Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

HOA HỒNG MẦU NHIỆM

LẦN HẠT CÓ PHẢI LÀ LẶP ĐI LẶP LẠI NHỮNG LỜI LẢI NHẢI VÔ NGHĨA KHÔNG ?

Dịch từ bài Is the Rosary Just "Vain Repetitions" ? trong http://www.catholicbible101.com


Hỏi : Tại sao người Công giáo lại tôn Bà Maria lên như một nữ thần ?

Đáp : Người Công giáo không tôn Đức Maria lên như một nữ thần. Tự Người không có quyền năng gì. Người nhìn nhận chính Thiên Chúa là Cứu Chúa của mình (Luca 1:47). Nhưng người Công giáo tin vào Đức Maria khi Người nói "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa" (Luca 1:46). Linh hồn Đức Maria vẫn sống, và vẫn còn ngợi khen Thiên Chúa mãi. Đức Maria đã được Thiên Chúa Cha chọn làm Cung Thánh Rất Thánh để Ngôi Lời Thành Nhục Thể là Chúa Giê-su cư ngụ. Chính Chúa Giê-su đã vâng phục Đức Maria (Luca 2:51). Và nếu việc Chúa Giê-su vâng phục Đức Maria đủ là việc tốt, thì điều đó cũng đủ tốt cho các tôi tớ của Chúa Giê-su. "Tôi tớ không trọng hơn chủ" (Gioan 13:16). Chúa Giê-su bảo "hãy xem quả thì biết cây" (Luca 6:44), mà chính Chúa Giê-su là hoa quả của cung lòng Đức Maria (Luca 1:42), có nghĩa là Đức Maria, vốn không có thần tính, đã được tác tạo tinh tuyền và thánh thiện, vì một cây hư nát thì không thể sinh trái ngon lành.


Hỏi : Cầu nguyện Kính mừng Maria không phải là thợ phụng Bà Maria sao ?

Đáp : "Cầu nguyện" không có nghĩa là "thờ phụng". Ta nguyện Kính Mừng Maria không có nghĩa là ta thờ phụng Đức Maria, cũng như thiên sứ Gabriel chào Người "Kính mừng Đấng đầy ân phúc" (Luca 1:28), và như bà Ê-li-za-bet khi nói với Người "Bà được chúc phúc giữa những người nữ, và hoa quả lòng bà – là Đức Giê-su – cũng được chúc phúc" (Luca 1:42)

Hỏi : Theo Kinh Thánh, việc cầu nguyện cứ lặp đi lặp lại mãi như thế không phải là có tội sao ?

Đáp : Không hề. Sách Khải Huyền 4:8 làm cho điều này trở nên rất rõ ràng. Trong Tin Mừng Mat-thêu 6:7, lời cầu hư không với các thần hư không, và không xuất phát từ trái tim, là điều bị ngăn cấm. Khi bạn nói với Đức Maria rằng bạn yêu mến Người, cầu xin Người giúp đỡ và chuyển cầu, thì đó là điều tốt lành, đáng được Thiên Chúa chấp nhận, điều mà thánh Phao-lô đòi hỏi bạn trong thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê 2:1. Việc đó cũng giống như việc bạn bày tỏ và lặp đi lặp lại tình yêu của bạn với người yêu.

Hỏi : Chẳng phải Kinh Thánh cấm những việc liên lạc với người đã chết đó sao ?

Đáp : Đúng, trong sách Thứ Luật 18:10 có cấm việc đó cùng những bí thuật khác. Vua Saul đã làm điều thế và bị Samuel khiển trách nặng nề trong sách Samuel chương 28. Nhưng việc khẩn cầu cùng Đức Maria hoàn toàn không phải là việc "gọi hồn" Người để nhận được điều bí ẩn gì đó như vua Saul đã làm. Hãy nhớ chính Chúa Giê-su đã nói chuyện với những người "đã chết từ lâu" là Mô-sê và Ê-li-a (Mat-thêu 17:2-3), nên nói chuyện với người đứng trước chúng ta thì không phải là một tội, và Chúa Giê-su không hề phạm tội khi nói chuyện với kẻ chết. Hơn nữa, trong Mat-thêu 22:32, Chúa Giê-su xác quyết : Đức Chúa không phải là Chúa của kẻ chết, mà là của người sống, vì vậy điều đó có nghĩa là những người đang ở trong Nước Chúa như Đức Maria không phải là người chết, mà là đang sống với Đức Ki-tô. Những người cầu nguyện với Đức Maria là xin Người cùng với họ cầu xin cùng Chúa Giê-su. Đức Maria không "ở giữa" chúng ta với Thiên Chúa, mà đúng hơn, Người "ở bên cạnh" chúng ta để cầu nguyện Chúa với chúng ta. Đức Maria không chỉ là Ki-tô hữu đầu tiên, Người còn là Phúc âm gia đều tiên nữa.


Hỏi : Chẳng phải là Bà Maria đã chết rồi ư ? Làm sao bà có thể nghe lời cầu nguyện của chúng ta ?

