Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

TIN MỪNG CHÚA CƯU THẾ


TIN MỪNG CHÚA CỨU THẾ (tiếp) 


           Cô thưa : "Việc ấy sao thành,
"Vì tôi nguyện giữ khiết trinh trọn đời ?"
            Sứ thần Thiên Chúa đáp lời :
"Quyền năng Chúa sẽ trên người rợp che :
            "Thánh Linh ngự xuống uy nghi,
"Bởi Con Chúa chính Hài Nhi Thánh này !
            "I-sa-ve chị họ người,
"Vẫn từng mang tiếng hiếm hoi muộn mằn,
            "Hoài thai nay đã nửa năm :
"Việc kì diệu Đức Chúa ban cho bà.
            "Với quyền năng Chúa bao la,
"Không điều gì lại kể là khó khăn !"
            Ma-ri-a mới thưa rằng :
"Này tì nữ Chúa xin vâng lời Người.
            "Xin cho thành sự nơi tôi !"
Ngay giây phút ấy Ngôi Lời xuống thai.
            Chúa Trời nhập thể từ đây,
Thiên đàng kính ngưỡng phút giây nhiệm mầu.
            Thời cứu độ đã khởi đầu,
Đất trời nối lại ước giao muôn đời.
            Hoàn thành sứ mệnh Chúa sai,
Thiên thần từ tạ cô rồi biến đi.



Đức Ma-ri-a viếng thăm bà I-sa-ve 
(Lc 1:39-45)



            Ma-ri-a mãi gẫm suy :
Việc tay Chúa thật diệu kì lớn lao.
            Ôi tình yêu rất cao sâu,
Lòng nào cảm hết, trí đâu biết tường !
            Rồi cô thu xếp lên đường,
Gập ghềnh vượt mấy dặm trường sơn khê,
            Đến miền núi xứ Giu-đê,
Viếng thăm chị họ đang kì hoài thai.
            Chị em xa cách lâu ngày,
Gặp nhau mừng rỡ trao lời hàn huyên.
            Cô vừa thoạt cất tiếng lên,
Thai nhi lòng chị bỗng liền nhảy vui.
            I-sa-ve những bồi hồi,
Thánh Linh Chúa khiến cất lời cao rao :
            "Ma-ri-a phúc dường bao,
"Trong hàng phụ nữ ai đâu sánh tày !
            "Con lòng em phúc lạ thay,
"Sao tôi được Mẹ Chúa nay đến cùng !
            "Vì nghe em nói vừa xong,
"Bé con đã nhảy mừng trong lòng mình !
            "Phúc cho em đã vững tin
"Mọi điều Chúa phán sẽ nên vẹn toàn !"





TINH THẦN TÔNG ĐỒ

     Cha mẹ tôi rất chú trọng đến phần rỗi linh hồn người ta, thường hay cầu nguyện và xin kẻ khác cầu nguyện cho người tội lỗi, như khi có một người hàng xóm liệt nặng thì ra sức liệu sao cho được chịu các phép bí tích sau hết.
     Lúc chị Pauline đang tòng học nội trú tại dòng Đức Mẹ thăm viếng ở Mans, ngày 14 tháng 5 năm 1876, mẹ tôi có viết trong thư như vầy : "Mẹ xin con, nhất là dì con, cầu nguyện cho một người hòng qua đời, đã 40 năm không xưng tội. Cha con làm hết sức cho người đó trở lại."
     Việc tông đồ phổ thông nhất trong họ chúng tôi là Hội Truyền Giáo. Hằng năm cha mẹ tôi dâng cho Hội một số tiền khá lớn.
     Khi các ngài cầu nguyện, thường không quên cầu theo ý Hội Thánh và Đức Thánh Cha. Trong nhà, chúng tôi cũng hay nghe nói đến những nỗi khốn khổ Hội Thánh phải chịu, Đức Thánh Cha phải lưu đày, cuộc bách hại tôn giáo đang khởi mào ở Pháp và trong cả thế giới. Còn điều này tôi tưởng cũng nên ghi lại : cha mẹ tôi tin cậy, mong nhờ thánh lễ Misa hơn các lời cầu nguyện khác, lại hay lo xin lễ cầu cho các đẳng.
     Sau này cũng vẫn còn thấy dầu bệnh hoạn đau phiền cũng không sao vùi lấp được tâm trạng cha tôi hay lo lắng cho đồng loại.
     Cha mẹ chúng tôi có thể rút lui vào khung cảnh gia đình, sống ẩn dật, để cùng nhau hưởng niềm vui thân mật. Nhưng không, các ngài đã mở tầm nắt chúng tôi, làm cho chúng tôi biết nghĩ đến người khác.
     Cũng vì đó cha tôi đã nói với Têrêsa về tên phạm nhân Pranzini. Tên này nhờ Têrêsa mới được ơn cứu rỗi.

