THẦN CHẾT TRÊN CÂY LÊ
BÙI NGỌC HIỂN
phóng tác theo truyện cổ Pháp
N GÀY xưa, xưa lắm, tại một ngôi làng nghèo nàn nằm hẻo lánh đâu
đó trên mặt đất, mà chẳng ai còn nhớ là nơi nào, có một bà goá già. Chồng mất
đi, không để lại cho bà lấy một mụn con, cũng chẳng để lại tài sản quý báu gì
ngoài một túp lều đã ránh nát dựng trên một mảnh đất con con, như người ta thường
nói là bé bằng… cái lỗ mũi, ở mãi cuối làng ít người lui tới, chỉ có bọn trẻ
con ưa quậy phá, hoặc năm thì mười hoạ mới có khách bộ hành lạc lối bước đến
đây, còn thì quanh năm suốt tháng hầu như không người lai vãng. Phía trước túp
lều nát có một cây lê do ông chồng xin được giống tận đẩu đâu mang về trồng đã
từ lâu lắm, ra trái ngon nổi tiếng trong làng, có điều cây không sai mấy. Khi
bà goá còn khoẻ mạnh, đôi lúc người làng cũng nhờ bà làm chút việc vặt để đổi lấy
bữa ăn qua ngày. Nay bà đã già, sức yếu, tay chân lóng ngóng, chẳng còn ai muốn
nhờ. Vì thế, cây lê trở thành nguồn sống của bà. Với chiếc sào nhỏ, bà khều những
quả lê chín đem đổi thức ăn. Có thể nói chẳng ai chê những quả lê của bà già.
Khổ nỗi cây lê đã không sai trái, lại thường hay bị trẻ vặt trộm. Không chỉ trẻ
con, ngay cả những khách bộ hành – nói cho đúng thì cũng hiếm thôi – lỡ đường
đói bụng khô cổ, đi ngang qua thấy những trái lê ngon mắt mà bà già chưa kịp
hái, cũng thò tay vặt. Cho nên bà già đã khổ lại càng khổ, tuy ở một mình nơi
hiu quạnh mà suốt ngày bà cứ phải rình cây lê. Những lúc bà đi vắng thì chẳng
cách gì giữ được. Bà buồn rầu, luôn miệng than thân trách phận :
- Trời ơi, sao mà tôi cực khổ thế
này ! Có khi chết lại còn sướng hơn ! Thần Chết ở đâu sao không đến đem tôi đi
cho rồi ?
Nhưng Thần Chết không đến đem bà đi,
dù đã vài lần ghé qua, nhưng chỉ là để xin bà... một quả lê cho đỡ thèm ! Trong
khi đó, người ta nghe bà than thở riết rồi gọi bà là "bà già Cực Khổ".
Dù
vậy, bà vốn tốt bụng, chả nguyền rủa ai bao giờ, nói gì đến chửi bới đánh đập
ai. Chắc bạn cho rằng bà già hơi sức đâu mà đánh với đập ! Không phải, đó là bản
tính của bà, khi còn trẻ trung khoẻ mạnh đã thế, có phải nay già nua tuổi tác mới
vậy đâu. Đừng nghĩ bậy cho bà mà mang tội ! Bọn trẻ con có đến vặt trộm lê mà
bà bắt được, bà cũng chỉ nhẹ nhàng bảo :
-
Các cháu thương bà với, bà nhờ vào có mỗi cây lê này mà sống thôi !
Không phải bọn trẻ không thương bà,
nhưng sức cám dỗ của những quả lê thường quá lớn, khiến chúng ít khi cưỡng lại
được. Do thế mà bà già Cực Khổ vẫn cứ là bà già Cực Khổ.
Một
hôm, thánh Phê-rô được Chúa sai đi công cán, tình cờ ghé qua nhà bà thì gặp lúc
trời đã tối. Ngài xin bà cho nghỉ nhờ. Mắt mũi kèm nhèm, chẳng biết khách là
ai, nhưng bà vẫn vội vội vàng vàng đón vào. Chẳng những bà vui lòng cho thánh
Phê-rô nghỉ nhờ, mà còn đem ra cho ngài mẩu bánh con là bữa tối của bà để khách
đỡ lòng. Thánh Phê-rô cảm ơn, rồi làm bộ chẳng biết gì đến sự túng thiếu của bà
già Cực Khổ, ngài bỏ tọt vào miệng một phát hết sạch. Thì đã nói đó chỉ là mẩu
bánh con, mà sức thánh Phê-rô vốn xuất thân con nhà chài lưới, thì bõ bèn gì mà
chẳng hết sạch mẩu bánh !
Xơi
gọn mẩu bánh bữa tối của bà già Cực Khổ, thánh Phê-rô nằm dài lên cái chõng đã
xiêu vẹo, mà bà già cố dọn cho tươm tất nhưng vẫn để lòi ra những chỗ thủng
nát, rồi ngài nhắm mắt ngáy... vang như sấm, để bà già Cực Khổ muốn xoay xở sao
cũng mặc !
Sáng
hôm sau, thánh Phê-rô dậy đã sớm là vậy – thì ngài vốn con nhà lao động, ngay từ
hồi chưa gặp Chúa Giê-su cũng từng quen dậy sớm rồi – thế mà đã thấy ở đầu
chõng một cái đĩa mẻ trên bày ba quả lê chín trông rất ngon lành. Lần này thì
ngài thực sự cảm động. Cầm cả ba trái lê trong tay, ngài gọi bà già Cực Khổ đến,
nói :
-
Này bà già, ta là thánh Phê-rô đây. Ta được Chúa sai đi vi hành trần thế. Ta thực
sự thấy bà rất tốt bụng, cho nên nhân danh Chúa, ta sẽ làm cho bà ba điều bà
xin, bất cứ là xin gì !
Bà
già Cực Khổ không ngờ cái ông to khoẻ kia lại là thánh Phê-rô, nên luống cuống
đôi chút. Nhưng rồi bà trấn tĩnh lại và thưa :
-
Lạy thánh Phê-rô, xin đại xá cho con, vì con nay già lão quá, mắt mũi chẳng nom
rõ ai với ai...
-
Không sao đâu mà, ta biết, ta biết. Thôi, bà xin gì thì xin đi, ta sẽ thực hiện
ngay cho.
-
Bẩm – bà ngập ngừng vì phải nghĩ xem nên xin gì cho đáng – bẩm, con xin ngài
ban cho cây lê của con được sai trái...
-
Ta chuẩn y điều thứ nhất bà xin. Thế điều thứ hai là gì nào ?
Lần
này bà già không phải nghĩ lâu, bà xin :
-
Bẩm, như ngài đã biết, cây lê của con cứ bị người ta vặt trộm mất...
-
Ta biết rồi, bà xin gì thì cứ nói đi, đừng ấp úng nữa...
-
Bẩm, xin ngài làm cho chỉ trừ con ra hễ ai đụng đến một quả nào trên cây lê của
con là bị dính chặt vào cây, mà cả những ai đụng vào người dính trên cây cũng bị
dính nốt, chỉ khi nào con cho phép mới gỡ ra khỏi được ạ...