Đáp : Mọi linh hồn đã được Thiên Chúa tạo dựng đều không bao giờ chết mà vẫn sống. Chỉ những người vô thần mới tin người chết "không còn sống nữa". Chúng ta tin chỉ có thân xác chết, còn linh hồn vẫn sống. Chúa Giê-su khẳng định điều đó trong Mat-thêu 22:32. Trong Luca 20:36, các thánh trong Nước Chúa sống "như những thiên thần". Ta lại biết các thiên thần có thể nghe ta và chuyển cầu cho ta cũng như họ là những sứ giả của Chúa. Ở chương 12 Sách Khải Huyền, thánh Gioan nói ông nhìn thấy Đức Maria trong Nước Trời. Ông còn nói chúng ta là con cái thiêng liêng của Đức Maria như ông trong Khải Huyền 12:17 và trong Tin Mừng Gioan 19:27, nếu ta tuân giữ các giới luật Chúa và làm chứng nhân cho Chúa Giê-su. Theo thư 2 Phê-rô 1:4, những người trong Nước Chúa được thông phần bản tính thần linh, bao gồm cả việc nghe được những lời cầu nguyện. Thư 1 Cô-rin-thô 6:17 nói ai kết hợp với Đức Ki-tô thì sẽ nên một thần trí với Người, và không có ai kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô cho bằng Đức Maria là người đã cưu mang Đức Ki-tô chín tháng trong cung lòng thánh thiện, người đã được thiên sứ Gabriel gọi là "Đấng đầy ân sủng" và "được Thiên Chúa ở cùng". Đức Maria đã được Chúa Giê-su chọn lấy làm khởi điểm cho việc Người giáng thế. Không phải vì Đức Maria đã chín tháng cưu mang Chúa Giê-su mà được đầy ân sủng, trái lại, vì Người đầy ân sủng, cả thân xác lẫn linh hồn đều không vương tì vết tội lỗi, nên mới có thể cưu mang Chúa Giê-su !


Hỏi : Tại sao tôi lại phải cầu nguyện với Bà Maria trong khi tôi có thể cầu nguyện thẳng cùng Thiên Chúa ?

Đáp : Bạn có thể cầu nguyện thẳng cùng Chúa, và đương nhiên bạn nên làm như thế.  Nhưng như trong thư của thánh Gia-cô-bê 5:15 có nói "lời cầu nguyện của những người công chính có sức đem lại hiệu quả". Không ai ở trần gian này công chính bằng những người trong Nước Trời, mà Đức Trinh Nữ đầy ân sủng Maria chắc chắn ở trong Nước Trời. Sách Khải Huyền 5:8 và 8:3 cho thấy những lời cầu nguyện của chúng ta là "hương thơm" được các thiên thần và các thánh thượng tiến Thiên Chúa. Các vị đó hằng cầu nguyện cho chúng ta đêm ngày, cả khi chúng ta ngủ không thể tự cầu nguyện cho mình được. Quỷ không hề ngủ, nhưng các thánh và các thiên thần trên trời cũng vậy.


Hỏi : Không phải là Chúa Giê-su, chứ không phải Bà Maria, là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người sao ?


Đáp : Đúng vậy, và chính Chúa Giê-su đã hoàn tất sứ mạng trung gian bằng việc chuộc tội cho nhân loại trên thập tự giá và hằng còn tiếp diễn mãi. Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian của chúng ta giữa Thiên Chúa Cha và nhân loại. Thư Hip-ri 9:14-15 nói Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian duy nhất của Giao ước mới. Đức Maria dẫn ta đến với Chúa Giê-su, và Chúa Giê-su sẽ dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa Cha. Chúng ta là những kẻ được Đức Maria yêu thương và được Người dâng lời cầu thay nguyện giúp trước nhan Thiên Chúa.





Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ (002)

LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ
(tiếp theo)

路德聖母畧記

BÙI NGỌC HIỂN
phiên âm và chú thích


Kỳ 2


     Các số ghi trong bản phiên âm dưới đây nhằm dễ dàng so sánh đối chiếu với nguyên bản. Theo cách viết văn Hán – Nôm truyền thống, câu văn không hề có các dấu chấm câu, ngắt đoạn. Trong quyển truyện này, có một số dấu chấm, và khi ngắt đoạn (paragraphe) thì để cách ra một khoảng bằng với một chữ, mà không có sang dòng mới. Cách trình bày như thế làm hình thức của bản văn không được sáng sủa. Vì thế, trong khi phiên âm, chúng tôi xin thêm vào các dấu chấm câu, và sẽ xuống dòng mới khi cần ngắt đoạn.


     Số trong dấu { và } là số trang, số trong dấu [ và ] là số dòng tương ứng với nguyên bản, số trong dấu ( và) là số chú thích bên dưới. Như đã trình bày ở phần Giới thiệu, những điều này làm cho mạch theo dõi của người đọc bị ảnh hưởng ít nhiều. Rất mong quý bạn đọc lượng thứ.




{3}
[1] Khi trong họ có ai chết, thì mọi người phải đến đưa xác. Bằng nhà kẻ chết khó khăn, thì họ xin lễ, mua [2] ván lạt (7), cùng chịu các tốn phí cho.
     Ấy là về phần đàn ông thì làm vậy. Còn đàn bà thì hầu hết [3] mọi người cũng vào những họ đã lập riêng cho đàn bà. Trong các họ đã lập ra cho đàn bà, thì có một [4] họ danh tiếng hơn và đông người vào hơn, gọi là họ "Những kẻ làm con cái Đức Bà" (8). Kẻ vào họ ấy là [5] những con gái từ mười hai, mười bốn tuổi trở lên, là những người còn đồng trinh. Những kẻ ấy buộc nhau phải giữ [6] phép tắc nết na cho nhiệm nhặt, làm gương tốt cho người ta, và phải xưng tội chịu lễ các ngày lễ Đức Bà. [7] Ai nấy đều trọng họ ấy lắm, cho nên nhà nào có con gái mà không được vào họ ấy, thì cha mẹ lấy [8] làm xấu hổ. Hay là người nào đã vào họ ấy mà lỗi phép phải đuổi ra khỏi họ, thì cũng lấy làm điều [9] hổ thẹn nữa. Bởi người ta trong những họ ấy và siêng năng giữ các luật phép trong họ, cho nên dân Lộ-đức [10] có chế độ mỹ phong tục cùng sùng đạo lắm. Nhất là có lòng kính mến Rất Thánh Đức Bà cách riêng. Trong nhà...

