THIÊN CAO THÍNH CHI
TRỜI CAO NGHE ĐẤY
Bùi Ngọc Hiển phóng tác
Đôi lời
Cách
đây khoảng 50 năm hoặc hơn, tôi có được đọc một chuyện nhan đề là Thiên cao thính chi(1), có lẽ là một chuyện dịch từ nguyên
tác chữ Nho (?), đăng trên một tạp chí (chắc là thế), mà vì lâu ngày,
nên tên tờ tạp chí và tên tác giả (hay dịch giả ?), tôi đều đã quên. Nhưng nội
dung và nhiều chi tiết quan trọng của câu chuyện thì vẫn nhớ. Tôi đã cố tìm
nguyên bản chữ Nho (nếu như có bản văn đó) của câu chuyện, cũng như chính câu
chuyện bằng quốc ngữ tôi đọc được, nhưng đến nay đều chưa tìm ra. Nay tạm theo
kí ức phóng tác lại, vẫn theo câu chuyện tôi đọc mà đặt tên là “Thiên
cao thính chi – Trời cao nghe đấy”, gửi đến quý độc giả gần xa cùng đọc
cho vui, gọi là để thay đổi không khí. Câu chuyện phóng tác này, tất không thể
không có nhiều sai sót (so với bản quốc ngữ nọ hoặc với nguyên tác chữ Nho, nếu
có). Quý độc giả gần xa biết nguyên tác chữ Nho nếu có đó, hoặc nếu nhớ các chi
tiết khác của câu chuyện quốc ngữ, thậm chí tên tác giả (hay dịch giả), tên tạp
chí đã đăng, xin vui lòng chỉ giáo, tôi xin chân thành cảm ơn.
THIÊN CAO THÍNH CHI
TRỜI CAO NGHE ĐẤY
Mạn
đông tỉnh T. có một dãy núi đá cao sừng sững. Một mặt dãy núi trông ra biển, mặt
bên kia, sát ngay dưới chân núi là thái ấp rộng lớn của trưởng giả họ Vũ, thuộc huyện
H. Trải qua mấy chục năm loạn lạc, ông Vũ luôn tin rằng nhờ hồng phúc của tổ
tiên mà cả thái ấp không hề bị ảnh hưởng của thời thế. Nay sống vào thời buổi
thanh bình, dù có đi học và có tiếng là hay chữ, nhưng họ Vũ không muốn vướng
víu chốn quan trường, nên nhất định không chịu đi thi như những người khác,
hòng đỗ đạt làm quan. Ông chỉ vui thú với việc điền viên, khi rảnh rỗi thì đem
sách thánh hiền ra đọc. Thái ấp của ông rộng lớn, một tay ông làm không xuể,
nên vẫn còn nhiều khoảnh chưa canh tác, cây lớn cây nhỏ rậm rịt như rừng, thú
hoang vẫn thường chọn làm nơi nương náu. Vì thế, thỉnh thoảng ông Vũ đi săn,
cũng được thịt tươi đem về. Hiềm một nỗi dù lấy vợ đã lâu mà hai ông bà vẫn
không có con. Vợ khuyên ông cưới thiếp, nhưng ông không bằng lòng. Sau có một
người đàn bà góa túng thiếu, vẫn thường nhận được sự chu cấp của vợ chồng ông,
bị bạo bệnh qua đời, để lại đứa con trai mới lên năm. Hai vợ chồng họ Vũ bèn nhận
đứa trẻ về làm con nuôi, sau khi lo liệu chu tất hậu sự cho mẹ nó.
Hai vợ chồng ông thương yêu đứa trẻ như con đẻ, hết
lòng nuôi nấng dạy dỗ. Ông dạy nó học sách thánh hiền cùng mọi thứ khác. Đứa trẻ
cũng quý mến cha mẹ nuôi, có khi còn hơn nó quý mến mẹ ruột nó trước kia. Lại
được trời phú cho thông minh, nên ông Vũ dạy gì nó đều học được thành thạo,
tinh thông đủ lục nghệ. Nó lại hiền lành và nhân hậu, nên ông bà Vũ càng yêu
thương. Tuy thế, lòng ông vẫn buồn canh cánh vì không có được một đứa con đẻ.
Thời gian trôi qua, đứa trẻ lớn lên thành một thanh
niên khôi ngô cường tráng. Anh siêng năng tận tụy, hết lòng đỡ đần hai ông bà,
dần dần quán xuyến mọi việc trong thái ấp thay cha nuôi, dù ông vẫn chỉ đạo mọi
việc. Thái ấp của ông ngày thêm phong nhiêu. Anh lại học được ở ông bà biết
luôn đối xử tử tế với hết mọi người, nên kẻ lớn người bé, trong trang ngoài huyện
đều yêu mến. Đến khi thấy anh đã lớn, ông bà Vũ tìm cưới về cho anh một cô dâu
nết na thùy mị, con nhà phúc hậu hiền lành. Cả hai vợ chồng trẻ đều yêu kính
ông bà Vũ rất mực, nên cũng làm cho ông nguôi ngoai. Ông Vũ bàn với bà chính thức
nhận chàng con nuôi làm người thừa tự. Thoắt rồi vợ chồng chàng ta, mà bây giờ
mọi người trong trang ngoài huyện đều coi là con ruột hai ông bà, sinh được đứa
con trai đầu lòng. Tất bật với đứa cháu bé bỏng, ông bà Vũ hầu như chẳng còn
nghĩ ngợi gì hơn. Nhất là khi trong nhà vang tiếng bi ba bi bô của đứa bé tập
nói, thì niềm vui cũng át cả nỗi buồn.