Thánh
Phê-rô phá lên cười ha hả, ngài phán :
-
Ta cũng chuẩn y cả điều bà xin lần này nữa. Thế còn điều thứ ba ? Bà muốn gì nữa
nào ?
Bà
già ngẫm nghĩ, ngẫm nghĩ mãi, vẫn không biết nên xin gì với thánh Phê-rô, khiến
ngài phải giục :
-
Bà muốn gì thì cứ nói đi, đừng ngại.
-
Bẩm..., bẩm...
-
Bà nói đi.
-
Lạy thánh Phê-rô, xin ngài đại xá, nhưng mà bây giờ con chưa nghĩ ra được là phải
xin gì...
Thánh
Phê-rô không lấy thế làm phiền, ngài vui vẻ bảo :
-
Thôi được, nếu bây giờ bà chưa nghĩ ra thì cũng không sao. Ta đã hứa thì luôn
giữ lời. Hễ khi nào bà nghĩ ra thì cứ xin với ta, ta sẽ chuẩn y điều bà xin
ngay.
Bà
già nghe thế rất đỗi hân hoan, bèn thưa :
-
Lạy thánh Phê-rô, con xin đội ơn ngài, ngài tốt bụng quá.
-
Thôi, giờ ta phải đi cho kịp làm hết các việc Chúa đã giao. Tạm biệt bà nhé.
Bà
già cung kính :
-
Bẩm vâng...
Thánh
Phê-rô, tay cầm ba quả lê, ngoái lại dặn :
-
Bất cứ lúc nào bà nhớ ra muốn gì thì cứ xin với ta, nghe !
-
Bẩm vâng...
T HÁNH Phê-rô đi rồi, bà già dọn dẹp mọi thứ như thường ngày,
sau đó, theo thói quen, đi ra sân với cây sào rồi ngước nhìn lên cây lê.
Bà
lấy tay dụi mắt. Có hai điều khiến bà hết sức kinh ngạc. Trên cây lê có hai thằng
bé con. Mấy đứa này mọi khi thấy thấp thoáng bóng bà là đã chạy biến, không hiểu
sao lần này lại cứ nấn ná trên cây cho bà bắt quả tang. Bà nhìn cây lê của mình
: nó sai đầy những quả chín trông thật rực rỡ. Bấy giờ bà mới nhớ ra hai điều
bà đã xin cùng thánh Phê-rô. Bà hiểu ra rằng hai thằng oắt không phải không muốn
chạy trốn, mà là không thể trèo xuống khỏi cây lê được. Bà làm bộ như không
nhìn thấy hai đứa nó, vẫn lấy sào khều rụng đầy một sọt những quả lê ngon lành.
Nhưng nặng quá, bà không bưng nổi, mà cái sọt của bà cũng có tuổi chẳng kém gì
bà. Bà bèn kiếm ít cành lá bịt những chỗ thủng, tìm sợi thừng buộc vào sọt, cứ
thế kéo cả sọt đi, lần này bà kéo hẳn ra chợ.
Thấy
lê của bà ngon quá, người ta xúm lại mua. Bà già vừa bán mà lại vừa như cho, chỉ
một loáng hết sạch. Bà vui mừng đếm tiền, mua ngay một cái sọt mới với sợi thừng
mới cùng một ít thực phẩm. Sau đó bà thong thả kéo sọt thức ăn về nhà.
Từ
đằng xa, bà đã thấy một lũ trẻ con rồng rắn trong mảnh sân trước nhà bà. Tiếng
chúng í ới :
-
Kéo tao xuống với, tao cố mãi mà không sao xuống được.
-
Ấy đừng. Chúng mày mà đụng vào nó thì cũng bị dính chặt vào đấy.
-
Tao cóc sợ. Để tao thử xem.
-
Mày cứ thử thì biết.
-
Thôi chết rồi, tao bị dính vào nó rồi !
-
Eo ơi, chắc cây lê này có... ma !
-
Hu hu, làm sao về nhà bây giờ...
-
Im đi, khóc lóc cái gì !
-
Ai bảo tụi mày cứ phá phách bà già. Bà ấy đã nghèo, có mỗi cây lê này để sinh sống
mà cứ tới vặt trộm...
-
Thì mày cũng vặt trộm đấy thôi. Mà chúng mày xem, hôm nay nó sai trái quá trời,
vặt mấy quả thì nhằm nhò gì.
-
Nhưng lúc trước nó không sai, chúng mày cũng vặt.
-
Hu hu, mẹ ơi, cứu con với mẹ ơi...
-
Hu hu, làm sao xuống được bây giờ...
Bà
già về đến sân. Một cảnh tượng vừa hỗn loạn, vừa tức cười hiện ra trước mắt bà
: ngoài hai thằng nhóc ban sáng vẫn ở trên cây, còn hơn chục đứa trẻ nữa cũng
dính chùm vào đó. Nói chung cả bọn vẫn động cựa được, chỉ có tay chúng hoặc bị
dính vào cây, hoặc bị dính vào người đứa khác, không cách nào gỡ ra được. Nhìn
thấy bà, thoạt tiên chúng có vẻ xấu hổ, nhưng rồi quay ra năn nỉ bà.
Bà
già làm bộ tỉnh khô, cứ mặc bọn trẻ với cây lê, bà đi vào túp lều rách làm việc
cho đến trưa. Khi bà ra lại, bọn trẻ chừng như đã mệt, nhìn bà với những cặp mắt
van lơn. Bà già bảo :
-
Các cháu hư lắm, chỉ rình hái trộm trái cây của bà. Lần này bà tha cho, lần sau
còn vậy, bà cứ để các cháu trên cây mãi đấy, nghe chưa ?
-
Chúng cháu xin chừa, cả bọn nhao nhao đáp, bà làm ơn cho chúng cháu xuống với.
-
Được, cho các cháu xuống, thong thả kẻo mà ngã chổng kềnh cả bọn ra bây giờ.
Bà
vừa nói xong, bọn trẻ thấy tự nhiên tay hết dính. Chúng vội vàng trèo xuống, chạy
một mạch đứa nào về nhà đứa nấy, không dám quay đầu nhìn lại.
Từ
bọn trẻ, dần dần mọi người trong làng đều biết cây lê của bà già Cực Khổ
"có ma". Mới đầu cũng có nhiều người bán tín bán nghi, nhưng lại e rằng
nếu thử hái trộm trái cây của bà già mà bị dính vào thì cũng ê mặt, nên dù người
ta không tin hay có tin, cây lê của bà già không còn bị vặt trộm như trước kia,
trong khi nó lại ra trái nhiều hơn trước.
Một
hôm, gặp lúc bà già ra chợ, có người khách lạ qua đường, vừa đói vừa mệt, tình
cờ thấy cây lê của bà già đầy trái chín, nhìn quanh chẳng thấy ai, giơ tay hái,
thế là bị dính chặt vào cây, vùng vẫy thế nào cũng không thoát. Bọn trẻ nhìn thấy
kháo nhau, người làng không mấy chốc biết chuyện kéo đến nhìn, nhưng chẳng ai
dám gỡ. Họ xúm nhau quanh gốc cây, chờ đến khi bà già ở chợ về, chứng kiến bà
làm cho ông khách nọ được giải thoát khỏi cây lê, thì không ai còn nghi ngờ gì
chuyện cây lê của bà "có ma" nữa.