Chú thích :

(7) ván lạt : cũng như hiện nay nói "gỗ lạt". Tuy nhiên ván lạt ở đây có nghĩa là quan tài.

(8) họ "Những kẻ làm con cái Đức Bà" : tiếng Pháp là (les) Filles de Notre-Dame, nhưng đây là tên của một hội dòng nữ (congrégation) ; có lẽ Hội NKLCCĐB là một dạng "dòng ba" của hội dòng này chăng, chúng tôi chưa tra cứu được. Trước ở VN, các giáo xứ thường cũng hay có hội "Con cái Đức Mẹ", có thể là tương tự với hội NKLCCĐB hơn.






{4}
[1] thờ Lộ-đức có bốn bàn thờ, mà bốn bàn thờ ấy đều chỉ về kính thờ Rất Thánh Đức Bà cả thay thảy.
[2] Người ta từ thuở còn bé đã nhận lấy Rất Thánh Đức Bà làm Mẹ, làm Quan thầy riêng mình, và giữ lòng trông [3] cậy kính mến Người cho đến trọn đời, cho nên Rất Thánh Đức Bà thương dân Lộ-đức cách riêng, và Người hiện [4] ra gần thành ấy nhiều lần thì chẳng lạ gì. Ấy là thành Lộ-đức và dân thành ấy đầu năm một ngàn tám [5] trăm năm mươi tám thì làm vậy. Nhưng mà cho ai nấy được hiểu cho tỏ những điều đã chép trong sách này, thì [6] ta còn phải thêm mấy điều này nữa.
     Vậy có con sông Ga-vô (9) chảy ở bên nam mà sang bên bắc đến [7] thành Lộ-đức, ở đấy mắc thành mắc núi, thì sông chảy ngoặt thước thợ (10) qua bên tây thành ; nước chảy xa bốn năm [8] ngày đàng mới xuống đến biển. Bên mạn nam tỉnh cuối phố, có một cầu đá bắc qua sông Ga-vô ở bên tây [9] sông. Khỏi cầu một ít người ta đã đào một cái sông con dài độ năm trăm ngũ (11). Đất ở trong khoảng sông cái [10] ra sông con cách nhau thì phẳng phiu, người ta thả cỏ cho trâu bò ăn. Bên bờ sông đào ấy, người ta đã...

Chú thích :

(9) sông Ga-vô : tên tiếng Pháp là Le Gave de Pau ; có thể thấy âm tiết ga trong phiên âm ứng với gave, còn âm tiết ứng với pau. Điều này cũng tương tự cách phiên âm từ "Đức Giám mục" từ tiếng Bồ-đào-nha là Bispo thành 曰無 đọc là "vít-vô" (hoặc "vít-vồ).

(10) ngoặt thước thợ : thước thợ tức là thước góc vuông, tiếng Pháp là équerre, mà trong sách giáo khoa ở VN hiện phiên âm thành ê-ke. Do đó ngoặt thước thợ là bẻ một góc vuông so với hướng ban đầu.

(11) ngũ : đơn vị đo lường trước kia ở ta (và ở Tàu), năm thước ta là một ngũ, hai ngũ là một trượng . Tuy nhiên, dù nhà nước có công bố chính thức độ dài của một thước (xích ), thì trong thực tế nó vẫn sai chạy từ khoảng 20 cm đến khoảng 40 cm. Vì thế một ngũ có thể coi xấp xỉ vào khoảng 150 cm, và 500 ngũ vào khoảng bảy tám trăm mét. Trong sách này còn gặp các đơn vị đo lường khác đều quy về hệ thống đo lường dùng tại VN xưa.




{5}
[1] làm một nhà để máy đi bằng nước (12) cho được xay lúa đâm bột.
     Nơi sông đào chảy vào sông cái thì có rặng [2] núi đá cao lắm, gọi là núi Ma-sa-bi-e (13). Dưới chân núi ấy có một hang sâu độ ba mươi thước (14), rộng [3] cũng bằng ấy. Cửa hang cao chừng độ tám thước. Bên trên cửa hang một ít lại có một hốc lõm vào hơi giống [4] như hình miệng huỳnh (15) cao độ mười thước thông xuống với hang, ra như cửa sổ hang vậy. Lại có cây mai khôi (16) mọc [5] trong kẽ núi chĩa ngạnh xuống trên cửa hang dưới hốc ấy nữa.
     Những người thành Lộ-đức gọi hang ấy là hang Ma- [6] sa-bi-e núi Ma-sa-bi-e, và đất chân núi cùng đất rẻo (17) dưới bờ sông là của công dân (18) Lộ-đức [7], cho nên những trẻ chăn trâu bò thường đem trâu bò đến chăn đấy. Mà bởi vì hang Ma-sa-bi-e ráo rẻ (19) [8] kín đáo, thì khi mưa gió, những trẻ ấy thường hay chạy vào trú đấy. Ấy là chính nơi Đức Bà đã [9] chọn cho được hiện ra nhiều lần, mà tỏ sự cả sáng và quyền phép Người ra cho thiên hạ.