Một sáng, hai cha con ông Vũ rủ nhau cưỡi ngựa đi
săn nơi vùng đất rừng của thái ấp. Tuy tuổi đã cao, nhưng vì siêng năng làm việc
chân tay, gần gũi với thiên nhiên, nên ông Vũ vẫn còn mạnh khỏe, gân guốc lắm.
Ông cưỡi ngựa chẳng hề thua gì cậu con đang tuổi thanh niên. Mới nửa buổi mà
hai cha con cũng săn được kha khá, nên đã định quay về. Chợt ông Vũ nhìn thấy một
con diều lớn lượn lờ trên không, chừng như quan sát một mục tiêu nào đó bên dưới.
Ông im lặng theo dõi, phát hiện trong một bụi cây không xa chỗ hai cha con đang
đứng có một chú chim giẽ đang rình một con sâu. Thấy con diều sà xuống, ông
giương cung. Thình lình con ngựa của ông trượt chân. Mũi tên vuột khỏi cung bay
ngang qua ngay dưới cánh con diều, làm nó hoảng hốt vút lên không bỏ lại con mồi
tưởng chừng sắp bắt được. Đến lượt con chim giẽ lẫn con sâu thấy động cũng
nhanh chóng ẩn nấp hết. Thành thử cả ông Vũ lẫn mấy con vật đều hỏng ăn. Thấy
thế, anh con trai vỗ tay reo lên :
– A ha, Thiên cao thính chi, Trời cao nghe đấy !
Tức mình vì hụt mồi, nghe cậu con nói thế, ông Vũ đột
nhiên phừng phừng nổi giận, quay lại trừng mắt nhìn. Thiên cao thính chi ! Nếu
quả thật Trời mà nghe được, thì phải thấy nỗi niềm ông hằng kêu van với Trời từ
mấy chục năm nay. Cho đến bây giờ ông luôn sống lương thiện, khoan dung độ lượng
với mọi người, thể hiện bằng bao nhiêu hành động giúp đỡ cụ thể. Ông chỉ xin Trời
một mụn con, vậy mà mấy chục năm qua, nếu chẳng kể sự có mặt của cậu con trai
nuôi này, thì vợ chồng ông rõ ra là son rỗi. Thế thì Trời cao nghe cái gì ?
Cậu con không thể hiểu tại sao ông già lại bất ngờ
nổi giận như vậy, vì xưa nay anh biết ông là người rất điềm đạm. Có lẽ trong suốt
bao nhiêu năm sống với ông, anh chưa hề thấy ông tỏ vẻ bực tức với ai, dù có
khi có những chuyện gây thiệt thòi cho ông còn ghê gớm hơn chuyện hụt mồi này rất
nhiều. Anh ngỡ ngàng giây lát, rồi cụp mắt nhìn xuống. Chính vì thế anh không hề
nhận thấy ngay lúc đó một ánh mắt kì lạ lóe lên tích tắc trong mắt ông già.
Ông Vũ thình lình giật cương thúc ngựa phi nước đại
vòng vèo trong khoảng rừng rậm. Anh con trai cũng vội vã cho ngựa chạy theo.
Sau khi rẽ hết bên phải rồi lại bên trái nhiều lần, đến cuối một quãng đường thẳng
ngắn, ông già đột ngột giật cương cho ngựa quặt sang bên trái. Anh con trai rẽ
theo không kịp, đột ngột ghìm ngựa lại. Con ngựa dừng gấp, khiến anh tuột tay
cương, theo đà lao về trước. Anh chỉ kịp thét lên một tiếng rùng rợn rồi cả tiếng
cả người chìm vào im lặng. Lúc ấy, ông già cho ngựa thong thả quay lại. Con ngựa
của anh con trai vẫn còn đứng đó. Ông xuống ngựa, bước về trước chừng mươi bước,
cúi nhìn. Một chỗ lõm nhỏ sâu bên dưới đám cành lá trước mặt ông già.
Ông Vũ kéo những cành cây khô lớn ngáng lên chỗ
lõm, rồi vần đá lớn chất lên, lèn chặt. Sau đó ông vơ thêm nhiều cành lẫn lá
khô rải lấp khắp mặt, sửa sang cẩn thận đến nỗi không còn nhận ra đó từng là một
miệng hố. Ông cũng xóa bằng hết mọi dấu vết chung quanh khác để không ai có thể
nhận ra từng có người đến đây. Đoạn ông lẳng lặng trở về chỗ cũ, ra roi quất con
ngựa của người con cho nó chạy đi. Nhìn theo con ngựa, ông lẩm bẩm :
– Thiên cao thính chi, Trời cao nghe đấy ! Hừ, chỉ
khi nào ngựa có sừng thì Trời mới nghe thấy !
Sau đó, ông mới leo lên con ngựa của mình, rẽ cương
cho nó vòng lại. Nét mặt ông phảng phất buồn bã, nhưng không chút gì lo lắng.