Từ
đó bà già khỏi lo rình cây lê nên cũng đỡ vất vả. Nhưng bà vốn xởi lởi, thường
hái đem cho hàng xóm ít nhiều chứ không bán hết. Nhờ cây lê, nay bà già có đôi
chút tiền bạc, nên đã có thể mượn người sửa qua túp lều cho đỡ xiêu vẹo, thay lại
cái cửa nát cho đỡ gió lùa những đêm đông hay những ngày mưa ướt át, mua thêm
được ít vải sồi để may áo xống, chăn màn... Còn chút đỉnh bà lại góp nhặt rồi
nhờ gửi biếu nơi này chỗ kia cho những kẻ mà bà bảo là cũng cực khổ có khi còn
hơn bà nữa. Tuy không nhiều, nhưng vì bà hay làm phúc như vậy, nên chẳng bao
lâu những người nghèo khổ quanh vùng hay kháo láo về cái gọi là "món quà của
bà già Cực Khổ". Về phần bà, cuộc sống vẫn chẳng lấy gì gọi là sung túc,
nhưng cũng tương đối dễ chịu hơn, nên bà cũng thôi than thở, không còn kêu là
muốn chết nữa. Tuy nhiên tên gọi bà già Cực Khổ thì vẫn dính chặt lấy bà như thủa
nào.
V ÀI năm trôi qua cho đến một tối mùa hè, sau khi vầng thái
dương đã khuất hẳn dưới đường chân trời tắp tít xa, bà già đọc kinh cầu nguyện
xong, trèo lên cái chõng cũ sửa soạn đi ngủ thì nghe có tiếng gõ cửa. Bà già hỏi
vọng ra :
-
Ai mà đến nhà tôi muộn thế này ?
-
Ta là Thần Chết đây mà, ta đã ghé nhà bà mấy lần rồi, bà có nhớ không ?
-
À, ra là ngài. Thế ngài có muốn xơi lê không ? Ngoài cây hãy còn ít quả chín đấy.
-
Không, lần này ta đến không phải để xin lê của bà...
Nghe
thế, bà già thấy hơi chột dạ, bà hỏi :
-
Vậy ngài muốn gì ạ ?
-
Này bà già Cực Khổ, trước kia nhiều lần ta nghe bà đòi ta đưa bà đi khỏi chốn
trần gian vất vả này, nhưng vì bà chưa tới ngày tận số, nên ta đành chịu. Đến
giờ, bà ở trần gian và chịu đựng đau khổ đủ rồi, nên ta đến đưa bà đi như bà hằng ao ước. Vậy bà chuẩn bị theo ta sang thế giới bên kia thôi.
Con
người ta thực ra vẫn luôn có lòng ham sống sợ chết. Lúc trước quá khổ sở, bà
già tuy có than vãn rằng muốn chết đấy, nhưng nay bà sống tuy chẳng phải giàu sang
gì, nhưng đối với bà cuộc sống hiện tại cũng không đến nỗi nào. Vả chăng, bà chỉ
hưởng chút nhàn nhã mới có vài năm, nay phải giã từ cuộc sống thì cũng phần nào
chần chừ, tiếc nuối.
Bà
suy nghĩ hồi lâu trong khi gọi là "chuẩn bị hành trang". Thực ra bà
còn có gì để gọi là chuẩn bị ! Con cái không, tài sản cũng không, chẳng phải lo
lắng ai sẽ "thừa kế cơ nghiệp" như những người có của chìm của nổi.
Chỉ mỗi một cây lê là thứ xem ra đáng giá nhất của bà. Cây lê, chà chà, cây lê.
Đột nhiên một ý nghĩ loé lên trong đầu, bà quay bảo Thần Chết :
-
Thế đường đi có xa lắm không ?
-
Xa, rất xa...
-
Vậy tôi có phải mang gì theo ăn uống dọc đường không ?
Thần
Chết thờ ơ đáp :
-
Bà muốn mang gì theo tuỳ thích... Có điều trước bà đã rất nhiều người từng mang
theo đủ thứ, nhưng nói thật với bà, họ chẳng dùng được gì. Dù sao bà muốn mang gì theo ta cũng không cản...
Mà bà nhanh nhanh lên nhé, sắp đến giờ rồi đấy.
-
Bẩm ngài, tôi muốn nhờ ngài giúp đỡ hộ một chút được không ạ ?
-
Bà muốn giúp gì ?
-
Chả là cây lê của tôi ngài đã biết đấy, trái nó ngon quá, tôi muốn mang theo
vài quả còn sót trên cây để ăn dọc đường ấy mà.
-
Thì được thôi.
-
Nhưng mắt tôi kèm nhèm, đèn lửa thì tù mù, bây giờ ra khều thì làm mất thời
gian của ngài lắm. Ngài mắt sáng, ban ngày cũng như ban đêm, chẳng cần đèn đuốc
gì cũng có bao giờ lẫn người này với người khác đâu. Vậy ngài chịu khó hái giúp
tôi vài quả có được không ?
Thần
Chết nghĩ chiều bà già tí cho xong, nên gật đầu trả lời :
-
Được, ta sẽ hái giúp bà.
Nói
xong, Thần Chết ra cửa lại gần cây lê. Cây lê này kể đã khá quen với Thần Chết,
nhưng tối nay hình như nó xum xuê lạ. Cắp vào nách cái lưỡi hái vốn dùng để cắt
đứt cuộc đời dương thế những kẻ Thần Chết muốn mang đi, Thần Chết phóc một cái
vọt ngay lên một chạc cây. Ngờ đâu, khi Thần Chết giơ tay định hái mấy quả lê
chín lủng lẳng trước mắt, thì thấy tay bị dính chặt vào cây. Thần Chết càng
vùng vẫy thì dường như càng bị kéo chặt vào cây hơn. Hoảng quá – điều mà trước
giờ chưa hề xảy ra – Thần Chết bèn la ầm lên :
-
Bà già Cực Khổ kia, cái cây lê này nó làm sao thế ?
Bà
già trong nhà nói vọng ra :
-
Vẫn cây lê ấy chứ có gì đâu !
-
Sao ta bị dính chặt vào cây thế này ?
-
Chắc ngài bị vướng áo xống gì đó vào cây đấy thôi.
-
Vướng đâu mà vướng. Chắc cây lê của bà có... ma...
-
Ngài là Thần Chết cơ mà, có ma đi nữa hẳn ma nó cũng phải sợ ngài chứ...
Thần
Chết nghĩ thầm :
-
Đúng thế thật, có ma thì nó phải sợ ta, chứ ta lại sợ ma sao được. Nhưng mà sao
ta lại dính chặt vào cây thế này, gỡ cách nào cũng không ra...