Chú thích :

(12) máy đi bằng nước : cũng như ngày nay nói "máy chạy bằng nước".

(13) Tiếng Pháp : Massabielle.

(14) ba mươi thước : vào khoảng chín, mười mét. Xem chú thích (11) bên trên.

(15) huỳnh : miếng huỳnh, miếng trám : là những chỗ chạm hoặc trổ thủng trên vách, trên tường... có hình dạng đại khái như các hình vẽ dưới. TĐ GH không giải thích (dịch sang tiếng Pháp), nhưng có dẫn : ngạch đục những miếng huỳnh, miếng trám, và dịch : suppports de porte où sont ciselés des lucioles et des canaris. Đó là vì mặt chữ huỳnh viết là  , mà nghĩa chữ Nho huỳnh này là "con đom đóm" nên đã giải thích như trên ! Miệng huỳnh ở đây nghĩa là lỗ nhỏ (tự nhiên) trên vách đá có dạng như miếng huỳnh.

(16) mai khôi : trong nguyên bản viết bằng hai chữ 枚瑰 , hai chữ này có âm Hán – Việt là mai khôi / mai côi, nghĩa là hoa hồng (hoa hường, rosa) ; Kinh cầu Đức Bà ví Đức Maria như "hoa hường mầu nhiệm" (rosa mystica). Nếu đọc ra "mân côi" như quen đọc hiện nay thì sai quá !

(17) đất rẻo : miếng đất có chiều dài mà hẹp bề ngang.

(18) của công dân : có nghĩa là (đất) thuộc sở hữu chung của dân. "Công dân" ở đây không hiểu với nghĩa như hiện nay (tiếng Pháp : citoyen, Anh : citizen), mà phải hiểu tách ra thành "chung của dân".

(19) ráo rẻ : từ láy cổ, có nghĩa là ráo, khô ráo. Như đã trình bày ở phần giới thiệu, hiện không còn dùng dạng láy này nữa mà được lược thành "ráo".

miếng trám
miếng huỳnh



Bản đồ Lộ-đức nửa cuối thế kỷ XIX
Trên bản đồ, số 9 là nơi Bê-na-đet-ta được Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên
(Còn tiếp)







Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ (001)


LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ

路德聖母畧記

BÙI NGỌC HIỂN
phiên âm và chú thích


Kỳ 1

Giới thiệu

     Lộ-đức Thánh Mẫu lược k‎ý (= kể qua về Thánh Mẫu Lộ-đức [LĐTMLK]) là một quyển truyện viết bằng Chữ Nôm, thuật lại sự kiện Đức Mẹ hiện ra với một thiếu nữ tên là Bê-na-đet-ta (tên theo tiếng Pháp hành chính là Marie Bernarde "Bernadette" Soubirous ; theo tiếng địa phương nơi cô sinh trưởng – tiếng Occitan – là Bernadeta Sobiróus (7-1-1844 – 16-4-1879) ở Lộ-đức (Lourdes) miền Hautes-Pyrénées (Py-rê-nê Thượng), nước Pháp, vào năm 1858.

     Ngay từ khi sự kiện xảy ra, tại Pháp đã nổi lên một cuộc bút chiến trên báo chí về việc sự kiện đó là có thật hay chỉ là điều bịa đặt (cho đến nay vẫn còn có ý kiến phản bác, dù xem xét kỹ thì thấy ít nhiều điều bất hợp lý hoặc tự mâu thuẫn trong các phản bác đó). Sau khi sự kiện được Giáo quyền xác nhận, đã có nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp tường thuật các biến cố đã xảy ra, với các chứng nhân đều còn sống đã từng mắt thấy tai nghe (như "Notre-Dame de Lourdes" của Henri Lasserre xuất bản năm 1868 – bạn đọc nào muốn có thể tải về bản dịch tiếng Anh với tựa "Our Lady of Lourdes" tại địa chỉ https://archive.org/details/ourladyoflourdes..., miễn phí). Có lẽ Lộ-đức Thánh Mẫu lược ký là một bản dịch Việt ngữ của một trong các tác phẩm đó, song cũng có thể là một tập hợp các ghi chép trong các tác phẩm đó, và được viết bằng Chữ Nôm để phổ biến trong giới Công giáo Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.

     Quyển truyện chúng tôi sử dụng để phiên âm tiếc rằng bị mất bìa và bị mất vài trang đầu (có thể là trang in tựa sách, tác giả, năm in, xuất bản...) và vài trang cuối, toàn bộ các trang còn lại là từ trang được đánh số 1 đến trang 376 (bằng chữ Hán), nên không rõ thời điểm soạn thảo (hay biên tập), in và xuất bản, nhưng có lẽ tác phẩm ra đời muộn nhất cũng chỉ khoảng năm, mười năm đầu thế kỷ XX, căn cứ vào các chữ dùng trong tác phẩm. Có một điều chắc là quyển truyện được in ở nước ngoài (như Hong Kong hay nơi nào đó có nhà in của các Hội Truyền giáo tại Trung quốc chẳng hạn), vì các lý do sau :