Ông biết rằng tất cả những con ngựa nuôi trong chuồng nhà rất tinh khôn – cả
con ngựa anh con trai cưỡi cũng thế – nên ông thả lỏng cương cho ngựa tự tìm đường
về. Ông cũng chẳng màng nhặt mấy con vật mà hai cha con ông săn được.
Về đến nhà thì trời đã nhá nhem. Bà Vũ bế đứa cháu
nội chạy ra đón, thấy có mỗi mình ông, nét mặt phờ phạc, dáng điệu mệt mỏi, hoảng
hốt la lên :
– Ông về rồi đấy ư ? Sao ủ rũ thế ? Thằng Hai đâu ?
– Nó chạy lạc đâu mất, tôi tìm mãi không thấy, nên
đến giờ mới về đây.
Lúc này cô con dâu đã chạy ra, hay tin chồng lạc đường
mất tích, cô òa lên khóc. Ông già bảo :
– Không phải quá lo. Con ngựa thằng Hai cưỡi khôn lắm.
Nếu không gặp chuyện gì, thế nào nó cũng tìm được đường về...
Mấy gia nhân giúp việc ra dắt ngựa vào chuồng. Ông
già và mọi người bước lên nhà. Bữa tối hôm đó chẳng ai buồn ăn. Ông già uể oải
cầm đũa gắp vài miếng rồi buông xuống, lừ đừ đứng dậy đi nằm.
Đến tối mịt, có tiếng hí vang ngoài ngõ. Mấy gia
nhân chạy ra, rồi một người vào báo với ông :
– Bẩm ông, con ngựa cậu Hai đã về...
Ông hỏi :
– Thế cậu Hai ?
– Bẩm, không thấy cậu...
Ông mệt nhọc ra ngoài, đi đến chỗ con ngựa. Mọi người
trong nhà đã xúm xít cả lại đó. Một không khí nặng nề bao phủ hết thảy. Chẳng
ai nói với ai lời nào. Chỉ nghe tiếng nức nở nhè nhẹ của cô con dâu. Các gia
nhân ra hiệu cho nhau dắt ngựa vào chuồng. Rồi mọi người giải tán.
Hôm sau, ông già dẫn một đoàn gia nhân đi tìm khắp
thái ấp. Họ dắt theo con ngựa người con trai cưỡi hôm qua, hi vọng nó có thể
tìm lại được chủ. Hết một ngày ròng rã vẫn không thấy dấu vết gì. Cả đoàn ủ rũ
quay về. Việc tìm kiếm còn tiến hành thêm hai ngày nữa. Khi biết không có kết
quả, người ta – theo lệnh của ông già – thôi việc tìm kiếm. Cô con dâu buồn bã
khóc lóc ủ ê suốt một tháng ròng. Cuối cùng, bà già bàn với con dâu đem việc
trình lên quan huyện. Cô bẩm lại với ông già Vũ. Ông bảo :
– Con cứ trình lên quan. Nhưng
cha biết ông quan này. Ông ta chỉ làm chiếu lệ thôi.
Cô vâng lời ông bà, thảo đơn lên quan. Ông già Vũ nhận
xét đúng, quan huyện này thuộc loại sâu mọt. Tuy vậy, khi biết người đứng đơn
là con dâu, còn kẻ mất tích là con trai ông già Vũ, quan cũng khá tích cực cho
điều tra, vì từ lâu ông bà Vũ đã nổi tiếng khắp vùng về lòng nhân hậu, tính
lương thiện, hay giúp đỡ mọi người. Thậm chí quan còn cho lính về thái ấp của
ông bà để lục soát cặn kẽ mọi chỗ. Quan cũng đòi ông già Vũ để tra hỏi, đòi xem
xét quần áo của ông già lúc đi săn với con trai, xem xét cả hai con ngựa ông
già và người con trai đã cưỡi hôm đó, xem xét đến túi đựng tên, cánh cung của
ông già... Xem chừng người ta muốn tìm chứng cứ gì về một tử thi nào đó. Nhưng
họ chẳng tìm thấy một dấu vết nào khả nghi, chẳng biết do cẩu thả làm cho có,
hay thật sự là chẳng có. Khi biết không còn hi vọng gì, quan huyện cho đòi cô
con dâu đến. Ông ta hỏi :
– Thế nhà chị có biết ai thù oán gì chồng chị không
?
– Bẩm, không. Vì chồng tiện dân cũng như ông bà cụ
sống rất hiền lành, được lòng hết mọi người, kể cả đám gia nhân.
– Chị có nghi ngờ ai trong vụ này không ?
– Bẩm, tiện dân chẳng dám nghi ngờ ai. Tiện dân chỉ
thấy hoang mang khi chồng tiện dân mất tích kì lạ như vậy.
– Theo như đơn chị trình lên, hôm chồng chị mất
tích, thì chỉ có một người cùng đi với chồng chị mà thôi...
Không để quan huyện nói hết, cô con dâu vội vã thưa
:
– Bẩm, tiện dân không thể nghi ngờ ông cụ. Không
riêng gì tiện dân, có lẽ cả huyện này ai cũng biết ông bà cụ là người hiền lành
ngay thật, lại hay giúp đỡ mọi người. Nếu... nếu quan lớn có... chứng cứ gì
liên lụy đến ông cụ thì tiện dân xin bãi nại ngay.