Thần
Chết lại gọi :
-
Bà già mau ra giúp ta một tay nào.
-
Tôi già lão yếu đuối thế này giúp ngài thế nào được. Ngài cố mà trèo xuống mau
đi kẻo lại muộn mất.
-
Không xuống được, không xuống được.
Bà
già cứ mặc kệ Thần Chết ở ngoài đấy với cây lê, đủng đỉnh đi vào đi ra trong
túp lều cà khổ rồi trèo lên chõng đánh một giấc thẳng đến sáng. Trong khi đó,
Thần Chết xoay xở hết cách này đến cách khác vẫn không sao kéo được hai tay ra
khỏi cây lê của bà già. Muốn nhờ người giúp, nhưng nghĩ mình đường đường là...
Thần Chết, trước giờ kêu ai là kẻ ấy phải răm rắp tuân lệnh đi theo, có muốn chần
chừ thì cũng chỉ cần đưa lưỡi hái "xoẹt" một cái, thế là đời kẻ đó cứ
gọi là đi đứt ; vậy mà giờ đây lại lủng lẳng như mấy trái lê trên cái cây khốn
kiếp này, bực bõ quá mà ngại ngùng không dám la hét giữa đêm khuya thanh vắng,
Thần Chết tự nhủ :
-
Bao lâu nay mình vất vả, chẳng có lấy một phút nghỉ ngơi. Thôi nhân dịp này cứ
đánh một giấc cho đã.
Thế
là Thần Chết nhắm mắt lại, ngáy khò khò trên cây lê. Gớm chưa, từ khi Chúa dựng
nên con người trên trái đất tới bây giờ chưa được ngủ, nay làm một giấc thì phải
biết. Thần Chết ngủ li bì trên cây không phải chỉ mười hai tiếng đồng hồ, mà đến...
mười hai năm liền !
B ÂY giờ mới xảy đến bao chuyện cười ra nước mắt trên cõi trần
gian.
Thoạt
tiên ở làng bên có lão nhà giầu chẳng may mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, bụng
cứ nổi chướng lên, kêu la đau đớn quá sức. Chạy chữa khắp nơi, kiêng khem đủ thứ,
bệnh vẫn không thuyên giảm. Nghe tiếng thầy thuốc nọ là tay danh y, anh con
trai cho người chở bố đến nhờ thầy chữa trị. Thầy thuốc xem bệnh xong, gọi
riêng anh ta bảo :
-
Ông thân sinh nhà anh không qua khỏi đâu. Chỉ chừng dăm ba hôm nữa thôi. Anh về
mà chuẩn bị hậu sự. Ngoài ra nếu ông nhà anh thích gì cứ mua về cho ăn cho thoả,
chẳng phải kiêng khem mà cũng đừng tiếc ông làm gì !
Nghe
lời, anh ta chở bố về, một mặt đi đặt sẵn áo quan, một mặt cho mua đủ thứ của
ngon vật lạ cho bố xơi. Qua khỏi dăm ba hôm, rồi mươi bữa nửa tháng, ông bố
ngày bụng càng to ra, nhưng ăn thì rất khoẻ, ăn xong lại nằm kêu la quằn quại.
Cứ thế ròng rã suốt ba tháng trời. Anh con trai mỏi mệt, mà mỗi ngày mỗi hao
tài tốn của, trong lòng thắc mắc sao bố chưa chịu chết cho như lời ông thầy đã
phán. Tức mình anh đến hỏi thầy thuốc. Thầy đáp :
-
Tôi cứ triệu chứng mà chẩn bệnh, còn bố anh chưa chịu chết là bởi cớ gì thì tôi
không biết. Anh cứ thử tìm các thầy thuốc khác hỏi xem tôi nói có đúng không.
Anh
nọ chẳng biết làm sao, về nhà lại bắt bố nhịn ăn. Thành ra bố con cãi nhau ỏm tỏi.
Bệnh ông bố mỗi ngày mỗi tăng, nhưng vẫn cứ sống, không chết !
Sau
đó ít lâu, có tên ăn cướp giết người khét tiếng vốn bị tróc nã, xui xẻo thế nào
lần ấy chưa kịp ra tay thì sa lưới rồi bị xử treo cổ. Nghe tin, người ta lũ lượt
kéo nhau đi xem. Ngày hành hình tới, tên ăn cướp bị điệu ra, thân hình tiều tuỵ,
mặt mũi thất thần. Quan toà và người thầy thuốc của toà đi theo để chứng thực
việc thi hành bản án ; lại một vị linh mục già cũng được cử đến để giải tội cho
y. Đến bên giá treo cổ, người ta trói chặt hai tay hai chân y. Vị linh mục ghé
bên tai y thì thầm :
-
Con có nhìn nhận mọi tội lỗi con đã trót phạm không ?
Y sụt sùi đáp :
- Bẩm
có.
- Con
có thật lòng ăn năn các tội đó không ?
Y
càng nức nở :
- Bẩm
có.
Đột
nhiên y la to :
- Nếu
Chúa tha chết cho con, con xin dốc lòng chừa, từ nay chẳng hề bao giờ dám phạm
tội nữa.
Vị
linh mục ban phép giải tội cho y rồi lặng lẽ tránh ra cho lí hình làm việc. Họ cho
y đứng lên một súc gỗ, thòng một thòng lọng đã buộc sẵn trên giá vào cổ y, kéo
cho vừa thít vào cổ. Xong đâu đấy, người ta đứng dạt ra hết, một người lí hình
đạp mạnh vào súc gỗ cho nó rời khỏi chân tử tội. Một tiếng "hự" phát
ra, sợi thừng căng thẳng, thít chặt lấy cổ kẻ tử tội đung đưa bên dưới.
Thường
thì chỉ năm ba phút là kẻ bị treo cổ đã tắt thở, nhưng lần này người ta thấy
tên tử tội quằn quại rất lâu dưới sợi thòng lọng. Do sức nặng của thân hình y,
người ta có cảm tưởng y muốn rướn người lên để thở mà không được. Dù vậy, rõ là
y vẫn chưa chết. Người thầy thuốc sốt ruột nhìn ông quan toà, ông quan toà nhìn
lại ông thầy thuốc. Đám đông cũng chăm chú nhìn kẻ tử tội cách kinh ngạc.
Một
giờ đồng hồ trôi qua, bỗng có tiếng la lớn trong đám đông :
-
Thả anh ta xuống thôi, lâu thế mà anh ta vẫn chưa chết. Chắc Chúa đã nghe lời
anh ta cầu xin rồi !
Nghe
thế, cả đám đông cùng nhao nhao lên, đòi phải thả tên tử tội. Quan toà chẳng biết
làm sao, bèn hội ý với ông thầy thuốc,
rồi ra lệnh cho lí hình cắt dây thòng lọng đem tên tử tội xuống. Người ta gỡ
thòng lọng khỏi cổ y, thấy quanh cổ bị trầy xước rớm máu, cùng với những vết hằn
to tướng. Nhưng y đã thở lại. Người ta hoan hô ầm lên. Phụ nữ có người sụt sịt,
người làm dấu Thánh Giá ; đây đó nổi lên râm ran :
- Giê-su
lạy Chúa tôi.