CAN ĐẢM - BÁC ÁI VỚI ĐỒNG LOẠI

     Thêm vào lòng mến Chúa và tinh thần sống theo đức tin, cậy, cha tôi còn có lòng thương người tột bậc. Đời người có đứn này là trổi hơn cả.
     Dầu nửa đêm, nhưng hễ nghe báo hiệu hoả tai thì người tốc dậy liền và chạy đến chữa chỗ nào nguy hiểm nhất. Chúng tôi đã từng biết cha chúng tôi can đảm, nên khi đến giờ hẹn mà chưa thấy về thì chúng tôi bồi hồi e ngại.
     Có cuộc ẩu đả chúng tôi sợ người vào can rồi bị đánh lây ; hay có ai chết đuối chúng tôi cũng lo, bởi người lội giỏi, thường hay nhảy ào xuống vớt, không ngần ngại liều chết để cứu kẻ khác.
     Lúc còn trai trẻ, cha tôi đã vớt được nhiều người. Mà có một lần rất nguy, may chứ nếu không cũng chết, vì nạn nhân hoảng quá cứ đánh liều ôm chặt cổ người làm tê liệt cử động không nổi nữa.
     Thấy những tổ chức thanh thiếu niên hiện tại, tôi nghĩ : ngày xưa cha tôi rất hài lòng được làm thiếu sinh quân, giả như có phong trào thanh niên như nay, chắc người sẽ thích gia nhập đoàn Hướng Đạo. Cắm trại mạo hiểm đối với người chắc là thú vị lắm.
     Người can đảm bất khuất, lại cương quyết nhẫn nại và có nghị lực phi thường, thật xứng làm con một vị sĩ quan.
     Trong thư mẹ tôi thuật lại cuộc quân đội Phổ [= Prussie (fr.), Prussia (eng.)] chiếm đóng Alençon hồi tháng 11 năm 1870, có đoạn sau này minh chứng : "Tôi đoán có sai đâu, chánh phủ còn có thể đưa ra mặt trận những đàn ông từ 40 đến 50 tuổi. Còn bạn tôi [tức là cha Têrêsa] không chút băn khoăn, không xin miễn dịch lại thường nói : nếu được sẽ tình nguyện gia nhập đội nghĩa dũng quân."
     Cha tôi bình tĩnh đặc biệt. Mấy người giúp việc trong nhà đều nhận thấy. Một chị giúp việc ở Buissonnets viết thư cho dòng kín, có nhắc đến đức tính này : "Ông Martin, trước nhất là một đấng thánh, ông lại rất can đảm, không sợ gì cả..."
     Thật vậy, hễ nghe đâu có kẻ lâm nguy, người liền chạy đến tiếp cứu. Một buổi sáng kia, túp lều trước Buissonnets phát hoả dữ dội, người xông vào cứu được bà lão Ái-nhĩ-lan ở một mình trong lều, và dập tắt được ngọn lửa. Trong những trường hợp như vậy, người không muốn ai tiếp phụ, và bảo người ta đừng hô hoảng, vì sợ người gian giảo thừa dịp cướp của.
     Sau đó, bà lão Ái-nhĩ-lan giơ tay lên trời, với một ngôn ngữ riêng biệt, bà xin Chúa ban mọi phúc lành cho vị ân nhân đã cứu bà. Việc này chính tôi được mục kích.

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

SONG THÂN THÁNH NỮ TÊRÊSA (tiếp)

        Những chi liên quan đến Chúa đều làm cho người say mê. Nhân một buổi lễ Sinh Nhật [của Chúa Giê-su = lễ Giáng Sinh] : lúc ngày sống sắp tàn, nơi nhà khách ở Nhà Kín, người nói với Sœur Agnès de Jésus "Một Hài nhi ! Ôi ! Chúa đã tự hạ mình đến thế, lẽ gì không hấp dẫn được lòng nhân loại ? Hài nhi đáng yêu mến dường nào !"
        Người cũng có lòng tôn sùng Năm Dấu Thánh Chúa nữa.
        Tôi nghe người thường nói chuyện với mẹ tôi về thiên đàng, về cuộc đời đời,
        Alençon cũng như Lisieux, người chỉ có những sách đạo đức thôi. Cũng nhờ cha tôi mà em Têrêsa biết được quyển sách "Ngày tận thế và những mầu nhiệm đời sau" của cha Arminjon viết. Quyển sách đã làm nhiều lợi ích cho Têrêsa mà chính Sœur Agnès de Jésus đã cho cha tôi mượn.
        Cha tôi cũng đi cấm phòng kín. Một trong những lần người đến tĩnh tâm trong dòng khổ tu Soligny, người ta còn ghi giữ lại ngày tháng.
        Người thích những cuộc kính viếng các nơi thánh. Khởi hành thì ăn chay rồi chống gậy mà đi đến nhà thờ Đức Mẹ ở Séez hay các nhà thờ gần Alençon. Nhiều lần cũng đi đến Chartres. Mục đích cuộc kính viếng là : xin một ơn nào, như cho con khỏi bịnh hay cầu nguyện cho nước Pháp thoát nguy.
        Dư luận hay phê bình không làm cho người e ngại. Trái lại người kể việc biểu dương ý kiến đạo đức làm một danh dự. Ngày kia một đoàn giáo lữ địa phương đi kính viếng Lô-đức về, tới ga Alençon thì đụng đầu một nhóm biểu tình chế nhạo. Đoàn giáo lữ thì sợ, còn người mạnh dạn xông ra, dẫn đầu, cổ đeo chuỗi, tiến vào giữa đám người ấy làm họ giải tán ngay.
        Lần khác, trên đường kiệu Mình Thánh Chúa, người lanh tay hất văng cái mũ của anh chàng ngạo mạn, có thái độ xấc xược, muốn tỏ ra mình không thèm dở nón khi Mình Thánh Chúa đi qua. Cho nên nhiều tay nghịch đạo cũng phải nể người, mặc dầu trong nhiều trường hợp cử chỉ của người đã cho họ lắm bài học đích đáng.
        Thấy trẻ giúp lễ không rành hay quên sót, cha tôi cũng không chịu được. Một buổi kia, tôi ngạc nhiên thấy người bỏ chỗ quỳ, đến lấy cái chuông để gần bổn đạo mà rung khi dâng Mình Thánh Chúa.

