Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ (002)

LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ
(tiếp theo)

路德聖母畧記

BÙI NGỌC HIỂN
phiên âm và chú thích


Kỳ 2


     Các số ghi trong bản phiên âm dưới đây nhằm dễ dàng so sánh đối chiếu với nguyên bản. Theo cách viết văn Hán – Nôm truyền thống, câu văn không hề có các dấu chấm câu, ngắt đoạn. Trong quyển truyện này, có một số dấu chấm, và khi ngắt đoạn (paragraphe) thì để cách ra một khoảng bằng với một chữ, mà không có sang dòng mới. Cách trình bày như thế làm hình thức của bản văn không được sáng sủa. Vì thế, trong khi phiên âm, chúng tôi xin thêm vào các dấu chấm câu, và sẽ xuống dòng mới khi cần ngắt đoạn.


     Số trong dấu { và } là số trang, số trong dấu [ và ] là số dòng tương ứng với nguyên bản, số trong dấu ( và) là số chú thích bên dưới. Như đã trình bày ở phần Giới thiệu, những điều này làm cho mạch theo dõi của người đọc bị ảnh hưởng ít nhiều. Rất mong quý bạn đọc lượng thứ.




{3}
[1] Khi trong họ có ai chết, thì mọi người phải đến đưa xác. Bằng nhà kẻ chết khó khăn, thì họ xin lễ, mua [2] ván lạt (7), cùng chịu các tốn phí cho.
     Ấy là về phần đàn ông thì làm vậy. Còn đàn bà thì hầu hết [3] mọi người cũng vào những họ đã lập riêng cho đàn bà. Trong các họ đã lập ra cho đàn bà, thì có một [4] họ danh tiếng hơn và đông người vào hơn, gọi là họ "Những kẻ làm con cái Đức Bà" (8). Kẻ vào họ ấy là [5] những con gái từ mười hai, mười bốn tuổi trở lên, là những người còn đồng trinh. Những kẻ ấy buộc nhau phải giữ [6] phép tắc nết na cho nhiệm nhặt, làm gương tốt cho người ta, và phải xưng tội chịu lễ các ngày lễ Đức Bà. [7] Ai nấy đều trọng họ ấy lắm, cho nên nhà nào có con gái mà không được vào họ ấy, thì cha mẹ lấy [8] làm xấu hổ. Hay là người nào đã vào họ ấy mà lỗi phép phải đuổi ra khỏi họ, thì cũng lấy làm điều [9] hổ thẹn nữa. Bởi người ta trong những họ ấy và siêng năng giữ các luật phép trong họ, cho nên dân Lộ-đức [10] có chế độ mỹ phong tục cùng sùng đạo lắm. Nhất là có lòng kính mến Rất Thánh Đức Bà cách riêng. Trong nhà...

Chú thích :

(7) ván lạt : cũng như hiện nay nói "gỗ lạt". Tuy nhiên ván lạt ở đây có nghĩa là quan tài.

(8) họ "Những kẻ làm con cái Đức Bà" : tiếng Pháp là (les) Filles de Notre-Dame, nhưng đây là tên của một hội dòng nữ (congrégation) ; có lẽ Hội NKLCCĐB là một dạng "dòng ba" của hội dòng này chăng, chúng tôi chưa tra cứu được. Trước ở VN, các giáo xứ thường cũng hay có hội "Con cái Đức Mẹ", có thể là tương tự với hội NKLCCĐB hơn.






{4}
[1] thờ Lộ-đức có bốn bàn thờ, mà bốn bàn thờ ấy đều chỉ về kính thờ Rất Thánh Đức Bà cả thay thảy.
[2] Người ta từ thuở còn bé đã nhận lấy Rất Thánh Đức Bà làm Mẹ, làm Quan thầy riêng mình, và giữ lòng trông [3] cậy kính mến Người cho đến trọn đời, cho nên Rất Thánh Đức Bà thương dân Lộ-đức cách riêng, và Người hiện [4] ra gần thành ấy nhiều lần thì chẳng lạ gì. Ấy là thành Lộ-đức và dân thành ấy đầu năm một ngàn tám [5] trăm năm mươi tám thì làm vậy. Nhưng mà cho ai nấy được hiểu cho tỏ những điều đã chép trong sách này, thì [6] ta còn phải thêm mấy điều này nữa.
     Vậy có con sông Ga-vô (9) chảy ở bên nam mà sang bên bắc đến [7] thành Lộ-đức, ở đấy mắc thành mắc núi, thì sông chảy ngoặt thước thợ (10) qua bên tây thành ; nước chảy xa bốn năm [8] ngày đàng mới xuống đến biển. Bên mạn nam tỉnh cuối phố, có một cầu đá bắc qua sông Ga-vô ở bên tây [9] sông. Khỏi cầu một ít người ta đã đào một cái sông con dài độ năm trăm ngũ (11). Đất ở trong khoảng sông cái [10] ra sông con cách nhau thì phẳng phiu, người ta thả cỏ cho trâu bò ăn. Bên bờ sông đào ấy, người ta đã...

