xXx-



            Để kết bài viết này, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, người viết bài xin có một vế đối‎ mời các bạn đọc xa gần đối lại :

              Nơi tội lỗi đầy tràn lại chứa chan ân sủng
(Rô-ma 5:20)



 BÙI NGỌC HIỂN




MỘT VÀI CHÚ THÍCH

Quy ước đối với các chữ tắt về xuất xứ các cặp câu đối trích từ Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá.

Như đã trình bày, trong Thiên Chúa thánh giáo nhựt khoá, thiên thứ bảy [Đệ thất thiên] mang tên là Đồng niên tổng kinh văn [= Tóm các kinh đọc quanh năm] gồm 6 mục cùng với các kinh (chỉ kể các kinh được trích dẫn) sau đây :

I. Ca hát mùa Sinh Nhựt, có các kinh :

            2. Cứu thế toà trung [= Trong toà Đấng Cứu thế ; tên kinh tiếng Nôm trong sách là : Ớ máng cỏ] ;
            6. Đội ơn Chúa Cứu thế ;
            7. Hỡi mục đồng ;
            9. Lễ đặt tên Đức Chúa Giêsu ;
            10. Lễ Ba Vua, bài 1 : Tam Vương triều thị Cứu thế [= Ba Vua chầu Đấng Cứu thế].

II. Ca hát mùa Chay :

            2. Cám tạ kinh.

III. Ca hát mừng Phục Sinh :

            5. Lễ Đức Chúa Giêsu thăng thiên ;
            11. Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, bài 1 ;
            12. Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, bài 2.

IV. Ca hát Mình Thánh Chúa :

            1. Ớ núi thánh Sion (Lauda Sion).

V. Ca hát về Đức Bà :

            1. Lễ Đức Bà mông triệu ;
            2. Lễ Mông triệu ;
            3. Lễ Sinh nhựt Đức Bà ;
            4. Lễ Môi khôi ;
            5. Lễ Đức Bà phú mình vào đền thánh ;
            6. Kính mầng Đức Mẹ Chúa Trời ;
            7. Kính ngợi Đồng trinh Thánh Mẫu.

VI. Ca hát về các Thánh :

            2. Lễ ông thánh Phê rô cùng ông thánh Phao lô Tông đồ.

Do đó ký hiệu [c. 17] (7:III:12) : có nghĩa là :

            câu số 17 này trích từ Đệ thất thiên, mục III [Ca hát mùa Phục Sinh], kinh số 12 [Tán tụng ngôi cao Thiên Chúa].