-
Kìa xem, Chúa tha tội cho anh ta kìa.
- Y
như kẻ trộm lành trên đồi Can-va-ri-ô.
Y
được quan toà làm biên bản tha bổng. Về sau hình như y xin vào tu tại một dòng
khổ tu trên núi.
Tuy
thế, chuyện tên tử tội bị treo cổ có lẽ vẫn chưa phải li kì hạng nhất. Bởi
không bao lâu sau, ở trên tỉnh xảy ra đám đánh nhau. Hai địch thủ đều có võ khí,
lại đều là những võ quan. Chả biết hục hặc thế nào mà họ lôi nhau ra thách đấu.
Kết cục, một anh bị gươm đâm thủng ngực, nhưng trước đó anh ta cũng đã kịp vung
kiếm chém đứt lìa đầu đối phương. Sau khi các nhân chứng kí vào biên bản, anh bị
đâm thủng ngực được băng bó vết thương và được chở về. Thấy máu chảy nhiều quá,
có kẻ bảo :
-
Anh này rồi cũng sớm "đi" thôi.
Còn
anh nọ tuy đầu bị đứt lìa, mà thân mình vẫn cứ co giãy mãi. Đến khi người ta
ráp đầu anh vào thân, cột chặt lại, rồi định đưa về an táng, thì chuyện li kì xảy
ra. Người ta thấy anh ta bỗng hớp hớp thật mạnh trong không khí, sau đó ngực
anh ta tiếp tục phập phồng thở. Thấy anh dường như chưa chết, người ta vội chạy
tìm thầy thuốc băng bó cho anh ta.
Rốt
cuộc cả hai dù nằm li bì đến mấy tháng sau đó, nhưng chẳng anh nào chết ! Người
ta bắt đầu để ý rằng không chỉ một
làng, một xã, một tỉnh, mà là trong cả vùng, suốt một năm chẳng có đám ma nào. Họ
kháo nhau rằng từ nay không ai chết nữa. Nhiều người thấp thỏm theo dõi tình
hình thêm một thời gian. Tin tức các nơi truyền đi khắp cả xa gần, người ta thuật
cho nhau nghe nhiều câu chuyện còn lạ lùng hơn, mà chuyện nào cũng là những trường
hợp trước kia chắc chắn dẫn đến cái chết, còn bây giờ thì không ; dù chỉ còn ngắc
ngoải, nhưng vẫn không chết. Đã hơn một năm, không riêng vùng đó mà đâu đâu
cũng không có người chết. Cuối cùng rất nhiều người tin chắc từ nay sẽ không
còn ai phải chết ! Những người như thế chiếm đa số. Còn lại cũng có người dè dặt,
chưa kể là có những người dù thế nào vẫn nhất định không tin. Trong những người
tin, có kẻ lấy làm thích thú vui mừng ra mặt, nhất là những kẻ giầu có, quyền lực.
Không phải lo chết, họ lao vào ăn chơi trác táng. Những kẻ cậy quyền cậy thế ra
sức bóc lột đồng loại. Rồi thì những vụ bạo loạn, cướp bóc nổi lên khắp nơi. Pháp
luật không còn khả năng kiểm soát an ninh trật tự, mà cũng chẳng còn mấy ai làm
công việc bảo vệ pháp luật. Các cuộc chiến tranh xảy ra liên miên và ở khắp
nơi, nhưng lại không phải những cuộc chiến giữa các lực lượng lớn, vì ngay các
vua chúa cũng không đủ sức điều khiển binh lính của mình. Tóm lại là một sự hỗn
loạn tột độ, mạnh ai nấy làm, chẳng ai bảo ban được ai.
Ngay
trong thiểu số không tin lúc đầu, dần dần người ta cũng ngã lòng, vì tận mắt chứng
kiến những tranh giành tàn khốc mà những kẻ bị thương, thậm chí trọng thương, vẫn
cứ không chết. Trong hàng các giáo sĩ cũng có nhiều người hồi tục. Một số còn tự
kiềm chế, nhưng hầu như mọi người đều sống theo bản năng, không còn bất cứ giá
trị luân thường nào, không còn chút đạo đức liêm sỉ nào.
Đến
khi đó người ta nhận ra rằng không chết không phải đã là hay. Không chỉ những
người nghèo đói cô thân cô thế nay càng bị chèn ép, sống không ra sống, chết chẳng
chết cho, giá trị con người có khi còn không bằng con vật, mà ngay cả những kẻ
giầu có, nhiều quyền thế... cũng không phải đã hạnh phúc. Sự truỵ lạc vô độ làm
sinh ra vô số bệnh tật ghê gớm mà trước kia chưa hề có. Dù lắm của nhiều tiền,
dù có quyền trong tay để bắt ép những thầy thuốc giỏi giang để chữa trị cho
mình, nhưng sức người có hạn, thầy thuốc trong rất nhiều trường hợp cũng bó tay
không biết chữa trị cách nào. Chưa kể số thầy thuốc vô lương tâm ngày một đông,
trong khi số thầy thuốc giỏi ngày một hiếm, vì người ta không thể dạy dỗ đào tạo
thêm được ai nữa. Các trường học đóng cửa. Các nhà thương trước còn phục vụ chỉ
cho những kẻ có tiền bạc, nhưng vì con bệnh lắm quá, chẳng còn ai có khả năng
phục vụ ai, nên chỉ một thời gian ngắn ngủi, các nơi này cũng chẳng khác gì chốn
chợ búa. Người ta đối xử với nhau bằng đủ thứ mưu mô thủ đoạn. Đâu đâu cũng đầy
rẫy những cảnh trái ngược nhau một cách tai quái. Người đói khát bần cùng la liệt,
kẻ bệnh hoạn tật nguyền vô số. Số người già ngày một nhiều lên, mà số những trẻ
mới chào đời cũng tăng gấp bội. Nhà cửa chật chội khiến người ta bức bối. Do những
chuyện giành giật, đụng độ, xô xát, đánh nhau quá nhiều, nên những kẻ mang
thương tật cũng đầy rẫy, chỗ này kẻ lủng lẳng cánh tay gẫy, chỗ nọ kẻ bò lê bò
la vì chân bị đứt lìa. Người thủng ruột thủng gan, kẻ lòi phèo lòi phổi. Bệnh tật
gia tăng mà không có thuốc chữa trị. Mọi hình thức sản xuất đều ngưng trệ, ruộng
nương không ai canh tác, làm cho lương thực trở nên thiếu hụt. Vả lại chỗ nào
còn trồng cấy đôi chút gì đó cũng bị trộm cướp hoành hành, nên chẳng còn ai ra
sức làm việc. Vì thế không chỉ thiếu thốn lương thực mà còn thiếu thốn đủ mọi
thứ. Khắp nơi là một cảnh tượng vô cùng bi thảm, đến nỗi có rất nhiều người đã
cố gắng... tự tử. Tuy nhiên vì đã biết rõ có đâm chém gì thì cũng cứ sống, lại
còn tuy sống mà tệ hại bội phần, nên ngoài những kiểu tự tử... tầm thường như
nhịn ăn, nhịn uống – thực tế có không ít người cũng chẳng còn kiếm được gì mà
ăn – nên có kẻ tự bịt miệng, bịt mũi nhịn thở... Nhưng hẳn bạn cũng đoán được kết
cục : chẳng ai chết. Có kẻ cũng đã thử những cách ghê gớm hơn, chẳng hạn nhảy
xuống sông, xuống giếng. Dĩ nhiên họ cũng không chết mà còn khổ sở hơn : chẳng
ai rỗi hơi cất công vớt những kẻ ấy lên, thế là họ vừa lạnh lẽo, vừa sặc sụa, vừa
ngắc ngoải dưới nước và... không chết. Lại có kẻ thử uống thuốc độc, và tình trạng
càng khốn đốn : đau đớn quằn quại mãi vì thuốc độc hành hạ từ trong cơ thể, nhưng
tất cả vẫn không chết !