Chú thích :

(9) sông Ga-vô : tên tiếng Pháp là Le Gave de Pau ; có thể thấy âm tiết ga trong phiên âm ứng với gave, còn âm tiết ứng với pau. Điều này cũng tương tự cách phiên âm từ "Đức Giám mục" từ tiếng Bồ-đào-nha là Bispo thành 曰無 đọc là "vít-vô" (hoặc "vít-vồ).

(10) ngoặt thước thợ : thước thợ tức là thước góc vuông, tiếng Pháp là équerre, mà trong sách giáo khoa ở VN hiện phiên âm thành ê-ke. Do đó ngoặt thước thợ là bẻ một góc vuông so với hướng ban đầu.

(11) ngũ : đơn vị đo lường trước kia ở ta (và ở Tàu), năm thước ta là một ngũ, hai ngũ là một trượng . Tuy nhiên, dù nhà nước có công bố chính thức độ dài của một thước (xích ), thì trong thực tế nó vẫn sai chạy từ khoảng 20 cm đến khoảng 40 cm. Vì thế một ngũ có thể coi xấp xỉ vào khoảng 150 cm, và 500 ngũ vào khoảng bảy tám trăm mét. Trong sách này còn gặp các đơn vị đo lường khác đều quy về hệ thống đo lường dùng tại VN xưa.




{5}
[1] làm một nhà để máy đi bằng nước (12) cho được xay lúa đâm bột.
     Nơi sông đào chảy vào sông cái thì có rặng [2] núi đá cao lắm, gọi là núi Ma-sa-bi-e (13). Dưới chân núi ấy có một hang sâu độ ba mươi thước (14), rộng [3] cũng bằng ấy. Cửa hang cao chừng độ tám thước. Bên trên cửa hang một ít lại có một hốc lõm vào hơi giống [4] như hình miệng huỳnh (15) cao độ mười thước thông xuống với hang, ra như cửa sổ hang vậy. Lại có cây mai khôi (16) mọc [5] trong kẽ núi chĩa ngạnh xuống trên cửa hang dưới hốc ấy nữa.
     Những người thành Lộ-đức gọi hang ấy là hang Ma- [6] sa-bi-e núi Ma-sa-bi-e, và đất chân núi cùng đất rẻo (17) dưới bờ sông là của công dân (18) Lộ-đức [7], cho nên những trẻ chăn trâu bò thường đem trâu bò đến chăn đấy. Mà bởi vì hang Ma-sa-bi-e ráo rẻ (19) [8] kín đáo, thì khi mưa gió, những trẻ ấy thường hay chạy vào trú đấy. Ấy là chính nơi Đức Bà đã [9] chọn cho được hiện ra nhiều lần, mà tỏ sự cả sáng và quyền phép Người ra cho thiên hạ.

Chú thích :

(12) máy đi bằng nước : cũng như ngày nay nói "máy chạy bằng nước".

(13) Tiếng Pháp : Massabielle.

(14) ba mươi thước : vào khoảng chín, mười mét. Xem chú thích (11) bên trên.

(15) huỳnh : miếng huỳnh, miếng trám : là những chỗ chạm hoặc trổ thủng trên vách, trên tường... có hình dạng đại khái như các hình vẽ dưới. TĐ GH không giải thích (dịch sang tiếng Pháp), nhưng có dẫn : ngạch đục những miếng huỳnh, miếng trám, và dịch : suppports de porte où sont ciselés des lucioles et des canaris. Đó là vì mặt chữ huỳnh viết là  , mà nghĩa chữ Nho huỳnh này là "con đom đóm" nên đã giải thích như trên ! Miệng huỳnh ở đây nghĩa là lỗ nhỏ (tự nhiên) trên vách đá có dạng như miếng huỳnh.

(16) mai khôi : trong nguyên bản viết bằng hai chữ 枚瑰 , hai chữ này có âm Hán – Việt là mai khôi / mai côi, nghĩa là hoa hồng (hoa hường, rosa) ; Kinh cầu Đức Bà ví Đức Maria như "hoa hường mầu nhiệm" (rosa mystica). Nếu đọc ra "mân côi" như quen đọc hiện nay thì sai quá !

(17) đất rẻo : miếng đất có chiều dài mà hẹp bề ngang.

(18) của công dân : có nghĩa là (đất) thuộc sở hữu chung của dân. "Công dân" ở đây không hiểu với nghĩa như hiện nay (tiếng Pháp : citoyen, Anh : citizen), mà phải hiểu tách ra thành "chung của dân".

(19) ráo rẻ : từ láy cổ, có nghĩa là ráo, khô ráo. Như đã trình bày ở phần giới thiệu, hiện không còn dùng dạng láy này nữa mà được lược thành "ráo".

miếng trám
miếng huỳnh



Bản đồ Lộ-đức nửa cuối thế kỷ XIX
Trên bản đồ, số 9 là nơi Bê-na-đet-ta được Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên
(Còn tiếp)







Không có nhận xét nào: