Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

THÂN PHỤ THÁNH TÊRÊSA GIÊSU HÀI ĐỒNG (tiếp)

THÂN PHỤ THÁNH TÊRÊSA GIÊSU HÀI ĐỒNG (tiếp)

     Rồi khi trường hợp đưa đến những phạm vi hoạt động khác thì tính can đảm lại biến thành bác ái.

     Tại Alençon, tôi đã được chứng kiến nhiều điều mà mẹ tôi đã san sớt phàn vinh hạnh và công nghiệp của cha tôi trong việc thiện. Tôi còn nhớ một người bất hạnh, kiệt sức nằm ngoài đường, được cha mẹ tôi đem về nhà nuôi dưỡng rất hậu, lại cho quần áo, giày vớ. Khi thử áo, thử giày, gương mặt người ấy tươi sáng lên một niềm hạnh phúc, mặc dầu hồi ấy tôi chỉ được bảy tuổi, nhưng hình ảnh đó hiện giờ như còn trước mắt tôi.

     Qua một thời gian, cha tôi điều tra biết được người ấy cô độc, ở nhờ trong một xó vựa lúa và ăn mày theo cửa trại lính. Cha tôi liền vận động ráo riết cho người ấy được vào viện Tế bần (1) của các bà chuyên việc nuôi kẻ nghèo.

     Nhiều người nghèo túng được cha tôi giúp đỡ như vậy. Cũng có một gia đình thuộc phái trung lưu, cha tôi để ý thấy một người buồn bực đứng dựa vào song sắt trụ sở quận, hình như quẫn bách lắm. Người liền liệu giải quyết ngay những khẩn thiết cấp thời, lại còn tìm cho người chủ gia đình ấy một chỗ làm xứng đáng.

     Cha mẹ chúng tôi đều rất rộng rãi. Không những hi sinh nghỉ ngơi để an ủi, nâng đỡ những người xấu số, mà còn giúp bề tài chánh. Đi đường, lúc nào cha tôi cũng sẵn tiền, hễ gặp kẻ khó là bố thí.

     Cha mẹ tôi cũng âu yếm săn sóc đến những người thợ làm công trong nhà, đối xử với họ tử tế. Những chị thợ làm ren ở Alençon cũng vậy, cha mẹ tôi năng đến thăm, và khi thấy họ thiếu thốn vật chi thì không chịu được.

     Nếu đi đâu gặp người say rượu, cha tôi liền dẫn họ về nhà, nhưng cũng không quên kèm theo cử chỉ bác ái đó một vài lời khuyến miễn. Một lần kia có anh chàng say nhào xuống suối, người đỡ dậy, lại còn xách giùm cái hộp đồ nghề của anh và đưa anh về tận nhà.

     Một trường hợp khác ở ga xe lửa, cha tôi thấy một người bị bịnh động kinh không tiền mua vé xe, người liền ngửa nón xin tiền hành khách để mua vé, và đỡ người ấy lên toa xe.

     Tôi còn được biết một cử chỉ bác ái kín đáo sau này làm tôi rất cảm động : chúng tôi ra đồng dạo chơi, vừa ra khỏi châu thành thì cha tôi vào một căn nhà, chúng tôi không biết của ai, nhưng hình như cha tôi quen thuộc. Trong nhà chỉ có một phụ nữ và mấy đứa con. Cha tôi cho người mẹ gia đình đó một số tiền. Bỡ ngỡ, tôi hỏi : "Thưa cha, cha quen chị đó sao ?" - Người trả lời : "Phải, chị này đáng thương lắm, con, vì chồng chị bỏ chị đã lâu nên thỉnh thoảng cha quen đến giúp."

     Người không thể thấy cảnh khổ mà không an ủi giúp đỡ. Một buổi mai kia, ở nhà thờ, người gặp một ông lão có vẻ kiệt sức, người liền dẫn về Buissonnets săn sóc. Khi ra đi, ông tỏ vẻ biết ơn, thì cha tôi lại bảo chúng tôi - Têrêsa và tôi - quỳ xuống dưới chân ông lão để xin ông chúc lành. Lúc đó chúng tôi đã lớn, các chị chúng tôi đã vào nhà phước cả rồi.




     Đức bác ái của cha tôi còn rực rỡ trong một đặc điểm khác ; sau khi [cha tôi] qua đời nghe lời người ta nói sau đây thì đủ rõ : "Đức bác ái của ông Martin rất đáng phục, không khi nào ông xét đoán ai, và luôn luôn chữa lỗi cho người khác." - Lời khen tặng thành thực này là của các ông bạn thâm niên của người ở Alençon.