     Cỡ sách là 12,6 cm X 19 cm, rất khác so với kính thước các sách đạo Hán – Nôm gọi là truyền thống (các sách này bề dài thường gần gấp đôi bề ngang, xấp xỉ khoảng 15 cm X 27 cm). Lại nữa, dù cũng vẫn được đọc theo chiều dọc và từ phải sang trái (mỗi trang có 10 dòng, mỗi dòng có 24 chữ, trừ những dòng tựa sách, đề mục mỗi đoạn...) theo cách viết Hán – Nôm truyền thống, nhưng khác với các sách Hán – Nôm khác ở chỗ giấy in không phải loại giấy bản in hai trang một mặt rồi gấp đôi từng tờ một (và đóng chung lại bằng chỉ ở phía mép giấy chứ không ở phía nếp gấp như cách đóng sách hiện nay), mà in trên một loại giấy khác hẳn (tương tự các loại giấy in thông thường bây giờ) không sợ thấm mực, nên mỗi tờ đều in cả hai mặt,  và in theo từng "tay sách" 16 trang (4 tờ, mỗi tờ 4 trang in 2 mặt lồng vào nhau rồi gấp đôi), mỗi tay sách đều được đánh số A-rap.
Ngoài ra sách được in theo kiểu xếp chữ rời đúc sẵn, khác với kiểu khắc ván thủ công cả nguyên một trang, do đó hầu như không gặp các sai lỗi như các bản in khắc ván (chẳng hạn cùng một chữ có thể khắc khác nhau, thậm chí sai lạc hẳn, chữ này khắc ra chữ khác..., do người thợ khắc không phải lúc nào cũng đọc thông tất cả các chữ mình khắc).

     Văn phong quyển truyện khá cổ, nhiều từ ngữ dùng trong tác phẩm ngày nay đã biến mất hẳn, nên đôi chỗ có thể làm người đọc lúng túng ít nhiều, nhưng không vì thế mà kém lôi cuốn. Một số chữ dù quen thuộc, nhưng lại có tự dạng khác với các tự dạng của cùng chữ đó trong các tác phẩm Hán – Nôm khác (rất nhiều chữ không có trong "Giúp đọc Nôm và Hán Việt" của cha Anthony Trần Văn Kiệm, trong "Tự Vị Nôm" của Vũ Văn Kính và Nguyễn Quang Xĩ...). Một số chữ dùng chỉ gặp trong "Dictionnaire Annamite-Français" của J. F. M. Génibrel, "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" của Huình-Tịnh Paulus Của, hay "Dictionnaire Annamite-Chinois-Français" của Gustave Hue, trong khi không thấy có trong "Việt-Nam Tự-Điển" do "Hội Khai-Trí-Tiến-Đức khởi thảo"... Đặc biệt các tiếng láy dùng trong tác phẩm khá phong phú, có thể dùng tham khảo cho việc biên tập các từ láy tiếng Việt, tất nhiên có những từ nay không còn dùng nữa. Có thể xem một vài thí dụ :

Tiếng dùng trong LĐTMLK                     Tiếng dùng khác tương tự 

chê bác, chế bác                                      bài bác
bẻ bót                                                      bẻ, bắt bẻ, bẻ bai
nhộn nhạo                                               nhốn nháo
đông đắn, đông đúc                                 đông đúc
chuôm                                                     ao
ao                                                           lường, đong
ván lạt                                                     gỗ lạt
nhiệm nhặt                                               nghiêm ngặt
điệu cách, điệu dáng                                dáng điệu
xở ra                                                       trở ra, quay ra
ráo rẻ                                                      ráo, khô ráo
mấy                                                         với, thế, vậy
phân phô                                                  phân bua
động đạt                                                  động, động đậy, xao động
gắt                                                           tức tối, tức giận
trình trọt                                                    trình
bằng phẳng                                               bình thường, bình tĩnh
ngầy ngà                                                  rầy rà
thưa thớt (= nói, động từ)                          thưa thốt
rỉ rích                                                       rả rích
chu chu chắm chắm                                  chăm chăm chú chú
...                                                                                                                                                                    
     Do những điều trên đây, chúng tôi xin phiên âm theo nguyên bản Nôm mà không thêm bớt, sửa chữa. Lại mỗi dòng trong mỗi trang đều được đánh số, cho tiện đối chiếu với ảnh chụp từng trang. Nếu gõ lại nguyên bản Chữ Nôm ở dạng "text" thì dung lượng giảm đi rất đáng kể. Tuy nhiên với các "font" có Chữ Nôm hiện nay thì có những chữ có trong bản văn nhưng không font nào có cả. Vì thế không thể bảo đảm tính chính xác.
Hơn nữa, do trình độ có giới hạn, chúng tôi rất có thể phiên âm (= đọc) sai chữ nào đó của nguyên tác, nên giới thiệu bản văn dưới định dạng ảnh là việc làm hợp lý.

     Vậy xin giới thiệu tập truyện này với quý bạn đọc gần xa. Biết đâu sau khi đọc truyện (với văn phong bình dân, giản dị) bạn càng thêm lòng yêu mến Đức Mẹ. Hoặc cũng có thể đây là đóng góp nho nhỏ trong việc nghiên cứu thứ chữ viết xưa của cha ông.

     Rất mong nhận được sự chỉ dạy của các bậc cao minh xa gần cho những sai sót trong việc phiên âm và chú thích này.

Chân thành cảm tạ

BÙI NGỌC HIỂN




     Các số ghi trong bản phiên âm dưới đây nhằm dễ dàng so sánh đối chiếu với nguyên bản. Theo cách viết văn Hán – Nôm truyền thống, câu văn không hề có các dấu chấm câu, ngắt đoạn. Trong quyển truyện này, có một số dấu chấm, và khi ngắt đoạn (paragraphe) thì để cách ra một khoảng bằng với một chữ, mà không có sang dòng mới. Cách trình bày như thế làm hình thức của bản văn không được sáng sủa. Vì thế, trong khi phiên âm, chúng tôi xin thêm vào các dấu chấm câu, và sẽ xuống dòng mới khi cần ngắt đoạn.