– Không, ấy là ta nói thế
thôi. Vì rõ ràng là chỉ có cha chồng chị đi cùng chồng chị ngày hôm đó. Còn chứng
cứ nào khác thì không có. Chính ta cũng nghe biết về cha mẹ chồng chị. Chẳng lẽ
ta lại bắt ông già đem tra khảo ư. Thôi, chị hãy về. Khi nào tìm thêm được chứng
cứ gì, ta sẽ xét án tiếp.
Quan huyện nói vậy, nhưng
ông ta cũng chẳng làm gì thêm. Ông ta nghĩ đi nghĩ lại thấy thật bế tắc, lại chỉ
muốn nhàn, nên ông để vụ án đó lại – cả nhiều vụ khác nữa – không xét tiếp.
Phần ông già Vũ, trước kia ông
vốn không nói nhiều, nay lại càng ít nói. Ông cũng không còn hay xem sách như
xưa. Suốt ngày ông chăm sóc, chơi với đứa cháu nội. Khi nó tập nói, ông dạy nó
nói. Ông dẫn nó đi chơi khắp vườn quanh nhà, chỉ bảo cho nó đủ mọi thứ. Sự quyến
luyến giữa hai ông cháu có phần còn hơn trước kia ông chăm nom cho cha đứa bé.
Nhưng không khí trong nhà dù có vẻ êm đềm, vẫn thiếu vắng sự vui tươi thủa trước.
Cô con dâu ngày đêm quay quắt nhớ chồng. Thỉnh thoảng cô cũng có mượn người hỏi
thăm tình hình điều tra trên huyện, nhưng lần nào cũng như lần nào, câu trả lời
duy nhất là vẫn chẳng có gì tiến triển.
Thấm thoắt ba năm trôi qua.
Quan huyện bị bãi chức vì tiếng tham ô lười nhác của ông ta đã thấu đến triều
đình. Một ông quan khác được bổ nhiệm thay thế. Ông quan mới này họ Mã(2),
có tiếng là một người đức độ, liêm khiết, cần mẫn. Nhận nhiệm sở hôm trước,
ngay hôm sau ông ta đem hết các án từ đọng lại ra xem xét. Rồi ông dần dần giải
quyết xong phần lớn một cách rõ ràng, có lí lại có tình, nên dân huyện rất mến
phục. Những vụ nan giải ông tìm cách điều tra cẩn thận, có khi bí mật, có lúc
công khai. Tuy lâu mau không chừng, nhưng rồi ông cũng xử được gần hết. Một
trong những vụ làm ông khó nghĩ nhất chính là vụ con trai ông già Vũ.
Tiếng đồn về sự sáng suốt của
quan huyện mới tất nhiên cũng lan đến nhà ông già Vũ. Rồi chính ông gọi con dâu
bảo :
– Cha nghe nói quan huyện mới
rất sáng suốt. Con hãy thử kêu lên quan một lần nữa xem ngài có giải quyết được
không.
– Bẩm vâng.
Rồi cô con dâu lại thảo đơn
trình quan, đúng lúc ông đang xem lại hồ sơ vụ án cô đã trình quan huyện cũ. Ông
hỏi cô những câu hỏi tương tự như quan huyện cũ đã hỏi. Ông cũng nhận định như
quan huyện cũ, rằng chỉ có mỗi ông già là người cùng đi với chồng cô vào hôm chồng
cô mất tích. Ông còn hỏi cặn kẽ hơn về cử chỉ, thái độ của ông già. Điều đó làm
cô hoảng sợ. Nhưng quan huyện đã trấn an cô, khiến cô bình tĩnh nhớ lại thái độ
của cha chồng. Tuy nhiên cô không thấy bất cứ điều gì dù nhỏ nhặt nhất khiến cô
có thể nghi ngờ ông già. Dù sao, cô vẫn thành thật trình quan huyện tất cả.
Tuy quan huyện là người có
kinh nghiệm, nhưng qua việc tra hỏi cô con dâu, thấy vẻ thành thật của cô, và
căn cứ vào những điều ông biết về ông già Vũ, mà mấy tháng nay ông đã ngấm ngầm
cho dò xét, cuối cùng ông cũng đành kết luận chẳng khác gì quan huyện cũ :
nếu không tìm được chứng cứ gì khác, ông không thể đem ông già kia ra tra khảo bắt
ông ta phải khai nhận. Ông đành cho cô con dâu ông già về, sau khi an ủi cô.
Nhưng ông quyết tâm phải tìm ra cho được mọi ẩn khuất trong sự việc này.