B ẤY giờ người ta
càng lúc càng nhận ra sự khốn nạn của chính bản thân mỗi người. Một số ít ỏi bắt
đầu kêu gọi lập lại trật tự. Dần dần người ta buộc lòng nhìn thấy tình trạng
đáng thương của chính mình. Ý thức của mỗi người từng bước trở về cách chậm chạp.
Phải mất một thời gian rất lâu người ta mới có thể bình tĩnh lại. Sau khi tình
trạng hỗn loạn đã tạm lắng dịu, người ta cố gắng thành lập những phương sách
tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mà mọi người không còn chết. Một số kẻ có học vấn
vùi đầu vào hàng đống sách vở, mà mới đây người ta đã bỏ xó vì cho là không cần,
để xem sách vở có đề cập gì đến tình trạng bất tử của con người không. Nghiên cứu
chán chê, mỗi người đưa ra một kết luận hết sức đối nghịch nhau. Lại đâm ra cãi
nhau chí choé, ai cũng muốn lí thuyết của mình phải được mọi người nhìn nhận,
suýt nữa lại xảy ra đánh
nhau, may mà họ còn kiềm chế được. Nhưng hết thảy đều dẫn đến bế tắc.
Tình
cờ một hôm có anh nông dân thất học vớ được mảnh giấy rách, trên có viết chữ.
Không biết chữ, mà cũng chẳng biết dùng mảnh giấy rách ấy làm gì, nên anh định vất đi, thì gặp một thầy nọ đi ngang
qua. Trông thấy mảnh giấy, thầy tò mò bảo anh nông dân đưa xem thử. Hoá ra là một
câu Thánh vịnh 116 trong Kinh Thánh, như sau :
Dây
tử thần bủa vây tôi chằng chịt,
Lưới
âm ti chụp xuống trên mình...
Thầy
xem xong đột nhiên mắt sáng rỡ, bắt chước Archimedes, la lên :
- Tìm
ra rồi, tìm ra rồi !
Người
ta hỏi :
- Tìm
ra cái gì ?
- Tìm
ra nguyên nhân sao người ta lại không chết rồi !
-
Nguyên nhân sao ?
- Thần
Chết...
-
?...
-
Phải đi tìm Thần Chết ngay mới được.
-
Nhưng biết tìm Thần Chết ở đâu ?
-
?...
Kẻ
khác lại hỏi :
- Mà
các người có biết mặt mũi Thần Chết ra sao không ?
- Nào
ai đã trông thấy Thần Chết bao giờ mà biết được. Kẻ nào nhìn thấy Thần Chết thì
cũng đều... chết hết trơn còn gì !
Té
ra nào có phải đã tìm được gì đâu. Nhưng thà biết được đôi chút vẫn hơn không
biết gì. Thế là người ta đồn cho nhau nghe rằng bấy lâu nay thế gian vắng bóng
Thần Chết nên không ai chết. Vậy phải tổ chức các đội săn tìm Thần Chết mới được.
Người
ta đùm túm ít lương thực còn vét được, rồi chia nhau các ngả để đi tìm Thần Chết.
Cuộc săn lùng có vẻ như vô vọng, nhiều người đã chán ngán vì mỏi mệt, những chỉ
muốn... chết cho xong. Nhờ thế mà người ta lại có thêm chút ít nghị lực để đi tìm
Thần Chết.
Một
ngày, một trong những bọn người săn tìm Thần Chết ngẫu nhiên ghé qua làng của bà
già Cực Khổ. Cũng chỉ là tình cờ mà thôi, vì lúc đó họ đã mỏi mệt và chán chường
lắm rồi. Bụng thì đói, miệng thì khát, chân thì rã rời, họ thất tha thất thểu cứ
cắm cúi đi mà chẳng còn biết là đường đi dẫn đến đâu. Bỗng có người nhìn lên rồi
nói :
-
Thôi rồi, đường cụt.
- Nản
quá. Đi đã rạc cẳng bao lâu nay có tìm thấy cái lão Thần Chết nọ ở đâu đâu...
- Ê
các ông, đằng kia hình như có cây lê. Đói quá rồi, lại đó xem có kiếm được trái
nào bỏ bụng đỡ đói không...
Bọn
họ vội rảo chân bước đến.
- Ồ,
cây lê sai trái chưa kìa, mau hái xuống một ít.
Người
đầu tiên vừa giơ tay sờ được vào quả lê thấp nhất bèn dính tịt bàn tay vào đó,
không sao rụt về được. Anh ta hoảng hốt :
-
Quái lạ, tay tôi làm sao mà gỡ không ra thế này ?
- Để
đó tôi.
Nói
xong, người này sán ngay lại. Nhưng vừa mới chạm vào người thứ nhất, anh ta cũng
dính tịt vào anh nọ luôn. Anh hoảng hốt la lêm om sòm :
- Đừng
lại gần nữa, cây lê này có ma.
Những
người còn lại vừa kịp dừng bước. Họ nhìn lên cây, dụi mắt. Quả là cây có... ma
thật ! Họ đã kịp trông ra một bộ xương trắng hếu cùng với một lưỡi hái bóng loáng.
Bên ngoài bộ xương là một bộ áo choàng rách bươm. Tất cả khiếp đảm lùi lại. Không
ngờ bộ xương cất tiếng, giọng rất rõ ràng, nhưng nghe rợn cả người :
-
Ma đâu mà ma. Ta chính là Thần Chết đây...
Thoạt
nghe hai tiếng Thần Chết, cả bọn đều sững sờ đến lặng ngắt đi một lúc. Thuở giờ
nào ai biết Thần Chết ra sao, nay được nhìn tận mắt Thần Chết bằng xương bằng...,
à, không bằng thịt, thế này thì hẳn đúng rồi, nên họ đồng thanh la toáng lên :
-
Thần Chết !
Tất
nhiên có kẻ còn nghi ngờ :
-
Ông... bà... là Thần Chết ư ?
Thần
Chết cười nghe thật rùng rợn, đáp :
-
Phải, ta là Thần Chết, Chẳng phải ma nào mà cũng chẳng phải ông nào với bà nào.