     Số trong dấu { và } là số trang, số trong dấu [ và ] là số dòng tương ứng với nguyên bản, số trong dấu ( và) là số chú thích bên dưới. Như đã trình bày, những điều này làm cho mạch theo dõi của người đọc bị ảnh hưởng ít nhiều. Rất mong quý bạn đọc lượng thứ.










{1}
[1] LỘ-ĐỨC THÁNH MẪU LƯỢC KÝ
[2] Là sự tích Rất Thánh Đức Bà hiện ra ở thành Lộ-đức cùng ít nhiều phép lạ Người làm

[3] ĐOẠN THỨ NHẤT
[4] Về thành Lộ-đức và dân thành ấy là thể nào

[5] Bên mạn tây nam nước Phú-lãng-sa (1) tiếp giáp nước Y-pha-nho (2) có một tỉnh nhỏ gọi là Lộ-đức. Giữa tỉnh [6] có cái núi đá, và trên núi ấy có xây một đồn đời xưa rất vững bền danh tiếng lắm, vì có nhiều lần [7] quân giặc cố phá đồn ấy thì cũng không phá được. Rày vốn có quân quan đóng ở đồn ấy mãi. Phố xá dân [8] sự thì ở chung quanh bốn bên chân núi. Dân Lộ-đức bé nhỏ chẳng có to lớn (3), kể cả nam phụ lão ấu (4) [9] không được sáu ngàn người. Các quan cùng ít nhiều người đàn anh về phần xác thì giàu có phong lưu đài các, song [10] phần linh hồn thì khô khan, nguội lạnh nhân đức tin lắm, như thiên hạ các nơi tỉnh thành thường có những người...

Chú thích :

(1), (2) Trong Việt ngữ, Phú-lãng-sa và "Y-pha-nho" là các cách phiên âm xưa của chữ "France", nước Pháp, chữ "Espagne", nước Tây-ban-nha theo cách phiên âm hiện nay.

(3) có lẽ "bé nhỏ" và "to lớn" ở đây là muốn nói về dân số, chứ không nói về tầm vóc.

(4) nam phụ lão ấu = trai gái già trẻ.





{2}
[1] thể ấy. Bằng dân sự thì hầu hết là những người lái buôn cùng người làm thợ thuyền lam lũ vất vả, song thật [2] thà chân chỉ (5) và có lòng đạo đức lắm. Trong dân ấy đã lâu, không biết từ đời nào, người ta lập ra nhiều [3] họ cho được giúp đỡ nhau phần hồn phần xác. Hầu hết mọi người vào những họ ấy cả. Những kẻ làm một nghề [4] như nhau thì vào một họ với nhau. Người làm thợ mộc thì vào họ bà thánh An-na. Kẻ làm thợ may thì [5] vào họ bà thánh Lu-xi-a. Những người làm thợ nề thợ đá thì vào họ Đức Bà núi Ca-mê-lô. Còn [6] những kẻ làm ruộng thì vào họ Đức Bà ban ơn. Lại có nhiều người khác vào họ ông thánh Xu-ong (6), họ ông [7] thánh Gia-cô-bê nữa. Cứ luật phép các họ ấy, thì mỗi tuần lễ một lần, hết mọi người trong họ góp ít [8] nhiều tiền làm của chung, mà khi có ai trong họ ốm đau không làm ăn được, hay là phải tai nạn cách nào, [9] thì họ lấy tiền ấy mà giúp đỡ kẻ ấy. Đàn anh coi sóc đàn em, cùng sửa trách nó khi nó có lỗi. [10] Mỗi năm một lần ngày lễ quan thầy họ, thì mọi người xem lễ cùng xưng tội chịu lễ và ăn uống với nhau.

Chú thích :

(5) chân chỉ : nguyên là "chân chỉ hạt bột", là một khái niệm cụ thể, mô tả "đường viền có hạt bột và chỉ thòng xuống" (VNTĐ ; tự điển của Gustave Hue [GH] : pendentifs en verroteries), được "giả tá" làm từ láy để mô tả "chân " là "ngay thẳng" cho khỏi cụt lời.

(6) Xu-ong : cũng có thể đọc là Khu-ong, là cách phiên âm chữ João theo tiếng Bồ-đào-nha (được phát âm gần như kiểu phiên âm của các Chữ Nôm 樞螉), tương đương với kiểu phiên âm hiện nay là Gio-an.

(Còn tiếp)


Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

TIN MỪNG CHÚA CỨU THẾ (tiếp theo)


Bài ca "Ngợi Khen" (Lc 1:46-56)