Ngày hôm sau, ông tắm gội sạch
sẽ, mặc đầy đủ phẩm phục áo mão, kính cẩn đốt một lò hương trước án ngoài hiên huyện
đường, thành tâm cầu nguyện Hoàng Thiên phù hộ cho ông tìm ra cách giải quyết vụ
án. Sau đó, ông giở toàn bộ hồ sơ vụ án nhà họ Vũ xem xét kĩ lưỡng nhiều lần,
nhưng mọi chuyện đều dẫn đến bế tắc. Ông cũng xem lại lời cô con dâu ông già Vũ
đã khai ngày hôm qua mà ông cho ghi chép cẩn thận từng chi tiết, vẫn không thấy
sáng sủa hơn. Hiển nhiên người liên can trực tiếp chính là ông già Vũ. Nhưng tư
cách của ông già được mọi người xác nhận, tuổi tác của ông, thái độ của ông, kể
cả trước khi vụ án xảy ra, cả từ sau khi cậu con mất tích đến giờ, không điều
nào cho phép xác nhận chắc chắn ông già là thủ phạm, hay ít ra có dính líu đến
vụ án. Do đó, ông không thể cho gọi ông già ra giữa công đường để tra khảo. Suy
nghĩ lung làm ông mệt mỏi, ông cẩn thận gấp các hồ sơ lại, rồi gục đầu trên đó
và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Thình lình trời đổ mưa to
trong lúc quan huyện đang ngủ. Đến khi bị gió tạt, hắt nước mưa ướt mặt, ông mới
hốt hoảng tỉnh dậy. Lò hương đã tắt ngấm. Mặt án thư ướt nhẹp. Còn đang bực bội,
bỗng ông chú ý thấy một vệt đỏ từ nghiên son lõng bõng nước trên bàn, loang lổ
ra mặt bàn, kéo dài ra tới tận mép. Ông đứng hẳn dậy, nhìn theo vệt đỏ ấy, thì
thấy gần chân lò hương thỏi son mà ông để trong nghiên khi trước đã rã ra hết một
nửa. Ông lẩm bẩm :
– Mưa... trôi... son..., vũ...
lưu... chu...
Bỗng ông giật nảy mình, miệng
lắp bắp nhắc lại :
– Mưa... trôi... son..., vũ...
lưu... chu...
Thình lình ông đập bàn, thét lớn :
– Lính đâu !
Có tiếng dạ ran, rồi một toán
lính canh bên ngoài công đường vác giáo chạy vào nghiêm trang xếp hàng trước mặt
quan huyện đợi lệnh. Ông bảo :
– Mau đến nhà ông già Vũ đòi
ông ta đến đây ngay cho ta. Nhớ phải lễ phép, không được phương hại hay quát nạt
gì ông ấy, nghe không ?
Toán lính lại dạ, rồi rầm rập
kéo đi.
Lúc ấy, ông già Vũ đang đi đi
lại lại trong gian trước ngôi nhà. Cháu ông đã ngủ, không có ai chuyện trò
khuây khỏa – thật ra thì ông cũng chẳng muốn trò chuyện với ai – ông cứ bồn chồn
nóng nảy trong lòng. Câu chuyện hơn ba năm về trước giờ đây lại khuấy động tâm
can ông. Thiên cao thính chi..., Thiên cao thính chi...
Dù nghe tiếng ông quan huyện mới
này sáng suốt, nhưng ông không mấy tin tưởng. Tuy vậy, ông đã bảo con dâu lên
trình quan. Nhưng chẳng phải việc trình quan là nguyên do khiến ông cảm thấy bồn
chồn. Bản thân ông cũng không rõ do đâu ông cứ bồn chồn như thế. Vừa vặn lúc đó
thì toán lính kéo đến. Họ truyền lại cho ông rằng quan huyện đòi ông lên trình
diện. Vợ ông và cô con dâu nghe ồn ào đã kéo cả lên nhà trên. Mấy gia nhân cũng
thấy lấp ló bên trong. Mọi người có vẻ hoảng hốt sợ sệt. Cô con dâu xin phép
ông bà cho được đi theo ông, vì cô là nguyên đơn trong vụ án này, cô bảo vậy.
Ông già bằng lòng. Ông hoàn
toàn bình tĩnh. Ông xin bọn lính cho ông thay đổi trang phục cho được tỏ lòng
tôn kính quan lớn. Sau đó cả đoàn lên đường. Toán lính đi cùng ông cách lễ
phép, phần vì nể nang ông là bậc kì lão trong hàng huyện, phần vì họ cũng từng
biết về ông, không chỉ vì vâng lệnh quan huyện. Cô con dâu lục tục đi theo. Đến
công đường, ông vào quỳ trước án, dõng dạc nói :
– Tiện dân Vũ Lưu Chu(3)
xin trình diện quan lớn.
Phải, họ tên ông chính là Vũ
Lưu Chu.
Quan huyện vẫn để ông già quỳ
trước án, cho toán lính lui cả ra ngoài, rồi mới nói với ông cách ôn tồn,
nhưng không kém phần nghiêm nghị :
– Ông già Vũ Lưu Chu, ông hãy
thành thật nhận tội và khai báo cho ta mọi sự việc xảy ra liên can đến con trai
ông.
Trông thấy ông già tuy không
còn vẻ tráng kiện, nhưng vẫn quắc thước, quan huyện không nỡ gọi ông là kẻ phạm
tội.
Ông già Vũ thảng thốt nhìn
chăm chăm vào quan huyện. Rồi ông nói :
– Bẩm, tiện dân xin sẽ khai hết
sự thật, chỉ xin quan lớn cho biết do đâu ngài cả quyết tiện dân liên can đến sự
việc này ?
Quan nhìn lại ông già hồi lâu,
sau đó trả lời :
– Ông cũng muốn biết ư ?
Ông hãy nhìn đi.