        Người giữ kỹ những ngày chay buộc, dù ở nhà có tiếp những ông khách không giữ đạo cũng mặc.
        Mẹ tôi viết thư cho cậu tôi ngày 16 tháng 5 như vầy : "Cậu có cho tôi hay, nội tuần này dì [có lẽ đúng hơn phải là "mợ" vì là vợ của cậu] ở Ba-lê [= Paris] sẽ đến thăm. Tin này làm cho cả nhà thích lắm và đã mừng lần lần rồi. Cậu có nói : dì chỉ ở lại một ngày thôi. Việc đó sẽ tính sau vì tôi muốn dì ở lâu hơn. Nhưng nếu được thì cậu hãy bảo dì : tốt hơn là tuần sau sẽ đến... vì Thứ Tư, Thứ Sáu và Thứ Bảy tuần này là ngày chay Bốn Mùa. Cậu biết Louis [tức là cha Têrêsa] giữ luật Hội Thánh rất nhặt, ăn thịt và bỏ chay để được một đế quốc ông ấy cũng không thèm. Còn dì, tôi biết có giữ hay không ? Mới trong Mùa Chay này ông D. đến chơi, cậu không thể tưởng tượng chúng tôi ái ngại như thế nào : Louis cứ giữ chay một mình, còn tôi, tôi nghĩ hoàn cảnh chuẩn được ; đang lúc chúng tôi ngon miệng thì Louis chỉ dùng một ít thức ăn nhẹ thôi, tất nhiên là không dọn thịt cho ông được."

        Đặc biệt hơn nữa, cha tôi rất thận trọng giữ ngày Chúa Nhật. Chúa Nhật đối với người là một ngày thánh. Người hoàn toàn nghỉ việc, đến nỗi các bạn của người cho cái hành vi như thế là quá đáng.
        Họ thúc cha tôi mở cửa tiệm trong ngày lễ, mở một cánh nhỏ cũng được, nếu không thì mất cơ hội được nhiều mối lợi. Những ngày lễ, cửa hiệu tạp hoá đối diện dập dìu những khách vào ra, phần nhiều là dân quê tới Alençon sắm những vật dọn cưới, rửa tội hay làm quà v.v... rất thuận chiều buôn bán. Nhưng vô ích ! Cho [= đối với] người khác có lẽ đã xiêu lòng, còn cha tôi không lay chuyển được.
        Cũng tại vậy mà ngày Chúa Nhật người không mua món gì cả. Một lần người thấy họ chưng hàng, có viên đá mài vừa ý, thì người dặn để dành ngày mai người sẽ đến mua.
        Chúng tôi cũng theo một nguyên tắc đó, cho nên ngày áp lễ thì chúng tôi làm bánh để dùng luôn trong ngày lễ.
        Trong thư gửi cho mợ Guérin, mẹ tôi có viết : "Nhiều lần thấy Louis giữ Chúa Nhật rất chu đáo, tôi thánh phục và thầm nghĩ : người như vậy không bao giờ mong chuyện làm giàu. Khi mới mở cửa hiệu, cha giải tội cho phép ngày Chúa Nhật bán tới trưa, nhưng ông không chịu dùng ơn rộng này, đành không tiêu thụ được hàng hoá làm hơn. Nhưng dù vậy ông cũng giàu. Tôi thiết tưởng : sung túc như vậy không vì nguyên nhân nào hơn là Chúa chúc lành và là cái kết quả của việc trung thành giữ ngày Chúa Nhật."
        Tôi thấy cha tôi chào tất cả các giáo sĩ người gặp, lòng tôi rất cảm khích. Người đặc biệt tôn kính các cha, tôi chưa thấy ai hơn nữa. Vì vậy mà lúc tôi còn nhỏ tôi cứ tưởng các cha là thần thánh, vì tôi mải quen thấy cha mẹ tôi đối đãi các ngài biệt hẳn với hạng người thường.
        Không bao giờ tôi nghe người chỉ trích các linh mục, hay phê bình bài giảng của các ngài. Người chỉ chăm chú, cung kính nghe lời của Chúa, không để ý xét dụng cụ Chúa dùng để giảng lời đó có giá trị như thế nào.