Bọn
kia nhao nhao lên :
-
Thế là chúng ta đã tìm thấy rồi. Mau đi báo tin cho mọi người.
-
Mà sao ngài lại ở đây để bọn tôi đi tìm mãi mà không gặp ?
Thần
Chết rầu rĩ :
-
Ta đã bị giữ trên cây lê này đã mười hai năm nay rồi mà không sao xuống được.
Các ngươi đi tìm ngay bà già Cực Khổ lại đây.
Những
người kia ngẩn cả ra. Họ có biết bà già Cực Khổ là ai ! Họ định chạy đi ngay,
nhưng Thần Chết đã gọi giật lại :
-
Xem chừng các ngươi đói rã ra thế kia rồi còn đi đâu được. Ăn tạm mấy quả lê
quái quỷ này đi. Ngon lắm đấy.
Nói
xong, Thần Chết rung mạnh cây để làm những quả lê chín rụng xuống cho mấy người
kia. Họ chưa kịp hiểu tại sao Thần Chết sẵn lưỡi hái lại không lấy mà hái, còn
phải rung cây làm gì cho nhọc. Nhưng thấy những quả lê ngon lành, họ vội nhặt lấy
bỏ mồm nhai ngấu nghiến. Bấy giờ họ nhìn lên mới thấy hai bạn mình không tài
nào bứt được những quả lê ra khỏi cây, thậm chí ngay cạnh hai người này cũng có
khá nhiều quả chín, nhưng khi một anh vừa ghé miệng lại thì quả lê dính chặt
ngay lấy môi anh ta, muốn cắn cũng không được. Thật là cảnh dở khóc dở cười, bụng
đói, thức ăn ngay cạnh miệng mà phải chịu trận, chẳng khác gì Tantalos dưới âm
ti !
Bọn
kia ăn xong, vội tản ra khắp nơi, kêu réo ầm ĩ về tin đã tìm được Thần Chết. Chẳng
mấy chốc, người ta lũ lượt đổ xô về ngôi làng nghèo nàn hẻo lánh, tìm đến túp lều
của bà già Cực Khổ. Cả một vùng huyên náo suốt ngày đêm. Hai anh chàng bị dính
vào cây tuy có cảnh báo cho mọi người biết về chuyện "cây lê có ma",
nhưng không thiếu người hấp tấp, chẳng chịu suy nghĩ gì – chắc là họ muốn chết
trước ! – nên vừa đến nơi đã vội nắm lấy khúc xương ống chân của Thần Chết mà
lôi. Nhưng nào có lôi được. Dù Thần Chết chỉ toàn xương với xương, nhưng mọi đốt
xương của Thần Chết cứ gọi là bám chắc vào nhau chứ không rã ra như xương...
người chết, nay lại được gia cố thêm bằng thứ "lực kết dính" của cây
lê "có ma", thành thử những người nhanh nhẩu nọ lại bị dính cứng ngắc
vào đấy, nối nhau thành một đoàn rồng rắn đến là vui mắt. Họ la hét ỏm tỏi, còn
Thần Chết cứ la lên oai oái :
- Mấy
người này chẳng chịu nghe cho rõ, chỉ nhanh nhẩu. Bây giờ dính chùm cả vào đây
thì còn làm được gì !
Vì
chưa kịp nghe lời chỉ dẫn của Thần Chết cho biết cách giải quyết khó khăn, cứ hấp
tấp mạnh ai nấy lôi với kéo, nên mọi người dính cả vào cây, cả vào nhau, làm
cho đoàn rồng rắn nọ dài ra có đến vài chục mạng !
Bấy
giờ họ lại quay ra la hét om sòm :
-
Cha này cứ nắm dính vào cẳng tôi thế này, nặng quá !
-
Buông tay tôi ra cái coi.
-
Buông được thì tôi buông rồi, tưởng tôi khoái nắm anh sao ?
-
Sao lại không buông ra được ?
-
Thì chính anh đó, thử buông ra xem có được không ?
-
Quái thật, vậy cây lê này có ma rồi !
Thần
Chết thấy họ cứ cãi nhau ỏm tỏi, không chịu yên lặng nghe mình nói, nên cũng...
không thèm nói luôn. Mãi sau, cãi cọ nhau đã chán, ai nấy thở hổn hển, nhưng vẫn
không ngớt rên rỉ than vãn. Một người bực bội hét lớn :
-
Thôi, im đi, rên hoài !
- Ông im trước đi thì có.
Người khác nhỏ nhẹ :
- Thôi đừng cãi nhau nữa,
giờ thử nghĩ xem phải làm sao đây.
- Nghĩ quái gì nữa mà nghĩ.
Cứ xin Thần Chết vung lưỡi hái lấy đầu vài người xem có phải là nhanh không. Sốt
ruột lắm rồi.
Thần Chết vẫn chẳng thèm lên
tiếng. Một người lại bảo :
- Thôi các ông im hết đi
cho. Thần Chết đây hẳn biết cách giải quyết. Sao không hỏi ngài xem sao ?
Mọi người nghe anh ta nói
phải bèn dịu lại. Bấy giờ một người mới quay hỏi Thần Chết :
- Thưa ngài, bây giờ phải
làm sao đây ?
Thần Chết hờ hững trả lời
:
- Ngay từ đầu ta đã bảo phải
đi tìm bà già Cực Khổ. Chỉ bà ấy mới có cách giải quyết. Thế mà các người có chịu
nghe đâu, chỉ la với hét om sòm...
Lại một cơn om sòm khác nổi
lên :
- Anh em ơi, Thần Chết bảo
phải đi tìm ngay bà già Cực Khổ.
- Bà già Cực Khổ là ai ? Mà
bà ấy ở đâu ?
- Không biết, cứ đi tìm
ngay đi, như vừa rồi bọn ta đi tìm Thần Chết ấy.
Thấy họ lại cứ náo loạn vậy
– đó chẳng qua ai cũng muốn... chết – , Thần Chết lặng yên ngủ gà ngủ gật. Hoá
ra Thần Chết cũng khoái ngủ. Giấc ngủ vừa rồi kéo dài cả chục năm có dư như thế,
mà xem chừng Thần Chết vẫn chưa đã thèm.
L ÚC đó tin tìm thấy Thần Chết
đã đồn đại khắp nơi. Số người kéo đến mỗi ngày một nhiều. Họ vây quanh gốc cây
lê, dẵm xéo lung tung, nằm ngồi la liệt khắp mảnh vườn con của bà già Cực Khổ,
thế mà vẫn chẳng ai biết bà già Cực Khổ ở đâu.
Không ai để ý thấy cánh cửa
tuềnh toàng của túp lều chợt mở, tiếp đó một bà lão lụ khụ chống gậy lần từng
bước ra ngoài. Bà nhìn quanh. Lâu, lâu lắm rồi bà mới thấy đông người tụ tập thế
này. Bà thều thào hỏi :
- Các người làm gì ở đây
thế ? Lại có ai dính vào cây lê của tôi rồi ư ?