Rồi quan chỉ cho ông xem mặt
bàn vẫn còn ướt, loang vết son, và thỏi son dở vẫn còn nằm dưới đất, cách chỗ
ông già quỳ không bao xa, mà quan cố tình không cho lau dọn. Ông già nhìn theo,
đột nhiên, giống như quan huyện khi nãy, ông lẩm bẩm :
– Mưa... trôi... son..., vũ...
lưu... chu...
Quan huyện không nói gì. Ông
già ngẩng lên, cung kính nói :
– Bẩm, tiện dân xin sẽ khai hết.
Nhưng một lần nữa xin quan lớn chiếu cố cho phép tiện dân được biết cao danh
quý tính của ngài.
Quan huyện lấy làm lạ, nhìn
ông già, nhưng rồi cũng đáp :
– Tên ta là Mã Hữu Giác.
– Mã hữu giác, phải rồi,
mã hữu giác(4). Quả là Thiên cao thính chi !
– Ông nói thế nghĩa là
gì ?
Ông già thưa :
– Bẩm ngài, vâng, quả là Thiên
cao thính chi – ông già nhắc lại – tiện dân xin khai hết với ngài.
Sau đó ông già kể lại tỉ mỉ từng
việc đã xảy ra hơn ba năm về trước. Rồi ông nức nở :
– Thế đấy, ngài xem, cả đời vợ
chồng tiện dân ăn ngay ở lành, trông đợi mãi mà khi đã về chiều vẫn chẳng có lấy
một mụn con...
Ông nghẹn ngào không nói tiếp
được. Quan huyện bước xuống tự tay đỡ ông già đứng dậy, bảo cô con dâu – lúc đó
cũng đang sụt sịt – kéo một cái ghế cho ông già ngồi.
– Xin đội ơn quan lớn. Nhưng
mà... tiện dân cũng xin trình với quan lớn, là con của tiện dân chắc chắn vẫn
chưa chết đâu. Có điều nó không biết tìm đường ra mà thôi. Xin quan lớn hãy cho
lính về cùng với tiện dân, tiện dân sẽ đưa nó ra trình diện ngài.
Rồi ông quay sang cô con
dâu :
– Con đừng khóc nữa, chồng con
không việc gì đâu.
Cô con dâu hấp tấp quỳ xuống :
– Bẩm, tiện dân xin bãi nại.
Quan huyện trả lời cô :
– Được, ta sẽ xem xét việc đó
sau khi ta đích thân cùng đi với ông già đến tận nơi để tận mắt nhìn thấy con
trai ông cũng là chồng chị.
Rồi đó, ông sai lính sắp đặt mọi
thứ để cùng ông già Vũ và cô con dâu đi với quan về thái ấp của ông già. Ông
cho dắt thêm hai con ngựa để ông già và cô con dâu cưỡi đi cho đỡ nhọc. Đến
nơi, quan huyện cho lính chia ra gác ngoài cổng, trong nhà và những nơi khác.
Đi với ông chỉ có hai ông bà già cùng cô con dâu, cấm ngặt không ai được phép
ra vào.
Ông già dắt mọi người đi theo
một lối tắt, mà thường ngày cả bà già lẫn cô con dâu đều biết lối đi này, nhưng
không ai ngờ nó lại dẫn tới một lối khác ẩn kín sau một rặng cây. Chỉ thêm mươi
bước, họ đến trước một cánh cửa hết sức kiên cố. Ông già loay hoay mở then khóa.
Chưa đầy một phút sau, ông già đã đẩy cánh cửa mở toang, và lên tiếng gọi lớn :
– Hai ơi, cha đây, con ở
đâu ?
Mọi người đứng đó không hề ngờ
rằng ngay sau khi ông cất tiếng gọi, lập tức có tiếng đáp từ xa vọng đến :
– Cha, cha ơi, con
đây !
Rồi nghe tiếng chân chạy.
Ông già lại cất tiếng gọi để định hướng cho người bên trong :
– Cha ở đây, con có tìm
thấy lối đi không ?
Tiếng trả lời và tiếng
chân chạy nghe đã gần hơn :
– Thưa cha, con thấy rồi.
Ít phút sau đó, một bóng
người bên trong ào ra, râu ria xồm xoàm, quần áo rách bươm, nước da rám nắng,
chứng tỏ trong hang vẫn có chỗ được thái dương soi chiếu đến. Anh ta chạy ra khỏi
cửa hang, trông thấy ông bà già vội vàng quỳ xuống, ôm chặt lấy chân ông già.
Cô con dâu nhìn thấy cơ hồ muốn ngất đi, phải dựa vào bà già. Anh ta trông thấy
thế, đưa tay nắm lấy tay vợ. Mọi người mừng mừng tủi tủi. Ông già quay sang chỉ
vào quan huyện :
– Đây là quan huyện nhà,
con hãy ra mắt và tạ ơn ngài. Chính nhờ ngài mà con được ra khỏi nơi đây.
Anh ta hướng vào quan huyện
sụp lạy. Nhưng quan huyện đã đưa tay đỡ anh đứng lên :
– Chẳng phải nhờ ta, mà
chính thật là Hoàng Thiên đã cứu anh.