            Nghe lời linh hứng chính đoan,
Ma-ri-a lại hân hoan nối lời :
            "Hồn tôi chúc tụng Chúa Trời,
"Tâm thần hớn hở mừng vui trong Người.
            "Chúa là Cứu Chúa của tôi,
"Vì thân tì nữ nhỏ nhoi mọn hèn
            "Được Thiên Chúa đã đoái nhìn.
"Tôi đầy ơn phúc : tiếng khen muôn đời !
            "Đấng Quyền Phép làm cho tôi
"Những điều cao cả, Danh Người Thánh thay !
            "Lượng nhân nghĩa Chúa tỏ bày
"Trải muôn thế hệ cho ai khâm sùng.
            "Tay Người ra sức uy hùng
"Làm tan tác kẻ trí lòng kiêu căng ;
            "Hạ ngai báu kẻ quyền năng ;
"Tôn lên những kẻ lòng hằng khiêm nhu !
            "Đói nghèo được sự lành no ;
"Giàu sang lại bị xua lùa về không !
            "Is-ra-en được cứu dung
"Nhờ lòng lân tuất mênh mông của Người
            "Hứa cho tổ phụ chúng tôi :
"A-bra-ham đến muôn đời cháu con !"
            Rồi cô ở lại trông nom,
Đỡ đần mọi việc vuông tròn trước sau.
            Chị em ý hiệp, tâm đầu,
Sớm hôm chung tiếng nguyện cầu ngợi khen ;
            Cùng nhau cảm tạ ơn trên,
Hằng tin cậy mến vững bền chẳng phai.


Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

THÂN PHỤ THÁNH TÊRÊSA (tiếp theo)

THÂN PHỤ THÁNH TÊRÊSA (tiếp theo)

Cần lao và bất vụ lợi

      Cha mẹ chúng tôi sống đơn sơ, tiết kiệm, nhưng không hà tiện keo kiết, chăm làm việc để nuôi bầy con đông cho đầy đủ, nhứt là chú trọng lo cho con cái được một nền giáo dục công giáo và đúng đắn. Muốn đạt mục đích này, cha mẹ chúng tôi phải đành chịu bao nỗi hy sinh !
      Cha tôi có tài kinh doanh, nhưng hoàn toàn siêu thoát, không chút vấn vương, cũng không ước vọng thâu trữ tài sản. Tôi còn nhớ rõ chỗ góc đường mà người nói với tôi : "Cha cảm thấy bắt đầu thích dùng tiền để sinh lợi, nhưng cha không để bị lôi cuốn, vì đó là cái dốc trơn trợt, đẩy ta đến nạn đầu cơ rất dễ."
      Vì thế, trong vấn đề tiền bạc, cần lắm thì cha tôi mới dè dặt, ngoài ra, "phú mọi sự trong tay Chúa" như lời Kinh Thánh khuyên nhủ (Ps LIV:23). Và Chúa quan phòng bảo hộ người luôn. Đây là một thí dụ.
      Công chứng viên (notaire) của người đề nghị một công việc làm ăn kể chắc sẽ được lợi to, nhưng phải cùng nhau đi Bordeaux để ký giao kèo. Đến ngày đi, sáng ra, khi không cha tôi bị trẹo gân, người cho đó là thánh ý Chúa quan phòng, nên mặc dầu viên công chứng gõ cửa nài nỉ, người cũng cáo từ. Sau một thời gian công việc đó bị thất bại hoàn toàn.
      Ở Lisieux, người không sống cuộc đời nhàn rỗi. Người sắp đặt thời khoá để có giờ bồi bổ trí thức, tổ chức việc nhà, quản lý tài sản, làm việc đạo đức và giáo dục con cái.


      Giờ việc xác ở Buissonnets, người vun tưới khu vườn, trông nom gà, vịt, thỏ, tự đi nhổ cỏ cho ăn và quét dọn chuồng, không chịu cho người ta làm phụ. Chúng tôi cũng có nuôi chơi một lồng chim thì cũng nơi tay người săn sóc. Để giải trí chúng tôi, có con chim thước dạn, người tập riết nó biết nói.
      Chính người lo hầm rượu, lo mua táo (pommes) làm rượu tại nhà, lại ra tay làm với kẻ khác. Trong nhà dùng bao nhiêu củi thì cũng nơi tay người cưa, bửa, chất sẵn đó. Lúc [người] về già, tôi trông thấy người làm những việc đó cách khó nhọc lắm.