Nhưng ồn quá, chẳng ai
nghe bà nói gì. Thần Chết la lên bằng một giọng khủng khiếp :
- Bà già Cực Khổ đó !
Mọi người lặng đi.
Bà già hỏi lại :
- Các người làm gì ở đây
thế ?
Người ta lại tranh nhau kể,
làm bà già không hiểu họ muốn nói gì. Thần Chết lại gầm lên :
- Có im đi không ! Ồn thế
bà già nghe thế quái nào được.
Người ta im lặng. Bà già hỏi
:
- Ông là ai ?
Thần Chết đáp :
- Chẳng ông nào cả. Ta là
Thần Chết đây !
Bà già lẩm bẩm :
- Lão Thần Chết này lại đến
xin lê nhà mình.
Ngước nhìn lên cây lê, bà
nói :
- Hẳn ngài muốn xơi lê chứ
gì ? Thì ngài cứ hái bao nhiêu tuỳ ý.
- Hái được thì đã tốt. Mười
hai năm nay ta mắc kẹt trên cây lê này có ăn được quả nào của bà đâu mà bà bảo
cứ hái bao nhiêu tuỳ ý ! Gọi bà, bà cũng còn chẳng thèm nghe nữa kia.
- Xin lỗi ngài nhé, tôi đã
già lão điếc lác thế này...
Thần Chết ngắt ngang :
- Hơn mười năm trước bà đã
điếc lác gì mà cũng có chịu nghe ta đâu !
Bà già nhíu mày, hẳn cố nhớ
xem chuyện gì đã xảy ra. Rồi bà lắc đầu :
- Lâu quá rồi tôi không nhớ
được gì nữa.
Bấy giờ Thần Chết mới
thong thả kể lại cho bà già. Nghe xong bà mỉm cười :
- Ra thế đấy. Thế là đã mười
hai năm rồi nhỉ.
- Chứ lại không. Bà làm mất
bao nhiêu thì giờ của ta, làm đình trệ bao nhiêu là công việc của ta.
- Xin lỗi ngài vậy. Thế
bây giờ tôi phải làm gì ?
- Bà mau thả ta xuống, rồi
theo ta sang thế giới bên kia...
- Thế rồi sao nữa ?
- Sao sao cái gì ! Rồi những
người này đây cũng theo bà đi với ta. Bà xem, thật là đông vui nhé !
Bà già lắc đầu :
- Vui gì mà vui, tôi chẳng
thấy vui tí nào.
- Thế bà muốn gì ? Bà cứ để
ta dính tịt đây thì làm sao ta chu toàn công việc bổn phận Chúa giao cho ta ?
Những người khác bây giờ
cũng góp lời, van xin bà già xem đến hoàn cảnh khốn khổ của họ : ai cũng muốn
chết mà không sao chết được.
Bà già có vẻ mỏi. Người ta
chạy vào lều kiếm cho bà cái ghế. Ngồi xuống, bà già ngẫm nghĩ. Tội nghiệp, cái
đầu bé nhỏ già nua của bà lâu nay không quen phải nghĩ ngợi, nên bà có vẻ rất
khổ sở. Người ta nghe bà thì thầm :
- Chết ư ? Nhưng mà mình
đâu có muốn chết.
Đột nhiên bà rên lên :
- Lạy thánh Phê-rô...
Cả một vùng bỗng sáng
chói. Thánh Phê-rô hiện ra, mỉm cười hiền lành. Mọi người vội sụp xuống :
- Lạy thánh Phê-rô.
Thần Chết cũng thì thào :
- Lạy thánh Phê-rô, mong rằng
ngài đừng can thiệp vào công việc của tôi.
Thánh Phê-rô nhìn bà già :
- Bà muốn gì đây ?
Ngài chỉ nói thế mà bà già
chợt nhớ ngay lại câu chuyện xảy ra với bà từ đã rất xa xưa. Bà nhớ rằng bà còn
một điều ước nguyện thứ ba mà chắc chắn sẽ được thánh Phê-rô chuẩn y. Bà nhìn
ngài thều thào trả lời :
- Bẩm, con muốn sống mãi,
con không muốn chết đâu...
Thánh Phê-rô mỉm cười quay
nhìn Thần Chết, bảo :
- Mọi việc xảy ra không
qua được thánh ý Chúa. Ngươi không phải chịu trách nhiệm về việc bà già Cực Khổ
này không chết !
Rồi ngài nói với bà già :
- Được, ta chuẩn y lời bà xin. Bây giờ, bà
mau cho Thần Chết và những người này xuống. Mà khoan đã...
Ngài
nói với mọi người tụ tập chung quanh đó :
-
Các ngươi không được chen lấn làm mất trật tự. Phải xếp thành hàng từ gốc cây
lê này. Xếp hàng năm đi... À thôi, xếp hàng mười cho nhanh. Thần Chết giở sổ ra
xem thứ tự mỗi người, ai chết trước, ai chết sau.
Cả
một khối người khổng lồ chuyển động. Nhưng bằng phép mầu, thánh Phê-rô đã làm
cho cả bọn họ nhanh chóng xếp hàng theo đúng trật tự trong sổ Tử của Thần Chết
trong nháy mắt. Xong đâu đấy, ngài bảo bà già :
-
Bây giờ bà cho Thần Chết với mấy người kia xuống.
Bà
già nhìn lên cây lê thều thào :
-
Cho ngài và các người kia xuống, cẩn thận không thì té.
Chợt
có tiếng sụt sịt :
-
Ôi lạy thánh Phê-rô, xin ngài giải tội cho con.
Đám
đông trước giờ chỉ muốn chết vì cuộc sống quá khốn khổ, nhưng nay đối diện với
cái chết gần kề, theo bản năng tự nhiên của con người, lại đâm ra sợ hãi. Mọi
người đều khóc lóc nức nở, chẳng trừ một ai !
Thánh
Phê-rô ngao ngán nhìn bọn họ. Nhưng rồi ngài mỉm cười :
-
Chúa nhân lành vô cùng. Lẽ ra các ngươi nặng thì... xuống hoả ngục, nhẹ thì
cũng ở trong lửa Luyện tội dăm bẩy... ngàn năm. Nhưng thôi, chính ta cũng đã được
Chúa thương tha tội, nên giờ ta cũng phải cho các ngươi được chung hưởng lòng
lành của Chúa.
Rồi
ngài gọi trong đám đông những linh mục ra để ngài giải tội cho họ trước. Sau
đó, đến lượt các vị này giải tội cho những người khác. Ai nấy đều thành tâm
xưng thú hết mọi tội lỗi mình đã phạm trong bấy nhiêu tháng năm qua. Thần Chết
đành phải kiên nhẫn chờ hết người này đến người khác xưng tội xong, rồi nhẹ
nhàng giải thoát cho họ khỏi kiếp sống dương gian...
Về
phần bà già Cực Khổ, vì được thánh Phê-rô nhân danh Chúa ban phép cho không phải
chết, nên đến tận ngày nay, Cực Khổ vẫn còn hiện diện mãi trên cõi đời này.
HẾT CHUYỆN