Sau đó mọi người đưa nhau
về. Ông già kính cẩn mời quan huyện lên gian trước nhà, ngồi vào ghế giữa. Ông
kính cẩn quỳ xuống trước quan huyện lạy tạ. Quan vội đỡ ông dậy, dẫn ông ngồi
vào ghế. Anh con trai được cô vợ và bà già dắt vào nhà trong để thay đổi trang
phục, sửa soạn đầu tóc. Gia nhân được lệnh đem trà nước lên. Xong xuôi đâu đấy,
ông già kể cho quan huyện và vợ con về cái hang anh con trai đã ở hơn ba năm.
Hang đó vốn là chỗ cha của ông già xây dựng hồi những năm loạn lạc, để lỡ có giặc
giã kéo tới, gia đình cụ cố có nơi trú ẩn khi không chống lại được với chúng.
Tuy nhiên cả nhà đã không phải dùng đến hang này, nên ngoài ông già Vũ, chẳng
còn ai biết đến sự hiện hữu của nó. Trong hang chia làm nhiều gian, có gian để ở,
có gian để tích trữ lương thực đủ cho khoảng hai chục người sống ít nhất là ba
năm. Vì thế, nếu như anh con trai có phải ở trong đó đến già, thì ít ra cũng
không phải chết vì đói. Lại cũng có cả nước mạch chảy thành một con suối nhỏ. Cụ
cố còn xây dựng những chỗ thông lên mặt đất, nhưng những chỗ đó đều là những chỗ
không lên mà cũng không xuống được. Chỉ có hai lối ra vào, mà một lối chính là
chỗ anh con trai rơi xuống, bị ông già Vũ lấp kín đi, lối thứ hai gần nhà hơn,
cũng khuất nẻo như lối kia, những người không được dẫn đến tận nơi thì không thể
biết.
Trò chuyện hồi lâu, ông
già quay sang quan huyện :
– Bẩm, nay tiện dân phải
theo ngài về công đường chịu tội.
Vợ chồng anh con trai vội
vàng chạy ra quỳ trước quan huyện kêu xin bãi nại. Quan cho hai người đứng dậy,
rồi ôn tồn bảo :
– Chiếu luật hoàng thượng,
kẻ làm tội phải đền tội. Nhưng xét thấy trước hết ông già là người thành thật,
ngay thẳng, không cố ý làm hại con mình, thứ đến nguyên đơn đã xin bãi nại, sau
nữa nạn nhân trong vụ án đã được tìm thấy mạnh khỏe. Nên ta cũng bằng lòng chấp
thuận cho nhà chị bãi nại.
Quan quay sang ông già :
– Về phần ông, ta thấy rằng
đúng như lời ông nói ở công đường khi nãy : quả thật là Thiên cao thính
chi. Ông bà không có con đẻ, nhưng ta xem con nuôi với con dâu ông bà thật là
chí hiếu chí tình. Đó là Trời ban cho ông bà vậy. Giả như ông bà có con đẻ, ông
bà vin vào đâu mà chắc rằng nó sẽ hiếu kính với ông bà như anh con trai này
đây. Thôi, ông già chớ buồn phiền nữa. Trời cao nghe biết cả đấy. Trời chẳng bỏ
rơi những kẻ ngay lành có lòng tin tưởng cậy trông Hoàng Thiên bao giờ. Ông chớ
nên kêu trách Trời làm chi.
Ông già đứng lên, cúi đầu
thưa :
– Tiện dân rất đội ơn quan lớn.
Nhờ quan lớn mở mắt cho tiện dân hiểu được lẽ Trời. Nhân đây, tiện dân xin được
kính thỉnh quan lớn lưu lại tệ xá dự tiệc vui để mừng ngày con trai tiện dân trở
về, cũng là mừng cho chính tiện dân được sáng mắt ra mà thấy ơn cao cả Hoàng
Thiên đã ban cho tiện dân.
Nhưng quan huyện đã đứng
lên :
– Không phải ta hẹp hòi gì mà
không ở lại cùng vui với gia đình ông. Nhưng việc công còn nhiều, có những vụ
nan giải chẳng kém việc con trai ông đây. Xin ông để cho khi khác.
Rồi quan gọi lính đến, thông
báo vắn tắt cho họ biết đã tìm thấy con trai ông già Vũ, đồng thời ra lệnh cho
hết thảy mọi người không được bép xép gì về các sự việc đã xảy ra hôm nay. Sau
đó quan cùng toán lính quay về huyện đường.
Tuy quan huyện đã ra lệnh như
thế, nhưng rồi về sau hẳn có người có lẽ nghĩ rằng nếu không nói, lỡ ra câu
chuyện bị lãng quên mất thì thật đáng tiếc, do đó mà kể lại, nên mới có câu
chuyện này hầu quý độc giả.