Chủ gia đình và nhà giáo dục

      Cha tôi và mẹ tôi cũng vậy, hồi còn thanh niên, đã có ý định đi tu. Nguyện vọng bất thành, cha mẹ tôi mới xoay qua lập gia đình, nhưng đã đặt vào cuộc giao kết với nhau một tinh thần công giáo đến cực độ.
      Trải qua nhiều tháng dài dặc, cha mẹ chúng tôi sống chung với nhau như anh với em, rồi sau đó nghe theo lời cha giải tội linh hướng khuyến khích thì cả hai mới ước ao được nhiều con để hiến dâng cho Chúa.
      Cha phó rửa tội cho chị cả tôi đã thông cảm được ý cha tôi khi nghe cha tôi bộc lộ nỗi niềm vui phước : "Thưa cha, đây là lần đầu tiên con đem con đến chịu phép Rửa tội, nhưng không phải là lần chót đâu."
      Quả thật, người đã chín lần đem con đến chịu phép Rửa tội.
      Cha mẹ chúng tôi thật là tâm đầu ý hiệp. Cha tôi thường nhắc đến người mẹ "thánh" của chúng tôi  người thường hay gọi mẹ chúng tôi như vậy. Còn phần mẹ tôi viết thư cho cậu tôi thế này : "Bạn tôi là một thánh nhân, ước gì các bà vợ ai cũng được một người chồng như thế."
      Mẹ tôi hằng khen phục đức tính của cha tôi. Bao giờ cha tôi vắng mặt là người buồn. Lúc cha tôi đi lo công việc ở Ba-lê, trong một bức thư [của mẹ tôi] có đoạn kết như thế này :
      "... Ngày nay em nhớ đến sẽ lại được thấy anh, em vui thích quá nên không làm gì được.
      "Vợ anh thương anh hơn chính mạng sống mình."
      Lần khác một bức thư, từ Lisieux gửi đến :
      "... Anh Louis yêu dấu, em nóng lòng được gần gũi anh, em yêu anh hết lòng, mỗi khi anh vắng nhà, em cảm thấy đời em thiếu thốn, cho nên em càng yêu anh hơn, em không thể sống xa anh..."
      Đến sau khi mẹ tôi đi bác sĩ, bác sĩ cho biết bệnh trạng quá nguy, không qua được, mẹ tôi có viết :
      "... Bạn tôi không tự tìm an ủi được, ông đã dẹp cần câu ở xó vựa và không màng đến thú đi câu nữa. Ông cũng không đến câu-lạc-bộ, ra như người không còn nghị lực gì nữa."
      Tình hoàn toàn khắng khít giữa cha mẹ chúng tôi rất siêu nhiên, chỉ hướng về sự sống đời đời. Cơn bệnh cuea chị Léonie tôi là một minh chứng : Hai năm đầu chị  Léonie mặc bệnh dở sống dở chết, nhờ dì tôi là Sœur Marie Dosithée khuyên nên cầu xin với thánh nữ Magarita Maria, cha mẹ tôi cùng cầu nguyện rằng : "Nếu con chúng tôi sau này sẽ nên thánh, xin thánh nữ hãy cứu chữa nó khỏi bệnh." Bệnh tình liền được thuyên giảm chứng tỏ Chúa thưởng đức tin hai ông bà.
      Vì thế, không lạ gì khi thấy Đức Giáo hoàng Piô XII bảo viết thư cho Mẹ Agnès de Jésus về quyển sách "Truyện Một Gia Đình", đã khen tặng quyển sách này diễn tả và lưu lại một nếp sống gia đình kỳ diệu, lại chỉ cho các gia đình thời nay một tấm gương khả dĩ khích lệ họ thực hành đầy đủ các nhân đức công giáo.

(Còn tiếp)




Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

CHUYỆN NĂM GÀ - BA KHỀU

HỘI THÁNH CHÚA NGÀY MỘT RỘNG... THOÁNG RA


Thánh lễ hôn phối của hai bạn trẻ X. và Y. đã chính thức hoàn tất... xong, sau mấy màn quay phim chụp ảnh giữa cô dâu chú rể, gia đình hai họ, cùng với linh mục chủ tế, v.v. và v.v. Ba Khều khều nhẹ Năm Gà :
- Coi bộ Hội Thánh Chúa ngày một rộng thoáng ra phải hôn chú Năm ?
Năm Gà nhớ lại chú rể là một thanh niên tân tòng, nên hỏi lại :
- Ý anh Ba là Hội Thánh Chúa rộng sáng ra chớ gì ?
- Hổng phải. Mà là (Ba Khều nhấn mạnh) RỘNG THOÁNG ra !
- Cái gì mà rộng thoáng ra ? Từ... "chuyên ngành" mới à nhen.
- Thì chú Năm mầy hổng nghe bài hát lúc Hiệp lễ đó sao ?
- Bài hát đó nghe hay quá chớ...
- Ừa hay. Nhưng nghe bắt nhột.
- Nhột là sao ?
- Thì nè : hết "Chúa cho con người bạn đường sống như bạn đời", lại đến...
Không chờ Ba Khều, Năm Gà tiếp luôn :
- "Chúa cho con người bạn đời sống như bạn đường"... Có gì đâu anh Ba ?
- Tao hỏi chú Năm mầy chớ "người bạn đường" nghĩa là gì ?
- Thì... người ta dzẩng hiểu "bạn đường" là những hành khách cùng đi chung xe, tàu..., nói chung là những người cùng đi chung một đường, mà có thể đã từng quen biết hoặc không cũng gọi là bạn đường hết ráo.
- Đúng. Dzậy chớ còn "bạn đời" là sao ?
- Thì là dzợ chồng chớ còn là sao.
- Cũng đúng luôn.
- Dzậy có gì théc méc ?
- Tao hỏi chú Năm mầy chớ "người bạn đường" mà bỗng dưng sống như "bạn đời" mà hổng nhột ? Như chú mầy dzừa biểu có thể họ đã từng quen biết, nhưng cũng có thể họ mới tình cờ gặp nhau lần đầu tiên trên cùng một..., cứ cho là cùng một chuyến xe đi, thế mà sau đó "sống" dzới nhau "như bạn đời" tức là như dzợ chồng cái rụp coi có ngon hông ?
- ?
- Dzậy tao hỏi chú Năm mầy chớ hát như dzậy coi bộ khuyến khích sắp nhỏ "sống thử" quá chớ...
- ?
- Lại nữa, bạn đời là dzợ chồng. Mà sắp nhỏ trước khi làm đám cưới đều học Giáo lý Hôn Nhơn là chỉ có một dzợ một chồng, cấm ly thân ly dzị... Dzậy mà "bạn đời" lại "sống như bạn đường", nghĩa là chán rồi thì cứ anh đường anh, tui đường tui, mỗi đứa một đường, thì khác nào cho phép sắp nhỏ khỏi áy náy gì, hổng làm "bạn đời" nữa thì làm "bạn đường"... "Sống như" thôi mà...
- ?

- Cho nên tao nói Hội Thánh Chúa ngày một "rộng thoáng" ra là dzậy đó.



Ba Khều


Những Chuyện Chữ Nghĩa khác :