Chú thích :
(1)
Thiên cao thính chi 天高聽之 : nghĩa là Trời cao nghe [biết]
đấy. Ở đây, chữ 之 chi có chức năng của một đại danh từ, làm đối ngữ trực tiếp cho động từ 聽 thính [= nghe], có nghĩa là “(người, sự, vật, điều)
ấy, đấy, đó, nọ...”, như trong cổ văn : Sử Kí của Tư Mã Thiên,
Lưu hầu thế gia : ... 秦將果畔 , 欲連和俱西襲咸陽 , 沛公欲聽之... [Tần tướng quả bạn, dục
liên hòa cụ tây tập Hàm Dương, Bái công dục thính chi... = Tướng Tần quả nhiên làm phản, muốn liên kết (với Bái công) cùng (đem binh) về hướng tây
đánh úp Hàm Dương, Bái công muốn nghe theo đó...] ... 沛公曰 : “ 鯫生教我距關無內諸侯 , 秦地可盡王 , 故聽之.” [Tưu sinh giáo ngã cự
quan vô nội chư hầu, Tần địa khả tận vương, cố thính chi = thằng khốn khuyên ta giữ lấy (Hàm Cốc) quan, không cho (quân) chư hầu vào, thì có thể làm
vương trên tất cả đất Tần, nên (ta) nghe theo đó]. Tuy nhiên thành ngữ
phổ thông hiện nay trong tiếng Tàu hay dùng các dạng khác, thí dụ : 1). 天高聽下 [Thiên
cao thính hạ] ; 2). 天高聽卑 [Thiên cao thính ti] ; 3). 天高聽遠 [Thiên cao thính viễn]. Ba câu này
cũng tương tự câu dẫn trên, với nghĩa là : Trời cao nghe xuống / dưới thấp /
xa. Các chữ hạ, ti, viễn này có chức năng trạng ngữ, tu sức cho động
từ thính. Cả ba câu này đều có xuất xứ từ Tam quốc chí (chính sử
truyền thống, tác giả là Trần Thọ, người đời Tấn, không phải tiểu
thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung). Câu 1 từ Ngô
chí, Ngô chúa truyện : “ 天高聽下 , 靈威棐諶.” [Thiên cao thính hạ, linh uy phỉ thầm = Trời cao nghe xuống,
oai thiêng phù hộ thành tín]. Câu 2 và 3 từ Ngụy thư,
quyển 19, Nhậm thành Trần Tú vương truyện : ... 天高聽卑 , 皇肯照微 ... và ... 然天高聽遠 , 情不上通 [... Thiên
cao thính ti, hoàng khẳng chiếu vi ... và ... nhiên Thiên cao thính viễn, tình
bất thượng thông = Trời cao nghe dưới thấp,
bằng lòng soi rọi chỗ nhỏ nhoi ; Trời cao nghe tới nơi xa xôi mà chẳng thông tới được]. Trong truyện phóng tác, tôi vẫn dùng Thiên cao thính chi
như đã được đọc, vì bên cạnh dạng đọc Nho Thiên cao thính chi, tác giả
(hay dịch giả) còn viết cả nghĩa quốc ngữ là : Trời cao biết đấy.
(2) 馬 Mã có nghĩa riêng là “ngựa”, vẫn là một họ rất phổ biến của người
Tàu, xem Bách gia tính. Cũng xem thêm số 4 dưới đây.
(3) Vũ lưu chu với mặt chữ là 雨流朱 , âm Tàu là yǔ liú zhū, thì có nghĩa là mưa trôi (thỏi) son.
Ba chữ này đồng âm, cả Nho lẫn Tàu, với họ tên ông già Vũ : Vũ Lưu Chu,
mặt chữ là 禹琉珠 , trong đó lưu chu là tên một thứ ngọc quý, còn 禹 Vũ cũng là một họ phổ biến khác ở Tàu, nhưng có lẽ
không có người Việt nào có họ Vũ 禹 này. Họ Vũ khác phổ biến hơn ở Tàu (và cả ở
ta) là武. Nhưng chữ vũ 武này, âm Tàu là wǔ, không đồng âm với chữ vũ 雨 có âm Tàu là yǔ như đã nói trên. Nếu tìm được nguyên bản chữ Nho của
câu chuyện, mà trong đó họ tên ông già là 武琉珠 , thì điều chắc chắn tác giả của nó phải là một
nhà Nho người Việt chứ không phải người Tàu. Tuy nhiên với tình tiết câu chuyện
ông già Vũ là một trưởng giả có cả một thái ấp rất rộng lớn, trên thì có rừng rậm
(dù nhỏ), dưới thì đủ chỗ để xây dựng một hang ngầm, thì có lẽ khó xảy ra ở nước
ta. Tham khảo thêm : Sách 廣韻 Quảng vận xếp ba chữ 羽 , 禹 , 雨 vào cùng nhóm đồng âm (tiểu vận) 羽 (ba chữ đầu tiên với thứ tự 1, 2, 3) và hai chữ 武 , 舞 vào cùng nhóm đồng âm 武 (hai chữ đầu tiên với thứ
tự 1, 2). Khang Hi tự điển thiết âm cho ba chữ 羽 , 禹 , 雨 đều là 王矩切 [vương củ thiết] và chú âm : chữ 羽 có âm là 禹 , ngược lại chữ禹 (và chữ雨 ) có âm 羽 ; còn hai chữ武 , 舞 được thiết âm là罔甫切 [võng phủ thiết], chú âm chữ 武 có âm舞và ngược lại chữ舞có âm 武 . Căn cứ vào thiết âm, cả năm chữ này đều được đọc với âm Nho là vũ
!
(4) Mã hữu giác với nghĩa là “ngựa
có sừng” có mặt chữ là : 馬有角 , âm Tàu là “mǎ yǒu jué”, hoàn toàn đồng âm (cả Nho lẫn Tàu) với
tên quan huyện, có mặt chữ là馬有覺 , với giác 覺 có nghĩa là hiểu, biết, tỉnh, thức (trái nghĩa với mê).